TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

(Trích Sưu tầm của Hoàng Anh Tài )

Nhiều danh từ không đẹp để gán cho những anh chàng sàm sỡ, đại loại như :
- Dê già : già không nên nết, già mà còn ham dâm dục
Ông già ông đội nón cồi
Ông dê con gái, ông Trời đánh ông.

- Dê cụ : Nổi tiếng nhất trong sách sử có Ông Trượng Dê Tiên Bửu chèo đò và điển hình nhất là Ông Chiêu Hổ. Một khi đã dê thì nhất định phải thành công : Ông ghè không được, ông ghè mãi, ghè mãi rồi ra cũng phải rè.

- Dê đạo lộ : Loại dê này rất bướng, rất táo bạo, nơi nào cũng thả con dê ra được cả :
Hồ Xuân Hương dã châm biếm :
Ông Đồ tỉnh, ông Đồ say
Sao ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày.

Lại có những chàng trai thiếu nhã nhặn, không đứng đắn khi trêu chọc phụ nữ, tán gái một cách khiếm nhã và sỗ sàng :
Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Đi trong đám hội, có chồng hay chưa ?
Cô kia, má đỏ hồng hồng
Cô chưa lấy chồng còn chờ đợi ai ?

hoặc : 
Ngó lên mây trắng, mây xanh
Ưng ai cũng vậy, ưng anh cho rồi!

Đã gọi rằng dê đạo lộ thì không trừ một nơi nào, tại phố phường, trên đồng, dưới ruộng, cũng có mòi dê cả : 
Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngó về hàng bột, trông ra hàng đường
Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.

Trông thấy một phụ nữ đang lao động, tay lấm chân bùn cũng buông lời hoa nguyệt :
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với, chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.

- Dê xồm : Những ông già có bộ râu cạnh hàm dưới, giống hệt như râu dê, mà tính tình thì cũng ba trợn với phụ nữ, nên bị phỉ báng :
Dê xồm ăn trái khổ qua
Ăn nhằm đậu đũa, chết cha dê xồm !

Các lão già dịch này, nếu nói về dê thì không kém Bùi Kiệm trong Lục VânTiên mà Đồ Chiểu đã tả :
Con người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi trơ bộ mặt, như dề thịt trâu.

Bên cạnh những sự việc trêu chọc gái có tính cách qua đường, cũng có nhiều người thật dạ chung tình, khi đã yêu thì nhất định tiến tới hôn nhân, cưới xin hẳn hoi, cho rỡ ràng hai họ :
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.

Trường đời, không có gì là tuyệt đối cả. Nếu về phía nam mà có những chàng dê, thì chắc chắn phái nữ cũng không kém. Đôi khi còn hơn nữa là khác? Căn cứ vào câu ''Nam thất nữ cửu'', đàn ông chỉ có bảy thôi, còn đàn bà tới chín lận. Đại để như có một thiểu số bà, mặc dù cao niên, nhưng lại là ở tuổi hồi xuân (retour d'âge). Tuổi già mà tình không già, xuân tình còn rung động :
Bà già đã bảy mươi tư
Ngồi bên cửa sổ, biên thư kén chồng.

Riêng đối với phụ nữ, khi lửa tình đã bừng cháy, thì họ rất đường đột, tự nhiên không mắc cỡ, nghĩ sao nói vậy :
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc, châm hoa sữa
Dê cỏn buông sừng, húc giậu thưa.

Hơn thế nữa, nhiều bà đã có gia đình, có chồng mà còn thích chơi ngang :
Sớm mơi xách rổ ra phía chợ đông
Xem một quẻ bói, lộn chồng được không ?

Một vài cô gái, chịu không nổi cảnh chăn đơn gối chiếc, đường đột thố lộ can trường :
Của chua ai thấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.

- Dê ngầm : Có những người ''tình trong như đã, mặt ngoài còn e'', không dám thố lộ trước người mình thầm yêu trộm nhớ, xa vắng thì mong gặp gỡ, nhưng khi đối diện thì chẳng thốt được lên lời :
Xa xăm nơi ấy anh mong đợi
Gặp gỡ nhau rồi, biết nói chi ?

Những sự mơ ước, những chuyện yêu thương vẩn vơ này, đã được các cố thi sỹ Lưu Trọng Lư ta thán như sau :
Ai bảo em là giai nhân
Cho lòng anh đau khổ
Ai bảo em ngồi bên song cửa 
Cho vương víu nợ thi nhân.

Đau khổ vì yêu mà không thốt lên lời trước người đẹp như cố văn sỹ Khái Hưng đã phiên dịch bài thơ Pháp ''Sonnet d'Arvers'' tựa đề ''Tình tuyệt vọng '':
Dẫu ta đi trọn đường trần
Tình riêng há dễ một lần hé môi.

Nhắc đến chuyện tình thầm kín, các bạn hẳn còn nhớ bài thơ ''Hai sắc hoa ti-gôn'' của TTKH, có đoạn tả :
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân nhạt nghẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người.

Đến đây người viết xin được giới thiệu cùng bạn đọc một câu : Người mà vô lễ khác nào muông dê. Và câu hát ru em ở thôn quê Việt Nam : Em tôi buồn ngủ, buồn nghê, con tằm độ mắt, con dê độ mù.

- Dê xa : Xe dê. Ngày xưa ở Trung Hoa vào thời nhà Tần, vua Vũ Đế cò rất nhiều cung phi mỹ nữ, nên không biết chọn ai để chăn gối. Vua có một chiếc xe nhỏ khảm ngọc do dê kéo. Đêm đến, khi vua say túy túy rồi, thì ngả mình trên xe dê, nếu dê kéo đến cung nào, thì đêm ấy vua sẽ ân ái cùng nàng cung phi đó. Qua đọc ''Cung Oán Ngâm Khúc'' của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, có nhiều cung phi, vì chịu không nổi cảnh phòng không gối chiếc, nên bày cách rắc lá dâu trước sân nhà để dụ dê đến. Nhưng theo tác giả việc gần gũi với vua là do thiên định chứ không phải là sự ngẫu nhiên nên có câu :
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

- Dê tế thần : Theo tục lệ Do Thái (Israel) cứ đến ngày lễ ''Chuộc tội'', thì họ bắt một con dê đực để thày cúng tế, đọc kinh và làm phép trút hết tội lỗi của loài người cho dê gánh chịu, rồi sau đó mới thả nó ra đồng, vì thế nên ta có danh từ ''Con vật tế thần" hay "Con dê tế thần" (bouc émissaire).

Chuyện dê rất phong phú và đa dạng, trong khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo, khó mà lược thuật một cách đầy đủ. Chẳng hạn như chuyện Tô Vũ chăn dê và Lý Bá Hề với 5 bộ da dê, thì sách vở đã đề cập đến nhiều. Dịp này, xin được giới thiệu cùng bạn trẻ, nên tìm đọc chuyện "Con dê cái của ông Seguin" tác giả của nhà văn Pháp Alphonse Daudet. Tác phẩm mang tên "La chèvre de M. Seguin" có tính cách luân lý và giáo dục. Hy vọng khi đọc xong các bạn sẽ được hài lòng.

Giờ xin được phép trình bày hai vấn đề mà nhiều bạn chưa thông suốt, nên thường hay thắc mắc.

1. Tại sao gọi Dê là thầy là sư phụ ? 
Thành thật mà nói, chuyện gọi Dê đực là Thầy hay là Sư phụ chỉ có tính cách nửa đùa, nửa thật, vừa bái phục mà cũng vừa ngạo nghễ, bởi nguyên do sau đây :

Sáng sớm, khi người chủ nông trại vừa mở cửa cổng, thì chú dê đực xông ra trước án ngữ lối đi. Cô dê cái nào muốn bước qua, phải biết điều, phải đóng thuế rồi mới được ra đồng ăn cỏ, nghĩa là phải chịu đóng thuế để con dê đực thỏa mãn tình dục, tuần tự như vậy cho đến con dê cái cuối cùng. Đến khi chiều về, thì ''đại dương'' vẫn tái diễn cái trò ban sáng. Nghĩa là cô dê cái nào muốn được vào chuồng cũng phải để ''dê đực trả bài''. Ngần ấy hành động, chứng tỏ dê đực có sức khỏe phi thường. Chúng ta đã được nghe chế độ đa thê ở Phi Châu, một người có đến 5, hoặc 7 vợ, lai rai đó đây cũng có vài ông lén lút lập phòng nhì, nhưng nếu so về sinh lý, chả ăn nhằm gì với dê cả. Cũng vì vậy, mà dân ta thường hay tếu pha trò, gọi Dê là Thầy là Sư phụ ! Nhà có tiệc mà đãi thịt dê, thì chủ nhà thường tươi cười, bảo thực khách, hôm nay mình ăn thịt Thầy, ăn thịt Sư phụ. Bởi thế cho nên, nhiều người tìm mua ''dái dê'' để mong ăn vào sẽ bổ thận. Nhưng món này rất qúi và hiếm, khó tìm mua trên thị trường vì nó ''ép phê'' hơn cả ''ngẩu pín'' và dương vật của con hải cẩu.

Chuyện đời không ai song toàn cả. Dê chỉ chứng tỏ sức khỏe qua một phương diện thôi, nhưng về các mặt khác như lao động thì rất bê bối, nên thế gian có câu chê trách ''Buồn ngủ, buồn nghê, bắt bò làm ruộng, mua dê về cày. Đồn rằng dê đực khỏe thay, bắt ách lên cày, nó lại phá ngang'' !

2. Nguyên nhân nào số 35 lại liên quan đến con Dê ? 
Vào năm 1945, miền nam VN nổi lên phong trào chống Pháp, để giành độc lập và chủ quyền cho xứ sở. Tham gia trong hàng ngũ kháng chiến có lực lượng Bình Xuyên. Nhưng cho đến năm 1946, thì Pháp đã chiêu dụ được Bình Xuyên về hợp tác và gắn cho ông Lê Văn Tỵ quân hàm Thiếu Tướng. Tổng hành dinh của ông Bảy Viễn được đặt bên kia cầu chữ Y. Kinh phí nuôi quân rất tốn kém. Do đó, lực lượng này đã được sự đồng thuận của chính phủ Bảo Đại, cho phép trưng dụng khu Dân Sinh cầu Ông Lãnh Sàigòn, để mở ra một tổ chức kinh tài với danh nghĩa giải trí trường Kim Chung (La cloche d'or), tựu trung chỉ là một tổ chức cờ bạc gồm đủ các môn, như tài xỉu, ru-lết, ngầu hầm, xập xám, thính cẩu và sóc đĩa... Lợi tức thu vào quá lớn, do đó Bình Xuyên lại tổ chức thêm một xóm Bình Khang ở miệt Vườn Lài, Ngã Bảy, cộng thêm một khu cờ bạc tương tợ khu Kim Chung. Địa điểm này nằm giữa địa phận Sàigòn và Chợ Lớn bên đường Trần Hưng Đạo chỉ cách tửu lầu Đồng Khánh vài trăm mét. Cơ sở mang bảng hiệu Đại Thế Giới (Grand Monde). Nhờ có các cố vấn, và các mưu sỹ người Hoa bày vẽ, họ còn bày thêm một trò chơi xổ số đề 40 con, người Pháp gọi là ''Jeu de 40 bêtes'', tính từ số 1 là con cá, đến số 40 là Ông Địa. Thể thức đặt 1 đồng, khi trúng thì được 37 đồng. Vẫn theo 40 số đề này, thì về cá có đến một cặp cá, cá trắng và cá đen (số 1 và 30), mèo thì có mèo nhà và mèo rừng (số 14 và 18), rồng thì có rồng nằm và rồng bay (số 10 và và 26). Thứ tự đến phiên con dê, người ta chỉ cần nói úp mở ''be he'' hay 35 là người ta đủ hiểu và người bị châm biếm dù cho có am tường mình bị chế nhạo nhưng cũng đành chịu.

Báo chí Việt ngữ thời ấy, vì muốn câu độc giả, nên cũng có mục bàn đề. Năm thì mười họa thì cũng trúng phong phóc, nhưng thường thì trật lất, báo hại người tin nghe, bị thua cháy túi, để rồi ngậm ngùi hát lên những lời ca não nùng ai oán, nhại theo bài ''Nương chiều'' rằng :
Đề ơi, lúc chiều về đề xổ con nai.
Nhưng mà mình đặt con Dê hỡi đề !

May thay, các khu giải trí có hại cho dân lành kém lành mạnh này đã được chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bất giờ ra lệnh đóng cửa, khai tử vĩnh viễn thời vàng son của Bảy Viễn. Tuy nhiên huyền sử con Dê là 35 hay ngược lại là con Dê, vẫn còn tồn tại đến bây giờ và rất có thể đến muôn đời sau ...

Trong những giây phút vừa qua, khi đọc xong bài này, hẳn vấn đề sao có người hay ''tếu'' gọi con Dê là con Thày, và lại tôn xưng là Sư phụ ? Cũng như lý do nào con Dê là 35 và ngược lại số 35 là con Dê. Chắc chắn thắc mắc của qúy bạn đã được giải tỏa thỏa đáng.


Nguồn : Internet –

ĐH - Sưu Tầm

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC