TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Thiên Nga

(Chương 6 – NXV)

(Trích trong tập truyện Tìm Nhau Từ Thuở của GS NXV)

 

  Tuy tiết trời tháng Hai ở miền núi còn lạnh, nhưng theo tin tức tiên đoán khí tượng lâu dài thì cơn bão tuyết cuối cùng đã qua và kể từ nay miền Rocky Mountain có thể coi như bắt đầu vào mùa xuân. Phong đã thức dậy từ lâu nhưng vẫn nằm nghe nhạc êm dịu và tin tức phát ra từ chiếc radio RCA để cạnh đầu giường. Hồi lâu, chàng nhỏm dậy, đứng lên vuôn vai, làm mấy cử động cho dãn gân cốt rồi kéo hai cánh màn nhung đỏ ở cuối phòng để ánh sáng mặt trời hừng đông chiếu vào. Qua khung kính của hai cánh cửa lớn mở ra ngoài bao lơn, ánh sáng ban mai chiếu trên những tinh thể nước đá còn đọng lại làm le lói những mầu ngũ sắc trông thật đẹp. Những chỏm núi xa xa còn phủ tuyết trắng xóa nhưng triền núi ở dưới trông xanh thẫm, thật là quyến rũ như kêu gọi khách lên thăm. Phong nhìn đồng hồ để trên bàn thì thấy đã quá chín giờ. Hôm nay Phong dậy muộn vì tối hôm trước, vào một ngày thứ Sáu, chàng đã ngồi ở bàn máy làm việc tới gần nửa đêm để viết cho xong một chương sách. Chàng muốn hoàn toàn được thảnh thơi ngày hôm nay vì đã tự hẹn với mình là phải đi Estes Park, một tỉnh cho du khách ở bìa Rocky Mountain National Park ở vào phía tây bắc thành phố Denver cốt để kiếm cho kỳ được một món quà cho Phương Vân, cô học trò bé nhỏ của chàng ở quê hương xa vời, cô em gái của một người bạn mà từ nhiều năm nay, Phong quen gọi là Mây, như tất cả mọi người thân tình ở trong nhà.

******         

  Chỉ còn hơn một tuần nữa là đã tới Ngày Valentine, ngày 14 tháng Hai của mỗi năm, và là ngày người ta gửi cho những người thân qúy những bó hoa hồng đỏ, những hộp chocolate hình trái tim, hay những món quà kèm theo những tấm thiếp với những lời chúc thân yêu thắm thiết. Phong đã xa nhà được gần hai năm và tháng Hai năm ngoái, vào dịp này, chàng đã không gửi gì về cho cô bé. Ở Đại Học Colorado, mỗi năm có hai khóa học chính là khóa mùa Thu và khóa mùa Đông. Ngoài ra cũng còn khóa mùa Hè cho những sinh viên muốn học thêm để rút ngắn học trình. Dạo ấy Phong vừa học xong khóa đầu tiên là khóa mùa Thu và mới bắt đầu vào khóa mùa Đông và chàng đã định học gấp rút để sẽ xin thi kỳ khảo hạch vào đầu hè để được chính thức ghi tên vào chương trình tiến sĩ. Trong lúc bù đầu với các môn học chàng đã không để ý đến những lời Mây nhắc nhở một cách kín đáo trong những bức thư nhận được từ trước mấy tuần lễ về cái ngày đặc biệt trong năm mà chàng có thể bộc lộ tâm tình một cách tự  nhiên với cô học trò đang trông đợi ở bên nhà. Chàng có thể gửi về nhà chiếc phong bì Valentine đặc biệt ngoài có dán tem hình một trái tim đỏ, và ngay cả bên trong, trên tấm thiếp Phong cũng có thể viết những lời mặn nồng, âu yếm, mà nếu không vào dịp này, chắc không bao giờ chàng dám nói lên. Tấm thiếp gửi cho Mây, với những dòng chữ riêng tư, dù có người nào khác trong gia đình đọc được, cũng không ai ngạc nhiên vì sẽ coi như là một trong vô số những thiếp khác mà những người ái mộ gửi cho cô bé Ngày Valentine. Hồi năm ngoái chàng đã làm lỡ dịp may đó và Mây đã giận chàng suốt mấy tuần lễ.

  Phong không phải là con người vụng về trong cách cư xử, và thật ra chàng như đã chiếm được cảm tình của hầu hết những người quen biết. Chỉ trừ với cô bé là luôn luôn trong sự tiếp xúc chàng hay gặp vấp váp. Mây là một nữ sinh nhu mì, ngoan ngoãn  nhưng cũng là người rất dễ giận hờn, và đặc biệt đối với Phong, nhiều khi chỉ một sự việc cỏn con chàng vô ý lầm lỡ cũng làm cô bé buồn lòng, và lần nào Phong cũng phải hết sức tìm cách dỗ dành. Sự thực thì không phải là Phong không biết đến tục lệ gửi thiếp tâm tình cho nhau vào ngày Thánh Valentine, nhất là khi chàng đang ở Hoa Kỳ mà từ cuối tháng Giêng, mỗi lần có việc ra phố mua bán, ở nơi nào cũng thấy bầy nhan nhản những thiếp chúc nhau và những hộp bánh hình quả tim mầu đỏ rực. Phong nghĩ rằng những thiếp và bánh kẹo cùng quà mừng đó được bầy bán như là một tục lệ hàng năm, và chàng không muốn làm theo như mọi người. Giữa Phong và cô bé hình như đã có một nguồn cảm thông đặc biệt, và tình cảm giữa hai người không cần phải nói lên lời. Tình yêu của Phong với Mây, nếu có thì đã được thăng hoa một cách thánh thiện, không thể nào nói ra lời, và cũng không thể viết được ra giấy. Ngược lại cô bé lúc nào cũng nghe lời Phong như một cô em ngoan nghe lời ngưòi anh, như một cô học trò chăm nghe lời chỉ bảo của người khi xưa đã hàng tuần đến nhà kèm học. Sự thương mến Phong của Mây có chen phần ngưỡng mộ. Nhưng qua một sự ưng thuận ngầm giữa hai người, họ đã không coi nhau như là thầy trò. Đã có một lần chị Trinh thổ lộ cho Mây biết là chị nghĩ Phong không muốn coi cô em mình như là cô học trò bé nhỏ vì theo lễ nghĩa Á Đông thì tình thầy trò phải giữ như vậy suốt đời, và không thể nào đổi ra tình ... thương yêu được. Tuy Mây không thực sự hiểu hết tại sao thầy lại không thể ... thương trò như chị nói nhưng cô bé lại thấy không là học trò của anh lại lợi cho cô đủ đường. Này nhé, anh không có quyền phạt Mây, không được nặng lời với Mây mỗi khi làm bài không được anh vừa ý và ... vân vân… Mây vẫn có thể hành anh nếu cô không được anh chiều theo ý mình, cô có thể không thèm nói chuyện, không thèm viết thư, và mỗi khi anh đến chơi nhà trong khi Mây còn đang giận anh, thì cô bé cũng không thèm mang bài ra hỏi nữa dù tuần sau trả bài ở trường có bị ăn trứng cũng không sao

 Từ ngày Phong đi du học, và đã viết thư đều hàng tuần gửi về thì cô bé không còn lý do gì để giận anh nữa. Mỗi lần nghĩ đến Phong, cô bé thấy thật thương anh. Anh đã là kỹ sư công nghệ, tốt nghiệp từ Trường Bách Khoa ở Pháp, có địa vị vững chắc ở nước ngoài, vậy mà anh đã từ bỏ tất cả, theo tiếng gọi kiến thiết quốc gia, để về nhận một chức vụ ở Bộ Giao Thông Công Chánh. Về nước làm việc được hai năm, sau khi  thực hiện được một số công trình, anh lại xin từ quan để nhận một học bổng đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Mùa Giáng Sinh năm đầu tiên anh ở Hoa Kỳ, Mây được biết là ở chỗ anh năm đó tuyết xuống rất nhiều mà anh cũng bỏ ra suốt một buổi chiều mua được một món quà gửi về cho cô bé. Đó là một pho tượng sứ rất nhỏ của hãng W. Goebel bên Đức chế tạo có hình một cô bé xinh sắn, tóc kết bím, ngồi trên một ghế đá cắm cúi đọc một cuốn sách. Men sứ trông thật đặc biệt pha trộn mấy màu chính là những mầu xanh, hồng nhạt và đỏ tươi trông rất mỹ thuật. Nhưng cái đẹp của loại tượng thiếu nhi bằng sứ này là vẻ hồn nhiên của thời thơ ấu sống trong một khung cảnh thanh bình. Mây biết là anh đã mất công chọn lựa, nhưng sau khi đọc xong bức thư anh gửi kèm, cô mới hiểu hết được ý nghĩ của anh khi đi tìm mua bức tượng một cô bé thơ ngây để gửi cho mình.

 

  " Tết Giáng Sinh này anh không còn ở nhà để đến thăm Mây và gia đình. Anh cũng không có dịp dược dẫn M đi phố để mua đồ tặng các anh chị. Mây biết là các anh chị, ai cũng sẽ cho M một món quà đáng giá, và tự mình cũng phải mua trước những quà nhỏ để rồi sẽ tặng lại mọi người. Mây đã muốn anh đi cùng để làm cố vấn giúp M tìm ra những món quà gì vừa hợp với túi tiền nhỏ bé của mình, lại được các anh chị M ưa thích. Chính vì phải khó khăn lựa chọn như thế mà anh đã được những giờ phút êm đềm đáng ghi nhớ trong cuộc đời, là đuợc đi cạnh M, nghe M vui vẻ chọn đồ và hỏi từng món đồ xem anh có ưng ý không. Đã có lúc anh tưởng rằng chính mình là người được mua tặng những đồ M đã lựa chọn. Anh nhớ có một lần M định mua một bức tượng sứ một cậu bé tay cầm bó hoa như sắp đưa đi tặng một người thân yêu, người đó có thể là bà mẹ của cậu hay là cô bé hàng xóm mới dọn nhà đến. Trông bức tượng thật dễ thương và M nói là muốn mua cho chị Trinh  vì biết chị cũng mới có người tặng hoa như thế. Nhưng khi nhìn đến giá tiền thì M đã phải lắc đầu le lưỡi, vì đem hết cả số tiền dành dụm của M để mua quà cho cả nhà cũng không đủ để trả cho bức tượng bé nhỏ xinh xinh. Trông thấy M tần ngần ngắm nghía, anh nghĩ có lẽ M cũng ao ước được ai cho mình bức tượng đó. Nhưng lúc đó không hiểu sao anh không tiện hỏi, có lẽ vì nghĩ  rằng anh có mua bức tượng đó của hãng Goebel làm ra để tặng cho M, em cũng không bằng lòng nhận vì nghĩ rằng ý kiến mua kỷ vật đó cho M là phải tự anh nghĩ ra chứ không phải đợi M tìm ra trước. 

 

 Cách đây cũng đã gần mười năm rồi, khi còn đang học ở Pháp, cũng có lần anh sang Munich và đến thăm xưởng chế tạo kỷ vật bằng sứ này của Hãng W. Goebel Porzellanfabrisk. Trong những bức tượng tạc những trẻ nhỏ đủ các kiểu trông thật ngây thơ, anh nhớ là có một bức trình bầy một cô bé dáng chừng bẩy hay tám tuổi đang ngồi đọc một cuốn sách. Hôm ấy anh bỗng nhiên sực nhớ tới Mây, vì nghĩ rằng giờ em cũng trạc tuổi ấy, và nếu không đi chung với một nhóm bạn, mà nơi thăm viếng chỉ là để chưng bầy sản phẩm, thì anh đã tìm ra một cửa hàng ngoài phố để mua bức tượng đó giữ làm kỷ niệm và có dịp thì sẽ đưa tặng Mây.

 Đầu tháng Chạp này, trong thư Mây gửi cho anh có kèm theo một bức họa chân dung một cô bé và em đã nói là bức họa bằng bút chì ấy của M đã được cô giáo khen lắm. Nhìn bức họa, với nét vẽ trông thơ ngây và đẹp tuyệt vời, anh lại nhớ đến buổi đi thăm xưởng Goebel ở Munich vì ở nơi đấy anh đã được nghe kể chuyện là nghệ sĩ tài danh đã cho toàn thế giới được thưởng thức và trân qúy những bức tượng mà Hãng Goebel đã sản xuất là Nữ tu Maria Innocentia Hummel, một họa sĩ kỳ tài, và anh cũng được nhìn ở phòng triển lãm cuộc đời của bà cũng có một chân dung tự họa giống như bức họa M đã gửi sang cho anh. Cuối tuần lễ đó anh đã tới một cửa hàng lớn ở Denver và may mắn sao anh đã tìm được đúng bức tượng cô bé ngồi đọc sách mà anh đã chú ý tới khi xưa để nay gửi cho Mây như là chút quà Giáng Sinh trong những ngày anh xa xứ. Anh mong rằng kỷ vật này được em vui mừng đón nhận, tuy rằng đã đến với em với hơi chút muộn màng".

 Đọc thư anh cô bé thấy bùi ngùi cảm động. Thì ra anh vẫn luôn luôn nghĩ đến Mây, kể từ ngày Mây còn bé tí teo, đã có lần anh gặp Mây khóc lóc vì chuyện không đâu để anh phải bế lên lòng dỗ dành. Những ngày thơ ấu ấy, Mây chỉ nhớ lờ mờ là có anh là bạn học cuả anh Vũ, anh lớn của cô bé, và anh hay lại nhà chơi. Sau đó anh lại còn đi Pháp học, phải gần mười năm sau anh mới trở về. Thế mà sao khi anh ở Pháp về, Mây đã trở thành một thiếu nữ yêu kiều, và được anh cưng chiều hết mực mà sao anh vẫn không nói lên lời, nói hết về tình cảm của anh với Mây? Cô bé đã trân trọng để bức tượng sứ anh gửi cho trên bàn học để được ngắm hàng ngày. Mây nghĩ là khi có tiền để dành cô sẽ mua dần  và sưu tầm loại tượng sứ này vì theo anh kể lại thì nữ tu sĩ Hummel, là người đã vẽ kiểu cho những bức tượng trẻ thơ của Hãng chế tạo Goebel đã có một cuộc đời thánh thiện để phục vụ tôn giáo và nghệ thuật. Anh đã viết tiếp trong thư gửi về.

 "Giới yêu nghệ thuật ở khắp năm châu đã thật biết ơn người vẽ kiểu cho loạt tượng sứ Hummmel, đã thật đặc biệt mà không một người thứ hai nào có thể bắt chước được. Cô bé Berta Hummmel sinh ngày 21 tháng Năm năm 1909 và ngay từ khi còn học ở những lớp tiểu và trung học đã lộ ra tài năng hội họa làm các bạn cùng lớp vô cùng ngưỡng mộ. Berta có biệt tài ghi trên giấy bằng những nét vẽ đậm đà hình ảnh ấu thơ của những bạn học sinh cùng trường hay ở trường mẫu giáo ở cạnh nhà. Những thầy cô giáo đã sớm nhận thấy thiên tài của Berta và khuyên cô nên theo học ở Viện Mỹ thuật ở Munich. Qua một kỳ thi tuyển và phỏng vấn, Berta được nhận vào Academy of Applied Art ở Munich. Ở nơi đây vào những năm 1927-1931, nhờ sự hướng dẫn của những danh sư như Maximilian Dasio, Else Brauneis, ... tài năng của Berta được nẩy nở toàn diện và những sáng tác của cô, đặc biệt là những tranh vẽ thiếu nhi, đã ghi được những hình ảnh thơ ngây thật là tuyệt vời làm rung cảm những người xem tranh. Trước khi tốt nghiệp, Berta gặp hai nử tu dòng Franciscan ở tu viện Siessen ở Wurttemberg đã có ảnh hưởng đến tâm hồn của cô nữ sinh và sau khi tốt nghiệp Berta đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa mà vào dòng tu. Nơi đây Berta vẫn tiếp tục vẽ những tranh thiếu nhi và qua những lần triển lãm đã gây được sự chú ý và thán phục của nhiều nhà phê bình nghệ thuật. Tháng Tám năm 1934, cô xin được khấn hứa trọn đời và trở thành Sơ Maria Innocentia Hummel. Danh tiếng của Sơ Maria trở nên vang dội khắp nơi, và nhà làm tượng sứ nổi danh của thời đại là Franz Goebel đã cùng với hai điêu khắc gia bậc thầy là Reinhold Unger và Arthur Moeller đến Tu Viện để gặp Sơ Maria và Mẹ Bề Trên xin được ký giao kèo độc quyền chế tạo tượng sứ dựa theo mẫu vẽ Hummel. Năm 1935 những bức tượng đầu tiên được đưa triển lãm tại Hội Chợ Leipzig và từ đấy toàn thế giới được biết đến những tượng sứ tuyệt vời Hummel do Goebel tạo ra.

  Đời nghệ sĩ dù là nam hay nữ, người tu hành hay là kẻ trần tục, chỉ lấy lý tưởng phục vụ nghệ thuật là lẽ sống, còn danh vọng hay tiền tài chỉ là phù du. Điều này lại càng đúng với Sơ Maria. Những lợi nhuận Hãng Goebel trả hàng năm đều được cúng vào Tu Viện dòng Franciscan ở Siessen. Và những người sưu tầm tượng sứ Hummel cũng ít người được gặp nữ họa sĩ, thì nói chi đến việc Sơ Maria ham danh vọng ngoài đời. Chân dung của bà chỉ được mọi người biết đến qua bức tự họa còn đuợc trưng bầy ở phòng triển lãm của Hãng W. Goebel ở Munich. Con người tài hoa lại mệnh yểu. Sơ Maria Innocentia Hummel qua đời tháng Mười Một năm 1946 về bệnh phổi, sau 37 năm ở trần thế, nhưng có thể nói chắc rằng những sáng tác của bà hàng mấy trăm năm sau vẫn mang lại niềm vui cho những ngưòi sưu tầm."

 Tuy cuối thư anh cũng đã viết mấy lời khuyến khích, và khen ngợi tài năng của Mây cho cô họa sĩ bé nhỏ thấy vui nhưng cô cũng đã rơi lụy vì thương cảm cho cuộc đời ngắn ngủi của Sơ Maria Innocentia. Chiếc tượng sứ tuy được đặt ở phòng riêng của Mây nhưng các anh chị và mấy con bạn thân đều có dịp được vào ngắm nghía. Ai cũng  phải khen là Phong có mắt mỹ thuật và cũng khéo lựa chọn. Một vài đứa lại bắt cô bé phải hứa là sẽ cho coi món quà anh Phong thế nào cũng sẽ gửi về trong dịp Valentine sắp tới. Ngày ấy trong những gói quà Mây nhận được, gói đồ của anh chắc Mây sẽ chọn mở trước hết. Những tháng đầu năm ấy, Mây đã mỏi mắt mong chờ. Lần đầu tiên Mây thấy là thật sự giận anh vì Ngày Valentine đã qua đi mà, ngoài những bức thư hàng tuần anh vẫn gửi về, chiếc hộp nhỏ chứa món quà xinh xinh mà Mây mong đợi vẫn chưa thấy lại. Phong đã rất lầm lỡ khi quên gửi gì cho Mây vào dịp này vì chàng đã rất bận rộn trong công việc học hành. Và vào một mùa xuân, qua đại dương cách trở, vì một sự vô tình của anh mà lần đầu tiên cô bé mới thực sự biết thế nào là giận h

******        

 

 Ngồi trên chiếc ghế bành ấm cúng và đợi cho ấm nước sôi để pha ly cà phê đầu tiên trong ngày, Phong đã phải mỉm cười khi nhớ lại những lời trách móc của Mây năm vừa qua khi cô bé không nhận được quà của chàng vào Ngày Valentine. Khi nào bực mình thì Mây viết gửi cho chàng những chữ  Ghét...Ghét... đọc thấy thật dễ thương vì Phong  dư biết rằng vừa đặt bút viết xong chữ ghét là cô đã thấy xót xa hộ con người bị ghét mà quên hết muộn phiền. Chàng nhớ khi xưa có lần lại chơi nhà, vừa trông thấy Mây vẻ mặt hớn hở ra đón chàng, Phong đã hỏi ngay đến Vũ vì chàng có việc cần muốn bàn với người bạn. Thế là Mây quay phắt người lại và đi thẳng lên gác và cũng không buồn nói cho chàng biết là ông anh của mình đi vắng cho đến trưa mới về. Mới đầu Phong nghĩ ràng cô bé còn ít tuổi nên hay có những giận dỗi bất thường. Dần dà về sau Phong biết tâm tính của cô bé hơn và khám phá được ra rằng thật ra cô rất dịu hiền và, chỉ riêng với chàng, Mây mới đòi hỏi sự chú ý và săn sóc tuyệt đối như vậy. Nhưng không bao giờ Mây lộ ra thái độ này trước mặt Vũ vì cô bé vẫn còn biết sợ ông anh cả trong nhà và cô dư biết là ông anh ruột mình bao giờ cũng về phe với anh chàng. Chỉ riêng với chị Trinh là Mây để cho chị biết là mình rất có uy quyền với Phong, Mây muốn gì là ông anh này cũng phải làm theo. Cũng vì thế mà hồi năm ngoái chị đã giữ im lặng không muốn hỏi han gì vì sợ cô em tủi thân mà oà lên khóc, khi thấy trong Ngày Valentine, Mây có vẻ mặt buồn thiu ngồi trước đống thư chúc mừng và mấy gói quà của bạn bè mà không có gì của Phong gửi về. Chị Trinh đã là người hàng ngày lấy thư từ ngoài hộp mang vào nhà mỗi buổi chiều khi ở trường đại học về và suốt tuần qua chị cũng đã trông đợi hộ cô em gái gói đồ Mây mong chờ mà không thấy tới.

 Mây đã định không viết thư cho anh nữa, nghỉ chơi cho anh biết thân, nhưng cô nghĩ ít ra cũng một lần chót phải cho anh biết, để từ nay anh không còn tái phạm lỗi lầm như thế nữa. Mây phải cho anh biết là mấy con bạn chúng nó sẽ chế riễu Mây vì cô đã hứa cho chúng nó coi quà gì anh sẽ gửi về. Đứa nào cũng nói là giữa bè bạn với nhau thì quà mừng ngày Valentine mới có ý nghĩa, còn quà Giáng Sinh thì chỉ là tình trong gia đình mà thôi. Và cô cũng đã lộ cho mấy con bạn thân biết rằng ông anh Phong của mình thực ra chỉ là anh theo cách gọi mà thôi, vì anh ấy chơi thân với anh Vũ, vì mẹ Mây qúy anh ấy như trong chỗ thân tình. Bọn chúng đôi khi còn vặn hỏi Mây nhiều thứ về anh, xem Mây có coi anh đặc biệt hơn những người khác không. Bọn chúng hỏi những câu đôi khi cô cũng không biết trả lời ra sao, vì Mây thực tình cũng không biết anh nghĩ sao về mình. Nhưng lần này nếu mấy con qủy đó còn đả động đến quà Valentine, còn hỏi Mây nghĩ sao về anh thì cô sẽ nói thẳng cho chúng nó biết là anh là bạn học của anh Vũ, đôi khi anh đến nhà chơi, Mây thấy anh hiền lành nên mang mấy bài toán ra hỏi. Đôi khi anh vội đi nên hứa lúc về nhà sẽ viết thư trả lời, chỉ dẫn thêm cho cô. Thư viết chỉ có toán là toán, khô như củi, có viết thêm hàng chữ nào thì cũng là dặn phải chăm học. Anh làm như ở đời chỉ có việc học toán là trên hết, cái gì cũng là chuyện phụ. Anh mải mê học nên cái gì cũng quên. Thật là đáng Ghét...Ghét...Ghét...

 Phong đã không thể nào quên được lá thư viết thật lộn xộn của Mây. Ngày thường, thư của Mây viết thật dễ thương, ngay cả những lúc cô bé buồn hay giận anh chuyện gì. Lần này thì hình như tất cả những gì chứa chất trong đầu, những bực bội, phiền muộn cô viết một chập ra giấy cho hả cơn tức giận. Rồi cuối thư, lúc phải viết ra án lệnh, thay vì nói cho anh biết từ nay Mây không thèm viết cho anh nữa, Mây sẽ nghỉ chơi, sẽ biến đi, cô bé đã dịu lại và viết rằng:

 "Để phạt anh đã quên không nghĩ đến Mây trong Ngày Valentine, Mây đã cắt một miếng vải nhỏ phủ lên cuốn sách cầm trên tay của cô bé trong chiếc tượng sứ Hummel anh gửi về. Mây vẫn tưởng tượng là cô bé đang đọc bức thư của ai gửi về mà cô kèm trong cuốn sách, như Mây vẫn làm với những lá thư của anh khi Mây muốn đọc trộm lại mỗi khi buổi tối ngồi học bài cùng với chị Trinh. Nhưng nay thì Mây không cần đọc nữa vì chắc anh bận học toán, anh không có thì giờ viết về. Còn Mây, thì Mây sẽ ngưng viết cho anh suốt tháng này cho anh biết tay."

 Không biết Mây có biết rằng cô đã chọn tháng Hai là tháng ngắn nhất trong năm để phạt  anh hay không, và tháng ấy chỉ có 28 ngày thôi, kể từ ngày viết thư phạt vào giữa tháng thì chỉ còn lại có 14 ngày, nghĩa là đúng hai tuần lễ cô định không viết thư cho Phong. Nhưng chỉ tuần lễ sau Mây lại sợ anh không nhận được lá thư nói là cô đang giận anh, nên cô bé viết thư hỏi lại. Theo Phong nhớ thì án lệnh đó đã không bao giờ  được thi hành. Tuy vậy chàng đã rất ân hận vì không biết là giữa những học sinh thời đại họ lại để ý đến những ngày kỷ niệm truyền thống ở Âu Tây như vậy. Trong một lúc se lòng Phong nghĩ rằng có lẽ mình đã già hơn họ rất nhiều. Vào dịp này năm ngoái, hình như nỗi buồn của cô bé ở phương Đông cũng đã chuyền sang cho Phong ở dưới trời Mỹ châu.

******  

 

 Chiếc xe Mustang của Phong chạy ngon trớn tới Longmont truớc khi chàng đổi hướng về phía núi để đi Estes Park. Đây là lần thứ hai chàng đến thành phố nhỏ bé này ở cổng vào Rocky Mountain National Park. Lần trước chàng đi là do lời yêu cầu khẩn khoản của mấy cô nữ sinh Việt Nam theo học chương trình Nursing ở cùng Đại học. Năm đầu tiên các cô học lý thuyết ở Boulder nhưng kể từ năm sau phải chuyển đi Denver vì nhà thương huấn luyện đặt ở đấy. Trong năm học chàng chỉ gặp các cô vài lần, thường là do Hội Sinh Viên ngoại quốc tổ chức chung vào những dịp nghỉ lễ, Phong không thể nại lý do nào để vắng mặt. Phong  cũng được các cô mời tới nhà hai lần để ăn cơm Việt, và vào dịp mãn học của đám nữ sinh nghịch ngợm, bầy con gái vẫn ước ao được đi thăm thành phố du khách thật lịch sự này nên Phong đã bằng lòng chở các cô đi Estes Park. Nhóm nữ sinh có 6 cô và họ đã rủ được ông L. là cố vấn sinh viên ngoại quốc với bà vợ đi cùng để có thêm phương tiện chuyên chở. Cô nào cũng đòi đi xe của Phong và chàng không biết họ thu xếp ra sao nhưng bốn cô được chọn ra đã leo lên ngồi chật ních trong chiếc xe nhỏ của chàng và trong khi đi đường họ nói cười thích thú vì Phong hứa là sẽ đưa về đến tận nhà. Vì là chuyến đi chơi chung vào đầu hè và cả nhóm đã tổ chức ăn trưa ở trong Park nên Phong không phải bận tâm điều gì. Đã quen nhau trong suốt gần một năm học nên lúc chia tay giữa Phong và các cô sinh viên cũng có đôi chút quyến luyến. Tuy chàng cũng có hẹn là có dịp đi Denver sẽ lại thăm các cô, nhưng cả hai bên đều biết rằng sau chuyến đi chơi chung này họ khó có dịp gặp lại nhau. Với các cô thì Phong như là một cánh chim trời, sau này sẽ đi xa biền biệt. Còn với Phong thì trong cuộc đời của chàng đã biết bao lần chàng gặp bạn mới, trước lạ sau quen, có tụ rồi lại tan, chàng như chiếc lá vàng trôi theo dòng nước, ít khi dạt vào một bến bờ. Chỉ riêng với gia đình Vũ thì ngay từ thuở ban đầu, được người bạn đưa về nhà giới thiệu với mọi người, Phong đã thấy như có một sợi giây vô hình ràng buộc chàng lại.

 Sau khi nhóm Nursing đã dọn đi Denver chừng được hai tuần thì Phong nhận được một gói đồ của Mai Anh, cô sinh viên trông xinh sắn, dịu dàng và ít nói, đã ngồi trên xe cạnh chàng trên chuyến đi chơi Estes Park. Khi mở chiếc hộp lớn Phong thấy ở bên trong có một hộp nhỏ hơn bọc rất cẩn thận và bên trong có một con thỏ bé nhỏ óng ánh bằng silver crystal làm rất mỹ thuật và một bức thư ngắn viết bằng những giòng chữ đều thẳng tắp:

Thưa anh :

  Em có món quà nhỏ này gửi tặng anh để cám ơn anh trong năm qua đã để tâm săn sóc chúng em. Mỗi lần gặp anh là chúng em lại được nghe những lời khuyên bảo thật qúy giá. Bọn chúng em tuy nghịch ngợm, có khi làm anh phiền lòng, nhưng thật ra mỗi lần gặp anh là chúng em lại nhìn thấy ở anh những hình ảnh đáng trân qúy của quê hương, làm chúng em bớt lạc lõng nơi quê người. Bây giờ xa anh em mới dám nói cho anh biết là, sau lưng anh, bọn chúng em đứa nào cũng nhận anh là anh của mình. Có đứa còn bạo gan nói là anh quen thân với anh của nó và hay đến nhà nó chơi. Riêng em thì em không dám nhận, và có nói chúng nó cũng không tin nhưng em có người anh ruột đậu kỹ sư công chánh ở Phú Thọ, làm với anh khi xưa và có lần được anh cho đi theo khi anh đi công cán ở Cần Thơ. Lúc về qua Vĩnh Long, khi tài xế dừng xe lại lấy xăng, anh Chương em có mời anh tới nhà ba má chúng em nghỉ ngơi chốc lát. Hôm đó em ở Sài Gòn về lấy giấy tờ để xin học bổng đi Mỹ, em có chào anh và anh cũng tươi cười hỏi em mấy câu, nhưng sau này gặp lại chắc anh không nhớ.

  Hôm đi thăm phố ở Estes Park, vào gian hàng  Glittering Cove  em thấy anh ngắm nghía coi những con vật nhỏ làm bằng pha lê của Hãng Swarovski điêu khắc rất mỹ thuật, em nghĩ là anh cũng biết nhiều về loại này nhưng không dám hỏi. Hôm qua, gặp ngày Chủ Nhật em tới cửa hàng May D & F ở Denver cũng thấy bầy bán những đồ pha lê này nên chọn mua một con để biếu anh. Con vật này nhỏ bé lại nhút nhát, anh để trên bàn học chắc nó không làm bận rộn trí não của anh. Nó giống như em vậy. Hôm đó chúng em rút thăm để chọn người đi xe của anh, tên em được ra đầu tiên nên được ngồi cạnh anh mà em không dám hỏi anh câu nào vì sợ anh chia trí trong khi lái xe. Cả niên học vừa qua, em cũng như thế, nay viết thư em mới thổ lộ nhiều trên giấy làm mất nhiều thì giờ của anh, mong anh đừng buồn em anh nhé.

 Anh là cánh chim bằng, trên mây trời tung gió, chắc anh không để ý ngó xuống xem em ở đâu. Nhưng em vẫn tin rằng em là người luôn luôn gặp may mắn, như hôm tình cờ gặp anh ở Vĩnh Long, như được ngồi xe cạnh anh hôm lên chơi núi, và biết đâu về sau nữa chẳng  có dịp em được gặp lại anh.

Qúy mến,

Mai Anh

 Con thỏ nhỏ bé bằng silver crystal không làm cho Phong bị chia trí nhưng bức thư của Mai Anh đã thực sự làm chàng bận tâm. Sau cùng chàng mua một tấm thiếp cám ơn đã có in sẵn mấy hàng chữ "Thank You" rất khách sáo và viết thêm mấy câu thật ân cần ở dưới để gửi cho Mai Anh. Tới nay, đã hơn nửa năm rồi mà Phong vẫn chưa gặp lại nhóm Nursing ở Denver.

 

******        

 

  Lần này lái xe một mình đi Estes Park, Phong không khỏi nghĩ đến lần đi trước mà có Mai Anh ngồi bên cạnh. Món quà cô sinh viên cho Phong đã gợi ý kiến cho chàng để mua quà Valentine cho Mây. Vào dịp Giáng Sinh vừa qua Phong đã mua và gửi thêm về cho cô bé một bức tượng sứ Hummel nữa. Lần này chàng đã chọn bức tượng cậu bé cầm bó hoa trước kia Mây đã định mua cho chị Trinh.  Phong cũng viết thêm trong tấm thiếp kèm theo là nhờ cậu bé thay chàng đưa bó hoa đến cho Mây và hứa năm nay sẽ không quên quà Valentine của cô. Phong đã nghĩ là sẽ tìm ra một món quà thật đặc biệt và viết một bức thư thật nồng nàn, thắm thiết gửi về để bù đắp lại sự lầm lỡ của chàng hồi năm qua.

 Mây là tên các anh chị và bè bạn quen gọi cô bé. Đôi khi Mẹ cũng buột miệng gọi theo, nhưng rồi bà lại chữa ngay và gọi theo cái tên kiều diễm là Phương Vân  mà Bố đã đặt cho cô con út. Cô bé đã được Mẹ thích thú kể cho nghe câu chuyện đặt tên như là một trường hợp hi hữu mà Mẹ đã dành quyền quyết định tối hậu. Dạo ấy Bố chưa bước vào doanh nghiệp và còn ở trong quân đội như là một sĩ quan trừ bị, đóng ở một tỉnh miền Trung. Khi Mẹ có mang cô bé và gần tới ngày sinh nở, vào dịp gần Tết, Bố đã cho gia đình về Sàigòn để ông bà ngoại săn sóc. Khi được tin cô gái út ra đời thì Bố vừa đi thanh tra những địa điểm phòng thủ  trong tiểu khu và sửa soạn ăn tối tại Câu lạc bộ sĩ quan. Một trong những thú vui của vị Tiểu Khu Trưởng, cựu sinh viên Luật Khoa là dịch thơ Đường và hôm đó Bố đang loay hoay tìm vần chọn chữ  để dịch một bài thơ tiễn  bạn của Đỗ Mục

  Tống Nhân Du Hồ Nam

 
Giả Phó tòng giao tửu
 
   Thu lai mỹ cánh hương.
 
 Lân quân phiến vân tứ
     
       Nhất trạo khứ Tiêu Tương.

 

 Bài thơ có nghĩa là có ruợu Tòng Giao của ông Thái Phó Giả Địch, rượu rót ra chén có mùi hương của cây tùng. Thu về hương men lại càng thêm đậm. Nghĩ đến anh như làn mây trôi nổi. Dùng một mái chèo để rời bến Tiêu Tương.

  Ngồi ăn một mình, xa gia đình vợ con, người trai thời loạn mỗi buổi chiều gác  súng chỉ lấy văn thơ để tiêu khiển, nhớ lại thuở xưa khi còn là một sinh viên xuất sắc, nhưng hôm nay đọc mấy vần cổ thi lấy trợ hứng khi tìm tên để đặt cho cô gái út, ông đã phân vân lưỡng lự giữa những tên đẹp trong bài thơ là Mỹ Hương và Phiến Vân, và sau cùng ông đã quyết định đặt tên cô bé mới chào đời là Phiến Vân có nghĩa là Làn Mây. Khi nhận được tin của chồng, Mẹ đã trình lên ông Ngoại thì được giảng giải rằng chữ Phiến có nghĩa là mỏng, là một nửa, con bé mang tên này sẽ phải xa gia đình như làn mây trôi lãng đãng. Mẹ đã nghe theo lời ông Ngoại mà ghi tên cô bé là Phương Vân là áng mây lành và đẹp. Bố đã phải chịu thua, và sau này khi Mẹ hỏi về bài thơ dịch như  ông thường làm thì Bố chỉ trả lời đã để thất lạc đâu đó.

 Tên mà Bố và Mẹ đã chọn, là một mỹ danh để mong cho cô bé có một tương lai tươi đẹp. Nghe Mẹ kể chuyện đã chọn tên này là để ước ao sao cho lúc nào cô bé cũng được ở gần bà với sự chăm sóc của gia đình, Mây cũng thấy lòng êm dịu. Nhưng từ khi gặp Phong, đôi khi Mây cũng có những thầm ước lãng mạn, và cô nghĩ rằng nếu tên anh có nghĩa là gió, mà thổi mây trôi lãng đãng để cùng đi tới những bến trời xa lạ, thì có gì đâu mà buồn. Đã hơn một lần Mây đòi anh phải dịch cho cô được đọc và hiểu nghĩa bài thơ, từ đó Bố đã chọn tên cho mình, mà Phong cứ thoái thác nói rằng Đường thi thể ngũ ngôn tứ tuyệt, lời thơ cô đọng rất khó dịch không làm sao cho sát nghĩa được. Tuy vậy, trong cuốn vở để thỉnh thoảng ghi lại mấy tư tuởng hay chàng đọc được trong sách, hay đôi khi chép một bài thơ ngắn chàng viết ra, Phong đã viết bằng chữ hoa và tô đậm nét tên của cô học trò bé nhỏ xinh xinh ngay ở trang đầu. Và cũng có một lần Phong chép lại bài thơ tiễn bạn của Đỗ Mục kèm theo bài dịch của mình:

 

 Tiễn Người Đi Hồ Nam

  Tiễn nhau có rượu tòng giao,

                   Thu về man mác, ngọt ngào thêm hương.

      Anh như mây dạt ngàn phương.

                   Một chèo ly biệt, Tiêu Tương nhớ người.

 

  Bài thơ này, Phong đã không gửi cho cô bé coi, vì chàng đã chỉ phỏng dịch khi đã sang Hoa Kỳ, và đã chỉ lấy khung cảnh biệt ly để tả tâm sự của chính mình. Điều mà Phong sợ nhất là để cho Mây hiểu cảm tình của chàng với cô bé vì chàng muốn cho Mây được sống hồn nhiên với tuổi thơ ngây của nàng. Đã nhiều đêm ngồi ở bàn học, nhìn hàng chữ son viết tên kiều diễm của người xa vắng trên trang giấy trắng ngà, Phong suy nghĩ mung lung, và thấy trí não của mình như ở trong tình huống bất định. Phong không còn biết hiện giờ mình đang tìm cách giải một bài toán khó, đầy bí hiểm, hay đang lựa vần để viết nên một bài thơ tuyệt vời vì trong những lúc mơ màng nghĩ đến Mây thì đối với Phong thực hay ảo cũng chỉ có một nghĩa như nhau. Chàng thấy như là mình đang bơ vơ, đi lang thang khắp góc biển chân trời để tìm ai. Vì Mây đã tới với chàng như môt cơn gió thoảng nên nhiều khi Phong nghĩ rằng cô bé thực ra không hiện hữu trên cõi đời này, hay là Mây có thực nhưng sẽ không bao giờ chàng bắt được, hay không bao giờ với tới được. Giữa hai người hình như vẫn có khoảng cách ngăn, tuy là vô hình nhưng vẫn là hiển hiện. Mai Anh đã ví chàng như một cánh chim đại bằng lưng trời tung gió. Nếu đúng như vậy thì dù cho Mây có thật đang bay lơ lửng đâu đó trong không gian Phong chắc cũng có ngày tìm ra được. Chàng vẫn nghĩ như thế, nhưng vẫn mơ hồ thấy rằng có lẽ cô bé không ở trong không gian hiện hữu của mình. Và có lẽ suốt đời Phong chỉ có thể đứng xa chiêm ngưỡng như người xưa nhìn áng mây Hàng và tưởng tượng rằng nhà ta ở nơi đó, có đám mây che phủ. Cũng có lúc chàng nghĩ nếu chàng là cánh chim đại bàng, thì Mây phải là một con chim qúy hiếm, loại chim chỉ hiện hữu ở trong những chuyện thần thoại, và dù cho chàng có bay đi tìm Mây ở khắp mọi nơi cũng không bao giờ chàng thực sự tìm thấy nàng. Cô bé mà Phong trao đổi thư từ hàng tuần, có thể không thực sự hiện hữu trong thế giới của chàng.

 

 Đã hai lần Phong đi Denver, tới những cửa hàng lớn như May D & F, hay tới những hiệu chuyên môn bán kỷ vật nhưng không sao tìm ra được một bức tượng sứ tạc hình một con chim thật diệu thường, một con chim chỉ có trong thần thoại, con chim tuyệt đẹp để gửi tặng cô bé. Sau cùng Phong tới một hiệu chuyên bán đồ pha lê và tra trong sách liệt kê của Hãng Swarovski của Áo quốc để tìm trong những loài chim mà những họa sĩ và điêu khắc gia của hãng đã chế tạo và chọn được một con thiên nga thật đẹp làm quà cho cô bé vào dịp Valentine như đã hứa. Nhìn trong bức hình con thiên nga chàng đã chọn với chiếc cổ cong coi dịu dàng, cánh và đuôi vươn lên, với nét chạm chổ tinh vi làm tinh thể pha lê trong suốt phản chiếu ánh đèn lóng lánh, Phong nghĩ thầm rằng đây hẳn là món quà làm cô bé ưa thích nếu chàng viết thêm ít hàng chữ thật thân ái gửi về. Trông con thiên nga thật tinh khiết, trong suốt, bằng tinh thể pha lê nhuốm bạc, Phong lại nghĩ đến Mây với tính nết hồn nhiên của tuổi ngây thơ, của một thiếu nữ trong trắng, chưa từng biết yêu, và tưởng như rằng nếu nàng là một con thiên nga đang bơi lững lờ trên mặt hồ nước trong veo giữa một khu vườn thượng uyển đầy hương sắc thì chàng, dù cho có được chắp cánh đại bàng chăng nữa, cũng sẽ chỉ suốt đời bay lượn trên không, đóng vai bảo vệ cho con chim qúy, chứ không bao giờ dám sà xuống gần mặt hồ.  Nhưng khi hỏi mua con thiên nga chàng đã lựa chọn thì Phong lại được cô bán hàng cho biết là con chim đó lại không còn trong kho hàng, mà nếu gọi đưa về từ New York thì cũng phải mất vào khoảng một tuần lễ. Phong còn giữ điện thoại của cửa hàng  Glittering Cove  trên Estes Park là nơi lúc nào cũng có những đồ kỷ niệm sang trọng cho những du khách chọn lọc và may mắn sao khi chàng hỏi thì họ còn một con đang bày trong tủ kính và sẽ giữ lại để cuối tuần Phong tới lấy.

 Thấy nét mặt hân hoan của Phong khi nhận con thiên nga, cô bán hàng trên Estes Park phải cười và nói rằng: "Chắc ai nhận được quà này sẽ vui thích lắm". Chàng nhớ là đã trả lời cô hàng rằng mình cũng nghĩ như vậy và nhờ cô gói quà cho thật đẹp và chắc chắn để còn gửi đi xa. Chàng cũng để suốt buổi tối để viết bức thư với ý nghĩa Ngày Valentine cho cô bé

 "Ngày hôm nay, dù anh có viết một bức thư thật dài hay làm một bài thơ thật thắm thiết để gửi tới em, anh cũng không thể nào tìm ra hết ý, tạo ra hết vần, để nói hết tâm tình của anh đối với em. Em có biết không, là nhờ bố mẹ rất mực thương yêu mà nay em đã được mang môt cái tên rất đẹp, chỉ một đám mây lành, một buổi sớm mai. Danh sĩ từ ngàn xưa, ai cũng viết những lời hoa gấm tả gió, trăng, mây và nước. Nhưng với em, cùng với đám mây đẹp diệu thường đã tới với anh, anh nhìn thấy em như một loài chim hiếm qúy chưa ai được tới gần. Từ hơn một ngàn năm qua người Trung Hoa đã dùng những loài chim hiếm qúy để đặt tên cho những danh lam, thắng cảnh hữu tình hay điện đài cổ kính trang trọng, và cho đến nay những di tích kiến trúc đó một phần nhờ mang tên đẹp mà được nhiều người biết đến. Trong văn học sử người ta biết đến Phụng Hoàng Đài là nơi khi xưa Lý Bạch đề thơ, đến Hoàng Hạc Lâu là nơi có bài thơ kiệt xuất của Thôi Hiệu, đến Kim Loan Điện là nơi Hoàng Đế thiết triều. Nhưng với anh có gì làm anh luôn luôn nghĩ tới và nhớ lâu hơn cả không phải là những thiết kế đó do người đã tạo ra, mà là em, như một loài chim hiếm qúy. Với anh, em thật là một cô nữ sinh kiều diễm, một tiên nữ đã giáng trần qua một phép mầu nhiệm nào đó. Anh đã có diễm phúc được gặp em, cô bé đáng yêu có một tên gọi lên nghe êm dịu, làm anh nhớ trọn đời.

  Ngày anh gặp em lần đầu, em còn bé, nhưng đôi mắt em đã là cả một bầu trời sao làm anh nghĩ rằng hình như anh đã nhìn thấy ánh sao ấy ở nơi đâu rồi. Nhưng sau đấy anh phải đi xa du học và, bẩy hay tám năm sau, khi anh trở về nước, gặp lại em thì em đã đang vào tuổi dậy thì. Nếu em nhớ lại thì mỗi lần gặp em anh thường tránh cặp mắt em nhìn, vì anh thấy đôi mắt em trong sáng quá, nhìn vào sâu thăm thẳm làm thu hút hồn anh. Em đã biết anh không hay làm thơ, nhưng có lần anh đã viết vào cuốn nhật ký

 

                                    Mắt em là cả trời sao,

                                    Thu hồn ta trọn, đưa vào thiên thai.

 

 Em nhớ không, mỗi lúc đứng cạnh em giảng bài, thường thường thì em ngồi ở bàn, anh đứng ở sau lưng, lấy tay chỉ cho em hàng chữ trên cuốn sách em để trước mặt, chứ nếu em ngồi đối diện anh, mắt em nhìn thẳng như đọc được tâm trạng của anh thì anh sẽ vô cùng bối rối. Nhìn đôi vai thon nhỏ của em, anh thấy như là đôi cánh của thiên thần làm anh thấy dù có tình luyến ái em nhưng anh cũng không có một chút tà niệm.

  Một cô nữ sinh người Việt ở đây đã có lần ví anh như một con chim bay đi khắp phương trời. Và hình như em cũng có lần nói một câu tương tự rằng anh mới về rồi lại ra đi, như cánh chim tha hương, bạt ngàn, anh như không dừng chân lâu ở một nơi nào. Em nói cũng đúng. Xưa kia anh là con người lang thang, vô định, anh như một cánh chim, bay ở lưng trời, nhưng không phải là không biết tìm hướng. Anh như con người đang đi tìm một cái gì để mình trân qúy, tìm hoài cho đến ngày anh bay lạc tới bên em. Và ngay sau thuở ban đầu gặp gỡ, anh đã thầm ao ước từ nay sẽ được trọn đời gần bên em. Đó là những điều anh đã từ lâu muốn nói với em, nhưng phải đợi cho tới ngày hôm nay, Ngày Valentine, một ngày mà người ta có thể nói lên những mối tình thầm kín. Dù có đưọc đáp lại hay không, người nghe cũng dễ dàng tha thứ.

  Con thiên nga anh gửi về cho em, ngoài vẻ đẹp thần tiên, trong trắng, nó là một loài chim đặc biệt ở chỗ lúc nào cũng thầm lặng. Nó cũng giống anh, giữ tâm tình cho riêng mình và không bao giờ nói lên lời. Anh biết thế nên chỉ một lần này thôi, tâm tư  của anh được trải rộng trên trang giấy để gửi tới em.

******   

 

 Con thiên nga bằng silver crystal với chiếc cổ cong trông thật xinh xinh, và đôi cánh vươn lên, điêu khắc thật tinh vi, dưới ánh đèn chiếu phản lại những tia lóng lánh đã bay về tới đất Việt đúng Ngày Valentine. Cô bé chưa bao giờ nhìn thấy một con chim khắc đẹp như vậy. Mây đã mang ngay ra trường ngày hôm sau để cho bầy con gái cùng coi. Mọi người đều nghĩ là Phong đã cưng chiều Mây hết mực nên dù bận học cũng để thì giờ chọn lựa cho cô một con thiên nga đẹp như vậy. Mây cũng nghĩ như các bạn  nhưng cô không biết là có giữ được anh trọn đời ở bên mình để mãi mãi được cưng chiều hay không. Mây nghĩ như vậy vì cô đã không được đọc bức thư anh viết gửi Mây trong một lúc tình cảm dâng trào, bức thư trong đó anh đã thú nhận là từng ước ao suốt đời được ở bên cô bé.  Bức thư đó Phong đã giữ lại, vì chàng không có đủ can đảm để gửi đi dù rằng đang trong dịp Valentine, khi mà lòng người hân hoan, cởi mở, chờ đợi đọc những lá thư tình. (Còn tiếp chương 7)

Trích trong tập truyện "Tìm Nhau Từ Thuở"

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC