TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 Hoàng ngưng cuốc, lần ra bờ kinh, khoát nước rửa tay, rẩy rẩy, chùi hai tay vào vạt áo trận. Bộ đồ kaki màu ô liu nầy đi theo suốt nửa đời vinh nhục của Hoàng. Bộ đồ trận ủi thẳng nếp, đôi giày ''bốt đờ sô'' đánh si ra láng bóng, ruồi bước lên phải chống gậy, áo thun lót trắng tinh, cặp kính râm pilot và chiếc bê rê màu vàng xếp khéo đội lệt dạo phố. Không cường điệu như ông nhạc sĩ nào đó đã viết ''Các cô nhìn đổ con ngươi'', như một đối tượng dễ nhìn nếu cô nào có ý ''tìm chồng giữa đám ba quân'' hình ảnh đẹp, hào hoa của người lính trận.

 Bước vào quân trường nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, việc làm đầu tiên của khóa sinh đi lãnh quân trang và vũ khí. Bộ đồ kaki nầy theo Hoàng chà lết khắp bãi địa hình, cây đa cổng số 9, tác xạ, tự tin, cây mẹ bồng con, vượt sông cầu Rạch Chiếc, những giấc ngủ trưa lả người lưng đẫm mồ hôi tựa vào gốc cây rừng cao su thẳng hàng ngang dọc. Bài học di hành dã trại trên chục cây số, quân trường đổ mồ hôi cho chiến trường bớt đổ máu, nhưng máu chiến trường càng ngày càng đổ nhiều vì chiến cuộc leo thang và loang như vết dầu.

Chín tháng quân trường, bộ đồ trận luôn ẩm ướt mồ hôi ''thứ mồ hôi muối vì mặn và đọng trắng như nước biển''.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến, ngày miền Nam bại trận, lụi tàn, Những người mặc đồ trận năm xưa bị tập trung đi tù.

 Đạn hết nhưng kho quân nhu cũ còn nhiều, đồ trận xanh màu ô liu được phát cho tù nhân cải tạo, đào kinh, đốn tràm, đập đá , làm rẫy, lên rừng, xuống núi... áo quần tã tơi vá đùm, vá túm nhưng vẫn thủy chung đi theo người tù để cùng nhận lãnh đòn thù nghiệt ngã dành cho kẻ bại trận. Sau bảy năm tù đày Hoàng trở về hành trang trong ba lô gồm hai bộ đồ trận bạc màu.

 Làm rẫy Hoàng chỉ mặc áo dài tay, quần xà lỏn, còn quần dài khi nào ra khỏi nhà mới mặc, giữ chút sỉ diện dù cuộc sống nghèo rớt mồng tơi.

Hoàng quấn điếu thuốc rê, đựng trong bao nylon có hình con cua, giấy đựng loại mì ăn liền.

 Sau tháng năm dài đi tù, Hoàng trở về còn một hòn dịch hoàn, còn hòn kia bị dập bấy khi vác đước qua cây cầu tròn trơn ướt bắt ngang con rạch. Đau thấu trời xanh, lết vào nhà dân được chữa trị bằng lá ổi đâm nát trộn với muối và dầu lửa thêm mớ lọ nồi, dược liệu dùng cho chó và heo mỗi khi bị thiến. Trời đẻ trời nuôi dân gian nói thế và nửa tháng sau vết thương lành hẳn, Hoàng đi lao động bình thường.

 Bệnh thứ hai, ghiền thuốc, vui cũng hút, buồn lại càng hút nhiều hơn, không ai phân biệt được khói thuốc vui buồn, khói nào cũng quyện lên cao theo gió cuốn đi.

 Để ám chỉ người đàn ông nghèo, trắng tay người đời có câu ''trên răng dưới... dái'' mà Hoàng lại chỉ còn độc một hòn, thứ đàn ông mạt rệp mà khả năng truyền giống còn phải xét lại.

 Ngày đi tù cha mẹ đứng khóc tiễn con đi, ngày về Hoàng không còn ai đón mừng. Cha mẹ Hoàng tuổi đã cao, nghèo khổ và bệnh tật đã lần lượt theo nhau qua đời. Nhiều lần Hoàng khóc âm thầm một mình khi hàng xóm kể lại cho Hoàng nghe trước khi chết mẹ trối lại rằng:

- Nếu nó còn sống trở về, bà con giùm nói lại con trai tôi, thằng Hoàng rằng tôi chờ nó mòn hơi rồi! Dù chết theo ông bà hồn tôi vẫn phò hộ nó suốt đời! Mẹ không đi đầu thai làm người khác đâu Hoàng ơi!

Nhớ câu nói của mẹ trước khi qua đời, Hoàng trở nên lầm lì, ít nói, nhiều người nghĩ rằng Hoàng mang bệnh trầm cảm.

 Dựng lại căn nhà lá đổ nát, sửa lại cái tủ nhỏ đóng bằng cây còng đã gãy một chân làm bàn thờ cha mẹ, đốn một cây tre gay, cưa làm chân vót thanh nẹp, Hoàng có giường ngủ, móc đất sét, nhồi nhuyễn với trấu đắp hai cái cà ràng, vài cái son, nồi, chảo bằng đất nung, một ít chén dĩa bằng mũ, cuộc sống coi như tạm ổn. Có lần Hoàng vắng nhà, kẻ lạ lén vào, nhưng đồ đạc còn nguyên vì không có món gì đáng lấy cả.

 Trong lần nhậu khô cá đuối nướng chấm nước mắm me, trong đám thanh niên trong xóm rủ Hoàng đi làm đất mướn, bồi bùn kiếm sống. Hoàng mừng lắm! Hôm sau ra chợ mua len, gàu, khăn tắm, một bình nylon đựng nước uống, một tấm bạt cũng bằng nylon để đi mưa và trải làm chiếu ngủ.

Trong đám đi chung có đứa thắc mắc hỏi:

- Hồi xưa chú đi sĩ quan, làm sao chú biết làm đất, phóng gàu cho nổi?

Hoàng cười:

- Đi tù chú có đào kinh mấy năm vùng Tám Ngàn - Rạch Giá.

 Hoàng nhớ rõ như in, đoàn tù gồm một trăm hai chục người, năm giờ sáng ăn chén cơm bỏ bụng, dở cơm trộn với bo bo vào lon guigoz với một ít mắm ruốc hoặc muối hột. Mặt trời chưa mọc, đoàn tù lầm lủi ra đi có toán vệ binh mang AK đi theo canh giữ. Mặt trời mọc lên, đoàn tù cũng vừa đến nơi lao động. Mặt đất trơ gốc rạ, nứt nẻ, trưa đứng bóng, hơi bốc lên hừng hực như dầu lửa bốc hơi. Mỗi người tù nhận chỉ tiêu dài 5m, ngang 5m, đáy 3m. Bao giờ đào kinh xong mới được về cho dù mặt trời đã lặn và cúm núm bắt đầu kêu. Rồi cũng xong thôi, anh em nào yếu sức chưa đào hết phần đất của mình, anh em cả toán làm xong cùng nhau đến phụ! Chỉ tiêu lao động trong ngày cũng đã hoàn thành trong khi bao tử mọi người quặn đau vì đói, môi khô vì cơn khát. Lúc sáng đất nứt nẻ, trơ gốc rạ, chiều đến, anh em tắm giặt giũ trên con kinh đã đào, dùng mồ hôi tù thay nhiên liệu mà.

 Mấy năm trôi qua, cuộc sống độc thân cũng tạm ổn, cho đến một buổi sáng kia, Hoàng đi chợ mua thức ăn chuẩn bị cho chuyến làm đất xa nhiều ngày, Hoàng gặp lại Diệp cô bạn học năm đệ nhị, bây giờ là cô giáo cấp hai, sắp bị đổi đi huyện Tân Trụ vì lý lịch không tốt: có người anh lính Nghĩa Quân chết trong trận đánh trên cầu. Sự thật Đảng Ủy Trưởng muốn lấy lại căn nhà rộng ba thước sâu chín thước, đuổi mẹ con Diệp ra để cấp cho một đảng viên.

 Diệp rối quá! Không biết tính làm sao, nếu đi làm sao lo cho mẹ được, bà đang bị suy tim. Còn bỏ nhiệm sở ở lại sống làm sao đây? Trong khi gia đình vỏn vẹn chỉ có hai công ruộng, đủ lúa ăn cho hai mẹ con.

 Hoàng hủy bỏ chuyến đi làm đất, mấy chú nhóc đồng nghiệp buồn hiu, không có chú Hoàng kể tiếu lâm, nhậu không bắt. Lên trường cấp hai, Diệp dẫn Hoàng đi xem vị trí hai công ruộng lúa đã chín vàng nằm dọc con kinh rộng cạnh quốc lộ.

 Diệp có sắc diện trung bình, tóc dài, da trắng, ăn nói lễ độ. Trên mười năm sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm, mãi lo bon chen với cuộc sống, mẹ già lại nay ốm mai đau, Diệp quên bẳng mình đi. Bây giờ đã bước vào tuổi ba mươi vẫn thui thủi, cô đơn chiếc bóng, đi sớm về trưa một mình. Gặp Diệp mấy lần, trình độ nhận thức không chênh lệch, là người cùng khổ Hoàng nghe tim mình có những tình cảm lạ mặt, một trạng thái mà lâu lắm rồi đã ngủ yên trong lòng.

 Hoàng đề nghị, Diệp xin phép nhà trường, tháng sau sẽ đổi đi nhiệm sở mới và xúc tiến ngay việc đắp nền nhà trên hai công ruộng vừa gặt xong. Được cả toán làm đất hổ trợ, Hoàng xuống gàu, việc đắp nền nhà và lên liếp hai công đất trong tuần đã hoàn tất.

 Ngày hai buổi Diệp mang cơm, trà, thuốc tiếp tế cho Hoàng, kèm theo nhiều nụ cười và tình cảm nồng nàn. Mỗi khi nhìn thấy tà áo trắng phất phới từ xa trong gió, tay cô giáo Diệp xách giỏ gà men, Hoàng thấy nguồn vui xôn xao, nồng ấm trong tim mình. Cuộc đời thật đáng quí quá!

 Hai người cùng ăn cơm chung, thỉnh thoảng Hoàng bắt gặp Diệp len lén nhìn mình, Hoàng nhìn lại Diệp thẹn thùng đỏ mặt, quay đi nơi khác với nụ cười vu vơ trên môi.

Nền nhà đã khô, sau buổi cơm chiều, nhẹ nhàng cầm tay Diệp, Hoàng ngỏ lời:

- Bỏ đi những sáo ngữ, những câu nệ thường tình, nếu em bằng lòng về xin phép, má đồng ý, anh sẽ xin cưới em. Diệp hãy suy nghĩ cẩn trọng và hỏi thật kỹ lòng mình coi có thương được anh không? Một thằng đàn ông mới ra tù, tài sản chỉ có chiếc gàu làm bùn và tấm lòng yêu thương em chân tình.

 Hoàng đã im tiếng từ lâu, nhìn xuống vẫn thấy bàn tay thon ngón, mủm mỉm của Diệp nằm yên trong bàn tay mình! Mấy ngón tay run run... đượm chút mồ hôi. Cơn gió chiều nay sao mát quá!

 Không biết trả lời sao mà Hoàng đi mướn hai cổ xe bò, dở nhà, bàn thờ, lu, hủ, chiếc giường tre gai, mấy cái cà ràng nhồi trấu... cũng được đi xe bò.

 Ba năm làm đất mướn Hoàng để dành được năm trăm ngàn đồng, cộng thêm tiền bán mười giạ lúa trong tổng số ba chục giạ thu hoạch, Hoàng cùng mấy đệ tử mua lá lợp nhà, mua hai cây còng to chở đến nhà máy cưa xẻ ván, mướn thợ đóng cửa và vách ngăn hai buồng. Mua bốn xe bò bê tông gạch bể, nền nhà đằm bằng mặt, tráng cement.

 Ngày ăn tân gia cũng là ngày cưới. Cô dâu mặc áo màu hồng, khăn voan và vòng hoa trắng, chú rể quần đen sơ mi trắng dài tay thắt cà vạt sọc to bản, chân mang dép da, đơn sơ nhưng trông thật đẹp đôi.

 Đám cưới cũng xôm tụ, khách mời độ năm bàn gồm toàn thể thầy cô giáo trường cấp hai, một số ít học trò, hàng xóm quen biết gia đình Diệp, toán làm đất mướn độ mười người, vợ chồng ông chủ đất nhà cũ là khách đàng trai.

 Đám cưới thật vui trong vòng thân mật. Sau khi xong đám trang trải mọi mặt, còn dư được năm chục ngàn đồng. Mẹ Diệp mừng nói: ''Hú hồn!''

 Ngay hôm sau, Hoàng vun giồng trên mấy liếp đất, bón phân tỉa rau muống, sà lách, cải bẹ xanh, hành, hẹ, củ cải trắng, cắm chà dọc bờ kinh, tủ rơm dưới gốc trồng hủ qua. Còn ba liếp nguyên trồng huệ trắng. Dọc tà ly Hoàng găm thêm sả, rau ngò ôm và rau râm, không cho tấc đất nào ở không.

Hoàng búng tàn thuốc xuống nước, Diệp quảy gánh vào nhà gọi vọng ra:

- Anh ơi! Vào ăn sáng, em có mua món ruột của anh nè: cơm rượu, xôi vò. Anh vào ăn xôi còn nóng. Hạnh phúc thật sự đã về trong căn nhà nhỏ tráng cement và lúc đêm về trên chiếc giường tre gai do chính tay Hoàng đóng mà tháng rồi Diệp đỏ mặt đề nghị:

- Bán xong đợt huệ nầy, em mua chiếc giường trồng thao lao như của mẹ, rộng, thoáng và ngủ cho êm, chứ đêm nào cũng kêu kẽo kẹt mấy lần, mẹ nặng tai không nghe, nếu lỡ có khách mà tật anh có chịu nhịn đâu. Sáng ra lỡ người ta biết, có nước độn thổ.

Hoàng ỡm ờ:

- Thôi để anh ra ngoài nầy ngủ, đêm đêm giường khỏi kêu cho em khỏi bực mình.

Diệp lườm Hoàng con mắt có đuôi, ngoe nguẩy, xách bình xuống châm trà vì ấm nước đã sôi kêu vòi từ lâu.

 Năm tháng tù đày, mưu sinh để sống còn, đã dạy Hoàng chịu đựng gian khổ, Hoàng kiếm trúc làm một cái nò, vót chừng hai chục cần câu cắm. Cá sặc, rô, mè, lòng tong, tép bạc đất tươi rói. Mỗi khi đổ nò dư dùng cho cả ba người. Cá trê, cá lóc, lươn, cá chạch lấu đôi khi còn có cả rắn hầm ri, do dính mấy cần câu cắm, Diệp mang ra chợ bán. Huê lợi làm rẫy khấm khá, nhứt là huệ trắng lúc vào mùa cả ngày thu hoạch trên trăm bông... cho nên dù bỏ dạy học, không lãnh lương hàng tháng, đời sống của mẹ, Diệp và Hoàng rất thoải mái, không những đủ ăn còn mua để dành được mấy chỉ vàng giấu dưới chỗ nằm, gối đầu mỗi đêm và nuôi được cặp heo lớn bằng bề tròn tỉn nước mắm.

 Thời gian qua đi, cho đến một buổi chiều kia vì sợ số củi phơi bị ướt, trong khi trời rớt hột, mẹ Diệp hối hả chạy nhanh ra mang củi vào nhà và ôm củi cuối cùng được mang vào, bà té sấp xuống nền bếp, bất tỉnh và hơi thở chỉ nhẹ như làn gió thoảng. Bệnh viện Long An chuyển bệnh nhân lên thành phố vì thiếu phương tiện điều trị hở van tim.

 Nửa tháng sau mẹ bình phục, xuất viện trở về nhưng mấy chỉ vàng và cặp heo lớn như thổi ra đi. Vợ chồng Hoàng trắng tay vẫn hoàn tay trắng, khuya ôm chồng Diệp nói lời xin lỗi và cám ơn chồng vì mẹ mình mà phải chịu cảnh túng nghèo. Tiếng giường tre vẫn kẽo kẹt đêm đêm thay câu trả lời của Hoàng vì chần chừ chưa mua được chiếc giường trồng bằng thao lao trước khi mẹ ngã bệnh, giường tre tuy thô nhưng Hoàng nêm và vô mọng chắc hết sẩy.

 Thế rồi chuyện xảy ra như trong cổ tích, Hà Nội chấp nhận cho tù cải tạo trên ba năm được nạp hồ sơ lập thủ tục cùng gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ.

Trong đám tù có câu vè:

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời Cộng Sản mà thương tụi mình.

Mãnh lực đồng đô la mở được tất cả cánh cửa cho dù là cửa xà lim trong nhà tù Cộng Sản.

 Bạn bè các nơi lần lượt làm thủ tục, riêng Hoàng ngồi vấn thuốc rê và nhả khói nhiều hơn vì không tiền, vả lại nếu mang Diệp cùng đi, mẹ già bỏ lại cho ai.

 Yêu Hoàng, thương chồng đã vì gia đình mình phải chịu sống kiếp lầm than, Diệp đồng ý cùng Hoàng ra đi, mẹ sẽ ở lại với vợ chồng người cháu, tiếp tục làm rẫy hưởng huê lợi, sang Mỹ hàng tháng vợ chồng Diệp gởi tiền về phụng dưỡng mẹ già.

 Ngày đi phỏng vấn, Hoàng chở Diệp bằng xe đạp đòn dong mượn của người cháu. Từ dốc cầu cao Long An, Diệp ngồi phía trước trong vòng tay kẹp hai bên của chồng, chiếc xe thả dốc mang hai người về Sàigòn để ngày mai gặp phái đoàn phỏng vấn.

 Cơn gió mạnh tháng mười thổi ngược, Hoàng đạp xe tê cứng hai bắp chân. Diệp nóng ruột quá chừng, nghiêng mặt sát mũi Hoàng. Diệp thì thào:

- Tội nghiệp chồng tôi quá!

Trán lấm tấm mồ hôi, Hoàng cúi xuống và nồng nàn hôn lên má, thơm mùi nếp non của vợ mình.

 Mệt quá, thỉnh thoảng Hoàng dừng xe lại dưới gốc cây bên đường, Diệp mở nấp lon guigoz đựng nước dừa hai vợ chồng cùng uống cho đã khát. Họ lại lên xe tiếp tục trên con đường còn xa dịu vợi và theo con số Diệp đếm không bao giờ sai! Hoàng đã hôn Diệp hai mươi tám lần thì đến trạm xe bus Bình Điền Sàigòn,

Phụ đỡ xe đạp lên mui, vào ghế ngồi, Diệp lo lắng hỏi chồng:

- Tối nay mình ngủ ở đâu?

Hoàng cười, vuốt tóc vợ:

- Khách sạn ''La Pagode'' chứ ở đâu em.

Diệp thắc mắc, lấy khăn lau mồ hôi trán cho chồng và không dám hỏi thêm.

 Thành phố lên đèn, xe bus dừng lại ở trạm mũi tàu, Hoàng nắm tay Diệp bước xuống, dẫn xe đạp ghé vào cổng chùa có hai con rồng sơn màu vàng phục hai bên, chùa nầy do ông đạo từng du học bên Pháp và có thêm một cơ ngơi tu hành rất bề thế, nằm trên Cồn Phụng, giữa dòng Tiền Giang. Thực phẩm duy nhứt của ông là trái dừa. Mọi người gọi ông là Đạo Dừa với ít nhiều thắc mắc và kiêng nể trong lòng.

 Với gói xôi đậu xanh, tép rang với tốp mỡ, lon trà đá, cái mùng và chiếc chiếu được mượn, hai vợ chồng có một giấc ngủ say như chết trong tư thế bốn chân gác lên chiếc xe đạp ngủ chung trong hậu liêu của chùa! Cũng ''La Pagode thôi''!

 Tháng sau, ngày đi trong phòng chờ đợi ở phi trường Tân Sơn Nhứt, lấy chéo khăn quàng cổ, lau nước mắt, run run nắm tay và chồm lên hôn con gái, mẹ Diệp mếu máo:

- Chúc hai con thượng lộ bình an, ngày con về chắc mẹ không còn nữa đâu.

Diệp cúi đầu bước đi lòng nặng trĩu trong khi hành lý của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có hai túi nhỏ xách tay.

 Hai vợ chồng Hoàng định cư ở tiểu bang thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ, nơi có nhiều hãng xưởng, nhưng đời sống không cao.

 Thật may mắn! Sau một tuần làm đầy đủ hồ sơ, khám bệnh nhập cảnh, Hoàng và Diệp có việc làm ngay. Hoàng làm hãng bóng đèn, có nhiều người Việt. Hãng nầy sẽ ''ăn nên làm ra'' khi có nhiều bão tố. Nhà sập. đường phố cây trồng, trụ đèn ngã nghiêng, sau cơn mưa giông bão trời lại sáng vì có đủ bóng đèn sẵn sàng thay thế. Hoàng làm ca ba từ mười giờ rưỡi đêm đến bảy giờ sáng, lương mỗi giờ bảy đô la.

 Diệp nhờ chị hàng xóm dẫn vô dọn giường trong khách sạn, phụ trách mười bảy phòng một ngày, lương bảy đô la một giờ nhưng ăn uống khách sạn đài thọ. Hai vợ chồng như mặt trời và mặt trăng, người mọc kẻ lặn.

 Trước khi đi Diệp có học thêm Anh văn và được Hoàng kèm, ngôn ngữ giao dịch hàng ngày Diệp không gặp khó khăn cho lắm.

 Khách trọ ở Mỹ thật lịch sự, trước khi ra ngoài hoặc trả phòng, Diệp dọn giường, thay khăn, savon, lau kiếng, chậu rửa mặt, bồn tắm, hút bụi... họ đều để lại tiền ''típ''. Khi thì năm đô, lúc mười đô, có bữa gặp khách sộp được tặng mấy chục đô. Trọn tiền ''típ'' Diệp mua một con heo đất bỏ ống, định đầu tháng hai tới đây sắm một bộ veston thật đẹp, thật mốt, làm quà sinh nhật cho Hoàng, người chồng mà Diệp yêu thương không kém mẹ mình.

Cuối tuần ôm nhau ngủ, Hoàng thì thầm bên tai vợ:

- Có triệu chứng gì lạ không em?

 Diệp lắc đầu. Cưới nhau gần năm năm rồi còn gì, Diệp có chửa đẻ gì đâu. Diệp không hiểu rõ nguyên nhân nhưng Hoàng biết mình là ''độc hoàn đại hiệp'' công lực đâu bằng ''độc thủ đại hiệp''.

 Trong số khách trọ phòng, người hào phóng nhứt là Thomas Jonhson, người da đen, cựu thượng sĩ nhứt trong sư đoàn Dù, anh cả đỏ, tham chiến ở Việt Nam bốn năm. Đôi môi dầy, tóc quăn tít, vui vẻ với mọi người, Jonhson là khách trọ dài hạn, đại diện Bộ Quốc Phòng hợp đồng với nhiều công ty ở tiểu bang nầy, làm bộ phận riêng rẽ, sản xuất vũ khí bộ binh dự trữ.

 Hôm gặp Diệp lần đầu Jonhson sửng sờ, nói cho Diệp biết hồi ở Việt Nam, ông có cô bạn gái sống như vợ chồng, có gương mặt, mái tóc và thân hình giống Diệp như đúc. Jonhson dự định trước khi mãn nhiệm kỳ, cưới nhau mang về Mỹ, nhưng sau đó cô ta tử nạn vì hỏa tiễn của Việt Cộng pháo kích vào thành phố Biên Hòa.

 Jonhson rất hào phóng với Diệp, ngoài tiền ''típ'' hậu hỉnh ra, thường xuyên khi thì xấp vải, lọ nước hoa, hộp son phấn... vừa mới đây là chiếc đồng hồ Rolex.

Diệp ái ngại và nói với Jonhson rằng:

- Cám ơn nhiều và xin ông đừng tặng quà nữa, tôi không muốn mình là kẻ lợi dụng.

 Mới đây mấy tuần, đang trải ra và thay áo gối Jonhson bước vào phòng, cầm tay Diệp ông ta nói rằng rất si mê Diệp như thấy người yêu xưa sống lại, nếu bằng lòng ngủ với ông ta một đêm, Diệp sẽ được tặng mười ngàn đô la, một số tiền quá lớn đối với người mới định cư như Diệp.

Diệp phản đối kịch liệt:

- Ông đừng tưởng có tiền mua gì cũng được đâu, tôi không bao giờ phản bội chồng tôi, ông hãy bỏ ngay ý định đó đi, nếu ông lập lại điều nầy tôi sẽ bỏ việc làm ngay.

Diệp bối rối, hụt hẫng bỏ cả buổi ăn trưa.

 Tuần sau, vừa xách thùng cơm đưa Hoàng ra xe đi làm, vào nhà điện thoại reo, từ Việt Nam người cháu gọi sang cho biết mẹ Diệp đang nằm bệnh viện Chợ Rẫy, phòng cấp cứu, thở oxy và đã gắn máy trợ tim, trái tim bà như không muốn hoạt động nữa. Theo lời bác sĩ, bà phải nằm lại bệnh viện một tháng để theo dõi và tẩm bổ để đủ sức giải phẫu, ghép lại van tim. Cuộc điều trị nầy lên đến vài chục triệu, nếu không tình trạng bà không qua một tháng.

Buông điện thọai, căn phòng xoay đi mấy vòng, Diệp ôm mặt, gục đầu, ngồi bệt xuống sàn nhà.

 Hai hôm sau, khi xách thùng cơm tiễn Hoàng ra xe, Diệp vào nhà thay đồ, kẽ lông mày, tô môi son và chút phấn hồng lên má, nhìn dung nhan mình trong gương mà rơi nước mắt.

 Diệp vội vã gọi taxi và gần đến năm giờ sáng mới thất thểu trở về chân bước đi với thể xác không hồn. Diệp gọi vào xin nghỉ làm hôm đó.

 Bắt đầu từ đêm ấy nhà thiếu vắng tiếng cười nói của Diệp thay vào đó là ánh mắt thẫn thờ, những chuỗi thở dài thườn thượt.

 Hoàng hỏi, Diệp nói rằng, khách sạn tăng thêm số phòng quét dọn nên mệt, ngán đồ ăn Mỹ có bữa chỉ uống coca trừ cơm.

 Diệp sụt cân, xanh xao, Hoàng đề nghị khám bệnh, bác sĩ nói chỉ ăn uống tẩm bổ nghỉ ngơi, ngủ nhiều để lấy lại sức, Diệp đã có thai trên hai tháng, phát triển bình thường.

 Biết Diệp có bầu, Hoàng mừng không thể tả, dọc đường từ phòng mạch bác sĩ trở về nhà, Hoàng bóp còi xe inh ỏi khiến mấy xe chạy cùng chiều nhìn Hoàng ái ngại, một kẻ bệnh tâm thần lái xe.

 Hoàng chạy ra tiệm tạp hoá Việt Nam mua ổi, xoài sống, trái cốc, chùm ruột ngâm giấm... chất đầy bàn thêm dĩa muối ớt đỏ au, Hoàng nói rằng Diệp thèm là có ăn ngay như vậy sanh con mới thông minh.

 Mỗi đêm từ trong hãng đều gọi về hỏi thăm an ủi, cám ơn Diệp vì chỉ hơn nửa năm nữa thôi, Hoàng sẽ được làm cha vào cái tuổi bốn mươi lăm... Vào hãng gặp ai Hoàng cũng khoe, hào sảng, mừng vui như trúng số độc đắc.

 Biết Diệp có thai mệt mỏi, Hoàng cáng đáng mọi việc nhà, nấu ăn, giặt giũ, hút bụi, đôi khi rửa cả chén bát và tuyệt đối không cho Diệp bưng, xách vật gì hơi nặng.

Thấy Diệp rầu rầu nét mặt, biếng nói, lười cười, Hoàng nghĩ vì thai hành nên càng thương, an ủi và săn sóc Diệp nhiều hơn.

Ngày sanh đã tới, buổi chiều Diệp đau bụng, Hoàng nghỉ làm, hồi hộp vui mừng chở vợ vào nhà thương.

 Diệp đã ra hết nước nguồn, cố hết sức bình sinh rặn nhiều lần thai vẫn không ra, chích mấy mũi thuốc giục, Diệp gồng mình rặn, mồ hôi đổ ra như tắm, kiệt sức thai vẫn nằm trong bụng.

Thai nhi quá lớn, bác sĩ quyết định mổ, Diệp được đẩy vào phòng, Hoàng thấp thỏm, lo lắng đi tới đi lui, đứng ngồi không yên. Ôi! Hạnh phúc quá lát nữa đây mình được làm cha.

Nửa giờ sau, y tá cho Hoàng vào, Diệp nằm mê như ngủ, phủ ra trắng, hai tay vô máu và nước biển nhỏ từng giọt.

 Được y tá báo trước đứa bé là trai, Hoàng sướng rân, đưa tay mở chiếc khăn lông trắng quấn đứa bé. Hoàng ồ lên một tiếng đau đớn và không tin vào mắt mình, da đứa bé xám xịt, đôi môi dầy như hai con đỉa trâu và tóc đen quăn xoắn.

 Hai đầu gối run bần bật, muốn khuỵu xuống thu hết bình tỉnh Hoàng hỏi y tá xem có sự lầm lẫn nào không? Y tá trả lời suốt ngày hôm nay chỉ có một ca duy nhứt sanh trong phòng mổ.

 Hoàng mở cửa chạy như điên lọan, không biết dùng thang máy. Từ trên cửa sổ nhìn xuống bãi đậu xe thấy Hoàng phóng xe như một tay đua, khói tung mịt mù.

 Ngày hôm sau, suốt từ trưa đến chiều tối điện thoại bệnh viện gọi cho Hoàng nhiều lần nhưng không ai bắt máy. Sau cùng bệnh viện nhờ cảnh sát đến nhà báo cho Hoàng biết Diệp đã chết và Hoàng tỉnh dậy, lễ mễ bên đống vỏ chai bia ngổn ngang.

 Theo biên bản của cảnh sát Diệp chết vì ống nylon vô máu bị cắt, áp suất từ cơ thể đẩy máu chảy ra xuống cái bô bằng inox đặt dưới gầm giường.

Diệp chết với đôi mắt hé mở và nước da trắng bệt như tượng thạch cao.

 Trên bàn nhỏ có hai bức thơ dùng mặt trái của giấy ghi điện tâm đồ và nhiệt độ. Một thư để lại cho Hoàng và một thư để lại cho bác sĩ Rita trưởng ca mổ bằng tiếng Anh sử dụng ngôn ngữ và văn phạm không hoàn chỉnh:

Kính thưa Bác sĩ Rita!

Tôi chân thành cám ơn bác sĩ đã giải phẫu cứu mẹ con tôi, nhưng với đạo lý Việt Nam tôi là một người vợ lăng loàn, nên tôi tìm cái chết để tạ lỗi với chồng tôi.

Kính nhờ bác sĩ liên lạc với khách sạn Crown Center và báo với ông Thomas Jonhson hãy đến nhận con ông ta. Khách mướn phòng dài hạn số 108.

Đa tạ và vĩnh biệt Bác sĩ.

Kính.

TB. Tôi cũng xin xác nhận với chính quyền và pháp luật, tôi đã tự nguyện và bằng lòng một cách sòng phẳng khi đến với ông Thomas Jonhson.

 Ngoài phòng chờ đợi Hoàng gục đầu nước mắt ràn rụa, đọc thơ tuyệt mạng của Diệp, người vợ, người đàn bà mà Hoàng yêu thương nhứt trên cõi đời nầy.

 

Kansas City, ngày... tháng... năm...

Mình yêu thương!

Em xin phép mình cho em gọi tên mình lần cuối cùng. Hoàng ơi! Người chồng tử tế, tuyệt vời của em ơi! Em xin đội ơn anh.

 Cách nay đúng chín tháng, em nhận được điện thoại từ Việt Nam. Đứa cháu cho biết, mẹ em đang nằm chờ chết trong phòng cấp cứu nếu không có tiền trả phí tổn cho ca mổ hở van tim, lên đến mấy chục triệu.

 Thương mẹ tột cùng, trong lúc bối rối em đã ăn nằm qua đêm với Thomas Jonhson, một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam với số tiền mười ngàn đô la, theo lời đề nghị của ông ta mà trước đó em đã giận dữ khước từ.

 Tiền gửi về, ca mổ được thực hiện, mẹ lành bệnh và sống khỏe mạnh đến ngày hôm nay. Chuyện lăng loàn của em vì cần tiền cứu mẹ, không một người chồng độ lượng nào chấp nhận hành động đốn mạt đó của vợ mình.

Em bình tỉnh tìm cái chết và xin anh rộng lòng thứ tha em mới yên lòng nhắm mắt.

 Trước khi giã từ cuộc đời, em có một điều luyến tiếc vô cùng, tình yêu của vợ chồng mình dù nghèo nhưng nồng nàn quá đi thôi. Em còn nghe, má trái của mình râm ran, sung sướng khi nhận hai mươi tám cái hôn thật dài của chồng yêu quí của em, trên chiếc xe đạp đòn dong, trong buổi chiều gió ngược, anh đạp xe đến vọp bẻ để chở em về Sàigòn phỏng vấn.

 Trong tiếng kẽo kẹt hằng đêm của chiếc giường tre gai do chính tay anh đóng và em đã trao đời con gái của em cho anh trên chiếc giường mộc mạc đó, Hoàng ơi! Em thèm anh vô cùng.

 Xin anh đừng cười em vì đây là những lời cuối cùng của em nói với người chồng, người đàn ông mà em yêu thương và si mê nhứt trên cõi đời nầy.

 Em mệt, mắt mờ và chóng mặt quá, tay em run. cầm bút không muốn nổi. Hoàng ơi! Người chồng tuyệt vời của em! Xin anh độ lượng tha thứ và xin đừng trách em. Mong anh sớm quên em, tìm được một người đàn bà khác sống thật hạnh phúc và xứng đáng hơn em.

Hôn anh lần cuối

Trương Thúy Diệp

Người vợ bất hạnh của anh.

 TB. A! Trong tủ áo em có con heo đất, tiền em bỏ ống mỗi ngày, chắc đủ rồi. Xin anh đập ra mua một bộ Veston màu xanh đậm, món quà em định tặng anh nhân ngày sinh nhựt thứ bốn mươi lăm của anh. Tiếc quá! Em không còn sống để ngắm chồng em đẹp trai cỡ nào, khi mặc bộ veston quà của vợ anh.

Em hôn anh.

Vĩnh biệt.

 Hoàng đánh rơi tờ thơ xuống nền gạch, hai tay bưng lấy đầu, la lớn ''Trời...ơi!...'' Cả bệnh viện sửng sờ dường như nghe tiếng rống của loài thú rừng nào đó vang dội núi đồi.

 Đám tang của Diệp thật đông đảo người Việt tiễn đưa, đa phần là phụ nữ, ai cũng sục sùi nước mắt vì chạnh lòng, cám cảnh số phận nghiệt ngã, đau thương của Diệp. Mộ Diệp được phủ kín bằng nhiều bông hoa trắng.

Chôn cất Diệp xong, người ta không còn thấy đêm đêm Hoàng đến hãng bóng đèn làm nữa.

 Theo lời kể của người bạn mà Hoàng nhờ đưa ra sân bay, nơi đến cuối cùng trong vé ghi tiểu bang Alaska, nơi bốn mùa tuyết băng trắng xoá.

Thỉnh thoảng có một số người Việt đi viếng mộ người thân của mình, nằm trong nghĩa trang đường Hai Mươi Ba, một người đàn ông da màu đẩy chiếc xe mà đứa bé nằm ngủ trong đó chưa đầy một tuổi. Ông ta đặt một bó hoa hồng đỏ thẫm trên mộ của Diệp, đã được dựng tấm bia lớn bằng đá hoa cương.

 Người ta cũng nói cho nhau nghe, bắt gặp nhiều lần người đàn ông da màu nầy, đứng yên lặng thật lâu, bất động bên mộ Diệp như một pho tượng đồng đen, cho đến khi chiều xuống.

Tường Lam

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC