TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

                           * Tặng chị Phan Thị Năm BGK  D8 Phi trường Atlanta và đồng hương Gò Công.

 

Tôi nhìn xung quanh phi trường không  thấy chị, tiếng động cơ của máy bay cứ vài phút là vang rền cả không gian, tôi ngỡ ngàng xa lạ, cố tìm một bóng dáng thân quen. Tôi muốn gặp chị, muốn tìm lại hình ảnh yêu thương của cô giáo đất Gò Công biển mặn ngày nào. Tôi nhớ chị, cũng như nhớ từng đợt sóng vỗ vào đất bãi, nhớ ngọn gió chớm xuân mát rượi thổi vào lòng người như muốn xoa dịu nỗi buồn phiền trong cuộc đời. Nắng phi trường đã ngã màu vàng sậm, mây bay lãng đãng về phía chân trời xa xa làm tôi chợt nhớ quê nhà, chợt thèm nhìn mây khói hoàng hôn lan nhẹ cuối chân trời, để nghe lòng bâng khuâng trước cảnh trời mây đó.

 

 Mùa đông nơi đây lạnh quá, rét run cả người, tôi rời quê hương sang đây đã được hai mươi tháng, nỗi nhớ quê nhà vẫn âm ĩ trong lòng. Xuân nơi đây tẻ nhạt, những cành mai giả tạo không chút thú vị được bày bán ở các chợ, những hộp mứt dừa, mứt bí, mứt mảng cầu gợi nhớ trong tôi bao mùa xuân ở quê nhà đầm ấm, tươi vui. Ăn tết trên đất khách tôi thấy không có ý nghĩa gì cả, mọi người vẫn đi làm, ít có ai đến nhà chúc xuân, đêm giao thừa quạnh hiu không rộn tiếng cười, cái Tết chỉ thể hiện sâu đậm trong tâm tư những người xa quê hương. Tôi hưởng trọn ba ngày tết cuối cùng ở Gò Công trước khi lên đường sang Mỹ, tôi về Long Hưng thăm giồng dưa hấu, ghé Kiểng Phước hái me về sên mứt, tạt qua Tân Hòa ăn mãng cầu day, rồi đi một mạch xuống Tân Thành đón gió xuân và ngắm biển lần sau cùng trước khi rời khỏi quê nhà.

Ai đã từng ghé biển Tân Thành vào mùa thu hoạch nghêu, chắc hẳn không quên bãi nghêu vào lúc nước ròng trắng xoá cả một vùng đất. Ngày xưa tôi và các bạn cùng xóm hay ra đây cào nghêu, mót những con nghêu còn sót lại mà cư dân họ đã nuôi sau khi mang bán hết, hì hụt trên cái rỗ thưa cả buổi trời được khoảng vài ký nghêu, mang về luộc chấm nước mắm tỏi ớt, ăn rất ngon lành. Mỗi khi ra biển, tôi thích nhìn cảnh mặt trời lặn để thấy màu mây rám hồng, nhìn đàn chim bay về tổ và tận hưởng những làn gió mát rượi từ phía biển Đông thổi vào…Tôi nhớ có dịp về Bình Nghị thăm người bà con, bà chị họ mang mứt sơ-ri ra đãi. Tôi rất thích mứt này, vì nó vừa chua vừa ngọt, ăn chẳng biết ngán,trái sơ-ri đo đỏ đặc sản của Gò Công cũng như dưa hấu nơi đây rất nổi tiếng trên thị trường.

 Đi ngang qua Tân Trung, tôi dừng lại trước cổng trường  phổ thông, nghĩ ngay đến chị, đến bóng dáng cô giáo Phan Thị  Năm đã rời xa trường  mười mấy năm nay, chị bây giờ ở cách quê hương hơn nửa vòng trái đất, bỏ lại sau lưng đám học trò với bao nổi vấn vương. Chị không kịp ăn Tết ở quê nhà, mùa xuân năm ấy vắng chị, một cô giáo tận tụy với nghề, gắn bó với bục giãng và hết lòng với học trò. Ngày chị nhận giấy xuất  cảnh theo diện HO, chị giả từ vội vã như sợ sự luyến lưu nào đó níu kéo mà chị không thể cầm lòng được. Bước  lên bến phà Mỹ Lợi, tựa mình vào thành phà mà tâm sự ngổn ngang, chị nghe nghèn nghẹn trong tim rồi bất chợt thở dài nảo nuột.

Từng vạt lục bình trôi lờ lững mang những cánh hoa màu tim tím khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời, chị như những cánh hoa lục bình, giản dị và bình lặng, giản dị như dòng sông quê nhà, bình lặng như ngọn gió chiều vi vu êm ả trên sóng lúa. Chị chuẩn bị hành trang để bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, tâm tư bồn chồn, khắc khoải khi nghĩ đến sẽ đứng trước một miền đất xa lạ. Chị xoay người nhìn lại đám dừa nước  đang xa dần, hàng phi lao rợp mình trong gió như không muốn nhìn một cuộc chia ly. Chị giã từ Gò Công dấu yêu, giã từ cổng trường với hàng điệp trong sân để rồi cuối đời không còn được nghe tiếng trống trường báo hiệu hết giờ đứng lớp. Nơi đây với vô vàn kỷ niệm, cũng là nơi chị gặp gở anh Hiếu, Trung úy Địa Phương Quân năm xưa, rồi tình cảm lớn dần theo năm tháng, anh Hiếu thích nhìn mái tóc dài và đôi mắt của chị, đôi mắt sâu lắng mơ buồn, vóc dáng mảnh mai, thướt tha trong chiếc áo dài mỗi khi đến lớp, đã bao phen anh Hiếu phải đắm đuối. Mối tình thơ mộng của chàng Trung Úy Địa Phương Quân với cô giáo đất Gò Công được đánh dấu bằng một đám cưới rở ràng, chị sống hạnh phúc bên người chồng lý tưởng từ dạo ấy.

Từng lượn sóng nhỏ nhấp nhô đưa chiếc phà êm trôi nhè nhẹ, gió mát rượi, chị nghe hơi hướm của ngọn gió chướng báo hiệu xuân sang. Mùng 10 tháng chạp năm nay chị không còn được lặt hết lá mai trên cành cho mai trổ nụ,  không còn được nhìn cây mai vàng trước sân đong đưa trong nắng vào sang mùng 1 Tết. Chị chợt thấy buồn khi chiếc phà sắp sửa đến cầu nối Cần Đước, vuốt nhẹ vài sợi tóc lòa xoà trên mặt, chị đưa tay nắm chặt thành phà như không muốn xa rời nó, chiếc phà đưa tiển người rời xa  nơi chôn nhau cắt rún, dòng nước mênh mông chảy ra muôn ngã, chị bùi ngùi xúc động nhìn trời, nhìn nước, nhìn khoảng không vô tận, bờ kỷ niệm xa dần….xa dần…., bất chợt đôi dòng lệ chị tuôn trào.

Trời dần tối,  phi cơ vừa đáp xuống bãi, phi trường trở nên rộn rịp, tiếng người cười nói huyên thuyên, tôi trở về thực tại, trở lại gate D8 lần nửa để tìm chị. May quá! chị kia rồi, vẫn nụ cười rạng rở như ngày nào, cô giáo trẻ năm xưa nay tóc đã lấm tấm vài sợi mây chiều, đôi mắt hằn dấu chân chim nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời, tôi nhìn chị xúc động, một chút lặng lẽ, một chút bâng khuâng… Chị cùng tôi ra ngoài để tránh bớt tiếng ồn, chị hỏi thăm về quê nhà, về trường xưa, về bạn bè thân hữu, chị không quên cây mai trước sân nhà, chắc cây mai năm nay trổ nhiều hoa lắm phải không? Mười mấy năm rồi còn gì, nhanh quá em à, mới ngày nào còn đứng trên … chị ngập ngừng…

 

Tôi muốn nói ngày chị về có lẽ sẽ không còn chiếc phà nữa, đang có dự án xây cầu rồi đó, tôi biết trong chị mãi mãi vẫn còn hình ảnh của chiếc phà, chị nhìn xa xôi, tôi hiểu, chị đang hướng về quê hương, cả tôi lẫn chị không được ăn Tết ở quê nhà. Vì nhu cầu cuộc sống, chị phải làm 2 jop để có tiền xoay trở cho các cháu ăn học, quả là một nghị lực phi thường,…..Giờ này bên đó chắc đang rộn rịp chuẩn bị rước ông bà, bà cụ hàng xóm có còn bưng mâm ra sân cúng đón giao thừa, trên mâm có con gà trống tơ và một dĩa quýt. Bà đứng khấn vái phật trời độ cho ăn nên làm ra, đang cúi mình lạy trời đất thì đám thanh niên chạy xe ngang qua đưa tay nhấc con gà nằm trên mâm biến mất dạng, bà cụ ngẩng đầu lên lẩm bẩm: “tiên sư chúng mày dám ăn trước bà…”

Em còn nhớ đêm giao thừa năm ấy, chị ra đứng cầu ao, mắt hướng về cái quầng sáng ở hướng nam, trên nền trời đen sậm. Sài Gòn đang rực sáng, nơi đó đêm giao thừa hẳn vui lắm, chị nhoẻn miệng cười cho ước mơ bay bỗng, mình không còn dịp để nhìn cái quầng sáng đó nữa. Chị kéo cao cổ áo, gió thổi mạnh, lạnh quá đi thôi, ngọn gió Đông này chúng ta cứ tưởng tượng đây là gió xuân, xuân ở trong chị, xuân ở trong em và xuân ở trong lòng tất cả những người Việt Nam xa xứ. Dù ở nơi đâu cũng đừng bao giờ thờ ơ với cái Tết cổ truyền, đặt lên bàn thờ  tổ tiên một đòn bánh tét  hoặc một dĩa bánh chưng và vài ba dĩa mứt. Chỉ có thế thôi là ta đã có một cái Tết ấm áp, mặc dù trong đó có pha lẫn những nỗi buồn của tháng ngày viển xứ. Ta có dịp  nghĩ ngợi và ôn lại những kỷ niệm của năm xưa khi còn ở Việt Nam , để rồi ray rức, để rồi bùi ngùi cho thân phận của kẻ ly hương, phải không chị?

 

Lợi Trân (Vườn thơ Atlanta )

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.