TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Không Gian Buồn Nỗi Nhớ

 

Sáng nay, tự dưng Phương Vân thấy buồn, gặp ngày cuối tuần mà mấy đứa bạn cùng lớp tới nhà rủ đi ciné, coi một phim mới nhất của Esther Williams, có nhiều màn vũ tuyệt diệu ở dưới nước, mà cô bé từ chối, viện cớ phải làm ít việc nhà. Sự thực suốt cả buổi sáng, cô bé chỉ ngồi thẫn thờ một mình ở bàn học, và đọc lại mấy bức thư cũ của anh, những bức thư mà bao giờ anh cũng bắt đầu bằng những chữ gửi “Mây thương mến”, anh dùng cái tên “Mây”, nghe bay lang thang nhẹ nhàng mà gia đình bao giờ cũng dùng để gọi cô bé thay cho cái tên văn vẻ hơn là Phương Vân, có nghĩa là “Áng Mây Lành”. Hôm nay, đúng là ngày mà một năm trước đây Phong rời nước để đi Hoa Kỳ du học. Mây còn nhớ, buổi tiễn anh đi, như chuyện mới xẩy ra ngày hôm qua. Ngày ấy cũng là một ngày đầu thu, trời Sài Gòn vẫn nóng, cái nóng quanh năm của miền Nam, nhưng vào một buổi sáng tạnh ráo, hơi có gió mát từ bờ sông thổi lại, bầu khôn khí trở nên trong lành, lý ra lòng người phải thấy phấn khởi, nhưng khi đi theo Vũ, là anh của cô bé, ra phi trường để tiễn Phong đi, cô lại thấy lòng nặng chĩu sầu tư. Lần đầu tiên trong đời, Mây cảm nhận thấy nỗi buồn xâu đậm của sự chia ly.

 Phi cảng Tân Sơn Nhất đã dành một phòng VIP để nhân viên trong Bộ Giao Thông Công Chánh và thân hữu tới tiễn Phong lên đường. Mây ngồi một mình ở một cái bàn ở góc buồng với ly nước cam anh đã thân hành mang lại, nhưng cô bé không buồn động đến. Thỉnh thoảng cô lại nhìn về phía Phong đang đứng nói chuyện với anh Vũ và những nhân viên đã ra tiễn chàng. Họ đều là những người lớn tuổi, những công chức, đã có một chút địa vị nào ở trong Bộ. Tự dưng Mây thấy mình thật là lẻ loi ở trong căn phòng này. Nếu trong lòng Phong có vương nỗi buồn của người ra đi thì Mây thấy anh cũng không lộ ra ngoài, vì Phong luôn luôn cười nói với mọi người. Cô nghĩ có lẽ là anh vui lắm vì sẽ được xa cô học trò hay bẻ hoẹ, hay giận dỗi, để bắt anh phải chiều chuộng. Anh xưa nay là con người Mây thấy dễ thương, dễ mến, mà giờ đây cô thấy anh thật là đáng ghét. Mây bậm môi, và tự nhủ thầm là sẽ để cho anh đi luôn, và không phải bận tâm nghĩ đến anh nữa.


Thật ra trong lúc này lòng Phong cũng bồn chồn vì chàng không muốn để Mây ngồi một mình, lạc lõng trong căn phòng đông người ồn ào ra tiễn chàng. Với mỗi người tới để chúc chàng thượng lộ bình an, thâu gặt được kết quả mỹ mãn nơi xứ người, Phong đều có một câu cám ơn thật ân cần, và đồng thời cũng nhắc đến một kỷ niệm riêng trong thời gian cùng làm việc với nhau. Phong có một trí nhớ thật đặc biệt, giúp cho chàng thuộc tên từng ngưòi và công việc làm của nhân viên ấy để mỗi khi gặp, chàng lại nhắc đến và có một câu hỏi han khen ngợi, hay một lời nói khuyến khích, nên ngoài sự được người mến mộ vì tài năng, Phong cũng chiếm được cảm tình của những người cộng sự trong hai năm qua. Giờ đây, đứng trong phòng kính trên tầng hai của đại sảnh ở phi cảng, và nhìn xuống sân bay, nơi có chiếc phi cơ Boeing 707, mà chàng sẽ đi, đang nằm chờ đợi, và phía đằng xa phi đạo được mở rộng chạy dài, Phong có thể nhìn thấy một phần nào những công việc chàng đã thực hiện trong hai năm qua, kể từ ngày chàng ở Pháp về để nhận một chức vụ Tổng giám đốc với Bộ Công Chánh. Trong kế hoạch cải tổ lại toàn bộ sự giao thông thủy bộ và hàng không cho đất nước, việc thay thế các phi công Pháp bằng phi công Việt luân chuyển sang từ Không quân VN, Phong đã gặp chống đối nhiều nhất. Nhưng chàng cũng đã thực hiện được kế hoạch đề ra. Giờ đây hai hãng hàng không lớn của ngoại quốc là Air France và Pan American Airways đã không còn được hưởng độc quyền bay từ ngoại quốc vào Việt Nam như trước. Hàng không quốc gia Air VietNam cũng đã được tách ra biệt lập, khỏi cái bóng lâu năm của công ty hàng không Pháp. Cùng một lúc, những hệ thống giao thông thủy bộ cũng được cải tiến giúp cho sự chuyển vận hàng hoá giữa các miền của đất nước được nhanh chóng. Phong thuộc vào đám những kỹ sư trẻ thật lỗi lạc, tốt nghiệp từ những Trường lớn như Polytechnique và Centrale ở Pháp nên những chương trình canh tân chàng đưa ra thường hay gặp những chống đối từ phe thủ cựu, gồm các vị kỹ sư già. Cấp trên của chàng lại lo nhiều về chính trị, chỉ cốt giữ sao được địa vị của mình và không dám quyết định những cải tổ quan trọng, nên dù đã cố gắng rất nhiều và hết sức mềm dẻo để gom ý kiến của tất cả những người nắm giữ những Nha Sở quan trọng cho những kế hoạch chàng đưa ra, Phong cũng đã chỉ thực hiện được một phần nào những mục tiêu chàng muốn đạt được.

Sau hai năm kiên trì làm việc, Phong đã xin từ chức và nhận một học bổng của Asia Foundation để sang Hoa Kỳ học thêm về Kỹ thuật và Quản trị Hành chánh. Chuyến đi này của Phong đã được những người bạn Mỹ, là những kỹ sư cao cấp đã được cử sang để làm việc với chàng ở Bộ Công Chánh, thu xếp thật chu đáo từ nửa năm nay. Chàng thấy cần phải đi ngoại quốc để học hỏi thêm và nhất là để liên kết với những chuyên gia ở đủ mọi ngành còn đang sống ở nhiều nước tiền tiến mà chưa chịu trở về kiến thiết và canh tân quê hương. Phong chỉ hỏi thêm ý kiến và bàn với Vũ, là người bạn thiết, chàng luôn luôn giãi bầy tâm sự, còn ngoài ra những người khác trong gia đình Vũ chỉ biết tin truớc khi chàng đi chừng nửa tháng. Cô bé là người sau cùng biết tin anh ra đi, mà cũng chỉ qua chị Trinh báo cho biết. Mây đã cố ngăn giọt lệ muốn trào ra khi được tin này, và cô bé chỉ nằm gục xuống giường khóc nức nở khi chị đã xuống dưới nhà. Thì ra anh Phong đã chỉ coi cô bé như là cô em út của người bạn, thỉnh thoảng anh lại bàn việc với anh Vũ mà cô đem bài ra hỏi thì anh chỉ dẫn qua loa cho mà thôi, cốt để cô bé đi chỗ khác cho người lớn nói chuyện.


 ******

Anh Phong đã là bạn thân của gia đình có lẽ tới gần mười năm, nhưng thực sự cô bé chỉ mới quen với anh cách đây hai năm khi anh học xong và từ Pháp trở về làm việc theo lời mời của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Khi còn bé, Mây không biết nhiều về anh, chỉ nghe những chuyện nói về anh như là huyền thoại. Các anh chị của cô bé đã "ca" anh quá xá, nào là anh học rất giỏi, nào là anh đã bắt bẻ bọn kỹ sư Tây, bắt phải vẽ lại hoạ đồ những công trình anh tham gia, nào là miền Bắc đã hết sức ve vãn anh, nhưng anh là người nhiệt tâm với quốc gia, và muốn đem sức mình đóng góp vào sự xây dựng đất nước cho phú cường nên anh và một số bè bạn đã trở về quê hương làm việc. Ngay cả Bố là người nghiêm nghị, ít nói mà, một lần với các con trong bữa ăn, ông đã phải dùng những chữ “quốc gia chi bảo” để khen tặng anh. Mới đầu gặp anh, cô bé thấy hơi sờ sợ, chỉ lí nhí chào trong miệng rồi khép nép vào nhà trong, mặc dầu các anh chị đã kể lại rằng khi xưa lúc Mây còn bé tý hon, và anh chưa đi Pháp học, có lần anh lại nhà chơi gặp cô bé khóc lóc về điều gì không được như ý, anh đã phải bế lên lòng dỗ dành. Hôm anh đến thăm gia đình lần đầu tiên, sau khi từ Pháp về nhận chức vụ được giao phó, vì được báo trước nên cả gia đình đã hiện diện đầy đủ, chỉ thiếu có Bố hôm trước có việc gấp phải sang HongKong vì công việc kinh doanh. Và như mọi việc quan trọng khác trong gia đình, Mây đã không được cho biết trước nên sáng hôm đó cô đã đi xem ciné xuất đồng hạng với các bạn Gia Long để lúc về nhà thấy mọi người đã tề tựu đông đủ quanh bàn ăn chỉ còn đợi cô bé về mới bắt đầu. Hôm đó Mây có cảm giác như là lần đầu tiên được gặp Phong, nhưng trong thâm tâm, giờ đây cô biết rất rõ về anh qua những câu chuyện Vũ kể lại cho các em nghe. Trong những ngày ở Pháp, mới đầu là đi học, và về sau này làm cho kỹ nghệ hàng không Âu châu, Phong thường viết thư về cho Vũ như người bạn thiết tâm sự và cho chàng biết công việc làm hiện tại của mình. Cô bé thực sự biết là mình có một người anh xa vắng khi được chị Trinh cho biết rằng: “Anh Phong gửi lời hỏi thăm Mây và muốn biết cô bé lớn chừng nào rồi và có còn hay khóc nữa không?”. Câu thăm hỏi của anh từ đó được nhắc lại đều đặn, mỗi khi Phong viết thư về cho gia đình Vũ làm Mây bắt đầu để ý đến Phong, và hình ảnh của anh cũng dần dần hiện ra trong trí óc non nớt của cô bé. Những mẩu chuyện về anh, những thành tích về học hành cũng như trong công việc làm đưa về từ phía trời Tây, qua những lá thư Phong viết về cho gia đình cô bé, đã như những lớp thiếp vàng óng ánh in dần vào trí não của Mây, và trước khi anh về nước cô bé đã hình dung được người mà gia đình cô hầu như nhắc đến hàng ngày, người ấy phải là con người tài trí tuyệt vời. Cô bé mong mỏi có ngày được gặp và biết thêm về anh.

Cô nữ sinh tuổi vừa trăng tròn, vào hôm nay, một sáng đầu thu, ngồi trong phòng riêng và nhìn qua khung cửa xuống vườn sau nhà, lần đầu tiên cô bé thực sự biết thế nào là buồn khi phải xa nhau. Thế là anh đã đi rồi, vừa tròn một năm. Cuộc đời của anh, lúc nào cũng như là kết hợp bởi những chuyến đi. Lần đầu tiên anh từ giã gia đình để đi Pháp học thì cô bé lúc đó chỉ thực sự là một con bé. Mây chỉ nhớ mơ hồ rằng lúc đó ở nhà có một ông anh đi học xa như các anh chị thường nói đến. Rồi có một ngày những bức thư anh gửi về có kèm theo một câu hỏi thăm cô bé, Mây mới ngỡ ngàng biết đến anh như là một ngưòi bạn của anh Vũ, và cũng là người thân trong gia đình. Tuy ngày anh về, Phương Vân không ra đón anh ở phi trường, nhưng cô nóng lòng chờ ngày anh đến thăm nhà. Không ngờ hôm Phong đến, Mây lại không đuợc biết trước nên cô đã không có dịp mặc chiếc áo màu tím cô ưng ý nhất và đã dành sẵn cho dịp này. Mây không thể nào quên được hôm đó khi vừa bước chân vào trong nhà, thấy mọi người cùng ngồi sẵn đợi mình, cô bé sượng sùng cúi đầu chào rồi đi thẳng vào nhà trong. Mây ngồi xuống ghế, đưa tay đặt lên ngực cho đỡ hồi hộp, cô nghĩ giận mình đã không về sớm một chút để thay áo, mà nay cứ phải để nguyên hình không một chút trang điểm trên người để ra cho anh coi là cô bé khi xưa nay đã lớn chừng nào. Khi trở vào phòng ăn, thấy khuôn mặt rạng rỡ của Phong tươi cười hỏi mình, thật Mây không nhớ anh đã nói gì. Nhưng có một điều Mây tin chắc là nếu anh hỏi trông anh có khác như cô đã nghĩ hay không thì cô sẽ trả lời rằng tuy chỉ được nghe các anh chị nói về anh, nhưng lúc nào Mây cũng coi anh như là một người thân trong gia đình, và tình cảm này chắc chắn sẽ không thay đổi với tháng năm.

Sau nhiều năm xa vắng, Phong đã trở về quê hương với tâm nguyện là đem hết tài trí của mình ra phục vụ cho quốc gia và dân tộc. Trong thời gian này, anh hay tới thăm gia đình Vũ vào dịp cuối tuần. Thường thì anh hay nói chuyện với anh Vũ và đôi khi với Bố. Nhưng anh là người tính tình vui vẻ dễ thân cận nên sau khi gặp anh vài lần, được nghe anh kể chuyện đời sống bên xứ người, cô bé không còn thấy anh như là một người khách xa lạ nữa. Ý tưởng về anh như là một thần tượng siêu việt cũng thay đổi dần dần, vì nay với cô bé Phong đã là một người hiện thực, và Mây chỉ thấy ở anh là một con người có nhiều tài năng và đầy nhiệt huyết, đáng để Mây trân kính. Rồi một lần, gặp một luận đề giảng văn cô giáo ra cho học sinh làm ở trường thật khó, ông anh Vũ của cô bé cũng không giải nghĩa nổi, Mây phải đánh liều tới cầu cứu cái ông anh từng học ở bên Tây này trở về, thì cô lại khám phá thêm được một điều mới lạ là anh Phong quả có một bồ chữ Hán Việt trong người. Anh lại có tài giảng bài thật rõ ràng, và Mây thấy là anh thật hiền, nên cô bé đã thầm ao ước rằng nếu được là học trò của anh thì chắc tương lai sẽ sáng sủa tưng bừng lắm. Từ đó nhờ có anh chỉ dẫn thêm mà từ một nữ sinh theo học trường Tây nay chuyển sang học ở Gia Long, theo chương trình Việt, các bài luận văn của Mây lại thường hay được chấm nhất ở trong lớp. Có một hôm anh hỏi Mây về những môn Toán theo học thì cô bé phải thú thực rằng chỉ luôn luôn được ở mức trung bình. Mây còn nhớ là hôm đó anh Phong đã cười ngất mà nói: "Nhà có hai ông anh thì một ông là cử nhân toán và một ông là kỹ sư kiến tạo mà để cô em thân thương chỉ có trình độ toán pháp ở chỗ trung trung mà thôi". Cô bé ngượng đỏ mặt và chỉ hứ anh một tiếng rồi sau đó tránh gặp Phong suốt cả một tuần lễ.

 

******

Mây còn nhớ rõ giờ phút chia tay với Phong ở phi trường. Anh đã bắt tay từ biệt những người đưa tiễn và cả anh Vũ cũng đã xuống dưới lầu, chỉ còn lại cô bé ngồi yên lặng trước ly nước cam cô chưa đụng tới. Anh đã tới ngồi xuống bên cạnh, và cầm lấy tay cô bé ân cần dặn dò ở nhà cố gắng chăm học, anh chỉ đi ba năm rồi sẽ trở về. Lúc đó Mây đã vào đại học, và chắc không còn cần đến anh để kèm học nữa, anh đã nói như vậy. Cô bé đã cố ghìm lại hai hàng nước mắt như muốn trào ra. Thì ra trong hai năm vừa qua, anh đã chỉ coi cô như là một cô học trò nhỏ bé, đã dốt cả văn lại dốt cả toán, và anh đã có công rèn luyện đạt tới trình độ có thể qua được những khoá thi tú tài trong những năm tới để rồi cô bé vào đại học, kiếm được một văn bằng chuyên môn nào đó, về dược khoa hay sư phạm và có một gia đình yên ấm, sống cuộc đời phong lưu nhàn hạ. Mây nghĩ đó là ước vọng của anh, cho cô. Và chỉ có thế thôi. Vậy thì những lần cô bé ngồi nghe anh kể những cảnh lạ đường xa, những nơi anh đã đặt chân tới, những đêm không trăng anh ngồi trên bãi biển Nice ở miền Nam nước Pháp, nghĩ đến không gian xa vời, đến những bí hiểm trong vũ trụ, đến thân phận con người nhỏ bé, anh đã kể cho Mây nghe những mơ ước của anh, và cô bé đã như được ru trong mộng, cô đã cảm thấy những gì bao la bát ngát trong cuộc đời trôi nổi của anh. Nhìn bề ngoài, ai cũng thấy anh là người vui vẻ dễ gây cảm tình, nhưng khi nghe anh tâm sự, Mây như cảm thông được nỗi cô đơn của anh. Mây chưa bao giờ thấy anh nhắc tới những cô bạn gái mà Mây tin chắc thế nào anh cũng đã có trong những năm ở bên Pháp. Và còn nhiều lần khác nữa, nghe anh kể chuyện cô đã tưởng như được đi cùng anh tới những nơi ở góc biển chân trời, chỉ có hai người, cô nghe anh nói chuyện thật say mê, cuộc đời tươi đẹp, nhẹ nhàng như chỉ có gió thoảng mây bay. Những lúc đó Mây không nghĩ mình chỉ là cô học trò bé nhỏ của anh nữa, mà là người để nghe anh tâm sự. Cô biết là chỉ với mình, anh mới nói như vậy, vì mỗi lần cô bé thấy anh và anh Vũ nói chuyện với nhau thì hai người cùng hăng hái trình bầy quan điểm của mình, đôi khi như không ai muốn nhường ai. Còn với những người khác trong gia đình thì chỉ là những câu chuyện thường tình trong xã hội đương thời. Cô thấy cả nhà ai cũng qúy mến anh, nhưng riêng với Mây thì tình cảm của cô đối với anh thật là đặc biệt. Nhiều lúc Mây thấy như tự mâu thuẫn với chính mình. Cô thấy nếu tự coi mình như là học trò của anh thì sẽ phải sợ anh mắng là dốt, là lười không chịu làm bài, gặp anh là phải khép nép, thưa gửi. Nhưng sự thực lại trái hẳn, vì đối với Mây anh lại hết sức cưng chiều. Cô là người hay dễ giận hờn, và đã nhiều lần anh phải dỗ ngọt cho cô bé tươi lại nét mặt. Điều này lại là một sự bí mật được giữ kín giữa hai người vì Mây rất sợ ông anh cả trong nhà. Nếu Vũ biết được Mây hay nhõng nhẽo và làm cho Phong phải bận tâm thì lập tức anh sẽ ra lệnh ngay rằng từ nay Mây không được đem bài tới hỏi để quấy rầy Phong nữa. Nếu thấy cần thì Vũ sẽ cho cô bé đi học những lớp luyện thi, mà điều này đối với Mây thì thực là trần ai khổ sở vì cô đã được mấy con bạn cùng lớp cho biết là những lớp học này đều đông đúc, ngột ngạt, và mở vào những giờ giấc không thuận tiện chút nào, đã ghi tên học thì không còn thì giờ đâu mà đi dạo phố và coi ciné nữa.

 Mây còn nhớ tình huống lúc cùng anh chia tay, khi đã đến giờ có một nhân viên an ninh phi trường tới hướng dẫn Phong xuống thang lầu và đi một cửa riêng để ra sân bay lên phi cơ trước những hành khách thường. Dù cho giờ đây chàng không còn giữ một chức vụ gì, nhưng Nha Hàng Không Dân Sự đã dành cho Phong một sự tiễn đưa đặc biệt như là một trân trọng cho một người đã đưa lại sự độc lập và thịnh vượng cho nền Hàng Không Việt Nam. Khi thấy Phong đứng dậy, Mây biết đây là giờ phút phân ly, với một người mà cho tới nay cô cũng không biết là coi như một người anh thân thương hay là một người thầy qúy trọng. Mây đưa vội cho anh gói quà cô đã mang theo để anh giữ làm kỷ vật khi xa nhà, và xoay người lại không đối diện với anh nữa, vì cô biết là mình sẽ khóc oà lên nếu phải nhìn anh bước xuống thang lầu. Hồi lâu, khi thấy chung quanh mình đã trở nên yên tĩnh, Mây quay lại và chợt nhớ ra điều gì, cô chạy vụt tới khung kính để vừa kịp nhìn thấy anh bước mấy bậc thang cuối cùng để vào chiếc phi cơ khổng lồ sẽ đưa anh tới Hoa Kỳ cách xa quê hương hàng vạn dậm. Trước khi Phong vào cửa phi cơ, Mây thấy anh ngần ngừ rồi quay người lại đưa tay vẫy chào những người đưa tiễn còn đứng dưới sân và trong khoảnh khắc anh thoáng nhìn về phía lầu nơi cô đang đứng. Mây thấy như nghẹn thở, vội chớp mắt và cúi đầu nhìn xuống, nhưng khi ngửng lên thì anh đã bước vào trong thân tầu. Thế là anh đi rồi. Người về như chớp nhoáng, người đi cũng vội vàng. Thủa xưa xa xôi khi còn bé thì Phương Vân không nhớ, nhưng nay mới làm quen lại anh, thì anh lại rời nước ra đi. Hôm tiễn anh đi, khi trở về nhà, cô bé nghĩ thầm rằng, đối với mình, anh chỉ như là cơn gió thoảng qua đám mây đang lững lờ trôi, và giờ đây, anh đã đi rồi, gió cũng tiêu tan, để áng mây lành ở lại. Không biết đến bao giờ anh mới trở lại quê hương.


 ******

Hôm nay, ngồi một mình trong phòng vắng lạnh, Phương Vân thấy nhớ anh da diết. Anh đã không đi hẳn, rời khỏi cuộc đời cô, như cô bé đã lo ngại vẩn vơ. Tuy nay anh đã ở xa vời, cách nửa vòng trái cầu nhưng anh vẫn viết thư về, cho mọi người biết tin anh, gia đình cô bé hiện giờ là quyến thuộc của anh vì Phong đã không còn liên hệ với miền Bắc. Ngày đầu tiên khi đã dọn vào căn phòng đại học dành cho chàng, Phong mở gói quà cô bé đã đưa tận tay cho mình thì thấy là một khung ảnh có hình của cô bé khi còn bé tí hon, với đôi mắt thật đen dưới đôi hàng lông mày cong trên khuôn mặt tròn xinh sắn. Kèm theo tấm hình là một miếng giấy nhỏ với hàng chữ viết thật đều, nét mềm mại:

 “Khi xưa, lúc Mây còn bé được anh chiều hơn bây giờ. Nhìn thấy hình này thì anh nhớ viết thư về cho Mây, nếu không, Mây sẽ nghỉ chơi cho anh biết thân.”

 Tấm hình của Mây, để trên bàn học, đã luôn luôn nhắc nhở Phong tới gia đình người bạn, mà từ hai năm qua đã luôn luôn hỗ trợ tinh thần chàng. Lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước Phong đã như một đám mây trôi theo gió lưu lạc phương trời. Nhưng giờ đây với chàng, gió hình như đã ngừng lại làm mây tụ lại một nơi. Phong đã viết thư về, cho Vũ là người bạn thân thiết đã có nhiều năm giao tình, và cũng vì chàng đã không thể nào quên được đôi mắt đen như vương ngấn lệ của một cô bé đêm nào nắm lấy áo chàng và ngửng đầu lên cầu cứu. Ở nhà, mỗi tháng đôi lần, Vũ vẫn nhận được thư của Phong viết về cho biết tin tức ở nước ngoài, và công việc hiện tại của mình, và Vũ cũng viết sang cho người bạn về tin chiến sự, và đặc biệt về tình hình chính trị ở bên nhà. Là bạn thân lâu ngày tâm sự, Vũ biết là Phong khi ra đi đã tự chọn cho mình một sứ mạng là liên kết với những chuyên gia Việt có tài năng ở hải ngoại, cùng chung một lý tưởng là phục vụ quốc gia và dân tộc, để sau này có dịp sẽ cùng về kiến thiết và canh tân xứ sở thành một nước tự do, dân chủ và thịnh vượng. Trước ngày Phong ra đi, Vũ và một số bạn bè thân thiết và cùng chí hướng đã tổ chức một bữa cơm tiễn đưa và tặng chàng một tấm bảng có khắc bốn câu thơ

Gió mây lưu lạc về chưa,
Để anh gom lại làm mưa Xuân hồng.
Trời xưa, thư kiếm vẫy vùng,
Quê hương mở hội, anh hùng là ai?


Những lời nhắn của Mây và những câu thơ của bằng hữu đã in vào trong tâm khảm của người đi. Nếu Vũ có niềm tin nào vào Phong thì Mây hoàn toàn không biết. Cô bé chỉ hiểu lờ mờ rằng ông anh của mình là người ủng hộ nhiệt thành những dự định tương lai của Phong, và anh vẫn thường xuyên liên lạc với anh Vũ. Nhưng từ nay Mây không còn phải biết tin của Phong qua các anh chị đã nhận được thư của anh gửi về nữa vì cô bé cũng nhận được thư đều đặn của anh. Bức thư ngắn đầu tiên mà Phong viết cho cô bé đã mở ra một nhịp cầu thông cảm. Và Mây đã dần dần hiểu anh hơn. Tuy anh có nhiều bằng hữu nhưng cô bé vẫn thấy anh là người cô đơn trong tâm tưởng. Có lần anh viết về:

 “Hôm nay trời ở đây đã cuối thu, lá vàng ngoài song cửa đã bắt đầu rơi rụng. Buổi chiều sau giờ học anh tới phòng ăn rồi mới trở về buồng. Cuối thu và sang đầu đông, trời ở đây tối sớm hơn bên nhà, và theo vết chân người đi tiếng lá kêu sào sạc. Cảnh vật thật là yên tĩnh, chỉ có tiếng chân đi trên lá khô là đưa lại một chút sinh động cho buổi tối trời. Anh dừng chân ở đầu ngõ, tìm hộp thư của mình và thấy lá thư của Mây gửi sang. Đêm nay ngồi đọc thư Mây viết, căn phòng sẽ thêm ấm cúng và anh cũng sẽ thấy bớt cô đơn.”

Đọc những thư như thế này cô bé thấy thật thương anh, vì anh đang có một địa vị tốt đẹp ở bên nhà mà chỉ vì muốn sau này có đủ khả năng và nhân tài trợ lực để có thể làm được gì hữu hiệu hơn mà anh phải trở về đời sống sinh viên thật đạm bạc. Nhưng cũng có những thư của anh toàn có chuyện vui, anh viết cho cô bé với giọng ngọt ngào thường lệ. Chị Trinh là người hàng ngày lấy thư vào cho cả nhà vì chị theo học Văn Khoa bao giờ cũng về sớm. Những hôm nhìn thấy cô em có nét mặt tươi vui sau khi đọc thư của Phong gửi về, đôi khi chị tò mò hỏi: “Anh Phong có tin gì lạ không?” . Cô bé chỉ trả lời: “Không! Anh chỉ dặn phải chăm học mà thôi!”

Chị Trinh gật đầu thông cảm, nhưng lớn hơn Mây nhiều tuổi chị dư biết là tối hôm nay Mây sẽ đưa những lời căn dặn của anh vào Mộng.

(Còn tiếp chương 6)

Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC