TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Mùa Đông này họ quen nhau đúng một năm và đã yêu nhau thắm thiết. Có điều lạ lùng nhất là họ chưa hề gặp mặt, dù cả hai sống cùng một thành phố và nhà ở cách không bao xa.

Cuộc tình của họ thật đẹp.

Hai tháng đầu trao đổi qua Email. Tháng thứ ba họ không còn thư từ qua lại với nhau nữa, mà đêm đêm tâm tình qua làn sóng điện thoại trước khi lên giường nhắm mắt xây chung giấc mộng tuyệt vời...

Đôi nhân tình này quen nhau không do một sự tình cờ. Họ có «bà mai» hẳn hòi. Và «bà mai ấy» chính là anh ruột của nàng!

Câu chuyện mai dong bắt đầu vào một ngày…

 

° °

Trường đang ngồi nơi phòng đợi ở phi trường New-York bỗng giật mình nghe tiếng khóc của trẻ con gọi «ba ơi, ba ơi» từ phía sau. Chàng quay đầu nhìn lại thấy một bé gái khoảng 6 tuổi 7 tuổi chạy qua chạy lại… vừa khóc vừa gọi ba.

Dĩ nhiên cô bé gọi hai tiếng «ba má» phải là bé ViệtNam, bị lạc cha nên kinh hoảng chạy tìm. Trường thấy sắc mặt cô bé quá sợ hãi liền đứng lên đi tới nắm tay nó nhỏ nhẹ nói:

- Cháu đừng sợ! Đừng khóc! Đừng khóc nhé! Ba cháu chắc đang tìm cháu.

Cô bé nghe Trường nói tiếng Việt nên có vẻ bớt sợ nín khóc, dương đôi mắt to đen nhìn Trường. Trường mỉm cười thân thiết dỗ dành:

- Cháu đừng sợ nhé. Để chú nhờ ban an ninh của phi trường gọi trên máy phóng thanh tìm ba cháu nhé? Cháu tên gì?

Cô bé vẫn nhìn trân trân Trường một lúc mới đáp:

- Cháu tên Kiều Liên.

- A, tên cháu đẹp quá! Kiều Liên bao nhiêu tuổi?

- Kiều Liên 6 tuổi.

- Vậy Kiều Liên theo chú tới nhờ cô chuyên viên Hàng Không tìm ba nhé.

Chàng vừa nói vừa nắm tay cô bé dắt tới trước mặt nữ chuyên viên Hàng Không đang ngồi nơi bàn kiểm soát chuyến bay của phi trường. Dĩ nhiên chàng nói tiếng Mỹ:

- Chào cô. Đứa bé này bị lạc cha nó. Cô có thể gọi trên máy phóng thanh báo tin cho cha nó biết nó đang ở đây được không?

Nữ chuyên viên Hàng Không gật đầu, hỏi Trường:

- Tên của nó là gì?

- Kiều Liên.

Cô Mỹ nghe chàng nói cái tên tiếng Việt, đương nhiên cô không hiểu Trường nói gì, nên châu mày nói:

- Phải nói tên đưá bé mới gọi ba nó trên máy phóng thanh được chứ?

Thịnh mỉm cười:

- Đứa bé này là người Việt Nam. Tên của nó đúng như tôi vừa nói, chắc là khó cho cô nói rõ trên máy phóng thanh. Hay là cô cho phép tôi gọi cho ba nó được không?

Nữ chuyên viên Hàng Không gật đầu, đưa máy phóng thanh cho chàng. Trường liền nói một câu bằng tiếng Việt:

- Alo! Alo! Cháu Kiều Liên đang tìm ba. Cháu đang ngồi nơi phòng đợi cửa số 10.

Câu nói chàng lập lại lần thứ hai thì có một người đàn ông tuổi khoảng trên 30 chạy đến. Bé Kiều Liên nhìn thấy cha từ xa thì chạy tới ôm cha khóc oà lên. Người ấy ôm con gái vào lòng, vừa nhăn mặt hỏi:

- Sao con chạy lung tung đi đâu vậy? Ba đã dặn con ngồi một chỗ chờ ba mà.

Cô bé nhủi vào ngực cha, khóc thút thít không nói. Người đàn ông cúi xuống bồng con gái lúc ngẫng mặt lên để nói lời cám ơn Trường, bỗng trố mắt ngạc nhiên, reo lên:

- Ủa? Trường! Té ra là mầy? Người vừa gọi trên máy phóng thanh là mày sao?

Đến phiên Trường sững sờ nhìn cha đưá bé hỏi dồn:

- Anh là… anh là…

- Ừ, thì là Thịnh đây. Mày không nhận ra tao à?

- Phải! Nhưng anh… anh thay đổi nhiều quá.

- Mầy nói đúng! Từ khi tao cưới vợ thì béo phì ra nên mầy không nhận ra tao ngay cũng phải.

Cả hai mừng rỡ ôm chầm nhau. Vì thời còn bạn học, Thịnh lớn tuổi hơn Trường, nên quen gọi «mầy, tao». Còn Trường coi Thịnh như đàn anh, nên xưng gọi «anh, tôi».

Thịnh buông bạn ra cười cười nói:

- Cám ơn mầy đã giúp tao tìm con gái. Con nhỏ này hay chạy lung tung. Tao bảo nó ngồi một chỗ chờ ba vào nhà vệ sinh một chút sẽ ra ngay. Thế là khi tao ra ngoài nó đã biến mất! Báo hại tao chạy khắp nơi tìm nó muốn phát điên lên. Chừng nghe tiếng trên máy phóng thanh vang vang, tao mới biết nó đi lạc đến chỗ này nên tức tốc chạy đến...

Đang nói Thịnh bỗng trợn mắt hỏi:

- Ủa, mà mầy làm gì ở đây? Tao nhớ mầy sống ở Genève mà?

- Phải, tôi vẫn sống ở Genève. Bữa nay đi công tác cho sở ở New-York 2 ngày đang ngồi chờ lấy hành lý thì nghe tiếng con nít khóc gọi «ba ơi ba ơi», nên mới giúp nó tìm ba. Không ngờ ba cô bé là anh! Nhưng mà anh cưới vợ lúc nào vậy? Mà anh sao cũng lại ở đây?

- Ừ, tao hiện sống ở New-York. Từ khi tao lìa Genève qua Mỹ cưới vợ đã 7 năm rồi.

- Vậy ra anh cưới vợ ngay khi tốt nghiệp ĐạiHọc Kinh doanh ở Genève mới có con lớn như vậy?

Thịnh gật đầu:

- Chỉ vì bên vợ tao có tiệm buôn ở New-York, nên tao phải bỏ Genève qua đây giúp gia đình bên vợ.

- Phải rồi! Bạn bè học ở Đại học Kinh doanh ở Genève chỉ có năm đứa. Anh biến mất, tôi không biết anh đi đâu. Hoá ra anh theo vợ qua Mỹ! Nhưng chắc hai bác vẫn còn sống ở Thụy Sĩ chớ?

Thịnh đáp giọng buồn thiu:

- Không! Ba má tao đã chết cách đây ba năm. Ông bả về ViệtNam ăn Tết, lúc trở qua mới biết bị nhiểm độc ăn uống thời gian ở đó. Bác sĩ nói: «Cơ thể chứa nhiều chất hoá học đang xâu xé lẫn nhau, không có thuốc trị. Thời gian sống chết tùy theo chất độc phát tán nhanh hay chậm». Nửa năm sau thì ba má tao lần lượt qua đời.

Trường nghe bạn nói cũng dàu dàu:

- Tôi cũng từng nghe thằng bạn bác sĩ kể lại, có nhiều người về ViệtNam ở chơi vài tháng, khi trở qua mới biết bị nhiểm độc ăn uống! Tôi không ngờ hai bác cũng là nạn nhân bị nhiểm độc sau khi về Việt Nam thăm quê hương.

Rồi chàng than thở với bạn:

- Dân mình sao cứ mãi gặp tai họa như thế này?

Thịnh bỗng đổi giọng tức giận:

- Ba má tao chết một cách oan uổng uất ức như vậy đó. Tao đã từng khuyên ba má tao đừng về Việt Nam sẽ bị trúng độc ăn uống. Nhưng ổng bả hưá «sẽ cẩn thận, không ăn uống bậy bạ». Sự thật dù có tự nấu ăn ở nhà, khi mua các thứ bán ngoài chợ như: rau, cải, thịt, cá, trái cây… thứ chi chi… cũng chưá đầy chất hoá học thì cẩn thận thế nào được?

Trường cũng bực mình, nói một hơi:

- Chỉ vì những tên chóp bu của «Đảng Nhà Nước» một sớm một chiều trở thành tỉ phú, giàu có nhứt nhì trên thế giới, con cái họ mặc sức ăn chơi phung phí. Họ giàu có nhanh như vậy là nhờ quyền lực, có thể lấy tài sản đất đai của quốc gia đem bán cho Tàu, hay buôn lậu, hoặc áp bức, hối lộ, bốc lột miếng cơm của dân… Tóm lại một xã hội mà nhóm cầm đầu cai trị dân chỉ xem tiền là cứu cánh cho cá nhân và gia đình họ. Một xã hội thiếu văn hoá và đạo lý, thì dân chúng ngoài việc lường gạc đấm đá nhau. Từ kẻ làm thương mại, đến nông dân trồng trọt… ai ai cũng muốn có tiền vô thật nhanh, thật nhiều, đã không ngại dùng các chất hoá học cẩu thả trong thực phẩm bán ra, cốt sao thu lợi mà không nghĩ đến tai hại «chết người của các chất hoá học». Đó là lý do tại sao du khách đã vào ViệtNam một lần thì không còn ai dám trở lại lần thứ hai!

Thấy mặt bạn đầy u uất buồn phiền vì cái chết của cha mẹ, Trường đổi đề tài:

- À, mà bà xã anh đâu? Sao chỉ có anh ở đây với con gái vậy?

Thịnh hốt hoảng kêu lên:

- Ấy chết! Nếu mầy không hỏi chắc tao quên tuốt phải đi đón bà xã nữa chớ.

Rồi Thịnh nhìn đồng hồ nơi tay, cười cười:

- Ôi, may quá! Còn hơn nửa tiếng nữa chuyến bay từ Los mới đáp xuống! Tao và con gái bữa nay ra phi trường là để đón má nó từ Los trở về. Gia đình cô ấy có chi nhánh thương mại ở đó nên đi đi về về thường xuyên.

Thịnh bỗng vỗ vai Trường nói:

- Tự nãy giờ lo nói chuyện tao. Mầy cưới vợ chưa?

- Chưa. Vẫn còn phòng không gối chiếc!

Trường vừa nói vừa cười. Nhưng nụ cười có chút thê lương. Thịnh nhăn mặt:

- Đẹp trai và tài giỏi như mầy mà chưa cưới vợ chắc là kén chọn quá chớ gì?

Trường cười nhỏ:

- Không phải đâu! Có lẽ tôi chưa gặp được người trong duyên số nên mới…

Thịnh cười hề hề, ngắt ngang:

- Để tao làm mai mầy cho em gái tao nhé?

Không chờ Trường trả lời, Thịnh hỏi:

- À, khoan đã! Lúc trước mầy có từng đến nhà ba má tao chưa?

Trường lắc đầu:

- Chưa có dịp. Nhưng anh không mời, tôi sao dám tới?

- Sao lạ vậy? Mấy thằng bạn kia tới nhà chơi thường xuyên, sao mầy không hề tới?

Trường chưa kịp nói gì, Thịnh gật gù ra chiều khoan khoái, nói:

- Tốt! Như vâỵ là may lắm! May là mầy chưa biết mặt em gái tao! Mầy chưa nằm trong danh sách bị nó loại. Còn hy vọng! Còn hy vọng!

Trường nghe bạn nói lảm nhảm không hiểu lời bạn, hỏi:

- Anh nói lảm nhảm gì vậy?

Thịnh không đáp lời bạn, đỡ bé Kiều Liên ngồi lên ghế, rồi mới nói:

- Mầy nhỏ hơn tao 3 tuổi phải không? Vậy là mầy 29 tuổi. Em gái tao là đứa em út trong gia đình. Năm nay nó 24 tuổi.

- Sao? Vậy ra anh còn cô em gái sống ở Thụy Sĩ à?

- Phải, tao theo vợ qua Mỹ. Ba má và em gái vẫn sống ở Genève, nhưng từ khi ba má tao qua đời Thương Thương sống lẽ loi một mình.

Trường dường như không hiểu rõ câu nói của Thịnh nên nhíu mày nhìn bạn. Thịnh bật cười:

- Tao quên giới thiệu mầy, tên em gái tao là Thương Thương.

- Thương Thương?

- Phải! Ba má tao đặt nó cái tên khá kỳ cục phải không?

- Không kỳ! Nghe dễ thương lắm.

- Được rồi! Nếu mầy đồng ý tao sẽ giới thiệu nó với mầy.

Vừa nói Thịnh vừa moi túi quần lấy điện thoại di động, bấm bấm vào máy rồi đưa cho Trường xem:

- Nè, nhìn đi! Con nhỏ đẹp không mậy?

Trường chủ mắt nhìn vào, gật đầu:

- Phải! Người trong máy điện thoại quả là một mỹ nhân! Nhưng mà người đẹp thường lấy chồng sớm lắm mà? Em gái anh đẹp như vậy sao vẫn chưa có chồng?

- Ừ, nó đẹp thì quả là đẹp, nhưng không kiếm ra chồng vì tính tình kỳ quái!

Trường nhướng mắt hỏi:

- Kỳ quái thế nào?

- Mầy còn nhớ mấy thằng bạn học chung Đại Học Genève với tụi mình không?

- Ờ, Nhớ chớ! Anh Cẩn cùng tuổi với anh. Còn Hùng và Văn đồng tuổi với tôi nên lúc đó ba đứa tụi này thuộc loại em út của hai anh.

- Đúng vậy! Cẩn, Hùng, Văn tới lui thường xuyên nhà tao, có lẽ vì ba má tụi nó chơi thân với ba má tao. Còn mầy thì nếu tao nhớ không lầm thì ngoài giờ học, mầy đi làm thêm, nên có lẽ là lý do chưa đến nhà tao, chưa gặp em gái tao.

Rồi Thịnh nhăn mặt nói tiếp:

- Nói chung tụi thằng Cẩn, Hùng, Văn tới nhà tao cũng vì con ba đưá nó đều si tình Thương Thương. Vì vậy ba má tao đều muốn gả nó cho một trong ba anh chàng đó nên gợi ý hỏi cô ta. Kết quả như vầy:

«Thằng Cẩn» như mầy biết đó, thân hình cao lớn, chơi thể thao đá banh, quần vợt… thứ chi cũng giỏi, nhưng Thương Thương chê, bảo rằng: «Ai mà ưng anh Cao Bồi ấy là kể như tàn cuộc đời.»

«Thằng Hùng» đẹp trai, đi đứng ăn nói lễ phép bặt thiệp. Ba má tao rất mong Thương Thương chịu kết hôn với Hùng. Nhưng nó cũng từ chối, nói là: «Anh chàng công tử bột nặng ra sữa đó, dù cho đàn ông trên thế gian chết hết con cũng không ưng anh ta.»

«Thằng Văn» hiền lành, ít nói, dung mạo nho nhã, mỗi lần đến nhà chơi Thương Thương đều lánh mặt. Nó nói với tao: «Thằng bạn  con mèo ướt  của anh cứ lẽo đẽo theo em hoài, ngán quá chừng!»

Ba má tao khốn khổ khi nghe nó chê đầu nọ, mối kia. Một hôm ba tao giận quá quát lên:

- Con gái lớn lên phải lấy chồng, sinh con. Ba má già rồi, đâu thể sống với con suốt đời. Ba cho con thời hạn: Nội trong năm nay, nếu con không đưa người yêu về nhà giới thiệu thì phải chọn một trong những anh chàng si tình con.

Thương Thương gầm mặt nói:

- Thật ra con chưa yêu ai. Hay cũng có thể nói con đã yêu… nhưng…

Má tao nghe nó nói đến đó giựt mình nhảy nhỏm, lấp bấp hỏi:

- Con… con nói gì? Con đã có người yêu? Nó là ai, mau đưa về nhà giới thiệu với ba má.

Nó đáp nhỏ:

- Chỉ là… người con yêu không thể nói ra.

Ba tao nghe nó nói, tưởng là nó yêu phải anh chàng đã có vợ nên gầm lên:

- Nếu nó không là một thằng đã có vợ thì lý do gì không thể nóí?

Nó mếu máo trả lời:

- Con không thể nói vì thật ra con yêu rất nhiều người… mà ba không thể gả con…

Má tao tưởng nó thích cả ba thằng Cẩn, Hùng và Văn mà không chọn lựa được nên ngắt lời:

- Con chỉ cần chọn một người con thích nhất là được.

Tao cũng xen vào hỏi:

- Sao? Chẳng lẽ em thích cả ba thằng bạn của anh?

Thương Thương liền nguýt tao, nói cộc lốc:

- Xí, em đã nói, em không bao giờ yêu bạn anh.

Ba tao lại bắt đầu nổi cáu:

- Vậy là thằng nào? Con cái nhà ai?

Thương Thương cúi mặt lặng thinh một lúc mới ngẫng mặt lên nói:

- Con yêu tất cả những nhân vật lý tưởng trong sử sách, trong tiểu thuyết, trong phim ảnh… Cho nên ba má không thể nào gả con cho ai được.

Nó nói bằng giọng lệch lạc xúc động, ánh mắt mơ màng, hồn xác đờ đẫn…

Má tao nghe nó nói, nhìn sắc thái kỳ quái của nó, bả kinh hãi rụng rời. Còn ba tao mặt tái xanh vì giận, mà có lẽ cũng vì sợ nó điên.

Riêng tao, tao biết cô nàng có chứng bệnh lãng mạn, vì tối ngày chỉ sống mộng mơ…

Tối đêm đó tao bàn riêng với ba má tao để trấn an và tính mưu kế trị chứng bệnh con nhỏ.

Trong ba đưá theo đuỗi nó, thằng Văn tuy ít nói, nhưng rất giỏi văn chương thi phú cả tiếng Pháp, tiếng Việt. Tao liền hẹn riêng với Văn bảo rằng:

«- Nếu mầy muốn chinh phục Thương Thương thì đừng đến nhà tìm nó. Phải viết thư làm quen với cái tên xa lạ và đừng cho nó biết là mầy. Chờ khi cá ăn câu rồi mới chường mặt ra, thú thật với nó.»

Văn vui mừng thực hiện kế hoạch của tao bày ra. Bức thư giáo đầu làm quen với Thương Thương với cái tên «Người ẩn danh». Mới đầu Văn viết thư bằng tiếng Pháp, sau viết tiếng Việt. Văn trổ tài văn chương thi phú với Thương Thương ba tháng thì cô nàng mê mẩn «Người ẩn danh» và viết thư thú nhận mình đã yêu chàng ta, muốn hẹn hò cùng chàng ta.

Kể đến đó Thịnh nhắm mắt lại như để nhớ dĩ vãng, lúc mở mắt ra cười ngất một lúc mới kể tiếp:

- Ngày đó Văn chạy ào vô nhà tao với xấp thư tình và xông xáo phóng tuốt lên lầu tìm Thương Thương. Lúc ấy cô ả đang đứng hóng gió ngoài lan can, xây lưng lại nên không nhìn thấy Văn.

Chàng Văn đứng im ru sau lưng cô ta thật lâu mà không dám hó hé. Tao cũng chạy theo Văn, thấy nó nhác quá thật tội nghiệp, bèn lên tiếng gọi:

- Thương thương! Người tình của em đến thăm em đó.

Nó quay lưng lại như cái máy, mặt tái mét kinh hoàng. Chừng thấy Văn đứng sau lưng mình chớ không ai xa lạ, nó hoàn hồn cười lớn:

- Chào anh mèo ướt!

Rồi nó nguýt tao với đuôi mắt thật dài:

- Anh Hai phá em hé!

Bỗng nó nhìn thấy xấp thư trên tay Văn, nó nhào tới giật lấy, hỏi giọng giận dữ:

- Ở đâu anh có những thư này?

Văn đổ mồ hôi hột, lấp bấp nói:

- Thư của Thương Thương… Thương Thương gửi…

Nó rít giọng hỏi:

- Anh ăn cắp ở đâu? Anh làm sao có được?

Tao thấy gay cấn quá nên chen vào:

- Em nên bình tĩnh. Những thư này đương nhiên là thư em gửi cho nó. Nó chính là người tình ẩn danh của em đó mà?

Tao vừa dứt lời nó ngã huỵch xuống nền nhà. Thằng Văn quá kinh hãi đứng chết sững. Tao cũng quýnh lên, bế nó đặt lên giường réo gọi. Cũng may nó tỉnh lại ngay sau đó. Thấy tao và Văn bên cạnh, nó mếu máo khóc:

- Tại sao anh Văn với anh Hai bày trò trêu ghẹo em? Em ghét hai anh suốt đời! Hai anh đi đi… đi cho khuất mắt em!

Nói xong nó ôm mặt khóc thật thảm thiết. Thằng Văn tiu nghỉu bỏ đi như con mèo ướt.

Trọn ngày hôm đó cô ả làm reo bỏ ăn. Một tuần sau đó vẫn còn khóc mỗi khi nhớ đến chuyện cũ. Nó nói với tao:

«- Anh Văn làm vỡ mộng yêu đương của em. Em oán thù anh Văn và không muốn thấy mặt anh ấy nữa. Anh Hai không được rũ rê anh ấy đến nhà mình nữa!»

Tao nghĩ chắc Thương Thương xấu hổ không dám đối mặt với Văn chớ không phải vì ghét. Tội nghiệp Văn từ đó hết dám ló mặt đến nhà tao. Còn tao làm «quân sư» chẳng nên trò trống gì nên bị ông bà già tao cằn nhằn ghê quá!

Thịnh kể chuyện về em gái đến đó thì xem gìờ nói:

- Tao sắp phải đi đón bà xã rồi.

Rồi Thịnh moi trong ví tiền lấy tấm danh thiếp của mình, nguý ngoáy viết gì gì… đó rồi đưa cho Trường nói:

- Đây là địa chỉ nhà và số điện thoại của Thương Thương ở Genève. Nếu mầy muốn làm quen với nó thì viết thư kể lại câu chuyện gặp tao với bé Kiều Liên ở phi trường. Chắc nó sẽ vui vẻ hỏi thăm mầy về tao. Như vậy coi như bước đầu để làm quen với nó. Nhớ là đừng hấp tấp vội vàng gặp mặt nó. Phải chờ khi cô ả đòi gặp mặt mày mới xuất đầu lộ diện. Nhiệm vụ tao làm «ông mai» cho mầy chỉ chừng đó thôi. Hy vọng mầy thành công để tao sớm có thằng em rễ.

° °

 

Cũng vì lời dặn của «ông mai» mà một năm qua Trường chưa dám tìm gặp Thương Thương, mặc dù cô ta đã tuyên bố yêu chàng.

Mấy lần chàng gợi ý mời nàng đi xem chiếu bóng, hoặc nhạc kịch, hoặc ăn uống ở nhà hàng… Nàng đều viện cớ nọ kia để từ chối vì không muốn cả hai gặp mặt. Trường không biết tình trạng mình phải làm «Người tình vô hình» kéo dài đến bao lâu nữa?

Chiều nay một buổi chiều trời mây ảm đạm, phố phường cũng hắt hiu. Nỗi cô đơn đè nặng tâm hồn, Trường có ý nghĩ tìm Thương Thương, dù chỉ đứng xa nhìn.

Thế là chàng thực hiện dự tính của mình. Chuyện không khó lắm, chàng biết Thương Thương làm việc cho một ngân hàng cách sở làm của chàng không xa. Chàng cũng biết giờ nàng tan sở lấy xe Bus 1 về nhà, vì nàng vẫn thường kể với chàng trong điện thoại.

Chiều hôm đó Thương Thương chợt để ý thấy có một chàng trai da vàng cùng một chuyến Bus với mình trên lộ trình. Chẳng biết vì vô tình hay cố ý chàng trai đứng đối diện với nàng, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn nàng.

Thương Thương quay mặt hướng khác, trong bụng có vẻ bực tức. Riêng Trường xúc động thật sự giây phút chạm mặt người yêu.

Hình hài nàng tuy mới gặp lần đầu, nhưng nó đã in sâu vào tim chàng từ khi được Thịnh giới thiệu em gái và chuyển hình ảnh của Thương Thương vào máy điện thoại của chàng. Thời gian một năm qua mà người trong ảnh với người thật ngoài đời không có gì thay đổi. Có thể nói Thương Thương ngoài đời xinh đẹp hơn trong ảnh.

Người yêu đẹp, người yêu trước mắt đó… mà không dám mở miệng hó hé một lời! Thật chưa có kẻ si tinh nào đau khổ hơn hoàn cảnh của chàng hiện tại.

Tối đêm đó như thường lệ, cả hai trò chuyện qua điện thoại để kể chuyện vui lạ trong ngày. Thương Thương bỗng sực nhớ ra điều gì vui lắm, giọng cười nàng trong vắt như tiếng thủy tinh khua:

- Anh biết không, con đường về nhà em nay xuất hiện chú Ba Tàu hay Cam Bốt hay chi chi đó… một tên da vàng. Cũng có thể là ViệtNam từ trong rừng mới chui ra, râu tóc lê thê, trông tức cười lắm! Hắn cùng đi xe chung xe Bus với em.

Nghe nàng bảo mình là Ba Tàu hay CamBốt hay người rừng, Trường uất ức, nói giọng hơi quạu:

- Em tức cười điều chi? Người ta đi xe Bus có gì phải tức cười?

Thương Thương vẫn không dứt tiếng cười:

- Eo ơi, phải anh thấy mặt chú ta lúc đó chắc anh không thể nín cười được.

- Vì sao chứ?

- Thì cái mặt si tình ngẩn ngơ của hắn khi đối diện với gái chớ còn gì nữa? Hắn cứ liếc nhìn em với ánh mắt si tình khiến em nổi sùng trong bụng hết sức.

Trường đỏ mặt, tía tai, kêu thầm:

«- Nguy tai! Cô nàng đã nổi sùng!»

Thương Thương nói tiếp:

- Thật ra mặt hắn không đến nổi tức cười nếu không có bộ râu cá chốt.

Câu nói của Thương Thương khiến Trường bức mấy sợi râu đau điếng.

Tối đem đó sau khi cả hai chấm dứt cuộc điện đàm, việc đầu tiên Trường làm là vào phòng tắm thanh toán bộ râu cá chốt. Tay chàng vừa xén mất một bên, bỗng giật mình nhủ thầm:

«- Nàng vừa chê bộ râu cá chốt của chú Ba Tàu mà ta cạo bỏ, mai đối mặt với nàng, hẳn nàng nghi ngờ ta là chú Ba Tàu thì nguy!»

Nghĩ như vậy nên chàng không cạo tiếp và đã lỡ xén mất một bên, nên chàng phải sửa bên kia giống như vậy.

Bây giờ đứng trước gương chàng thấy bộ râu của chàng biến thành bộ râu của Hitler. Chàng cười dòn, nói một mình:

«- Để xem ngay mai nàng còn nói ta là chú Ba Tàu nữa không cho biết!»

Hôm sau chàng vừa nhất điện thoại lên đã nghe tiếng Thương Thương cười dòn tan ở đầu giây bên kia:

- Tức cười quá anh ơi! Chú Ba Tàu bữa nay biến thành nhà độc tài Đức quốc xã Hitler! Bộ râu của hắn thật…

Trường bực tức ngắt lời:

- Vì sao em cứ để ý đến bô râu của hắn? Bộ hắn không có gì khác để em lưu ý sao chứ?

Thương Thương nín cười, nói:

- Phải hắn không có râu chắc giống tài tử Alain Delon lúc còn trẻ 2.

Trường mừng húm hỏi:

- Vậy là hắn đẹp trai lắm phải không? Nhưng sao em ví chú Ba Tàu lại đẹp như tài tử nước Pháp vậy?

- Tuy hắn da vàng nhưng mũi cao, mặt đẹp, thân hình cao lớn như người Âu, nên em mới nói vậy. Dĩ nhiên người Á thì làm sao giống người da trắng được!

- Tóm lại, chú Ba Tàu em gặp trên Bus nếu không có râu hắn đẹp trai lắm phải không?

Thương Thương không trả lời câu hỏi của Trường, nói:

- Khi em còn nhỏ rất mê xem phim Alain Delon trong những phim đóng vai hoàng tử. Bây giờ em thích coi phim Tom Cruise, Brad Pitt của Mỹ hay Ji Jin Hee, Ji Sung của Hàn…

Trường ngắt ngang:

- Chẳng lẽ em chỉ thích những anh chàng tài tử thôi sao?

- Không đâu! Em thích xem phim của họ đóng, tức là vai trò họ đóng trong truyện, chớ em không thích cá nhân tài tử. Cũng như em rất yêu những nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết.

Trường bực mình, muốn nói:

«- Biết rồi! Cái bệnh lãng mạn của em anh đã nghe Thịnh, anh của em kể lại rồi! Em chỉ yêu người trong mộng chớ không yêu người có thật ngoài đời! Thật là cô gái lạ đời, hết thuốc chữa!»

Cũng may Trường sợ mích lòng Thương Thương nên không dám nói ra ý nghĩ trong đầu, chỉ đành hỏi lại câu hỏi khi nãy:

- Tên da vàng cùng đi trên Bus với em có bộ mặt đẹp như tài tử điện ảnh, nếu không có râu phải không em?

Hai lần hỏi câu này Thương Thương cũng chỉ cười, chớ không trả lời.

Trường nghĩ, nàng không xác nhận, tức là thừa nhận. Tối đêm đó chàng đánh một giấc tới sáng, trong lòng vô cùng khoan khoái, định bụng chờ một thời gian sẽ thanh toán bộ râu để biến thành tài tử trong lòng người yêu.

Một tuần trôi qua… một tháng trôi qua… Cứ mỗi chiều chàng lẽo đẻo theo nàng lên xe Bus, để đêm đêm nghe Thương Thương kể về tên da vàng…

Có hôm nàng kể:

«- Eo ơi, bữa nay hắn lì hết cỡ! Dám nhìn thẳng vào mặt em cười nữa chớ? Thật là đồ nham nhỡ hết sức!»

Hôm sau nàng nói:

«- Cái mặt của hắn bữa nay như bún thiu vậy! Chắc tại hôm qua em nguýt hắn, nên hắn sò co hết dám!»

Lần khác nàng bảo:

«- Độ rày mặt hắn lạnh lùng như nước đá! Thấy phát ghét!»

Có khi thì chế riễu:

«- Bữa nay tên ấy chắc bị Chef chửi hay «bồ nhí» đá, nên mặt mày héo xèo, trông thật thảm hại làm sao! v.v… và v.v…»

Trường nhẫn nhục chịu lời phê bình nay vầy mai khác của Thương Thương liên tiếp hai tháng trời. Cho đến tối hôm đó tiếng nàng reo cười ở đầu giây bên kia:

- Trời ơi! Bữa nay anh chàng da vàng biến thành Alain Delon thật sự rồi anh ơi! Hắn cạo mất bộ râu Hitler, trông tức cười quá!

Trường giận thật sự:

- Sao em lại cũng tức cười? Chẳng phải em nói nếu hắn không có râu sẽ đẹp trai sánh bằng tài tử Alain Delon đó sao?

Thương Thương nói giọng thật tình:

- Nhưng mặt hắn không râu trông non choẹt, buồn cười lắm. Hắn để râu coi vậy mà ra vẻ người lớn oai oai một chút.

Trường muốn thét vào tai nàng:

«- Tại vì em mà hắn phải thanh toán bộ râu! Bộ râu hắn nuôi dưỡng bao tháng ngày, phải bỏ công xức thuốc cho nó mọc. Bị em chê hắn phải cạo bỏ. Giờ em còn nói ngược! Sao em ác thế?»

Cũng may chàng không dám thét vào tai nàng. Chàng cố giữ giọng êm dịu nói:

- Không có râu hắn đẹp trai phải không em?

- Xí!

Nàng «xí» một tiếng thật dài. Trường có cảm tưởng nàng không dám khen, chớ không phải chê.

Chàng hỏi nhỏ: 

- Em có mê hắn không em?

- Hứ! Thấy mặt hắn em… em…

- Em thế nào?

Giọng chàng hỏi hơi run. Thương Thương cười hắc hắc, đáp:

- Thấy mặt hắn em nổi sùng trong bụng.

Trường chán nản buông diện thoại, không thèm nói lời từ giã, chúc ngủ ngon như mọi khi.

Hai tuần kế tiếp trôi qua Trường vẫn còn hờn giận người yêu về anh chàng Tàu, nên không theo nàng trên xe Bus, mà cũng không điện thoại.

Không hiểu sao Thương Thương cũng chẳng gọi điện cho chàng? Có lẽ chú ba Tàu mất dạng, không còn chuyện lý thú để nàng kể nên nín êm?

Cuối tuần đó Trường bỗng nhận được điện thoại của nàng. Giọng nàng không còn dí dỏm, cũng bặt tiếng cười. Trường lấy làm lo hỏi:

- Em sao vậy? Có đau bệnh chi không?

- Không!

Nàng đáp chỉ một tiếng «không» với giọng hiu hắt. Trường cảm thương người yêu, trong bụng hết giận câu chuyện cũ. Rồi tự trách mình:

«Ta không điện thoại hỏi thăm nàng, khiến nàng âu sầu buốn tủi. Ta thật có lỗi với nàng quá!»

Chàng ân hận muốn làm lành với Thương Thương nhưng không biết phải mở lời ra sao, nên giả vờ gợi chuyện chú ba Tàu cho nàng vui:

- Sao anh chàng Tàu giống Alain trên đường nhà em thế nào?

Thương Thương đáp giọng xuôi xị:

- Hắn đi mất rồi! Cũng có thể hắn bị xe đụng chết rồi!

Trường nhảy nhỏm:

- Em nói bậy bạ gì thế?

- Cũng vì em thấy hắn không xuất hiện trên Bus nữa nên mới đoán như vậy. Em có cảm tưởng có điều gì không may xảy ra cho hắn. Sắc mặt hắn mấy lần xuất hiện sau cùng trên Bus trông buồn não nuột. Em lo…

Trường chận lời bằng giọng khẩn trương:

Em lo cho hắn? Vì sao em lo cho hắn?

Thương Thương lặng thinh. Trường hỏi gặn:

- Em yêu hắn phải không?

Nàng đáp yếu ớt:

- Bộ em điên sao? Anh nói bậy rồi! Thôi để hôm khác mình hãy nói tiếp…

Trường không chờ nàng dứt câu:

- Chúng mình gặp nhau một lần nghe em?

- …………..


- Anh van em! Một lần thôi! Cho anh gặp em một lần để chúng mình tận mặt nhau và quyết định. Chớ anh không thể kéo dài tình trạng yêu đương khốn khổ như thế này.

Thương Thương nói giọng hoảng hốt:

- Đừng! Đừng anh ơi! Đừng tới gặp em trong lúc này.

- Vì sao chứ? Em đã nói em yêu anh và anh cũng rất yêu em. Sao em cứ muốn anh mãi làm «người tình vô hình»? Sao em không chịu cho anh gặp em?

- Em sợ…

- Em sợ gì? Sợ ai?

- Em sợ lòng em! Em sợ thấy mặt anh rồi, tức là người tình trong tim em sẽ mất đi, em sẽ không còn yêu anh được nữa.

- Sao em quyết chắc như vậy?

- Em… Em… Em không biết nói sao để giải thích những gúc mắc trong lòng em. Cũng có thể không như em nghĩ!

Nàng cúp điện thoại! Trường trở lại nỗi tuyệt vọng chán chường. Chàng ngồi thừ trên ghế một lúc đứng lên nói với mình bằng một giọng cả quyết:

«Dù nàng không cho gặp, ngày mai ta cũng quyết tìm gặp nàng! Rồi kết quả có như anh chàng Văn cũng nhận chịu. Chớ ta không chấp nhận tình trạng làm người tình vô hình cho nàng nữa.»

Ngày giờ chậm chạp trôi qua… Một đêm giấc ngủ chập chờn…

Ngày mai đã đến…

Buổi chiều Trường đứng bên lề đường hồi họp ngóng trông… Thấy nàng leo lên xe Bus, chàng lẽo đẽo lên theo.

Dường như Thương Thương không trông thấy anh chàng Tàu trên xe Bus? Dường như Thương Thương không để ý người và cảnh vật quanh nàng? Gương mặt xinh đẹp của nàng vô cùng ảm đạm, đôi mắt như bị thiếu ngủ, mất cả tinh anh.

Bus chạy được một lúc mà nàng vẫn nhìn mông lung qua khung cửa sổ. Thình lình nàng quay mặt về phía chàng… mắt nàng vụt trông thấy anh chàng Tàu bất ngờ, nên không giấu được nỗi vui mừng rạng rỡ.

Trông tia nhìn ấy Trường thấy có tình yêu, có nỗi xúc động dạt dào…

Cả hai đứng cách xa, song mắt họ nói thật nhiều trong buổi tương phùng. Có điều vì nàng không ngờ chàng chính là anh chàng Tàu mà nàng ví như tài tử Alain Delon của Pháp quốc là Trường, nên ánh mắt yêu đương tắt phụt, nhường cho nỗi ray rứt tuyệt vọng.

Còn Trường, ánh mắt chàng ngập tràn hạnh phút, xen lẫn lo âu.

Lúc nàng xuống xe, Trường lặng lẽ theo sau, không nói một lời.

Có lẽ Thương Thương không tưởng nổi anh chàng Tàu dám nối gót theo theo mình? Nhưng không hiểu sao nàng không có phản ứng?

Khi về đến trước cửa nhà nàng, nàng lấy chìa khóa mở cửa, thấy chàng Tàu vẫn đứng tần ngần bên cạnh chờ đợi, ý chừng cũng muốn theo vào...

Nàng đưa mắt nhìn chàng ta, lòng bấn loạn không biết có thái độ nào với chàng trai lạ, miệng lắp bắp không biết phải dùng thứ ngôn ngữ gì?

Bỗng nàng nghe từ môi miệng anh chàng Tàu phát ra một câu nói:

- Thương Thương!

Không! Không phải là câu nói! Mà chỉ là tiếng gọi, tiếng phát âm gọi tên nàng!

Một âm giọng quen thuộc đã gọi tên nàng suốt năm qua, đã rót vào tai nàng những lời thân ái ngọt ngào… Và cũng chính âm thanh đầm ấm này đã ru giấc ngủ nàng hằng đêm qua làn sóng điện thoại... Như vậy…?

- Anh!

Nàng chỉ kêu lên một tiếng rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trên băng dài trong phòng khách nhà mình, người yêu ngồi trên ghế đối diện nhìn mình bằng đôi mắt thiết tha say đắm… Thương Thương sung sướng rưng rưng nước mắt.

Chờ cho nỗi xúc động trôi qua, chàng nắm tay nàng ve vuốt, nhỏ nhẹ hỏi:

- Biết mặt anh rồi, em còn yêu anh nữa không?

Thương Thương đáp bằng giọng trầm trọng:

- Em đã hết yêu Trường rồi! Người tình này không còn gì bí ẩn nữa, vì anh đã hiện hình rồi! Giấc mộng em đã tan rồi!

Trường biến sắc:

- Em nói sao? Em không còn yêu anh nữa?

Thương Thương vụt ngồi bật dậy, rồi đứng lên vòng tay ôm cỗ chàng, mắt nhìn mắt chàng thật tình tứ, giọng nói thật nhõng nhẽo:

- Nhưng em còn yêu anh chàng da vàng có dung mạo đẹp như tài tử Alain. Anh chịu không?

Trường sung sướng xiết mạnh người yêu trong vòng tay và thình lình môi chàng đặt lên môi nàng một nụ hôn…

Thương Thương nhắm lại để tận hưởng nụ hôn của «người tình vô hình», mà giờ đây chính là người tình hữu hình, là Trường, là người yêu của nàng!

HuynhDung

--------------------------------

Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ, vì vấn đề môi trường, và nhất là người dân thích cuộc sống thiên nhiên với sông hồ núi rừng hoa cỏ...nên không tạo dựng thành phố với những toà nhà chọc trời và tư nhân không dùng xe riêng khi vào phố. Khắp nơi, từ thủ đô đến tỉnh thành làng xã, đều có phương tiện giao thông như xe bus, xe điện (tram), métro...rất tiện lợi cho mọi tầng lớp dân chúng đi lại đó đây... vừa tránh nạn kẹt xe, vừa không bị ô nhiểm bởi khí thải.

Alain Delon nổi tiếng là tài tử điện ảnh Pháp, vang danh mỹ nam tử của ngành điện ảnh ÂuChâu từ năm 1960.

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC