TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Bước Thêm Bước Nữa

     Được lệnh tổng công ty cho tuyển thêm công nhân, ban giám đốc hãng giao cho Quân phụ trách xét đơn và phỏng vấn. Trong số đơn nhận được có một người Việt Nam tên Lê Thị Tam Thương khiến cho Quân chú ý.

     Tên Tam Thương gợi nhớ hình ảnh êm đềm của một bến nước trên sông Trà Khúc mà thuở còn thơ ở quê nhà nhóm bạn của Quân thường hay đùa chơi dưới dòng nước mát. Bến Tam Thương có hàng tre xanh lả ngọn phủ mát cả một vùng. Dù không lớn lắm nhưng là cửa ngõ để thuyền bè chở củi, than đun từ trên đầu nguồn đổ về cho các vựa cung cấp chất đốt vùng Thị xã và các lò gạch ngói quanh ven thị.

     Tam Thương còn là địa danh của lò mổ heo, lò quay heo và các tiệm bán cháo lòng tiết canh heo nổi tiếng. Sáng sớm, con đường chạy xuống cửa Đông lai rai không ngớt xe Honda, xe đạp đến bến Tam Thương ăn điểm tâm. Buổi sáng trời còn sương lành lạnh mà kêu tô cháo lòng, thêm đĩa thịt heo xắt phay tươi rói còn bốc hơi từ những con heo mới rả thịt chỉ cách đó vài giờ kèm theo chiếc bánh tráng nướng, đĩa rau thơm chuối chát. Rắc một ít tiêu vào tô cháo trộn đều, húp một muỗng cháo nóng thơm lừng ta nghe ấm cả ruột gan. Chất ngọt của huyết, thịt vụn và nước cốt xương heo không thêm gia vị nào khác cho nên cháo có cái ngọt nguyên chất của thịt ăn vào nhớ mãi. Dân địa phương dù lưu lạc chốn nào, khi trở về thị xã Quảng Ngãi là không quên rủ nhau đi ăn điểm tâm ở bến Tam Thương.

2357 1 BuocThemBuocNuaHN HgTanIch

     Nói đến cháo lòng heo ở bến Tam Thương mà không nhắc đến lò quay heo là cả sự thiếu sót. Điểm độc đáo của lò heo quay ở đây là chọn loài heo cỏ từ miền thượng nuôi cho chạy rông ngoài rẫy nên thịt chắc, ít mỡ. Da heo quay dòn rụm dính vào lớp thịt ba chỉ bỏ vào miệng nhai dòn tan vừa béo vừa thơm. Rưới lên miếng bánh hỏi ít mắm nhỉ cá thu Sa Huỳnh gia vị tỏi ớt thì quả thực cơn đói có run tay cũng phải chờ cho được đĩa thịt heo quay mua từ bến Tam Thương mang về. Trước những ngày có dự tính vượt biển, sáng nào Quân cũng đến bến Tam Thương ăn cháo lòng vừa với túi tiền của đám dân lao động, lại là nơi dò la tin tức. Nơi đây tập trung đủ mọi thành phần cán bộ, công nhân, thương gia. Là địa điểm chạy mánh, móc ngoặc. Cứ thấy một mâm đầy, nào tiết canh, cháo lòng, thịt mông đùi cộng thêm chai rượu ngoại, gói thuốc ba số 5 bưng lên cái phòng đặc biệt là biết ngay có “cấp côi”.

     Quân tìm được mối ra đi cũng nhờ cái khu cháo lòng bến Tam Thương. Đó là địa danh ghi dấu nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà lòng Quân lúc nào cũng lưu luyến nhớ về.

     Ngày làm hẹn phỏng vấn, khuôn mặt người nào cũng căng thẳng, đầy lo lắng. Duy chỉ có người phụ nữ Việt Nam tỏ ra rất bình thản. Cô ăn mặc giản dị, sơ-mi trắng dài tay, quần tây màu xanh đậm thoạt trông như cô bé học trò trung học ngày xưa. Khuôn mặt tròn trĩnh thêm đôi mắt to đen như hai hạt nhãn lồng long lanh dưới đôi lông nheo cong rất tự nhiên.. Mái tóc cắt ngắn che một phần khuôn mặt khiến cho cô gái vừa có dáng ngây thơ vừa láu lỉnh.

Quân hỏi:

– Cô đã làm qua mấy hãng rồi?

– Tôi làm cho hãng MCS bốn năm, bất ngờ công ty mẹ quyết định dời hãng đi Arizona, thế là phải lãnh tiền thất nghiệp “bất đắc dĩ”. Hãng thứ hai được hai năm, gặp hồi kinh tế xuống dốc công việc ế ẩm, hãng chết queo đành dẹp tiệm. Bây giờ là lần thứ ba, lần nầy là “sự bất quá tam”.

     Biết mình lỡ lời không giữ thái độ nghiêm chỉnh khi trả lời vị phỏng vấn viên, cô nàng chun chiếc mũi lại, chúm chím môi cười như để xin lỗi. Quân thích thái độ tự nhiên, phớt đời khá dễ thương của cô gái.

***

     Sau giờ tan sở trong ngày làm việc đầu tiên, gặp Tam Thương, Quân gợi chuyện:

– Xin lỗi, cô có phải người Quảng Ngãi không?

– Đó là quê ông ngoại sắp nhỏ, còn em sinh ở Đà Lạt.

– Cô được mấy cháu?

– Một.

– Nghe cô nói từ “sắp nhỏ” tôi tưởng cô nhiều con lắm.

– Em tập dùng lần cho quen ấy mà, đằng nào cũng cho ra cả bầy con trong tương lai.

– Cô thích đông con thế sao?

– Ôi, cái dòng của em trời cho được mùa con. Ông bà nội mười hai người con còn nguyên xi. Ông bà ngoại không chịu thua, vượt lên mười ba người, chết hai còn mười một. Mấy bà dì, bà nào cũng thi nhau sinh ra gần chục đứa con.

Quân lắc đầu:

– Ở Mỹ nầy mà sinh cả bầy con như các cụ ta ngày xưa chắc phải đứng đường homeless mất.

Thương trấn an:

– Lo gì, mình kham không nổi thì có Ty Xã Hội đưa lưng cõng.

– Này, cô có biết tên Tam Thương là địa danh của một bến sông ở thị xã Quảng Ngãi, quê nội cô không?

Cô bé liến thoắng:

– Biết chứ, ông già em chơi ác, nhớ quê nhớ làng không đặt tên nào khác nhè chọn cái tên Tam Thương cho nó vận vào người em.

Quân ngạc nhiên với nhóm từ ngữ “vận vào người em” bèn thắc mắc:

– Thế nào là vận vào người?

– Nầy nhé, cô nàng giải thích – tam thương là ba lần thương. Như vậy, có phải là bố em giới hạn con gái mình chỉ được thương có ba lần trong đời.

– Vậy cô đã thương mấy lần rồi?

– Lần thương đầu đời của em là anh chàng sinh viên tuổi Thìn vượt biên rồi kết bạn với thủy thần đi chu du miền Thủy Cung quên về, có lẽ anh ấy tuổi con rồng, mạng thủy nên hợp với nước hơn đất liền. Lần thương thứ hai gặp thằng chồng tuổi Ngọ trở chứng như ngựa nên đành để cho ngựa “cất vó truy phong’’. Đã mấy năm rồi em đợi sợi xích thằng của ông Tơ bà Nguyệt dắt dẫn cho lần thương thứ ba, nhưng chưa tới. Cái lần thương sau cùng nầy mà chẳng ra gì thì coi như mình về với ông bà ông vải là vừa.

Quân phì cười trước cái lối giải thích của Thương vừa khôi hài mà cũng mang đầy nỗi đắng cay. Quân cải chính:

– Cô lầm rồi, nguyên ủy của từ Tam Thương không như ý nghĩa của cô nghĩ mà xuất phát từ một chuyện tình xảy ra từ xa xưa. Câu chuyện thế nầy:

– Vào thời xã Cẩm Thành còn thuộc về phủ Tư Nghĩa. Ông quan đầu Phủ quê xứ Nghệ có đứa con gái tuổi vừa cập kê yêu một anh học trò nghèo xứ Quảng. Quan phủ buộc con gái cành vàng lá ngọc của mình phải dứt khóat mối tình dân dã đó. Nhưng hai người vẫn lén lút gặp nhau. Quan phủ bèn bắt người cha của anh học trò vào phủ đường. Quan đưa ra hai điều kiện phải chọn một. Đứa con trai phải bỏ làng đi xa, hoặc cả nhà phải bỏ xứ đi nơi khác.

     Vốn mang dòng máu bất khuất của tiên linh đất Quảng, người cha lặng lẽ ra về. Vào một đêm tối trời, mưa gió bão bùng, nước sông Trà dâng cao, người cha đã nhảy xuống sông trầm mình.

     Dù nước trên nguồn đổ về như thác nhưng xác ông vẫn quanh quẩn nơi bến sông, đến khi nước xuống, xác nổi lên tấp vào bờ. Trong đêm thứ bốn chín ngày tuần chay của cha, người con trai mang nỗi ân hận, vì mình mà cha phải liên lụy bèn nhảy xuống sông nơi cha đã trầm mình để chuộc lỗi với cha.

     Nghe tin người yêu tự tử, vị tiểu thư của quan phủ bất thần nổi cơn điên. Dù có người canh giữ cẩn mật, người con gái vẫn trốn được ra ngoài. Như có người dắt dẫn, cô đã tìm đến bến sông rồi trầm mình trong dòng nước lạnh giá của mùa đông.

     Cảm thông cho mối tình chung thủy, các chức sắc trong làng đến yết kiến quan phủ thỉnh nguyện cho mộ tiểu thư được chôn gần với mộ người yêu, nhưng quan phủ từ chối. Ông quyết định đưa xác con gái về Huế chôn tại quê ngoại của quan bà.

Từ đó, dân làng gọi đây là bến Tam Thương để nhắc đến ba cái chết thương tâm.

– Chuyện cảm động anh há. Thương xít xoa, rồi bình phẩm thêm:

– Cái chết trầm mình đỡ ghê rợn hơn cái chết treo cổ, xác ma le lưỡi dài thòng lại còn trợn trừng cả mắt. Một lần xem người chết treo cổ trên cây mà em nhớ cả đời. Có lẽ tự tử bằng súng là nhẹ nhàng hơn cả. Nền văn minh giúp cho con người tìm cái chết ít đau đớn hơn. Người ta phản đối “bác sĩ tử thần” chứ riêng em thì tán thành cả hai tay.

***

     Thương cùng mẹ qua Mỹ theo diện đoàn tụ do người chị ruột bảo lãnh. Vợ chồng anh chị nhanh chân ra được hạm đội trong ngày 29 tháng 4 năm 75. Người chị thứ ba được gia đình chồng bảo lãnh hiện định cư ở Canada. Bố Thương đã mất trước ngày miền Nam gẫy gánh. Thương yêu anh chàng Lũy, sinh viên khoa văn ở Đà Lạt. Hai người rủ nhau vượt biển. Thương đi lạc đường đến điểm hẹn bị trễ, người ta bỏ nàng lại. Không ngờ chuyến đi đó thuyền bị bão đánh đắm chết hết ngoài khơi, mất hẳn tin tức của Lũy từ đó.

2357 2 BuocThemBuocNuaHN NGTanIch

     Thương đến Mỹ được một tuần lễ là bà chị ghi tên theo học lớp ESL gần nhà. Đúng nửa năm thì tìm được việc làm. Nàng tiếp tục học tại trường college nhưng chuyển qua các lớp đêm.

     Anh chàng láng giềng gần nhà bà chị để ý Thương, rồi nhờ chị Hai của nàng mai mối. Tuy tướng người cục mịch vai u thịt bắp, ít lời nhưng chịu khó “cày”. Bùi Như Ngọ, tên anh chàng, chuyên nghề sửa nhà cửa. Bất cứ công việc nào liên hệ đến xây dựng là anh chàng có đủ giấy phép hành nghề. Mẹ và chị Thương thấy Ngọ có công ăn việc làm vững vàng lại có nhà cửa khang trang cứ nói vào không ai chịu nói ra.

     Cái viễn tượng sáng sủa của cuộc sống làm vợ Ngọ được mẹ liên tục thúc hối:

– Con nghĩ kỹ xem, căn nhà ba phòng mà chỉ có hai mẹ con nó ở. Về bên ấy chẳng có cảnh chị chồng em dâu. Vả lại bà cụ có một đứa con trai thì làm sao không cưng con dâu một.

Thương chần chừ:

– Phải để con tìm hiểu tính tình anh ấy thế nào, có hợp với nhau không đã.

Mẹ Thương bảo:

– Ngày trước, ông bà cố mầy toàn quyền chọn vợ gả chồng cho con cái trong nhà. Ông ngoại làm rể suốt năm trời mà có được trò chuyện với bà ngoại bao giờ đâu, sau nầy cũng con đàn cháu đống. Ông bà quấn quýt bên nhau không rời nửa bước.

– Cái cảnh đó xưa rồi mẹ ơi! Thương bài bác.

– Xưa gì mà xưa, tao với cha mầy cũng mới đây thôi. Thấy ổng từ ngoài cổng là tao đã chạy vào buồn trốn, đâu dám ló mặt ra.

Thương nhận lời lấy Ngọ chỉ có một lý do thầm kín là thoát khỏi cảnh ăn nhờ ở đậu nhà của ông anh rể.

     Lễ cưới của Ngọ và Thương tổ chức cũng rình rang lắm. Nào xe limosine rước dâu, mặc dầu hai nhà chỉ cách nhau mấy lốc đường. Khách mời dự tiệc nhà hàng trên dưới ba mươi bàn. Người ta khen ngợi chú rể cô dâu đẹp đôi xứng lứa khiến cho mẹ nàng cũng hãnh diện lây.

     Ở quê nhà xem phim đám cưới ai cũng xúyt xoa con nhỏ Thương mới qua Mỹ chân ướt chân ráo mà chôm được thằng chồng kỹ sư. Ông bà Tư Đa Thiện thiệt có phước. Ba đứa con gái đứa nào cũng giàu có ở nước ngoài. Bà Tư ngày ngày chỉ biết ăn trầu xỉa răng không làm việc gì động đến móng tay. Đúng là phúc đức mấy đời để lại.

     Đọc bức thư của dì Mười gởi từ Việt Nam kể lại những lời tán tụng mẹ mình của bà con lối xóm khiến Thương thấy xót xa.

     Ngày đầu mẹ con nàng đến ở nhà anh chị Hai, một “tuyên cáo” đầu tiên là cấm mẹ ăn trầu. Lý do thứ nhất bôi dơ nhà, dơ thảm. Thứ hai, các cháu sợ màu đỏ trong miệng của bà ngoại. Thứ ba, trầu cau ở Mỹ khó mua, thêm đắt đỏ. Thứ tư, người Mỹ dị ứng cái loại “kẹo gum” của mấy bà già trầu gốc Mít. “Tuyên cáo” tiếp theo là mẹ có nhiệm vụ giữ đứa cháu trai thay vì gởi nhà trẻ.

     Thằng cháu ngoại chỉ mới ba tuổi mà phá phách thần sầu, lắm lúc bà ngoại khổ sở rơi nước mắt. Tuổi già, lưng đau, chân mỏi muốn nằm nghỉ mà nào có yên đâu. Phải canh chừng thằng nhỏ hết phá giàn máy đắt tiền đến mở nước cầu tiêu…

     Về phần Thương, khi đậu bằng lái xe, gia đình anh chị cho mượn tiền mua chiếc xe đời cũ và có nhiệm vụ chở con bé năm tuổi đưa đón hàng ngày đến trường mẫu giáo. Đời sống thực dụng ở Mỹ thế đấy, già có công việc cho người già. Không ai bóc lột ai.

2357 3 BuocThemBuocNuaHN NgTanIch

***

     Cuộc sống vợ chồng Thương tương đối êm ả. Dù tính tình cục mịch, nhiều khi nói năng thô lỗ nhưng Ngọ một mực chiều vợ. Hai năm sau nàng sinh được đứa con trai, bà mẹ chồng mừng vô kể. Bà vừa vuốt tóc thằng bé vừa nói với Thương:

– Con ơi, bao lâu nay, mạ cứ lo lắng trong lòng sắp đến ngày theo tiên tổ mà chưa có chút cháu đích tôn. Giờ thì mạ yên chí có người nối dõi tông đường rồi. Cảm ơn con dâu của mạ.

     Có mẹ chồng coi con, Thương vừa đi làm vừa lấy một lớp đặc biệt về ngành Electronic assembly.

     Tính tình lạ lẫm của Ngọ mỗi ngày mỗi lộ dần ra. Bản tính cộc cằn nhiều khi làm cho Thương buồn tủi. Nhưng khó chịu hơn cả là cách ăn nằm với vợ như một tên mắc bệnh. Thương có cảm tưởng như mình bị hành xác. Nhiều lúc Thương chảy nước mắt chịu đựng để giữ êm ấm gia đình. Sau nầy, mỗi lần thân thể bất an là nàng tìm cách bồng con qua nhà chị mình ngủ với mẹ.

     Một hôm, Thương đang đùa chơi với con trên bãi cỏ trước sân nhà, bỗng một chiếc xe truck đậu vào lề đường trước cổng. Một người đàn ông Việt Nam tiến thẳng đến trước mặt Thương hỏi:

– Xin lỗi, bà có phải vợ Bùi Như Ngọ?

Thương gật đầu, thưa vâng.

Người đàn ông chìa cho Thương một bì thư nói:

– Xin gởi bà.

Người đàn ông cúi đầu chào từ biệt.

     Thương vội vào nhà đưa con cho mẹ chồng giữ, nàng vào phòng hồi hộp mở gấp phong bì. Một tấm ảnh màu chụp một đôi nam nữ trần truồng trên giường nệm. Ngực Thương chợt đau nhói khi nhận ra người đàn ông là Bùi Như Ngọ, chồng nàng giấu mặt vào gối. Còn người đàn bà thì chẳng chút ngượng ngùng. Trái lại, có vẻ kiêu hãnh với cái thân hình rực lửa của mình.

– Thế nầy là thế nào? Thương thắc mắc đợi chồng về để hỏi cho ra lẽ.

     Một ngày rồi hai ngày chẳng thấy Ngọ về nhà. Buổi chiều đi làm về, Thương thấy mẹ chồng bồng đứa cháu nội đang ngủ trong lòng, nước mắt bà sụt sùi. Thương hỏi:

– Có chuyện gì thế mạ?

– Thằng Ngọ bỏ nhà theo con đĩ nào đó không biết nữa..

– Sao giống chuyện trên sân khấu vậy mạ, đâu phải chuyện đùa!

– Tao có biết ất giáp gì đâu, nghe thằng thợ của nó cà lặp cà bặp rằng nó ăn nằm với vợ người ta bị thằng chồng rình bắt tai trận, nghe đâu có chụp hình và ký giấy biên bản. Thằng Ngọ bị con nầy quyến rũ lâu lắm rồi, giờ đây mới đổ bể ra. Không biết mạ có nợ nần gì kiếp trước mà sinh ra thằng con hư đốn làm tan cửa nát nhà như vậy. Bà lấy khăn lau nước mắt ràn rụa trên đôi gò má nhăn nheo.

     Thương đi thẳng vào phòng tắm rửa, rồi xin phép mẹ chồng bồng con về thăm ngoại. Đêm đó Thương trình bày với anh chị và mẹ về việc làm bất chính của chồng, kèm theo bức hình chụp của hai người. Xem hình mọi người đều sững sờ, chuyện khó tin mà có thật.

     Trước khi nộp đơn ly dị, Thương cần gặp Ngọ để làm sáng tỏ mọi vấn đề nhưng chẳng bao giờ gặp được hắn. Tòa án đầu hai lần gởi trát đòi nhưng hắn không đến trình diện để hòa giải. Cuối cùng tòa chấp thuận đơn ly dị của Thương. Nàng có quyền giữ con và căn nhà. Bà mẹ chồng quyết định ở lại với con dâu. Sau nầy, nghe đâu hắn dẫn người phụ nữ đó qua sống tại tiểu bang Florida cùng với hai đứa con riêng của ả. Mẹ của Ngọ đau buồn và thương nhớ con nên năm sau lâm trọng bịnh qua đời.. Thương bán ngôi nhà. Sau khi thanh toán nợ ngân hàng còn dư một số tiền vừa đủ tiền “down” cho một căn mobil home. Hiện giờ nàng sống chung với mẹ ruột tại căn nhà đó. Tuy chật chội nhưng lúc nào cũng thấy thoải mái tinh thần.

***

     Một đoạn đời của Tam Thương như thế đấy.. Tựa một khúc phim đầy chất bi hài đã tác động vào tâm hồn và tư tưởng khiến cho nàng nhìn cuộc đời diễn tiến như một hài kịch dài trên sân khấu.

Một hôm, nhân lúc hai người cùng ra bãi đậu xe sau giờ tan sở, Thương hỏi Quân:

– Anh nghĩ thế nào về lòng chung thủy?

– Theo tôi, lòng chung thủy không hề bền vững mà luôn luôn bị hoàn cảnh chi phối.

Thương tiếp:

– Cuộc đời anh có khi nào bị phản bội?

Quân nhìn những lá vàng rơi ngập trên lối đi, trả lời rất thành thật,

– Sao không!?

Thương nhìn Quân, nàng chun mũi hỏi đùa:

– Có thể nào con bé Thương nầy được anh trút bớt cho một nửa “bầu tâm sự”?

– Vâng, sẵn sàng, mời cô lên xe ngồi để tránh gió, tôi sẽ kể cho nghe một phần đời tôi:

Chẳng một chút ngại ngùng, Thương mở cửa xe ngồi vào ghế trước.

Mắt Quân nhìn về phía trời xa, với tâm trạng u buồn chàng kể:

– Ở quê nhà, tôi đã có vợ và đứa con gái tròn một tuổi. Chúng tôi tổ chức cho bốn gia đình vượt biển gồm hai chục người trên chiếc thuyền hai lốc. Vào giờ chót vợ tôi sợ không chịu đi và giữ luôn đứa con ở lại. Chuyến đi thông suốt. Tôi được định cư tại Hoa Kỳ. Sau năm năm, tôi làm thủ tục bảo lãnh vợ con. Nhưng vợ tôi từ chối với lý do nàng đã có chồng khác, một người chồng có thế lực trong chính quyền hiện tại. Nàng cũng không muốn con gái tôi xuất ngoại.

     Để quên sầu, tôi vùi đầu vào sách vở đến khi lấy được bằng cao học điện toán thì mái tóc đã thành muối tiêu. Như cô thấy đó, tôi cằn cỗi trước tuổi đời.

     Thương đặt tay mình lên bàn tay lạnh giá của Quân đang nắm chặt tay lái, nàng an ủi:

– Chẳng sao, miễn là anh biết quên đi những gút mắt của cuộc đời thì niềm vui sẽ trở lại.

Nhìn Quân với ánh mắt đồng cảm, Thương hỏi:

– Anh có tin rằng mạng số con người bị lệ thuộc vào một vì sao trên trời?

Quân đưa mắt nhìn Thương, thẳng thắn trả lời:

2357 4 BuocThemBuocNuaHN NgTanIch

– Tôi chưa cảm nhận được điều đó đúng hay sai, chỉ biết mình tận dụng hết sức mình mà thất bại thì lấy mệnh trời để an ủi. Vì vậy mà người xưa có câu: “Tận nhân lực tri thiên mệnh”. Có nghĩa là làm hết sức mình mới biết được mệnh trời.

– Nhưng anh có tin là vợ chồng sống hạnh phúc, ăn đời ở kiếp là nhờ hợp tuổi hay không?

– Điều đó vượt ra ngoài nền khoa học thực nghiệm. Tuy nhiên, ngày vợ chồng tôi quyết định lấy nhau, cha mẹ hai bên đều đi coi thầy. Thầy nào cũng cho biết hai tuổi không hợp. Sau nầy khi hai đứa xa nhau tôi thường tự hỏi tại tuổi hay do thời thế?

– Vậy thì, anh có muốn em đoán cho anh một quẻ không?

– Cô đâu phải là hậu duệ của Hi Di Trần Đoàn, ông tổ của khoa tử vi bói toán.

– Không phải hậu duệ nhưng là học trò mấy trăm đời được không. Thuở em còn bé được bố cưng chiều thường cho đi theo bố coi huyệt, xem hướng nhà đất, coi tuổi lương duyên… Khi lớn khôn em được bố dạy cho biết nhiều điều về khoa bói toán, phong thủy. Yên chí đi, em coi là trúng phóc, anh tuổi gì nào?

– Tuổi Dần.

Thương bấm trên mấy đầu ngón tay nhẩm tính như thầy bói toán chuyên nghiệp:

– Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung, nàng lắc đầu. Không xong, không xong, ngồi gần cọp có ngày bị ăn thịt mất.

Giọng đùa bỡn, Quân hỏi:

– Ai ăn thịt ai? Thế còn tuổi cô?

– Hợi.

– Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn, tính tình ngoan hiền.. Quân tán vào.

Thương cãi:

– Nhưng tuổi Hợi của em sinh nhầm “giờ hành thổ”, “mạng đất bùn” thành con lợn sổng chuồng chỉ biết đào ủi, phá phách bị người ta rượt đuổi.

– Cô yên tâm, từ nay lợn có đi đâu thì cần phải đi gần cọp là chẳng ai dám đến gần.

Mắt nheo nheo tinh ranh nhìn Quân, Thương hỏi:

– Cọp bảo vệ cho lợn hay là lợn làm mồi cho cọp?

Quân cười:

– Nếu cọp có thèm thịt lợn thì tình bạn họ càng gắn bó chứ sao. Ca dao dân mình có câu: “Kim đâm vô thịt thì đau, thịt trộn với thịt nhớ nhau suốt đời!”

Thương bạo mồm khen:

– Hữu lý, hữu lý! Hèn chi loài bọ ngựa cái ăn thịt ngay anh chàng bọ ngựa đực sau khi xong cái việc yêu đương. Thế anh có dám làm anh hùng dấn thân chết vì người yêu như loài bọ ngựa?

Quân gật đầu:

– Sợ gì,

Cả hai cùng cười. Thương mở cửa xe, bắt tay Quân từ biệt.

***

    Chiều qua, khi tan sở, Quân và Thương đứng ngoài hành lang trao đổi với nhau về những dự tính đi chơi đâu nhân ngày lễ Giáng sinh sắp tới.

    Thương cho biết là sẽ lên máy bay vào chiều thứ Sáu đi Vancover, một thành phố nằm về phía miền Tây của Canada thăm bà chị họ

Quân bảo:

– Tôi thì đi Seattle thủ phủ của tiểu bang Washington sát biên giới Canada thăm bà cô mới đoàn tụ với ông anh họ.

Mắt mở to, chân mày dướn lên, Thương bảo với Quân:

– A, thế thì anh có thể bước thêm bước nữa, em cũng bước thêm bước nữa là hai người sẽ gặp nhau.

Quân cười bảo :

– Hai người sẽ cụng đầu nhau ở biên giới chứ!

Thương nhún vai:

– Đâu có điên, trán em mà cụng phải trán anh làm sao chịu nổi, em không u đầu thì cũng sứt trán.

     Khi về đến nhà, Quân nghĩ đến câu nói của Thương chàng mới giật mình bởi có dấu ý thầm kín của cô gái tinh nghịch nhất trong hãng. “Bước thêm bước nữa” là câu của ông bà mình thường khuyên những ai mất vợ mất chồng tái giá hay tục huyền.

***

     Thấm thoát, ngày lễ Giáng sinh đã đến. Thương đi Canada vào chiều thứ sáu. Thứ bảy Quân mới lên máy bay đi Seattle. Tiểu bang Washington được sắp vào hạng mưa nhiều nhất nước Mỹ, hai trăm ngày trong một năm, quả thật không ngoa. Có lẽ nhờ mưa nhiều mà không khí nơi đây có cái lạnh dễ chịu dù rằng mùa đông đã khởi đầu trên vùng bắc Mỹ.

     Qua một ngày tiệc tùng mừng bà cô ruột đoàn tụ với gia đình anh con trai, Quân cùng đứa cháu dạo quanh thành phố xem các trang trí đón mừng ngày Chúa ra đời. Sẵn dịp chú cháu đến thăm khu Space Needle. Một cái tháp hình cây kim chỉa thẳng lên trời cao hàng mấy trăm feet. Đó là biểu tượng của tiểu bang Washington và là địa điểm thu hút khách du lịch. Trên ngọn tháp có khu giải trí, nhà hàng, khu bán quà lưu niệm…

     Lên tầng cao nhất, cả một khoảng trời bát ngát lấp lánh ánh sao hiện ra trước tầm mắt khiến Quân bàng hoàng, xao xuyến. Bên dưới, ánh đèn óng ánh như hàng triệu viên kim cương rải đầy trên thành phố, Quân chợt hiểu vì sao Seattle còn có tên gọi thành phố Ngọc Bích. Tháp được xoay tròn nên khách thưởng ngoạn trông thấy hầu khắp thành phố sáng rực hoa đèn, lòng Quân nao nao.

     Khi trông về hướng Canada chợt Quân chạnh nhớ đến Tam Thương. Để rồi tự hỏi giờ nầy nàng đang làm gì bên ấy. Quân nhớ đến chiếc mũi hay chun lại như tự chế giễu mình trông nàng vừa duyên dáng vừa tinh nghịch. Đột nhiên, Quân mong muốn được gần Thương để nhận chút hơi ấm từ trong cơ thể đầy sức sống của nàng giữa bầu không khí lạnh giá của mùa Giáng sinh. Cầm lòng chẳng được, chàng bấm phôn tay gọi Thương ngay.

Bên kia đầu dây lên tiếng:

– Anh Quân hả? Em Tam Thương đây. Bộ bên đó lạnh lắm hay sao mà gọi em giờ nầy?

– Anh đang đứng trên tầng cao chót vót Space Needle của Seattle lộng gió. Thương đang làm gì bên đó, thành phố Vancouver của bà chị em,

– Bên nầy chẳng thua gì bên anh, em đang đi viếng khu phố Tàu vừa lạnh trời vừa lạnh lòng, cô đơn!

– Thương ơi, anh sẽ thực hiện lời khuyên của em.

– Chuyện gì thế anh?

– Anh quyết định ngày mai nầy sẽ “bước thêm bước nữa” và vượt qua biên giới Mỹ – Canada để đến với em tại quốc gia của nữ hoàng Anh quốc. Hy vọng vòng tay em sẽ sưởi ấm đời anh đã chịu lạnh lùng suốt bao năm trường trên đất khách.

Giọng Thương đầm ấm từ bên kia văng vẳng:

– Vâng, Quân ạ. Đến giờ nầy anh mới ngỏ lời nhưng trái tim em đã xao xuyến từ buổi đầu gặp anh. Ngày mai em sẽ đến biên giới đón anh như lời em đã nói. Chúng mình cùng bước thêm bước nữa, cả hai đồng đều khỏi thiệt thòi cho nhau.

2357 5 BuocThemBuocNuaHN NgTanIch

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích


Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC