TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

     Gần tết rồi. Mọi nhà đang chộn rộn sắm sửa, muối dưa muối hành, chẻ lạt lau lá gói bánh trái, sên mứt, ngả heo chia thịt. Không khí rôm rả tất bật đón xuân càng làm lòng tôi nóng như lửa đốt. Chưa thấy tin gì của mẹ, không biết mẹ có ra kịp đón tôi về Sàigòn ăn tết?

 

      Hôm qua nhà mợ Diễm vừa nhận được một thùng qùa, nói là của cậu em mợ trong Sài gòn gởi ra. Qùa là những xấp vải ny long may áo dài nhiều màu, điểm xuyết hoa văn tươi đẹp. Những chiếc khăn voan mỏng, cũng nhiều màu sắc. Màu tím hoa cà, hồng phấn, xanh nước biển, xanh da trời. Tôi rất thích chiếc khăn màu hoa cà. Màu tím phơn phớt dễ thương. Được quàng chiếc khăn đó vào cổ giữa tiết trời lành lạnh cuối đông của miền Trung, vừa đẹp vừa ấm thì còn gì sung sướng bằng, nhưng chỉ dám đứng xa len lén nhìn, tôi không có phần.

      Trong chuyến ra Hội An chỉnh đốn lại hoạt động buôn bán của đại lý gạo, ngũ cốc, theo sự điều phối của công ty. Tưởng sẽ ở lại lâu, mẹ đem tôi theo. Nhưng chỉ mất một ít thời gian đã ổn định được công việc, nên mẹ phải về lại Sàigòn.Tôi đang học lớp nhất, mới nhập trường vài tháng, cuối năm nay thi tiểu học, nên không thể theo mẹ về. Mẹ sợ thay đổi trường lớp làm tôi học hành sa sút, ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng cuối cấp, nên gởi tôi trọ lại nhà cậu mợ Diễm. Nhà cậu mợ đông con, tôi sàn sàn bằng những đứa ở giữa, nên có “anh”, “chị” và “em”. Đứa nhỏ nhất hằng ngày tôi ẵm nó đi chơi, trẹo cả ba sườn.

      Hàng tháng mẹ vẫn gởi tiền chi phí ăn ở của tôi. Cậu khai tên tôi trong sổ lương lính để lãnh thêm tiền, nhưng mợ và đám con mợ coi tôi như kẻ ăn bám, bắt làm mọi việc quá sức một đứa trẻ mười tuổi. Mợ chì chiết mắng mỏ luôn mồm vì tôi vụng về, không bao giờ làm công việc vừa ý mợ. “Chị” hở chút cốc đầu tôi côm cốp, hình như âm thanh ấy làm chị vui tai. Đám “em” thì lườm nguýt vênh váo, có khi còn ngắt nhéo “ngọc thể” tôi bầm tím ( “ngọc thể” vì tôi là viên ngọc của mẹ).Tôi thường bế đứa em nhỏ lên đồi sim cách nhà khá xa, ngồi thụp xuống bãi cỏ khóc sướt mướt vì nhớ mẹ, vì bị bạc đãi. Những lúc như thế, khi ngẩng lên luôn bắt gặp một đôi mắt nhìn thương cảm….

      Đôi mắt ấy là của thằng Trọng …ma le. Nhà nó cũng ở trong khu gia binh. Nó học cùng lớp với tôi, bạn bè gọi nó là  “ma le” nhưng tôi thấy nó giống …ma xó hơn, vì lúc nào nó cũng “canh” được tôi đang khóc  nhè. Nó nói cà lăm nghe đến chóng cả mặt, nhưng tai quái nghịch ngợm nhất lớp, “phát minh” ra nhiều chiêu  độc địa để hù bọn con gái sợ xanh mặt. Có lần nó hái mấy trái ổi đào trong vườn nhà, vàng ruộm thơm lừng, nhưng toàn trái có sâu. bọn con gái hí hửng cắn miếng ổi ngập răng, mới thấy mấy con sâu trắng nõn lúc nhúc, sợ hãi rú lên, nó sung sướng cười hỉ hả. Lại có lần, nó đem đến lớp một cành phượng cuối mùa đỏ rực, vẫn còn chi chit hoa và nụ, cành phượng qúi hiếm. Nó dứ dứ lên cao rồi hỏi: “Đứa…đứa…nào thích…. tau …cho?” Dĩ nhiên đứa con gái nào cũng thích, thế là giành nhau. Nhưng kẻ “chiến thắng” lập tức trở thành nạn nhân, vì nắm trúng những con thằn lằn mềm nhũn, nó cột vào cành cây bằng chỉ, bị hoa lá che khuất. Từ đó không đứa nào dám nhận “qùa” của nó nữa.

      Nhưng đối với tôi nó rất hiền lành. Không bao giờ chọc ghẹo, giựt đuôi tóc hay bắt  chuột non đỏ hỏn bỏ vô hộc bàn của tôi như đã từng “xử” với những đứa bạn khác. Những lúc bị nó bắt gặp đang ngồi khóc, tôi “quê” quá đổ quạu, quẹt vội nước mắt đứng lên chống nạnh, chanh chua:

-Tao khóc kệ tao, mắc mớ gì mày mà nhìn?

-Tau…tau… đâu có …cười mi, tau…tau cho mi …cái…cái này nì.

      Nó xoè ra một nắm kẹo trong tay và một cái kèn lá chuối. Tôi rất thích kèn nó làm, đơn giản chỉ là miếng lá chuối xé nhỏ, cuốn lại vài vòng rồi bóp bẹp đầu kèn là thổi được, nhưng kèn nó làm thì tiếng kêu te te trong trẻo, không như kèn tôi  “sản xuất”, chỉ kêu …tịt tịt như mắc nghẹn. Tuy vậy tôi vẫn nguây nguẩy:

-Không dám, ăn kẹo của mày cho sâu nó cắn đứt cuống họng à? Nhưng kèn thì … được.

Nó vội phân bua:

-Đâu… đâu có…, tau…tau… làm sao… bỏ sâu… vô …vô…kẹo được?

      Tôi cẩn thận xem xét từng viên kẹo rồi mới “miễn cưỡng” cầm lấy, ăn cho quên…sầu và không  quên cái kèn.

      Thằng Trọng tuy rắn mắt nghịch phá vậy, nhưng lại rất giỏi văn. Bài tập làm văn nào của nó cũng được điểm cao nhất lớp, trong khi tôi dốt đặc. Dù thầy cho đề gì, tôi cũng không thể  “sáng tác”  ra được một bài luận văn ra hồn. Một hôm thầy cho đề: - Tả Một Buổi Tối Quây Quần Trong Gia Đình Em.

      Đề bài này đối với tôi thật khó “nuốt”. Buổi tối ở nhà mợ là khoảng thời gian khổ sở nhất. Tối, tôi trân mình chịu đựng mợ đay nghiến mắng mỏ, “chị” xỉa xói, về những  “tội lỗi”  trong ngày. Mấy đứa “em” điêu ngoa thêm dầu vào lửa. Buổi tối không trốn đi đâu được để thoát khỏi “cực hình”. Chẳng lẽ tôi “tả chân” cảnh này để làm luận văn? Tôi quay xuống thì thào với Trọng:

-Mày chỉ tao làm với.

-Tập…tập… làm văn…làm… làm sao chỉ được?

-Thì mày đưa giấy nháp, tao … chép.

-Không… không…được đâu, thầy…thầy… biết liền.

 

      Thế là tôi giận nó. Trống vừa đánh tan trường, tôi vội vã xếp tập vở, lủi nhanh về trước. Khoảng thời gian từ trường về là lúc tôi vui nhất. Tôi đi thật chậm, hái hoa, bắt bướm. Ra bến sông đứng nhìn thương thuyền tấp nập bốc hàng lên xuống. Những chiếc “cầu”  bằng mảnh ván dài bắt từ bờ ra thuyền oằn xuống dưới nhịp chân của người phu khuân vác nặng.  Người đông nhộn nhịp.

      Lang thang qua mấy con phố ngắm những ngôi nhà cổ mái ngói rêu phong, đèn lồng đỏ đung đưa trước gió. Đi vòng con đường nhiều cây hoa dẻ thơm ngát, rụng trắng xóa dưới đất, hoặc ngơ ngẩn với những chùm phượng đỏ ối cuối hè. Thương cây điệp hoa vàng thơm ngai ngái. Ngày nào cũng vậy,đi ngang chùa Cầu là tôi chậm lại, tẩn mẩn rờ mó những bức tượng thần thánh xếp dọc hai bên thành cầu, để “câu giờ”. Tôi không muốn về nhà sớm, dù biết rằng về muộn sẽ được nghe một bản “hợp ca” nhiều bè “thánh thót” của mợ và chị.

Trọng bắt kịp theo tôi, nó lắp bắp phân bua:

-Mi…mi… đừng giận… nữa, tau…tau cho mi…chép bài thì…thì… hai đứa cùng  “ốc tọt”  , với …với…lại mi …mi…phải …phải…tự làm mới… khá được…mi…mi…

Tôi còn đang giận, dẩu môi lên gắt:

-Mi…mi …Fa Sol …La … cái gì?  Xí, làm quen con chó leng keng…

Nó lanh chanh:

-Con …con…chó …đánh đàn, con…con… chó làm …tàng, phải không? Tau cho …cho mi cái…cái này nì.

      Nghe nó nói …mệt qúa, đã vậy còn ham nói “văn chương”, tôi không dám giận lâu, sợ nó theo năn nỉ riết rồi “nhập tâm”, nói…dài dòng giống nó  thì khổ, còn gì là duyên con gái!?

Nó xoè tay ra. Những viên đá cuội xinh xắn, viên đen, viên trắng. Mỗi viên nó vẽ một mặt người theo hình dáng tròn méo của viên đá. Mặt hề, mặt ngố, mặt mọi da đỏ… thằng này giỏi thật. Tôi thích quá, vội trao ngay cái cặp cho nó xách, để mân mê ngắm nghía mấy viên đá trên tay.

      Trời bắt đầu mưa bão. Buổi trưa còn nắng chang chang. Buổi chiều đi học về, nước tràn từ bờ ruộng bên này, băng ngang lộ sang bờ bên kia, nối liền thành một vùng biển nước mêng mông trắng xoá. Trọng hối hả giục xách dép lên, rồi nắm tay tôi kéo chạy băng băng về nhà. Tôi không biết rằng nước lên rất nhanh, lớ ngớ chạy không kịp có thể bị cuốn trôi.

      Những ngày nuớc lụt được nghỉ học, nhưng không vui. Ngồi bó gối trên giường nhìn làn nước mêng mông đục ngầu, thả thuyền giấy trôi lềnh bềnh trên nước, rồi cũng chán. Lúc đói chỉ có mấy củ mì luộc lăn lóc trong rổ, được cái mì miền Trung, trồng trên đất cát, luộc lên trong ngần, dẻo quẹo, ăn không mau ngán. Nhớ lại thèm những tô mì Quảng mẹ mua cho ăn ngày còn ở cùng mẹ ngoài phố, sợi mì to bản vàng nghệ, chan sền sệt nước lèo váng màu gạch tôm, vài hột đậu phộng béo, nắm bánh đa bẻ vụn cùng hương vị rau húng lũi rất riêng….

      Tôi nhớ những buổi đi học, giờ ra chơi riú rít nhẩy dây, đánh chuyền, chơi U hò hét khan cổ, quần áo lấm lem. Nhớ những món quà bất ngờ của thằngTrọng. Nhớ những buổi chiều bế em lên đồi hái sim, những trái sim ngọt ngào tím lịm. Tôi không hiểu câu hát: Đói lòng ăn nửa trái sim / uống lưng bát nước đi tìm người thương. Tại sao sim chỉ được ăn có nửa trái???

     Nước rút, tôi hớn hở ôm cặp đi học. Vừa ra đến đầu xóm, đã thấy thằng Trọng đứng chờ. Nó giúi vào tay tôi một gói lá chuối, giục. – “Ăn đi, còn nóng ngon lắm đó”.

     Mở ra thấy một mảng vàng ruộm thơm nức mũi, nhưng khi nhìn kỹ lại, nằm xen giữa vân trứng gà vàng ngon lành, là những con sâu béo tròn nung núc. Tôi sợ xanh mặt, vội ấn gói lá chuối vào tay nó vùng vằng:

- Trời!...ghê quá, mày cho tao ăn …sâu à?

Nó cười hơ hớ.

-Mi …mi…ngố quá, đây là…là… chả rươi, mỗi năm chỉ …chỉ…có vài lần sau khi…khi… nước rút, ngon …ngon…đặc biệt. Tau phải…phải… lén giấu đem đi cho…cho… mi, ăn đi.

Tôi lắc đầu quầy quậy, cho kẹo tôi cũng chẳng dám ăn món “qúi hóa” này.

***

      Mợ nhận được thư mẹ tôi gởi ra. Thư mẹ nói có lẽ không đón tôi về Sàigòn ăn tết được, nên gởi chút qùa  cho cả nhà. Năm đứa con gái của mợ cộng với tôi là sáu, mỗi đứa một xấp vải may áo dài và một khăn voan quàng cổ. Mẹ còn cẩn thận dặn mợ để tôi được ưu tiên chọn trước.

      Hỡi ôi!...vậy là tôi không được về ăn tết cùng mẹ. Thư từ Sàigòn ra Hội An cả tháng trờì mới đến, trong khi thùng hàng đến trước từ lâu và mọi người đã chia chác hết. Mợ phải dỗ dành mãi chị mới chiụ “nhả” ra một phần (chị được luôn phần dư là của tôi), nhưng rất hậm hực tức tối. Tôi không cần quà, không cần chiếc khăn voan màu tím hoa cà nữa. Tôi chỉ cần mẹ, nhưng lá thư đã dập tắt niềm hy vọng mong chờ bao ngày. Đau khổ quá, tôi bế em lên đồi sim ngồi khóc…

      Thằng Trọng lại theo lên “ám”, nhưng tôi không tức nó nữa mà thầm tiếc, phải chi nó là ông bụt, hiện ra đúng lúc này ban cho tôi điều ước thì tốt hơn.

      Từ khi được nhận lại phần quà mẹ cho, không ngày nào tôi đươc yên thân. Anh Huy trước giờ không can dự gì đến những chuyện vớ vẩn của đám con gái, giờ cũng xen vào. Anh dài giọng chế riễu: “ mày đem khăn đi lau bảng rồi  hả?”. Con Bích lấy cát tung vào đầu tôi, riết róng: “ cho chừa cái tội …xí đồ của người ta”. Cả nhà ghét tôi thậm tệ vì tôi lâý lại phần quà…của mình.

 

***

      Hôm nay là buổi liên hoan tất niên, rồi nghỉ ăn tết. Tới mục “văn nghệ” cả lớp nhao nhao “đề cử” tôi lên hát. Hồn vía tôi…bay mất, dù tôi cũng biết hát nhiều bài, nhưng với bản tính nhút nhát e thẹn, làm sao tôi dám “trình diễn” trước cả lớp, mới nghe chúng nó đề nghị, tim tôi đã nhảy dựng lên trong lồng ngực, tay run như gảy đàn. Tôi tha thiết van xin …từ chối, nhưng mấy đứa ngồi gần lôi kéo “áp giải” tôi lên bục. Không biết chúng nó dựa vào đâu để qủa quyết: “dân Sàgòn hát hay lắm”.

      Tôi đau khổ lắp bắp …hát bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng”. Bài này tôi thuộc  nhừ như ăn cháo, vì mỗi lần ru em ngủ hoặc ẵm nó đi chơi thường hát cho nó nghe. Hát được hai câu tôi bỗng …quên, đứng sững như Từ Hải chết trận. May quá, Trọng đứng lên thưa thầy: “Bài này em biết hát, để em hát chung với bạn Mai”.

      Bình thường Trọng nói cà lăm, cộng với  “ chất giọng” miền Quảng, thật tình tôi không biết nó hát …cái gì, nhưng nhờ cà lăm “thiên phú”, khi hát nó lập lại nhiều lần, như người nhắc tuồng trong cánh gà, tôi dựa vào lời “nhắc khéo” đó để hát và có nó, tôi bớt run, hoàn thành “show diễn” một cách …vất vả. Tôi và nó không trở thành “ngôi sao ca nhạc”  mà lệch pha thành diễn viên …tấu hài. Cả lớp được một trận cười vãi nước … mắt.

      Trên đường về hôm nay, tôi không la cà “hái hoa bắt bướm” nữa mà sải nhanh chân bước, lòng có một niềm vui rộn ràng khó tả, không hiểu nguyên nhân. Tôi linh cảm một niềm hạnh phúc to lớn nào đó đang chờ tôi ở nhà. Tôi còn tự hỏi: Ở nhà thì có gì vui???

      Vừa đến đầu trại, tôi giật cái cặp trên tay thằngTrọng, chạy u về. Ơ kìa… tim tôi vỡ tung ra trong lồng ngực. Sự vui mừng như cơn sóng thần ập đến làm ngộp thở, tôi có hoa mắt không? Mẹ đang đứng chờ trước cửa…

      Tôi cuống quýt lao vào lòng mẹ, oà lên khóc nức nở. Mợ Diễm cười gỉa lả…hiền từ, nói như phân bua:

- Nó thấy bà ra bất ngờ, mừng quá ấy mà. Giời ơi!...con gái lớn thế kia rồi mà còn khóc nhè như …chè thiu.

Tôi khóc vì nhớ mẹ, vì sự bạc đãi của gia đình mợ đối với tôi. Mẹ vuốt mái tóc vàng hoe cháy nắng, nhìn tôi âu yếm:

-Má ra ăn tết với con cho vui. Ra tết má về Sàgòn, con thi xong tiểu học má ra đón về.

Tôi ôm chặt lấy mẹ khóc to hơn. Mẹ là bà tiên. Tôi không thể để bà tiên vụt bay mất, tôi không thể xa mẹ thêm phút giây nào nữa. Tôi nấc lên:

-Con …muốn về …với má ngay… bây giờ. Bất quá …ở lại lớp, sang năm… thi cũng được, cho con… về… với…ới…

      Mẹ dỗ dành thế nào cũng không được. Tôi bám chặt lấy mẹ không rời nửa bước, vì đã có kinh nghiệm “xương máu” bị mẹ lừa: Lần trước ra thăm tôi, lúc muốn về, mẹ cho đồng bạc ra đầu xóm mua bánh đa cùi dừa. Khi hí hửng cầm cái bánh về thì mẹ đã đi mất, tôi đau khổ ngồi phịch xuống đất tru lên khóc, nhưng ngay lập tức im bặt vì ánh mắt quắc lên của mợ, mấy cái môi trề ra dài thượt của đám con gái. Lần này tôi quyết không sơ hở để mẹ trốn đi.

      Mẹ thấy tôi quyết liệt như vậy nên không nỡ, thu xếp cho tôi về Sàigòn cùng mẹ, không trở ra nữa. Có lẽ đây là cái tết vui sướng hạnh phúc nhât đời tôi, không còn niềm vui nào có thể lớn hơn được nữa.

      Sau khi hoàn hồn ngồi yên vị trên tàu lửa. Tôi mới chợt nhớ mình chưa từ gĩa thầy và bạn bè. Có lẽ tôi không bao giờ còn trở lại nơi này, để có dịp gặp lại họ và …thằngTrọng. Dù sao tôi cũng rất “biết ơn” nó, nó đã “dũng cảm” lên chia xẻ “vai diễn” với tôi, giúp tôi thoát được “nỗi nhục”… trời trồng.  Tôi còn nhớ cả đồi sim, nơi tôi hay được nhận quà của nó, mỗi khi nó muốn “dỗ dành” tôi nín khóc. Tôi nhủ thầm: Thôi kệ!...sau này lớn lên, tôi sẽ ăn…nguyên một trái sim, uống ca nước đá, rồi đi tìm nó.

      Bốn mươi mấy năm, tôi không thực hiện được lời hứa thầm trong lòng hôm ấy, về thăm Hội An một lần. Không biết “thằng” Trọng còn nhớ đến người bạn “Thanh Mai, trúc mã” này không?...

 

HT.Thanh Nga 

Oct. 10/2011

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.