TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

    

      Tôi đang định viết đơn kiện ông hay Bà nào đã sáng tác hai chữ điền viên trong Văn Học Việt Nam.Theo tác giả thì Điền Viên  là hai từ gắn liền nhau bất khả phân ly. Nói chữ Điền mà quên chữ Viên (hay ngược lại ) chẳng khác nào có ý chia uyên rẻ thúy. Tôi dựa vào những dữ kiện,bắt nguồn từ gia đình tôi: Ông nội tôi chỉ có chữ điền, mất chữ viên; đến đời ba tôi gồm đủ cả hai nhưng chỉ nửa vời vì chiến tranh nên ông phải tản cư về thành, mới được đó lại mất trọn vẹn,đến tôi, đời thứ ba chỉ có chút ít viên mà thiếu điền, đời con và cháu tôi lại thiếu cả hai. Bốn đời liên tiếp có đời nào hưởng trọn nghĩa chữ Điền Viên đâu. Quí vị nghĩ xem tôi kiện đúng chứ? Vạn nhứt tòa có bác đơn thì bất quá đuổi về nhà kèm theo từ Mẹc xà lù của tiếng Tây chứ không đến nỗi phải hui nhị tỳ như bên nhà .Nói đến kiện tụng chẳng khác nào chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ của thế kỷ trước. Thôi thì mình bắt đầu bàn về những gì có dính líu tới Điền viên vậy.


    Tác giả hai chữ điền viên chắc hẳn thâm nho đời trước, bằng không họ nói ruộng vườn thay vì phải dùng chữ nho. Chữ điền,phía ngoài là hình vuông dài,từ trung tâm mỗi cạnh,ta vẽ hai đường thẳng giao nhau ở giữa. Đó là chữ điền, nghĩa là ruộng. Nhìn chữ viết ta biết ngay cách làm ruộng phải thế nào. Trước tiên để tránh phiền hà sau nầy,người làm ruộng hay còn gọi nông dân,phải phân ranh đâu đó đàng hoàng bằng bờ bao. Bờ bao cao thấp,rộng hẹp tùy vào ý thích của chủ ruộng. Thường những ông đại điền chủ mới đắp bờ bao,để phân biệt điền sản của mình với người khác. Đất trong bờ bao là đất thuộc,nghĩa là đất trải qua nhiều năm canh tác. Bờ bao giữ nước, thậm chí giữ luôn tôm cá nữa. Đắp được bờ bao tốn rất nhiều công phu và tiền bạc, phải là đại điền chủ mới làm nỗi.
     Cũng có những chủ điền “thường thường bậc trung”, họ cũng có bờ bao như bao điền chủ khác,vậy họ làm cách nào? Đây là những người biết tính toán và có từ tâm. Họ huy động tá điền đắp bờ bao, bù lại họ có thể bớt lúa ruộng,hoặc cho tá điền một phần đất để cất nhà và làm vườn cho vui ( Chắc chắn có những giao ước rõ ràng,chứ chả lẽ chủ điền cho họ quyền sang nhượng nền nhà và vườn tược khi họ không còn là tá điền ở đó nữa. Tôi quá lo xa, y hệt tôi là điền chủ )

alt

     Bất cứ ai cũng muốn có quyền tư hữu, chủ điền mơ điền sản của mình cò bay thẳng cánh,hay chó chạy cụp đuôi như các chủ đìền  miệt Rạch Giá, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tá điền cũng vậy,ngoài việc đem mồ hôi, sức lực đổi lấy chén cơm ở cánh đồng họ thuê của chủ đất, nếu bây giờ họ có thêm một miếng đất nho nhỏ để lúc rổi rảnh họ hoặc vợ con trồng thêm vài cây cà, cây ớt, dăm bụi chuối thì họ sẽ vui vẻ cỡ nào? !
Trên đây ta đã trình bày việc đầu tiên khi bắt tay vào điền là phải rào rấp, đê bao, ranh đất  tức ta nói đến quyền tư hữu của con người,. Đụng đến quyền tư hữu tức xảy ra tranh chấp, thưa kiện, nhiều khi xảy ra đổ máu chỉ vì một vài thước đất ranh. Chẳng riêng người lớn ngay đứa bé năm,sáu tháng tuổi cũng đòi quyền tư hữu. Các bạn không tin ư? Hãy quan sát đứa bé đang bú sửa mẹ (không phải bú bình như bây giờ), miệng ngậm vú bên này,tay kia nó giữ chặt vú bên kia của mẹ nó,tức nó cho đó là của nó không ai có quyền đụng tới, ba nó dùng quyền của kẻ mạnh giành với nó. Lập tức nó phủi tay ba nó lia lịa, nếu ba nó còn ngoan cố, bé nhứt định sẽ khóc óe lên. Sau năm 1975 một số cán bộ tuyên truyền :huênh hoang:”Đồng bào miền Bắc cưu mang dân miền Nam thậm chí cục muối cũng cắn đôi”. Tôi hoàn toàn đồng ý, cục muối thì cắn đôi, nhưng cục  đường có lẽ họ lủm tuốt.


    Chủ điền cũng có nhiều hạng; Hạng điền chủ ác ôn,chuyên bóc lột sức lao động của tá điền để làm giàu. Đó là chưa kể đến việc họ dùng tiền bạc cấu kết với tham quan để chiếm ruộng vườn của kẻ thế cô sức yếu.
      Hạng chủ điền khác xuất thân từ nghèo khổ đến vùng:"khỉ ho cò gáy” khẩn đất hoang gây dựng sự nghiệp nhờ vào sức lực từ đời này sang đời khác.
      Một hạng chủ điền tôi gọi là “Trời cho” làm giàu. Tôi biết hai chủ điền trời cho, một  bà nhờ có chút ít tiền dành dụm mua một ngôi nhà loại xưa với giá rẻ. Hai năm sau trong lúc ngủ trưa,bà nhìn lên nóc nhà chỗ cây trính thấy có vật gì lạ,giống như cái ô đựng trầu cau, bà sai người con  bắc thang lên xem thử. Đó là cái ô đầy vàng.!. Vàng bạc đến bất ngờ không biết làm gì, Bà và người con dùng số vàng trời cho mua đất,không bao lâu trở thành điền chủ. Khi phong trào người cày có ruộng bà bán phần lớn đất của mình cho Chính Phủ.Gia đình bà sống vương giả nhờ tiền truất hữu. Một ông nữa ở quê tôi, gia đình sở hữu ít sào đất, ông bắt chước người ta buôn lúa. Đến năm 1955 khi quân đội quốc gia tấn công Tổng Hành Dinh của tướng Trần Văn Soái tức Năm Lửa ở Cái Vồn (Vĩnh long), Lợi dụng lúc hỗn loạn, người coi kho bán lúa cho con buôn  rồi chuồn mất. Sau chuyến buôn lúa, ông Tư giải nghệ (tôi tạm gọi ông Tư). Chừng nửa năm sau, gia đình ông Tư bắt đầu mua ruộng đất, đồng thời mua phố xá cho mướn. Ông trở thành điền chủ kiêm luôn chủ phố.Nhiều người thắc mắc, hỏi có phải chuyến buôn lúa vừa qua ông được vàng hay bạc. Ông cười cười trả lời:
    -Tôi làm lụng suốt ngày  nên gom góp được chút ít thôi.
     Trên đây ta mới bàn đến phía ngoài của chữ điền,việc chính là xem phải làm gì để có lúa gạo ăn,tức đi sâu vào việc cày, cấy, gặt hái để hoàn thành chữ điền đúng nghĩa.


     Đa số nông dân miền Nam phần nhiều là con cháu của những di dân từ miền Bắc vì ,không chịu nỗi nghèo hèn cơ cực, ông cha họ xa lìa đất ngàn năm văn vật,xuôi Nam tìm kế mưu sinh. Buổi đầu họ gặp biết bao gian nan nguy hiểm, giặc cướp có thể lấy mạng sống bất cứ lúc nào. Ngoài giặc cướp họ còn phải đối phó với hùm beo, thú dữ, thêm vào đó là sơn lam chướng khí lúc nào cũng chực chờ đánh quỵ họ.
     May mắn vượt qua những chướng ngại vừa kể, thiên nhiên cống hiến cho họ vùng đất đai trù phú mà có lẽ trong mơ họ chưa dám nghĩ tới. Đất đai bao la bát ngát,muốn làm bao nhiêu cứ khẩn. Ở miền Bắc đất hẹp, người đông, con người phải cật lực cày sâu cuốc bẫm mới có miếng ăn. Trái lại đoàn di dân vào Nam ,sau khi ổn định chỗ ở, họ bắt tay vào nghề nông cha truyền con nối..Cái ưu tư của đoàn di dân bây giờ là làm sao có đủ nhân lực để khai thác, tạo ra lúa gạo, hoa màu. Nói “làm chơi ăn thiệt” có thể là lớp con cháu sau này của đoàn di dân. Những kẻ khai sơn phá thạch phải đối phó với muôn vàn khó khăn như làm sao trị thủy,cách canh tác có giống những gì họ học được ở miền quê của họ trước đây chăng?Nông cụ thế nào, việc đi lại ngoài cách cuốc bộ,còn phương tiện nào nữa không ?. Những khó khăn trùng trùng, điệp điệp làm nãn lòng một số di dân:thay vì tìm cách làm chủ, họ bất lực buông xuôi và tiếp tục đời làm thuê, làm mướn. Đồng ruộng miền Nam trong giai đoạn này còn là đất trầm thủy hoặc rừng già chứ chưa phải là đất thuộc.
    Nếu là rừng, họ phải đẵn cây xuống rồi đốt. Khai phá rừng tuy khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng bù lại họ trồng trặc chỉ dăm tháng sau thì có huê lợi
    Đất trầm thủy,công việc cấy lúa có phần vất vả hơn. Trước tiên phải đợi đến  đầu mùa mưa,vào khoảng tháng tư âm lịch,người ta hoặc cày, hay phát vùng đất định canh tác, đợi đến lúc  mưa già, dùng trâu, bò trục,sau đó cấy lúa. Làm ruộng cách nầy thường không trúng .
Những nông dân làm ruộng trầm thủy, lần hồi tìm ra phương thức mới. Nhiều chủ ruộng họp nhau đào kinh vừa rút nước phèn đồng thời ngăn lũ tràn vào đồng ruộng lúc canh tác.Từ đất trầm thủy sang đất thuộc phải tốn ít nhất cũng ba,  bốn năm. Mồ hôi, nước mắt, sức lực dồn hết vào cánh đồng. Do đó nếu vì bất cứ lý do nào như: chiến tranh, kẻ có thế lực chiếm đoạt ruộng đất của họ, họ sẽ đau khổ biết dường nào!


    Ở vùng Long Xuyên,Châu đốc,trái với nơi khác, dân chúng không quan tâm đến vấn đề trị lũ lụt. Tới mùa nước nổi,dân chúng cứ tỉnh bơ lo giăng câu, thả lưới bắt cá tôm kiếm sống. Hai tỉnh vừa kể họ có cách trị thủy vào bậc thầy của thế giới,trong lãnh vực bảo tồn lương thực, thực phẩm. Các bạn thắc mắc hỏi : phương pháp hay ho thế sao không phổ biến cho tất cả mọi người biết. Thật ra các nơi khác của nước Việt Nam không nơi nào xảy ra lũ lụt tệ hại như vùng Châu Đốc, Long Xuyên. Cư dân hai tỉnh trên bị lũ nhiều năm ,khi đọc và nghiên cứusử Việt họ khám phá ra trong kho tàng lịch sử nước nhà có bài học  vô cùng quí giá,đó là trận đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thủy Tinh dùng sức nước toan nhấn chìm,giết chết Sơn Tinh. Sơn Tinh bình tỉnh, nước lên đến đâu, Sơn Tinh sai quân thúc trống cho cơ ngơi mình cao hơn một chút. Đánh mãi, Thủy Tinh vẫn luôn ở thế hạ phong.
    Bài học  trên dạy dân  miền Châu Đốc, Long xuyên  phác họa kế sách phòng lũ. Trước tiên về nhà ở, thay vì xây nhà trệt như các nơi khác,họ lại cất nhà sàn. Nước ngập tới tầng trệt,gia đình con cái rút lên gác thì an toàn. Những năm bão lụt như năm Canh Thìn (1940 ) hai tỉnh Gò Công, Bến Tre bị ngập lụt dữ dội, các tỉnh khác vùng đồng bằng Nam bộ đâu đâu cũng thiệt hại Riêng Châu Đốc, Long Xuyên vẫn sản xuất lúa gạo như những năm không bão lụt..Họ có bí quyết gì chăng. ?

      Đúng là cư dân đã tìm ra bí quyết từ bài học Sơn Tinh,Thủy Tinh. Dânchúng đã tìm cách cư an ( cất nhà sàn ), kế tiếp phải tìm ra loại lúa Sơn Tinh,tức là lúa vẫn nương theo nước mà sống còn,nhưng bao giờ cũng  vượt trội hơn nước một tí.Đó là lúa Tào Binh. Không biết từ bao giờ và ai có công tìm ra giống lúa  trên.Hỏi những người cố cựu, ai cũng lắc đầu chịu thua.


      Năm 1956 tôi theo ba tôi đi Châu đốc , vào mùa nước nổi để thăm bác Hai,người bạn thân của ba tôi. Ngồi ở nhà bác,nhìn nước lên từng giờ thấy phát hoảng, nơi nào cũng toàn là nước. Anh Hoàn, con lớn của bác Hai hỏi tôi có dám ngôi xuồng ra ruộng coi chơi cho biết nước lụt thế nào không? Tôi cũng dân ruộng rẫy đâu sợ gì. Hai anh em cùng bơi xuồng ra ruộng. Cảnh đồng ruộng mùa lũ đẹp quá mức  tưởng tượng của tôi:sóng nhấp nhô theo từng cơn gió, lúa chỉ còn trơ ngọn không hơn một tấc. Trong sóng nước pha lẫn màu lúa xanh mơn mởn, ẻo lả, ngả nghiêng theo chiều gió. Thật là cảnh đẹp khó tìm. Nhìn cảnh đẹp, tôi lại lo cho cây lúa không biết có chịu nỗi khi nước ngập cao hơn nữa. Tôi thổ lộ mối ưu tư của mình với Hoàn, anh không trực tiếp trả lời.
    -Bác Tư ( ba tôi thứ Tư ) cho biết ngày mốt mới về, vậy mai mình trở lại đây xem sao. Nói xong Hoàn bơi xuồng đi nhổ bông súng. Chúng tôi nhổ độ hơn nửa tiếng đã được một bó lớn bông súng đủ ăn suốt ngày.

alt


     Trưa bác Hai gái đãi cha con tôi ăn bữa cơm ”đạm bạc” với gia đình bác gồm canh chua cá lóc nấu với bông súng,tôm kho tàu,cá rô mề nướng. Ăn uống như vầy quá thịnh soạn đối  với dân đồng bằng sông Cửu long như gia đình tôi. Buổi chiều món chánh là mắm kho ăn với bông điên điển, bông súng.v.v.v. Mắm kho Châu đốc với đủ loại rau đúng là món khoái khẩu khó quên được khi đã thử qua.
      Cơm chiều xong , tôi ra trước hiên nhà nhìn nước, thình lình bầu trời mây đen kéo đến,, gió thổi vù vù, căn nhà sàn của bác Hai kêu răng rắc, cơ hồ sắp sập tới nơi,phút chốc một trận mưa như trút nước xuống, tôi chợt nghĩ phải chăng Thủy Tinh mang viện binh tới. Độ một giờ sau mưa dứt hột. Bên ngoài trời tối đen như mực Tiếng cá vẫy xôn xộn
       Có lẽ bị mắc câu của Hoàn giăng xung quanh nhà từ ban chiều. Nghe thế nhưng không ai muốn đi thăm câu vào lúc lạnh lẽo như thế này.
Sáng hôm sau bác Hai và ba tôi iđi thăm một người bạn khác của hai ông ở cách nhà chừng hai tiếng bơi xuồng. Ở nhà trừ bác gái bận lo cơm nước,Hoàn, Kim Anh,em gái Hoàn và tôi có chương trình riêng. Sau khi dùng cơm, chúng tôi bơi hai chiếc xuồng đi thăm ruộng. Lạ quá, tôi cứ tưởng lúa không thể nào vượt lên khỏi mặt nước vì chiều qua mưa quá lớn, vậy mà ngọn lúa vẫn vươn lên như thường. Tôi rất ngạc nhiên  nói lớn :
    -Đúng là lúa thần hay lúa Sơn Tinh rồi.
Kim Anh thắc mắc lên tiếng hỏi
  -Anh nói gì ? Lúa thần ở đâu,lúa Sơn Tinh là lúa gì?
     Tôi kể lại những băng khoăng của tôi trước cảnh lúa có thể bị ngập gây hư hại như tôi đã thổ lộ với Hoàn hôm qua. Nghe xong Kim Anh cười ngất bảo:
    -Anh Hoàn thấy anh ở xa đến nên làm ra vẽ bí mật, chứ dân ở đây có ai lo chuyện bao đồng như anh đâu ?.
     

      Đặc điểm của lúa Tào Binh là nước tới đâu lúa lên cao hơn nước một chút. Điều tôi thắc mắc về loại lúa Thần nầy còn nhiều,sẵn dịp tôi hỏi anh em Hoàn về cách cày cấy. Hoàn cho biết cứ vào tháng ba âm lịch,người ta dùng trâu cày đất lên phơi khô cho chết cỏ (dùng máy cày thì tốt hơn), đợi đến mưa đầu mùa thì sạ, tức đem lúa rải đều vùng đất canh tác. Thông thường một giạ lúa giống cho một công đất. Theo ty Điền Địa qui định một công đất là 1000 mét vuông,có nơi gọi một công là một sào. Đó là trên giấy tờ Hành Chánh,thực tế có khác. Miền Bắc một công thường dưới một ngàn mét vuông. Trong Nam, người ta dùng tầm để đo đạc cách tính như sau: một công đất là 144 tầm vuông,mỗi tầm có nơi dùng tầm 2,50 m hoặc 2.60 tùy địa phương. Nói chung công đất trong Nam thường lớn hơn 1000 mét vuông.
    Sạ xong ,người ta bừa lại,khiến đất cày vỡ vụng ra,hột lúa bị lấp bởi đất bừa,nằm chờ đó,đơi mưa xuống nẩy mầm thành cây mạ. Mạ lớn dần thành cây lúa, lúa trổ bông , chín . Gặt hái đem lúa về nhà là giai đoạn chót của vụ mùa.
Năm 1979,miền Nam bị lũ lụt dữ dội,nước ngập nhà cửa, phố xá, vụ mùa coi như mất trắng. Để cứu đói, người dân tìm vùng đất cao như sân nhà, sân lúa, những liếp trong vườn làm chỗ gieo mạ, hy vọng sẽ cấy được ít công đất cứu đói khi nước rút xuống. Vùng tôi ở, hai nhân vật làm việc khác thường trong việc lo cứu đói, ông Năm Lòng tối ngày chống xuồng  với con dao bứng lúa tìm bứng những bụi lúa mồ côi, những bụi lúa mọc cặp ranh,hay những bụi lúa ở gần lung, hết cánh đồng nầy sang cánh đồng khác, khi đầy xuồng ông mang về đất nhà cấy xuống thay chỗ lúa bị nước ngập chết. Nhờ siêng năng ông đã tái tạo được dăm công đất. Đến mùa lúa chín ông thu hoạch khấm khá, bù lại công sức ông bỏ ra tìm bứng lúa mồ côi.
Một người khác tôi gọi anh Hai Th.,anh nầy thuộc con cháu mấy chục đời của chú Ị, Theo truyền thuyết của dân Nam Bộ, chú Ị, người làm biếng nổi tiếng qua câu hát ru em:


    Trời gầm chú Ị lòi ra
    Cái lưng chú Ị hơn ba mươi tầm.


      Đầu năm trong lúc mọi người chuẩn bị gieo mạ, cấy lúa, anh lên Châu đốc thấy cách sạ lúa của dân chúng anh thích quá, bèn mua bốn năm giạ lúa Tào Binh về làm thử. Kết quả năm đó lũ lớn mọi người lo sốt vó vì lúa mất trắng, anh Th. lại có lúa đầy bồ. Đúng là có phần chẳng cần gì lo Bà con lối xóm xúm nhau đổi lúa Tào binh làm giống,nhưng mấy năm sau nước ở mức vừa phải nên những bà con chạy theo giống  lúa mới  không được như ý. Họ quay về phương pháp cỗ sau khi nghe dân miền Long Xuyên,Châu đốc giảng giải rõ ràng: lúa Tào Binh chỉ thích hợp vùng nước sâu,vùng lũ lụt. Thì ra là thế,hèn gì. . .

---o0o---

alt


     Viên đi kèm chữ điền, thành từ điền viên là rung vườn, ngoài ra có những từ kép như hoa viên, nghĩa là vườn hoa, hay viên gia tức vườn của nhà đó hoặc  vườn của gia đình đó. Chúng ta tạm thời chấp nhận bao nhiêu từ vừa kể trên. Dĩ nhiên còn nhiều từ ghép với viên  nữa, nếu có dịp ta sẽ đào sâu hơn.
    Trước tiên dựa vào tư dạng,chữ viên,bên ngoài là bộ vi tức vòng ,nếu muốn làm ruộng phải có ranh,có bờ bao;,tương tự công việc trước tiên của làm vườn cũng phải phân ranh.Nếu trồng cây xoài cây mận lấn qua đất nhà hàng xóm dù chút ít cũng là mối họa cho con cháu sau nầy.Cũng có khi người hàng xóm,cứ nhắm vào những quả sát bên ranh ,dù biết không phải của mình, vẫn tự nhiên hái đem về nhà ăn mà không cần hỏi han gì cả.. Ông chủ vườn có hoa quả bị hái không phiền hà một là ông quá rộng lượng, hai là ông sắp thí phát qui y, nên nằm lòng câu:


    Ở đời muôn sự của chung
    Sống không thác lại tay không có gì.


     Mọi người đều tốt như thế,kỹ nghệ sản xuất vũ khí của Mỹ phải đóng cửa mất vì không còn chiến tranh nữa.
     Một nhóm khác dựa vào tiền đề trên,rồi lái sang hướng mới có vẽ hào khí ngút ngàn :


    Người đời muôn sự của chung
    Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.


     A Di Đà Phật! Đệ tử lòng trần còn sâu nặng,cái gì thuộc về đệ tử kẻ khác ngang nhiên chiếm đoạt, một lần, hai lượt còn nhịn được,nếu nhiều lần liên tiếp e rằng khó nỗi làm thinh. Gặp phải kẻ có quyền lực thì đành phải cúi mặt đi chỗ khác mà lòng ấm ức đợi dịp rửa hận.
Còn chuyện anh hùng,xin miễn bàn vì lá gan của tôi nhỏ xíu. Bà xã lớn tiếng một tí đã run rồi thì còn gì là anh hùng.                                                                                     
     Nhiều ông chủ vườn có sáng kiến,tạo hàng rào cây xanh vừa đẹp mắt, vừa ngăn ngừa những kẻ lợi dụng.  Tôi quen một chủ vườn làm hàng rào xung quanh bằng cây bông bụp, hay bông tụi rất bắt mắt, thay vì làm bằng cây khô trong  vòng năm năm phải thay hàng rào khác vừa mất công, tốn của. Đằng nầy ông trồng” bông tụi “ngay hàng thẳng lối, càng lâu hàng rào càng dày, kín, hoa nở bốn mùa trông  rất đẹp
Kế đến là chữ thổ; thổ là đất. Cày cấy có thể trên đất gò, đất sâu, đất trầm thủy, nơi nào cũng được: đất tốt gặt hái nhiều, đất xấu năng xuất kém. Trái lại chọn chỗ đất không thích hợp trồng trặc, coi như xôi hỏng bổng không. Hồi ông tôi còn sanh tiền, tôi nhiều lần yêu cầu ông trồng thêm cam quanh nhà, ông lắc đầu cho biết:
   - Trồng cam khó lắm cháu ạ, chỉ một liếp cam trước nhà, ba con, chú con đã tốn biết bao công sức.
     Ông chỉ nói vậy thôi mà không giải thích tại sao lại khó trồng. Tôi cũng không dám hỏi  nữa. Sở dĩ tôi đòi trồng cam thêm vì cam ngon ngọt mà ít quá, ăn chưa đả thèm.. Khu đất tạm gọi là vườn của ông tôi, hơn mẫu tây, phía trước nhà trồng vài chục cây dừa dọc theo đường đi, hai liếp chuối bên trái.    Trước cửa nhà, trồng đúng mười cây cam  trên diện tích hẹp được đắp cao lên bằng lớp mặt của đất ruộng, một hệ thống mương xung quanh để mấy cây cam không bị úng nước.


     Phần tiếp giáp với ruộng là khu mồ mả ông bà, kế đó là trâm bầu, sắn bằng lăng và cây muồng, bốn mùa đều trổ hoa đỏ sậm. Xóm tôi ở được đặt tên là Cái Muồng vì có nhiều muồng chăng?.
     Cây muồng tăng trưởng mạnh nơi nước đọng. Ngoài  mục đích dùng làm củi, đọt muồng giã nát thêm vào ít muối là bài thuốc trị nước ăn rất hữu hiệu, thân cây muồng xắt lát mỏng,phơi khô, sao thủy thổ dùng như trà là thuốc nhuận trường có một không hai. Một vị thuốc nữa cũng từ cây muồng đó là thuốc trị lác., cho dù khô hay lác ướt đều trị dứt.
      Tôi nói dài, nói dai, không phải để quảng cáo quê tôi đâu nhé, thực ra quê tôi có gì đẹp đâu mà phô trương. Kể chuyện lung tung,lang tang với chủ đích là tôi đã nắm được nguyên tắc chọn đất làm vườn sau bao năm tìm tòi. Hỡi ôi khi biết được thì đã quá “đát” rồi, vã lại hiện tại nhà còn không có, lấy đất đâu để làm vườn.
      Tóm lại muốn làm vườn có kết quả, nên chọn vùng đất gần chỗ sông sâu,nước chảy;  vùng đất phèn ,nước trong vắt,cá lội lộ hình,,sông nước chảy lờ đờ màu đỏ như son. Đó là vùng đất chỉ trồng xoài, dừa, chuối là có kết quả. Nếu muốn lập vườn cam, quit, bưởi, lôm chôm e tốn công phí sức mà kết quả không như mong đợi.
       Dưới chữ thổ là chữ khẩu, lúc còn học có thầy dạy không nhớ để hỏi, khi viết bài nầy thấy chữ khẩu suy nghĩ mãi không biết nó đóng vai trò gì trong chữ viên, nếu khẩu là miệng thì giải thích sao cho ổn. Chả lẽ được đất tốt (thổ), khoái quá la to lên cho mọi người biết Theo thiển ý chữ khẩu ở đây hiểu như là cái ao. Cạnh vườn cây trái phải có nước để tưới. Không đào ao gặp khi hạn hán, thiếu nước  cây trái sẽ chết hết. Lúc ở trại tù, được gán cho mỹ danh”trại cãi tạo” mấy ông cán bộ ra rả câu:
Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
Có thể, tôi bị mấy chữ trên ám ảnh, nên hiểu chữ khẩu dưới chữ thổ là ao chăng?
(xin quí thức giả vui lòng chỉ giáo).


      Tôi xin kể việc tôi làm vườn hầu quí vị: Năm 1962,tình hình miền quê,nơi ba má tôi cư ngụ có vẽ không yên, chúng tôi bàn kế dọn về thành. Với số tiền dành dụm của hơn ba năm dạy học, tôi mua được miếng đất  ruộng khoảng 1600 mét vuông. Lúc tôi mua vào mùa nước nổi, thửa đất ngập sâu tới đầu gối
      Ba tôi đề nghị đến mùa khô sẽ mướn người đào mương lấy đất vừa đắp nền nhà,vừa làm liếp trồng cây trái sau nầy. Vì thiếu đất nên phải đào mương thật sâu. Hồi đó tôi còn trẻ không có kinh nghiệm trong việc trồng tỉa, cũng không chịu hỏi ai để học kinh nghiệm,thấy đất màu đen tuyền tưởng là đất tốt, nên mua lôm chôm về trồng. Mấy người anh họ, người cho mận, người cho ổi, xoài.Trồng xuống ban đầu tươi tốt,lần hồi teo tóp rồi  chết. Trong lúc dạy học ở quận Chợ lách,tôi làm quen một vài chủ vườn, họ cho biết vì đào quá sâu nên không trồng trọt được, phải chờ đất rỏ phèn mới tính tới việc trồng cây ăn trái.
      Trong Nam cây trứng cá đâu đâu cũng có,nó mọc khắp nơi,chim ăn trái chin rơi rớt hột,cây con mọc lên và lớn mau, tàng cây có thể che mát được. Tôi tìm được dăm cây trứng cá nhỏ về trồng trước nhà.Đối với tôi nó không dễ trồng chút nào, tôi phải bón phân, tưới nước thường xuyên nó mới sống được. Đến chừng cây cao khỏi đầu,bây giờ đất đã hết phèn, muốn chặt bỏ trồng cây khác cũng phải đào gốc, móc rễ mới diệt được..


    Miếng vườn nhỏ xung quanh nhà tôi,mỗi thành viên trong gia đình ai cũng góp công, gom  sức tạo thành. Má tôi tìm giống dừa trái lớn và sai đem về, ba tôi trồng bốn cây, được hơn năm tháng rồi ông bà bị pháo kích chết cùng cô em gái áp út của tôi khi về quê gặt mùa lúa cuối cùng.
Chính nhờ bốn cây dừa đó sau năm 1975 đã cho các con tôi những bữa ăn đạm bạc, đấp đổi sống qua ngày.. Bà xã tôi đi chợ mua được mít ngon, đem về ăn, thấy có mấy hạt nẩy mầm, đem ra trồng được bốn cây,chừng hai năm đã có trái.Em gái thứ sáu thích làm kẹo bánh, cô trồng ba cây chùm ruột,hai cây táo tàu để làm mút vào dịp Tết.Phần tôi trồng xoài, chuối, bưởi, mận, ổi. Sau một thời gian ở Ba tri về tôi biết cách trồng cây mãng cầu dai, người Bắc gọi trái na Nói chung, tôi trồng đủ thứ cây trái, không phải để bán,vì có bao nhiêu đâu mà bán.Mục đích có trái cây “ăn lấy thảo”. Ở miền quê khi biếu cho nhau người ta thường nói;Biếu bác, chú, dì ăn lấy thảo,t ức là chỉ có ít, nhưng vẫn nhớ đến bác và mời bác v ...v...
      Sau cùng trong chữ viên còn chữ nhân,tức là chữ nhân đứng kèm thêm hai gạch. Chúng tôi trong lúc đi học thường gọi chữ đó là lòng nhân. Làm vườn cốt trồng cây cho tốt,mau đơm bông, kết trái, làm gì có lòng nhân trong đó.?!


      May quá anh bạn nhắc tôi một câu lúc hai đứa còn học chung:
      Nhân giả, nhân dã (có đức nhân mới đáng gọi là người)
      Thì ra là vậy,tôi đã thực hiện nhiều lần mà lại không  để ý. Vì làm vườn để anh em,con cháu ăn,nên bốn mùa đều có trái cây. Khách đến chơi lúc đãi chuối cau chín, khi ăn bưởi.Trước năm 1975 nhiều lần tôi rủ bè bạn đến nhâm nhi xoài tại gốc thay vì hái đem vô nhà mất cái ngon  Chỉ cần cái bàn dã chiến,bốn cái ghế,một chén muối ớt,vói hái ít trái xoài, bốn chai bia thì cũng đủ cho bốn người lơ lửng con cá vàng rồi. Nhậu như thế lại ngâm  hai câu thơ sau ( dường như của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ).:


Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quí tợ chiêm bao.


     Vào thời điểm xuất xứ hai chữ điền viên, chắc chủ vườn chưa nghĩ đến vấn đề bán chác. Làm vườn phần nhiều để ăn, biếu xén bè bạn, mời bạn đến vườn mình cùng nhâm nhi phải là bạn thân có tư cách, xứng đáng làm người. Như vậy tôi đã giải được  vị trí của chữ nhân rồi.


Viết xong 22 October,2011
Nguyễn Thành Sơn

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.