TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Truyện Dài : Tiếng Dương Cầm.

 
1-Tóm lược truyện dài  Tiếng Dương Cầm
-Trang nhà TKH-VL Chúng tôi xin giới thiệu đến quý Độc giả  truyện dài: TIẾNG DƯƠNG CẦM của nhà văn Phương Lan.
-Với một văn phong trang nhả, trong sáng, một bút pháp sinh động, phong phú trong ngôn từ,và sáng tạo trong lối viết, tác giả Phương Lan đã xây dựng câu chuyện mang một nội dung xúc tích, chuyên chở những tình tiết thật lý thú qua từng giai đoạn trong suốt tác phẩm.
-Truyện gồm 25 chương và chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng trên trang nhà TKH để quý độc giả thưởng thức một truyện Trinh Thám rất hấp dẫn đã được một hảng phim lớn ký hợp đồng để quay thành phim bộ.
Sau đây là tóm lược truyện TIẾNG DƯƠNG CẦM.  
   Lệ Hằng, cô bé có thiên tài về âm nhạc, mồ cô mẹ từ năm mới mười bốn tuổi.  Từ đó cô sống với bà ngoại, cho tới khi bà mất, cô lên Đà Lạt ở với cha.  Sau khi vợ qua đời, ông Thanh, cha nàng đã tái giá với một người đàn bà goá trẻ đẹp.  Bà Lý tên người vợ sau, có hai đứa con riêng là Bách và Dung.
 
Trong cuộc sống chung, Hằng nhận thấy ba mẹ con bà dì ghẻ có những hành tung bí mật, cô dần dần khám phá ra quá khứ của bà dì ghẻ khi xưa đã phạm tội sát nhân, bà giết chết tình nhân của chồng vì ghen.  Để lẩn tránh pháp luật, bà đem các con đi trốn, và để sống còn, bà kết hôn với những người đàn ông giàu có, và giết họ khi tông tích bị bại lộ.
   Lần này cũng vậy, khi biết đứa con riêng của chồng đã khám phá ra tội ác của mình, bà lập mưu giết chết cả hai cha con, để hưởng gia tài và diệt nhân chứng.  Trớ trêu làm sao Bách, con trai của bà lại thầm yêu Hằng, nhưng không được Hằng yêu lại.  Trong thời gian này, Hằng quen với một người bạn trai tên Đạt, tiếng đàn của cô đã mê hoặc anh chàng trẻ tuổi này, và vì muốn cứu cô, nên Đạt cũng suýt bị thiêu sống cùng với Hằng, trong một âm mưu rùng rợn do người dì ghẻ dàn cảnh cái chết thành một tai nạn.
Còn Bách, mặc dù đang căm hận vì yêu mà không đuợc Hằng đáp lại, nhưng trước hành động tàn ác của mẹ, Bách đã phản ứng ra sao? xin mời xem hồi kết cuộc. 
   Kính giới thiệu Quý Độc Giả khắp nơi Chương 1 truyện TDC của nhà văn Phương Lan.
Kính
NHC
 
2-Tiếng Dương Cầm
Truyện dài của Lưu Phương Lan
 
 
 
CHƯƠNG  1
 
 
   Vào cuối tháng Tư, ai cũng tưởng đã bắt đầu mùa hè, nhưng khi vừa bước chân xuống phi trường Liên Khương ở Ðà Lạt, tôi rùng mình vì lạnh, có cảm tưởng đang bị bao vây bởi một làn hơi buốt giá.  Bấy giờ mới vào khoảng 5 giờ chiều mà mặt trời đã đi ngủ sớm, và một làn sương mù trắng đục mờ mờ bao phủ cảnh vật.  Tôi bỡ ngỡ theo chân những hành khách khác bước xuống thang máy bay, rồi cả dòng người lũ lượt bước vào bên trong phi trường. Đoạn đường chỉ một quãng ngắn, nhưng tôi có cảm tưởng dường như dài cả cây số, tôi bước đi một cách khó khăn, chân ríu vào nhau vì lạnh quá, hơi thở tôi có khói và tóc tôi ẩm những hơi sương.
   Vào đến bên trong, tôi phào nhẹ nhõm và nhìn quanh, cha tôi không có mặt trong đám người đang đứng đợi.  Tôi lo lắng, có thể nào ông quên là tôi đến hôm nay chăng?  Tôi nhìn một cách thèm thuồng những cảnh đón mừng cảm động, những ánh mắt chờ đợi, những nụ cười mừng rỡ... Bên cạnh tôi, một đôi vợ chồng trẻ ôm nhau xoắn xuýt không muốn rời, tôi chạnh lòng nhớ đến mẹ tôi, nếu giờ này bà còn sống, hẳn bà sung sướng đến thế nào sắp được gặp lại người chồng yêu dấu sau nhiều năm xa cách.  Mẹ tôi số vất vả, suốt cuộc đời làm vợ, bà chẳng được hạnh phúc bao nhiêu, mặc dù được cha tôi hết mực yêu thương, xong ít khi có dịp cha mẹ tôi được sống bên nhau một thời gian dài.  Cha tôi đi hành quân liên miên, và mỗi khi có dịp về phép, ông ở nhà lâu không quá hai tuần, lần cuối cùng cha tôi bị thương và được giải ngũ, sau đó ông xin đi ngoại quốc để chữa bệnh, và cũng để thương lượng về công cuộc làm ăn.  Gần đến ngày ông về nước thì mẹ tôi gặp tai nạn xe cộ và bị chết bất đắc kỳ tử.  Năm đó tôi mới mười bốn tuổi và phải về ở với ngoại cho đến ngày hôm nay. 
   Ðêm cuối cùng trước khi rời Sài Gòn, đáp phi cơ đi Ðà Lạt, tôi thao thức không sao ngủ được. Lòng ngổn ngang trăm mối, tôi nằm nghĩ ngợi vẩn vơ hết chuyện này tới chuyện kia, bơ vơ hồi hộp trước khi bước chân vào một gia đình lạ, liệu có xảy ra những cảnh mẹ ghẻ con chồng?  Bỗng có tiếng động nơi cửa, tôi giật mình quay lại, mẹ tôi đang đứng đó tự bao giờ, nét mặt lo lắng.  Trong tiềm thức, tôi biết là mẹ đã chết, hốt hoảng tôi hỏi:
-  Mẹ! sao mẹ lại tới đây?
-  Mẹ có một việc quan trọng muốn nói với con?  Hằng! nghe mẹ đừng đi Ðà Lạt nữa, nguy hiểm lắm, con hãy ở lại.
-  Mẹ bảo con ở lại với ai bây giờ?  Tôi kêu lên, bà ngoại mất rồi, con chỉ còn một mình bố.. .
-  Cả bố và con đều đang gặp nguy hiểm, con phải nói với bố như thế.  Cả hai bố con hãy rời khỏi Ðà Lạt lập tức!
   Tôi há miệng kinh ngạc, nhưng không kịp hỏi thêm lời nào, thì mẹ tôi đã biến mất, và cơn buồn ngủ làm tôi díu cả mắt lại.  Sáng hôm sau, tôi có cảm tưởng như vừa mơ một giấc mơ thật dài.  Là người ưa thực tế, tôi không tin những điều dị đoan hoặc mộng mị, nên tôi không để tâm lắm đến những lời mẹ tôi nói trong giấc mơ.  Trưa hôm đó, tôi vẫn vui vẻ lên đường, giã từ Sài Gòn, giã từ những ngày thơ ấu, giã từ căn nhà của mẹ, căn nhà cha tôi vừa mới bán sau cái chết của bà ngoại tôi, người mà lúc còn sống vẫn khăng khăng đòi giữ lại.  Từ nay tôi bước vào một cuộc sống mới, biết có an thân, hay sẽ gặp những trắc trở gì nữa đây?
 
 
Phi trường Liên Khương Đà Lạt năm 1961.
   Trước khi để dòng tư tưởng trôi xa hơn, một bàn tay rắn chắc nắm lấy tay tôi kéo lại, và một cái ôm xiết làm tôi nghẹt thở.  Một giọng ấm áp vang lên ngay bên tai:
-  Hằng!
Tôi ngẩng lên, khuôn mặt thân yêu của cha tôi hiện ra, khuôn mặt đã lâu tôi mới được nhìn thấy, nhưng đối với tôi không thay đổi gì lắm.  Tôi kêu lớn, mừng rỡ:
-  Bố!
Vội vã tôi đưa tay lên bá lấy cổ ông, một cử chỉ tôi vẫn làm lúc đón ông đi xa trở về, và khi đó tôi còn nhỏ xíu.
-  Bố!  Tôi lập lại, giọng nghẹn nước mắt.
-  Con gái!  Trời ơi mới có mấy năm mà con lớn mau quá, và xinh đẹp hơn cả sức tưởng tượng của bố.
   Tôi mỉm cười đỏ hồng đôi má, điều này cha tôi nói không sai, với tuổi mười bảy căng tràn sức sống, bao nhiêu tinh hoa của nhan sắc dường như phát tiết hết ra ngoài. Tôi có mái tóc dài óng ả của mẹ, thân hình cao dong dỏng, đồi ngực cao nhọn ngạo nghễ, khuôn mặt trái xoan, sống mũi dọc dừa thẳng tắp và nụ cười thật tươi, nụ cười sống hệt cha tôi.  Tôi biết tôi đẹp và điều đó làm tôi sung sướng, tôi thường đón nhận những tia nhìn ngưỡng mộ của đám con trai, và cả những tia nhìn ganh ghét của bọn con gái cùng trường, với một vẻ hãnh diện.  Tôi biết chẳng ai sẽ giữ được vẻ đẹp suốt đời, vài mươi năm sau, nếu may mắn chưa trở thành nhăn nheo xấu xí, nhưng chắc chắn nhan sắc sẽ không còn được ai chú ý.  Bây giờ trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi của tuổi dậy thì, tôi đẹp và tôi sung sướng.  Một lúc im lặng, rồi cha tôi chợt nói:
-  Con ạ, thời gian làm thay đổi tất cả, mọi việc không giống như lúc xưa…
Tôi ngơ ngác không hiểu ông nói gì, nhưng lập tức cha tôi đổi câu chuyện sang đề tài khác:
-  Chuyến bay thế nào? con có mệt lắm không? Con có muốn ăn chút gì trước khi về nhà?
-  Con ăn trên máy bay rồi.  Tôi đáp và chớp nhẹ mắt, có “ai” đi với bố không?
-  Bố đi một mình, dì Lý và hai đứa nhỏ nóng ruột được gặp con lắm, nhưng bà ấy nghĩ bố con mình cần có thì giờ để nói chuyện riêng tư nên không đi theo.  Con có cả ngàn câu chuyện để kể với bố, phải không con?
Ông quàng tay qua vai tôi:
-  Con đem theo mấy cái vali?
-  Hai.
-  Có hai thôi à?  Nhưng không sao, bố sẽ mua cho con tất cả mọi thứ con cần dùng ở đây.
Chúng tôi đi nhận hành lý, và cha tôi bảo tôi đứng đợi để ông đi lấy xe tới đón.  Tôi tò mò nhìn quanh: một người đàn ông đen đủi đẩy một cái xe đi bán toàn bánh kẹo và hạt dẻ rang nóng, một người đàn bà trong cái áo bông to xù xụ, đang ôm trong tay một rổ đầy những vòng hoa nhài hương thơm nức mũi, và những bó hoa gì màu tím tím, đi chào mời từng người.  Ðôi vợ chồng đứng cạnh tôi đang nói chuyện bằng tiếng Pháp, tôi mỉm cười thấy họ ví Ðà Lạt như một ngoại ô của Paris.  Những người khác nói tiếng Việt, một số khác nói tiếng Anh, tiếng Trung Hoa và thứ tiếng gì lạ hoắc tôi chưa từng nghe bao giờ.  Ðà Lạt là thành phố du lịch quốc tế, không thiếu gì du khách ngoại quốc đủ mọi quốc tịch vẫn tới đây hàng năm, nhất là vào dịp hè.
   Khi cha tôi lái xe tới gần, thấy ông mỉm cười, tôi lại có cảm giác háo hức như lúc còn thơ ấu được cha mẹ tới đón tại lớp học mẫu giáo, nhưng bây giờ cái ghế ở bên cạnh ông trống rỗng, không còn mẹ tôi ngồi đó.  Hình ảnh của mẹ tôi lại hiện về, bà tươi cười bước xuống xe, hai tay dang rộng, tôi chạy a vào lòng mẹ, bà cúi xuống bồng tôi lên tay, hôn như mưa bấc lên mặt lên cổ tôi, rồi hai mẹ con leo lên xe...
   Mười hai năm như một thoáng mây bay, giờ này mẹ tôi đang nằm yên trong lòng đất.  Tôi lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ làm tôi đau đớn là đã có người thay thế mẹ tôi, để chia xẻ cuộc đời với cha con tôi.
-  Chắc con sốt ruột vì đợi bố lâu quá phải không?
Cha tôi hỏi và đi vòng ra phía sau, mở cái cốp xe cất hai cái vali của tôi vào đấy, đóng sập cửa lại, ông vui vẻ nói:
-  Nào, bố con mình lên đường!
Tôi mãi suy nghĩ nên không đáp lại.  Ðường từ phi trường tới nhà phải mất một tiếng rưỡi lái xe, cha tôi cho biết như vậy, chỉ một tiếng rưỡi thôi, tôi sẽ được gặp người đàn bà đã thế chỗ của mẹ tôi.
   Ðường vắng, cha tôi lái nhanh, những hàng cây hai bên đường chạy thụt lùi nhanh vun vút.  Nhưng cũng có những chỗ gập ghềnh, cha tôi phải cho xe chạy chậm lại.  Một đoàn xe công voa nhà binh chạy ngược chiều, bật đèn pha sáng quắc, dấu hiệu của cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn.  Tội nghiệp quê hương tôi khốn khổ, quê hương tôi chưa bao giờ được thanh bình, chiến tranh, chiến tranh muôn đời... Nhưng chiến tranh chưa lan tràn đến đây, thành phố Ðà Lạt nhỏ bé, hiền hòa chưa bao giờ là mục tiêu cho những cuộc pháo kích, ít nhất cũng cho tới giờ phút này.  Trong một lúc thật lâu, không ai nói với ai một lời, sau cùng cha tôi phá tan sự im lặng trước:
-  Bố biết dạo đó khi nhận được thư bố, con ngạc nhiên lắm, sửng sốt không tin nữa là khác.
Tôi làm thinh, ông tiếp tục:
-  Lẽ ra bố phải cho con biết sớm hơn, nhưng chính bố cũng không ngờ, mọi việc xảy ra nhanh quá, bố bị... tiếng sét ái tình.  Cha tôi cắt nghĩa một cách giản dị.
-  Bố lấy bà ấy từ khi chưa hết tang mẹ.  Tôi nói giọng kết tội.
Cha tôi thở dài:
-  Bố hiểu vì sao con và bên ngoại con giận dỗi không đi dự đám cưới bố.
Im lặng một chút, ông lên tiếng phân trần:
-  Có lẽ con không tin rằng những ngày sau cái chết của mẹ con, là những ngày kinh hoàng nhất của đời bố.  Trong hơn một năm trời, bố sống như một cái xác không hồn, bố không ăn uống gì được cả, đêm nào cũng nằm mơ thấy ác mộng.  Bố chán đời và không thiết làm việc gì cả, bố sống lang thang như một kẻ vô gia đình.
-  Nếu bố không làm việc được, thì bố đi Ðà Lạt để làm gì?  Chính bố nói với con bố đi Ðà Lạt vì công việc.
-  Bác sĩ khuyên bố đi, chứ không phải bố muốn.  Cả bạn bè cũng thế, họ sợ ở mãi Sài Gòn, bố sẽ hóa điên.  Họ hy vọng thay đổi chỗ ở có thể làm bố thay đổi nếp sống và quên được những kỷ niệm buồn.
-  Hừm, con không tin rằng bố thương mẹ đến thế.
-  Nhưng đó là sự thật đấy con ạ.  Những lúc bố đi hành quân, và sau này, khi ở bên ngoại quốc, bố vẫn dành một chỗ riêng, treo đầy hình của mẹ con và con.  Hàng ngày, hàng tuần, bố ngóng thư của mẹ, nhìn ảnh và đọc những lời âu yếm của mẹ, bố có cảm tưởng bà vẫn gần gủi bên bố. Thế rồi, đùng một cái được tin mẹ chết, hy vọng của đời bố bị xụp đổ tan tành…
Tôi ngắt lời:
-  Và rồi bố đã gặp người đàn bà ấy ở đây? ở Ðà Lạt?
-  Phải, trong một buổi dạ vũ tổ chức tại nhà một người bạn, bố chú ý đến một người đàn bà có dáng dấp giống mẹ con, bận y phục toàn đen, một bộ áo đầm dài đến gót chân, may bó sát người trông thật là quí phái.  Trong khi bà ta khiêu vũ, thì bố đứng đó nhìn ngây dại như một cậu học trò mười tám.  Thật trong đời bố, chưa bao giờ bố gặp một người đàn bà đẹp đến thế..
Tự nhiên tôi thấy tức lộn ruột và hằn học hỏi:
-  Ðẹp hơn cả mẹ?
Cha tôi nhăn mặt:
-  Ðừng hỏi bố như thế.
-  Nhưng chính bố nói mà?
-  Mỗi người một khác, mẹ con đẹp dịu hiền và có cả nét đẹp ở nội tâm nữa.
-  Nhưng chắc mẹ thua bà ta ở điểm không có cái bề ngoài lẳng lơ quyến rũ của những minh tinh màn bạc, khiến bố vừa gặp đã bị hớp hồn?
Cha tôi lại nhăn mặt lần nữa:
-  Chưa gì con đã thành kiến.
Một lúc im lìm tưởng như dài vô tận, sau cùng cha tôi khẽ cất tiếng:
-  Hằng! đừng có thái độ như thế đối với bố.  Bố không nghĩ rằng bố đã phản bội mẹ con, bố không làm điều gì có lỗi với mẹ con cả.  Nhưng vì mẹ đã mất, và bố cần lập lại cuộc đời, bố tin rằng dù ở dưới suối vàng mẹ cũng muốn cho bố sung sướng.
Tôi lặng thinh vì biết mình có lỗi, nên dịu lại:
-  Thôi được, bố nói tiếp đi.
-  Ðời bố bắt đầu lật qua một trang khác từ đấy.  Cả bà ta cũng vậy, dù là một người can đảm, bà ấy vẫn cần một người chồng để nương tựa.
-  Những đứa con riêng của bà ấy như thế nào?  Tôi tò mò hỏi, bố chẳng bao giờ cho con biết về chúng nó.
-  Thằng Bách cũng trạc tuổi con, hoặc hơn một hai tuổi, nó là một đứa thông minh, còn con Dung mới mười ba tuổi.  Chúng nó cũng ngoan ngoãn dễ thương, bố mong con sẽ ưa cả hai đứa.
-  Tụi nó gọi bố bằng gì?
Tôi chờ nghe một tiếng “bố” và tôi sẽ bật khóc vì tủi thân.  Nhưng không, cha tôi chỉ giản dị nói:
-   Dượng Thanh!
-   Dượng Thanh?  Tôi lập lại như một cái máy.
Cha tôi gật đầu:
-   Ừ, vì bà ấy chưa bao giờ đả động đến việc điều chỉnh giấy tờ, khai sinh của chúng nó để mang tên họ của bố.
-   Vậy càng tốt.  Tôi nói với vẻ hài lòng rõ rệt.
-   Bố cũng nghĩ như thế.  Còn con, con không cần phải gọi bà ấy bằng mẹ, con cứ gọi bằng dì được rồi, không ai chiếm chỗ của mẹ con cả, nhưng bố mong mọi người sẽ sống chung hòa thuận.  Con cố gắng nhé?
Sống hòa thuận? thế còn gì bằng, nhưng vấn đề còn tùy thuộc phần lớn vào mẹ con bà ta.  Ý nghĩ sắp phải sống chung với những người lạ làm tôi hồi hộp, hít một hơi thở thật sâu rồi thở ra từ từ, tôi nói một cách dè dặt:
-   Con sẽ cố gắng, con không hứa gì hơn, là con sẽ cố gắng.
Chúng tôi ngưng câu chuyện nơi đây.  Xe đang đi ngang qua một khu rừng rậm rạp, những cây cao, thấp không đều nhau, mọc chen chúc không theo một hàng lối nào cả trên bờ một con suối nhỏ mà cha tôi gọi là suối Ngọc Tuyền.  Ông cho xe đi chậm lại và trỏ cho tôi nhìn xem phong cảnh:
-  Con nhìn xem con chim lớn màu trắng kia! đó là con diệc, nó đang rình để bắt cá.
Hoặc:
-  Con nhìn trên cao, trên trạc những cây sồi, những hoa màu trắng cánh dài, và cả những hoa màu vàng nhụy đen đó toàn là lan rừng.  Nhiều người thích chơi lan thường lên đây tìm, có nhiều loại lan quí đem về Sài Gòn bán được khối tiền.
Hoặc:
-  Những cây tre này là tre rừng, lá của nó rất sắc, vô ý có thể bị cứa xước da, nhưng măng của nó ăn ngon tuyệt.
Ông nói thao thao bất tuyệt, mới đầu tôi còn nhìn chăm chú, xong trời từ từ tối dần, sương mù càng lúc càng dày đặc, cảnh vật không còn nhìn thấy rõ rệt.  Không khí lành lạnh của vùng cao nguyên ru tôi vào cơn buồn ngủ không thể cưỡng được.  Tôi mở choàng mắt khi cha tôi nói:
-  Mình đã ra khỏi khu rừng rồi, sắp đến nhà.
-  Vậy hả bố?
Tôi ngồi thẳng dậy và ngó qua cửa sổ xe, hai bên đường toàn là cây cối, có những cây cao lớn, có những cây nhỏ phủ đầy hoa.
-  Sao không thấy nhà cửa đâu cả?  Tôi hỏi và tỉnh hẳn ngủ.
-  Ðây là vùng Trại Hầm, một khu ngoại ô của thành phố Ðà Lạt, nhà cửa thưa thớt, đa số là nhà của những người dân miền núi.  Họ sống bằng nghề trồng tỉa, thổ sản chính là trái cây, nhất là mận, mận Trại Hầm nổi tiếng ngon nhất Ðà Lạt.  Người văn minh chỉ có những người ưa ẩn dật, trốn bụi bặm của thành phố mới về đây ở.  Giữa vùng hoang vu này mà có một biệt thự kể cũng thật hiếm có, biệt thự được xây cất từ lâu đời, xưa kia thuộc gia đình họ Tạ giàu có, họ tặng cho con gái làm quà cưới khi cô ta lấy chồng, một người đàn ông người Huế thuộc dòng dõi quý tộc.  Từ đó trải qua nhiều đời, con cháu họ kế tiếp về đây ở, và tu sửa lại.  Ðà Lạt cũng có nhiều biệt thự biệt lập, ẩn sâu trong rừng, trước đây chủ nhân là người Pháp, họ bán đi khi về nước, những người có đầu óc kinh doanh lợi dụng cơ hội mua lại với giá rẻ, sửa sang lại thành những khách sạn sang trọng, rồi cho mướn và làm giàu nhờ đó..
Xe đi qua một cây cầu gỗ tuy nhỏ nhưng trông có vẻ chắc chắn, tôi trông thấy một cảnh hùng vĩ chưa từng thấy.  Hai bên đường những cây sồi cổ thụ cành lá rậm rạp xòe ra như những cái lọng che lấp cả bầu trời, và những cây thông cao vút.  Trời đã tối hẳn, gần đến nơi cha tôi cho xe chạy thật chậm, từ xa tôi trông thấy một ngôi nhà hai tầng với mái ngói đỏ rực nỗi bật trong ánh điện vàng vọt, và một cái cổng đồ sộ xây bằng gạch, tầng trên gắn một cái ban công có lan can bao quanh chạy dài suốt mặt tiền.
-  Ồ, ngôi nhà xưa quá!  Tôi kêu lên, trông giống như trong phim Cuốn theo chiều gió...
-  Chính thế.  Cha tôi cũng đồng ý, ngày xưa thì nó giống y hệt, nhưng từ ngày được tu bổ lại và gỡ đi cái gác chuông thì trông có vẻ khá hơn.  Ngôi nhà này được xây cất từ sáu, bảy chục năm về trước nên cũ lắm, bố nghĩ có lẽ bố cũng sắp phải cho sửa lại cái ban công ở mặt tiền, và cả cái cổng nữa.
Tới đây, cha tôi quẹo vào lối rẽ và đậu xe ngay trước cổng.  Một người đàn bà đang đứng chờ, mắt chúng tôi gặp nhau, cha tôi không nói ngoa, bà ta đẹp quá, đẹp hơn cả những lời ông tả.  Trông bà ta giống như một bà công chúa trong truyện cổ tích đời xưa, người nhỏ nhắn, thon gọn, mái tóc đen bới cao, cài bằng một cây trâm màu vàng khiến bà trông có vẻ quý phái, làn da trắng nõn không một nếp nhăn, trông bà không ai có thể tưởng tượng bà đã làm mẹ của hai đứa con mười bảy và mười ba tuổi.  Ðây là dì Lý, vợ kế của cha tôi đây sao? thật không thể tưởng tượng nổi..
“Cố gắng thân thiện với dì, con hứa với bố nhé?”  cha tôi đã van nài tôi như vậy.  Bây giờ tôi đứng im, nhìn chòng chọc vào người mẹ ghẻ, mặc dù khuôn mặt xinh đẹp và dáng dấp bé nhỏ, nhưng toàn thân bà toát ra một sức mạnh tiềm ẩn, một quyền lực thần bí khiến người nhìn đâm ra sợ hãi.  Tôi rùng mình, cặp mắt lạnh lẽo của bà trông như hai cái hố sâu, linh tính cho tôi thấy một điều bất thường.  Một luồng khí lạnh chạy suốt dọc sống lưng, khi tôi nhìn vào hai cái hố sâu đó, điều tôi cảm thấy, không phải là một thứ tình thân thiện mà là một cảm giác chết chóc.
Nhưng chỉ một thoáng, mọi việc đã trở lại bình thường, tôi nghĩ những cảm giác lúc nãy có lẽ chỉ do tôi quá tưởng tượng, vì bây giờ trong cặp mắt đẹp và trong suốt của bà ta chỉ có những tia nhìn nồng ấm, đón mừng.  Mỉm cười duyên dáng, bà ta bước thật nhanh xuống những bậc thềm, chạy lại nắm lấy tay tôi.
-  Lệ!  Bà kêu lên, dì mong con hết sức.
-  Cám ơn dì!  Tôi lúng túng đáp, con cũng thế, nhưng..
-  ?!?
-  Lệ là tên mẹ con, còn con tên Lệ Hằng.
-  Dì xin lỗi Hằng! dì mừng quá nên lú lẫn hết.  Chắc con chưa biết dì xúc động biết bao, bố con đã nói với dì rất nhiều về con, và về người mẹ tuyệt vời của con.  Tất cả mọi người đều sung sướng đón con tới đây.
Trong lúc cha tôi lúi húi mở thùng xe phía sau để đem đồ đạc ra, dì vẫn tiếp tục câu chuyện:
-  Bố con nói con ưa tĩnh mịch, dì hy vọng con sẽ thích vùng này, có vẻ quê mùa thật đấy, nhưng nhiều người đã sinh trưởng ở đây rồi dời nhà đi chỗ khác, chỉ một thời gian sau lại quay trở về, họ nói không đâu bằng ở đây.
-   Dì biết vùng này lâu chưa?
-   Dì cũng mới dọn về đây có năm, sáu năm thôi, nhưng gia đình dì ở đây đã lâu rồi.  Ông cha dì xưa kia ở Huế, dời nhà xuống đây làm ăn, mở đồn điền, sinh cư lập nghiệp ở đây, rồi ở luôn không về nữa.
Nói tới đây, bà quay lại, cha tôi đang khệ nệ xách hai tay hai cái vali đi tới.  Dì khoác vai tôi, và tất cả cùng bước lên thềm, vào nhà.  Chúng tôi đi qua một hành lang dài dắt tới phòng khách, một căn phòng hình chữ nhật có cửa sổ trổ ra vườn.  Đồ đạc toàn là đồ cổ làm bằng gỗ quý cẩm lai chạm trỗ và khảm xà cừ, góc phòng là một cây dương cầm lớn, mở nắp, trên tường treo một bức tranh sơn dầu vẽ một người đàn ông mặc y phục đi săn.  Cuối phòng là một bộ sa lông bọc nhung màu đỏ đậm, một cậu thanh niên đang ngồi trên đó đọc báo, thấy chúng tôi đi tới, anh ta liệng tờ báo xuống chân và đứng ngay dậy.  Dì Lý giới thiệu:
-  Ðây là Bách, con trai dì.  Bách à! đây là Lệ Hằng, con gái dượng Thanh.
Tôi đưa mắt nhìn, đó là một chàng thanh niên trẻ tuổi, tóc đen nhánh hơi quăn, mặt mũi sáng sủa, người tầm thước giống mẹ, hắn nhe răng cười rất tự nhiên:
-  Chào cô Hằng! đi máy bay mệt không?
Tôi gật đầu và cũng mỉm cười đáp lại.   Chợt có tiếng cha tôi gọi lớn từ trên lầu:
-  Lý! anh phải mang những vali này đi đâu?  Em đã thu xếp phòng nào dành riêng cho Hằng chưa?
-  Em nghĩ Hằng sẽ thích căn phòng màu hồng ở cuối hành lang.
Quay sang tôi, dì hỏi:
-  Phải không con?  Về mùa hè thời tiết ở đây khá khó chịu, nhưng với căn phòng này thì khỏi lo, vì có tới hai cái cửa sổ, tha hồ có gió mát.
Vỗ vỗ vào lưng tôi, dì bảo:
-  Thôi bây giờ con đi xem phòng đi, ở trên lầu, căn cuối cùng ở phía cuối hành lang đó.
Tôi không mong gì hơn, vội vã theo chân bà ta leo lên cái cầu thang ngoằn ngoèo dắt tới tầng trên.  Tôi nhìn thấy một dãy phòng ngủ nằm dọc theo hành lang.  Căn phòng hồng, được gọi như vậy, vì đồ đạc trong phòng ngủ thứ gì cũng màu hồng.  Phòng có hai cái cửa sổ, một hướng bắc trông xuống lối đi vào garage, một hướng đông trông xuống vườn hoa ở phía dưới.
-  Con nên kéo tấm lưới xuống, nếu không sẽ bị muỗi ăn thịt.  Dì Lý nói, xấp khăn mặt và khăn tắm màu hồng để trên bàn là của con.  Phòng kế bên là phòng của em Dung.  Hai chị em dùng chung một phòng tắm ở cuối hành lang.  Dì và bố con có một phòng ngủ lớn ở giữa, phòng của Bách ở đầu hành lang bên kia.
Cha tôi lại khệ nệ khuân hành lý của tôi vào phòng, vui vẻ nói:
-  Con muốn bố để những vali này ở đâu?
-  Tôi chạy vội lại đỡ lấy:
-  Ở đâu cũng được.  À, hay bố cứ để đại xuống đất cạnh giường con đi, lát nữa con sẽ xếp.
-  Dì nghĩ con cần nghỉ ngơi một chút trước khi ăn cơm tối. 
Quay sang cha tôi, dì nói:
-  Hôm nay nhà mình ăn cơm trễ một chút, cỡ 8 giờ hoặc 8 giờ rưỡi, cho Hằng có thì giờ tắm rửa và sắp xếp đồ đạc. 
-  Dì đặt tay lên vai tôi, dịu dàng:
-  Hằng! dì có để sẵn một ít mắc áo trong tủ, xà bông, kem đánh răng và thuốc gội đầu, dì để cả ở trong phòng tắm, đôi dép đi trong nhà dì để ngay đây ở cuối chân giường.  Nếu con cần gì thêm, cứ cho dì biết.
Tôi cám ơn dì và nói:
-  Dì chu đáo quá, không quên một chi tiết nào cả.
-  Chưa chắc đâu con, nếu thấy thiếu cái gì, cứ tự nhiên hỏi dì.
Dì Lý nói thêm một cách nồng nàn:
-  Dì muốn con sống thoải mái ở đây.  Hằng! biệt thự Vườn Hồng này bây giờ là nhà của con, dì mong con sẽ yêu mến nó như mọi người trong nhà này đã yêu mến nó, cái tổ ấm của gia đình ta.
Nói xong dì cúi xuống hôn vào má tôi, môi dì mềm và mịn như đôi cánh bướm nhưng hơi lạnh.  Trong một thoáng, tôi ngửi thấy từ người dì tỏa ra một mùi hương của hoa tử đằng, một loài hoa đẹp nhưng rất độc.   Nói xong dì nắm lấy tay cha tôi kéo ra cửa:
-  Sau một cuộc hành trình dài, thế nào nó chả mệt mỏi, thôi mình đi ra cho con nó nghỉ.
-  Phải đấy!
Cha tôi mỉm cười, tôi đọc thấy vẻ hài lòng trên nét mặt ông, rõ ràng là cuộc gặp gỡ ban đầu quá tốt đẹp.  Cha tôi nói thêm:
-  Khi con sẳn sàng rồi, con đi xuống nhà dưới, Dung cũng sắp về, bố muốn con gặp Dung trước khi ăn cơm.
   Họ rời khỏi phòng, vẫn còn nắm tay nhau. Tôi đứng nơi ngưỡng cửa, lắng nghe những bước chân nhẹ nhàng của họ đi trên hành làng, tiếng chân xa dần rồi dừng lại, tiếng cửa khép nhẹ nhàng, rồi hoàn toàn im lặng.  Tôi thò đầu nhìn ra hành lang trống vắng, cha tôi và bà ta không đi xuống nhà dưới, mà đi vào phòng ngủ của họ.  Phòng ngủ? tôi lẩm bẩm một cách khó chịu, tôi không thể chịu nổi cái ý nghĩ cha tôi đang ở chung phòng với một người đàn bà khác không phải là mẹ tôi.           
  Họ đang làm gì ở trong đó? trong một căn phòng cửa khóa kín mít?  họ đang hôn nhau? đang nắm tay nhau? đang thì thầm những lời âu yếm?  Tôi biết tôi không nên thắc mắc như vậy, tôi phải chấp nhận sự thật rằng cha tôi đã có vợ khác, ông đã bảo với tôi rằng đời ông đã lật qua một trang khác rồi là gì?  Cố gắng xua đuổi những ý nghĩ xa hơn về họ, tôi quay vào phòng đóng cửa lại.     Trong gần nữa giờ, tôi bận rộn với việc cất xếp quần áo, đồ đạc của tôi vào tủ. 
   Sau cùng, tôi lôi bức ảnh phóng lớn của mẹ tôi ra ngắm nghía.  Đây là bức ảnh mới nhất của mẹ tôi, chụp lúc đang đứng trước cửa nhà tại Sài Gòn, mẹ tôi mặc áo dài màu xanh, đứng quay mặt nhìn thẳng vào ống kính và cười thật tươi.  Phía sau lưng bà, dựa bên gốc cây là cái xe đạp sơn màu đỏ, cũng chính là cái xe đạp ấy, mẹ tôi đã lái ba ngày sau đó, để rồi bị cán vỡ sọ bởi một cái xe Jeep do một ông nhà binh say rượu tập lái.  Tôi ứa nước mắt, nuốt vội nghẹn ngào đang dâng dâng lên cổ, tôi cầm ảnh mẹ ngồi xuống giường ngắm nghía, đây là bức ảnh cuối cùng của bà chụp trong lúc đang hy vọng nhất, một tuần sau khi nhận được thư của cha tôi báo tin ông sắp về nước.  Nét tươi cười của bà có lẽ sẽ đẹp hơn nếu không có những nét nhăn hiện ra nơi miệng và khóe mắt.  Tội nghiệp mẹ, suốt cuộc đời bà là những ngày tháng dài chờ đợi, lo âu, bà yên phận chịu đựng, không bao giờ oán than, không bao giờ trách móc.  Thế nhưng cái viễn cảnh sắp được sống một cuộc đời yên ổn bên người chồng yêu dấu, cái hạnh phúc tưởng tượng của bà cũng chỉ rất ngắn ngủi, vì chỉ mười ngày sau đó, bà nằm xuống, vĩnh viễn giã từ cuộc đời.  Bất công quá, tôi nghĩ thầm, một giọt nước mắt ứa ra nơi khóe, lăn dài xuống má.  Tôi nhắm mắt lại, khuôn mặt thân yêu của bà trong bức hình vẫn mỉm cười với tôi qua nền tối đen của võng mạc, không hiểu sao tôi thấy buồn ngủ không thể tả và tôi nhắm mắt, thiếp đi.
 
Lưu Phương Lan
(Xin xem tiếp chương 2)

 






 

Comments  

+1 #3 Re: Tiếng Dương CầmNhư Lâm 2016-03-26 15:26
Cảm ơn nhà Văn Phương Lan đã cho đọc một truyện dài mà ngay chương đầu cho thấy những tình tiết hấp dẫn với một lối viết thật điêu luyện đã đưa người thưởng ngoạn tập trung vào những diễn biến của câu chuyện.
Trân trọng chào.
Như Lâm
Quote
+1 #2 Tieng duong cam.Phuong Vo 2016-03-20 17:33
Cám ơn tác giả cho đọc một truyện hay và hấp dẩn ngay từ chương đầu.Sự tôn kính và nhớ về Mẹ của Cô bé Lệ Hằng thật tuyệt vời,cùng với tâm trạng hoang mang khi sống với bà dì ghẻ sau khi Mẹ qua đời. Hình minh hoạ ý nghĩa làm tăng phần thoải mái và gây thêm cãm xúc nơi người đọc.
Thân chào.
Phương Võ.
Quote
+1 #1 Re: Tiếng Dương Cầm-Chương 1Lien Nhu 2016-03-20 16:57
Cam ta nha van Phuong Lan
Cau chuyen khi nao cung nhieu uan khuc rat dieu voi
That la mot cay but than ky, doc rat thich thu
Xin cam ta nguoi chuyen va nguoi viet
Kinh chuc qui anh chi an vui
Ln
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC