TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Tôi đi học sớm hơn so với các bạn cùng tuổi. Đầu tiên học vỡ lòng chữ nho với thầy Năm mà tôi quen gọi là ông cố vỉ là bạn với ông nội tôi, kế đến phải chạy Tây gần sáu tháng, vừa hồi cư thì trường lại đóng cửa, tôi về quê ngoại học với ông ngoại và cậu Tư, được hơn năm. Gia đình ngoại gặp tai biến, ngoại mất, tôi trở về nhà vì không có trường học, nên tối ngày được rảnh rang tha hồ cùng các bạn rong chơi. Xóm tôi ở bấy giờ do những người Việt Minh cai trị, họ bắt đầu mở trường dạy cho các trẻ trong xóm, tôi chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Lớn nhỏ cùng ngồi chung một lớp, học cùng một thầy. Tôi yên tâm học hành không biết bao lâu, rồi một buổi sáng tôi cũng như bao đứa khác đên trường mới biết là thầy đã chạy Tây từ bữa trước. Ngày kế có cuộc ruồng bố lớn, Tây phá bỏ trường học, từ đó bóng dáng ông thầy cũng không còn. Ba má tôi và các người hàng xóm quyết định cho chúng tôi xuống chợ xã tiếp tục việc học.

alt

      Tôi nghe những bà con trong xóm thì thầm về các thầy giáo trường Tây ghê gớm lắm, nào là đánh học trò bằng roi mây, phạt quỳ sơ mít, thành thử ngày đầu tiên đến trường của chính phủ Pháp lập tôi và các bạn e ngại không muốn vào. Tôi đứng xớ rớ trước cửa một lớp học đợi má tôi vào nói chuyện với vị giáo chức. Không lâu má tôi ra gọi tôi vào chào vị Hiệu Trưởng. Ông nầy lớn tuổi nói năng dịu dàng dễ mến, chúng tôi sáu đứa được vị đốc học cho ngồi tạm hai bàn phía sau học sinh của ông. Các anh chị trong lớp quay sang hỏi chúng tôi ở đâu đến học. Các anh chị tỏ ra rất lịch sự dễ thương. Đến giờ chơi họ hỏi han tíu tít. Buổi học qua mau trong không khí vui tươi thích thú trái với những lời đồn đãi tôi đã nghe trước đây

       Suốt tuần lễ đầu tiên ông Đốc học cho tôi làm toán, viết chính tả, trả lời những câu Pháp văn đơn giản. Đến ngày thứ hai tuần tiếp theo tôi được vào học lớp Dự Bị, tức lớp Tư (ngày nay là lớp Hai). Chúng tôi học đúng sáu tuần lễ nữa lại tới kỳ ngh hè. Tôi được lên lớp Ba. Năm bạn cùng xóm tôi đều phải ngồi lại lớp cũ.

      Ba tháng bãi trường qua mau, hôm nay tôi lại vào lớp mới. Ông giáo lớp Ba là vị trung niên, tóc thưa, luôn đội nón Tây trắng khi ra đường, ông mặc bộ đồ tây cũng màu trắng, nhìn có vẻ sang trọng lắm. Ngày đầu tiên thầy căn dặn đủ thứ chuyện từ học hành, kỹ luật đến cách cư xử lễ độ với mọi người. Tôi ngồi gần Kịch, một học sinh xóm chợ, hắn luôn tỏ ra song toàn, luôn chê bai học sinh mới đến như tôi. Ban đầu tôi cố nhịn, nhưng càng ngày hắn càng hiếp đáp, trong lúc thầy giảng bài Kịch lấy chân đạp tôi đau điếng. Không kềm chế được, tôi cung tay tống cho hắn một đấm ngay mặt. Hắn la lên, thầy kêu hai đứa lên bàn viết, Kịch bị năm khẻ tay, tôi ngoài năm khẻ còn bị thầy dùng tay véo vào hông kéo tới, dằn lui một lúc mới cho về chỗ ngồi vì tội tự ý đánh lộn thay vì phải báo cho thầy. Tôi không phiền hà vì bị phạt, lỗi do tôi quá du côn. Có điều cú véo của ông thầy quá mạnh làm tróc lớp da suýt rướm máu khiến tôi không dám tắm cả hai ba bữa. Bình thường thầy rất dễ dãi và hiền lành, nhưng tới giờ Pháp văn, thầy tỏ ra rất nghiêm khắc Thầy sử dụng cả thước trong giờ tập đọc (lecture) và chính tả pháp văn (dictee) nếu ai đứng xa xa thỉnh  thoảng nghe những tiếng chát chát, hoặc đôi khi như không thể kềm chế được ông thường thét lên;

- Sao mầy (trò) bư quá vậy!!

      Tiếng “bư” dường như là ngu tôi chỉ lờ mờ hiểu như thế. Trong lớp vào hai giờ nói trên gần như học sinh, lớn nhỏ, trai gái ai cũng bị một hai thước, bên nữ thầy không dùng thước mà cú đầu. Chị Hai gần tới tuổi lấy chồng vẫn bị cú đầu như thường. Học hết năm chị nhập đoàn phụ nữ cứu quốc ở xã. Phía nam sinh, ba anh Chín, Hiền, Lợt, đã nh giò, tiếng bắt đầu khàn khàn giống tiếng vịt đực vẫn bị lãnh thước bảng vào mông vào vai như các học sinh khác. Tới giờ Pháp văn, cả lớp im phăng phắc, ai nấy đều chăm chú theo dõi bài học, trái lại tôi luôn được thầy khen. Có một buổi trưa, ông gọi tôi hỏi trước đó tôi học Pháp văn với ai mà khá thế. Tôi trả lời là tôi học với chú tôi. Sự thực không hoàn toàn  như tôi nói. Chú tôi có dạy tôi chút ít. Phần lớn tôi học hỏi nơi ông thầy giáo trong hàng ngũ kháng chiến của Việt Minh. Vị giáo chức đó tên A. không biết ông học cỡ nào, tối ngày ông luôn nói tiếng Tây thậm chí chửi lộn bằng tiếng Tây với bạn ông. Ông ngụ tại nhà bác tôi, lớp học ông phụ trách cũng tại chành lúa nhà bác. Bình thường ông dạy học lơ là. Đứa nào siêng năng thì tiến bộ, ai lười ông cũng mặc kệ không rầy la, quở trách.

alt

      Chị họ tôi nghe ông nói tiếng Tây buộc miệng khen. Được dịp ông hỏi chị có muốn học không? Nếu muốn học ông sẽ sẵn lòng dạy. Chị tôi rủ tôi cùng học cho vui. Ông hết lòng dạy dỗ trong khoảng hơn sáu tháng khiến chị em tôi đọc trôi chảy tiếng Tây. Về sau khi tôi vào Trung học, tình cờ tôi gặp lại ông ở tỉnh, tôi chào hỏi tử tế nhưng ông lại làm lơ như thể không bao giờ quen biết với tôi. Có lẽ ông sợ tôi tố cáo ông chăng?

Về phần thầy tôi khi biết tôi học có căn bản, từ đó ông sắp xếp hai anh Hiền, Lợt ngồi chung với tôi một bàn để tôi có thể giúp hai anh cùng học. Thầy ra lịnh tụi tôi phải theo chứ tôi nào đã giúp được gì cho hai anh. Thấy dạy Pháp văn quá khó, một hôm anh Hiền nói với tôi:

- Ê Giang, tao nghĩ tao tối tăm quá, chắc học cũng không nên cơm nên cháo gì. Bắt đầu tuần tới tao nghỉ học ở nhà làm ruộng.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên mà không một lời can ngăn. Hiền thôi học, Lợt cũng lơ là rồi cũng theo chân Hiền. Một sáng thứ Hai thầy buồn buồn hỏi Chín:

Thằng Lợt nghỉ học và cưới vợ, Chín em có sửa soạn cưới vợ chưa?

- Chín bẽn lẽn trả lời:

-  Em còn nhỏ mà thầy

      Hiền, Lợt thôi học dường như gây cho thầy một ít hối hận, từ hôm đó cây thước bảng không còn trên bàn viết của Thầy. Thầy tôi ngoài việc nóng nảy trong giờ dạy Pháp văn, những việc khác như tiếp xúc với phụ huynh học sinh, giúp đỡ học trò, thầy được tiếng là tử tế và tận tâm. Phụ huynh ai có việc gặp thầy dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi ngôn ngữ từ tốn của thầy.

      Một chuyện thầy làm giúp đám học sinh chúng tôi khiến tôi luôn nhớ ơn  dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại tôi vẫn canh cánh bên lòng. Vào khoảng những năm 1948-1950, học sinh vùng xôi đậu (vùng ban ngày do Tây kiểm soát, đêm đến Việt Minh cai trị) đa số đều không có khai sinh, một phần vì cha mẹ không biết cách xin sao lục, phần khác vì khi sinh con bậc làm cha mẹ quên khai sanh, hoặc đợi có dịp tới xã mới khai vì vậy những học sinh gần trường hay gần xã đa số đều có khai sanh, trong lớp của tôi chừng chín mười đứa không có khai sanh, mà không khai sanh thì không thể đi thi được. (Cuối năm lớp Ba học sinh phải ra tỉnh thi bằng Sơ Cấp, nếu đậu mới được lên lớp Nhì). Còn ba bốn tháng nữa tới kỳ thi giáo viên phải hoàn tất hồ sơ cho học sinh gởi lên ông Đốc học để mang nộp ở Sở Giáo Dục. Thay vì để phụ huynh tự lo khai sanh cho con cái, thầy tôi thấu hiểu tình cảnh của những bậc cha mẹ, quanh năm suốt tháng không biết đường đến tỉnh hay không dám đi vì sợ Tây bắt. Tội nghiệp thầy tôi gom những đứa không khai sanh lại ông ghi năm sanh của mỗi đứa, tên cha mẹ làng, xã, ông dành những ngày thứ năm nghỉ dạy ông đến tòa án nhờ chánh lục bộ tìm giúp. Ông vừa tốn công sức, vừa tốn tiền bạc mục đích giúp cho học sinh của mình có giấy khai sinh. Suốt hai tuần lễ thầy đã lục được gần như toàn bộ số khai sinh của chúng tôi, chỉ một bạn thầy không tìm thấy, Trường hợp khai sinh của tôi mới buồn cười, tên họ năm sinh đều đúng chỉ có tháng không biết hồi ba tôi đi khai ông lục bộ học tới cỡ nào khiến khai sinh của tôi như sau:

            Nguyễn Thanh Giang

            Sanh: ngày 10 tháng Arri`ere , 19..( tôi đã dịch lại theo tiếng Việt)

      Tiếng Tây làm gì có tháng Arriere, sau cùng thầy suy đoán chắc là tháng Avril mà ông chánh Lục bộ viết sai, nên ông thay mặt ba tôi xin điều chỉnh luôn. Đó là ơn lớn thầy đã giúp cho tôi.

alt

       Một năm chuẩn bị, ngày thi đến. Đây là dịp để chúng tôi thi thố tài năng. Thầy phát phiếu báo danh cho học sinh dự thí. Đối với các học sinh ở chợ xã thường xuyên đi tỉnh thì không có gì phải bàn, những học sinh chưa bao giờ đặt chân đến tỉnh đây lại là một thử thách lớn. Một số chưa từng đến tỉnh thì làm sao tìm chỗ trọ để thi. Tôi là một trong năm đứa phải nhờ thầy cưu mang. Thầy vẽ bản đồ cho chúng tôi tìm nhà thầy. Cũng may năm chúng tôi đều có mặt không ai đi lạc. Thầy cô tiếp chúng tôi rất thân tình chẳng khác người cùng gia đình. Hai chị con của thầy hướng dẫn chúng tôi tìm phòng thi để sáng hôm sau khỏi phải bỡ ngỡ. Chiều thầy cô cho chúng tôi ăn cơm sớm, sau đó thầy dặn lại những điều cần thiết phải làm khi thi. Tối đến hai chị dượt lại bài vở cho chúng tôi, sáng hai chị còn cẩn thận đưa mỗi đứa tới trường thi, trưa đón về. Kỳ thi nầy học sinh của thầy đậu trên năm chục phần trăm. Thật không uổng công dạy dỗ lo lắng của thầy đối với đám học sinh nhà quê chúng tôi.

            Mấy chục năm qua, nay tôi mới ghi lại đôi dòng tri ân thầy cô đã hết lòng dạy dỗ giúp đỡ chúng tôi học hành nên người. Tiếc thay những dòng tâm huyết nầy tôi không viết sớm hơn khi thầy cô còn sinh tiền. Suốt đời tôi luôn khắc cốt ghi tâm công ơn giáo huấn của Thầy.

 

Viết xong January 25, 2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.