TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Thư Kiếm Vẫy Vùng (Chương7-NXV)

(Trích từ tập truyện Tìm Nhau Từ Thuở của GS NXV)                                                                                                  

  Chiến tranh ở Việt Nam mỗi ngày một leo thang. Ngoài tin tức đọc trên báo chí, ngày nào Phong cũng dành một giờ vào buổi tối để theo dõi tin tức quốc tế trên đài truyền hình tại phòng khách ở câu lạc bộ thăm viếng là nơi chàng ở. Dù đã sống một phần đời ở xa quê hương nhưng Phong lại là người nặng tình với quốc gia và dân tộc. Tuy có phong thái văn nhân nhưng xưa nay Phong cũng là người năng hoạt động ngoài thiên nhiên. Chàng lớn lên ở ngoài hậu phương trong những năm kháng chiến chống Pháp nên có được một thân thể cường tráng và một sức chịu đựng dẻo dai. Trong những năm là sinh viên ở Hà Nội, mỗi cuối tuần chàng đều dự những buổi họp trại như là một huynh trưởng hướng đạo trong toán Bạch Đằng. Đoàn bơi thuyền do Phong huấn luyện đã dự nhiều cuộc đua trên Hồ Tây và chiếm được nhiều giải mang về cho Toán. Trong thời gian này ở Colorado, vì phải vùi đầu vào công việc khảo cứu, chỉ ở quanh quẩn mấy nơi như thư viện hay phòng máy tính, Phong thấy bực dọc như bị tù túng giữa mấy bức tường, và chàng thực sự thấy nhớ lại những thời vùng vẫy khi xưa.

  Khi xưa Phong chọn đi Pháp học vì được một học bổng trong khuôn khổ của Liên Hiệp Pháp. Lần đầu tiên khi chàng rời nước là giữa lúc lệnh tổng động viên vừa được ban hành và nhiều thanh niên ở thế hệ chàng đã nhận được giấy gọi nhập ngũ. Nhưng không phải vì thế mà chàng chỉ là một sinh viên lo dùi mài kinh sử mà không biết mùi gươm súng. Trường Bách Khoa (École Polytechnique) ở Paris mà chàng đã theo học suốt hai năm, tuy là trường kỹ thuật cao cấp để huấn luyện kỹ sư nhưng lại là một trường quân sự được thành lập từ cuối thế kỷ thứ 18 dưới thời đại đế Napoléon. Ngoài phần học về khoa học và kỹ thuật, Phong cũng phải theo những lớp huấn luyện về quân sự để trở thành một sĩ quan như những bạn đồng học người Pháp dù rằng chàng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Kỷ niệm của những ngày tay cầm bút, tay mang súng hay mang gươm, của chàng nay chỉ còn là một chiếc mũ có ngù lông đỏ rất dễ nhận của các sinh viên Trường Bách Khoa và một cây gươm sĩ quan mà chàng đã có lần, trong một buổi hành lễ, phải quỳ gối để nhận lãnh khi còn ở trường. Chiếc mũ sinh viên bách khoa và thanh gươm sĩ quan giờ đây được dùng để trang trí cho một khoảng tường trống bên cạnh bàn học. Phong biết là cô bé không thích cảnh binh đao nhưng chỉ là một sự vô tình mà khi xếp dọn lại bàn học chàng đã đặt tấm ảnh của Mây nhìn về phía khác. Phong nhớ có lần cô bé kể cho chàng nghe là mỗi lần ra khỏi cổng trường mà nhìn thấy chiếc xe Jeep đậu ở góc phố là Mây đạp xe vòng lối khác về nhà để tránh những chàng trai trẻ mặc quần áo kaki thường đến săn đón các nữ sinh Gia Long. Trong một thư mới đây, cô bé viết cho chàng, Mây cũng đã tỏ vẻ lo âu về chiến tranh khi hỏi Phong:

 “Mấy con bạn cùng lớp kể chuyện là chúng có những người anh được gọi đi theo học những khóa sĩ quan ở Thủ Đức. Ở nhà mình thì Mây nghe nói là anh Vũ và anh Hồng được hoãn dịch vì đang làm những công trình kiến tạo cho quốc phòng. Nhưng chị Trinh cũng nói rằng rồi đây thế nào cũng sẽ đến lượt các anh ấy phải nhập ngũ. Mây chỉ cầu mong cho chiến tranh chóng chấm dứt để nước nhà trở lại khung cảnh thái bình như xưa. Nếu anh ở nhà thì anh có cách nào làm cho đối phương phải buông khí giới và đầu hàng để tránh những thảm cảnh của chiến tranh hay không? Mây nhớ là đã kể cho anh nghe những cảnh binh đao trong phim “War and Peace” và Mây cũng thấy tội nghiệp cho Natasha khi phải săn sóc cho Andrei lúc chàng bị thương nặng. Cũng may lúc này anh ở xa chứ anh ở nhà mà phải ra trận mạc và lại bị thương như Andrei thì chắc là Mây ... là Mây... Thôi Mây không dám nghĩ đến những chuyện gì có thể xẩy ra nữa, vì chắc chắn Mây không có can đảm như Natasha để chịu đựng được những nỗi bi thương khi có chuyện không may xẩy ra cho những người thân yêu. Tuy lúc còn ở nhà anh không hay kể cho Mây nghe những chuyện khi xưa anh đi chinh chiến ở miền Tây, nhưng cuốn bút ký "Thư Kiếm Vẫy Vùng" anh viết khi xưa và đã ký tặng cho Mây một bản, Mây đã đọc thật kỹ để biết thêm về anh. Có một đoạn anh kể là khi quân về trú đóng ở miền quê Phát Diệm anh được một bà mẹ nuôi chiến sĩ viết tặng một bài thơ, em đọc thấy có những câu mở đầu hỏi về một con người tài trí:

Ai ?

Ai người chiến sĩ của lòng ta,
Dẹp hẳn can qua cứu nước nhà,
Binh pháp Tôn Ngô cười xếp lại,
Máu đào chẳng để ố sơn hà?
 
Ai người thao lược khí hiên ngang,
Tài, đức, ân, uy, địch cảm hàng.
Thu cả giang sơn về một cõi,
Chẳng hao binh tướng ngã sa trường?
 
Ai người hoà giải cứu năm châu,
Để giống người thôi giết lẫn nhau.
Tái tạo hoà bình, yêu thế giới,
Khiến non sông cũ lại tươi màu?
 
  Con người tài giỏi như thế thật có hay không? Mây chắc là có. Như anh cũng là một con người thật đặc biệt, vì anh Vũ cũng thường hay “ca” anh như thế đó với bố mẹ. Anh Vũ còn nói là anh bắn súng giỏi lắm. Nhưng em thì chỉ biết là anh có tài làm thơ và tài dỗ trẻ con là giỏi mà thôi, còn những tài khác thì anh đem biểu diễn ở đâu chứ bọn chúng em nào đâu có biết. À, bà mẹ chiến sĩ nói con người anh hùng vẹn toàn ấy là ai chứ đâu có phải là anh vì ở phần cuối bài thơ bà còn viết là con người đó chưa xuất hiện:
 
Con người đẹp ấy, đến hay không?
Non nước xa xăm, mấy dậm hồng.
Tháng đợi, năm chờ vơ vẩn mãi.
Ước câu thời thế tạo anh hùng.
 
                       (Tương Phố)
 

Em nghĩ rằng nếu gặp thời thế thì anh cũng trở thành người anh hùng chứ anh có kém gì ai đâu!”

  Đọc cuốn sách của anh chắc nhiều người cũng thích bài thơ này vì mới đây em cũng được đọc bài dịch đăng trên một tờ báo Anh ngữ ở đây để em chép lại cho anh coi:

Who?
 
Who is that soldier, hero of my heart?
May he get rid of war and save our land,     
Discard Sun Wu’s great treatise with a smile
And let no bloodshed stain our hills and streams.

 

Who is that champion with a noble soul?
May his goodwill and skill convert our foes
And roll all streams and mountains into one,
With no life squandered on the battleground.
 
Who is that saint who’ll reconcile the world?
May he stop men from killing fellowmen,
Restore tranquility and peace to earth
And make our ancient homeland glow afresh.
 
The glorious man-will he appear or not?
All through our far-flung land, on dusty paths,
I’ve roamed in search of him these months and years.
Oh, may the time bring forth their hero-who?
 
                                   (Huỳnh Sanh Thông)

                                                                   

******

  Mỗi lần nhận được thư của Mây là Phong lại nghĩ nhiều đến cô bé. Tuy giờ đây theo học một chương trình tiến sĩ về kỹ thuật nhưng luận án Phong đang làm lại nặng về toán học là môn học chàng say mê theo đuổi từ thuở thiếu thời. Phong nghĩ rằng theo lý luận toán học thì chàng với cô bé phải là hai phần tử trong cùng một tập hợp, và giữa hai phần tử thì thường có những tương quan hai chiều và cũng có những tương quan một chiều. Cùng một lứa phương trời gặp gỡ, tất nhiên giữa Phong và Phương Vân đã có những tương quan hai chiều. Như là chàng đã luôn luôn nghĩ đến Mây, là tên mà chàng đã theo với gia đình để gọi cô bé, và ngược lại cô bé cũng hay nghĩ tới anh Phong, là con người ở xa, đi mãi chưa biết ngày nào mới trở lại. Nhưng giữa chàng và Mây, vì tuổi đời chênh lệch, nên cũng có những tương quan một chiều. Phong biết nhiều về Mây vì có chuyện gì đặc biệt, cô bé cũng kể hết cho chàng nghe. Ngược lại Mây biết rất ít về Phong dù rằng, mỗi lần nghe thấy ai nói về chàng, cô bé lại mở to đôi mắt bồ câu và mím chiếc miệng xinh xinh để chăm chú nghe như muốn thâu tóm được tất cả những gì về người anh xa lạ của cô. Những thông tin này thường chỉ là những câu phê bình, khen ngợi tài năng và tính nết của Phong mà thôi. Ngoài ra, chàng lại là con người ít nói, không hay kể chuyện mình, nên ít người biết về Phong, và chàng từ đâu đến và rồi đây sẽ trôi dạt đi đâu thì không thấy ai bàn tới. Năm đầu tiên khi mới ở Pháp về, Phong có viết một bút ký và khi in ra có đưa tặng gia đình Vũ một cuốn và Mây cũng được riêng một bản. Cuốn “Thư Kiếm Vẫy Vùng” Phong viết với bút hiệu ngắn gọn TM thật ra chỉ là một tác phẩm văn chương thuần túy tả lên một cách lãng mạn cuộc đời của một thanh niên có học thức và trưởng thành trong khói loạn chiến chinh tuy rằng người đọc, qua những trang sách, cũng đoán được tác giả đã nhắc đến những kỷ niệm chính trong cuộc đời của mình.

  Khác với Mây, từ tấm bé được sống trong nhung lụa, với sự săn sóc thương yêu của bố mẹ và các anh chị, từ tuổi mười lăm, Phong đã phải sống xa gia đình. Từ đó cuộc đời của chàng là một chuỗi ngày dài, với nội tâm sống trong đơn độc, tuy bề ngoài chàng đã say sưa làm việc và trong những công tác cần có sự phối hợp, Phong đã hòa mình được với tất cả mọi người. Phong vốn giầu tình cảm, nhưng sự ham làm việc quá độ đã không cho chàng được hưởng những giờ phút thanh nhàn, tâm tư được những mối tình sưởi ấm. Ngoài những cuộc gặp gỡ lãng đãng trong buổi quân hành, nói những câu chuyện bâng quơ dưới trăng mờ bên suối, hay khi xưa dưới trời Âu cùng ai ngồi đối ẩm bên những ly rượu vàng, Phong chưa bao giờ gặp được một người nào làm chàng thấy lòng vương vấn. Từ lúc gặp lại Mây sau khi ở Pháp trở về, và bắt đầu kèm học cho cô bé, Phong như bước vào một cuộc sống hoàn toàn đổi mới. Tuy vẫn bận rộn với công việc, nhưng trừ những dịp phải đi công vụ ở xa, mỗi chiều chủ nhật tới thăm gia đình cô bé là những giờ làm Phong quên được hết những bực dọc trong tuần. Phong có nỗi vui khi thấy cô bé lí lắc nói chuyện học hành, chuyện bè bạn học cùng trường, về những chàng trai anh của các cô bạn, hay cùng làm một sở với anh Hồng đã viện đủ cớ để có dịp đến nhà gặp cô bé, dù chỉ để chào hỏi một câu. Chàng cũng thấy bối rối mỗi lần cô bé giận dỗi. Khi Phong còn ở Việt Nam thì không bao giờ Mây giận chàng được quá một buổi chiều vì thế nào chàng cũng kiếm cách làm lành được trước khi từ biệt về nhà. Cô bé cũng biết như thế, vì nếu không tha cho anh ngay thì phải đợi cho đến tuần tới cô mới nói được là hết giận. Anh chắc sẽ chịu không nổi, vì có lần anh đã nói là mỗi ngày mà Mây giận anh thì anh coi như là ngày đó không có trong thế kỷ này.

******   

  Phong phân vân không biết phải viết thư ra sao để báo tin về nhà chuyện chàng dời đi Cali. Chàng đã nhận lời mời của đại học California ở Berkeley để tới đó một năm như là một khoa học gia thăm viếng. Họ cũng mời chàng dậy một khóa về môn cơ học. Qua mấy bài khảo luận đã được đăng trên những nguyệt san khoa học và kỹ thuật và sự giới thiệu của Bill Anderson, Phong đã được các chuyên gia cùng ngành chú ý đến như là một ngôi sao đang lên. Chàng nghĩ rằng, khi nhận được tin chàng rời chỗ ở, cô bé sẽ tìm trên bản đồ nước Mỹ và sẽ thấy ngay là người anh thương mến của cô sẽ tới gần đất nước hơn tuy rằng vẫn còn cách xa cả một khoảng Thái Bình Dương rộng lớn. Chàng không muốn để cho Mây lầm tưởng rằng chàng sắp trở về nhà. Sự thực bây giờ, với những tin tức mới nhận được, chàng không biết rằng ngày nào sẽ thuận tiện để hồi hương.

  Mấy tháng vừa qua Phong đã tận lực làm việc và đã qua được tất cả những kỳ thi viết và vấn đáp đòi hỏi trong chương trình. Cùng một lúc chàng đã viết thêm được với tiến sĩ William C. Anderson, vị giáo sư bảo trợ luận án, hai bài khảo cứu có giá trị và một bài đã được nhận đăng trên một nguyệt san khoa học quốc tế, còn bài kia sẽ được trình bầy tại một hội nghị toàn quốc họp ở Boston vào cuối hè. Tới trình độ này thì sự hiện diện của Phong ở trường đại học không còn là bắt buộc. Sinh viên lúc đó được học vị là “doctoral candidate” tức là thành thí sinh học vị tiến sĩ và nếu gặp dịp tốt có nơi mời thì có thể rời trường đi nhận công việc và khi tự mình hoàn tất công cuộc khảo cứu sẽ thu xếp để về trường trình luận án. Ngay bây giờ Phong có thể coi như đã học xong và trở về quê hương. Một cuốn sách viết về Trường Kỹ Thuật của đại học đã ghi nhận là Phong hoàn tất chương trình tiến sĩ trong một thời gian kỷ lục. Nhưng trong những tháng qua, trên quê hương cũng đã có nhiều biến đổi quan trọng. Nhiều sự việc cho biết là bây giờ không phải là thời điểm thuận tiện cho chàng trở về. Phong đã quyết định ở lại Hoa Kỳ thêm một năm nữa. Sau khi đã gửi một bức thư ngắn báo cho Vũ biết ý định của mình Phong mới viết một bức thư dài hơn cho Mây.

******   

 

   “Chắc anh Vũ đã nói cho Mây biết là anh đã học xong chương trình tiến sĩ. Cách đây gần hai năm, trong một buổi đi ăn tối với em trước khi lên đường, anh đã hứa là anh không xa em quá ba năm, và lúc nào có dịp là anh sẽ trở về nhà. Ngày anh đi, Mây cũng ra tiễn và em đã thấy là hành lý của anh chỉ có một chiếc va ly, và một sách tay trong đó có đựng gói quà của em, là tấm hình mà trong hai năm qua anh trìu mến, tấm hình cô bé để trên bàn học với đôi mắt mở to đã nhiều đêm nhìn anh căm cụi làm việc để rút ngắn ngày trở về. Anh chỉ còn luận án phải viết và bảo vệ, và vì phần nghiên cứu lý thuyết anh đã làm xong, anh có thể viết cuốn sách ở nơi nào cũng được. Nếu Mây muốn, thì tuần sau anh đã có thể về nhà, và nếu em có ra phi trường đón anh thì em sẽ thấy anh vẫn như là người năm xưa, tuy trông có thêm chút dầy dạn phong trần, hành lý vẫn chỉ có chiếc va ly đã theo anh từ nhiều năm qua, và trong túi sách tay ngoài tấm hình Mây đã cho anh nay có thêm mấy món quà cho mọi người. Như thế có nghĩa là ngoài chút kiến thức chuyên môn thâu đạt được, con người anh không có gì khác, chưa làm được điều gì đáng kể. Nếu biết anh về mà không giúp ích được gì nhiều cho quê hương lúc này thì chắc Mây cũng muốn anh ở lại cho hết kỳ hạn ba năm trước khi dấn thân vào nghĩa vụ.

  Trong thư mới đây Mây nhắc đến mấy câu “thời thế tạo anh hùng”và ước ao có ngày anh làm nên sự nghiệp vẻ vang. Em có biết không, trong chữ kép "anh hùng" thì chữ “Anh” là chỉ chung các loài hoa, chỉ sự tinh túy tốt đẹp. Cũng vì thế mà người ta đặt tên cho cây hoa anh đào, hay con chim anh vũ. Còn chữ “Hùng” dùng cho muông thú để chỉ giống đực, có sức mạnh, và nói chung về người là chỉ những bậc có tài năng xuất chúng. Ở thời đại này, hai chữ “anh hùng” được ghép lại để chỉ những người, cả phái nam lẫn phái nữ, vừa có tài, vừa có đức, xứng đáng là những người lãnh đạo. Nhưng một con én không đem lại được cả mùa xuân. Dù anh đã được huấn luyện trọn vẹn ở cả hai trời Âu và Mỹ, và trong hơn mười năm qua lúc nào anh cũng cố gắng làm hết sức mình, nhưng anh thật không xứng đáng với hai chữ anh hùng như Mây đã trông đợi, và mong mỏi cho anh gặp thời thế để hoàn thành tâm nguyện. Theo anh nghĩ thì phải có cả một lớp người, cùng chung một lý tưởng xây dựng một quốc gia thịnh vượng, có một nền giáodục nhân bản để nâng cao dân trí, cải tổ lại guồng máy hành chánh cho hữu hiệu, mới mong thực hiện được những gì mơ ước cho đất nước. Hiện giờ anh còn cô đơn quá, vẫn còn là một kẻ độc hành đi trong đường đời, dù rằng anh đã gặp nhiều người bạn Mỹ luôn luôn khuyến khích anh tìm liên minh để sau này cùng về xây dựng đất nước theo một thể chế dân chủ.”

  Viết đến đây thì Phong ngừng lại suy nghĩ vì lời thư đã đượm mầu sắc chính trị, điều mà chàng không muốn cô bé phải bận tâm tới. Ở đoạn sau của bức thư Phong nói qua lý do đã làm cho chàng thấy phải làm gì cho quê hương khi chưa có thể về ngay được. Chàng nghĩ tới người bạn Mỹ thường cho chàng những tin tức về tương quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.  Chính người bạn này đã khuyên chàng dời lại ngày hồi hương vì hiện nay chưa phải là thời điểm thuận tiện. Gần hai năm trước đây, khi tới Colorado được chừng hai tháng thì Phong nhận được một bức thư của đại úy John S. Pustay hiện đang làm giảng sư về chính trị học ở Trường Võ Bị Không Quân ở Colorado Springs. Sau lời chào hỏi và tự giới thiệu về mình là ông hiện đang hoàn tất luận án tiến sĩ về chính trị học, vị sĩ quan Hoa Kỳ đã viết là do sự giới thiệu của bộ Ngoại Giao, Ngũ Giác Đài đã đề cử ông là “protocole officer” để tổ chức cho Phong những cuộc thăm viếng những cơ quan chàng muốn đến quan sát để lấy thêm kiến thức. Dù Phong đã được ông L., là cố vấn cho sinh viên ngoại quốc ở đại học, lo cho thật chu đáo, nhưng lời lẽ trong bức thư của vị “sĩ quan giao tế” này đã ra ngoài sức tưởng tượng của Phong. Chàng không ngờ là mình đã được chính phủ Mỹ săn sóc tận tình như vậy. Sau đó hai tuần, chàng nhận lời mời ăn trưa ở câu lạc bộ sĩ quan tại căn cứ Không Quân Lowry, ở gần thành  phố Denver, để gặp đại úy Pustay bàn chuyện. Sau bữa ăn, và ngồi lại với John nói chuyện gần suốt buổi chiều, mọi thắc mắc của Phong đã được giải tỏa. Đại úy Pustay có một người bạn hiện nay đang làm phụ tá tùy viên quân sự ở sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và khi nghe tin là thượng cấp muốn tìm một sĩ quan liên lạc có nhiều kiến thức để tổ chức cho Phong những cuộc thăm viếng những cơ quan hành chánh và quân sự ở Mỹ để học hỏi thêm, đã đưa tên người bạn học cùng khóa và khi được tiếp súc, John đã nhận lời ngay vì hiện nay ông đang viết luận án tiến sĩ chính trị học về chiến tranh chống du kích, và quen biết với Phong cũng sẽ là dịp cho ông hỏi thêm những điều Phong biết về vấn đề này. Ngoài ra đại úy Pustay cũng được biết là chính phủ ông coi Phong là người bạn tốt, có tài năng và đức độ, có tinh thần dân chủ và trong tương lai có thể là một trong những người lãnh đạo để xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng trong liên minh chống cộng ở Đông Nam Á châu.

  Sau buổi gặp gỡ, Phong mới nhớ lại là trong những năm qua, khi còn làm việc ở Bộ Giao Thông Công Chánh, đã có lần chàng được một đại tá Hoa Kỳ làm tùy viên Không Quân ở tòa đại sứ đến nhờ giúp cho việc đăng ký hai chiếc phi cơ vận tải mua lại của Đài Loan để tăng cường cho một hãng hàng không mới được thành lập và chuyên chở hàng hóa đi Vientiane, Lào quốc. Phong cũng thừa thông minh để hiểu rằng hãng VIAT, là tên viết tắt của Vietnamese Air Transport, trước đây chàng cũng giúp cho thành lập, và đăng ký một cách mau chóng, chỉ là bình phong cho những hoạt động quân sự không chính thức như thả dù biệt kích xuống hậu tuyến, hay tiếp tế cho những khu tự do trong lòng địch. Về công việc này chàng đã được chính ông bộ trưởng mời đến văn phòng để trao cho toàn quyền làm thủ tục giấy tờ cho thật hợp pháp để tránh sự nhòm ngó của những nhân viên Ba Lan trong Ủy Hội quốc tế kiểm soát những vi phạm hiệp ước đình chiến ký kết tại Genève năm 1954 với cộng sản miền Bắc. Chàng còn nhớ câu nói của ông đại tá Hoa Kỳ khi công việc làm xong là họ rất hiểu biết sự giúp đỡ của Phong và trong tương lai nếu chàng cần đến điều gì ông có thể làm được, ông sẽ cố gắng làm trọn vẹn. Lời hứa hẹn ngầm dạo đó nay được thể hiện qua một danh sách liệt kê những cơ sở quốc phòng và những hãng kỹ nghệ mà đại úy Pustay có thể tổ chức cho chàng thăm viếng và được tiếp đón như là một thượng khách.

  Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, chừng hai tháng một lần Phong và người bạn mới lại hẹn nhau cùng đi ăn trưa để trao đổi ý kiến. Ít lâu sau thì Pustay cũng được thăng cấp thiếu tá và đã hoàn thành luận án tiến sĩ về “Bang Giao Quốc Tế” tại Đại Học Denver. Anh cũng được bổ nhiệm chính thức làm giáo sư tại Trường Võ Bị Không Quân và trong cương vị này đã mời Phong đến thuyết trình hai lần với các sinh viên sĩ quan đang theo học. Lần đầu tiên Phong đã nói ở đại giảng đường với một số thính giả rộng lớn vào khoảng hơn ba trăm sinh viên và sĩ quan cán bộ. Chàng đã nói về sự Nam tiến của dân tộc Việt, nhưng cũng phải luôn luôn ngăn chặn sự xâm lăng từ phương Bắc. Phong dùng bài nói chuyện để tố cáo đường lối bán nước hiện nay của Việt cộng đã cấu kết với kẻ thù truyền đời ở phương Bắc để nhằm giữ quyền thống trị trên toàn thể đất nước và truyền bá chủ nghĩa cộng sản trên bán đảo Đông Dương. Sau buổi nói chuyện, thiếu tá Pustay đã đề nghị Phong gửi bài viết để đăng trên tờ Denver Post cho một số độc giả rộng lớn bao trùm cả miền Tây Hoa Kỳ. Vô hình chung, Phong đã là người Việt đầu tiên tới diễn giảng tại Trường Võ Bị Không Quân Hoa Kỳ, và cũng là ký giả Việt đầu tiên viết bài cho nhật báo lớn Denver Post và được trả tiền nhuận bút. Lần thứ hai, Phong được mời nói chuyện với một thành phần thu hẹp, gồm những sinh viên sĩ quan năm thứ tư, về đề tài chuyên môn hiện nay chàng đương nghiên cứu. Qua những buổi tiếp súc với Pustay, Phong biết thêm được đường lối chính trị của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và hiểu được vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Tuy vậy chàng và thiếu tá Pustay cũng đã có những buổi tranh luận sôi nổi về vấn đề tham chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Thấy chiến cuộc trên quê hương hiện nay đang sôi động, Phong cũng nôn nóng muốn trở về, nhưng người bạn mới đã khuyên chàng nên nán ở lại ít lâu vì tình hình chính trị ở quê nhà chưa được ổn định. Nhìn thái độ khẩn khoản của Pustay và biết là anh có những nguồn tin riêng từ bộ quốc phòng Hoa Kỳ, nên Phong cũng hiểu là lời khuyên này là lời chân thành giúp ích cho chàng.

                                                                     ******         

  Phong nhận được thư trả lời của cô bé hai hôm trước khi đi nhận chức ở Đại học California ở Berkeley. Đây là bức thư cuối cùng của Mây gửi cho chàng về Colorado, bức thư kết thúc một chặng đường học vấn, và cũng là một giai đoạn tình cảm của chàng.

 “Mây phải viết ngay thư này để khi đọc xong anh thấy yên lòng trước khi lên đường. Em cũng thấy lo ngại khi anh tới Berkeley là nơi mà hàng ngày có những vụ biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, nhưng khi nghe anh giải thích em lại càng thấy qúy trọng anh hơn. Mây cũng nói lại cho mấy đứa bạn nghe là anh kể khi xưa anh tập lái máy bay ở bên Pháp, ở câu lạc bộ sĩ quan, họ có kẻ trên tấm biển giữa phòng ăn châm ngôn của vị anh hùng không quân Pháp Guynemer ở Thế Chiến I  là “Faire Face”, nghĩa là phải “Trực Diện” để đối phó với mọi thử thách. Em không muốn dùng chữ quân thù vì nghe ghê gớm quá, nhưng em chắc là anh sẽ gặp nhiều khó khăn khi anh phải trực diện với đám sinh viên ở Berkeley. Anh đã viết là dù anh đơn độc nhưng anh cũng sẽ nói lên tiếng nói của chính nghĩa, đến sự chiến đấu anh dũng của quân đội mình, chống mưu mô xâm chiếm miền Nam của Việt cộng, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của Trung cộng. Anh thật là tài giỏi quá vì anh đã được một đại học vào bậc nhất nước Mỹ mời tới để dậy và làm khảo cứu. Nghe thấy anh nói là anh sẽ đến trường đại học này, Mây đã ra phòng Thông Tin Hoa Kỳ tìm sách đọc thì theo nguyệt san McCall, muốn cho con thành triệu phú thì gửi theo học các đại học Harvard, Yale và Princeton. Còn như muốn cho con trở thành nhà khoa học lỗi lạc thì gửi theo học MIT, Caltech và Berkeley. Mây nghĩ là lần này anh đến Berkeley một phần vì danh tiếng khoa học của trường nhưng cũng vì anh muốn tiếp súc với các sinh viên đang theo học ở đó để nếu có dịp thì nói cho họ biết chính nghĩa quốc gia của dân tộc mình. Mây cũng coi trên báo Mỹ ở phòng thông tin những hình ảnh sinh viên biểu tình thì thấy họ cũng để râu quai hàm, và có đầu bù tóc rối trông dữ tợn lắm. Mây muốn dặn anh là nếu anh có nói gì với họ thì nói ở trong lớp thôi, chứ đừng nói ở ngoài sân trường. Bọn nữ sinh chúng em, mỗi lần ở trong lớp cô giáo nói gì cũng phải khoanh tay ngồi nghe, luôn mồm vâng dạ, nhưng khi hết giờ học thì lại chọc phá các cô, và các thầy.”

  Đoạn thư ở trên cô bé đã viết như một người học trò căn dặn Phong phải cẩn thận khi xa nhà. Nhưng ở phần dưới Mây lại trở về như là một cô bé được cưng chiều để chất vấn anh đủ mọi chuyện.

  “À, trước khi anh trực diện để đối phó với đám sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở bên đó, Mây cũng muốn anh phải trực diện để trả lời hai câu hỏi này của Mây:

  Trong cuốn bút ký của anh, anh tả một chàng thanh niên, mà người đọc chắc sẽ nghĩ là anh, người đó chỉ là một sinh viên xếp bút nghiên làm nghĩa vụ. Anh đã giải thích là thư kiếm vẫy vùng không có nghĩa là một tay cầm kiếm, một tay cầm cuốn thư, nhưng anh cho là nếu có văn tài thì anh có thể dùng cây bút sắc bén viết thành lời văn, như bài “Hịch Tướng Sĩ Văn” của Đức Trần Hưng Đạo hay bài “Bình Ngô Đại Cáo” của quân sư Nguyễn Trãi khi xưa, và dùng làm lợi khí diệt xâm lăng. Anh Vũ của em đã từng ăn phải bả của anh nên “ca” anh quá xá và nói rằng sau này về nước, anh không cần phải múa thanh kiếm Long Toàn, mà chỉ dùng bộ óc thông minh và cây bút tài hoa của anh cũng làm nên sự nghiệp. Vậy thì tại sao trong một tấm hình anh gửi về có anh ngồi ở bàn học quay mặt lại, trên bàn có một cuốn sách mở ra anh đương đọc, và có tấm hình của Mây đang nhìn anh, nhưng đằng sau treo trên tường lại có một thanh gươm dài? Vậy thì xưa kia chắc anh cũng là một kiếm sĩ tài ba. Nhưng vì lý do nào mà anh dấu không cho Mây biết? 

 Cuốn sách anh viết và cho Mây  một bản, có đề tặng hẳn hoi, anh chỉ ký bút hiệu là TM. Có lần Mây hỏi thì anh chỉ nói là TM  là Tối Mật, anh viết vắn tắt cho tiện. Mây có tới thư viện để tìm xem có ông bà văn sĩ người Pháp nào ký tên là TS để thay cho chữ Très Secret  cho nó tiện như anh nói nhưng chẳng có ai theo lối phát minh mới lạ này của anh cả. Những tác giả Anh và Mỹ họ cũng không làm như thế, chả ai chịu ký  tên tắt cho chữ Top Secret như anh. Nhưng có một bức thư gửi cho Mây, anh viết kèm theo một bài thơ để tặng Mây và cũng ký hai chữ TM ở dưới. Như thế đâu phải là anh viết tắt hai chữ Tối Mật, vì nếu như thế thì anh phải cho vào tủ sắt mà khoá kín lại chứ. Sau này có lần anh nổi máu văn nghệ, anh làm tặng Mây thêm một bài thơ nữa, anh cũng lại ký là TM. Như vậy là anh dấu đầu hở đuôi rồi nhé! Có đúng như thế không? Em đoán ngay được hai chữ TM thì chữ T là Thương, còn chữ M thì có nhiều nghĩa lắm. Mây chắc anh viết TM có nghĩa là Thương Em, nhưng M là cô em nào thì anh lại giữ bí mật có đúng không?Hay M lại là tên viết tắt của cô nào mà … mà… Mây đoán không ra. Em đã ngồi viết ra sơ sơ cũng được chừng mươi tên người mà anh có thể quen biết, bắt đầu bằng vần M, mà tên nào em chọn cho anh cũng đẹp cả. Em đã chọn riêng ra một chữ, và cho vào một cái túi nhỏ buộc kín, khi nào gặp lại anh, em sẽ mở cẩm nang này ra cho anh coi, xem có đúng là chữ anh đã dùng khi viết những bài thơ đó hay không. Nếu đúng thì anh phải nhận chứ không được ăn gian đâu nhé!”

  Phong đã để những thư của Mây trong một phong bì lớn của nhà trường, ngoài có in chữ Colorado. Một đoạn đời của chàng đã qua. Phong đã trải qua hai năm ở một nơi mùa đông có tuyết rơi triền miên và mùa hè có gió mát từ thung lũng tràn về.  Ở quê hương xưa, cô bé nay cũng đã vào tuổi dậy thì, và qua những lá thư Mây viết, Phong cũng thấy tình cảm của nàng đối với chàng ngày một thêm thắm thiết. Phong nghĩ Mây là một thiếu nữ rất thông minh, và cô bé đã đoán được ý nghĩa của hai chữ TM chàng viết và coi đó như là Phong đã bộc lộ tình cảm với mình. Nhưng hiện giờ cô không muốn cho chàng biết là đã chọn nghĩa nào cho chàng. Phong đã hình dung đến một ngày trở về ngồi bên Mây để coi nàng mở chiếc túi gấm và hé cho chàng coi mảnh giấy nhỏ ghi chút tâm tình của cô bé đối với mình. Nhưng hiện nay cuộc đời của Phong vẫn còn vô định, ngày trở về chưa biết là bao giờ. Và Mây cũng đang tuổi nụ hồng mới chớm nở. Chàng nghĩ tính tình cô bé vẫn vô tư, nếu có thoảng mối tình bồng bột của tuổi thơ ngây thì cũng sẽ chóng qua đi như sương sớm, gió chiều. Phương Vân  mới đậu xong tú tài phần Một và đang được nhiều người săn đón chiều chuộng. Biết như vậy nên nhiều khi viết thư về, Phong đã nén lòng lại, muốn coi cô như là một cô em gái bé nhỏ của một người bạn thân, và chỉ kể sơ qua cho cô nghe đôi chút kinh nghiệm ở học đường hơn là những khúc mắc tâm tình trong trường đời. Chàng muốn để cho Mây được vui sống hồn nhiên giữa đám bè bạn cùng lứa tuổi. Nhưng qua những lá thư hàng tuần của Mây mà Phong nhận được, vô hình chung cô bé đã kéo chàng vào trong quỹ đạo của những vệ tinh đã chạy quanh cô, và Phong đã trở nên quen thuộc với những anh Tú, anh Chu, anh Thuyên, anh Tụy... và biết được tính nết cùng đặc điểm của mỗi người mà Mây đã lí lắc kể lại. Một hôm, đang ngồi trước máy điện toán, Phong bỗng nhiên nghĩ đến Mây và những anh chàng đang theo đuổi cô bé. Phong tự nhiên có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là viết một phương trình quỹ đạo rồi đặt Mây ở chính ngôi như một quận chúa có một triều đình riêng và cho các chàng trai mà cô bé quen biết như là những vệ tinh chạy chung quanh. Khi đã sắp xếp xong, Phong soa tay ngắm công trình thiết kế của mình trên màn ảnh, biểu diễn những điểm sáng chạy theo những hình bầu dục, dài ngắn khác nhau tùy theo những chu kỳ và độ tâm sai và sau đó chàng tự hỏi không biết đặt mình vào vị trí nào, ở gần hay xa tâm điểm, nơi Mây ngự trị. Sau một hồi suy nghĩ, Phong chọn cho mình một quỹ đạo ở vòng ngoài cùng, thật xa lắc xa lơ. Chàng tự cho mình sứ mạng là một thiên thần hộ mệnh, bay trên không gian xa vời, nhưng luôn luôn sẵn sàng lao xuống khi cần để bảo vệ cô bé. Nhưng có lẽ Mây không hiểu được điều này vì lúc tắt máy để về nhà Phong như thoáng thấy hình ảnh của cô bé hiện ra trên khung bạc, khuôn mặt tròn phụng phịu,  nhìn chàng với nét giận hờn.

******

  Phong hay đọc lại thư của Mây vào buổi tối trong căn phòng vắng lặng khi chàng đã gạt bỏ được trong trí não những ưu tư về công việc đương thời. Đêm nay cũng không ra ngoại lệ, chàng cũng ngồi một mình trên ghế bành, dưới ánh đèn khuya tay cầm lá thư của cô bé. Có sự đặc biệt là đêm nay là đêm cuối cùng của chàng ở trong phòng này, và lá thư được viết trên một mảnh giấy mầu xanh đậm. Đã từ lâu, Phong nhận lời với Mây là trái với những thư thông thường viết trên giấy mầu xanh nhạt, khi nhận được thư viết trên giấy xanh đậm, mầu quan lục, là dù bận công việc đến đâu chăng nữa, chàng cũng sẽ viết thư trả lời ngay hôm nhận được. Lần này Phong đã ăn gian một chút, vì ngày hôm trước chàng nhận được hai bức thư cùng bỏ trong một phong bì, và lá thư đầu không có mật độ khẩn cấp nên chàng để đến hôm nay mới viết để cùng trả lời hai lá thư này. Lá thư sau Mây viết thêm và cô vui thích kể lại chuyện trước đó hai tuần, cô lên chơi Đà Lạt, và một đêm được xem hoa quỳnh nở ở nhà người anh họ. Cuối thư cô bé hỏi Phong mấy câu, và Mây đã viết thư trên giấy mầu xanh đậm riêng biệt để chàng phải trả lời ngay tức khắc như đã hứa khi xưa.

  “Anh à, em đã có một đêm tuyệt vời, ngắm hoa quỳnh nở thật đẹp, từ lúc hoa bắt đầu hé mở cho đến lúc cánh hoa khép lại và rũ xuống, hoa tàn còn đó nhưng hồn hoa như biến đi đâu. Hoa quỳnh đúng là nàng công chúa của muôn loài hoa, giống như một nàng tiên nữ giáng trần, chỉ tiếc rằng hoa đã “kiêu sa” chỉ cho người ta ngắm trong phút giây, rồi cánh hoa cụp laị, tâm hoa trông giống như con thiên nga biến mất, khiến cho người thưởng hoa ngẩn ngơ luyến tiếc. Anh cũng giống như thế đấy, anh cứ về đuợc ít lâu rồi lại đi. Và cứ đi hoài. Mây thấy ghét anh rồi đó, thật ghét! Có phải những gì hiếm qúy thường hay tan biến nhanh như đoá quỳnh hương không anh?”

  Phong đã ra ngồi ở bàn viết, tay cầm bút nhưng không sao nghĩ được câu trả lời cô bé, vì thực ra với Phong, Mây mới là người chợt hiện ra rồi lại biến đi trong tâm tưởng của chàng, như một bông hoa quý hiếm. Cách đây hai năm, cũng ngồi ở bàn học này, với cánh cửa phòng rộng mở để gió núi tràn vào, chàng viết lá thư đầu tiên từ Colorado gửi về cho Mây. Giờ đây tình cảm giữa chàng với cô bé tuy thắm đặm, nhưng vẫn nhẹ nhàng, như cánh hoa trôi trên mặt nước, bên chân một cột cầu, ngưng lại trong khoảnh khắc, rồi lại cuốn đi theo giòng. Mây còn trẻ quá, còn ở tuổi nhiều mộng mơ, nếu đôi lúc có nghĩ đến Phong thì chắc cũng như nghĩ đến người anh ở xa vời, một người anh khi xưa kèm học, và nay là người để cho Mây bắt chiều chuộng, để nếu không được như ý thì sẽ giận hờn.

  Phong đã viết mấy hàng chữ gửi cho Mây nhưng lá thư này tuần tới chàng mới gửi đi, ở một khung trời mới xa lạ. Có điều đặc biệt là lời viết cuả chàng lần này lại chen mấy câu thơ. Phong đôi khi làm thơ, khi còn trẻ, trên bước đường chiến chinh, như nhiều bạn đồng đội khác. Nhưng đã từ lâu, làm công tác khoa học, Phong khép túi thơ của mình lại, tuy một đôi lần, để chiều cô bé chàng cũng đã viết mấy vần thơ gửi về.

  “ Đây là mấy giòng chữ anh viết từ Colorado nhưng sang tuần tới anh mới gửi về cho M sau khi tới Cali. Đêm Mây ngắm hoa ở Đà Lạt, ở đây anh cũng cảm nhận thấy, vìanh đã có một giấc mơ, gặp một nàng tiên, chợt hiện ra rồi lại vụt biến đi. Anh gọi tiên nữ là Phương Vân, thật là kỳ lạ vì  tên nàng cũng giống như tên em. Anh cũng đã phải chờ đợi PV và sau cùng nàng cũng đã tới với anh một buổi chiều năm xưa như một cánh hoa trong trắng hương thơm ngạt ngào, giờ đây cũng còn phảng phất bên anh, để cho dù vắng tiên nữ anh vẫn có ý nghĩ rằng nàng chưa biến đi và còn quanh quất đâu đây. Buổi gặp gỡ, mối duyên lành đó, anh viết thành bài  thơ mà nàng tiên cũng có hoa tay, viết chữ đẹp như em, đã thư họa trên một cuốn thư giờ đây anh treo trong phòng học

                                                       Phương Vân
                                       Tàn canh chờ gặp Phương Vân,
                                       Duyên may ghi lại mấy vần thơ xưa.
                                       Phòng văn hờ hững, rèm thưa,
                                       Biết em còn đó, hay giờ bay đi ?
                                                                      TM

  Anh đã ghi lại kỷ niệm này qua mấy câu thơ vừa chép lại cho Mây. Anh nghĩ rằng những con thiên nga cánh trắng là những nhụy hoa quỳnh trong đêm hoa nở ở Đà Lạt có thể vụt biến đi khi cánh hoa khép lại, nhưng sẽ còn mãi mãi trong tâm tưởng của người thưởng hoa. Như khi anh về nhà gặp lại em, lúc đó như tiên nữ Phương Vân trở lại với anh. Em sẽ nói cho anh biết là vẫn còn giữ túi gấm chứa hai chữ TM  khi xưa anh đã ký tặng em để giải thích cho anh nghe là M chính là Mây  còn T là ....”  

  Phong dừng bút để đọc lại đoạn cuối lá thư Mây viết. Cô bé đã thấy buồn vì thời gian hoa nở quá ngắn ngủi không cho Mây có thì giờ thu hình ảnh của những bông hoa hương ngát. Nghĩ đến quỳnh hoa đã không ở lại lâu với Mây, cô bé đã ví hoa với anh và thấy giận anh, vì anh cũng như hoa, mỗi lần thoáng đến rồi lại đi. Giờ đây Mây muốn có anh ở gần để chia sẻ những nỗi vui và cả những nỗi buồn.

  “Đêm ngắm quỳnh hoa, tuy Mây thấy tuyệt vời như thế, nhưng trong lòng M vẫn cảm thấy thiêu thiếu. Mây không biết là thấy thiếu gì nữa, có lẽ người thông minh như anh đoán dùm được cho M chăng? Đêm hôm ấy, bên trời Đà Lạt, tuy không có mây nhưng M tìm hoài không thấy ngôi sao mệnh tinh của anh ở đâu cả. Ngày thường, đêm đêm nhìn lên trời bao giờ Mây cũng thấy ngôi sao của anh sáng chói. Nhưng đêm hoa nở, khi Mây cần đến anh, để nghe anh kể chuyện hoa quỳnh cho nghe, thì anh ở xa quá, và ngôi sao của anh thì chắc cũng theo anh mà lẩn đi đâu mất rồi. Mây đã bắt đầu ghét anh rồi đó.”

  Mỗi lần nghe thấy Mây nhắc đến những vì sao, Phong lại nhớ đến lần cùng với các anh chị của Mây đứng trên gác thượng nói chuyện tương lai, và bất thình lình cô bé sợ bị đòn mà bật khóc. Phong còn nhớ mãi đôi mắt đen của Mây ngửng lên nhìn chàng cầu mong che chở khi chàng ôm cô bé vào lòng dỗ dành. Đôi mắt của Mây, như những vì sao còn theo chàng cho đến bây giờ.

  Trời đêm miền núi Colorado, vào cuối mùa hạ, sắp chớm mùa thu, thường có gió lạnh. Phòng học của Phong thường để ngỏ cửa sổ, nhưng chàng vẫn thấy ấm cúng khi đọc lại đoạn cuối lá thư vừa viết xong, những giòng thư cuối cùng viết từ  Colorado gửi về cho cô bé.

  “Đứng bên cạnh Mây thì ngôi sao nào cũng không thể sáng chói được. Cũng vì vậy mà ngôi sao của anh đã lặn ngay từ ngày gặp M. Anh không thể nào quên được đôi mắt của Mây như những vì sao lúc nào cũng nhìn theo anh dù cho anh lưu lạc ở phương trời nào. mấy câu thơ dưới đây đã diễn tả tâm sự của anh

Trời Sao

                                                               Hình em ta giữ vẹn toàn,
                                                              Phong tư còn đó, ngỡ ngàng chiêm bao.
                                                             Mắt em là cả trời sao,
                                                            Cuốn hồn ta trọn, đưa vào thiên thu.
                                                                                    TM

  Đêm cuối cùng ở Colorado, Phong cũng thao thức không ngủ được, giống như đêm đầu tiên chàng vừa đến để nhập trường. Trong giấc ngủ chập chờn, Phong thấy quỹ đạo vệ tinh khi xưa chàng đồ thị cho mình ở trên cao xa vời, giờ đã hạ xuống thấp, và quanh quẩn ở bên Mây đang có vị trí ở trung tâm. Chàng cũng nghe được cô bé khen là mấy bài thơ của chàng viết gửi về đọc lên thật mượt mà, và nhìn thấy cô lấy bút ra hý hoáy thư họa.

 

 

 (Còn tiếp chương 8).

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC