TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 4 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Inactive
 
Nhớ Ai Như Nhớ Thuốc Lào
   Tôi ghiền thuốc ở độ tuổi rất trẻ.  Mùi thuốc cám dỗ khi tôi đi chăn vịt cho gia đình.  Vì khoe tài và ỷ sức, tôi cứ nghĩ mình đang độ mới lớn có thể bẻ cổ cọp còn chết nhằm nhò gì vài ba đám mưa lẻ tẻ. Tôi không bao giờ mang áo tơi theo mặc dù má tôi luôn nhắc nhở. Những năm đó chưa có nylong nên gia đình nông dân lấy mo cau chằm lại làm thành áo tơi,  phía trên cổ áo tơi có dây buộc.  Khi trời mưa họ mặc áo vào, buộc dây lại và đội nón lá lên thì cũng đỡ lắm.  Tuy nhiên áo tơi cồng kềnh khi di chuyển giống như robot hay áo giáp của các vị tướng thời xưa.  Nếu nhà không trồng cau thì đến hàng xóm xem nhà ai có lá dừa nước xin một mớ về phơi cho  ráo dùng lạt chằm thành áo tơi.  Dù áo bằng mo cau hay lá dừa nước đó cũng là sáng kiến của dân quê nhằm giúp người ta có thể chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt.  Tôi biết vậy nhưng ôm kè kè chiếc áo tơi ngang nhà mấy cô bạn e các cô cười nên mỗi khi đi ruộng tôi thường làm như vội vã và cố tình bỏ áo tơi ở nhà. Vì cãi lời má, tôi luôn bị mắc mưa mà không hề  hấn gì, duy chỉ có trận mưa cuối mùa hè năm tôi học đệ ngũ là đáng ghi nhớ hơn cả, tôi bị lạnh cóng suýt xí lắt léo.
    Đang nắng chan chan bỗng đâu mây đen kéo đến che kín chân trời  Một lọat các tia sấm sét chớp nhoáng, tiếng ầm ì vang rền bất tận, gió bắt đầu thổi mạnh.  Mưa bắt đầu đổ xuống như trút nước, hạt mưa dội lên lưng tôi rát rạt.  Nón lá trên đầu hứng những hạt mưa lộp độp liên hồi tôi có cảm tưởng những hạt mưa sẽ xuyên lớp lá bao bên ngòai.  Những tiếng động nho nhỏ bị tiếng mưa rơi lấn át.  Ban đầu tôi còn chịu đựng được,  dần dần tay chân run theo nhịp răng đánh bồ cạp. Tôi bị tê cóng không lội đi được.  Đôi môi dường như không còn cảm giác.  Lạnh! lạnh quá độ, tôi sắp xỉu tới nơi. May thay bác Mười, người cùng xóm đang dọn đất cấy, vì cẩn thận bác thủ sẵn áo tơi, thấy tôi bị lạnh quá lâu e chịu không nỗi nên bác đến giúp đỡ.  Bác đưa lưng cản gió và mở áo tơi cho tôi đứng ké, đồng thời ông lau tay lên chiếc khăn rằng bịt trên đầu cho khô và vấn điếu thuốc to  bằng ngón tay .  Ông đốt thuốc hút vài hơi đọan đưa điếu thuốc bảo tôi cố hút sẽ bớt lạnh. Tôi cầm điếu thuốc che trong áo tơi của bác hút một hồi , sặc xụa khiến tôi không chịu nỗi. Cơn ho tới tấp, tay còn tê nên tôi làm rớt điếu thuốc, nó tắt ngủm tạo nên tiếng xèo nhẹ. Bây giờ tôi không còn lạnh run nữa chính khói thuốc khiến tôi té ho liên tiếp.
   Vịt tự động gom lại một nhóm có lẽ chúng sợ lạc bầy? Mưa vừa dứt tôi quơ tay làm những động tác mạnh cho đỡ lạnh.  Từ đây về sau tôi xin chừa tật lười biếng khi lội ruộng coi vịt.
   Những năm tiếp nối, tôi đã lên Đệ Tứ, lớp tuổi của tụi tôi, học được tới cỡ này gia đình cha mẹ gần kiệt hơi đuối sức.
   Học sinh nghèo lại là dân vườn ra tỉnh học chúng tôi luôn ưu tư, học được ngày nào hay ngày nấy dù chúng tôi là học sinh trường công .  Cha mẹ ở miệt vườn phải vất vả với ruộng nương.  Bao năm chạy Tây, vườn tược thì bị giặc Pháp chiếm đóng làm đồn bót, ruông thì mùa làm được, mùa bỏ hoang.  Ba bốn đứa cùng trang lứa rủ nhau mướn nhà, tự túc cơm nước. May mắn là vào thời đó học sinh nghèo được ăn căng tin, buổi trưa.
   Học chuyện tốt thì lâu mới nhập tâm, còn học chuyện xấu thì mau lắm.  Lúc trước tôi hút thuốc còn sặc, mũi dãi  tèm lem. Bây giờ mấy đứa cùng ở chung một nhà, một người hút, lần hồi các bạn đều thử cho biết.  Ở tuổi trổ mã, tuổi bắt đầu biết yêu, tâm hồn đầy mộng mơ.  Trong văn chương thỉnh thỏang đọc một truyện tình ,tâm hồn cũng xao xuyến. Còn nhớ lúc đó tôi đọc truyện “Tương Tư Thảo”hay quá, tôi bắt chước nên lần hồi ghiền.
 Chuyện kể rằng, có chàng thư sinh trên đường lên kinh đô ứng thí, một hôm trời chập choạn tối chàng còn phải qua một đoạn đường rừng vắng vẻ, dưới chân ngọn núi.  May quá chàng thấy một túp lều tranh có khói bốc lên nên ghé vào xin tá túc.  Trong chòi chỉ có hai người, bà mẹ trạc quá trung tuần và cô gái tuổi cập kê.  Bà mẹ giọng nói nặng nề, đứt khúc  như bịnh nặng.  Bà thúc hối con gái cơm nước cho chàng thư sinh. Tối đến, bên mâm cơm đạm bạc chàng nhìn rõ dung nhan cô gái, nàng có đôi mắt bồ câu đen láy, mũi dọc dừa thêm hai má lúm đồng tiền,thật quyến rủ.  Nơi quê nhà chàng chưa bao giờ gặp người con gái nào đẹp như thế.. Tuy ở chốn thâm sơn cùng cốc, nhưng nàng có vẽ đẹp mặn mà, chuyện trò ý hợp duyên ưa.  Mãi mê câu chuyện chàng vừa nằm nghĩ lưng một chút lại nghe tiếng gà rừng báo hiệu trời sắp sáng. Thức giấc, chàng xiết bao ngạc nhiên khi cô gái đang dọn bữa ăn sáng cho chàng để lên đường.  Chàng từ tạ ra đi thì trời đổ mưa lớn nên nán lại đợi dứt mưa.
   Đúng là:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
 Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
   Càng  chuyện trò chàng thêm lưu luyến, nàng chẳng những đẹp lại thêm duyên dáng, đúng là mẫu người trong mộng của chàng. Chàng ngỏ ý cùng nàng thành chồng vợ khi bảng hổ đề danh. Nàng vui vẻ chấp thuận với sự tán thành của mẹ dù bà còn bịnh trầm trong.  Quyến luyến rồi cũng chia tay. Chàng phải lên kinh đô ứng thí.  Buổi chia ly nào cũng buồn bã. Nàng ở nhà vừa phải rẫy bái mưu sinh và thuốc thang cho mẹ, nhưng vẫn ghi khắc thời gian, đợi chàng về với tương lai rực rỡ như nàng thầm kỳ vọng. 
   Một năm lặng lẽ qua , mẹ nàng bịnh tình thêm trầm trọng rồi mệnh chung.  Chôn cất mẹ, nàng bơ vơ trong chòi vắng, đếm lá rơi ước độ ngày chàng trở lại.  Nàng tuyệt vọng, đã ba năm trôi qua. Chắc  chàng đã quên hẹn ước. Nàng  ngày đêm vò võ, hết đúng lại ngồi,  miệng lảm nhảm gọi tên chàng.  Không người chăm sóc và an ủi, nàng yếu dần tuy vậy vẫn gượng gạo gọi tên chàng một cách tuyệt vọng rồi từ từ xuôi tay.
   Chàng thư sinh năm nào nay là quan trang.  Trên đường vinh quy, chàng ghé qua xóm nhỏ đầy kỷ niệm để rước nàng như lời thệ ước. Lạ kìa, nàng đâu không thấy chỉ còn túp  lều tranh xiêu vẹo, xác xơ chứng tỏ không người ở.  Hỏi dân trong thôn họ cho biêt nàng sau khi mẹ chết mỏi mòn mong đợi người tình,nhưng chàng biệt tăm, nàng đau đớn giả từ trần thế.  Họ chỉ cho quan trạng nấm mồ còn xanh cỏ của nàng.  Đêm đó quan trạng và quân tùy tùng dừng lại bên lều tranh năm xưa.  Quan trạng hay đúng hơn là chàng thư sinh đã hẹn ước kết giao.  Trời không chìu lòng người, chàng thi rớt khoa thi năm đó phải nán đợi ba năm mới  đậu trạng nguyên.  Hối hả về đến nơi, quan trạng chỉ còn  nhìn mộ nàng. Ông đích thân ra mộ quét tước và thức sáng đêm với nàng. Xung quanh mộ được bao phủ bởi một loại cây lá hình như lá chữ thiên,  chàng quét gom lá khô lại rồi đốt lên sưởi ấm. Trong ánh lửa, khói quyện thành hình nàng bay lượn như vui vẻ, quấn quít bên chàng.  Nhìn thấy hình ảnh nàng chàng nhớ lại ân tình nàng đối với chàng năm nào, quan trang để rơi giòng lệ sầu thảm.  Không phải chàng phụ tình, đó chẳng qua là số mạng.   Sáng ra chàng hỏi dân làng họ cho biết đó là tương tư  thảo hay là cỏ tương tư.  Chàng quét lá khô, lảy lá tươi đem theo để dành khi nào nhớ nàng thì chàng đốt lên để cùng nàng hội ngộ.  Vì lá tương tư không nhiều nên chàng quyết sắc lá nhỏ, quấn giấy đốt lên. Đây có thể xem như là sự tích về điếu thuốc.
   Đọc qua câu chuyện diễm tình tôi thích quá, lá thuốc tôi gọi là tương tư thảo. Tôi cũng ở vào trường hợp như quan trạng.  Tôi và nàng cùng chung lớp, nàng cũng có má đồng tiền, mũi dọc dừa, giọng nói thanh tao  quyến rủ, học chung với nàng đúng hai năm tôi mới dám chuyện trò khi tôi và nàng cùng tham dự vở kịch lúc sắp tới ngày nghỉ hè. Tôi muốn tỏ tình nhưng thấy nàng quá nghiêm, lại thôi. Mang mối tương tư vào ngơ ra ngẩn. Một hôm tôi quyết định hơi bạo, tôi viết một bức thơ và nhờ người bạn thân  đem để vào tập bài học của cô.  Tôi tin tối cô về học bài ắt sẽ thấy thơ mình gởi.  Nếu cô cự tuyệt chắc hôm sau cô sẽ trả thư  kèm theo lời thóa mạ: Tỷ như:
-Tôi trả thư lại cho ông và không quên xài xể
Nghĩ tới một số bạn nếu họ biết chuyện dám phổ nhạc chọc ghẹo như trường hợp của V K Ng H.
   Hai ngày chẳng thấy đưa thư, nàng lạnh lùng như làm thơ ( tôi bắt chước bài nhạc ). Tôi lại hy vọng hay là nàng đồng ý, chưa trả lời thì còn hy vọng.  Hy vọng không nhiều. Mình lại lý luận:
   Biết đâu cô nàng sẽ dành cho mình ngạc nhiên.  Càng mong đợi lúc nầy thuốc lá như là có hấp lực lớn.  Trong nhà có ba đứa, hai đã hút lai rai, tức là khi hút thuốc khi không, ông bạn thứ ba không bao giờ dám rớ tới điếu thuốc chứ đừng nói tới chuyện hút.
   Càng chờ đợi càng tuyệt vọng, tôi hút thuốc thường hơn. Mỗi lần hút thuốc tôi chuẩn bị bài bản lắm. Tôi vào trong phòng nhỏ đóng cửa lại lấy điếu thuốc cầm tay gõ  nhè nhẹ cho dẽ dặt, đốt thuốc lên hút và để ý nghe khói chạy trong buồng phổi ra sao. Nghĩ ngợi một hồi về cô nàng thấy ghét quá, đọan hút một hơi thật sâu, nín thở cho ra mũi từ từ khói tới đâu ấm tới đó: Đúng rồi
“Ta đang nhả khói phun mây nhìn sự thế”
   Lúc nầy nội công đã thâm hậu,tôi có thể phun khói thành chữ “O” nhưng tôi phải giới hạn kẻo ghiền nặng không tiền hút.  Càng thất tình càng hút thuốc và đọc tiểu thuyết cho quên đời.
   Có một hôm tôi đọc tiểu thuyết thấy tác giả tả cảnh hút thuốc lào. Cách hút thế nào tôi không để tâm nhưng tới đọan kết tác giả dùng hai câu thơ:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
   Hai câu thơ hay quá, tôi cũng muốn coi ống điếu thuốc lào ra sao và xem  anh chàng si tình nào đó có giống như mình hiên tại không? Ở miền Nam khó kiếm thuốc lào, từ nào tới giờ mình đâu biết mặt mũi cái điếu cày ra sao !!
   Dân miền Nam có vẽ sang, thanh niên, công chức thương hút thuốc gói như Cotab, Mélia, Ruby, Captan, Bastos; người nông dân hoặc dân nghèo thì hút thuốc vấn. Người ta mua thuốc bánh về xé nhỏ, có giấy quyến rọc bề ngang cỡ điếu thuốc cuốn tròn bỏ chung trong bì đựng thuốc, kể cả hột quẹt.   Muốn hút ta xé giấy quyên, rứt thuốc để vào giấy vấn  giống như điếu thuốc (lúc Việt Công vào ta gọi cách vấn thuốc là (bốc lăn, xe) liếm giữ cho đừng sút sổ, đưa vào miệng ngậm nhẹ nhàng, đốt đầu lớn của điếu thuốc,  nhiều khi vấn vụng về  hút không vô khói, ta  cắn cái rìa để khói vào  thông hơn.  Vì thấy người hút thuốc thường bỏ rìa mấy cô hát chọc ghẹo
Trách ai ăn giấy bỏ rìa
Khi thương, thương vội khi lìa lìa mau
   Người sành điệu cho biết khi chăm lửa vào điếu thuốc để hút, vài hơi đầu thường chẫm rải như thăm dò khó dễ hút được hay không.  Chuyện nầy cũng giống như nam nữ quen nhau, ban đầu cả hai còn thử lòng, hút chừng nửa điếu giống như đã nên duyên chồng vợ, hút chậm không vội vàng, mất đâu mà lo. Đến khi còn một phần ba lúc nầy thấy tiếc, bao nhiêu  nhựa thuốc thấm vào phần còn lại của nửa điếu thuốc, hút nhẹ cũng có thể say, cho nên người ta hút với vẻ trân trọng trước khi quăng đi. Người ta ví:
Thứ nhứt gái một con
Thứ nhì thuốc ngon nửa điếu.
   Bây giờ hút thuốc bậc cha mẹ không bằng lòng vì người ta khám phá cái hại của thuốc lá. Vào lúc tôi còn nhỏ, ba má chỉ rầy sơ sơ, nghe theo cũng tốt,không nghe cũng chả sao vì tất cả mọi người đều hút thuốc.  Người nông phu nhờ khói thuốc đuổi buồi mắc mỗi sáng sớm khi ra ruộng, trời mưa lạnh, điếu thuốc làm ấm lòng. Cái hại của thuốc là gây bịnh lao, bịnh ung thư mấy chũc năm sau mới đến, lo gì, huống hồ thủa đó tuổi thọ con người rất ngắn. Vua Đồng Khánh mới bốn mươi mấy tuổi đã ăn Đại thọ rồi.  Trong làng ai lên hàng năm thì bắt đầu cao giọng, ta sống lâu nào có thua ai. Ba của cô bạn tôi mới trên năm mươi mà đi đâu cũng “ba lơ tô” và chống gậy, tôi nhìn ông với vẻ thán phục, ước ao mình lớn bằng tuổi ông cũng phục sức như vậy.
   Nay tôi đã qua tuổi đó rất xa, trời khiến què chân nên luôn thủ cây gậy mỗi khi đi đâu. Cái thích hồi nhỏ giờ cảm thây phiền tóai vô cùng.  Mỗi thời có tập quán khác nhau đem cái nầy so sánh với cái kia thì có vẻ khập khiễng.  Ai trót dại lỡ ghiền thuốc lại bị người mình yêu bõ đi lấy chồng, bây giờ chỉ biết xuống câu vọng cổ cho quên đời:    
-Em ơi nếu mộng không thành thì sao?!
   Gặp anh chàng nào có máu tiếu lâm nghe  câu chuyện đó cũng cất tiếng ca không phải đồng tình mà giúp anh thất tình giải quyêt mau lẹ:
-Mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời
   Tôi đang nói đến ghiền thuốc và hiếu kỳ muốn xem cái điếu hút thuốc lào ra sao. Ước tiền bạc thì khó nhưng ước chuyện hại thân lại dễ tìm. Sau 30-4-75 tụi tôi bị anh em miền Bắc ưu ái cho vào khám lớn sớm. Đủ mặt anh hùng trong tỉnh đều “nằm ấp” thi gan với con cháu ông Hồ.  Trong lúc gia đình tiếp tế, mấy anh tin tưởng sẽ về nhà sau một tháng học tập, kê cho gia đình gởi vào nào thuốc capstan, ruby, anh nghèo thì thuốc rê.  Thứ bảy của tuần lễ thứ nhì dường như anh nào cũng được thăm nuôi.  Có anh yêu cầu vợ con gởi vào cả cây thuốc tha hồ hút, hút cho phù mỏ. Anh nào gia cảnh túng quẩn nhận quà mà nước mắt rưng rưng thương cho vợ con phải thắt lưng buộc bụng.
   Trong số mấy anh người Bắc có một anh như là trung úy bộ binh, anh hút thuốc điếu ít hôm lại đổi gout hút thuốc lào.  Tụi tôi người Nam chỉ biết thuốc lào qua thơ văn sách vở. chứ chưa ai tạn mặt nhìn điếu cày.  Điếu gồm cái ống như ống tre,một đầu có mắt để nước không chảy ra ngòai, khoét cái lổ để nhét cái nỏ, nỏ để cho một “bi” thuốc lào vào trước khi đốt, bẻ kẽm làm hai chưn chống giống như súng trung liên, que đốt lửa ( có tên ngồ ngộ) tôi đã quên.       Anh trung úy chủ điếu cày ở nhà tiếp tế năm bảy bánh thuốc lào, anh rít thuốc lào nước trong ống kêu ro ro nghe khóai tai,kế anh nuốt khói và nhã ra từ từ rất điệu nghệ.  Anh nầy rất hào phóng chỉ cho anh em nếu ai muốn thử cho biết. Mới tập hút thường bị say và sặc, say thuốc chừng bốn năm phút.  Mấy anh say thuốc đi băng xiêng, băng nai khiến các bạn chờ đến phiên thử thuốc được một tràng cười thoải mái.
   Tôi nghiện thuốc nặng phải hút thuốc Bastos xanh hoặc đỏ. Tôi cũng được anh bạn mời thử một liều thuốc lào, cũng say lướt khướt như các bạn khác. Khi say hồn lâng lâng như đi vào thế giới nào khác. Trong những giây phút đó mình như quên hết hòan cảnh tù tội
   Mấy tháng sau để tiết kiệm tiền tôi cũng bắt đầu  mua thuốc lào hút như một số bạn khác. Quen thuốc lào nếu không hút mình thấy  như nhớ cái gì, giống như nhớ người yêu. Hồi còn “ mê” cô bạn cùng lớp, hôm nào vào lớp chưa thấy cô đến tôi phập phòng tự hỏi rồi tự trả lời, hôm nay cô không đi học, cô bịnh, hay có người đến dạm hỏi? Hỏi để hỏi chừng năm mười phút sau thấy cô xuất hiện ở chòm mả của mấy ông Tây, bây giờ mới thấy  vui vui, tình trạng này nào khác khi  quyết định bỏ thuốc lào lại nhớ đến những cơn say nhè nhẹ khiến hồn phiêu phiêu nên hút lại.  Đúng là:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
Viết xong 25 January 2016
Nguyễn Thành Sơn       

 

Comments  

#2 Nhớ Ai Như Nhớ Thuốc LàoSon Nguyen 2016-02-17 22:30
Cám ơn bạn Phương Võ đã đọc và cho nhận xét hay hay. Câu chuyện tình không dám nói kéo dài nửa thế kỷ. Trời xuôi đất khiến tôi và người đẹp đầu trắng phếu theo thời gian, răng thì cái rụng,cái lung lay cái sắp ngã vẫn gặp nhau hòai. Thôi cũng xong một đời lãng mạng. Môt lần nữa cám ơn Phương Võ. Nguyễn Thành Sơn.
Quote
+1 #1 Nho ai nhu nho thuoc laoPhuong vo 2016-02-15 02:27
Đọc bài viết của tác giả NTS, tôi cảm thấy thật thú vị vì lối viết xác thực tế, văn phong trung thực, gợi lại cảnh đời cơ cực của chính mình trong thời mới lớn; trong hoàn cảnh cơ cực đó tác giả tập tành hút thuốc Lào để rồi lại bị ghiền!
Về sau lại si mê cô bạn cùng lớp nên mong đợi gặp mặt từng ngày, thiếu vắng thì nghe tim phập phòng rồi lại nghĩ chuyện mông lung! Nhưng khi thấy người đẹp xuất hiện thì lòng lại vui tuơi như khi ghiền mà gặp được thuốc Lào! Tác giả kết thúc chuyện của mình bằng hai câu thơ đầy thi vị:
"Nhớ ai như nhớ thuốc Lào"
"Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên"
Trân quí cám ơn.
Phương Võ
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC