TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Từ khi sinh ra đến nay tôi đã trải qua nhiều xóm làng và chỗ ở. Phần lớn sự di dời bắt nguồn từ loạn ly, mặt khác vì sinh kế. Xóm đầu tiên trong đời mang đến cho tôi nhiều hương vị nồng ấm, hạnh phúc nhứt là xóm Cái Muồng, nơi có nhà cửa, vườn ruộng của ông tôi để lại. Tôi chào đời ở đó với bao yêu thương đùm bọc của cha mẹ, người thân lẫn những chú bác cô dì sống quây quần trong xóm nhỏ. Sự ra đời của tôi, thật đúng lúc, đúng thời. Cái xóm nhỏ qui tụ chừng mười gia đình gồm họ hàng thân thích lập thành xóm. Người nhỏ nhất cũng tròn ba tuổi, khi tôi cất tiếng khóc đầu tiên đó là chị Lẹ con bác xã cạnh nhà. Theo lời ông tôi kể lại ba mẹ tôi cưới hỏi đã trên hai năm vẫn chưa sanh con. Ông tôi mong có đứa cháu đích tôn cho thỏa dạ, nếu bất chợt qui tiên ông cũng mỉm cười sung sướng khi biết chắc chắn dòng họ đã có người nối dõi.

        Cũng tại xóm nầy tôi đã chập chững tập đi, tập nói, tập cắp sách đến trường. Nơi này tôi có bạn nam lẫn nữ, họ từ làng khác tản cư đến khi giặc Pháp vào đóng đồn, xây bốt ở Bà Lang thuộc xã Phú Quới cách xóm tôi chừng ba cây số. Những cô bạn mới thời chạy giặc đã tá túc nhà tôi, cùng tôi chơi đùa vui vẻ, sau nầy cùng tôi cắp sách đến trường. Tôi cũng không biết từ dạo nào tôi đã để ý đến cô bạn nhỏ thời thơ ấu đó và  nếu không vì quan niệm “môn đăng hộ đối” của người xưa, và không vì tuổi trẻ lắm tự ái, có lẽ chúng tôi đã trở thành chồng vợ khi tới tuổi trưởng thành. Nếu  được vậy thì những từ thất tình, tình phụ, tình dỡ dang sẽ không có trong tự điển tình yêu của riêng tôi.

       Cuộc sống vốn không là mộng, là mơ, khi tôi chưa tròn mười tuổi, ngôi nhà thân quen của gia đình chúng tôi phải d thay vào đó là căn nhà xụp xệ, lợp lá vách tre, lẫn vách lá. Sở dĩ có tình trạng xuống cấp như vậy vì phía chính quyền Việt Minh sợ nhà cao cửa rộng sẽ bị Tây dùng làm đồn bót càn quét dân quân.  Để trả thù, lính Tây khi ruồng bố đã đốt ba nhà của xóm Cái Muồng, chắc họ nghĩ những nhà lớn vừa dỡ bỏ đã thiên về phía Việt Minh. Nhà cháy, dân  trong xóm quyết định dọn  về vùng an ninh hơn để con cái dễ dàng đến trường học hành kiếm mớ chữ nghĩa làm vốn. Xóm nhà mới nầy thuộc khu đât công điền, thời Tây gọi là đất Làng cách nhà cũ của tôi tới đó hơn cây số. Toàn vùng trống trải, xa xa có những nhà cũ kỹ của một họ nhỏ gồm toàn là anh em ruột thịt với nhau. Không biết vì lý do bí ẩn nào  mà có họ từ cha tới con đều mang tên của loài cẩu như Mực, Vện.. v.. v..  Người ta đặt tên xóm “Cây Xoài Quéo” vì trên cái gò gần mé ruộng trong xóm đó mọc lên cây xoài, khi cao chừng năm thước tự nhiên đọt xoài quẹo xuống đất, thiên hạ lấy đó đặt tên cho xóm. Xóm nầy không thích hợp với bọn trẻ chúng tôi. Tụi tôi tụ tập u ranh, chơi đùa cũng bị các ông bà xóm đó la rầy. Họ lấy lý do rất buồn cười: "Tụi bây làm ồn Tây vô bắn chết hết". Nhứt cử, nhứt động của chúng tôi, dường như họ luôn theo dõi để kịp thời ngăn cấm. Một hôm Tây ruồng bố xóm cây Xoài, bọn chúng vào những nhà mới nhập cư ý chừng tìm hiểu, thành phần thế nào. Tên sếp cuộc bố ráp đó là ông ách, có lẽ thấy anh em tôi ở lứa tuổi học trò, nên hỏi tôi ít câu bằng Pháp Ngữ. Chẳng hạn:

       -  Mầy tên gì? Mấy tuổi? Học ở đâu ? Ba mầy làm gì?

      Đại khái những câu mà khi vào lớp Đồng Ấu tôi đã học hiểu và trả lời trôi chảy với Thầy rồi. Lời đối đáp đó khiến ông sếp Tây hết sức vui vẻ (chắc ông ta nhớ đến con cái ở bên Tây nên nói chuyện với tôi cho vui) ngoài má tôi nghe thấy, còn một người đàn bà nữa là Bác Sáu Vện gái trong lúc đến nhà tôi chơi, vô tình cũng chứng kiến. Lời đồn đại của bác Sáu, ban đầu còn trong gia đình, sau lan dần khắp ấp và xã với lời thêu dệt đôi khi quá trớn khiến tôi cũng phải ngượng.

 

      Cách nhà tôi một đổi là nhà bác thầy chùa Ba, không biết ông tu theo môn phái nào mà ông cũng có vợ con đề huề. Chị Út  Năm Tây con bác học chung với tôi một trường. Đặc biệt bác tụng kinh hàng đêm và lúc sáng rất đúng giờ .Bác thầy chùa Ba có tật rất lớn là hay chửi thề. Câu nào bác cũng có thể chêm tiếng Đức (Đ. M) được.  Em kế của tôi thường thả trâu gần nhà bác ăn cỏ lúc gần sáng, nơi bác đã lên liếp lập vườn và có hàng rào bằng tre hẳn hoi. Tuy vậy bác vẫn sợ trâu vào ăn những cây so đũa bác tăng hu trồng khắp vườn. Tụng kinh xong bác ra rình xem cây cối của Bác thế nào.

      Khi thấy đàn trâu của em tôi gần sát hàng rào, bác lên tiếng

      - Đ. M một cây so đũa công tao trồng và săn sóc giá mười đồng. Mất bao nhiêu, tính tiền bấy nhiêu nghe chưa thằng chăn trâ

     Em tôi cũng chẳng vừa, cũng bốp chát đúng theo ngôn từ của Bác.

      - Dạ mỗi cây mười đồng. Mô Phật, Mô Phật.

Bác tức lắm muốn tìm ba tôi để mắng vốn, nhưng em tôi vẫn dùng từ lịch sự để ngạo bác, nên bác ngậm bồ hòn làm ngọt

      Cách nhà bác đạo Ba một con rạch mọc lên hai nhà, nếu lấy tên hai gia chủ ghép lại dù đọc xuôi hay ngược cũng là lời tục tĩu khó nghe. Tuy vậy họ vẫn sống cạnh nhau đến lúc tuổi già bóng xế. Nhà đầu tiên là nhà bác Hai Lò, bác là con trai lớn của ông Sáu Tuất gần đó.  Bác bị bịnh lao qua đời khi tôi đến đó ngụ cư sáu tháng. Liền vách nhà bác Lò là nhà anh Hai Tôn, anh bà con xa với gia đình tôi. Trời xui khiến anh Tôn lại liền vách với bác Lò khiến trong xóm khi nhắc đến họ ai cũng phải phì cười cho dù các bà nghiêm nghị nhứt, cũng tủm tỉm một cách kín đáo.

       Chuyện vui thứ ba ở xóm Cây xoài. Năm ấy là năm 1952, gia đình tôi quay về Cái Muồng, vào tháng chạp trăng sáng vằng vặc, một đêm ở chợ Bà Lang (Phú Quới) tiếng xe nhà binh chạy và ngừng từng đoàn. Nghe tiếng xe như vậy dân xóm tôi đoán sẽ có bố ráp vào ngày hôm sau không ở Cái Ngang thì ở vùng tôi. Đám học sinh xóm tôi theo thói quen chuẩn bị cơm nước mang theo đi học mặc kệ trời sáng hay chưa. Chúng tôi nhỏ, lớn là bảy đứa trong đó chị Sáu Lé lớn tuổi hơn cả nhưng vẫn ham vui như tụi tôi, vẫn thả bộ đi học mỗi ngày. Từ Miễu Bà đến Cây xoài quéo là gian nan hơn cả, vì khỏi miếu chùng ba trăm thước là xã chiến đấu, nơi đây dân quân dùng vông đồng rào kín hai bên chỉ chừa một  ngõ hẹp vừa cho một người đi.Tụi tôi  vượt qua con đường khó khăn đó, lưng đã rướm mồ hôi dù là sáng sớm. Vừa khỏi xã chiến đấu lại gặp lùm vông, gồm toàn những buị vông thấp nhỏ. Nơi đây được dùng làm nghĩa trang cho người chết trẻ và những người chết bất đắc kỳ tử mà thân nhân không muốn chôn ở đất nhà sợ xui xẻo. Khách bộ hành ban ngày đi ngang lùm vông một mình cũng cảm thấy ớn lạnh huống hồ đêm hôm khuya khoắc như đêm nay của tụi học trò nhỏ chúng tôi.

 

       Vượt hai nơi “rùng rợn” chúng tôi gặp con lộ đất rộng chừng ba thước, chạy thẳng  tới chợ Phú Quới, hai bên lộ thỉnh thoảng có nhà của dân, không phải sợ ma nữa. Đám trẻ chúng tôi vừa thở phào nhẹ nhõm, bỗng tôi nghe tiếng nói chuyện xôn xao, phát ra từ dưới những chiếc thuyền của các bà đi chợ. Mấy bà cố tình lớn giọng khi qua “ Lùm Vông” tôi đoán các bà cũng sợ ma như tụi tôi thôi.  Để biết thật hư ra sao, tôi bàn với các bạn:

       - Hay mình giả ma nhát xem các bà có sợ không?

Chị Sáu hỏi:

       - Làm sao để nhát họ

       - Chị đừng lên tiếng, tôi sẽ làm ma đây.

Tôi tìm vài cục đất chọi xuống sông, khi xuồng các bà bơi gần tới. Một vài tiếng la phát ra từ chỗ chiếc xuồng;

       - Có ma

Người khác lên tiếng

       - Không phải ma đâu? Ma sao lại chọi đất bự thế? Chắc ông nào nhát mình vậy thôi.

      Tôi lại học một kinh nghiệm mới là ma không chọi đất lớn như tôi đã làm. Trên đường gần chỗ chúng tôi núp có một ổ chuột đùn đất nhỏ lên khi chúng đào hang, tôi hốt một mớ và quăng xuống sông tạo thành những tiếng lủm tủm nho nhỏ. Quí bà, quí cô trên hai hay ba xuồng bơi gần nhau đồng thanh cất tiếng lên cùng lúc:

      - Có ma, có ma bà con ơi ! !

      Chính tôi là người chủ xướng việc nhát ma, bỗng dưng nghe đồng loạt “ có ma, có ma bà con ơi “chúng tôi rung lên tưởng là giỡn chơi lại hóa thật rồi sao?. Tụi học trò chúng tôi biết mình chơi quá lố, nên cùng nhau im tiếng, lặng lẽ đứa trước, đứa sau lần mò đến trường lúc trời chưa sáng hẵn.

Mấy đứa tôi sợ bị đòn khi giả ma, giả quỉ nhát bà con, nên cả bọn thề độc:

      “ Đứa nào nói chuyện nhát ma hôm nay, đứa đó mút tay bà mụ”

Bây giờ ngồi viết lại tôi không nhịn được cười, nhưng lúc trẻ thề” mút tay bà mụ” là ghê gớm lắm,không đứa nào dám vi phạm.

      Người ta bảo tuổi trẻ mau quên, vụ nhát ma tụi tôi có thề thốt nên không tái phạm mà gây ra việc khác. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ sự bố ráp của lính Tây. Câu chuyện xảy ra vào mùa nước nổi. Bốn giờ đêm đó, cũng tiếng xe ồn ào ở chợ Bà Lang, tụi tôi bơi xuồng đi học, tới xóm Cây xoài, mọi nhà vẫn còn ngủ, duy có nhà dượng Tám Đó còn đốt đèn, Tôi đọc một vài câu tiếng Tây ngắn không nghĩa lý gì cả như:

      C’est bien… come ci.. come ca

      Rồi :    Hú  Hú   Ì  Ì,

Tôi giả giọng người lớn bằng cách kê miệng sát người ngồi trước mà hét lớn. Đang bơi chầm chậm tôi thấy ở nhà Dượng Tám  đèn được tắt rất lẹ, chỉ thấy vậy thôi

Chiều đi học vừa về  tôi gặp ông Năm  H.., công an ngồi sẵn ở nhà. Tôi chào hỏi xong, ông Năm  H.. bắt đầu” làm việc”

      - Hồi sáng nay ở xóm Cây Xoài có người nói Tiếng Tây có phải là trò không?

      Tôi đáp;      

      - Dạ phải, tôi đọc bài học bằng tiếng Tây chứ không phải tôi nói tiếng Tây.

      Ông cũng dễ dãi

      - Nghe báo cáo tôi biết chắc là trò. Vùng này ai biết tiếng Tây, tiếng U gì mà nói.

Hú hồn, từ nay xin chừa tật  rắn mắt.

Mấy hôm sau trên đường đến trường còn bị cô Tám, (vợ Dượng Tám) lôi vô nhà nghe cô kể chuyện Dượng hôm đó;

     Cháu biết không nghe xù xù tiếng Tây, ổng lật đật lấy cái khăn choàng đầu chừa hai mắt thôi, ổng hớp một miếng cơm mẻ ngâm một hồi rồi nhổ vào cái thau dưới chân giường giả làm người  mắc bịnh thời khí, (tụi Tây sợ bịnh nầy nhứt.).  Dượng chắc hêt giận cũng vui vẻ góp lời

     - Dượng còn ngậm sẵn một hớp cơm mẻ nữa, nếu Tây bước vào nhà tao làm như đang bị ói phun phì phò khắp mặt mày, cho tụi nó hoảng luôn. .

Nghe cô dượng kể chuyện tôi suýt bật cười, cố nhịn cho qua, nhưng những câu chuyện rắn mắt nầy vẫn đeo đẳng tôi mãi dù đã hơn nửa thế kỷ rồi

 

 Viết xong April 15.2012

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.