TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Mây Vàng

 

        Phong nhìn đồng hồ đeo tay và thấy rằng đã gần tám giờ tối. Chàng đã ngồi trước máy tính gần sáu tiếng đồng hồ và quên cả bữa ăn chiều. Từ gần một tuần lễ nay, Phong hầu như đã dành suốt thời gian ban ngày ở phòng máy tính. Chung quanh chàng cũng có nhiều sinh viên khác đến làm việc nhưng thường thì không ai ngồi trước máy quá một hay hai giờ đồng hồ. Sau nhiều tháng làm việc với Anderson, vị giáo sư cố vấn trẻ tuổi, Phong và ông đã trở thành một đôi bạn thân thiết. Hiện nay hai người đang cố gắng để hoàn tất một bài khảo cứu quan trọng để đọc tại một hội nghị toàn quốc về môn khí động lực học. Phong thường gọi ông thầy học thân mật là Bill, tiếng tắt để gọi chữ  William, và cũng bảo người bạn mới gọi mình là Phong. Mới đầu Bill không chịu vì thấy những người Việt tới thăm trường đều gọi chàng là Phong cả, và ông muốn được gọi chàng theo một tên gì thân mật hơn. Phong biết là người Mỹ không hiểu lối gọi của người Việt nên phải giải thích thêm:

-  Người Việt chúng tôi không có nhiều họ, và trên thực tế chỉ có vài trăm tên họ khác nhau mà thôi. Vì vậy chúng tôi gọi nhau bằng tên được đặt ra và viết sau họ.

Bill gật đầu tỏ vẻ hiểu câu chuyện:

-  Nếu thế thì xưng hô theo tiếng Việt thật là giản tiện. Thảo nào tôi thấy ai cũng gọi ông là Phong cả.

Phong thấy cần phải nói cho rõ hơn:

-   Không phải dễ dàng như thế đâu. Nếu ông hiểu tiếng Việt và ông để ý thì thấy những người Việt ở đây họ gọi tôi theo những cách xưng hô khác nhau. Tùy theo tuổi tác và sự liên hệ họ có thể gọi tôi là ông (mister) Phong, chú (uncle) Phong, hay đôi khi họ gọi tôi là thầy (master) Phong.

-   Nếu thật thân tình như giữa bè bạn thì sao?

-  Dễ dàng lắm, ông chỉ bỏ chữ xưng hô đối tượng đi mà chỉ gọi giản dị là Phong như tôi đã đề nghị với ông mà.

            Bill gật gù nói là đã hiểu sau khi được giảng giải về cách xưng hô trong tiếng Việt nhưng Phong nghĩ thầm là dù Bill có thêm một văn bằng tiến sĩ về ngữ học chăng nữa cũng phải một thời gian sau mới hiểu được. Chàng không muốn nói cho Bill biết rằng còn có người gọi chàng thân mật hơn là “anh” Phong. 

         

            Phong thu gọn hồ sơ bài tính đang làm vào ngăn sách để trong máy. Chàng cũng xếp những giấy tờ viết những kết quả in ra được để cho vào cặp sách tay. Lúc này chàng mới có thì giờ rảnh rang để nghĩ đến cô bé. Cái ngăn tủ chuyên môn trong bộ óc đầy phân tích, lý luận của chàng được đóng lại và chiếc túi lụa mầu tím chứa hình ảnh cô bé được mở ra để Mây đến với chàng. Phong hơi mỉm cười khi nghĩ đến Bill, người giáo sư trẻ tuổi, cách đây hơn một giờ đã ngồi canh máy với chàng để đợi những kết quả lý thuyết được chạy ra. Bill đã là một sản phẩm tuyệt hảo của nền giáo dục cao cấp về kỹ thuật tại Hoa Kỳ. Sau khi học về lý thuyết và có một căn bản vững chắc về toán học thực dụng, Bill hướng về thực nghiệm và khi tới đại học Colorado nhận chức giảng sư, chàng đã cùng với những chuyên viên kỹ thuật lành nghề, được trả lương hậu, kiến trúc được một hệ thống đo khí động lực trên những cánh bay ở những tốc độ siêu thanh. Tiến sĩ Anderson được National Science Foundation trợ cấp một ngân khoản lớn trong thời hạn liên tục kéo dài năm năm để bảo trì và chỉnh bị cái “Supersonic Wind Tunnel” của nhà trường do ông vẽ kiểu và hoàn thành với điều kiện là phải cho phép một số khoa học gia chọn lọc từ các đại học khác được ghi tên xử dụng. Vừa lúc ấy thì Phong tới Colorado mang theo những kinh nghiệm từ Âu châu. Sau vài buổi thảo luận, Bill đã thấy ngay Phong là một “con chim hiếm quý” và nói thẳng với chàng như vậy. Trước đây, hồi còn ở Pháp chàng cũng đôi lần thoáng nghe các bạn đồng nghiệp đứng ngoài hành lang nói câu: “Il est un oiseau rare” trong khi chàng làm việc bên trong phòng thí nghiệm. Phong đã thuộc trong lớp khoa học gia đầu tiên biết khai thác triệt để những khả năng của những “super computer” vừa được chế tạo trong những năm qua. Chàng đã viết được những chương trình thật hoàn mỹ để giải được những bài toán rắc rối điều khiển bởi những phương trình vi phân riêng phần trong môn khí động lực học. Phép tính của Phong và kỹ thuật đo bằng “Hầm Thổi Gió Siêu Âm” của tiến sĩ Anderson đã phụ trợ cho nhau. Mỗi khi Bill mang tới chỗ Phong ngồi làm việc những cuộn giấy ghi những dữ kiện đo lường, và khi Phong bấm máy cho hiện hình những đồ thị đủ mầu sắc trên màn ảnh mà hai kết quả phù hợp nhau thì cả hai đều nắm tay nhau reo mừng như những trẻ thơ.

            Có lần Bill phải lộ vẻ thán phục khi bảo Phong:

-   Tôi phải cho chạy máy qua ba tầng tua-bin, mới thổi gió được tới tốc độ siêu âm, mà cũng chỉ giữ được năm phút để đo mà thôi, rồi lại phải cho chạy lại. Vậy mà anh chỉ ngồi an nhàn ở đây mà cũng chinh phục nổi gió để đưa ra cùng một kết quả như vậy thật là đáng thán phục.

 ******

            Sau một ngày làm việc với trí não thật căng thẳng, giờ đây Phong đã trở lại căn phòng yên tĩnh của chàng, và ngồi ở trước bàn đêm, nơi chàng vẫn viết thư cho Mây, với tấm hình của cô bé luôn luôn nhìn chàng với cặp mắt đen, to và sâu đậm. Chàng nghĩ đến câu nói của Bill là chỉ dùng máy tính mà Phong đã chinh phục được những làn gió có tốc độ siêu âm lướt trên những cánh bay, để tính ra được những sức nâng và sức cản là những dữ kiện rất cần thiết để vẽ kiểu những phi cơ quán thanh. Nhưng người bạn Mỹ đâu có biết là hiện nay chàng đang phải lo chống đỡ những cơn gió sẽ ào ạt thổi đến những đám mây xám vần vũ, tạo nên những trận cuồng phong, vì ở quê nhà có một cô bé tên là Phương Vân, với tên gọi thân mật là Mây, cô đang hờn dỗi và điều khó cho chàng làm hoà hơn là chắc cô bé đã có những cơn giận vô cớ.  Đã qua gần hai tuần mà Phong không nhận được thư của cô bé, mà theo kinh nghiệm trước của chàng, điều này báo hiệu một cơn phong ba sắp nổi lên.

            Phong nhớ lại là năm ngoái, vào dịp gần Tết, cũng đã một lần cô bé làm chàng mất ăn, mất ngủ vì một chuyện hiểu lầm không duyên cớ. Mây tự dưng yên lặng một thời gian, không trả lời những thư chàng viết gửi về. Những thư của Phong thường viết ngắn, tuy cho tin tức về những công việc đương làm của mình nhưng bao giờ chàng cũng chen những câu làm vui cho người đọc và cũng có những câu hỏi làm cho đối tượng phải vui thích trả lời. Ngược lại Mây hay kể cho Phong nghe những câu chuyện trong gia đình, hay ở học đường, về những bạn gái thân thiết của cô bé, những phim ciné mới gửi từ Mỹ hay Pháp sang mà họ đã coi, và đôi khi Mây cũng hồn nhiên kể cho chàng nghe về những chàng trai săn đón để làm quen. Có một lần cô bé viết trong thư: 

            “Dạo này điểm toán của Mây bị kém hơn tam cá nguyệt trước, nhưng nhờ có những môn văn chương, sử địa kéo lại nên vẫn giữ được thứ hạng như xưa. Mây không muốn đổ lỗi tại anh đã không ở nhà để kèm toán cho Mây nhưng vì anh đi vắng nên Mây biết hỏi ai bây giờ. Các anh Vũ và anh Hồng thì lấy cớ bận việc giúp bố nên không có thì giờ cho cô em nữa. À, có một anh chàng là kiến trúc sư, bạn của anh Hồng và cùng làm chung một dự án xây cất, đôi khi có chuyện gấp vào cuối tuần, đã mang những đồ bản lại nhà để bàn việc với các anh. Có lần anh chàng hỏi chuyện học hành của Mây và khi thấy em than là phải làm những bài toán khó anh ấy hứa là nếu cần thì anh ấy chỉ dẫn cho.  Anh nghĩ sao về điều này?”

            Lần ấy Phong đã viết thư hoan hỷ khuyên cô bé nên học thêm về toán nếu được người kèm vì chàng nghĩ là học giỏi về môn này sẽ là cửa ngõ để mở cho Mây có thể theo học bất kỳ ngành nào ở bậc đại học. Nào ngờ là Phong đã không biết tâm lý của những thiếu nữ đang ở tuổi mộng mơ. Sau hơn hai tuần lễ vắng tin, Phong nhận được một bức thư chỉ có vẻn vẹn hai chữ “Ghét anh!” Cũng may là dạo đó lại vào cuối năm, Phong và gia đình Vũ gửi quà và thư chúc Tết thăm hỏi nhau để Phong có dịp làm lành với cô bé và cơn phong ba cũng đã nhẹ nhàng qua đi. Riêng Mây thì mỗi lần nghĩ lại cô bé vẫn ấm ức là không bao giờ anh hỏi là tại sao lại bị ghét. Nhưng cô lại nghĩ là nếu anh có hỏi thì mình cũng không biết trả lời ra sao nữa.

 ******        

            Trong sự tĩnh mịch của căn phòng, và dưới ánh đèn đêm, Phong đã đọc lại những bức thư của cô bé gửi mấy tuần vừa qua và không thấy một dấu hiệu gì báo cho chàng biết tâm sự buồn của cô nữ sinh bé nhỏ. Mây chỉ kể cho chàng biết về những phim ciné mới đi coi cùng cô bạn gái:

            “Tuần vừa qua Vân Hương tới rủ Mây đi coi phim Sabrina với cô đào điện ảnh dễ thương Audrey Hepburn một lần nữa. Mây thấy anh có nhiều điểm giống anh chàng Linus ở trong chuyện phim, thật là tài giỏi và lúc nào cũng ăn mặc đạo mạo, chỉnh tề, chỉ biết lo công việc kinh doanh thay cho ông bố đã về hưu, điều khiển một công ty với số vốn hàng tỷ mỹ kim, có cơ sở khắp năm châu, mà không có thì giờ để ý đến cô bé Sabrina như một bông hoa lan quý ở ngay trong nhà mình".

Ở đoạn dưới cô bé viết tiếp như là một lời cảnh cáo:

            “Cuốn phim này được quay đã lâu, không biết khi xưa ở Pháp anh đã coi chưa. Thật đáng kiếp cho anh chàng độc thân Linus Larrabee, đã không nhìn ra được một Sabrina thật diễm kiều ngay từ khi cô bé ở Pháp về. Cô bé đi Pháp do ông bố dành dụm gửi đi hoc xa để cô bé quên đi mối tình mơ ước trẻ thơ dành cho David, là em của Linus, mà chắc cô bé sẽ không bao giờ với được. 

            Trong mắt anh chàng Linus cả đời chỉ có công việc và công việc…. những đồ án,… những giao kèo ký với các công ty khác…. làm mờ cả mắt khiến đâu còn biết nhìn ra ai nữa. Cho đến khi có việc cần phải giao thiệp với cô bé, Linus đã dùng kế của gia đình “đẩy xa” cô bé đi Pháp lần thứ hai để không còn gặp anh chàng David, hầu David có thể lấy vợ. Hôn nhân của David có ảnh hưởng lớn đến giao kèo ký của hai công ty, do đấy Linus phải chia rẽ hai người để cô bé đi xa khỏi làm kỳ đà cản mũi. Nhưng không ngờ rằng… khi được gần cô bé, trò chuyện, tìm hiểu cô bé…, thì cô bé đã như  một bông hoa tươi mát làm tâm hồn Linus trẻ lại. Gần cô bé, Linus thấy mình tuơi vui, niềm vui chưa bao giờ được hưởng trong đời, chưa bao giờ được nhìn thấy, chỉ vì xưa nay chàng đã bù đầu vào công việc…. Để rồi khi rời xa cô bé, Linus mới thấy nỗi trống rỗng vô bờ bến… và mới biết thực sự mình đã yêu mê cô bé tới cỡ nào nên đã phải cuống quýt xin về thần phục”.

            Phong đã coi cuốn phim Sabrina từ hồi còn đi học ở Paris. Chàng nhớ là giới sinh viên thời ấy, dân Việt cũng như Pháp rất hâm mộ cô đào Audrey Hepburn, có đôi mắt to đen thật xinh đẹp, trong một thân hình mảnh mai dễ thương. Chàng nghĩ lại thì thấy Mây đã hình dung chàng như là tài tử Humphrey Bogart trong vai Linus, nghĩa là một con người lầm lỳ nhưng già dặn, cương quyết trong công việc nhưng cũng yếu lòng trước vẻ hồn nhiên và ngây thơ của cô bé Sabrina Fairchild. Phong còn nhớ sự chọn lựa của Sabrina giữa hai anh em nhà Larrabee. Nàng đã yêu Linus và lấy chàng vì tình cảm chân thật của người anh này mặc dầu Linus không đẹp trai bằng người em là David.  Đọc thư của cô bé mà Phong thấy vui buồn xáo trộn trong lòng.

            Ở quê nhà, Mây như cũng đoán được tâm trạng của Phong và sợ chàng cho là mình nghĩ rằng ông anh không trẻ trung và vui tính như những anh chàng khác vẫn thường đi theo săn đón nên trong thư tiếp theo để kể chuyện về Audrey Hepburn cô bé viết thêm:

            “Thực ra thì anh không đúng là Linus vì gặp em anh hay tươi cười chứ không lầm lỳ như anh chàng này. À em nhớ ra rồi, sở dĩ em và Vân Hương mê Audrey Hepburn là vì trước kia được coi cô đóng vai Natasha trong phim “War and Peace”. Trong phim này cô thật là một thiếu nữ quý phái và ngây thơ. Hà….hà…nếu em là Natasha Rostova thì em được vào dòng họ bá tước và anh thì phải là anh chàng Andrei trong cuốn truyện, vì Natasha rất ngưỡng mộ vị hoàng tử đẹp trai, cao thượng và anh hùng này.”

            Phong nhớ rằng khi nhận được những bức thư  này chàng đã viết cho Mây một bức thư dài hơn thường lệ. Trong những năm ở Pháp chàng đã được đi thăm nhiều nước ở Âu châu và cũng có dịp được đọc nhiều sách của những tác giả Tây phương nổi tiếng. Trong thư Phong đã cho Mây biết thêm về Leo Tolstoy, tác giả người Nga đã viết cuốn “War and Peace” năm 1869 khi ông được 41 tuổi nhưng đã không coi cuốn sách này như là một cuốn tiểu thuyết vì ông luôn luôn nói về cuốn “Anna Karenina” viết năm 1877 như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Phong đã viết thêm ở cuối thư:

            "Leo Tolstoy đã viết cuốn sách như là một ký sự về tình hình ở nước Nga và triều đại Nga hoàng ở trước và trong những năm Đại đế Nã Phá Luân xâm lăng đất nước này và phải rút lui thảm bại. Cuốn sách dài vào khoảng một ngàn năm trăm trang đã nói lên thảm cảnh của chiến tranh đã xẩy ra cho mọi tầng lớp dân chúng, từ quý tộc cho đến dân dã.

            Ở nước ta hiện nay chiến tranh giữa quốc gia và cộng sản cũng mỗi ngày một leo thang. Anh cũng mong công việc chóng xong để có thể về nhà và ở gần gia đình ta trong lúc này. Ở đây dân chúng Mỹ cũng nôn nao vì chiến tranh vì họ phải gửi quân đội sang Việt Nam, một nước ở cách xa hàng chục ngàn dậm. Anh cũng đã viết mấy bài cho tờ Denver Post là tờ báo lớn nhất ở vùng này để nói về lý tưởng quốc gia của dân tộc mình, chuộng tự do và độc lập, và anh hy vọng rằng dân chúng Mỹ khi đọc những bài viết của anh họ cũng hiểu được một phần nào là Việt Nam là một mấu chốt quan trọng trong vòng đai chống cộng sản ở Đông Nam Á. Để có được tài liệu anh đã phải nhờ một cô cũng là người Việt làm ở thư viện trung ương tìm giúp hộ....”

******        

            Phong có cảm tưởng rằng lần này cơn giận hờn của Mây sẽ kéo dài lâu hơn. Chàng đợi hoài, ngày lại qua ngày, mà lần này cái thư khiêu chiến với hai chữ ngắn gọn “Ghét anh” giống như lần trước để báo hiệu một cơn gió lốc dữ dội sắp tới cũng không thấy đến. Để giải tỏa mọi sự hiểu lầm nếu đã xẩy ra, Phong đành bắt chước Linus Larrabee trong phim Sabrina để viết một bức thư  cầu hòa. Bức thư chỉ ngắn gọn có vài hàng chữ nhưng đầy ý nghĩa. Ở đầu trang thư Phong viết lại mấy chữ “War and Peace” và lấy bút gạch bỏ đi hai chữ đầu chỉ để chừa lại chữ  Peace  mà thôi.

            Ở nhà cô bé chỉ đợi lá thư kéo cờ trắng đầu hàng này của người xa vắng để nguôi cơn giận, xét ra cũng đã kéo dài hơn hai tuần lễ.  Mây chỉ nghĩ giận anh ở chỗ tại sao lại phải nhờ người kiếm tài liệu hộ khi viết bài, để rồi lại phải mang nợ người ta. Nhưng rồi cô bé lại tự mình bào chữa cho anh là vì muốn viết bài bênh vực cho cuộc chiến đấu vì chính nghĩa quốc gia của dân Việt trong khi anh lại bận nhiều chuyện nên mới phải nhờ cái cô nào đó giúp hộ. Nhận được thư, Mây nhịn ăn quà để lấy tiền gửi cho Phong một bức điện tín tuyên bố là xét ra thì chàng vô tội. Sau gần ba tuần lễ chiến tranh lạnh, hòa bình đã trở lại với hai người.

******

            Sau Chiến Tranh thì nay Hòa Bình đã trở về. Phong lại có niềm vui đọc những lá thư mới nhận được của cô bé vào buổi tối khi ngồi dưới ánh đèn đêm trong phòng học. Trong mấy tuần qua cô bé đã là Natasha và nhìn chàng với cặp mắt ngưỡng mộ và coi chàng như là Andrei, vị hoàng tử dòng họ Bolkonsky, một dũng tướng lịch sự, điển trai,  khi ra trận thì xung phong cầm cờ đi trước, lúc làm sứ giả đòi hỏi đại đế Napoléon phải lui quân cũng không kém phần kiêu ngạo. Cũng có lúc cô bé coi chàng như bá tước Pierre Bezukhov, một anh chàng trông cù lần, tưởng như là không có khí phách anh hào mã thượng như những nhà quý phái trẻ của thời đại, nhưng thực ra lại là một con người cao thượng anh hùng. Rồi sau đó cũng qua nữ minh tinh điện ảnh Audrey Hepburn mà cô bé hâm mộ, Mây đã là cô thiếu nữ ngây thơ Sabrina Fairchild trong phim Sabrina để nhìn thấy Phong thực sự như là Linus Larrabee, người anh cả thông minh tài giỏi quán xuyến mọi công việc trong xí nghiệp khổng lồ của gia đình nhưng lại vụng về trong liên hệ tình cảm. Thì ra theo lối nhìn của cô bé, Phong có thể là một con người anh tuấn, hào hoa, và cũng có thể là một anh chàng hiền lành, nhưng vụng về, dụt dè trong tình cảm. Phong nhắm mắt lại để cố hình dung lấy một hình ảnh thật trung thực cho chính mình, nhưng rồi phải lắc đầu vì không tìm ra được. Chàng chỉ nhận ra được là mình có một điểm chung với các nhân vật mà cô bé đã ưa thích là họ đã chân thành và yêu ngay cô thiếu nữ ngây thơ trong truyện khi lần đầu tiên nhìn thấy cô ở tuổi dậy thì sau nhiều năm xa cách. Câu chuyện của họ cũng đã giống như trường hợp của Phong với cô bé ở ngoài đời. Phong đọc thêm một lần nữa đoạn kết lá thư của Mây chàng mới nhận được hồi chiều:

            “Trước đây em đã ví anh như là Mây, là đám mây bay lang thang, vì không bao giờ anh chịu đứng yên một chỗ. Những lúc anh làm em buồn, em đã nhìn anh như là một đám mây xám, và em chỉ muốn làm gió thổi cho đám mây bay đi. Nhưng hôm nay, vào một buổi chiều Chủ Nhật khi đã làm xong bài vở nhà trường, em ngồi viết thư cho anh, và khi nhìn qua cửa sổ, em thấy thật là kỳ lạ vì ở đằng xa tắp có một đám mây vàng hiện ra thật là rực rỡ. Lúc này em thấy anh thật xứng đáng là đám mây vàng, nhưng mây vẫn còn bay đi lang thang. Nếu em được như anh là gió thì em sẽ thổi để  kéo mây trở lại.”

            Đọc xong bức thư , dù trời đã về khuya, Phong còn ngồi lặng yên để nghĩ câu viết trả lời cô bé. Chàng nghĩ đến chiều gió thổi để làm sao cho mây bay trở lại. Vì cùng làm chung một đề án nên đôi khi chàng đã đến thăm phòng thí nghiệm của tiến sĩ Anderson. Mỗi lần được người bạn vặn máy cho coi thì lúc nào chàng cũng thấy gió thổi ào ạt một chiều. Vậy mà giờ đây cô bé coi chàng như là một áng mây vàng và hỏi chàng làm sao để kéo mây trở lại. Phong bất chợt nhớ đến hai câu thơ cổ phong 

“Thiên thượng hoàng vân ảnh,
  Du tử hà thời quy?”

có nghĩa là trên trời có áng mây vàng, và người khách lãng du bao giờ trở lại? Một ý nghĩ thoáng tới chàng: “chẳng lẽ mới xa cô bé chưa đầy một năm mà giờ đây Mây đã giỏi văn chương vượt bực và biết suy nghĩ tế nhị như người lớn để hỏi chàng bao giờ trở về qua hai câu thơ như thế chăng?” Ý nghĩ chợt tới với chàng nhưng rồi lại biến đi ngay và Phong lẩm bẩm: “không thể nào như thế được”.  Chàng lắc đầu cố xua đuổi cơn thắc mắc nhất thời và tự trấn an rằng chàng vẫn  là anh Phong của Mây và cô bé vẫn còn là cô bé ngây thơ của thuở nào.

 

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.

(Xin xem tiếp chương 5)

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC