TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Nghe con vừa được cất nhắc lên giữ một nhiệm vụ mới quan trọng hơn, mẹ rất mừng. Mừng vì con được thăng tiến trên đường sự nghiệp, có điều kiện thuận lợi để học hỏi thêm về nghiệp vụ cũng như về quản lý. Mặt khác, mẹ cũng không ít lo lắng cho con, bởi lẽ đơn giản trèo cao thì té nặng, càng cao danh vọng càng dầy gian nan.

Hôm nay, mẹ trao đổi với con về đề tài Lắng nghe. Lắng nghe là gì? Tại sao ta phải lắng nghe? Lắng nghe ai? Đó là những câu hỏi chúng ta cần trao đổi, phân tích.

****

1. Ta có đến hai tai.

Hai tai được sắp xếp ở hai bên mặt. Ta thử đối chiếu giữa tai và miệng. Trong khi hai tai chỉ giữ duy nhứt một nhiệm vụ là nghe thì miệng giữ khá nhiều vai trò: nói, ăn, uống, cười, khóc..., biểu thị cảm xúc như trề môi, chặc lưỡi... Điều đó giúp ta hiểu rằng việc nghe phải gấp năm, bảy lần cái nói. Nghe thật nhiều mà nói ít thôi.

Cũng có nhiều thứ nghe: ”nghe chừng, nghe đâu, nghe gà hóa cuốc, nghe lóm, nghe ngóng, nghe nhìn, nghe như đấm vào tai, nghe như rót mật, nghe ra...” (Đại từ điển Tiếng Việt)... nghe chát chúa... và nghe lắng hay lắng nghe.

Theo mẹ, lắng nghe là tập trung cân não để nghe lời người khác nói hay bất kỳ âm thanh nào ta cho là quan trọng: lắng nghe thầy giảng bài, lắng nghe diễn giả báo cáo, lắng nghe người yêu tâm sự, lắng nghe nguyện vọng chánh đáng của người thấp cổ, bé họng...

Có khi ta nghe mà tâm ta để đâu đâu, hoặc dõi theo con kiến đang bò, cánh chim lạc loài đang bay tận chân trời nào... Nghe mà không hiểu, không nắm được nội dung lời nói. Nghe như vậy là chưa nghe hay đúng hơn là chưa thật sự lắng nghe.

2. Tại sao ta phải lắng nghe?

Thông thường ta thích người khác chú ý nghe lời ta nói hơn là lắng nghe lời người khác nói. Nói phải có người nghe; không ai lắng tai nghe thì nói làm gì. Ngày xưa, mẹ có dịp học với một vị thầy hết sức nghiêm túc. Vào lớp, thầy bao giờ cũng “bao quát” lớp. Trò nào “lo ra”, thầy bắt trò đó lặp lại nguyên văn lời giảng. Hễ ai lập lại không được thì bị phạt.

Không phải chỉ lắng nghe lời thầy thuở còn đi học mà ta còn phải lắng nghe để mà học hỏi suốt cả một đời. Lắng nghe còn giúp chúng ta sửa đổi, khắc phục lần hồi thói hư,  tật xấu, cùng lúc, phát huy thế mạnh để mỗi ngày bản thân được hoàn thiện hơn.

Nắm quyền trong tay, con không bao giờ được quyền tự phụ, tự cho mình là “vạn sự thông”, cái gì cũng thông thạo, giỏi giang, rồi phê bình người nầy, chê trách kẻ khác, không coi ai ra gì. Đó là thái độ quan liêu, công thần rất đáng chê trách, không sao tiến bộ được. Tu dưỡng phẩm chất là việc thường trực dành cho tất cả, không phân biệt già, trẻ, bé, lớn, giàu, nghèo, sang, hèn. Đó là  việc trường kỳ: còn sống là còn tu dưỡng. Con đường tu dưỡng  của chúng ta giống như lội dòng nước ngược: không tiến tất lùi. Được tin tưởng giao cho một chức vụ “tương đối”, con đừng vội cho đó là danh vọng mà con chỉ nên coi đó như một trách nhiệm hay hơn nữa, một đấu trường để con rèn luyện, học hỏi. Con cũng có thể coi đó như một sân chơi: vui thì tiếp tục, buồn thì chia tay. Vấn đề được mất không làm ta quan tâm. Ta chỉ quan tâm hàng đầu là trách nhiệm và danh dự mà thôi. Làm đại tướng chẳng cho là vinh thì làm lính đâu có gì là hèn. Cho đến bây giờ lời nói đó của Nguyễn Công Trứ vẫn còn nguyên giá trị.

Con nên biết rằng chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng  nặng nề. Con phải biết đặt trách nhiệm lên trên lợi quyền và phải luôn luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác, đặc biệt là công tác chống tham nhũng. Tham nhũng là nhơ nhớp. Người tham nhũng là người ăn nhơ, uống nhớp chẳng hơn gì sâu bọ, xứng đáng với mọi phỉ nhổ của thế nhân.Thêm nữa, là thủ trưởng, con phải sẵn sàng  chịu cực khổ hơn người khác. Xưa có dạo, mẹ làm việc dưới quyền một ông thủ trưởng. Ông ấy luôn đi sớm, về trễ và mẹ chưa hề đi sớm hơn ông ấy dầu chỉ một lần. Một thời gian sau,mẹ lại có dịp làm việc với một vị thủ trưởng  khác. Có lần ,ông yêu cầu mẹ làm một việc trong phạm vi trách nhiệm. Mẹ làm không đạt. Biết mẹ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, ông nhìn không vui mà cũng không nói gì. Đích thân ông làm lại và chỉ trong vòng một tuần là xong, đưa vào sử dụng. Đó là những bài giảng-không-lời của các vị lãnh đạo tài đức song toàn. Vì sao vậy? Vì lãnh đạo là làm gương chớ không phải chỉ tay-năm-ngón hay  nói-miệng-tài. Thêm nữa, con tuyệt đối không được lợi dụng ai, đặc biệt người dưới quyền mình dầu chỉ là một ly cà phê đắng. Hễ bánh sáp đi là bánh quy lại; như vậy mới bền.

Thế nên, việc luôn luôn học hỏi, luôn luôn tra vấn mình, trau dồi, rèn luyện phẩm chất là điều không thể thiếu. Muốn được vậy, không có cách nào khác hơn là con phải thương trực lắng nghe. Lắng nghe để phát huy ưu điểm và nhứt là khắc phục nhược điểm.          

3. Một vấn đề nữa là con lắng nghe ai?

Đầu tiên là nghe người trên. Ai cũng bị khống chế bởi một thế lực đứng trên, kể cả các bực đế vương xưa uy quyền bạt chúng. Cho rằng các hoàng đế không bị ai điều khiển là sai lầm. Họ bị điều khiển, thật ra, là bị tra tấn bởi chính túi tham không đáy của họ. Vượt thắng tham vọng là điều hết sức khó khăn không phải ai cũng làm được. Ai cũng có tham vọng. Chỉ khác nhau ở mức độ lớn nhỏ, tốt xấu, đúng sai mà thôi. Vì vậy, con luôn cần lắng nghe ý kiến các thiện tri thức, từng trải việc đời để kịp điều chỉnh cái “tâm viên, ý mã” của con. Đó là ông bà, cha mẹ, chú bác trong gia đình, thầy cô ngoài xã hội,,,

Thứ đến, con cần lắng nghe bạn bè thân thiết trang lứa với con. Lắng nghe để học hỏi, sửa đổi. Vì sao? Vì bạn bè tác động, ảnh hưởng với nhau hết sức nặng nề. Nghe lời bạn bè hơn nghe lời cha mẹ, ngày nay, là chuyện thường. Từ rất lâu, ông bà ta vẫn nhắc nhở: hãy chọn bạn mà chơi.  Hạnh phúc cho ai kết thân được với một người bạn hiền. Một lời khuyên chân thành của một người bạn tốt thật không còn gì quý hơn. Tuy vậy, con cũng không nên lắng nghe một cách mù quáng mà cần cân nhắc thiệt hơn.

Lắng nghe người trên, lắng nghe người ngang hàng con là cần nhưng chưa đủ. Theo mẹ, điều quan trọng là con phải biết lắng nghe kỹ những người trợ lý của con.  Mạnh dạn gạt qua một bên những lời phỉnh nịnh, ton hót bùi tai nhằm trục lợi, mua danh, con cần để ý lắng nghe những lời “phải” của những người chánh trực. Con nhớ, lời thật mất lòng, thuốc đắng đã tật. Những lời chỉ trích đúng đắn có thể làm con tự ái, không hài lòng, rồi rắp tâm trả thù. Con mà như vậy là nhỏ mọn, không xứng đáng lãnh đạo. Người chỉ huy người, trước hết, cần có tâm địa rộng rãi, biết cầu thị, tha thứ và chân thật. Thiếu những đức tính cần thiết đó, con không sao thu phục được lòng người vốn là một bí quyết của thuật lãnh đạo, chỉ huy.

*****

Đứng ở chỗ tương đối tốt, con có điều kiện học hỏi để sớm trưởng thành và nên người. Nhưng con cần nhớ rằng bản chất đời sống là bấp bênh, thất thường và mong manh. Con nên coi công việc được giao nhứt thiết như một “ủy nhiệm”, chứ không phải một “ủy quyền”. Vì vậy, bao giờ, con cũng nên đặt trách nhiệm lên trên quyền hạn. Bởi vì thực chất, trên nền tảng dân chủ cơ sở, ai cũng như ai, chứ con có quyền gì đâu. Cần nhận thức sâu sắc điều đó, con ạ.

Lãnh đạo đích thực là một nghệ thuật. Vì thực tế, ít ai muốn bản thân mình bị lãnh đạo. Làm sao cho lãnh đạo người mà người không biết bị lãnh đạo mới là lãnh đạo có nghệ thuật, có bản lãnh;

Tháng 05/2014

CÔ  TY

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.