TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 


  Năm 2013 đã đi qua một cách quá nhanh đối với tôi, vì là một năm tôi có nhiều chuyến đi, cũng như có nhiều việc phải làm. Tôi đã sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đất nước có nhiều biến chuyển nên cũng như các bạn cùng lứa tuổi, nổi trôi theo vận nước, sự nghiệp của tôi cũng qua nhiều lần thay đổi, từ nghiệp Văn, sang nghiệp Giáo, đến nghỉệp Binh, rồi lại trở về nghiệp Giáo. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ, ngồi viết mấy dòng tản mạn cho Đặc San Bưởi-Chu Văn An, tôi lại nghĩ đến vị Thầy đã được tôn vinh là “Vạn Thế Sư” với khí phách của người mà hơn bẩy trăm năm sau vẫn còn toả xuống để chúng ta noi theo. Nghĩ đến tình hình trên đất nước hiện nay, sau hai lần Hội chúng ta tổ chức Hội Luận, tôi lại nhớ đến bài thơ của Lê Quát là một trong những cao đồ của vị danh sư
Thư Hoài-Kỳ Nhị
“Niên lai, thế sự dữ tâm vi,
Nhật vọng gia sơn phú thức vi.
Thuỷ quốc thiên hàn kinh tuế mộ,
Môc lan hoa lão vũ phi phi”.

Bài thơ xin tạm dịch là:
“Cuộc đời trái với sự lòng,
Hướng về quê cũ, ngâm dòng Thức Vi.
Nước triều, trời lạnh năm đi,
Mộc lan tàn cánh hoa vì mưa bay”.

 

 Năm mới tới, mà thế sự trái với lòng mình mong muốn. Hàng ngày nhìn núi xa về phía quê nhà, ngâm câu thơ Quốc Phong ở Thi Kinh, bộc lộ tâm sự của người lưu lạc, tuy lòng buồn nhưng vẫn tiếp tay với những người còn muốn làm được điều gì cho quê hương. Xét những gì mình có thể làm được, tôi thấy thực ra lúc nào tôi cũng mang nặng nghiệp Giáo, nghĩa là dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, tôi cũng đưa những gì mình đã học hỏi đươc trong những năm qua để san sẻ những hiểu biết của mình tới mọi người.

 Những năm còn ở quê nhà, vì nhu cầu của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, tôi được giấy phép đặc biệt của Bộ Quốc Phòng, dậy môn Toán mỗi tuần 4 giờ, và theo thứ tự thời gian, dậy cho Trường Trung Học Võ Tánh ở Nha Trang, và sau đó cho những Trường Trung Học Petrus Ký, và Chu Văn An ở Sài Gòn. Sau năm 1960, chiến sự chống cộng sản xâm nhập từ miền Bắc gia tăng, tôi không còn nhiều thì giờ tới trường giảng dậy nhưng vẫn để bài giảng cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục in ra chính thức thành hai cuốn sách Cơ Học và Lượng Giác Học, và mỗi kỳ hè vẫn nhận lời chấm thi Tú Tài khi có thư mời.

                    

  Tôi rời nước vào tháng 8 năm 1962, chính thức như là một sinh viên theo học chương trình tiến sĩ, nhưng sau mấy tháng ở Đại học Colorado thì vị giáo sư dậy môn “Cơ Học Thể Lỏng” (Fluid Mechanics) chuyển sang trường khác, và vì môn này trước đây tôi đã học ở Trường Sĩ Quan Không Quân Pháp ở Salon de Provence nên Đại Học nhờ tôi dậy thế. Từ đó cho đến năm 2000 khi tôi về hưu trí, tôi đã trở lại nghiêp Giáo và đã được mời giảng dậy hay thuyết trình ở rất nhiều nơi trên thế giới. Một vài trường hợp khá đặc biệt tôi ghi lại dưới đây để gửi tới qúy bạn như là những chuyện vui để đọc những ngày còn Xuân.

 Chúng ta thường nghĩ rằng người Nhật là những người rất hãnh diện về văn hoá của dân tộc họ và vào những thành tích họ đạt được trên phương diện kỹ thuật cao cấp. Vì vậy tôi cũng thấy ngạc nhiên khi nhận được thư mời của Viện Đại Học Quốc Phòng (National Defense Academy) ở Yokosuka, Nhật Bản để sang bên đó hai tuần lễ vào năm 1997 dậy một khoá về “Planetary Entry Dynamics & Optimization”. Tuy là một khoá học cấp tốc nhưng họ đã tổ chức rất chu đáo. Những tài liệu tôi gửi sang trước ngày khai giảng đã được in thành một tập sách dầy hơn một trăm trang và tin tức về khoá học cũng được phổ biến rộng rãi cho các hãng kỹ nghệ lớn như Mitsubishi Heavy Industries để cử kỹ sư tới theo học. Số học viên có thể lên tới gần một trăm người ngồi trong một giảng đường lớn và tôi đã phải dùng hệ thống phóng thanh để thuyết trình. Trong suốt thời gian tôi ở xứ này, Viện Đại Học đã đề cử ba khoá sinh là sĩ quan thuộc Lục Quân và Không Quân làm sĩ quan tùy viên. Họ thay phiên nhau mỗi ngày có một người đưa xe đến khách sạn đón tôi tới trường và lo cho tôi tất cả những gì cần thiết.

 Trong khi tôi giảng bài thì sĩ quan trực hôm đó cũng là người thu hình trên video và sau khóa học tôi được tặng tất cả những tấm băng thu hình để giữ làm tài liệu. Lễ mãn khoá cũng được cử hành tuy đơn giản nhưng trang trọng và ông Viện trưởng đã thân hành tới để tặng tôi tấm bảng tri ân.

Hình với các sĩ quan tùy viên

 

 

Kỷ Niệm từ Viện Đại Học Quốc Phòng Nhật Bản

 Một lần khác tôi nhận được thư mời của ông Viện Trưởng của Đại Học Quốc Gia Bách Khoa ở Toulouse, Pháp quốc (Institut National Polytechnique de Toulouse) để làm giám khảo trong hội đồng chấm thi tiến sĩ cho cô Sophie Geffroy là một kỹ sư làm việc ở Trung Tâm Không Gian của Pháp. Luận án của Sophie có liên hệ tới một số những công trình tôi đã làm trước đây, và sau khi được chấm đậu và dự tiệc xâm banh như theo thủ tục ở Pháp, cô còn xin tôi ký tên vào luận án để làm kỷ niệm. Một vài lần khác, tôi cũng nhận được thư mời phê bình luận án từ những Đại Học Princeton ở Hoa Kỳ, Đại Học McGill ở Montreal, Canada và Viện Kỹ Thuật ở Bangalore, Ấn Độ. Những lần này thì thường những giáo sư cố vấn họ gửi xin ý kiến để lấy thêm uy tín cho luận án họ bảo trợ.


Cô tân khoa Sophie Geffroy với cặp mắt nhìn ngưỡng mộ của người bạn trai dù bị đau tay cũng tới hỗ trợ

 Một dạng thuyết trình khác là ở những hội nghị khoa học và kỹ thuật, tầm vóc quốc gia hay quốc tế, đôi khi ban tổ chức mời một giáo sư hay khoa học gia có uy tín đến thuyết trình về một đề tài có liên quan đến chương trình chung của hội nghị. Trong chương trình họ đề những bài này là “invited lectures”, có nghĩa là bài thuyết trình được mời, thường để quảng cáo cho đông người tới tham dự hội nghị nếu diễn giả là người có tiếng tăm được nhiều ngừơi mến mộ. Trong những năm dậy học và làm khảo cứu tôi cũng có vài lần được mời làm diễn giả đặc biệt như vậy. Nhưng lần được mời thuyết trình đáng ghi nhớ nhất của tôi là lần được đại học Oklahoma ở thành phố Norman, tiểu bang Oklahoma, mời đến thuyết trình trong chương trình Charles E Foster.

 Đại Học có một ngân khoản do sự tài trợ của nhà tỷ phú Charles E Foster, Tổng Giám Đốc của công ty điện thoại SBC, để mỗi năm mời một khoa học gia hàng đầu tới thuyết trình về một đề tài về hàng không và không gian. Chương trình diễn giảng được thiết lập từ năm 1990 và tôi là diễn giả thứ 9 được mời. Mục đích chính của chương trình này là để quảng bá cho sự phát triển ngành hàng không và không gian trên thế giới nên khán thính giả được mời chung cho đại học chứ không riêng cho những sinh viên và giáo sư chuyên ngành. Ngày hôm đó trong đại giảng đuờng rộng lớn dành cho những buổi nói chuyện tổng quát chung cho Đại Học, thêm sự cổ động của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Đại Học Oklahoma, người dự thính đã đến đông chật. Như trong thiệp báo tin in lại ở dưới đây của School of Aerospace and Mechanical Engineering, tôi đã chọn một đề tài thuyết trình phổ thông cho đại chúng là “Navigating in The Solar System”.

 Theo sự trình bầy của tôi, thì mới đây trong những lớp băng giá của Nam cực địa cầu người ta đã tìm thấy những thiên thạch được chứng tỏ là có nguồn gốc xuất xứ từ Hoả Tinh. Như vậy có thể suy luận rằng qua hàng triệu năm, những chuyển động hỗ tương giữa các hành tinh trong Thái Dương Hệ có thể làm cho vật thể từ hành tinh này chuyển sang hành tinh khác. Trong thế kỷ hiện tại, những chuyên gia tính qũy đạo đã tạo dựng những lý thuyết tối ưu để có thể dùng hai nguồn lực thiên nhiên là trọng lực hấp dẫn của các hành tinh và sức cản của các bầu khí quyển chung quanh các hành tinh cùng với phản lực của các động cơ nhân tạo để hướng dẫn các phi thuyền không gian từ trái đất di chuyển tới tất cả các hành tinh trong Thái Dương Hệ, trừ Diêm Vương Tinh ở quá xa, với phí tổn nhiên liệu tối thiểu. Tôi cũng đã kết luận bài nói chuyện bằng một lời viết tiên tri của triết gia người Pháp là Francois-Marie Arouet, bút hiệu là Voltaire (1694-1778): “Notre voyageur connaissait merveilleusement les lois de la gravitation et toutes les forces attractives et répulsives. Il s’en servait si à propos, que tantôt à l’aide d’un rayon de soleil, tantôt par la commodité d’une comète, il allait de globe en globe, lui et les siens, comme un oiseau voltige, de branche en branche”. (Người du hành của chúng ta biết một cách nhiệm mầu những luật hấp dẫn vạn vật, những sức hấp và sức đẩy. Khách không gian đã khéo biết lợi dụng, lúc thì nương một tia sáng mặt trời, lúc dựa theo đà một ngôi sao chổi, cùng với quyến thuộc, khách đi từ tinh cầu nọ tới tinh cầu kia, như một con chim bay truyền cành).

 


Bàn tin phổ biến của Trường Kỷ Thuật Đại Học Oklahoma

  Lần đi này tôi đã phải mất nhiều thi giờ chuẩn bị hơn là những lần tham dự những hội nghị chuyên ngành vì phải trình bầy cho một số khán thính giả rộng lớn, nhiều người không theo học ngành kỹ thuật. Hơn nữa tôi được biết là sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học ở Đại học Oklahoma sẽ đến nghe tôi nói nên tôi không muốn để cho họ thất vọng khi thấy bài giảng không được cử toạ chăm chú nghe. Cũng may là tôi có một số cựu sinh viên đang làm việc tại các Trung Tâm của Cơ Quan Không Gian nên tôi đã nhờ họ sưu tầm và làm giúp cho những đoạn phim ngắn giải thích sự việc như trường hợp muốn bay tới Hoả Tinh phải đi vòng qua Kim Tinh để nhờ sức hấp của hành tinh này tăng thêm tốc độ trên chặng đường đi. Cũng vì thế mà chuyến đi Oklahoma của tôi đã lưu lại cho cộng đồng người Việt ở nơi đó những kỷ niệm tốt đẹp.

  Trong suốt thời gian làm giáo sư đại học, mỗi lần tôi được mời đi thuyết trình hay tham dự những hội nghị ở những nơi có đông người Việt cư ngụ, tôi thường dành thì giờ để qua những tổ chức cộng đồng mà có dịp tiếp súc với các học sinh và sinh viên trẻ mà tôi nghĩ sẽ là những người lãnh đạo một đất nước Việt Nam tươi sáng trong tương lai. Riêng ở Oklahoma, tôi nhận thấy rằng người Việt ở tiểu bang này đã gây được sự kính nể và qúy mến của chính quyền địa phương. Tuần lễ tôi đến thành phố Oklahoma City, là thành phố lớn gần trung tâm Đại Học, cũng trùng ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba Âm lịch nên tôi được cộng đồng người Việt mời tham dự như là diễn giả danh dự đến từ phương xa. Tôi nghĩ là theo lời giới thiệu của người đồng hương nên Quốc Hội Tiểu Bang, cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện đã cử dân biểu và thượng nghị sĩ đến dự lễ và trao tặng tôi những bản tuyên dương và đón mừng, thật là những vinh hạnh tôi không chờ đợi trong khi thi hành nhiệm vụ của một nhà giáo.

 

                 

 


  Tôi thấy cần phải nói trong phần kết luận của bài này về thành tích của những người trước tôi đã được mời đến làm diễn giả danh dự trong chương trình Charles E Foster, để hiểu rõ thêm về tiêu chuẩn chọn lựa của Đại học. Nếu đọc trong giấy phổ biến của Đại học Oklahoma để mời người đến tham dự có ghi tên của những diễn giả những năm trước thì ta được thấy có những khoa học gia nổi tiếng thế giới như tiến sĩ Paul B. MacCready, diễn giả thứ 2, là người đã kiến tạo được chiếc phi cơ chỉ dùng sức ngưòi đạp mà bay được qua eo bể Manche từ Pháp sang Anh quốc. Ông được nổi tiếng khi chế tạo được chiếc phi cơ “Gossamer Condor” chỉ dùng sức người đạp mà ngày 23 tháng 8 năm 1977 do tay đua xe tài tử Bryan Allen đã thực hiện được đường bay theo hình số 8 và thành tích này đã chiếm được giải thưởng Kremer gồm 50 ngàn bảng Anh được kỹ nghệ gia Henry Kremer đặt ra năm 1959. Chiếc phi cơ nay được lưu trữ tại viện bảo tàng Smithsonian National Air and Space Museum. Sau thành tích này ông MacCready, cùng với hãng AeroVironment, tiếp tục chế tạo được phi cơ dùng sức người đạp “Gossamer Albatross”, bay qua bể Manche, thực hiện ngày 12 tháng 6 năm 1979 và đoạt giải Kremer lần thứ hai, lần này là 100 ngàn bảng Anh. Sau đó TS MacCready kiến tạo phi cơ “Solar Challenger” dùng điện lực tạo bởi ánh sáng mặt trời, cũng bay được qua bể Manche và hiện nay ông cộng tác với cơ quan NASA trong chương trình “Pathfinder/Helios” để chế tạo loại phi cơ dùng năng lượng ánh sáng mặt trời bay trên thượng từng không khí. Tìm hiểu trên Wikipedia thì có những lời giới thiệu như sau:


  “The aircraft was designed and built by a team led by Paul B. MacCready, a noted US aeronautics engineer, designer, and world soaring champion. Gossamer Albatross was his second human-powered aircraft, the first being the Gossamer Condor, which had won the first Kremer prize on August 23, 1977 by completing a mile-long figure-eight course. The second Kremer challenge was then announced as a flight across the Channel recalling Louis Blériot's crossing of 1909. The Albatross was powered using pedals to drive a large two-bladed propeller. On June 12, 1979, piloted by amateur cyclist Bryan Allen, it completed the 35.8 km (22.2 mi) crossing in 2 hours and 49 minutes, achieving a top speed of 29 km/h (18 mph) and an average altitude of 1.5 metres (5 ft”).

 

 


Chiếc Gossamer Albatros đặt tại Viện Bảo Tàng Hàng Không ở Seattle


Một diễn giả khác, người thứ 7, mà những sinh viên tiến sĩ nào theo học ở Đại học California ở Berkeley cũng phải biết là Giáo sư tiến sĩ khoa trưởng kỹ thuật George Leitmann. Ông là nhà khoa học lừng danh về môn Động Lực Học và Điều Khiển (Dynamics and Control). Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của GS Leitmann, một hội nghị quốc tế về môn này đã được tổ chức để vinh danh ông tại Hội trường của Hãng Daimler/Chrysler gần Stuttgart, Đức quốc và khoa học gia từ 15 quốc gia đã tới trình bầy những bài khảo cứu quanh vấn đề ông lưu tâm tới trong 55 năm qua. Nhưng có một điều đặc biệt với khoa học gia George Leitmann, nay cũng là Giáo Sư Danh Dự (Professor Emeritus) của Đại học California, Berkeley, là cùng chuyến Âu du này, ông được Bộ Quốc phòng Pháp mời đến nghỉ ở Câu Lạc Bộ Quân Lực ở Paris để được tưởng thưởng Chiến công bội tinh với nhành dương liễu (Croix de Guerre avec Palmes). Năm 2005 cũng là năm kỷ niệm 60 năm trận chiến Colmar ở vùng Alsace Lorraine. Vào đầu tháng Hai năm 1945, Tiểu đoàn 286 Công binh Hoa Kỳ mà chàng trai trẻ George Leitmann phục vụ, lúc đó biệt phái sang Đệ Nhất Lộ Quân Pháp đã có công trong chiến thắng Colmar và anh được thưởng huy chương này. Vào thời điểm đó, vì không có sẵn huy chương nên anh chỉ nhận được một miếng băng nhỏ. Sáu mươi năm sau, tại Câu Lạc Bộ Quân Lực ở Paris, Đại tướng Louis-Alain Roche, đã đại diện cho Tổng Trưởng Quốc Phòng Pháp để trao tặng chiến công bội tinh với nhành dương liễu cho giáo sư George Leitmann.

 

Đại tướng Louis-Alain Roche với Giáo sư George Leitmann

 

GS Nguyễn Xuân Vinh

Huntington Beach ngày 9/2/2014
 


 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.