TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

        Tân một tay điều khiển xuồng, một tay giở nhẹ đường câu giăng giữa trời khuya lạnh lẽo của tháng mười âm lịch, hy vọng một vài con cá sẽ mắc câu. Ô kìa một sức trì khá mạnh từ sợi nhợ, chàng chép miệng lộ vẻ mừng rỡ, ừ có thế mới không bỏ công chịu lạnh lẽo từ đầu hôm tới giờ. Tân thận trọng phăng nhợ câu, tay cầm cái vợt lừa thế cho con cá nằm gọn trong lòng vợt rồi xúc lên.  Con cá ước chừng cả kí, chàng gỡ cá bỏ vào gộng miệng thì thầm cho mình nghe: nếu được vài con nữa ngày mai mình sẽ kiếm được năm sáu đồng.  Cuộc đời Tân khá gian truân, chàng trải qua nhiều đau khổ lẫn đắng cay.  Người xưa nói: tam thập nhi lập, ba mươi là tuổi chính chắn để lập thân. Năm nay chàng sắp bốn mươi sao cuộc đời cứ mãi long đong, bao giờ mới ổn định chứ?!

          Mới mấy mươi năm cuộc đời, Tân đã trải qua nhiều nghề nghiệp khởi đầu làm thầy, đi lính, đi tù, rồi ông câu, đó là thời gian qua và hiện tại. Thời gian còn lại sẽ ra sao? Nào ai biết, đúng là: Que sera, sera!!

 Sau ngày mất nước Tân cũng như bao người khác, khăn gói lên đường “cải tạo” hy vọng sau mười ngày  học tập sẽ về nhà làm ăn như trong thông báo của Ban Quân Quản, Tân không chút hoài nghi, nhưng vẫn thấy buồn khi phải xa Dung,  vợ chàng đang mang thai đứa con đầu lòng được năm tháng. Tân hôn vợ và âu yếm căn dặn:

          - Em ở nhà cố giữ gìn sức khỏe, nếu buồn thì về nhà ba má chơi. Anh hy vọng sẽ về trước khi con chúng ta chào đời.

Dung không nói được lời nào chỉ khóc. Tân nhờ thằng em chở đến trường học, nơi được chỉ định làm chỗ tập trung của các sĩ quan cấp úy trong tỉnh. Hai ngày đầu không ai nghi ngờ gì cả, mọi người tới lui trong phạm vi trường học tự do, bạn bè còn đùa với nhau: Từ nay khỏi lo đi hành quân đụng trận chết chóc nữa.  Khai người bạn thân của Tân khơi chuyện:

          - Ông chắc sẽ trở về ngành giáo rồi. Chế độ nào cũng cần giáo chức. Không nghề ngỗng như moi mới lo. Rồi Khai tự an ủi, thế cũng xong, bà con khỏi sợ bom đạn nữa. Ngoài miệng các sĩ quan bạn chàng nói như tin tưởng chế độ mới, nhưng trong thâm tâm ai cũng ngay ngáy lo âu. Nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu họ có giữ lời hứa không? Hay là dùng lời đường mật để cho mình vào rọ? Những ưu tư của các sĩ quan trình diện tập trung được gián tiếp trả lời khi cuối ngày thứ hai một số bộ đội võ trang đến bao quanh  khu vực tập trung và lịnh cho tất cả không được ra khỏi phạm vi trường dù đi mua thuốc hút ở quán xéo cửa. Bấy giờ người lạc quan và tin tưởng “cách mạng” cũng mặt ủ, mày châu. Viễn ảnh những ngày sắp tới vô cùng đen tối. Họ chia chúng tôi thành nhiều toán, mỗi toán một phòng, toán nầy tuyệt đối không được liên hệ với toán kia. Trại viên bắt đầu học các bài học chính trị. Giảng viên là những chính trị viên nói như vẹt, dường như họ học thuộc lòng. Trong số các giảng viên có một ông dáng điệu bình dân ngồi xổm trên ghế theo kiểu ngồi ăn giỗ của bà con miệt vườn. Ông ta đọc bài dạy tới đoạn quân Mỹ làm hàng rào điện tử do Bộ Trưởng Quốc phòng McNamara  đề ra,  ông ta không đọc được, kéo kính lên xuống mấy lần cũng không xong, ông ta nói như phân bua
          - Tên máu đách gì khó đọc quá!!

Học viên ồ một tiếng lớn vì quá ngạc nhiên, liền đó họ vội im vì nhớ tình cảnh hiện tại, tuy vậy có người vẫn còn khúc khích. Mắc cỡ, ông ta nêu lý do về sự dốt nát của mình, không quên mỉa mai:

          - Mấy anh được bọn đế quốc đào tạo nên mấy anh biết tiếng Tây tiếng Mỹ, còn tụi tôi từ nhỏ đã lo chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ có thì giờ đâu đi học..

Đúng là lý của kẻ mạnh! Mọi người phải khai sơ yếu lý lịch còn gọi lý lịch trích ngang, kê khai ba đời nội ngoại, rầu nhứt là mỗi tối phải quây quần từng tổ để phê và tự phê. Không ai được quyền nói mình vô tội. Ai đã đi học tập đều biết rõ cảnh Tân vừa kể. Kẻ thua cuộc phần đông ai cũng tập tính nhẫn nhục, nín thở qua sông.

Thắm thoát đã quá ba tháng, các bài chính trị cũng học xong, ngày về không đến; một hôm trong buổi học có học viên nêu thắc mắc:

          - Thưa cán bộ, chúng tôi nghe Ủy Ban Quân Quản nói cấp đại úy trở lên đi học một tháng, nay hơn ba tháng, chừng nào chúng tôi mới được về nhà?

 Tên cán bộ xỉ vả chúng tôi không tiếc lời, nào là không chuyên tâm học tập, không động não để thấy sai quấy của mình. Đoạn ông nhìn chầm chậm từng học viên đay nghiến: tội của các anh đáng lẽ đem bắn, nhưng cách mạng khoan hồng cho đi học tập cải tạo, nếu không tập trung các anh lại thì dân chúng sẽ giết hết vì họ thù oán các anh. Ông ta cho biết là ban Quân Quản yêu cầu đem tiền bạc đủ ăn một tháng, chứ không ai bảo một tháng sẽ về.

Tất cả trại viên ai cũng xuống tinh thần, riêng Tân vì nằm gần người bạn “vượt tuyến” trốn vào Nam sau một thời gian sống vơi Cộng Sản miền Bắc, mỗi đêm anh thì thầm cho biết: lúc tiếp thu miền Bắc, công chức, quân đội của Tây cũng đi học tập, rồi chuyển trại tới lui mãi mà chẳng thấy ai trở về. Nhờ những lời cảnh báo của anh bạn, Tân chuẩn bị cho mình tính chịu đựng để khỏi phải thất vọng khi đặt niềm tin không đúng chỗ. Ban ngày sinh hoạt với bạn bè, Tân gượng vui, đêm xuống bao nhiêu âu lo dằn vặt. Dung sắp tới ngày sanh không ai chăm sóc, an ủi, sanh con so có nguy hiểm lắm không? Con gái chào đời chắc không về được rồi. Tân chép miệng than:  phải chi mẹ mình còn sống thì đỡ biết mấy. Nhắc đến mẹ khiến Tân nhớ tới những lời mẹ rầy la khi chàng chưa chịu lấy vợ vì chưa tìm đúng người mình yêu thích, mẹ hay phàn nàn:

          - Già đầu rôi không lo cưới vợ sanh con, ở đó mà kén cơm chọn canh. Tao coi rồi mầy cũng giống như chú Tám xóm dưới cũng kén cũng chọn lung tung rốt cuộc lại cưới cô Miên lai để bà con đàm tiếu.

Đang buồn thúi củ, khi nghĩ đến chú Tám đi coi vợ khiến chàng suýt phì cười. Chú Tám lớn hơn Tân cả con giáp. Con nhà giàu chú nổi tiếng kén vợ, gặp cô nào cao liền bị ông chê là cao nhòng giống cây tre miễu, cô hơi thấp, ông chê lùn tịt, có da có thịt thì bị chê là mập ú, ốm ông phán ốm như cò ma, xã nhà ông không chọn được ai, làng kế bên cũng thế. Đi ba đồng bẩy đỗi ông lại phải lòng một cô ở Trà vinh. Khi làm đám cưới mấy cô gái trong làng bị chú chê lúc trước cố đến xem mặt cô dâu ra sao. Thì ra chú Tám chọn cô người Miên lai. Bây giờ các cô gái trong làng mới đặt câu hò chế nhạo chú

Tiếng đồn anh đi hỏi vợ ba làng (xã)
Ai đi hò lờ
Cưới ai anh không cưới
Ai đi hò lờ
lại cưới nàng  Tâu-na
Hò lơ hó lơ lắng tai nghe chúng tôi hò lờ….

 (người Miên thường dùng tiếng “Tâu na”khi bắt đầu câu chuyện như:” Tâu na bòn ơi”).

Tân miên man trở về kỷ niệm cũ, bỗng có lịnh khám phòng. Trong ba tháng đã hai lần khám, mỗi trại viên bày đồ đạc cá nhân ngay chỗ mình nằm, rồi ra ngoài sắp hàng. Ba cán bộ cùng đại diện phòng theo tổ khám. Đồ đạc bị luc soát tung tóe, họ tìm những vật cứng, thuốc tây, ngay cả tiền bạc cũng không quá số quy định. Lần khám xét trước Tân bị tịch thâu hột quẹt Zippo, lần này không biết tới món gì nữa?! Tân thầm van vái đừng chuyển đi nơi khác vào lúc nầy, chàng biết một vài hôm nữa con chàng sẽ chào đời. Tân nôn nóng mong đợi để biết tin con. Hoàn cảnh hiện tại thì điều mơ ước giản dị của kẻ làm cha cũng không có được. Thôi thì cầu mong cho con khỏe mạnh, vợ bình an.

Vừa van vái cho chậm chuyển trại để biết tin nhà, ngay chiều hôm đó có danh sách ra đi, trong những người lên đường đợt này có tên Tân. Lo âu, hồi hộp, sợ họ đưa ra Bắc hay Phú Quốc, chiều xuống trời mưa càng lúc càng lớn, hy vọng họ đình đến hôm sau, nhưng họ vẫn đưa đi, đoàn xe chạy vòng vo để đánh lạc hướng mấy bà vợ đang dầm mưa theo dõi. Đoàn tù ngồi trong xe phủ bạt kín mít, đến chừng ra khỏi thành phố có người lén nhìn mới biết xe hướng về Cần Thơ. Tân đinh ninh họ đưa đi Phú Quốc. Nếu đúng như  chàng dự đoán thì chuyện gặp lại vợ con càng ngày càng xa và lâu dần. Đoàn xe chạy thẳng đến bắc Cần thơ, tốp an ninh trên mỗi xe, an ninh dưới bến bắc xua đuổi một số khách hiếu kỳ không cho tiếp xúc với chúng tôi. Qua phà bên phía Cần thơ các xe chạy về hướng phi trường Trà Nóc, chúng tôi được lịnh xuống xe theo thứ tự vào mỗi phòng đã dành sẵn. Sau khi điểm danh xong chúng tôi nằm đại dưới sàn xi măng ngủ tạm qua đêm. Sáng họ chia chúng tôi thành nhiều toán nhỏ rồi nhập với các trại viên có mặt ở đây từ hai tháng trước. Ở chỗ mới Tân lại gặp vài bạn quen biết, họ cũng từ các tỉnh ở vùng bốn chuyển về đây không lâu. Một tháng dài trôi qua, Tân mong tin gia đình, dường như các bà chưa biết chỗ, nên không ai  đến thăm. Tân thêm lo lắng, những ý nghĩ không hay mãi ám ảnh chàng. Tân chiêm bao thấy thân thể Dung đầy máu me, tỉnh giấc mồ hôi còn ướt đẵm mình. Nguyên buổi sáng chàng như kẻ mất hồn, trưa đến lại có lịnh chuẩn bị đồ đạc cá nhân  sẵn sàng. Lối bốn giờ chiều có xe đậu trước trại, bốn mươi mấy người kể cả Tân được lịnh lên xe. Chàng theo các bạn gương mặt dàu dàu như kẻ mất hồn, đến lúc xuống xe nhìn qua cảnh vật trước mắt Tân biết là tỉnh Cà Mau. Tại đây có tàu đò do chính quyền trưng dụng chở bọn chàng, chắc là xuống miệt U Minh. Lúc nhỏ chàng nhiều lần xuống Cái Nước thăm bà con, chàng biết nhiều về tỉnh này, nhưng U Minh chưa bao giờ đến. Lần nầy nếu đúng là đến U Minh thì coi như Tân đi gần giáp hết tỉnh cực Nam của đất nước.

 Qua cái Tết tẻ nhạt vì xa nhà, tới tháng ba, em chàng mới tìm thăm, mang thơ của Dung và hình con gái ngày đầy tháng.

Trong thơ Dung cho biết đã về quê nàng ở Bắc Vàm Cống. Nhà vợ chồng chàng mua của Chính phủ bị lấy mất. Vì còn yếu vã lại không ai coi con nên Dung không đi thăm được phải nhờ Hồng em gái của Tân. Hôm nay ngày vui nhất của Tân vì được tin Dung và hình con gái, bao ưu tư bấn loạn hồn Tân vơi đi. Tấm ảnh mẹ con Dung có tác dụng lớn đối với Tân. Những khi lao động cực khổ, Tân lấy ảnh của vợ con ra xem và tự nói với chính mình: cực khổ, nhọc nhằn cách mấy cũng phải vượt qua để còn về gặp mặt vợ con. Nghĩ tới ngày được đoàn tựu Tân nghe lòng rộn rã, bao nhiêu yêu thương dồn nén mong chờ đến khi sum họp. Chừng đó sẽ diễn ra cảnh chinh phu và chinh phụ cùng nhau hàn huyên tâm sự. Chàng không ngờ tình cảnh éo le của người chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm, chàng học hồi Trung học lại tái diễn hiện thực với vợ chồng chàng.

Liên tiếp mấy tháng Tân thành con mồ côi, chàng biết rõ hoàn cảnh gia đình, vợ bận con nhỏ không thể đến thăm, em gái chàng phải đi dạy, chồng con làm sao đến được. Dù không thăm nuôi nhưng Tân không đến nỗi đói, lúc nhỏ Tân là dân ruộng, đôi tay chàng không sử dụng bắt cá tôm một thời gian, nhưng nay lúc bụng đói tay cũng bắt buộc hoạt động trở lại. Trại tuy kỷ luật gắt gao, nhưng tìm vài con cá sặc ở xứ nhiều cá như xung quanh phạm vi trại nầy thì không đến đổi nào. Tân sống lây lất thắm thoát sang đến cái tết thứ nhì. Ba ngày xuân nằm chèo queo, nhớ nhà nhớ vợ thương con không sao tả xiết. Ra giêng bất ngờ em vợ chàng đến thăm, mang theo nhiều đồ tiếp tế. Tội nghiệp Vân lặn lội đến xứ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa luồn như bánh canh nầy với bao gian khổ, thấy Vân cực nhọc vì mình, Tân xót xa quá!  Vân cho biết Hạnh con gái chàng đã hơn một tuổi vẫn đeo dính mẹ nên Dung không thể đi thăm chàng được. Tân cảm thấy buồn khi  Dung không đến nhưng lời thơ của Dung quá rõ ràng. Bé Hạnh chỉ đeo theo Dung không ai có thể dỗ dành được. Hàng ngày, Vân ẵm bồng, nhưng gởi Vân chỉ một buổi thôi nó cũng khóc dỗ không được. Thôi thế cũng đành vậy, cố chịu đựng. Năm nầy chưa gặp được thì hy vọng sang năm, đem Bé Hạnh xuống vùng nầy chắc khi về nó sẽ bị bịnh vì đường đi khó, ít xe cộ, tàu bè, muỗi mòng. Mấy bà vợ xuống thăm chồng kể lại nỗi nhọc nhằn trên đường đến trại, Tân nghĩ Dung không bao giờ chịu đựng nổi. Hai tháng sau Tân nhận gói quà qua bưu điện, nhìn chữ viết của Dung ngoài bì thơ Tân cảm thấy nhớ thương Dung và Bé Hạnh quá. Gói quà nầy Tân có thể sống thêm bốn năm tháng nữa. Chàng tập bỏ thuốc dần để nhẹ đi gánh nặng cho Dung.

Một sự kiện khá đặc biệt khiến Tân thêm lo âu, chiều thứ năm vừa lao động về Tân được gọi nhận quà. Đây là trường hợp đặc biệt vì nhận quà thường vào cuối tuần, giữa tuần ai lại đem quà đến, sao lại  có trường hợp ngoại lệ ở trại nầy? Vừa thay quần áo, Tân phập phòng lo sợ. Chàng nhớ hồi mới vào trại ở Vĩnh Long,  Ẩn bạn chàng cũng bất thần có phép về thăm nhà do em vợ Ẩn bảo lãnh. Cả phòng ai cũng mừng cho anh, hai ngày sau anh trở vô, hỏi han mới biết là anh về vì con chết, em vợ Ẩn phải làm nhiều thủ tục mới lãnh Ẩn về phép hai ngày. Tân không mấy vui vì tin tức quá đột ngột này. Vùa đến khu tiếp Tân, một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc lịch sự nói lớn:

         - Ông Thầy, còn nhớ em không?

Tân nhìn người khách hơi quen quen nhứt là khi cười, nhưng Tân không nhớ là ai

          - Em là Bi đây, hồi trước em lái xe cho Thầy, nhớ chưa?

Tân đã nhớ Bi vì có trường hợp khá đặc biệt, hồi sau Tết Mậu Thân, Tân vừa hành quân về với Bi, đột nhiên an ninh đến trại và xuât trình lịnh bắt Bi. Trong tình huống đó Tân cũng đành tuân theo lịnh, người trưởng toán cho Tân biết Bi có liên can đến tội nội tuyến. Tân quá ngạc nhiên vì Bi siêng năng hiền lành chưa hề làm mất lòng ai trong đơn vị, Tân móc trong túi áo còn năm chục đồng chàng trao hết cho Bi kèm thêm hai bao thuốc. Hai ngày sau cơ quan an ninh đòi Tân đến để cho lời khai về Bi. Chàng thực tình khai là Bi hiền lành, từ ngày chàng đáo nhậm đơn vị chưa hề thấy hay nghe ai báo cáo về Bi. Tân không biết Bi bị giam bao lâu vì từ đó không còn gặp Bi nữa.

 Bi cho biết nhờ lời chứng nhận tốt, nên Bi chỉ bị giam ba tháng, từ đó Bi bắt buộc giải ngũ. Bi tiết lộ thêm ông thủ trưởng trại nầy là anh ruột của Bi. Bi xuống thăm anh bữa trước đứng nhìn thấy chàng đi lao động về, nhưng bây giờ chàng khác xưa nhiều, già, ốm,  gương mặt hốc hác. Bi cho chàng một cây thuốc Vàm cỏ, một gói thuốc gò lớn. Tội nghiệp Bi còn nhớ đến ân tình ngày cũ, có lẽ vì là Việt Cộng nửa vời, cũng có thể vì liên hệ gia đình rồi bị bắt nên Bi còn  tình nghĩa như thủa nào. Bi có hỏi thăm gia đình vợ con chàng nhưng Tân không cho biết là Dung ở bên nầy bắc Vàm Cống, trong khi Bi ở bên kia Bắc phía Long Xuyên. Một lần trên đường hành quân về, Bi xin phép thăm gia đình, chàng ghé nhà ba má Bi ở Vàm cống nay vẫn còn nhớ.

Đinh Tỵ có lẽ là năm tốt chăng, chưa tới sáu tháng mà Tân ba lần nhận quà, kỳ này ai lại đến thăm, chẳng lẽ là Dung. Tân hối hả mặc đồ ra trại tiếp tân. Từ xa Tân đã nhận ra em gái chàng đang cùng người đàn ông cao lớn đứng chờ. Cả hai đồng kêu lên: Anh Hai. Thì ra là Lý chú em họ ở Cái Nước, hai anh em gặp nhau lần chót vào năm 1956, mấy chục năm mới hội ngộ. Em gái Tân cho biết vì đường xá khó đi, nên em xuống Cái Nước nhờ Lý chạy ghe máy đưa đến đây thăm, chiều Lý sẽ đưa em về Cái Nước, sáng hôm sau đón xe đò về nhà. Hồng trao đồ ăn, thơ của Dung,  thừa lúc không ai chú ý Hồng nói nhỏ:

        - Chị Dung và bé Hạnh đã vượt biên và tới Mã lai rồi, Hoành đi sau cũng đến Nam Dương. Chừng nào về anh nên lấy địa chỉ của em cho dễ.

Nghe tin em gái báo, Tân suý hét lớn vì vui mừng nhứt là cho Hoành, không vượt biên, chắc phải đi nghĩa vụ. Được tin quá vui, lại nữa bà con ở Cái Nước cùng  gởi đến chàng nào khô, cá kho, chà bông. Có một thứ mà bà con không ai quên là thuốc hút vì ai cũng biết Tân ghiền thuốc nặng. Hồng xin nghỉ dạy xuống thăm, Hồng nói bấy giờ em thấy có lối thoát rồi nhờ vào Hoành. Anh Hai yên tâm, ít ra mình cũng thấy có chút ánh sáng. Hai em từ giã ra về, Tân mới bắt đầu thắm thía hơn cảnh vợ con dám liều lĩnh bỏ chồng, tìm nếp sống cho riêng mình. Chàng nghĩ chắc là do bên vợ bày vẽ chứ Dung tánh tình nhút nhát, chắc không tự mình quyết định, trừ phi… Tân không dám nghĩ tiếp. Thoát một người mừng một người. Hoành đi được là chiếc phao cho các em chàng trong tương lai. Bé Hạnh, con gái Tân, chắc không phải quàng chiếc khăn màu máu khi vào học và con sẽ không là cháu ngoan của ông Hồ như các đứa trẻ bên này. Giả tỷ chàng có mặt ở nhà nếu ai hứa đem Hạnh đến bất cứ nước nào trong khối tư do an toàn chưa chắc chàng từ chối. Tân mang đồ đạc lỉnh kỉnh những hai lần mới hết tội nghiệp bà con anh em bao giờ cũng đùm bọc nhau lúc hoạn nạn. Mấy ông bạn nằm gần cho là hôm nay Tân gặp mưa rào bù lại những khi khô hạn. Tân làm cử chỉ đẹp chia tất cả các bạn nằm gần mỗi người chút ít, các bạn nào không ai thăm nuôi chàng chia cho họ chút thuốc gò để cùng phì phà cho quên ngày tháng.

Tối đó mấy người bạn nấu nước trà, Tân và bạn bè cùng thưởng thức, các bạn ai cũng nghĩ Tân may mắn, bà con anh em còn đùm bọc lẫn nhau, điều đó vào thời buổi này dường như  càng ngày càng hiếm. Từ lúc Hồng và Lý về tới giờ nầy Tân hút thuốc liên miên, mấy bạn phê bình:

          - Ông hết hạ rộng tới động quan, hãy để dành chứ

Tân hề hà

          - Hôm nay vui quá bắt đầu ngày mai tôi bỏ bớt

Các bạn nào ai biết những đau đớn dày xéo trong Tân, khi Dung người vợ đầu ấp tay gối, lúc chồng ở tù đành đoạn ôm con ra đi. Dù ai viện dẫn bất cứ lý do nào chắc chắn Tân khó lòng chấp nhận. Trước kia tuy xa nhau, nhưng Tân còn hy vọng ngày sum họp. Giờ nầy nếu được tự do chuyện gặp nhau xem như thiên nan vạn nan. Người đời thường nói: Xa mặt cách lòng, nghèo khó con người còn có thể giữ thủy chung, chứ giàu sang, chung thủy là chuyện khó. Bắt đầu hôm nay cứ nghĩ là Dung đi vượt biên chẳng may gặp nạn để còn giữ chút tình cảm lắng đọng trong tim. Thế là hết không còn trông đợi gì nữa. Vái trời cho Hoành và Hạnh chú cháu còn nhận được nhau để con gái mình còn nhớ đến cội nguồn.

Cả tuần nay Tân ít nói chỉ trầm ngâm hút thuốc khi rảnh công việc,  Đài người bạn nằm gần cũng là bạn thân gợi chuyện.

          - Có chuyện gì ở gia đình mấy hôm nay tôi thấy ông buồn quá vậy.

Tân  cho biết có một vài chuyện trong gia đình khó giải quyết, chàng không tiết lộ việc vợ chàng bỏ đi vượt biên sợ Đài vô ý khiến cả trại ai cũng biết, chừng đó rất có thể Tân gặp rắc rối. Hồi trẻ chàng cũng một vài lần bị tình phụ, chàng chỉ thấy buồn một đôi bữa rồi hết, chắc vào lúc đó Tân có yêu cũng còn ngờ vực, nên chuyện đoạn tình của các cô không làm chàng buồn ray rứt.. Tân  chắc chắn nàng không thể đợi chàng mãi. Biết bao giờ mới ra khỏi trại.  Chàng chỉ có một tí vui khi nghĩ Bé Hạnh, con gái chàng có tương lai xán lạn nếu chịu khó học hành. Ở lại đất nước “anh hùng” nầy, con sẽ đau khổ vì không còn đường nào để tiến thân được.

Tân tin chắc không còn mong tái hợp với Dung, chàng cố quên, khổ nỗi muốn quên lại càng nhớ thương, nhớ cử chỉ dịu hiền của Dung. Thương Dung luôn an phận, không đua đòi như những người đàn bà khác, nàng không có mơ ước cao xa. Giả sử không bị giam cầm chắc Dung cũng sống mãi bên chàng và con dù có nghèo khổ. Hồi trước thấy ai bị vợ bỏ hay chồng theo người khác, âu sầu như không muốn sống nữa, chàng thường chế nhạo, bắt chước theo lối nói của  nhà thơ nào đó: Nếu là trai thì phải có nhiều cô bồ, cô nầy bỏ thì đôn cô kế lên, mấy cô thì cũng bắt chước như bên nam thì làm gì mà tự tử chứ?  Đời vẫn đẹp chết làm gì cho uổng kiếp.

Tân được vào đội nhà bếp, từ bây giờ Tân chỉ lo nấu ăn cho anh em trại viên. Công việc tương đối nhẹ nhàng, không lo đói. Mỗi ngày chàng lấy cơm cháy cho một vài bạn không có thăm nuôi. Tất cả trại viên trong phòng ai cũng mến Tân. Tân từng không được thăm nuôi nhiều tháng, thiếu thốn, thèm khát, đôi khi khiến người ta tồi tệ nếu không kềm chế được mình. Lần thăm của hai em Hồng và Lý cách nay đã trên sáu tháng. Tân không mong mà cũng không buồn vì biết hai em cũng tất bật  lo cho cuộc sống. Đi lao động chàng từng gặp nhiều gia đình có thân nhân là Việt cộng ở quanh vùng họ cũng than thở, trăm thứ hàng hóa đều cạn kiệt. Bà con trong lúc vui vẻ đã thổ lộ là dưới: Chế độ Thiệu Kỳ, mua gì cũng có Nay Cách mạng toàn thắng mua cây đinh cũng phải làm đơn. Nghe dân chúng than thở, cộng với những lời thì thầm của em chàng, Tân có thể hình dung cảnh sống của gia đình chàng vô cùng khốn khổ. Trước kia gia đình chàng toàn công chức, lương ba cọc, ba đồng vừa đủ tiền chi dụng hàng tháng là mừng rồi. Giả sử ngay lúc nầy họ thả ra, Tân cũng chưa biết làm gì để nuôi thân và giúp đỡ gia đình. Hồi nào tới giờ chàng chỉ biết bán cháo phổi mưu sinh. Trở về ruộng nương thì cũng được nhưng chàng đã rời cây phảng, cái cù nèo lâu rồi tập lại chắc phải mất thời gian.

Trong trại cải tạo ngày tháng như dài lê thê. Nhà bếp tối ngày ở bên lửa đỏ mồ hôi ướt đẵm mình, tuy vậy vẫn đỡ hơn phải đi lao động phá rừng làm rẫy

Hôm nay sau khi nấu cơm buổi sáng, phát cơm xong, độ một giờ trưa, tất cả được lịnh tập hợp. Một số người cho là có đợt thả, số khác bi quan hơn cho là chuyển trại. Toán nhà bếp cũng xếp hàng như mọi người. Ông trại trưởng đọc lịnh thả  mười hai người, trong số người may mắn có Tân và Đài. Tất cả những người được tha theo gợi ý của cán bộ trại có thể hùn tiền mướn dân ở gần trại đưa về chợ Cà mau. Buổi chia tay đầy ngậm ngùi, bao nhiêu những thứ không cần dùng Tân để lại cho bạn bè. Tính ra còn mười tám ngày nữa là tròn ba năm. Về tới Cà mau quá nửa đêm, bọn chàng đợi trời sáng lên xe về quê. Hừng sáng bọn chàng vào trong quán uống ly cà phê, gần  ba năm nay lại nhấp nháp cái hương vị đăng đắng pha chút ngọt của đường, chàng cảm thấy hạnh phúc khi nếm bắt hương vị quen thuộc của thủa nào. Cả bọn mười hai người, trừ hai người không hút thuốc, còn lại mười người phì phà như ống khói tàu. Chừng gọi tính tiền, anh phổ ky cho biết có một ông khách đã trả tiền rồi. Mãi  mê trò chuyện cả bọn quên để ý không biết ai trả tiền giùm. Lại thêm ơn nghĩa người dân ở tỉnh này đã ban cho bọn chàng. Tân hỏi anh phổ ky ông trả tiền có nói tai sao trả giúp tụi tôi không. Anh cho biết ông ta nói các chú là sĩ quan cải tạo mới được thả ra. Ôi người dân lúc nào cũng ủng hộ, chỉ trách tất cả quân cán chính chưa làm tròn nhiệm vụ. Xe tới Cần thơ chỉ còn Đài và Tân qua phà về Vĩnh long, còn tất cả xuống ở Sóc Trăng và một số ở Cần Thơ.

Tân về bất thần khiến các em chàng mừng vui, mấy đứa cháu hồi chàng đi có đứa chưa biết nói nay đã vào trường mẫu giáo, thấy cháu chợt nhớ đến Hạnh, phải chi có con ở nhà chàng sẽ tha hồ hôn, không gặp con thôi hôn cháu cho đỡ nhớ.

Tân hỏi Hồng:

          - Xã nầy dễ chịu không em.

Hồng đáp:

          - Tám Tường làm chủ tịch xã. Anh nhớ anh Tường con cô Mười Nở không?

          - Nhớ chớ, không biết anh ấy có làm khó dễ gì không?

          - Khó nói lắm, bây giờ người ta có quyền có thế

Tân trấn an Hồng, day sang hỏi về Dung;

          - Chị Dung có gởi thơ và hình của Hạnh về không?

          - Dạ có cách nay cũng lâu rồi, con nhỏ chó Hạnh trông dễ thương quá

          - Tân đọc thơ Dung và ngắm ảnh Hạnh

Chiều đến bà con ở xã đến thăm đầy nhà, ai cũng mừng chàng được tư do. Tân dự định ở nhà chơi vài hôm sẽ đến Vàm Cống thăm ông chú vợ. Ông ấy đối với Tân như bát nước đầy, dù thế nào cũng phải thăm ông cho phải lẽ.

Sáng hôm sau Tân đem giấy ra trại trình diện xã, vừa qua chợ lại gặp Tám Tường chủ tịch xã mời uống cà phê, trong bàn cà phê có Mười Ốm an ninh xã. Xong Tân vô trình diện an ninh và ông chủ tịch Tường. Cả hai khuyên Tân cố gắng làm ăn. Tân thấy xa lạ quá. Hồi nào còn học ở trường làng Tường và Tân rất thân nhau. Nay khác chí hướng gặp lại có vẻ gượng gạo. Tân tự hứa với lòng sẽ không nhờ vả Tường bất cứ việc gì. Tân hỏi Mười Ốm về việc đi thăm bên vợ ở Vàm Cống có phải xin phép không?

          - Anh đi nên làm đơn tôi chứng cho để có ai hỏi mình dễ nói chuyện.

Tân cám ơn và viết đơn xin phép đi trong ngày.

Đến Vàm Cống, nhìn vào nhà ông nhạc thấy người lạ đang cư trú, Tân đoán chừng là nhà của cán bộ, chàng bước sang nhà chú Chín, chú ruột của Dung. Chú Chín bản tính xuề xòa, gặp Tân ông  nắm tay mừng rỡ, ông rối rít:

          - Con về hồi nào?

          - Dạ thưa chú con mới về hai ngày nay.

Thiếm Chín  cũng mừng rỡ, hỏi thăm đủ mọi chuyện, thiếm nói vọng vào phía sau nhà:

          - Thắm ơi anh Tư con đến thăm nè.

Thắm từ sau vườn  chạy ra mừng. Đến đây Tân nghe lòng ấm áp tình gia đình. Cả nhà Chú Chín ai cũng thương mến chàng. Chú thiếm mời chàng ăn cơm gia đình. Bữa cơm đơn sơ nhưng ngon lạ, chú phiền trách ông nhạc Tân, quyết định vội vã:

          - Ảnh chỉ với mấy đứa nhỏ đi tao không phản đối, nhưng chở vợ con mầy tao không hay biết. Chồng tù tội ở nhà bắt con gái đi khác nào rẽ thúy chia uyên

Tân hỏi thêm:

          - Đi năm sáu người, làm sao ba má cháu lo cho đủ

Thiếm Chín thêm vào câu chuyện:

          - Con Vân viết thơ về cho biết, thằng Tống lo tất cả, ảnh chỉ hùn chỉ năm lượng mà thôi

Nhắc đến Tống, Tân chợt nhớ có lần Dung thú thật là lúc nhỏ Tống và Dung yêu nhau, sau họ chia tay, chàng tù tội không ai nương tựa Tống dang tay cứu vớt: thì ra tình cũ không rủ cũng tới. Nghe câu chuyện Tân thấy con tim đau nhói. Điều chàng nghĩ khi biết Dung ra đi nay là sự thật. Tân  cảm thấy tan nát cõi lòng. Chàng quay sang Thắm:

          - Sao em không đi cùng chị Dung?

Thắm thật thà đáp:

          - Một chỉ vàng em cũng không có, hơn nữa chị Dung đâu cho em biết.

Tân an ủi:

          - Chắc là mỗi người có số mạng riêng. Anh hy vọng em gặp may mắn. Em vẫn còn dạy chỗ cũ chứ?

          - Em còn dạy nhưng phải đi trường khác xa hơn

Trước khi ra về, thiếm Chín giới thiệu bên gia đình thiếm ở Tắc Cậu, ra khỏi chỗ đó chừng vài cây số toàn là mấy đảo nhỏ trước kia mấy ông Việt Cộng trốn, nay họ ra làm lớn hết, nếu cháu thấy ở quê họ làm khó, cháu xin ra đó lập nghiệp thiếm thấy rất tốt. Tân cám ơn và từ giã gia đình chú thiếm. Đưa chàng ra bến xe, Thắm khuyến khích:

          - Em thấy anh ở quê không  dễ dàng đâu, chắc còn lâu anh mới gặp lại chị Dung. Ở đây có mấy ông học tập về, chính quyền làm khó đủ điều,  mấy ông ấy chịu không nổi nên xin đi vùng kinh tế mới. Đó là chính sách,  ở đâu rồi họ cũng áp dụng như nhau.

          - Cám ơn em cho lời khuyên

Khi Tân lên xe lam bất thần Thắm nắm tay chàng siết nhẹ, mặt buồn hiu

          - Nhớ lời em. Anh về mạnh giỏi. Nếu có đi lên cho em hay, hoặc gởi thơ.

Trời còn sớm xuống Vĩnh Long Tân đi thăm vài ông bạn đồng nghiệp, ở đâu Tân cũng thấy không khí sợ sệt  bao trùm. Mấy ông bạn giờ nầy nói chuyện cũng phải ngó trước xem sau.  

Tính ra Tân về nhà được năm tháng, gởi cho Dung hai thơ nhưng không hồi âm. Thơ Hoành gởi về cho biết lúc trước Dung có liên lạc với Hoành, cả bảy tám tháng nay Hoành không được thơ của Dung  nữa. Kế đó Hoành định cư ở California, Hoành cho biết đợi khi ổn định thế nào cũng tìm Dung

Tân và Khôi cắt lúa về tới nhà thì Hồng cũng đi dạy về, Hồng trao Tân thơ của Hoành từ bên Mỹ gởi về. Tân hồi hợp xé thơ ra đọc. Hoành đã tìm gặp Dung, Dung đã lập gia đình với Tống, nàng xin lỗi đã phụ chàng nhưng vẫn hứa là sẽ nuôi Bé Hạnh tới khôn lớn. Hoành cho biết ba má Dung  bây giờ rất lạnh nhạt không muốn tiếp Hoành, chỉ có Vân cho Hoành biết nàng rất khó chịu khi sống chung nhà với Tống. Đã biết rồi sẽ đến cảnh nầy, nhưng Tân vẫn tức giận buông ra câu thóa mạ:

          - Đúng là khốn nạn.

Chàng không ngờ cái vẻ hiền hậu của Dung bấy lâu nay lại âm thầm nuôi sẵn tư tưởng phản bội. Thôi thế cũng xong. Bài học trả giá quá đắt, không phải bằng tiền bạc mà Tân trả bằng lòng tin yêu tuyệt đối.

Kể từ đây cuộc đời của Dung và Tân chính thức đôi ngã chia ly. Bao nhiêu năm chọn lựa rốt cuộc vẫn bị phản bội.

 

Viết xong Dec 11th  2013
Nguyễn Thành Sơn

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.