TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hà-nội, Sài-gòn Xưa Kia và Mai Sau
        Đổi mới là nhu cầu tất yếu cho thích hợp với đà tiến triển của nền văn minh, khoa học hiện đại, nhưng không phải là phá huỷ tất cả những cái gì thuộc về quá khứ.. Nếu không, đổi mới chỉ là kéo lùi bánh xe lịch sử của sự tiến hoá...
1- Hà-nội trước 54.-
Một ngày mai, 
Ta  sẽ  về thăm Hà-nội,
Hà nội trước 54: đất <Ngàn-năm-văn-vật>
Ấp ủ trong lòng thành phố cổ Thăng-long
36 phố phường,5 cửa ô, núi Nùng, sông Nhị
Thành quách xưa Hoàng-Diệu rêu phong
Cầu Long-biên như rồng đen vĩ đại
Giòng sông Hồng nước đỏ mênh mông
Tháp rùa lung linh trên Hồ-gươm huyền thoại
Đường Cổ-ngư thơm ngát gió Tây-hồ...
 
        Năm 1949, trong khi cuộc chiến Việt,Pháp bùng nổ dữ dội, Hà-nội hiện ra trước mắt tôi dưới cảnh tượng rất thanh bình. Đi qua cầu Long-biên hùng vĩ bắc qua sông Hồng mênh mông, tôi đặt chân xuống nội thành. Phố xá náo nhiệt, sầm uất. Nếu không có bóng dáng của mấy người lính Pháp thì người dân Hà-nội không cảm thấy gì về khói lửa chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở các vùng thôn quê. Gia đình tôi gặp may mắn được người thân cho cư ngụ tại một ngôi nhà 2 tầng rộng rãi có cổng và hàng rào bằng song sắt trên khúc  đẹp nhất của đường Quan-Thánh, dựa lưng vào hồ Trúc-bạch. Trước mặt và hai bên là những biệt thư sang trọng 3,4 tầng với sân thượng đẹp như vườn hoa. Tối đến tiếng nhạc xập xình từ 2 vũ trường gần nhà vang lại, đa số khách Tây Đầm.  Cuối đường nếu đi thẳng thì tới vườn Bách-thảo(với núi Nùng), xa hơn nữa là trường Bưởi xưa, còn nếu rẽ tay phải thì thấy đền Quan-Thánh và con đường Cổ-ngư nổi tiếng giữa hồ Trúc-bạch và Tây-hồ. Không xa nhà quá vài trăm thước là trường Trung-học Chu-văn-An, nơi tôi theo học cho đến khi trường di chuyển vào Nam. Cũng cách nhà trong vòng chu vi chưa đầy 1 cây số có thành Hà-nội (Thăng-long xưa), công trường Ba-đình, chùa Một-cột và biệt điện Bảo-Đại. Rất dễ dàng đáp xe điện vào trung tâm thành phố thì tới Hồ-gươm, với Tháp-rùa và cầu Thê-húc dẫn vào đền Ngọc-sơn. Từng ấy thứ chưa đủ mô tả hết những thắng cảnh khác của đất <Ngàn-năm-văn-vật/Cô đô Thăng-long>, như văn miếu cổ kính, viện Bác-cổ, trường Đại-học, nhà hát lớn kiểu Opera Paris, phố Tràng-tiền tráng lệ, nhà ga Hàng-cỏ, toà nhà Đấu-xảo, chùa Một-cột, đền Ngọc-sơn(với Tháp bút), chùa Quán-sứ, nhà thờ lớn(với 2 tháp vuông màu đen cao vượt lên trên nền trời Hà-nội thời Pháp thuộc), đền thờ Hai-bà-Trưng, chợ Đồng-Xuân, chợ Hôm, công trường Ba-đình, ô Quan-chưởng...Không xa thành phố, có núi Tản và gò Đống-đa. Từ trên cánh máy bay khi rời khỏi Hà-nội mến yêu của một thời niên thiếu, tôi ngậm ngùi nhìn lần chót toàn cảnh thành phố xinh đẹp làm sao: những mái nhà ngói đỏ hình ô vuông nho nhỏ tô điểm trên những mảng đậm màu xanh lá của cây cối và của 4 mặt hồ lấp lánh ánh mặt trời. 
 
        Riêng hồ Tây! Nhớ những buổi chiều tôi đi dạo trên đường Cổ-ngư. Mặt hồ mênh mông hầu như không nhận thấy bờ bên kia, xanh ngát, điểm mấy cánh buồm trắng xa xa, thỉnh thoảng có vài chiếc thuyền lướt-nước (ski) đang rẽ sóng. Đi vòng một khúc ven hồ về hướng đê Yên-phụ sẽ thấy Hồ-tắm Nghi-tàm mà một đôi lần tôi đã đến ngâm mình dưới làn nước trong,mát của hồ Tây.  Khách nhàn tản trên con đường này thường không quên ngồi thưởng thức hương vị thơm lừng của món ăn chơi nổi tiếng gọi là <bánh tôm Cổ-ngư>. Quang cảnh thơ mộng tuyệt vời, một bên là hồ Tây nước trong xanh bát ngát, một bên là hồ Trúc-Bạch nước đặc màu xanh rêu. Lúc màn đêm vừa buông xuống, không gian âm vang từng tiếng chuông ngân từ phía đền Trấn-quốc và chùa Ngũ-xã(nơi có bức tượng đồng to lớn hơn tượng đền Quan-Thánh(còn gọi là đền Trấn-võ).
        Ngày nay, sau hơn nửa thê kỷ, Hà-nội mặc dầu phát triển mạnh về kiến trúc nhưng thực tế đã mất đi tất cả nét thanh lịch độc đáo của thành phố <Ngàn-năm-văn-vật>. Nhắc đến quang cảnh thơ mộng của hồ Tây, có lẽ người Hà-nội của những năm xưa không thể nào không cảm thấy <tội nghiệp>cho tác giả câu thơ <Đường Cổ-ngư thơm ngát gió Tây-hồ>bởi vì gió đâu còn thơm ngát nữa, thay vào đó là mùi cá chết. Thực vậy, tin tức mới đây cho biết có một hiện tượng lạ lùng: cá chết nổi lên ở hồ Tây nhiều đến 200 tấn và sau đó tới lượt hồ Linh-đàm(VOA Oct.28). Hiện tượng này có khác gì thảm hoạ Formosa ở miền Trung năm ngoái khiến ai có nhận xét sâu xa một chút cũng có thể đặt ra mối hoài nghi là biết đâu đã có một bàn tay phá hoại từ những kẻ từng bị dân tộc ta coi là kẻ thù trong lịch sử một ngàn năm chống ách đô hộ? (dễ lắm: chỉ cần giong một chiếc thuyền con chở những bịch thuốc độc giả bộ dạo chơi trên hồ). Hơn nữa, cuộc sống Hà-nội càng ngày càng trở nên xô bồ về mọi mặt vật chất cũng như tinh thần đến nỗi nhiều khách du lịch Tây phương phải ngạc nhiên, bực bội. Ôi còn đâu cái tiếng thơm <Ngàn-năm-văn-vật> của Hà-nội trước 1954 !
       Tưởng sẽ được tiếp tục cuộc sống yên bình ở Hà nội mãi, bất ngờ Hiệp định Geneve chia đôi đất nước đã khiến 1 triệu đồng bào phải bỏ quê hương đất tổ để di cư vào Nam.
Thế là vào tháng 8 năm 1954, tôi đặt chân xuống Sài-gòn _Hòn-Ngọc-Viễn-Đông_để bắt đầu một cuộc sống mới.
 
2- Sài-gòn trước 75-
Một ngày mai,
Ta cũng sẽ về thăm Sài-gòn yêu dấu,
nơi hai đứa trưởng thành trong cuộc chiến hai-mươi năm.
Trên con đường rợp bóng mát Duy-Tân
có ngôi trường cổ lần đầu ta chung lớp...
có hồ con rùa với tháp bông sen cánh mở
vươn lên trời xanh đón đợi ánh tương lai
có nhà thờ Đức Bà 2 tháp nhọn không xa
đêm Giáng-sinh cùng gần triệu người đi xem lễ.
Sài-gòn trước 75: <Hòn-ngọc-viễn-đông> tráng lệ
rực rỡ cờ vàng ba vạch đỏ tung bay
thành phố tiền đồn của Thế-giới Tự-do
đang toả sáng khắp vùng Đông-Nam-Á.

 

 
        Sài-gòn vốn là nhượng địa thuộc Pháp nên to lớn hơn Hà-nội. Cùng với thành phố Gia-định ở sát bên thì Sàì-gòn Chợ-lớn và Gia-định tạo thành một đô thị lớn nhất Việt-Nam. Có nhiều công-trường theo kiểu vòng xoay cổ điển với bồn nước hay tượng đài ở giữa. Có mấy đaị lộ che phủ cây xanh bóng mát thật rộng rãi và thẳng tắp. Có Thảo-cầm-viên rộng lớn và công-viên Tao-đàn với những hàng cây cảnh được cắt tỉ mỉ theo dáng tạo hình mỹ thuật. Có nhiều dinh thự đồ xộ, xây theo kiểu kiến trúc Tây phương mà về sau mang tên mới như: dinh Độc-lập(dinh Norodom xây cất lại), trụ sở Tối-cao Pháp-viện(dinh Gia-Long cũ), toà Đô-chính, toà án, bưu-điện, Hội-trường Diên-hồng, Vương-cung-thánh-đường và các chợ lớn như Bến-thành, Tân-định, Bình-tây. Trong Thảo-cầm-viên còn có đền thờ Hùng-Vương và viện Bảo-tàng. Nhiều địa điểm quen thuộc mà giới trẻ Sài-gòn trước 75 (kể cả tôi) không thể nào quên: như mấy trường học xây dựng từ thời Pháp nên rộng rãi khang trang như Petrus Ký, Gia-Long, Chasseloup-Laubat, Marie-Curie..; như các nhà hàng La Pagode, Givral, Brodard, Thanh bạch, Hương-lan; như các rạp các rạp cinema lớn Eden, Đại-nam, Rex và Mini-Rex; như các phòng trà ca vũ nhạc Queen-bee, Đêm-màu-hồng, Tour d'ivoire, Olympia, Đồng-Khánh, Victoria. Sài-gòn còn có khá nhiều tượng-đài đẹp và uy nghi như Trần-hưng-Đạo, Thánh-Gióng, Trần-nguyên-Hãn, Phan-đình-Phùng,An-dương-Vương, Thuỷ-quân lục-chiến (trước Quốc-hội) và công-trường Quốc-tế (Hồ-con-rùa cũ). Ngoài những ngôi nhà thờ Thiên-chúa giáo, còn có hai công trình Phật-giáo được xây cất rất hiện đại với tháp 9 tầng cao vút: Chùa Xá-lợi và chùa Vĩnh-nghiêm. Một đại-lộ huyết mạch chạy theo chiều dài thành phố Sài-Gòn Chợ-Lớn mang tên Trần-hưng-Đạo và Đồng-Khánh nối liền với Chợ-lớn, nơi có dấu vết một sòng bạc nổi tiếng nhất Đông-dương thời Pháp thuộc và cũng là nơi có nhiều chùa-chiền mang kiểu kiến trúc cổ của người Hoa. Một xa lộ vòng đai thủ đô và một xa lộ tối tân nối với thành phố Biên-hoà, chạy qua một cây cầu kiên cố, khá cao mà từ đó tha hồ đứng ngắm skyline cùa thủ đô Sải-gòn hiện lên sau một giòng sông có hải cảng đậu san sát những con tàu viễn dương. 

3- Hai thành phố Hà-nội, Sài-gòn  đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm kéo dài suốt từ thời niên thiếu đến trưởng thành. Tâm trí tôi in sâu hình ảnh thân thương của 2 thành phố đó: *Hà-nội của chính phủ Quốc-gia một thời(trước 1954) ,*Sài-gòn là thủ đô của nước Việt-Nam Cộng-hoà (1954-1975). Sài-gòn thời đó đã đang trên đà phát triển mọi mặt để vươn lên vai trò <Con Rồng Đông-Nam-Á> đồng thời phải mang gánh nặng một cuộc chiến tranh bảo vệ phần đất Miền-Nam Tự-Do.

        Cho tới ngày nay, được sống yên bình nơi hải-ngoại, tôi không bao giờ quên những ngày xa xưa ấy. Nhưng tôi vẫn chưa có đến 1 lần trở về thăm nơi quê cha đất tổ, mà chỉ được biết qua các phương tiện truyền thông về những đổi thay ở quê hương. Đường phố hầu hết đã bị đổi tên (Không hiểu vua Duy-Tân trong lịch sử VN có tội tình gì mà con đưởng mang tên ngài đã bị thay bằng tên mới lạ !), cây xanh bao phủ nhiều khu vực thành phố đã bị đốn ngã, tượng đài lịch sử đã bị dời đi (như tượng Trần-nguyên-Hãn ở bùng binh chợ Bến-thành), những di tích lịch sử khoác bộ mặt mới, mất đi những đường nét văn hoá truyền thống. Nói chung, mọi biến đổi đã theo chiều hướng tiêu cực, nền văn hoá đạo đức cổ truyền đã biến chất rất nhiều. Ngay cả những trang sử hào hùng của biết bao anh hùng tử sĩ đã bị viết lại. Thậm chí,về giáo dục, người ta đã huỷ bỏ những trang sách sử thuật lại những chiến công hiển hách chống quân Tàu thời Bắc thuộc, người ta cũng sửa lại truyện Kiều của Thi-hào Nguyễn-Du, soạn sách dạy trẻ về những mánh lới <ăn người>, lừa dối, nói năng bừa bãi, và nhồi sọ thiếu nhi bằng những bài học cổ võ sắt máu hoặc ca tụng thần tượng ảo và chế độ một cách mù quáng. Về đạo đức nói chung, biết bao nét đẹp của nền văn hoá cổ truyền đã bị bôi bẩn. Khỏi phải nói nhiều ai cũng biết về thói cư xử nơi công cộng, lời ăn tiếng nói với những người cao tuổi hoặc khách tản bộ ngắm các cửa hàng, thái độ dửng dưng vô cảm trong cuộc sống hàng ngày... Ở đây,thiết tưởng nên mở một dấu ngoặc bằng nét đậm để nói riêng về hiện tượng thiếu kiểm soát các chốn ăn chơi của thiếu niên. Thử so sánh một chút với lãnh vực giải trí ở nhiều nước văn minh đã từng bị chế độ sau 75 ghép tội là <sa đoạ/tự do quá trớn>, để tự hỏi xem sa đoạ đâu bằng ở ngay trên đất nước có 4 ngàn năm văn hiến. Thực vậy ở Tây phương, it nhất người ta còn biết triệt để ngăn cấm trẻ vị-thành-niên vào các hộp đêm của người lớn tuổi; cũng ở các nước đó, trẻ con biết sắp hàng dài chờ đợi đến lượt mình, còn giữ gìn cử chỉ tương đối lễ phép đối với mọi người thay vì dùng những lời nói xách mé, thiếu giáo dục...
        Nhiều khu đất của dân trên mọi miền đất nước bị truất hữu dành đặc quyền cho những doanh nhân và thương gia ngọại quốc mà hiện tượng mới lạ nhất là xuất hiện nhan nhản bảng hiệu bằng chữ Tàu. Những khu rừng đã bị triệt phá, những địa tầng phỏng đoán có quặng mỏ đã bị khai thác vô lề lối gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và thời tiết. Giòng nước hạ lưu sông Cửu-long bắt đầu cạn, các vùng duyên hải bị ô nhiễm trầm trọng đe dọa cuộc sống của hàng triệu ngư dân. Người dân luôn luôn thắc mắc: ai là kẻ đã đang chiếm cứ từng địa điểm then chốt bảo vệ biên thuỳ như ải Nam-quan, đèo Hải Vân, hay từng hải đảo như Trường-sa,Hoàng-sa,Tây-sa; ai là kẻ có manh tâm bán từng mảnh đất màu mỡ trên khắp mọi miền đất nước cho ngoại bang; ai là kẻ ngoảnh mặt làm ngơ cho bè lũ thương nhân đem hàng hoá độc hại xâm nhập nước ta? Biết bao nhiêu sự biến đổi làm thay da đổi thịt bộ mặt quê hương yêu dấu. Nhiều thành phố được tái xây dựng cho thích hợp với thời đại mới  nhưng không thể dựa vào lý do đó để xoá bỏ mọi thứ của thời đại đã qua, trong đó có những di tích lịch sử cần bảo tồn để làm tấm gương soi cho các thế hệ mai sau.
4- Việt-Nam mai sau-
Sau biến cố 75 đau thương chất ngất
phải ngậm ngùi xa mảnh đất hình chữ S yêu thương.
Từ nơi trùng trùng xa thẳm
ta vẫn đời đời tưởng nhớ quê hương,
và vẫn mãi là con dân của tổ quốc Việt-Nam yêu dấu
của một dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử oai hùng.
Rồi một ngày mai,
Ta sẽ trở về thăm nơi chốn cũ
đem tàn lực cuối cùng còn sót lại qua gánh nặng thời gian
để góp phần xây dựng lại quê hương thống khổ:
_Tổ-quốc Việt-Nam_
đã bị tàn phá trong giai đoạn 1975-201...
bởi chế độ độc tài mù quáng chạy theo ảo ảnh Thiên-đường Cộng-sản.
 
ChinhNguyen/H.N.T.   Nov.1.2016    

Comments  

#1 Re:Hà Nội Sài Gòn Xưa Kia và Mai SauKinh Dương Vương 2016-11-26 20:06
Cảm ơn Bạn nhiều
Kinh Dương Vương
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.