TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
     Tết Quý Tỵ gần kề, điểm qua một số Giai phẩm Xuân, ta thấy phần đông mọi người đều kỳ vọng vào năm nay. Họ lý luận rằng rắn con vật lù khù, suốt ngày chỉ lầm lũi kiếm ăn, ít gây xáo trộn như rồng, khỉ v.v. Trái lại, căn cứ vào những nét chính của con vật đại din cho năm, có nhiều việc khiến tôi không đồng ý với đa số. Hồi nhỏ học về mười hai con giáp, phần rắn với những câu như sau: Tuổi tỵ con rắn ở bụi cây, nằm khoanh trong bộng chẳng hay điều gì. Như vậy tính đầu tiên của rắn là tính lười, tuy làm biếng nhưng bản tính lại láu cá. Khi Ngọc Hoàng họp mười hai địa chi để hỏi ý kiến về lúc kết thúc cuộc đời thế nào. Trong khi mười một anh chị kia còn ậm à, rắn nhà ta đã oang oang đòi được trường sanh bất tử: Chỉ lột da rồi trẻ và sống lại, còn tất cả các con khác khi già thì ngũm cù đeo ráo trọi.

alt

     Các bạn có bao giờ quan sát rắn thật kỹ chưa? Để ý bạn sẽ thấy môi miệng của rắn mỏng, lưỡi luôn thò ra thụt vào, chính vì vậy nó mới phản ứng mau lẹ như khi cầu xin cho được lột v lúc già. Người ta ai có miệng như miệng rắn: môi mỏng. thỉnh thoảng thường dùng lưỡi liếm đôi môi cho ướt. Gặp hạng người đó các bạn coi chừng miệng lưỡi của hắn ta. Hạng người mà thơ Kiều diễn tả như sau;

     Bề ngoài thơn thớt nói cười
     Mà trong nham hiểm giết người không hay.

     Kế đến phải kể là tính ác, thù vặt của rắn.

    Tôi sinh ra và lớn lên trong vùng quê hẽo lánh, nước đọng quanh năm. Đó chính là môi trường lý tưởng cho họ hàng nhà rắn sinh sôi, nẩy nở; từ rắn bông súng, rắn nước, rắn lục, hổ hành, hổ đất, rắn trun, mái gầm, vú nàn, trăn, đẽn v. v  kể hai ngày cũng chưa hết. Trừ con bông súng và rắn nước là không độc, còn tất cả đều  chứa nọc độc ít hay nhiều. Lên năm tuổi vừa cắp sách đến trường học vỡ lòng, tôi đã chứng kiến hai cái chết thương tâm  của vợ chồng chị Tư Lài cách nhà tôi vài trăm thước do rắn cắn. Anh chị Tư hiền, nghèo, chị ngoài cấy lúa, còn làm bánh bán cho bà con trong xóm kiếm thêm tiền nuôi con. Anh thì quanh năm suốt tháng làm mướn và làm mấy công ruộng nhà. Một sáng nọ, anh ra đồng dọn đất chuẩn bị cấy thì bị rắn cắn, ba giờ sau thì chết, ma chay cho chồng xong chị Lài lại cũng bị rắn cắn cách nhà không xa, bà con xúm lại đưa đến thầy thuốc nhưng vô hiệu. Ngoài anh chị Tư Lài bị rắn cắn chết xóm tôi còn bốn năm người nữa cũng do rắn cướp đi mạng sống. Dạo đó người ta đồn là rắn ma, báo hại mỗi khi ra khỏi nhà vào ban đêm, người ta bó đuốc soi đường,cằm roi để đề phòng rắn.

alt

       Trên đây là chuyện người trong xóm bị rắn hại, bản thân tôi vào lúc mười một tuổi đầu có lần bị rắn hổ ngựa rượt chạy té phở, may nhờ có người anh cùng xóm cứu thoát bằng không chắc cũng đi “ông Yệm” sớm.. Người và rắn thù hận, oan oan tương báo biết khi nào mới dứt? Trong làng tôi, như đã trình bày vì điều kiện địa lý nên có nhiều rắn, nếu so với miệt Tháp mười, Cao Lãnh lượng rắn cũng xấp xỉ. Vì vậy một số người sống nhờ nghề đào hang bắt rắn kiếm sống. Đó cũng là nghề lương thiện, nhưng nghề đó có vẻ quá nguy hiểm.. Một anh khác, thuộc lớp đàn anh của tác giả, không biết anh học bùa ngãi với ai, từ một nông dân nghèo, anh nổi lên với nghề bắt rắn, suốt ngày anh tìm bắt các loại rắn độc như hổ đất, mái gầm. Rắn càng độc dân nhậu càng ưa thích,giá tiền cũng cao hơn. Vào những năm 1967-1968 anh nổi tiếng trong làng tôi với biệt danh thầy Tám Trình bắt rắn.  Mấy ông đồn trưởng những đồn trong xã, ông nào muốn nhậu thịt rắn chỉ cần dặn trước thầy Tám Trình thì vài ngày sau chắc chắn anh sẽ mang tới. Cuộc sống của gia đình anh tương đối ổn định. Chị Tám cứ vài ngày lại mang rắn còn sống xuống chợ bán. Rồi một hôm nghe tin anh bị rắn cắn, vài giờ sau thì chết, dù khi bị cắn gia đình cấp tốc chở anh tới thầy thuốc, nhưng gặp con rắn độc thứ dữ cắn phải nên thầy cũng bó tay. Theo lời thuật lại của chị Tám (anh chị Tám bà con xa với gia đình tôi), anh Tám tìm gặp cái hang anh thổi bùa vào, một số rắn lần lượt bò ra. Anh chỉ việc tóm cổ may miệng lại bỏ vào gi. Tới con sau cùng, có con rắn nhỏ theo sau anh không thấy, trong lúc anh bắt con rắn lớn con rắn nhỏ phóng vào cắn anh, những bạn theo anh  bắt và đập chết con rắn nhỏ. Lúc còn tỉnh anh cho biết gặp rắn dữ cắn, chở anh lẹ đi tìm thầy may ra mới cứu được. Thầy cũng bó tay. Đúng là sanh nghề tử nghiệp.

    Một chuyện rắn nữa cũng gây kinh hoàng. Chuyện này tôi nghe kể, thiếu nguồn gốc và cũng liên quan đến thầy bắt rắn. Ông thầy này thuộc hạng sư tổ. Ông không bắt rắn vì sinh kế. Nghe ở đâu có rắn dữ thế nào ông cũng tìm đến bắt cho bằng được. Không hiểu ông tìm tòi hoặc học hỏi gì ở những con rắn độc ấy. Người ta đồn rằng ông chỉ vẽ bùa vô bàn tay, vỗ vào miệng hang, chừng ít phút sau rắn lớn nhỏ riu ríu bò ra dáng điệu lù khù mất hết thần sắc, ông chọn bắt một hoặc hai con, số còn lại ông cho về hang như trước. Tiếng đồn vang dội cả vùng rộng lớn. Nhiều người xin theo học nghề với ông, nhưng ông chọn một hai người làm đệ tử mà thôi. Suốt cuộc đời làm thầy bắt rắn không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Ông mất vừa đúng ba tháng, vợ chồng thằng con trai trong một đêm tự nhiên lăn đùng ra chết. Làng nước khám nghiệm cũng không tìm được nguyên nhân. Chôn cất vợ chồng cháu trai xong, người em của ông mới nhớ là gần đây có đi rừng đốn cây tre về làm nạng chống chân giường với đứa cháu. Vào phòng ngủ của cháu ông chợt thấy cây trụ tre bông được cháu thay cho cây trụ đã mục ở giường. Nghi ngờ ông kêu người làm cùng ông nhổ cây trụ tre lên xem thử. Cầm xốc tới lui ông nghe tiếng như có vật gì bên trong ống tre. Cẩn thận chẻ ống tre ra, một con rắn bằng ngón tay út hối hả bò ra. Đập con rắn chết, nhìn kỹ thì bụng màu trắng có hai hàng vú nhỏ lờ mờ, thì ra là con vú nàn. Đây là con rắn độc khi cắn thì chịu chết chứ không thuốc trị. Rắn trả thù cho đồng loại ư?

       Vụ án Nguyễn Thị Lộ thời Lê  thì sao? Có liên can tới rắn không?

alt

     Tháng  bảy năm Nhâm Tuất 1442, vua Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh. Bấy giờ Nguyễn Trãi về trí sĩ ở trại Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh. Nhà vua ghé thăm ông, thấy Thị Lộ, người hầu của ông có tài sắc, nên bắt theo.

       Đến huyện Gia Định nay là Bắc Ninh vua mất. Triều đình đỗ tội Thị Lộ giết vua, bắt ông Nguyễn Trãi và tru di tam tộc. (Việt Nam Sử-Lược Quyển 1 Trần Trọng Kim trang  253, dòng 13 đến dòng 20 ) Đó là chính sử ghi như thế.

      Theo dã sử, căn cứ vào lời thuật của những hậu duệ của họ Nguyễn còn sót lại sau nạn tru di: trong lúc làm quan,Nguyễn Trãi mở mang  đường sá cho dân tiện việc đi lại, công tác cần phải phát hoang, làm sạch những bụi rậm phía trước thì trời tối. Đêm đến, Ông nằm mộng thấy người đàn bà dẫn mt đàn con nhỏ khóc lóc lạy lục xin Nguyễn Trãi làm tránh đừng phá hủy bụi tre phía trước có gia đình bà ta cư ngụ ở đó. Có lẽ cho đó chỉ là chiêm bao, ông không quan tâm. Hôm sau khi dân công đốt phá dọn trống để làm đường họ phát giác trong bụi tre bị đốt có ổ rắn, nhiều rắn con bị thiêu. Chuyện đi vào quên lãng.

     Mấy mươi năm sau, ông Trãi về trí sĩ, nhân qua Tây hồ ông gặp cô bán chiếu đẹp, thông minh, tên Thị Lộ, ông làm bài thơ tỏ ý trêu ghẹo. Bài thơ như sau:

       Cô ở đâu bán chiếu gon
       Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
       Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
       Có chồng chưa được mấy con

      Thị Lộ ứng khẩu họa lại:

       Thiếp (tôi) ở Tây hồ bán chiếu gon
       Cớ chi ông hỏi hết hay còn
       Xuân xanh tuổi độ trăng tròn lẻ (vừa đôi tám)
       Chồng còn chưa có, có chi con

      Đúng là ông già Ba Mươi Lăm (35 =dê sồm). Chiếu còn đang đội trên đầu mà hỏi hết hay còn? May cho ổng, cô Lộ không có anh kép nào theo, nếu có chắc ông Trãi bị” knock- out” rồi, còn một điểm nữa: người ta còn hơ hớ đào tơ mà hỏi: Có chồng chưa được mấy con?. Cô Lộ không mắng cho ông là vô duyên  thì cũng là may mắn lắm rồi. (Vào khoảng thập niên 1950 ở Cái Vồn thuộc Vĩnh Long do Hòa Hảo cai trị có lập chỗ xổ đề ăn tiền, mua một đồng trúng thưởng được ba mươi đồng, lúc đầu mỗi ngày xổ một con đề trong số 36 con. Ví dụ cá trắng là số 1, 35 là con dê, các con khác tôi không nhớ. Chơi đề khiến nhiều gia đình tán gia bại sản).

       Nằm mơ ông Trãi cũng không ngờ cô bán chiếu quê mùa lại đối đáp lưu loát như thế.

       Trong vần con của bài họa, cô lặp lại như gián tiếp cười ngạo ông Trãi. Ông thích chí mỉm cười và buông câu: Hậu sinh khả úy (giống như Khổng Tử phê bình Hạng Thác trong lúc ông Khổng cho xe chạy vòng tránh thành bằng cát do Hạng Thác vừa xây vì câu nói: xe tránh thành, thành bất tránh xe).

       Nguyễn Trãi sau đó cưới Thị Lộ làm nàng hầu và vua Thái Tôn tình cờ ghé thăm mới gây nên vụ án giết hại mấy trăm mạng dòng họ một đại công thần. Thị Lộ chính là con rắn đã khóc xin ông Nguyễn Trãi đừng phá bụi tre, đầu thai thành Thị Lộ để báo thù.

     Rắn Trun và những ẩn tàng bí mật trong nó   

       Để kết thúc bài nầy, tôi xin kể đôi dòng về một loài rắn nữa: Con rắn trun.

       Rắn trun thường ngắn, cỡ cườm tay, giống như con trùn hổ, có nhiều khoan màu xanh đậm, xấu xí, thoạt trông  đã mất cảm tình, có hai đầu: đầu sanh và đầu tử. Người ta thường đồn đãi là khi bị con rắn trun cắn ở đầu tử (đầu luôn khép kín không thấy miệng) thì hết thuốc chữa. Lời đn thì nhiều thực ra gần suốt cuộc đời tôi chưa từng nghe ai chết vì bị rắn trun cắn.

       Dân miền Nam thường gặp rắn trun ở mọi nơi. Một số người theo dõi loại rắn này hy vọng học được những bí mật của nó. Miền quê Nam bộ vào đúng ngày mùng năm tháng năm âm lịch tức ngày Tết Đoan Ngọ, ra ruộng thỉnh thoảng người ta gặp lươn tự động chui đầu vào miệng sanh của rắn trun cho nó ăn. Trong khi rắn chỉ nằm im há miệng chờ. Dân quê thắc mắc, theo dõi tìm hiểu, hy vọng học hỏi một vài bí mật ở rắn trun. Tới giờ đây vẫn chưa ai học được. Hy vọng tương lai sẽ có người khám phá bí mật của loài rắn nầy.

      (Chim bìm bịp có bùa lỗ ban, nếu gặp ổ chim bìm bịp khi con nó vừa đủ lông, họ bẻ cánh, chân, tô xung quanh ổ chim một lớp bùn. Rồi tìm chỗ ẩn mình ngồi xem. Thấy con bị gảy chân, gảy cánh chim mẹ họa bùa chữa tr cho chim con. Bùa do chim vẽ còn in trên bùn ướt. Nhân đó người ta học  dấu ngang dọc do chim vẽ rồi áp dụng tri bịnh cho người).

      Bàn chuyện rắn toàn nghe trả thù báo hận giữa người và loài bò sát nham hiểm nầy. Tuy nhiên cũng có chuyện diễm tình của rắn và người mà phần đông chúng ta đều biết. Chuyện Bạch Xà,Thanh Xà và chàng Hứa Tiên do Bồ Tùng Linh sáng tác, một truyện Liêu Trai thật hấp dẫn diễn tả lòng chung thủy của loài rắn. Thì ra dù ác độc nhưng rắn vẫn là loại hữu tình và chung tình.

Viết xong  Jan 30,  2013

Nguyễn Thành Sơn

Phần Tham khảo:
Tủ sách gia đình thiếu vắng loại tác giả cần. Thư viện xa Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp như Bạn: Nguyễn Tấn Nghiệm, Trần Thị Dinh,Trương Ngọc Bích Phan Kiêm Loan, Bùi Thị Khiết (bà xã) Cháu Huỳnh Thanh Liêm và con gái Nguyễn Thị Phương Phi. Đã góp ý về bài xướng và bài họa trên


 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.