TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Gió và Mây

 

            Phong thấy mình ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc dưới dàn hoa thiên lý ở vườn sau nhà để đợi Vũ về. Khi nghe thấy tiếng chân rón rén bước tới sau lưng, chàng buông cuốn sách đang đọc xuống đùi và chờ đợi. Phong biết là cô bé đang tới và sẽ bất thình lình òa vào lưng chàng để cho chàng giật mình. Và cũng như mọi lần trước Mây sẽ cười nắc nẻ vì đã bắt chợt được Phong đang triền miên trong suy tư. Nhưng lần này chàng bỗng thấy một đôi bàn tay nhỏ nhắn quàng từ sau lưng ra bịt mắt mình. Phong đưa hai tay lên cầm lấy đôi tay của Mây kéo xuống và bừng mở mắt để thấy mình vẫn đang ngồi truớc bàn học trong thư phòng của chàng ở đại học Colorado. Thêm một lần nữa, chàng vừa trải qua một giấc mơ giữa ban ngày, một giấc mơ trong khi người vẫn thức tỉnh, và Mây vẫn ở xa chàng với bao khoảng không gian và thời gian cách biệt.

            Mấy tháng qua Phong đã vùi đầu vào sách vở. Chàng đã đốt nhiều giai đoạn để cấp tốc học xong những môn cần thiết, và qua những kỳ khảo hạch, để có thể chuyển sang giai đoạn nghiên cứu và viết luận án. Ở cùng đại học không có nhiều nam sinh viên người Việt mà chỉ có một số nữ sinh đang theo học ngành y tá điều dưỡng. Họ coi chàng như người anh lớn và nhiều lần mời chàng vào dịp cuối tuần lại phòng các cô ở chung nhau dưới tỉnh để cùng tổ chức những bữa cơm Việt Nam thật là thịnh soạn. Phong chỉ đến một lần, và khi tới chàng đã khệ nệ mang cho mấy cô sinh viên trẻ một số đồ hộp mà tuần trước chàng đã đi mua ở hiệu Tàu ở Denver mang về. Tuy Boulder là một thành phố đại học, luôn luôn có nhiều người ngoại quốc đến thăm viếng, những mùa khai trường và mãn khoá, mùa thu có những trận đấu bóng, mùa hè có những chương trình ca vũ nhạc, quanh năm lúc nào cũng có những hoạt động lôi kéo khách du và gia đình sinh viên tới tham dự, trong tỉnh có nhiều khách sạn sang trọng, và nhiều tiệm ăn của đủ các miền trên thế giới, nhưng lại chỉ có một hiệu cơm Tàu thật nghèo nàn. Muốn mua thực phẩm Á đông mọi người phải đi Denver là thành phố chính ở cách xa gần một giờ lái xe, mà chỉ mình Phong là có phương tiện chuyên chở. Bọn nữ sinh tinh nghịch mấy lần định nhờ chàng đưa các cô đi mua thực phẩm nhưng bao giờ chàng cũng khéo léo từ chối. Họ chỉ còn thầm thì với nhau và nói là anh chàng trông nghiêm nghị này chắc đã có ý trung nhân nào ở nhà chờ đợi. Phong là người nặng tình quê hương nên trong những năm sống ở Pháp, và nay ở Hoa Kỳ, lại một lần nữa ở xa xứ sở, chàng không bao giờ nghĩ đến chuyện tránh tiếp xúc với người đồng hương. Nhưng chàng không muốn quàng vào hệ lụy, vì Phong còn một sứ mạng phải lo cho tròn. Từ ngày rũ áo phong sương, cởi chiếc ba lô kháng chiến để vào thành, chàng đã có lời thề nguyện với núi sông, là phải làm được điều gì đáng kể cho quê hương. Nhưng để đạt được giấc mộng lớn, Phong cũng có những giấc mộng con, như dùi mài kinh sử để qua được khoa kỳ, học thêm được một ngành chuyên môn ở nước người, sau này về nước chắc cũng có ngày đem ra áp dụng. Lúc này hơn lúc nào hết, chàng không muốn tâm trí bị bận rộn về những chuyện tình cảm vấn vương.

******       

            Tuy ôm đồm nhiều thứ, nhưng Phong thường nghĩ là mình có một ý chí mạnh để tập trung tư tưởng, gạt được sang bên những gì bận lòng để hoàn thành tâm nguyện.  Chàng nhớ lại ngày xưa khi còn ở trung học đã được nghe một giáo sư triết học luận thuyết rằng muốn làm được nhiều việc cùng một lúc, con người phải biết tập trung tư tưởng, mỗi lần chỉ nên làm một việc cho trọn vẹn. Ông đã ví những công việc phải làm, những đề án đang tiến hành như đang được chứa đựng trong những ngăn kéo, hay hộc tủ, mỗi lần hành sự chỉ được kéo ra một ngăn, làm trọn công việc rồi đóng lại. Phong còn nhớ là ông thầy này sau đó muốn cho bài giảng có một chút thi vị đã đọc bài thơ

Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường, quân mạc tiếu,
Kỷ lai, chinh chiến kỷ nhân hồi?

            Bài thơ kể câu chuyện ngày xưa có vị tướng quân tay cầm chén ngọc dạ quang chứa rượu bồ đào thơm ngon, ngồi trên lưng ngựa nghe tiếng đàn tỳ bà đánh khúc quân hành, và uống say túy lúy mà không sợ ai cười vì ra đi chinh chiến có mấy ai là người trở về. Và ông thầy đã giảng tiếp là đêm hôm trước, khi uống rượu là chinh nhân đã mở ra cái túi nhỏ, cái túi tình cảm, rồi đóng ngay lại để ngày hôm sau lâm trận, dàn quân, ngựa phi ào ào như thác đổ, tiếng hét sát địch vang dội sa trường, và lúc ấy vị tướng quân mở ra khung cửa lớn, tỏ chí làm trai. Giờ đây trong trí não của Phong cũng có mấy hộc tủ để chàng rộn ràng đóng và mở. Nhưng có hình ảnh một cô bé, bọc trong một chiếc khăn lụa mầu tím, đôi khi chàng mở ra ngắm nghiá, mà nay chàng không thể nào gói lại để cất đi được. Hình ảnh của Mây luôn luôn đến với Phong, tới ý nghĩ chàng, ở phòng học, phòng ăn, ở thư viện, ở trên xe khi đi đường và đôi khi Mây đến với chàng trong mộng. Lúc nào Phong cũng thấy Mây như  đâu đây ở bên mình. Cũng may là cô bé không cản trở công việc học hành và nghiên cứu của chàng. Trái lại, mỗi khi nhận được thư của Mây, Phong lại cảm thấy yêu đời hơn. Có khi chàng nghĩ đến Mây và tự nhiên cười một mình. Hôm đó ở trong thư viện, cùng ngồi ở bàn đọc sách, trông thấy nét mặt tươi cười của chàng, một cô nữ sinh kế bên bỗng hỏi:

-  Are you happy, today?

-  Yes I am.

Chàng trả lời như vậy, và lại cúi đầu nhìn xuống trang sách. Hình ảnh của Mây thoáng hiện ra rồi lại vụt biến đi, trả lại chàng với những định đề toán học.

******       

            Trong những ngày xa quê hương, Vũ là mối giây liên lạc của Phong, cho chàng biết tình hình gia đình, bạn bè, và điều quan hệ nhất là cho chàng biết tình hình đất nước. Vũ là một con người rất đặc biệt. Là con nhà giàu, lại học hành thông minh hơn người, chàng có thể dễ dàng học để trở thành một bác sĩ y khoa hay có thể xin bố mẹ cho đi Pháp học kỹ sư chuyên ngành. Nhưng Vũ đã quyết định ở lại để nối nghiệp bố kinh doanh trong kỹ nghệ xây cất, sau khi đậu xong bằng cử nhân toán học. Văn bằng chuyên khoa này cũng không phải hoàn toàn vô dụng, vì nó giúp cho chàng có được một bộ óc phân tích để phán đoán một cách sáng suốt công việc. Ngoài việc giúp bố trong thương trường, Vũ cũng là giáo sư toán dạy giờ cho mấy trường tư thục ở Sài Gòn, cả Công giáo lẫn Phật giáo. Đối với Phong, Vũ vừa là một người bạn thiết, vừa là một cố vấn, vì tất cả mọi quyết định quan trọng, Phong đều bàn với Vũ. Phong cũng giúp Vũ nhiều ý kiến trong công nghiệp khi được hỏi đến. Chỉ có chuyện tình cảm riêng của hai người, thì cả hai đều chịu, không ai khuyên được ai điều gì. Mẹ Vũ đã nhiều lần nhờ Phong khuyên cậu con cả của bà lập gia đình để chóng có cháu nội cho bà. Nhưng chính chuyện gia thất của Phong cũng chưa đi đến đâu thì chàng còn đóng vai mai mối được cho ai.

            Chiều nay nhận được thư của Vũ, lúc đọc Phong không khỏi nghĩ đến những lần đến chơi nhà người bạn, chàng được mọi người quý mến như trong tình ruột thịt. Lúc Phong chưa tới với gia đình thì Mây được Vũ cưng chiều nhất và cô bé làm nũng ông anh đủ điều. Từ khi Phong ở Pháp về, hay lại chơi nhà, thì chàng đôi khi giảng bài cho cô bé mỗi khi Vũ mắc bận, chủ yếu là kèm toán. Mây tự dưng thêm được một ông anh có tài toàn diện tha hồ mà bắt bẻ, mà làm nũng. Từ ngày chuyển sang trường Việt thì Mây lại khám phá ra là ông anh suốt đời ở Việt Nam thì lại dốt tiếng Việt, còn ông anh mới lạ này, học ở bên Pháp về thì lại “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, làu thông sách vở tân và cổ, hỏi câu gì cũng trả lời được. Đặc biệt là tuy trong cách cư xử, Phong có vẻ rất Tây phương, nhưng chàng cũng có kiến thức sâu rộng về Hán học. Cũng nhờ sự chỉ dẫn của  Phong mà cô bé biết được rằng tên Phương Vân do bố mẹ đặt cho mình có ý nghĩa đặc biệt, vì chữ Phương có nghĩa là tốt lành, là hương thơm, và Vân là Mây, như các anh chị vẫn gọi cô bé. Hợp lại thành tên Phương Vân là song thân đã coi cô như là một áng mây lành Trời đưa lại cho gia đình. Mây cũng hỏi anh về tên của anh có nghĩa đặc biệt gì, thì Phong chỉ nói giản dị là hiểu theo nghĩa thông thường thì Phong có nghĩa là Gió, nhưng cũng có nghĩa là tốt lành, có dáng đẹp, khi dùng theo tiếng kép như phong-tư, phong-thái, phong-nhã…. Nhân dịp ở trường Gia Long, Mây đang theo học trong chương trình Việt, các thầy cô đang giảng dạy những áng thơ kiệt tác trong văn học Việt Nam như Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm, Phong lấy thí dụ trong truyện Kiều khi tả vẻ đẹp thư sinh tao nhã của Kim Trọng, thi hào Nguyễn Du đã viết

“Phong- tư tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong- nhã, ra ngoài hào-hoa.”

            Trong hai câu thơ anh đọc cho cô bé nghe có hai chữ “phong” nhưng hiểu theo nghĩa thanh cao, nhẹ nhàng chứ không phải là gió thổi mạnh mẽ dạt dào. Từ ông thầy dạy Toán, rồi nay sang dạy Văn, càng có dịp gần Phong cô bé càng thấy mình là dốt. Vậy mà những năm còn nhỏ, có lần đi lễ cầu an với Mẹ, gặp một thầy biết coi tướng đã nói là gương mặt cô là hồng diện, lại được chiếc mũi trông sang, như thế sẽ “triệt” đối tượng. Lời thầy đoán tuy chỉ vu vơ thoảng qua, nhưng thỉnh thoảng nhớ tới lại gây mặc cảm cho cô bé vì cô sợ như thế sẽ mang điều không tốt lành cho người cô gặp. Khi biết chuyện, các anh chị chỉ cười cô bé tin nhảm và an ủi rằng nếu thật như thế chỉ có nghĩa là Mây gặp ai thì người ấy sẽ phải nghe lời và chiều chuộng cô bé. Cho đến nay thì chỉ có Phong là người tuy cũng rất chiều Phương Vân, nhưng phần triệt có lẽ lại về bên cô em bé bỏng vì theo cô, anh là người sinh ra để chiến thắng. Có lần Mây mang câu chuyện ra hỏi anh thì được Phong giải thích ngọn ngành và tối hôm đó Mây viết nắn nót trong cuốn nhật ký của mình hai chữ “Phong Vân” và nhớ lại lời anh nói là khi hai chữ Gió và Mây đứng chung với nhau có nghĩa là gió thổi mây lên, là dấu hiệu thành công như trong văn chương người ta thường hay dùng những cụm từ “phong vân gặp hội” để tả những anh hùng gặp được thời thế để trổ tài thao lược.

            Có một  lần đọc cuốn “Chinh Phụ Ngâm”, Mây thấy chữ gió là tên anh viết  trong sách qua câu:

“ Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này, nghỉ mát phương nao”.

Mây mang sách ra nhờ đệ nhất sư phụ giảng nghĩa hai chữ “gió cát” thì được nghe Vũ  luận bình rằng:

-  Gió cát là gió cát chứ có gì mà không hiểu! Gió đã thổi thì cát phải bay, quyện lấy nhau, tung bay bụi mù, chàng chinh phu đi vào gió cát thì phải trần ai khổ sở.

Cô bé giậm chân hờn dỗi:

-  Như thế thì không đúng. Gió xưa nay bao giờ cũng nhẹ nhàng. Gió không muốn làm ai khổ sở cả.

Ông anh cả phải đầu hàng ngay, vì vừa giải thích một chữ cỏn con mà cô bé đã chu choa lên là người nào đó không muốn làm cho ai phải đau lòng. Giữa lúc ấy thì Phong lại chơi nên Vũ  nhường chức ngay:

-  Mấy chữ đó khó quá, để anh Phong giải nghĩa cho em.

Mây tươi ngay nét mặt mang sách đến hỏi đệ nhị sư phụ. Phong nghe hiểu câu chuyện rồi tươi cười bảo cô bé:

-  Gió và Mây chỉ là những danh từ trong khí tượng học. Khi dùng đặt tên người thì thường dùng âm chữ Hán là Phong hay Vân, đọc lên nghe thi vị hơn. Tên của anh có nghĩa là Gió, thì đi với chữ nào cũng hợp cả. Gió có thể thổi đến từ bất kỳ phương nào, vì vậy khi đọc sách em sẽ thấy những chữ kép như gió đông, gió tây, gió nam hay gió bắc. Khi em còn ở Hà Nội thì những cơn gió Nam thường mang lại hơi nóng và được gọi là gió nồm. Ngược lại, về mùa đông những cơn gió Bắc thường lạnh buốt và được gọi là gió bấc. Gió cũng đi với các mùa, như gió mùa đông, gió mùa thu ..., gọi tắt là gió đông, gió thu... . Gió thổi cũng có thể mạnh hay yếu. Ở bờ biển nước mình từ ngoài Biển Đông thổi vào thường hay có những trận bão lớn, người Hoa gọi là Đại Phong và người Âu Tây dựa theo cách phát âm mà gọi là Typhoon.

Cô bé nghe giảng giải mà phục ông anh sát đất. Cô thử tài ông thầy:

-  Có nhiều gió như vậy mà sao trong cuốn sách của Mây lại chỉ có gió cát mà thôi?

-  Có chứ . Em đọc tiếp xuống mấy câu dưới thì sẽ lại thấy ngay:

“Hơi gió lạnh người rầu, mặt dạn ,
Giòng nước sâu ngựa nản chân bon”.

Cô bé bậm môi, gật đầu:

-  Phải Mây tìm thấy rồi. Nhưng gió lạnh thì cũng buồn như gió cát. Em muốn làn gió thổi nhè nhẹ thôi. Anh Phong tìm hộ cho Mây đi.

Phong muốn cho Mây tự tìm lấy trong sách vì học kiểu này thì không thể nào tấn tới được. Nhưng vì chàng có việc cần bàn với Vũ nên đành phải chiều cô. Chàng lật thêm mấy trang sách rồi chỉ vào một đoạn và bảo cô bé:

-  Cuốn thơ Chinh Phụ Ngâm này tả nỗi lòng của một người chinh phụ có chồng đi chinh chiến ở ngoài quan ải xa xôi nên lời thơ đượm màu thương nhớ, đọc lên thấy buồn. Tuy vậy cũng có những đoạn thơ rất hay, tả cảnh vật đìu hiu, hoang vắng, rất phù hợp với tâm tình người trong truyện. Thí dụ như ở đây, chỉ có bốn câu mà đã có tới hai chữ gió, hai câu trên tả cảnh gió thổi ào ạt, hai câu dưới lại gợi ý một làn gió thổi nhẹ nhàng:

“Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu, gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay, ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm”.

******    

            Phong đọc lại nhiều lần lá thư của Vũ chàng mới nhận được mà vẫn không hiểu là người bạn muốn khuyên chàng mau chóng trở về hay nấn ná ở lại. Theo Vũ thì tình hình chính trị bên nhà giờ rất rối ren. Chàng nghĩ là một năm trước đây Phong bỏ ra đi thật là đúng lúc. Nhưng cùng một lúc Vũ nghĩ là nếu Phong còn ở lại nhà thì tình hình có thể đổi khác. Bây giờ người dân đã mất hết tin tưởng ở những người lãnh đạo, trong khi ấy áp lực từ miền Bắc càng ngày càng mạnh. Các lực lượng chính trị đang dựa vào ảnh hưởng của các tôn giáo để đòi hỏi một sự cải tổ chính phủ. Cuối thư Vũ khuyên người bạn nên theo dõi tình hình chính trị ở nhà qua báo chí ở nước ngoài mà chàng tin là có những tin tức trung thực hơn để tìm lấy một quyết định cho chính mình. Vũ cũng nhắc cho Phong nên tìm hiểu đường lối chính trị của Hoa Kỳ qua những người bạn Mỹ mà chàng quen biết.

            Lúc còn ở bên nhà, mỗi khi bàn chuyện với Vũ bao giờ Phong cũng được người bạn cho những lời khuyên thật xác đáng. Lần này chàng có cảm tưởng rằng Vũ chỉ đóng vai một người thông tin mà thôi và chàng càng thêm bối rối. Qua những lá thư trước đây của Vũ mà Phong thường nhận được, ít nhất mỗi tháng một lần, bao giờ Vũ  cũng cho chàng biết tin nhà, và đặc biệt là tin về cô bé học trò. Là bạn chơi thân với nhau có lẽ cũng gần mười năm trời, Vũ rất mến phục Phong và nghĩ rằng chàng có nhiều ưu điểm, sau này có thể trở thành một trong những cột trụ của quốc gia. Nhưng Vũ cũng dư biết rằng Phong có cảm tình đặc biệt với cô bé, và Mây chính là yếu điểm của chàng. Vì vậy lần này Vũ cố tình không nhắc gì đến Mây trong thư viết gửi Phong vì chàng không muốn cho người bạn thân phải bận tâm về cô em gái của mình trong khi phải lấy một quyết định quan hệ đến tương lai và sự nghiệp.

******     

           Phong không cần phải đợi có thư của Vũ mới biết tin của cô bé vì tuần nào chàng cũng nhận được ít nhất là một thư của Mây. Hôm nay, chiếc phong bì màu xanh nhạt cô bé thường dùng để gửi thư cũng đến cùng một lượt với thư của Vũ nhưng Phong đã để dành lại tới khi trời về khuya mới đọc. Vào mùa này, ở miền núi, trời ban đêm rất lạnh, nhưng căn buồng của Phong  thực ấm cúng vì có thêm lò sưởi đốt củi với ánh lửa trông nhảy múa như reo vui với chàng. Phong có thói quen hay thức khuya để đọc sách nhưng bao giờ trước khi đi ngủ chàng cũng mang thư của Mây ra đọc. Nếu không phải là thư mới nhận được trong ngày thì chàng cũng đưa thư mới nhất của cô bé ra đọc lại. Thường thì Mây kể cho Phong những chuyện ở học đường, chuyện về những bạn bè hay chuyện về các anh chị trong nhà. Mây cũng tò mò muốn biết về đời sống hiện nay của Phong. Những lời lẽ ngây thơ của cô bé bao giờ cũng đưa lại cho Phong những niềm vui và làm chàng quên hết những mệt nhọc ban ngày. Nhưng bức thư ngày hôm nay đã đưa lại cho Phong một sự ngạc nhiên vì chàng nhận thấy rằng tuy lời trong thư vẫn còn giữ vẻ hồn nhiên nhưng lại rất chững chạc, đúng là lời nói của một thiếu nữ đang tuổi dậy thì và biết rằng mình đang được người yêu:

            “Mây muốn cho anh biết rằng Mây không còn là cô bé dốt toán nữa. Anh đừng nghĩ là vì không có anh ở đây mà Mây lại đi nhờ người khác kèm toán mà vì người đó giỏi hơn anh nên Mây mới đạt được một bước nhảy vọt và từ một cô bé ngu si, nay Mây đã thành một thiếu nữ thông minh và giỏi toán. Không phải đâu anh, Mây không nhờ ai hết và vẫn còn là cô bé ngu si của anh. Có điều khác là khi xưa, có anh dạy, thì Mây chỉ nghĩ đến chuyện bắt bẻ anh mà không để ý vào bài. Nay không có ai, mà anh Vũ lại bận công việc, nên Mây phải tự tìm hiểu lấy, và đúng như khi xưa anh thường nói là Mây đâu có dốt toán. Mây đã tìm thấy đúng con người của mình, và nếu Mây không thực sự mê văn chương hơn thì Mây cũng có thể nối gót anh Vũ mà đi về ngành toán. Anh em tất phải giống nhau mà. 

            Chắc anh còn ngạc nhiên hơn nữa khi anh biết là Mây đã đọc hết cuốn Chinh Phụ Ngâm. Mây muốn biết tâm sự của người mong đợi người ra đi khi xưa có giống như tâm sự của Mây bây giờ hay không. Anh có nhớ khi xưa anh đã tìm ra được bốn câu trong sách mà chứa được hai chữ gió hay không? Bây giờ Mây cũng muốn viết gửi anh bốn câu lấy trong cuốn chinh phụ mà cũng có hai chữ gió để anh nghĩ xem sao. Bốn câu ấy là:

“Thuở đăng đồ, mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về? Chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió đông,
Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”.

            Nếu anh không giải thích được rõ ràng cho Mây ý nghĩa của bốn câu thơ này thì Mây sẽ mang đi hỏi người khác và sẽ ngừng viết thư cho anh... đúng một tuần cho anh biết thân. Đọc những câu thơ này trong cuốn sách mà anh đã khen là rất hay, và cô giáo của Mây cũng nói như thế, tuy cô không có thuộc nhiều như anh, Mây chỉ hiểu là con người đi xa đã không giữ đúng lời hứa khi hẹn ngày về. Mây còn nhớ là tối hôm đi ăn với anh, chừng hai tuần trước khi anh đi, anh đã nói với Mây là phải mất chừng ba năm anh mới học được hết những điều anh muốn học. Mây đã nói là con người thông minh như anh thì chỉ cần hai năm là có thể học hết được chữ của thiên hạ và anh có cái hẹn ba năm với Mây là vì anh muốn có thì giờ rong chơi xứ người để khỏi bị con bé này quấy rầy mà thôi. Có phải như thế không anh? Mây để anh tự chọn lấy thời hạn nhưng anh phải giữ đúng lời, và Mây đã bắt đầu đếm từng ngày, từ lúc anh bắt đầu bước chân lên máy bay”.

           Phong chợt cảm thấy lạnh và muốn tìm thêm chút hơi ấm cho căn phòng. Chàng kéo ngang chiếc rèm cửa lò sưởi và lấy thanh sắt quấy thêm than hồng cho lửa bùng lên. Chàng cảm nhận thấy được một diễm phúc tuyệt vời khi được đọc những lá thư tâm sự của một cô bé ngây thơ và xinh đẹp và cũng thật thông minh. Vũ cũng có lần nói với bạn là cô em gái vì được nuông chiều nên đôi lúc không chăm chú vào việc học. Nếu Mây là một cô gái nhà nghèo thì chắc sẽ tự phấn đấu để vượt được nghịch cảnh và trở thành một nữ sinh thật xuất sắc nơi học đường. Phong đọc tiếp lá thư và đã cười một mình khi thấy cô bé ví mình như theo một đám mây trôi.

            “Mây thấy anh như đang theo một đám mây trôi. Anh có biết sao không? Khi giảng đến câu:

Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.

cô giáo cũng đã nói như anh, nghĩa chữ Hán, Vân là mây. Em đã nghĩ rằng anh với em như là Gió với  Mây.  Hi hi, anh thấy không, em cũng biết gặp người sang bắt quàng làm họ đấy chứ. Đọc câu thơ ai cũng phải biết là phải có gió thổi thì mây mới trôi đi.  Em chỉ sợ rằng gió sẽ đưa mây trôi đi biền biệt rồi đây không biết sẽ cùng nhau lưu lạc phương nào.”

           Chiếc rèm nhung của căn phòng học ấm cúng của Phong đã được kéo sát lại làm chàng không còn nhìn được bầu trời mùa đông đầy tinh đẩu bên ngoài. Không hiểu sao Phong có ý nghĩ trong đầu rằng nếu chịu được lạnh để ra ngoài lan can bây giờ và nhìn lên trời để tìm những sao mệnh tinh của chàng và của cô bé thì sẽ thấy cả hai ánh sao đứng cạnh nhau và cùng sáng chói. Và nếu chàng có là gió thổi đám mây trôi đi theo như lời cô bé nói thì mây trôi lưu lạc rồi cũng theo gió trở về quê nhà.   

 

(Xin xem tiếp Chương 4)

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC