TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

  Khi miền Nam sụp đổ, Nguyên lúc đó là thiếu tá Liên đòan trưởng liên đòan Địa Phương Quân của tỉnh, bị Việt Cộng bắt đi học tập. Thực ra là bị đày, bị đẩy vô các trại tù khổ sai dài hạn. Từ khám lớn, một chiều mưa, bọn họ đem xe G.M.C phủ bạt kín mít chở sĩ quan cấp tá đang bị giam cầm, đưa ra miền Bắc, tống vào những nơi sơn lam chướng khí. Họ bị bắt buộc phải lao động quần quật như trâu bò, ăn uống thì thiếu thốn. Bọn cầm quyền Cộng Sản định giết lần giết mòn số sĩ quan thua trận. Người nào sống sót trở về cũng mang nhiều bịnh tật, gia đình tan nát. Nguyên là một trong số người kém may mắn đó: Vợ ôm con vượt biên với tình nhân, nhẫn tâm bỏ Nguyên đói khát trong ngục tù của Cộng Sản.

  Khi được thả ra, Nguyên đến một nơi mà bình sanh chưa bao giờ biết hay nghe đến tên để đem di vật của Thiếu tá Đạm, giao cho vợ là chị Hảo ở Tắc Cậu, thuộc Rạch Giá. Đạm, bạn thân với Nguyên, ngã bịnh mà thiếu thuốc men nên đã chết trong trại khổ sai, hơn hai năm rồi. Nguyên hy vọng sớm gặp chị Hảo để trao cái bóp, một tấm ảnh kỷ niệm hai vợ chồng lúc mới cưới. Chị Hảo, từ khi hay tin chồng chết tức tưởi trong trại tù, đã xin đem xác chồng về quê chôn cất, bị từ chối. Chị hận thù bọn người không lương tâm nên đem hai con vượt biên và hiện đang định cư ở Mỹ. Ông bà Bảy, ba mẹ vợ của Đạm ân cần tiếp đãi Nguyên. Nguyên tìm hiểu cuộc sống tại địa phương nầy, anh có ý đinh đến đây định cư, vì khi còn sống Đạm luôn ca tụng quê vợ nơi mà thiên nhiên ưu đãi: đất đai phì nhiêu, khí hậu dễ chịu, nhiều tôm cá, dân chúng hiền hòa.

 Nguyên nhờ bác gái hỏi giùm xem chánh quyền ở đây cho anh nhập cư không? Bác Bảy đi một chốc về cho biết ông Trưởng ấp chấp thuận nhưng ông cần gặp Nguyên để xem những giấy tờ cần thiết.

  Ra đi Nguyên mượn của em gái năm chỉ vàng, anh bán một chỉ lấy tiền đi xe. Tại Tắc Cậu, Nguyên mua chỗ ở hết một chỉ ( thực ra là hối lộ một chỉ để có nhà cửa sẵn có thay vì phải tìm cây lá để cất chòi ở trên phần đất được chỉ định. Tính tóan kỹ, Nguyên đành đưa một chỉ vàng để mua chỗ ). Đêm đó trước khi nhận chỗ ở mới, Nguyên hỏi thăm tất cả mọi chuyện về ấp nầy, về cái nhà mà anh sẽ sở hữu.  Bác Bảy cho biết, căn nhà đó đầu tiên là của ông Tám Long, ông là võ sư có võ đường ở miệt Sóc Trăng , Bạc liêu gì đó. Lúc đến đây ông già rồi ít ai thấy ông duợt võ, chỉ thấy ông giăng câu giăng lưới làm kế sinh nhai. Đâu chừng năm 1977 ông bịnh rồi chết, không bà con quyến thuộc, dân trong ấp giúp đỡ hòm rương chôn ông tại nghĩa địa cách đây chừng hút tàn điếu thuốc. Kế đó một người Tàu lai còn trẻ cùng vợ con đến lập nghiệp và ấp cấp nhà đó cho vợ chồng họ. Chú Tàu định cư ấp nầy cũng làm rẫy chút đỉnh nhưng mục đích chính là tìm đường vượt biên. Chú đã ra đi thành công.

  Nhà đóng cửa mấy tháng nên bàn ghế, tủ giường bị dân hôi của lấy hết. Ai vào ở, việc trước tiên phải mua giường ngủ, nồi niêu , soong chảo. Sáng hôm sau Nguyên từ giả gia đình bác Bảy. Ông trưởng ấp đợi Nguyên và giao cho anh tờ khai gia đình. Ông khuyên Nguyên cố gắng làm ăn, đất vùng nầy sẽ đãi ngộ người mới đến. Nguyên chỉ cười và cám ơn ông trưởng ấp. Nơi đây bước đầu thấy dễ thở, không biết về sau thế nào. Anh chép miệng: thây kệ, có cảnh nào mình chưa trải qua đâu. Lo lắng chi cho mệt.

  Nguyên mở cửa vào nhà, mùi ẩm mốc xông lên rất khó chịu. Trên cây cột Nguyên thấy có bó nhang đưng trong ống lon, anh lấy ba cây đốt lên khấn Đất Đai phù hộ cho anh được bình yên. Anh cũng van vái ông Tám Long, chủ đầu tiên của nhà nầy, xui khiến cho anh gặp may mắn trên bước đường tỵ nạn. Nguyên đưa mắt nhìn bao quát, phía trước căn nhà: vách, cửa, bằng ván; xung quanh tòan lá. Chỗ ngủ, chỉ có tấm vạt tre thay giường, Nguyên leo lên nằm lăn qua trở lại xem nó còn chắc không: một trụ ở giữa gãy khiến bộ vạt oằn xuống, cần phải thay trụ khác mới ngủ được.

  Rảo quanh miếng đất nay thuộc sở hữu của anh, hy vọng tìm được cây làm nạng nhưng không có. Cỏ mọc um tùm chắc phải mất hơn tuần để dọn. Gần tới khỏanh đất ruộng, Nguyên thấy cái rổ xúc để khuất sau bụi cây trong đưng nồi nấu cơm, ấm nấu nước, hai cái chảo, cái bình tích, bốn ly , tất cả đều bị cỏ bò phủ lên. Có lẽ chủ nhà nầy lo xa: nếu đi không được, về nhà cũng còn nồi niêu để nấu nướng. Ngoài đám dừa nước, qua cơn gió Nguyên thấy tấm vải cao su lớn dài từ đám lá phất lên, đầu kia như có người giữ chặt. Thấy lạ, Nguyên lội ra xem, thì ra chiếc ghe cỡ ba chục giạ được dấu tại đám lá nầy trên chất đủ thứ gồm: một máy đuôi tôm lọai nhỏ, mấy thùng có nắp đậy kín. Anh bè chiếc ghe vô sát nhà, khuâng lên từ món, một thùng đưng gạo, thùng lớn hơn đựng quần áo, cái bồng có mùng mền. Nguyên đem tất cả vô nhà và kiểm sóat: gạo có mùi ẩm mốc, mùng còn tốt, mền lành lặn, mấy bộ đồ đàn ông, hai bộ đồ đàn bà, áo lạnh bông trạc tuổi con gái của Nguyên. Nguyên cầm áo lên ướm thử và thầm nói: chắc là con gái của mình cũng cỡ nầy. Nguyên lấy áo máng lên móc, anh cầm thấy nặng khác thường, nhìn kỹ Nguyên phát hiện trong vạt áo có những khoen tròn, tìm vật nhọn gở chỉ Nguyên thấy năm khâu vàng, cổ áo có miếng vàng dát mỏng may lót bên trong. Anh mang mùng ra phơi, quấn trong mền là một gói bằng giấy dầu đựng trong bao ny lông, anh mở ra thấy quá nhiều tiền, đếm thử là một triệu năm trăm ngàn. Anh cất những món đồ có thứ tự và đúng vị trí của nó.

  Việc đầu tiên, Nguyên đến Bác Bảy mượn cái búa tay, đốn vài cây làm nạng cho cái giừờng, mượn luôn cái dá dẫy cỏ. Trên đường về, Nguyên ghé tiệm mua gạo, nước tương, một nải chuối một gói trà con cua, cái đèn bảo, một xị dầu lửa thắp sáng tối nay cho nhà đỡ âm u. Đem tất cả vô nhà, Nguyên chèo ghe qua đám rừng đước bên kia sông đốn vài cây.  Trong vòng một tiếng đồng hồ anh đã tìm đủ mọi thứ cần thiết. Nguyên nhắm chừng chiều dài cây trụ giường gãy, đo cây mới làm lại. Anh đào xuống chừng gần hai lớp dá thì đụng nhầm vật gì khá cứng. Nguyên đào tránh sang một bên thử xem vật gì, đó là một cái thùng giống thùng đựng đạn đại liên quân đội thường xài. Nguyên cẩn thận đào xung quanh và bưng thùng ấy lên. Đồ đạc bên trong còn được gói kỹ trong bọc giấy kiếng dày. Mở tòan bộ anh thấy trên như là cái thư hoặc di chúc, kế đó là vàng, trút ra đếm thử được hai chục miếng. Phía dưới cùng có hai tập vở khổ nhỏ. Bỏ vàng vào thùng đạn như cũ. Nguyên sắp xếp giống y lúc ban đầu. Anh lấy hai cuốn sổ, thơ xem chủ nhân nói gì.

  Chủ nhân vì không con cháu để lại gia tài ông tích cóp mấy chục năm cho người có duyên ( giống truyện Kiếm hiệp). Ông người Bình Định, tha phương từ khi còn nhỏ. Ông học võ với thầy ở quê nhà, sau đó vào Nam trước tìm kế sinh nhai đồng thời thi thố tài nghệ của mình. Tuổi trẻ bồng bột ai động tới là đánh, có lúc vì đánh người gây thương tích bị Tây bắt bỏ tù ở Biên Hòa. Trong khám lại gặp anh chị bự, không muốn đánh mà vẫn bị khiêu khích hòai. Đánh thắng tên xếp sòng ở khám, đến khi được thả ra tên bị đánh bại, tôn ông làm sư phụ và học võ Bình Định với ông. Hắn vận động mở võ đài. Ông thắng nhiều trận khiến tên học trò đó nở mũi. Nhờ sự giúp đỡ về tài chánh của chú đệ tử, ông mở lớp dạy võ. Khổ nỗi, ông muốn an thân mà anh hùng các nơi cứ rủ đọ sức mãi. Rốt cục ông phải bỏ trường dạy võ trốn vào miền gần Cà mau lập nghiệp và lấy vợ. Hai vợ chồng chỉ sanh một đứa con trai thông minh đỉnh ngộ. Ông cho con đến trường học chữ hy vọng con theo nghiệp văn. Con trai ông học giỏi, sau khi đậu Trung học thì được học bổng sang Pháp học Tú Tài ( Trung học  lẫn Tú Tài đều học theo chương trình Pháp, lúc nầy V.N còn bị Pháp đô hộ ). Con tàu còn lên đênh trên biển, con ông bị trúng gió chết. Vợ chồng ông đau khổ khôn xiết, bà vợ tối ngày than khóc sanh bịnh rồi mất. Ông buồn quá chỉ uống rượu giải sầu, ông nghĩ mình đã đánh đập oan nhiều người nên con bị chết yểu vì vậy ông thề bỏ võ. Ông học nghề mới: giăng câu, giăng lưới, suốt ngày lênh đênh trên sông nước. Ông chép ra cách làm mồi giăng câu, nếu làm đúng như ông chỉ dẫn, ông bảo đảm sẽ được nhiều cá. Phần ghi chú: Ông căn dặn chỉ nên phổ biến hạn chế.

 Đọc hết bức thơ của Ông Tám Long để lại, Nguyên tự nhủ sẽ tìm mộ ông  dọn dẹp sạch sẽ chứ không để hoang phế nữa và thờ cúng ông tử tế như thờ cha mẹ vậy. Nguyên đem chôn thùng đạn đựng vàng vào chỗ cũ, tưới nước dậm kỹ lưỡng. Được của bất ngờ khiến anh mừng vui lẫn hồi hợp âu lo. Lòng dặn lòng phải thật kỹ lưỡng trong việc chi tiêu, phải cố gắng làm việc cật lực trong giai đọan đầu, nếu thiên hạ biết mình có tiền e phiền phức.

 Sáng ra anh đi mua ít ngói fibro- cement về sắp nóc nhà lại cho khỏi dột. Việc nặng nhọc nầy cần thanh niên, cháu Bác Bảy nhà kế bên có thể giúp được. Nguyên và chú thanh niên chèn những chỗ dột, sắp nóc nhà trong một buổi đã xong. Ngày kế, sau khi ăn sáng, Nguyên bắt đầu làm sạch cỏ xung quanh nhà, anh dự định mua mớ hột về trồng vừa có rau củ ăn, vừa để cho cỏ không mọc được. Ngòai trồng rau, Nguyên đào thêm lỗ tỉa bắp. Chiều rảnh Nguyên đến Bác Bảy nhờ chỉ nhà ông chuyên môn giăng câu thả lưới.  Bác Bảy dẫn Nguyên tới nhà ông Ba Câu Giăng. Ông Ba hơn sáu mươi có vẽ bịnh họan. Khi anh ngỏ ý nhờ ông tóm giùm đường câu và kết chì mấy tay lưới, ông chưa kịp nói gì thì bác gái lên tiếng:

- Chú muốn giăng câu, giăng lưới thôi lấy câu và lưới của ông tôi mà xài. Ổng mới ra nghề vài lần kế bịnh riết có làm ăn gì được đâu !!

Bác trai thêm vào:

- Nếu cháu không chê đồ cũ, tôi để lại phân nửa giá vốn

Nguyên hỏi giá rồi móc tiền trả không cò kè bớt một thêm hai. Có lẽ Bác Ba biết bịnh của mình chắc lâu hết và khó có thể làm lại nghề phải trải gió dầm sương nầy nên bằng lòng bán lại cho Nguyên. Anh ôm câu, lưới ra về và quyết định hôm sau sẽ khai trương. Giăng câu Nguyên học với hai thầy, qua thơ để lại của ông Tám Long và của Bác Ba Câu. Đi chợ mua cá vụn làm mồi câu, nhân tiện mua các loại hạt và cà phê. Đã tám năm Nguyên gần như quên hương vị đăng đắng của cà phê, nay có điều kiện cũng nên thưởng thức lại mùi hương ngạt ngào pha lẫn chất ngọt của đường cho đời bớt tẻ nhạt.  Anh đến tiệm bán hạt giống mua hạt rau muống, hạt bắp, và vài lọai hạt khác nữa. Cô chủ tiệm hỏi một câu khiến anh quá ngạc nhiên:

- Bộ anh ở xa mới tới hả ?

- Sao cô biết ?

Cô chủ tiệm cười

- Bà con vùng nầy đều đen, chỉ anh là trắng hơn cả. Điều đó cho biết anh không phải dân ở đây.

Nguyên phục tài nhận xét tinh tế của cô chủ tiệm, anh nói xuôi:

- Tôi từ vùng trên xuống đây làm mướn, chủ sai đi chợ mua hạt giống

Cô cười lớn

- Tướng anh mà làm mướn nổi gì.

 Nguyên cười trừ, trả tiền rồi ra về vì còn biết bao việc phải làm. Xong mồi câu, Nguyên  vào xóm nhờ ông Năm cùng  đi mua tro trấu:

Ông Năm hỏi ;
- Cháu cần tro trấu nhiều hay ít? Để làm gì?

- Cháu cần chừng ba ghe để làm rẫy, bón lúa thay phân hóa học.

Anh học cách bón phân tro khi trồng rau ở một trong những trại giam ngòai Bắc. Trời vừa xế bóng Nguyên thả đường câu dài cả trăm mét, xong lại giăng mấy tay lưới. Hồi nhỏ anh từng giăng câu giăng lưới, nhưng chỉ giăng ở ruộng, trong kinh rạch, nay thả câu trên sông làm anh bỡ ngỡ đôi chút. Xong việc Nguyên lên nhà pha bình trà đậm tự thưởng mình dù chưa biết kết quả việc giăng câu ra sao .

Khi đi thăm, mới chừng năm sáu lưỡi câu lại thấy dính cá to, con cá vùng vẫy dữ tợn, anh lừa thế cho nó lọt vào vợt rồi dỡ lên. Con cá chừng nửa kí. Thăm hết đường câu lại thêm ba con nữa. Khai trương đại lợi rồi đấy!  Nguyên móc mồi tiếp cho đợt nhì. Anh còn ở xa đã thấy cá dính lưới, đến gở cá mà lòng vui khôn tả. Buổi chiều đó anh làm cử chỉ lịch sự, đem cá cho Bác Bảy, bác ba Câu, bác Năm và bốn nhà gần . Ai cũng cám ơn rối rít.  Bác Bảy gái khuyên anh bán cá để có tiền xoay xài. Nguyên nói:

- Cháu mới đến, nhờ bà con giúp đỡ nhiều, đây chỉ là chút đỉnh để tỏ lòng biết ơn bà con.

Chị Thắm ở gần nhà Nguyên ngạc nhiên nói

- Anh mới dọn đến mà đã bắt cá rồi, bộ trước đó anh đã từng làm nghề giăng câu thả lưới à? Xóm nầy ai cũng nói anh là sĩ quan cấp tá mà.

Anh cười mà không xác định với Thắm là đúng hay sai. Nguyên về nhà phơi câu, phơi lưới, rộng cá chờ sáng đem đến chợ bán thử.

  Tuy chỉ một thân một mình, không ai rầy la hay thúc hối, Nguyên làm việc gì cũng  hết sức mình. Buổi sáng, sau khi ăn cơm nguội hấp lại, anh bắt đầu làm cỏ, làm tới đâu gom cỏ vào một chỗ để khô đem đốt lấy phân. Ngày hôm sau, chỗ đã sạch cỏ Nguyên xới lên tỉa hột. Trong một tuần lễ, anh đã dọn sạch gần hai ngàn mét vuông và tỉa hột không chừa chỗ nào trống, ngọai trừ đường đi. Hàng ngày Nguyên đều giăng câu, thả lưới tùy theo con nước, có khi giăng vào buổi sáng, hôm sau vào trưa, xế hoặc chiều tối. Khi rau củ bắt đầu lên độ một phân, Nguyên ngày nào cũng xách hai chục đôi nước tưới, anh dùng việc tưới cây cối thay cho tập thể dục. Nửa tháng sau rau cải của Nguyên lên tươi tốt. Trong tù, lúc ở đội rau xanh, ngày nào đội cũng giao Nguyên gánh hai chục đôi nước từ con suối khá xa để tưới rau. Ở đây nước sát bên rẫy, hai chục đôi nước lọai thùng tưới nhỏ có thấm tháp gì. Nguyên nhớ thằng cha “ răng hô “ coi đội rau xanh lải nhải câu: Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.  Đám rẫy của Nguyên xanh tươi mơn mởn chắc hội đủ bốn điều kiện cần và đủ mà tên cán bộ “mả tấu” đã nói chăng?

Không giăng câu, giăng lưới hoặc đi chợ bán cá, tối ngày Nguyên luôn chăm sóc cây trồng. Một hôm gần sáu giờ chiều ông trưởng ấp đến mời Nguyên đi họp vào trưa hôm sau, thấy Nguyên vẫn rị mọ ngòai rẫy, ông ta ra xem và nói

- Làm vừa thôi, phải để thời gian nghỉ ngơi chứ anh.

Nguyên trả lời:

- Tôi phải cố gắng làm để tạo nhà cửa như bà con và cũng để dành tiền cưới vợ  nữa…

Tên trưởng ấp ra về chắc rất hài lòng vì nghĩ rằng “ thằng cha “ nầy chí thú làm ăn chứ không phải đến đây dò đường vượt biên.

 Nguyên đấp bờ bao giữ nước công ruộng sau nhà để làm lúa thần nông. Đấp xong, Nguyên bỏ hai ngày công để cuốc và làm sạch cỏ, kế đó anh cho nước vào ngâm cho đất mềm, đọan chắt nước ra, rải phân tro đều trên đất, tiếp theo ngâm giống và sạ.

 Nguyên nghĩ: Mấy tay Chệt qua xứ mình lúc đầu chỉ nhờ vào chiếc đòn gánh mà không lâu trở nên giàu có, tại sao mình không dùng chiếc xuồng làm kế sinh nhai? Nguyên mỗi ngày chạy ghe tìm mua những lọai cây như ổi, mít v.v  đem về  trồng, anh cũng mua những thứ đang cần dùng trong nhà như bàn ghế, tủ đưng thức ăn…Qua xã kế cận, anh thấy một số dân tứ xứ làm đơn xin khẩn đất hoang, anh cũng mua giấy viết đơn. Ông thơ ký đưa Nguyên xem bản đồ và hỏi Nguyên chọn chỗ nào? Anh xin khẩn khu đất gần nhà, nơi đã đốn mấy cây đước làm nạng cho cái giường hôm mới đến. Anh định khẩn chừng mười công, nhưng người thư ký ghi cho anh khẩn hai mẫu.

Nguyên thầm nhủ: thây kệ, người ta cho ba năm mới bắt đầu đóng thuế lo gì. Vùng đất Nguyên khẩn có bảy tám công đất gò tiện cho việc lập vườn, cây lưa thưa vì bị tàng của các cây đước lớn che mát nên ít cây con, đỡ tốn công khai phá. Nguyên còn thấy có cái ao rất lớn, chắc hồi trước chỗ đó lãnh mấy trái bom đìa . Nhận đất xong Nguyên ghé xem lại một lần nữa. Ôi may mắn quá, anh ước tính, đốn cây và làm sạch mất chừng hai tháng công, muốn lập vườn trồng chuối chỉ mướn lên líếp sơ sơ. Phần đất thấp để làm ruộng khai phá cũng dễ. Có lẽ người xin khẩn đất chưa ai từng đến chỗ nầy nên mình lãnh phần quá tốt. Trước khi bắt tay vào việc khai phá,  Nguyên đi chợ tỉnh mua cưa, búa tay, riều đốn cây và vài món cần dùng khác. Hồi ở tù Nguyên từng phá rừng làm rẩy với anh em nên chàng rành việc. Tại một tiệm bán đồ sắt, Nguyên tìm thấy một cây cưa máy có vẽ cũ, khi chàng cầm lên xem người bán liền nói.

- Lâu lắm rồi tôi chưa bán được nên còn đây, ông mua tôi bán rẻ cho.

Nguyên thấy cưa còn tốt ngặt nỗi vùng Nguyên ở chưa có điện, anh đánh liều mua thử, biết đâu về sau chiếc cưa nầy đắc dụng.

  Nguyên mài búa, giũa cưa, làm từ từ. Mỗi sáng anh làm những việc lặt vặt, mười giờ đến đất nhà đốn cây. Anh ấn định cho mình phải đốn ít nhất hai chục cây, chặt nhánh đàng hòang rồi mới được nghỉ. Sát bờ sông cây suôn, chặt hai mươi cây quá dễ, nhưng chỉ một mình làm thấy thăm thẳm. Nguyên viết thư nhờ mấy đứa em họ lên giúp cho mau xong. Ba đứa em cùng lên xứ xa xôi hẻo lánh nầy giúp Nguyên và chỉ trong một tuần bọn anh đã dọn trống, cây được chở về nhà, nhánh lá đợi nắng khô thì đốt. Một chú em từng xài qua lọai cưa máy xách tay nầy nên bảo Nguyên đi mua bình ắc quy, nó sẽ chỉ cho cách xài. Mấy anh em dùng cưa máy hạ năm cây lớn quá dễ dàng, chẳng những thế mà còn cưa ra từng khúc ngắn để làm củi luôn.

  Gần hai tháng kể từ lúc khởi công, hôm nay miếng đất đã lên liếp, sẵn sàng để trồng chuối, chỉ chờ mua chuối con và đợi trời mưa. Mấy công ruộng đã đấp bờ bao và sạ. Bữa nay Nguyên cùng mấy em đi chợ mua thịt về nhậu để cùng nhau ăn mừng. Nguyên đã xong công việc, giờ anh chỉ chờ kết quả mùa thần nông.

(Xin xem tiếp phần hai kỳ tới )

Viết xong August 20- 2014

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.