TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Nhìn qua tựa bài chắc nhiều bạn cho là tôi ngớ ngẩn,  trong thời chiến người ta thường đào hầm trốn pháo kích,  riêng tôi chắc rảnh rang lắm nên mới đào hầm bắt cá.  Muốn bắt cá thì thiếu gì cách như:  cắm câu, giăng lưới, tát mương, tát đìa v.v. Vậy đào hầm thế nào mới bắt cá được?

Ở quê tôi đào hầm bắt cá không phải là chuyện mới lạ gì.  Mọi người đều biết nhưng đa số chỉ nghe nói,  thực hành cách bắt cá thế nầy không phải nhiều người làm và cũng không phải khi nào đào hầm bắt cá cũng được. Lúc nhỏ tôi thường theo ba thăm hầm vào mỗi buỗi sáng, bắt được chừng mười con cá lóc tôi đã mừng quýnh mang giỏ chạy vô nhà  la lớn cho má và các em cùng biết. Thời đó qua mau vì bom đạn, giặc giã. Việt Minh và lính Tây thường đánh nhau vùng tôi ở,  cũng vào thời buổi đó mọi sinh hoạt của nhà nông bị hoàn toàn đình trệ,  ruộng đất bỏ hoang không ai cày cấy,  người ta lánh nạn ở vùng thật xa đồn bót,  hoặc đến vùng Tây chiếm đóng ít ra cũng tránh được máy bay hoặc pháo binh.  Như đã trình bày: dân chúng bỏ hoang ruộng đất,  cá ở các mương,  đìa, vùng này coi như được giải phóng..

Con kinh cạnh nhà tôi,  dẫn nước lên ruộng vào tháng tư đến tháng mười một để nhà nông cày cấy,  nước  để nuôi cây lúa;  chắt nước từ ruộng đổ xuống vào những tháng chạp giêng cho ruộng khô ráo hết chất phèn và trong tháng hai con kinh đó đã đem đến cho gia đình tôi chừng bốn năm giạ cá gồm:  sặc,  lóc,  rô,  đó là chưa kể những mương đìa phụ thuộc,  gia đình tôi tát bắt cá từ từ cho tới lúc trời đổ mưa, vào khoảng tháng tư âm lịch.

Năm1952 Việt Minh lập những xã chiến đấu, họ bắt dân cặm nhánh vông đồng hai bên bờ con kinh cạnh nhà tôi từ mé sông cho tới ruộng,  mỗi nhánh vông cách nhau vài ba tấc để cho Tây không qua được, lâu ngày chúng trở thành những cây vông tua tủa gai,  đứng xa nhìn chẳng khác một đám rừng,  lá vông rụng xuống hai bên bờ cũng như dưới lòng kinh đầy gai không ai có thể lội qua được,  đã vậy trên bờ Việt Minh cho biết đã gài lựu đạn. Họ không bảo mình tản cư , nhưng nhà ở ngay con kinh chiến đấu thử hỏi có ai dám sống ở đó.  Gia đình tôi tản cư qua Tân Hạnh,  quê ngoại của tôi rồi đến Bà Lang tức xã Phú Quới thuộc tỉnh Vĩnh Long.  Sau 1954,  lợi dụng lúc đình chiến,  ba tôi làm gan về mướn người đắp đập,  chắt kinh.  Phải khó khăn lắm mới dọn sạch vông hai bên bờ kinh. Ba tôi cho người ta đốn vông làm củi, lá, nhánh nhỏ, gai góc phơi nắng cả tháng cho khô rồi đốt. Dưới lòng kinh phải chắt đập,  mướn người dùng gàu xúc bùn từ từ, lẽ dĩ nhiên không ai chịu lãnh thầu,  họ chỉ làm ăn công nhựt. Trong số người xúc đất  có bác Năm Hương trước kia bác là công an xã phía Việt Minh, bây giờ bác bỏ hàng ngũ về ở gần đồn Phú Quới,  có bác phụ việc nên những người khác mới dám làm,  họ nghĩ bác trước kia có dự phần gài lựu đạn chắc bác còn nhớ chỗ mà bác và đàn em bác gài.  Giải quyết được con kinh mới làm ruộng được, trong năm đó ba tôi phải vất vả vô cùng để làm mấy chục công đất nhà. Vì bỏ hoang nhiều ngày,  cỏ lác mọc dày bịt không ai dám lãnh công phát chỉ còn cách mướn máy cày. Thằng cháu  phải “xâm mình“ mới dám cày vì nghe đâu V.M gài lựu đạn ra tận ngoài ruộng.  Cày hết mấy chục công đất lựu đạn phát nổ một lần may là loại nội hóa nên máy cày và người đều bình yên. Những năm sau đó ruộng trúng mùa,  kinh cũng bắt được nhiều cá.  Nguồn lợi đào hầm bắt cá dường như cả nhà đều quên.  Đầu năm 1959 tôi đang học Sư Phạm,  về nhà  ăn Tết, tôi nhắc tới đào hầm bắt cá. Ba tôi cho biết mình ở xa làm hầm người ta bắt trộm hết. Tôi đề nghị ba tôi bắt đầu làm hầm vào thứ sáu tháng giêng này vì tôi được nghỉ  ba ngày, nội trong ngày đã định ba tôi lo rút bộng xả nước, lấy đăng cũ đăng ngang kinh ở ngoài sân lúa, một bên bờ kinh cao có trâm bầu dày cá không thể nhảy bên được, như vậy ba chỉ cần đào một hầm khá rộng và sâu,  điều nầy ba tôi rành hơn tôi.  Nhân tiện tôi xin sơ lược về việc đào hầm đợi bắt cá,  hầm sâu độ ngang lưng quần, rộng đủ cho một người xuống đó xoay xở được. Xung quanh hầm ba phía đều cao chỉ một chỗ thấp làm một đường trơn,  láng cho cá có thể trường theo đó rồi phóng vô hầm. Cá thấy đập rút cạn nước,  nguy đến nơi,  chúng (cá) nương theo lòng con kinh hy vọng ra sông,  gặp đăng chận ngang chúng mò mẫm tìm chỗ nào dễ để chui qua vô tình lại mắc mớp của người.

Chiều thứ sáu tan học tôi đi xe thẳng về Phú Quới,  không ghé nhà trọ,  tôi rủ mấy thằng bạn thân về quê tôi chờ cá nhảy hầm bắt nướng ăn nếu cần thì mua ít rượu lai rai tới sáng,  mấy ông bạn Sĩ, Đạt,  Tượng đều từ chối vì phải về Trà Vinh thăm nhà.  Tới nhà cũng gần sáu giờ chiều,  tôi ăn ba hột cơm rồi vội vã bơi xuồng lên ruộng.  Mấy năm không làm ruộng nên không cất chòi trên vườn,  tôi tới chỗ đã đỏ đèn,  đậu xuồng cẩn thận tôi lội ra sân lúa xem hầm thế nào,  mấy hôm trước mới vừa đạp lúa xong nên ở đó có cây rơm cao nghệu.  Chỗ sân lúa tới bờ sông xa khoảng hơn ba trăm thước toàn trăm bầu như rừng vì lâu ngày không ai đốn, kế đó là vườn chuối cũng khá rộng.  Một mình ban đêm qua vùng rậm rạp cũng thấy ớn . Hồi nhỏ tôi từng nghe những người hàng xóm kể chuyện ma ở khu vườn tôi đang nói.  Lâu quá không tới lui nay đi một mình cũng hơi sợ,  tôi rủ thằng em kế cùng đi, chẳng những không hưởng ứng nó còn nhát tôi nữa, nó nói:

            - Lúc trước đụng trận ở khu nhà mình, chắc là nhiều ma Tây lẫn ma ta, tôi không dám đâu.

Tôi nói cứng:

            - Thời buổi nầy mà còn nói chuyện ma  không sợ người ta cười cho sao.

Tật lớn của tôi là khi bị ai nói khích tôi càng làm tới. Tôi quảy cái nóp để ngủ trong đó có gối và mền, tay xách cái giỏ lớn,  lấy  rế  nhắc nồi cũng lớn bằng miệng giỏ làm nắp tạm, trời chưa tối hẳn, vào khoảng chín giờ,  tôi bỏ đồ ngủ ở sân lúa lội vô nhà thằng em họ nói dóc và uống trà. Kinh nghiệm cho biết cá nhảy hầm khi sương bắt đầu xuống,  thời gian lý tưởng là từ một giờ khuya tới sáng..

Tan  cử trà,  lúc bấy giờ gần mười một giờ khuya tôi hỏi thằng em có muốn ăn cá nướng trui không.  Nó khoảng tuổi tôi nhưng là một tay nhậu,  chú em nhận lời. Trước khi đi,  nó vào bếp  xúc mớ muối ớt,  đến giàn rau  cắt ít rau thơm rồi cùng tôi ra sân lúa nơi có hầm  cá.  Tôi rọi đèn pin kiểm soát thấy hai con lóc vừa phải và một con rô mề.  Bắt lên đập đầu mang ra chỗ xa cây rơm một đổi nổi lửa nướng ăn sốt dẻo mở hàng.  Cá nướng chín thơm phức,  tụi tôi lấy rơm cạo sơ cho văng hết những vảy cháy khét trên thân cá, như vậy có thể bẻ ra ăn được. Sẵn muối ớt,  rau ăn coi bộ khá hấp dẫn,  chú em cặp nách chai rượu và cái ly tôi đâu hay,  nó bắt đấu rót ra ly mời tôi.  Lâu nay tôi nào biết uống rượu đế chỉ nhâm nhi bia chút đỉnh thôi.  Chú em bắt đầu lên tiếng giọng nhà nghề:

            - Ăn cá nướng trui mà không rượu đế thà chết sướng hơn.

Sương bắt đầu đổ xuống khắp cánh đồng,  trời se lạnh,  ăn cá nướng nhắm chút đế,  rượu chạy tới đâu nóng tới đó, miếng mồi trở nên  đậm đà và ngon miệng hơn. Tôi chỉ đưa cay chút đỉnh còn bao nhiêu chú em thầu,  hết mồi rượu cũng cạn chú em xách chai không và ly lội về còn hứa sáng sớm sẽ giúp tôi khiêng cá vì theo chú ấy đêm nay sương nhiều cá sẽ nhảy hầm bạo lắm. Tôi cũng ậm à không mấy tin tưởng,   rượu vào nên nó nói có vẻ xôm tụ,  tôi cũng buồn ngủ nên chui vào nóp đánh một giấc đên sáu giờ sáng khi nghe tiếng chú em kêu thức dậy bắt cá đi về. Thằng em chê tôi bắt cá chậm nó thay tôi bắt một hơi xem lại gần hai phần giỏ. Nó đề nghị tôi giấu nóp đồ ngủ lại,  khiêng cá ra xuồng về cho kịp bán buổi sáng, tôi không quên bắt cho nó mớ  cá để ăn,  nó hẹn tối hôm sau sẽ có đầy đủ rau cho hai anh em nhậu tới đã thôi. Trên đường bơi xuồng về nhà tôi còn làm một hành động mà mấy anh Tây gọi là Ga lăng,  ghé nhà cô bồ bắt cho gia đình cô vài con cá thuộc hạng to tướng, không biết cô ta có cảm thấy ấm lòng khi người yêu thức đêm đem cá đến tặng?

 Xuồng vừa đến nhà tôi gọi thằng em cùng khiêng cá lên, má tôi mừng lẫn ngạc nhiên,  riêng ba tôi từng đào hầm bắt cá nên ông cũng đoán được ngày đầu sẽ có nhiều cá. Tới đây coi như tôi đã xong công việc,  nghỉ ngơi đợi chiều tối sẽ lên canh hầm chờ cá nhảy tiếp.  Má tôi chừa một mớ để ăn vài ngày,  còn lại bà đem qua chợ bán.  Ngày đầu bán cá cũng bộn tiền. Tôi không chia phần vì tôi vừa lãnh học bỗng hôm thứ sáu cũng trên ngàn đồng.

 

Viết xong March 3-2014
Nguyễn Thành Sơn

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.