TKH - banner 01

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Giáo Dục Việt Nam, Tội Ác Băng Hoại Xã Hội! (K.Cứu)

Phạm Bá Hoa

5278 GD VietNamPhamBHoa

(Một Nền Giáo Dục SUY VONG và TỒI)

GIÁO DỤC.

       “Giáo dục, nền tảng đào tạo con người về nhân cách và kiến thức”. Nhân cách cần kiến thức hậu thuẫn những lý lẽ để tránh bị lợi dụng vào mục đích không tử tế, ngược lại kiến thức cần nhân cách trợ giúp biến kiến thức trở thành những dự án những công trình hữu ích trong cuộc sống, đồng thời tạo môi trường cho con người gần gủi nhau hơn, bởi ngày nay mọi sinh hoạt đều tương quan tác động lẫn nhau, ngay cả sinh hoạt từ thiện cũng vậy.

       Giáo dục, bao gồm: “Giáo dục gia đình. Giáo dục học đường. Và giáo dục xã hội”. (1) Giáo dục gia đình do bẩm sinh, do huyết thống, và cung cách sống của các thành viên trong gia đình, nhất là cha mẹ ông bà. (2) Giáo dục học đường do chính sách của chánh phủ ngang qua hệ thống tổ chức, biên soạn sách giáo khoa, những chính sách hỗ trợ học sinh sinh viên, phương pháp giảng dạy, cung cách của thầy dạy. (3) Giáo dục xã hội do những chính sách của chánh phủ và những sự kiện xãy ra trong mọi sinh hoạt. Giáo dục, thể hiện đường lối của lãnh đạo thực hiện mục tiêu quốc gia. Muốn đất nước phát triển, chánh phủ hoạch định đường lối phát triển, các ngành căn cứ vào đó soạn thảo những dự án thực hiện và cung cấp nhu cầu chuyên viên chuyên gia theo từng giai đoạn cho ngành giáo dục, và ngành giáo dục đào tạo cung ứng cho nhu cầu đó, đồng thời phát triển ngành giáo dục từ đội ngũ sư phạm, sách giáo khoa, dụng cụ trợ giáo, phương thức giảng dạy, và ..v..v...

       Dưới chế độ cộng sản Việt Nam độc tài, các nhóm lãnh đạo trong Bộ Chính Trị chưa bao giờ có mục tiêu phục vụ đồng bào phục vụ tổ quốc, mà chỉ có mục tiêu phục vụ đảng cộng sản thể hiện qua những chính sách tổ chức và điều hành bộ máy xã hội trên căn bản bịt mắt bịt tai bịt miệng toàn xã hội từ năm 1945 trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và từ năm 1975 trên toàn cõi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Từ năm 1998, tuy lãnh đạo CSVN có những kế hoạch cải tổ giáo dục nhưng chỉ là cải tổ vá víu chớ không cải tổ tận gốc rễ, cho nên đến nay (2008) giáo dục Việt Nam vẫn là chính sách đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục chế độ. Vì vậy mà hơn 30 năm qua kể từ khi đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, chẳng những không có những thế hệ công dân đúng nghĩa để xây dựng đất nước, trái lại, bản chất gian manh dối trá của chế độ độc tài đã luồn vào mọi ngóc ngách sinh hoạt, đặc biệt là trong giáo dục học đường, dần dần biến thành một nếp trong đời sống bình thường của mọi thành phần mọi lứa tuổi trong một xã hội 86.000.000 dân: “Xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

GIÁO DỤC VIỆT NAM 1954-2000.

      Ngược dòng thời gian. Chính sách giáo dục của cộng sản Việt Nam (CSVN) từ năm 1954 đến năm 1975, áp dụng hệ 10 năm trong hai bậc tiểu học và trung học, nghĩa là chỉ học đến lớp 10 là hết bậc trung học. Điều này tôi đọc được trong sách giáo khoa của CSVN khi tôi bị giam ở trại tập trung có tên là “Trại Cốc” trong khu rừng già Tây Bắc Hà Nội thuộc xã Việt Cường quận Trấn Yên tỉnh Hoàng Liên Sơn trong những năm 1976-1978. Họ bắt anh em tù chính trị chúng tôi phải đọc sách của họ, ban đầu chúng tôi chỉ mượn về để đó đến ngày đem trả, dần dần thử đọc và thấy nên đọc. Đọc để hiểu họ theo cách hiểu hai mặt trong cuộc sống của người tự do, trong khi họ cứ tưởng chúng tôi hiểu theo cách hiểu một mặt của họ trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong quyển giáo khoa lớp 1, khi dạy toán cộng họ dùng xác người để dạy học trò: “5 tên ngụy + 2 tên đế quốc bị bắn chết = 7”. Chỉ với bài toán cộng này tôi nhận ra tích cách tàn bạo của CSVN trong mục đích dùng giáo dục học đường trang bị cho trái tim khối óc tuổi thơ lên 5 lên 6: (1) Không phải người cộng sản là kẻ thù phải giết. (2) Không giải thích cho tuổi thơ hiểu tại sao gọi là đế quốc tại sao gọi là ngụy. (3) Giết người một cách nhẹ nhàng như làm bài toán cộng. Theo cách hiểu đó, nội dung giảng dạy trong toàn bộ hệ thống giáo dục của CSVN đã dẫn đến tình trạng mọi người mọi giới trong xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ được nghe được thấy một mặt của cuộc sống và chỉ được nói những gì đảng với nhà nước cộng sản cho phép.

       Cũng tại Trại Cốc, tên Trung Uý Khảm, với vẻ mặt đầy kiêu hãnh khi hắn nói: “Năm 1964, khi đế quốc Mỹ dùng Hạm Đội 7 tấn công các hải đảo của ta, phi công cách mạng rất linh hoạt sáng tạo, đã bay sà thấp và lặn xuống biển chui dưới đáy tàu qua bên kia trồi lên bay tiếp, súng đạn của chúng trở nên vô dụng”. Chuyện quái đản như vậy mà hắn vênh mặt lên như thể anh em chúng tôi từ hành tinh khác mới đến địa cầu vậy. Lại một chuyện quái đản hơn nữa khi hắn hăng say kể tiếp: “Trong thời gian B52 đế quốc Mỹ thả bom rải thảm, phi công anh hùng Phạm Tuân của cách mạng đã vọt lên không trung, chui vô mây, tắt máy, phục kích. Khi thấy B52 bay phía dưới, anh hùng Phạm Tuân rồ máy tấn công từ trên cao”. Quí vị nghĩ coi, sĩ quan của “quân đội nhân dân” mà nói chuyện quái đản đó y như thiệt vậy. Trời đất ơi! Vậy là người cộng sản bị giáo dục học đường và giáo dục xã hội làm cho họ ngu muội đến không thể tưởng tượng được.

       Lần lượt dưới đây là những sự kiện chứng minh cho nội dung giáo dục nói trên, ngang qua nhận thức và quan điểm của những vị trách nhiệm giáo dục hoặc ưu tư đến giáo dục, nêu bật tính chất giáo dục phục vụ chế độ độc tài cộng sản dẫn đến sự băng hoại xã hội Việt Nam ngày nay.

  1. Trong giai đoạn ngắn ngủi gọi là “cởi trói” (đổi mới) cho báo chí phản ảnh sinh hoạt xã hội, đây là bài viết của Vũ Hạnh đăng trong báo Công An ngày 31/05/1989 tại Sài Gòn. Theo đó, vào trung tuần tháng 05/1989, Viện Nghiên Cứu Giáo Dục phía Nam và Ban Khoa Giáo thành ủy Sài Gòn mà họ gắn cái tên ông Hồ vào đó, phối hợp tổ chức cuộc hội thảo tại số 36 đường Lê Thánh Tôn với sự tham dự của giáo viên giáo sư từ các trường học và từ các cơ quan nghiên cứu giáo dục. Mục đích, tìm hiểu sự suy đồi đạo đức học đường. Bà Tôn Thuyết Dung, được đánh giá là nhà giáo dũng cảm khi nhận trách nhiệm nghiên cứu và trình bày đề tài “Tìm hiểu nhược điểm và khuyết điểm của sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy đạo đức cho học sinh”. Cuối phần thuyết trình, bà Tôn Thuyết Dung nhận định:

       “… Sách giáo khoa đang sử dụng đã lỗi thời vì nó được soạn ra trong thời kỳ chiến tranh, và chỉ nhắm vào lớp trẻ sống ở nông thôn miền Bắc. Tất cả chỉ phục vụ mà không quan tâm đến đạo đức, chuyên chở những chủ đề mà tầng lớp thanh thiếu niên không dễ gì cảm nhận được chứ nói gì đến học hỏi. Chẳng hạn như “cá thể với tập thể, đả đảo với ủng hộ, ngụy quyền với chánh quyền, đế quốc với cách mạng, phản động với trung thành, ..v..v..”. Sách giáo khoa lại tham lam khi đề cập nhiều vấn đề, nội dung phản lại giáo dục ở điểm trưng dẫn những sự kiện xấu mà không chỉ dạy cách sửa đổi. Sách giáo khoa không đào tạo con người trước khi nói đến chủ nghĩa cộng sản. Về các câu hỏi để học sinh trả lời không nhắm vào chủ đề rõ rệt, không giúp học sinh phát huy nhận thức, trái lại gò ép học sinh trả lời một cách dối trá”...

       Cũng trong hội thảo này, ông Xuân Diện nhận xét thật ngắn nhưng thật sâu sắc: “Một trong những thiếu sót quan trọng là giáo dục không đào tạo con người, nên rốt cuộc xã hội chúng ta chỉ có thần dân mà không có công dân”

      Lại một nhận thức sâu sắc khác: “Giáo dục phải nhắm mục đích tạo nên con người dân chủ từ bé, phải chống lại sự tha hóa lớn nhất hiện nay là sự quanh co dối trá, sự thiếu thành thật giữa con người với nhau…”.

  1. Đây là bài viết trên báo Tuổi Trẻ: Tại buổi lễ cuối năm học 1988-1989 tổ chức vào ngày cuối tháng 05/1989 tại một trường trung học phổ thông Quận 1, khi một nữ sinh lớp 9 đang phát biểu một cách trôi chảy: “... Nhờ ơn bác dẫn dắt, nhờ ơn đảng soi đường, nhờ ơn đoàn chắp cánh cho em bay lên, ….”

       Nghe đến đây ông đại diện Quận 1 hỏi Bí thư đoàn thanh niên của trường đang ngồi bên cạnh: “Con bé rất tiến bộ. Vậy nó đã vào Đoàn chưa?

       Anh bí thư đáp: “Nó không chịu vào đoàn. Môn văn của nó khá lắm nên nó trình bày rất hay, nhưng cứ mỗi lần vận động vào đoàn thì nó trả lời, vào đoàn chỉ mất thì giờ chớ chẳng có lợi gì hết. Thành ra nó nói vậy chớ không phải vậy đâu”.

       Cũng trong tờ báo này, có mẫu tin liên quan đến câu “nói vậy nhưng không phải vậy” trên đây. Trong kỳ thi cuối lục cá nguyệt, thầy giáo chấm bài đã hết lời khen ngợi bài luận về “Gia đình em trong cuộc sống hôm nay” của một nữ sinh lớp 8 vì bài viết rất thực, rất sống động về cuộc sống nghèo nàn gian khổ. Nhưng thầy rất đau lòng khi nói với học sinh của mình rằng: “Em viết rất hay, rất thật, nhưng thầy khuyên em, nếu như em muốn tiếp tục học nữa, em phải viết theo bài học, vì bài luận này trình lên Sở thì em không thể học nữa đâu. Thầy thật lòng khuyên em như vậy”.

      Tác giả bài báo thêm một câu vắn tắt rằng: “Từ lâu lắm rồi, dốí trá là nấc thang trong học đường, và liệu bao giờ giáo dục mới thoát khỏi cái văn hoá dối trá đó?”

  1. Trên màn ảnh đài truyền hình Sài Gòn tối 20/07/1989, có bài tường thuật hội nghị tổng kết năm học 1988-1989 riêng cho các tỉnh phía Nam, từ Thừa Thiên/Huế xuống đến Cà Mau, như sau: “Hội nghị nhận định học sinh tiểu học là đầu mối quan trọng của hệ thống giáo dục lại có trình độ rất kém. Kém đến mức học sinh lớp 1 chỉ có 20% biết đọc bập bẹ, còn lại 80% chẳng biết gì cả. Hội nghị đã gióng nhiều hồi chuông báo động trong toàn diện hệ thống giáo dục, ít nhất là giáo dục tại các tỉnh miền Nam. Đặc biệt là hồi chuông báo động về sự suy đồi đạo đức”.

       Nội dung các điểm 1, 2, và 3 trên đây, tôi ghi chép trong các báo của CSVN phát hành tại Sài Gòn từ cuối 1987 đến đầu 1991, và mang theo khi rời Việt Nam trong đợt HO 5 vào cuối tháng 03/1991. Còn hầu hết nội dung các điểm dưới đây do trích từ các Diễn Đàn và các trang Web hải ngoại lẫn trong nước.

  1. Tháng 12/1998, khi được biết lãnh đạo cộng sản Việt Nam chuẩn bị soạn thảo dự luật giáo dục, một số nhà giáo vận động đưa quan niệm “xã hội hóa ngành giáo dục” vào dự luật. Theo đó, lãnh đạo chỉ nên giữ vai trò quản lý hành chánh, còn về tổ chức cũng như chương trình giáo dục và phương pháp giáo dục nên để cho người dân tham gia, nhằm vận dụng sáng kiến chung vào sự phát triển giáo dục. Quan niệm đó bao gồm ngoài mục tiêu cải tiến hệ thống giáo dục cho lớp tuổi từ 3 đến 18 tuổi, công tác giáo dục và tái giáo dục cho những thành phần lớn tuổi trau dồi thêm kiến năng lẫn kỹ năng, nên dành cho những cá nhân cũng như những cơ quan giáo dục tư nhân góp phần trách nhiệm. Đảng với nhà nước không nên cầm tay người dân mà bảo làm việc này việc khác, mà nên suy nghĩ tìm tòi những cách tạo điều kiện cho nhân dân giải quyết nhu cầu, nhất là học tập và tái học tập của trên dưới 40 triệu lao động không có cơ hội học tập và tái học tập để thích ứng với thời kỳ mở cửa phát triển.

       Nhà nước mang ra thử áp dụng mô hình loại trường nửa công nửa tư và mô hình trường tư, nhưng những điều kiện để được cấp giấy phép rất khó khăn do chính sách kỳ thị bất công. Thêm nữa, nhà nước tìm mọi cách xen lấn vào các quyết định về nội dung giảng dạy, thậm chí có một số trường tư lại bị lãnh đạo đảng đưa cán bộ vào lủng đoạn nhà trường để thực hiện những cuộc thi giả hay làm thành tích giả cho học sinh là con em của đảng viên cao cấp. Rốt cuộc là sau nhiều năm thực hiện cải cách giáo dục theo bộ luật giáo dục gồm 110 điều trong 9 chương với khẳng định “quyết tâm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của nhà nước và của toàn dân”, mà ông Trần Hồng Quân, Bộ Trưởng Giáo Dục Và Đào Tạo thời cải cách giáo dục đã nhận xét rằng: “Chính hệ thống tập trung bao cấp đã làm cho công cuộc cải cách giáo dục tại Việt Nam hoàn toàn thất bại. Đảng đã tổ chức bao nhiêu hội nghị, cũng lắng nghe nhiều ý kiến, nhưng giáo dục Việt Nam vẫn chọn học sinh là con em của đảng viên, và nhất là vẫn tập trung mọi quyền hành để rồi ôm đồm những việc chính yếu của nhà trường nhưng làm không xuễ”. Rồi ông Quân đưa ra quan điểm: “Chỉ có tư duy xã hội hóa giáo dục, mới cứu nỗi xã hội Việt Nam không bị tụt hậu trước sức phát triển quá nhanh của thế giới hiện nay”.

  1. Cố Trung Tướng cộng sản Trần Độ, để lại tập nhật ký “Rồng Rắn” ngày 7/12/2000, có đoạn liên quan đến giáo dục như sau: “Bộ máy quản lý xã hội đã thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. Đó là chuyên chính tư tưởng, được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là “những lưu manh tư tưởng”. Nền chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói. Nó làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hay ít nhất cũng không muốn suy nghĩ. Từ đó làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc và biến họ trở thành những con rối, chỉ biết nhai như vẹt những nguyên lý bảo thủ giáo điều. Nó cũng làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng. Nó cũng làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch. Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc đảng, lệ thuộc nhà nước, lệ thuộc cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục vào một cái gì bí và hiểm. Nói chung, nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là một tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thỉ Hoàng cùng các vua quan tàn bạo của Trung Hoa phong kiến, cộng với tội ác của các chế độ độc tài phát xít. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Suy cho cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người, mà nó còn hủy hoại đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng của cả một dân tộc. Nó đang làm hại cả một nòi giống”.

       Tóm tắt giai đoạn 1954-2000. Chính sách giáo dục của lãnh đạo CSVN từ thời ông Hồ 1954 trên đất Bắc và từ 1975 đến 2000 trên toàn cõi Việt Nam trong mục tiêu phục vụ chính trị, chỉ nhắm đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục họ, trong khi dối trá ích kỷ với mọi người chung quanh. Giáo dục, chẳng những không giúp tuổi trẻ khai phá óc sáng tạo, trái lại chính sách của chế độ đã bịt mắt bịt tai bịt miệng tuổi trẻ và mọi người, đồng thời trừng phạt những ai suy nghĩ khác, làm khác, nói khác với những gì đảng dạy. Tôi nói “đảng dạy” vì sách giáo khoa theo lời của “bí thư chi bộ trường trung học Mạc Đỉnh Chi” (Phú Lâm, Sài Gòn) đã nói với giáo sư Võ Hồng Lạc rằng: “Sách giáo khoa do trung ương đảng duyệt, mà khi trung ương đảng duyệt thì tuyệt đối đúng”. Chuyện là anh Võ Hồng Lạc sau khi bị bắt buộc giao chức Hiệu Trưởng trường trung học Mạc Đỉnh Chi cho một phụ nữ từ ngoài rừng vào Sài Gòn đầu tháng 5/1975, anh dạy sử địa. Anh trình bày sách sử địa in sai, vì sông Cửu Long không có đoạn nào chảy ngang Sài Gòn mà trong sách đã viết. Anh Lạc bị tên bí thư ghép tội chống đối đảng (CSVN) suýt chút nữa anh vào tù ngay lúc ấy. May mắn là anh được nghỉ việc. Rõ ràng giáo dục của CSVN tạo cho con người tuân phục tuyệt đối vào những gì đảng dạy, tuân phục đến mức không dám nhìn vào sự thật hoàn toàn trái ngược.

 GIÁO DỤC VIỆT NAM 2001-2008.

  1. Theo tài liệu của Tiến sĩ Bửu Sao (trong nước), năm học 2003-2004 tại Việt Nam có những con số sau đây:

      “Giáo dục bậc tiểu học, gồm cả vườn trẻ và mẫu giáo, có 22.600.000 học sinh trong hơn 10.000 cơ sở giáo dục. Trở ngại lớn nhất ở bậc tiểu học là thiếu giáo viên, trong khi số giáo viên đang giảng dạy cũng không đạt tiêu chuẩn. Cơ sở phòng học cũng như dụng cụ hỗ trợ giảng dạy cũng thiếu thốn. Riêng số lượng học sinh mẫu giáo chiếm 90% trên tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học”. Tỷ lệ số học sinh học xong lớp mẫu giáo ở những vùng khó khăn là thấp. Giáo dục bậc trung học, gồm cả hai bậc, có 17.600.000 học sinh. Đa số trong số hơn 17 triệu học sinh này có trình độ rất thấp về kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, và vận dụng kiến thức trong tinh thần sáng tạo. Đội ngũ giáo viên giáo sư trong tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa, thiếu về số lượng và thừa vì trình độ thấp nên không sử dụng được bao nhiêu. Giáo dục trung học chuyên nghiệp, có 1.500.000 học sinh. Kiến thức chuyên nghiệp không cao so với đòi hỏi của thị trường lao động. Trong hằng chục năm qua đã đào tạo được khoảng 1.500.000 chuyên viên, nhưng khả năng của họ không thích ứng với nhu cầu việc làm, đã dẫn đến tình trạng “thầy không phải thầy mà thợ cũng chưa phải thợ”, họ đành phải làm những công việc không phải là những gì mà họ đã học mấy năm trong trường. Giáo dục bậc đại học, có 1.030.000 sinh viên. Số lượng giáo sư vào khoảng 40.000 nhưng trình độ còn thấp, chỉ khoảng 45% có trình độ thạc sĩ mà đa số trong số này đều cao tuổi. Cơ sở vật chất nghèo nàn, phẩm chất mà trong nước gọi là chất lượng giáo dục thấp. Tình trạng “học thì giả mà bằng thì thật” khá phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày nay. Trong mấy chục năm qua, lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước xem Giáo sư với Phó Giáo sư đại học là “học hàm” do nhà nước phong, chớ không phải tước vị của người giảng dạy có trình độ đại học trở lên. Muốn được nhà nước phong chức “học hàm” này, cho dù có mấy cái bằng đại học đi nữa mà không có bằng chính trị do Học Viện Chính Trị Quốc Gia cấp, vẫn không được phong chức vị đó!“

       Mở ngoặc. Theo Vietnam Net ngày 3/9/2008, năm học 2008-2009 có gần 22.000.000 học sinh sinh viên nhập học. Trong số này có 3.400.000 học sinh tiểu học, 9.300.000 học sinh 2 cấp trung học, 710.00 học sinh trung học chuyên nghiệp, 1.650.000 sinh viên theo học Cao Đẳng và Đại Học. Như vậy, tổng số học sinh viên thấp so với năm học 2003-2004. Đóng ngoặc, trở lại bài của tiến sĩ Bửu Sao.

      “Hiện nay có khoảng 6.384 Giáo sư và Phó Giáo sư, mà một số đáng kể trong số này không đọc được một tờ báo ngoại ngữ. Thêm nữa, có khoảng 75% trong số đó không giảng dạy trong ngành giáo dục, trong khi ngành này không bao giờ đủ giáo sư. Có khoảng 20.000 thạc sĩ, và dự tính đến năm 2010 sẽ tăng lên 38.000 thạc sĩ và 15.000 tiến sĩ. Xem ra bằng cấp đại học và trên đại học khá nhiều, nhưng đa số là bằng cấp giả, hoặc những bằng cấp loại nâng đỡ với vài năm đại học là có bằng tiến sĩ. Một điển hình là giáo sư Cao Xuân Hạo, khi làm biện chứng cho một luận án tiến sĩ ngôn ngữ học dài 380 trang, trong tờ trình lên Bộ Giáo Dục, có đoạn ông viết: “Là tiến sĩ phải hơn một học sinh trung học”. Nghiên cứu sinh này không bằng một học sinh lớp 3 thì làm sao trở thành một tiến sĩ?” Thế nhưng Bộ Giáo Dục vẫn cho nghiên cứu sinh này bảo vệ luận án, và Bộ cử 3 vị gọi là trong làng “ngôn ngữ học” vào Hội Đồng,kèm theo cái lệnh “bằng mọi cách phải giúp thí sinh đó có bằng tiến sĩ!”

  1. Trường hợp này, tiến sĩ Dương Thiệu Tống, giảng dạy tại trường đại học Bách Khoa Hà Nội, mỉa mai rằng: “Thật ngược đời, khi có những người không có trình độ về chuyên môn lẫn đạo đức lại được cử vào Hội Đồng, còn người không có trình độ trung học lại có bằng tiến sĩ”.

      Vẫn theo giáo sư Tống, chiều sâu của đại học Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu xa của đại học Liên Xô cũ, dù đất nước đó đã thay đổi nền giáo dục của họ đến tận gốc rễ từ hơn chục năm qua. Giáo dục nước Nga ngày nay dựa theo kinh nghiệm giáo dục Châu Âu Châu Mỹ. Cái tai hại nặng nhất của giáo dục Việt Nam là trong Pháp Quy Giáo Dục, tại điều 52 có ghi rằng: “Tổ chức đảng cộng sản Việt Nam trong các trường tư thục ở vị trí lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Đoàn Thanh Niên cộng sản, lãnh đạo Đội Thiếu Niên Tiền Phong, và Sao Nhi Đồng. Mọi hoạt động phải theo quyết định của Bộ Giáo Dục và điều lệ của tổ chức liên hệ.”

      Điều này thể hiện chính sách của lãnh đạo CSVN là tổ chức đảng kềm kẹp học sinh trong hệ thống trường công lẫn trường tư.

  1. Về thời lượng giảng dạy. Theo giáo sư Nguyễn Đình Trí, giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội: “Công tác đào tạo có gia tăng nhưng cơ sở cũng như mọi phương tiện giáo dục chẳng những không tăng mà cũng không cải tiến gì mới. Thời lượng trung bình là 1.177 giờ trong một năm học. Đó là số giờ chánh thức, các giáo sư còn phải chạy đua dạy kèm để có thêm lợi tức cho cuộc sống. Trong nhiều hoàn cảnh đối với giáo sư, lợi tức dạy kèm là chánh, dạy học tại trường lớp trở thành phụ, vì đồng lương không đủ sống dù là tối thiểu”.
  2. Về cấu trúc giáo dục. Trên trang Web “Vietnam Education” năm 1997, Việt Nam cộng sản dự trù tái cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam từ năm 2000 như sau: Sau lớp Mẫu Giáo là bậc Tiểu Học từ lớp 1 đến lớp 5. Tiếp đến là Trung Học có 2 bậc: từ lớp 6 đến lớp 9 là trung học cơ sở, từ lớp 10 đến lớp 12 là trung học phổ thông. Song song với Trung Học Phổ Thông là Trung Học Chuyên Nghiệp với 2 năm học, và sau Trung Học Phổ Thông là Đại Học Cộng Đồng với 3 năm học. Đến bậc Đại Học với 4 năm tốt nghiệp cử nhân hay kỹ sư, nếu tiếp tục thêm 2 năm nữa sẽ là tiến sĩ.
  3. Theo Giáo sư Thạch Trung Giá (Nha Trang): “… Văn hoá là phần hồn của một nước. Chính văn hoá đã tạo ra mọi hoạt động của đời sống dân tộc. Do đó, những sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt trí thức, là những hình thái văn hoá. Văn hoá là văn minh, văn hoá cũng là giáo dục. Giáo dục là xây dựng cơ sở cho ngày mai thừa hưởng và vun bồi truyền thống hôm nay. Nếu guồng máy giáo dục đã khó, nhiệm vụ của nhà giáo càng khó hơn khi mà đất nước thay đổi, và não trạng của dân tộc cũng không còn như xưa, vì tự nó đã không còn giống nó thì làm sao giống những người khác trong xã hội, mà sự mất còn của một nước là do giáo dục. Vì giáo dục đào tạo linh hồn, từ người lãnh đạo cao nhất đến những chuyên viên các ngành các cấp, đến toàn thể dân tộc, tất cả phải được trang bị một ý thức lành mạnh về cộng đồng. Nếu một nền giáo dục mô phỏng thiếu linh động, sẽ đào tạo một xã hội lệch lạc bệnh hoạn, và dân tộc đó chuẩn bị đưa nhau xuống vực thẳm”.

       Ông mượn lời của sử gia Guizotia (người Pháp) để chỉ tình trạng giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Trí dục không đi đôi với đức dục, sẽ là nguồn gốc của tính kiêu ngạo, bất phục tùng, ích kỷ, và rất nguy hiểm cho xã hội”.

     Câu nói của sử gia Guizotia có giá trị vượt thời gian ít nhất là đối với nền giáo dục nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vì giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm trở lại đây đã đổ vào xã hội hằng ngàn hằng vạn trường hợp điển hình về hệ quả của nền giáo dục phục vụ chính trị độc tài. Rõ ràng là nền giáo dục trái khuấy đó đã dẫn xã hội đến đổ vỡ giá trị đạo lý, nói chung là đổ vỡ nếp sống văn hoá dân tộc.

  1. Theo Giáo Sư Hoàng Tụy trong nhóm nghiên cứu giáo dục Hà Nội phát biểu: “Chương trình giáo dục Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn trong tình trạng lạc hậu, thi cử nặng nề với phẩm chất (mà ông gọi là chất lượng) rất kém. Sách giáo khoa cũng không thích ứng với hoàn cảnh đất nước, nghĩa là những cải cách trước đây không đạt được hiệu quả so với nhu cầu đất nước. Những sự kiện gian dối trong giáo dục cũng như trong thi cử, làm xói mòn niềm tin của tuổi trẻ lẫn của phụ huynh mà thành phần này luôn kỳ vọng vào nền giáo dục nước nhà, đã dẫn đến tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, thậm chí nó đánh mất niềm tin của mọi người trong xã hội”.

      Nhóm nghiên cứu giáo dục này cho biết: “Ngày 23/2/2004 Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã ban hành Quyết Định, bắt buộc sinh viên đại học toàn quốc phải học và thi tốt nghiệp các môn học chính trị, bao gồm triết học Mác-Lê, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử đảng, và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/3/2004, và tất cả sinh viên không có quyền chọn lựa mà phải học theo giáo trình chọn sẳn. Các môn học bắt buộc này chiếm đến 203 giờ, chiến khoảng 9% (?) thời lượng của chương trình đại học”.

  1. Theo ông Quốc Việt, một chuyên viên giáo dục tại Hà Nội nhận định: “Việc Bộ Giáo Dục bắt buộc sinh viên phải học các môn vô bổ đó là một quyết định phản khoa học, không phù hợp với chuẩn mực giáo dục quốc tế. Đồng thời lãng phí thời gian học, lãng phí tiền thuế của đồng bào đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhất là tước bỏ quyền chọn lựa môn học thích hợp của sinh viên”.13. Trong cuộc hội thảo ngày 12/7/2004 tại Hà Nội, Thủ Tướng đảng cộng sản Phan Văn Khải nói với cử tọa rằng: “Tôi kêu gọi các nhà giáo hãy dành tâm huyết mà đánh giá khách quan về tình trạng giáo dục nước nhà. Để qua đó, mà cùng chánh phủ tìm ra những nguyên nhân khắc phục những yếu kém, hầu thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam. Về phần chánh phủ, chánh phủ sẽ mạnh tay với các hiện tượng tiêu cực gian lận trong giáo dục”.

       Bà Trần Thị Tâm Đoan, Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hoá Giáo Dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, trình bày về tình hình gian lận như sau: “Trong 10 năm qua, sự gian dối trong giáo dục tuy chỉ tồn tại trong một bộ phận dân cư, song ở cấp học nào cũng có gian dối và thể hiện rõ hơn hết là trong các kỳ thi vào đại học”.

      Theo giáo sư Trần Thanh Đạm: “Giáo dục của Việt Nam ta hiện nay như cỗ xe hai bánh, nhưng một bánh cao một bánh thấp. Chúng ta đào tạo nhiều mà thất nghiệp cũng nhiều, bằng cấp cao mà thất nghiệp cũng cao”.

      Dưới nét nhìn của giáo sư Hoàng Tụy: “Giáo dục phổ thông hiện có ba khối U cần cắt bỏ. Đó là thi cử nặng nề nhưng không phẩm chất (mà ông gọi là chất lượng), nạn học thêm dạy thêm tràn lan nhưng không hiệu quả, và phẩm chất sách không cao nhưng giá thì quá cao. Hậu quả mà những khối U đó gây ra là chi phí giáo dục ngày càng tăng cao nhưng hiệu quả giáo dục đạt được rất thấp”.

  1. Ban biên tập Vietnamnet khẳng định rằng: “Phẩm chất giáo dục đang là nỗi ưu tư của toàn xã hội với những vấn nạn, như: bằng cấp giả, học thêm dạy thêm, học phí, mua điểm, học vẹt học tủ, ..v..v.. Điều này đã thể hiện rất rõ qua 197 ý kiến chất vấn của cử tri tại kỳ họp thứ 5 của Quốc Hội. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trì trệ trong giáo dục mà đảng với nhà nước từ lâu coi việc đầu tư giáo dục là quốc sách?

      Quốc sách đâu không thấy, chỉ thấy ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo đã trần tình một cách nản chí. Ông nói: “So sánh về chỉ số thông minh thì học sinh Việt Nam không thua kém học sinh các nước, nhưng chỉ số sáng tạo thì thua xa học sinh các nước phát triển. Điều đáng lo ngại là một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thiếu gương mẫu, thiếu đạo đức, lại vi phạm pháp luật, nói chung là làm giảm uy tín của ngành giáo dục nước nhà”.

  1. Dưới đây là một số ý kiến về giáo dục trên Vietnamnet:

(a) “Từ địa chỉ <infin> ngày 28/8/2004: Các hệ chính quy đào tạo theo lý thuyết một cách cứng nhắc, trong khi thực hành chỉ có tính cách tham khảo nên không đạt đến một cụ thể nào mà xã hội cần thiết. Dường như chúng tôi học đại học chỉ để nghiên cứu chứ không phải để làm việc. Về học, theo tôi chỉ khoảng 30% là tâm huyết học hành, đa số còn lại chỉ là thành phần cóp bài, chạy điểm. Về dạy thì người giáo viên đến lớp chỉ làm rẹt rẹt cho xong là hết trách nhiệm”.

(b) Từ địa chỉ <noname> là lời trách móc: “Tại sao trên thế giới có những phương pháp giáo dục rất hay mà sao chánh phủ ta không chịu học hỏi người ta! Tôi thấy chúng ta cứ suốt ngày mò mẫm cách này cách nọ. Cái gì của người ta tốt mà mình chẳng chịu học hỏi, nên phẩm chất giáo dục cứ lùi hoài, rốt cuộc chẳng bằng ai!”

(c) Ông Nguyễn Hải Đăng: Vấn đề được gọi là “xây dựng điểm” dẫn đến tệ nạn giáo viên được lệnh cán bộ Hiệu Trưởng phải cho điềm cao đến 90/100 hay hơn nữa, cho dù bài làm của học sinh không đáng được điểm như vậy, thậm chí số điểm đạt được có thể bị phạt hoặc ở lại lớp nữa. Mục đích của “xây dựng điểm” của cán bộ nhà trường trong mục đích tránh cho trường họ có nhiều học sinh kém dẫn đến sự kiện bị cấp trên phê bình, kiểm điểm, khiển trách, làm ảnh hưởng đến đồng lương lẫn chức vụ. Do vậy mà các tỉnh/thành đều hô hào thi đua và công bố kết quả các kỳ thi tốt nghiệp học sinh đạt tỷ lệ từ 90 đến 99%. Thậm chí vài điạ phương số học sinh tốt nghiệp đạt đến 100% nữa. Tình trạng này không phải mới diễn ra, mà đã có từ thuở mở cửa vào cuối năm 1986 lận, nhưng có thấy mấy ông nhà nước ngó ngàng gì đâu! Cuối cùng rồi cũng đâu vào đó cả. Chuyện gì cũng hoàn thành kế hoạch, cũng đạt chỉ tiêu, và mọi cán bộ đều làm tốt nhiệm vụ”.

(d) Ông Tân TN góp ý ngày 25/8/2004: “Giáo dục nước ta đúng là gặp cơn khốn khó như các bạn bình phẩm. Nhưng phải làm gì để chấn hưng nền giáo dục hiện nay, đó là vấn đề lớn mà trước hết phải đánh giá lại một cách khách quan, nghiêm túc, để từ đó đưa ra giải pháp chấn hưng. Vấn đề đánh giá không nên giao cho Bộ Giáo Dục mà Quốc Hội phải có một tổ chức độc lập, nếu cần thì mời thêm các chuyên gia vào tổ chức này để đánh giá tình trạng giáo dục hiện nay. Thậm chí có thể vận động nhờ chuynê gia quốc tế nghiên cứu đánh giá giúp chúng ta. Nước ta có cái đặc biệt là khi những người có chức vụ cao mà làm không tốt trách nhiệm, chẳng có ai tự ý xin từ nhiệm hoặc bị cách chức, cho nên không bao giờ tiến lên được. Cái đặc biệt này không giống với bất cứ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới cả. Ông bà ta nói đúng:” Nhân nào thì quả ấy”.

(e) Ông Huy Vinh Linh: “Tôi thấy học sinh sinh viên Việt Nam toàn học “chạy”, học mà không đi với hành, ngay cả bản thân tôi khi học đại học cũng vậy. Cho nên đến khi đi làm tôi rất bỡ ngỡ, phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được công việc. Còn một điều nghịch lý nữa mà tôi thấy bao lâu nay vẫn tồn tại, đó là trình độ giáo viên. Đây là “đầu vào” của các trường sư phạm, có rất ít học sinh có học lực khá hoặc giỏi thi vào trường này. Điển hình là nhiều bạn tôi toàn học lực bình thường khi học ở bậc trung học phổ thông, thế mà họ vẫn được vào các trường Cao Đẳng hay Đại Học sư phạm. Vậy thì làm sao có được một đội ngũ giáo viên giỏi để đào tạo ra những học sinh giỏi”.

(f) Ý kiến của ông Quang ngày 25/8/2004: “Tại sao phẩm chất giáo dục Việt Nam chúng ta kém? Sẽ có hằng trăm hằng ngàn câu trả lời, nhưng tôi thấy nổi cộm một điều là “bệnh thành tích”. Thành tích, đã trở thành cái bệnh và là “bệnh trầm kha” chớ không phải bệnh thường gặp. Rất nhiều người dùng tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp để làm thành tích báo cáo, mà chẳng có trường nào lấy phẩm chất giáo dục của học sinh sinh viên làm thành tích cả. Khi thi vào các trường đại học, trình độ các thí sinh rất kém, đôi khi pha lẫn khôi hài. Chẳng hạn như nhiều thí sinh không làm được bài, nhưng lại làm thơ tình, thơ trào phúng trêu ghẹo thầy cô, vẽ hình sa đọa, hoặc viết thư năn nỉ chấm đậu vì nếu không thì bị gia đình đánh đuổi, v..v.. rồi nộp cho thầy cô coi thi. Trung bình có từ 65 đến 80% học sinh thi rớt, và rồi không ai biết số phận của các học sinh đó có cuộc sống như thế nào khi phải lao vào xã hội.

(g) Ông Hoàng Thanh: “Tôi không dám bàn đến tất cả các cấp học mà chỉ có ý kiến về bậc đại học thôi. Có quá nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi chương trình giáo dục mà ít ai để ý đến “cái hồn” của bậc đại học. Vậy “cái hồn của đại học” là gì? Đó là phong cách, là quan hệ giữa Thầy dạy với sinh viên, và giữa sinh viên với nhau. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình đếp lớp học giống như đến một siêu thị vậy, vì ở đây có kẻ mua người bán, và bán xong là phủi tay. “Người bán là Thầy dạy” không cần biết “người mua là sinh viên” sẽ sử dụng món hàng vừa mua như thế nào! Trong siêu thị đôi lúc người ta còn để ý đến sức mua, còn trong trường đại học thì … khỏi nói nữa. Thuở còn học cấp 3, còn có học sinh ngoan hiền chăm học, nhưng khi vào đại học thì đa phần lại tuột dốc. Bạn bè sinh viên mấy năm trời mà chẳng biết tên nhau, thì làm sao có quan hệ tốt với nhau được”.

(h) Ông Đăng Khoa: “Cải tổ giáo dục, phải nói như vậy mới xứng tầm phát triển của đất nước hiện nay. Nhưng thực trạng giáo dục đã quá tải, nhồi nhét vào đầu học sinh sinh viên quá sức, nạn dạy thêm tràn lan làm cho phấm chất càng sa sút, Bằng cấp thật nhưng học thì giả, dẫn đến tình trạng loạn bằng cấp. Các cấp các ngành khi chọn nhân viên chỉ căn cứ vào bằng cấp mà không chú trọng đến khả năng thật sự, đã dẫn đến những bất cập trong điều hành các ngành sinh hoạt xã hội. Nhiều cán bộ có chức có quyền lo chạy “bằng cấp” cho con em mình, để rồi căn cứ vào đó mà đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo ngay trong cơ quan mình lãnh đạo. Vì tình trạng loạn “bằng cấp” mà tại Việt Nam ta xảy ra tình trạng “ai cũng là tiến sĩ, ai cũng là giáo sư”, trong khi các công trình khoa học kỹ thuật thì không có nhân tài thực hiện”.

  1. Trong hội thảo tại Hà Nội hồi tháng 7 năm 2004 tổng kết sau thời gian cải cách giáo dục, với số đại biểu trong ngành giáo dục tham dự lên đến gần 1.000 người do Thủ Tướng đảng cộng sản chủ tọa, cho thấy tầm quan trọng của ngành này. Ông Trần Hồng Quân, Bộ Trưởng Giáo Dục trình bày diễn tiến và kết quả. Ông kết luận: “…Cuộc cải cách giáo dục trong thời gian qua là hoàn toàn thất bại, vì cải cách theo quan niệm chắp vá chớ không cải cách toàn diện…”

       Dựa theo kết luận nói trên, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu sử dụng câu nói của ông Phan Hiền để châm biếm cải cách giáo dục: “Sai đâu (thì) sửa đấy, sai đấy (nhưng) sửa (ở) đâu, (mà) sửa đâu (thì) sai đấy”.

      Từ nền giáo dục đó, nhà văn Dương Thu Hương, một đảng viên cộng sản đã trở thành một phụ nữ chống đối nhóm lãnh đạo CSVN quyết liệt, bà nói: “Tất cả tuyên truyền của nhà nước chỉ nhắm tạo một huyền thoại về chiến tranh, để tâng bốc họ, cũng là để đe dọa dân chúng. Người dân được dạy rằng: Dân tộc ta anh hùng, chúng ta nên kiêu hãnh về lịch sử của chúng ta. Đó là nhà nước lừa dối người dân bằng niềm kiêu hãnh mù quáng của họ”.

  1. Tiến sĩ Trần Văn Hiển, giáo sư trường đại học Houston tại Clear Lake, ông thường được cử về Việt Nam giảng dạy khoa kinh tế tài chánh, đồng thời phụ trách chương trình giúp sinh viên Việt Nam du học Hoa Kỳ về khoa kinh tế. Theo giáo sư Hiển trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do (RFA): “Trên bảng xếp hạng về giáo dục năm 2005, Việt Nam ở thứ hạng 90/135 quốc gia. Nếu Việt Nam không thay đổi chương trình giáo dục và khoa giảng dạy, người Việt Nam sẽ mãi mãi làm những công việc gia công cho ngoại quốc mà thôi”.
  2. Trong bài viết về giáo dục của ông Nguyễn Văn Thành, ông nhấn mạnh: “Ngày nay, ai cũng biết nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào trí óc con người, và nền kinh tế này gọi là nền kinh tế Tri Thức mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường nói đến. Nước nào có nhiều chất xám, nghĩa là có nhiều chuyên viên cao cấp tài giỏi thì nền kinh tế sẽ phát triển. Nói cách khác, kinh tế của các quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nền giáo dục của các quốc gia đó. Quốc gia nào có nền giáo dục tốt thì quốc gia đó sẽ có một nền kinh tế phát triển. Để so sánh các nền kinh tế của các quốc gia khác nhau, người ta dùng một danh từ chung là trị giá tổng sản phẩm nội địa, gọi tắt bằng Anh ngữ là GDP (Gross Domestic Product), và một loại tiền tệ chung là đồng mỹ kim”.

       Ông Thành nêu giả thuyết pha chút mỉa mai: “Mức phát triển trung bình 7% của Việt Nam trong những năm qua đáng được khích lệ, nếu vẫn tiếp tục phát triển như vậy trong những thập niên tới, dự phóng vào năm 2048 Việt Nam mới theo kịp Đại Hàn của năm 2005”.

  1. Vào trang Web www.ed.sjtu.edu.cn/rank/2004/top500list.htm với bảng xếp hạng danh sách 500 trường đại học nỗi tiếng trên thế giới năm 2004, Việt Nam không có trường nào trong khi Đài Loan nhỏ bé có đến 3 trường. Sự kiện này đủ nói lên trình độ thấp kém của nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa tương xứng với nền kinh tế gia công hơn 20 năm qua kể từ năm 1987.
  2. Trong buổi điều trần tại Quốc Hội CSVN hồi cuối năm 2006, ông Bộ Trưởng Giáo Dục & Đào Tạo cho rằng: “… Có 7 vấn đề cấp bách trong hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại từ lâu nay: (1) Bệnh thành tích. (2) Tiêu cực trong thi cử. (3) Bằng cấp giả mạo. (4) Cần cải tổ chương trình cấp phổ thông. (5) Biên soạn và ấn hành sách giáo khoa. (6) Phẩm chất giáo dục mà ông gọi là “chất lượng giáo dục” rất kém. (7) Giúp sinh viên tìm việc làm…. “

       Ông nêu 7 vấn đề như là cấp bách của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo nhưng không thấy ông cho biết đã thực hiện chưa, nếu đang thực hiện thì diễn tiến ra sao mà ông chỉ nói suông thôi. Ông cũng cho biết Thủ Tướng của ông đã chấp thuận thành lập thêm 5 trường đại học công và 15 trường đại học tư. Số lượng 20 trường đại học này sẽ thành lập tại: Tỉnh Hòa Bình 1 trường + đồng bằng Sông Hồng 7 trường + Miền Trung 4 trường + 8 trường còn lại thành lập tại đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn.

  1. Trên Vietnam Net ngày 7/6/2008 có bài “Nhìn thẳng vào khủng hoảng giáo dục Việt Nam” của giáo sư Hoàng Tụy. Mở đầu với nhận định sắt bén: “Dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo cũng như bất cứ ai đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có nhìn thẳng, gọi tên đúng sự vật và chấp nhận thay đổi, coi cải cách là mệnh lệnh của cuộc sống mới có thể khắc phục tình trạng nguy kịch của ngành giáo dục Việt Nam. Chính Thủ Tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã thừa nhận chánh thức sự không thành công của giáo dục, đến nay thực trạng nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Nhiều người có trách nhiệm vẫn tự ru ngủ mình với những thành tựu thực và ảo của giáo dục. Nếu Việt Nam cô lập với thế giới thì không đến nỗi quá lo lắng, nhưng nếu khách quan và có trách nhiệm khi đặt giáo dục trong bối cảnh toàn cầu, thì không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục Việt Nam so với các quốc gia chung quanh. Thực tế, đất nước ngàn năm văn hiến này đang trả giá nặng nề cho sự suy thoái nghiêm trọng của giáo dục kéo dài suốt 30 năm qua ”.

       Trong đoạn khác, ông nhấn mạnh: “Những sai lầm trong giáo dục do tư duy xơ cứng mà 20 năm qua không hề thay đổi. Vẫn cách nghĩ thiển cận, vẫn giáo điều thời bao cấp được biến tướng ít nhiều để thích nghi với xu hướng du nhập từ bên ngoài phù hợp với lợi ích riêng của từng nhóm. Nền giáo dục chân chính của quốc gia nào cũng có sứ mạng cao cả về giáo dục con người, đồng thời mỗi xã hội có nhiệm vụ và yêu cầu khác nhau cho nền giáo dục của mình. Thêm nữa, con người sống trong xã hội lành mạnh cần cuộc sống trung thực và óc sáng tạo để góp phần phát triển đất nước. Nhưng tiếc thay, những điều đó đã không đuợc chú ý trong xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Ngày nay, môi trường quốc tế đã biến đổi cực kỳ sâu sắc trong khi Việt Nam vẫn dựa vào kinh nghiệm giáo dục tư tưởng chính trị thời đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự giả dối lan tràn trong giáo dục tại Việt Nam”.

  1. Tóm tắt bài viết “Giáo dục Việt Nam dưới nét nhìn của một người Mỹ” do ông Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ, trích trong trang Web của nhóm Thông Luận ngày 23/8/2008. Nội dung bài này là đề tài thảo luận khi Thủ tướng đảng cộng sản Nguyến Tấn Dũng gặp Tổng Thống Bush tháng 6 năm 2008 tại Washington DC.

       “Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn diện về giáo dục: Viên chức không được đào tạo quản trị. Nhà giáo được đào tạo rất kém với đồng lương quá thấp. Cơ hội học đại học rất hạn hẹp vì cơ sở không phát triển, số giảng viên giảng sư không gia tăng, bằng chứng là năm 2007 các trường đại học chỉ tuyển 300.000 sinh viên trong tổng số 1.800.000 thí sinh. Mặt khác, số lượng sinh viên ghi tên vào ngành giáo dục chỉ 10%, trong khi Trung Hoa cộng sản 15%, Thái Lan 41%, Đại Hàn 89% (thống kê của Ngân Hàng Thế Giới). Bằng tiến sĩ thì mua, còn giáo sư thì được đề cử qua thủ tục hành chánh chớ không do công trình và sự nghiệp sư phạm. Nạn tham nhũng tràn lan chẵng khác bệnh ung thư trong ngành giáo dục. Việt Nam thua kém các quốc gia chung quanh về việc cung ứng hiểu biết và canh tân giáo dục, khi nhìn vào số lượng tập san khoa học do các trường đại học ấn hành. Năm 2006, hai đại học lớn nhất Việt Nam là đại học quốc gia và đại học kỹ thuật Hà Nội ấn hành 34 tập san, trong khi đại học quốc gia Seoul (Đại Hàn) là 4.556 và đại học Bắc Kinh gần 3.000 tập san khoa học. Cũng trong năm 2006, về đơn xin bằng sáng chế của Việt Nam chỉ nộp có 2 đơn, trong khi Trung Hoa cộng sản đến 40.000 đơn. Số sinh viên từ các trường đại học Việt Nam có trình độ rất kém, bằng chứng là một công ty kỹ nghệ Hoa Kỳ phỏng vấn 2.000 sinh viên Việt Nam vừa tốt nghiệp đại học được xem là giỏi nhất trong tổng số, kết quả là công ty này chỉ chọn được 40 thí sinh có trình độ tối thiểu. Tình trạng giáo dục Việt Nam trên đây, có thể phá hỏng những phát triển kinh tế trong nước và tiến trình hội nhập thế giới”.

       “Lãnh đạo CSVN nhờ Hoa Kỳ trợ giúp cải tổ giáo dục, và bước đầu Việt Nam chấp nhận 10 phân khoa của 9 trường đại học Việt Nam áp dụng toàn bộ chương trình giáo dục đại học Hoa Kỳ. Phó Thủ Tướng cộng sản Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu ông Đại Sứ Michalak nghiên cứu thiết lập một trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời giúp đào tạo 2.500 tiến sĩ tại các trường đại học Hoa Kỳ dự phóng đến năm 2.020. Một trường đại học Hoa Kỳ tại Việt Nam cần 100.000.000 mỹ kim đầu tiên chi phí cho xây dựng hạ tầng cơ sở, và 100.000.000 mỹ kim khác chi phí điều hành khoảng 100 giáo sư và quản trị viên trong vòng 10 năm. Việt Nam sẽ phải tìm kiếm từ các nguồn tài trợ quốc tế để góp phần thực hiện dự án. Ngày 24 và 25/01/2008, Đại Sứ Hoa Kỳ tổ chức hội nghị tại Hà Nội qui tụ gần 200 viên chức Hoa Kỳ đại diện cho hơn 100 trường đại học và các cơ quan chánh phủ, thảo luận chung quanh những vấn đề trợ giúp giáo dục Việt Nam. Hội nghị dự định một hội nghị kế tiếp sẽ họp vào đầu năm 2009, nhằm kết hợp giáo giới Việt Nam với giáo giới Hoa Kỳ, xúc tiến các chương trình dạy kỹ thuật giữa đại học hai quốc gia”.

      Viên chức Hoa Kỳ viết bài này kết luận: “... Chỉ với một phần nhỏ trong những chi tiêu hiện nay cho một vài chương trình và sinh hoạt trong vùng, chúng ta có thể uốn nắn trở lại đất nước này theo chiều hướng tạo nên ảnh hưởng sâu đậm và tốt đẹp cho những thập niên tới. Nếu chúng ta muốn Việt Nam của năm 2020 giống Nam Triều Tiên (Đại Hàn) hơn là giống Trung Hoa (cộng sản), chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ”.

  1. Bài viết của ông Trần Khải ngày 31/8/2008. Ông dựa vào bản tin Xinhua ngày 25/8/2008, được biết Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) và Ngân Hàng Thế Giới (WB) đang nghiên cứu trợ giúp CSVN thành lập 4 Trường Đại Học Nghiên Cứu Khoa Học kiểu mẫu tầm vóc quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẳng, Sài Gòn, và Cần Thơ, đồng thời với chương trình trợ giúp du học sinh Việt Nam từ trong nước.
  2. Từ điạ chỉ e-mail của Hoàng Lan (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.) ngày 30/8/2008, chuyển bài viết về giáo dục Việt Nam “Cử nhân dạy cử nhân” nhưng không thấy tên tác giả. Tóm tắt như sau: “Theo tờ trình của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo (GĐ&ĐT), giảng viên cơ hữu của Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Nghệ Vạn Xuân có 187 giảng viên gồm 20 tiến sĩ + 105 thạc sĩ + 62 cử nhân, nhưng thực tế chỉ có 18 giảng viên gồm 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, và 11 cử nhân”. Còn Trường Đại Học Phú Yên, Đại Học Phạm Văn Đồng, trong thành phần giảng viên mỗi nơi chỉ có 2 tiến sĩ, làm sao truyền đạt kiến thức cho sinh viên!
  3. Trang báo Điện Tử Express viết: “Dựa trên nguồn tin từ Vụ Giáo Dục Đại Học, từ năm 1998 đến 2008 đã thành lập được 130 trường cao đẳng, từ đó số lượng sinh viên tăng gấp đôi nhưng số giảng viên tiến sĩ lại giảm. Năm học 2007-2008 có 1.200.000 sinh viên đại học và 400.000 sinh viên cao đẳng, tức 188 sinh viên/10.000 dân. Tỷ kệ đó khá cao nhưng phẩm chất quá kém. Bà Trần Thị Hà, Vụ Trưởng nhận định: Do không nắm vững quy chế và buông lỏng quản trị mà điển hình là Trường Cao Đẳng Công Nghệ & Quản Trị Doanh Nghiệp, đào tạo và cấp văn bằng cho sinh viên tốt nghiệp thuộc 5 ngành chưa được Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chấp nhận”.

       “Ông Trần Bá Giao, phó thanh tra của Bộ GD&ĐT, hầu hết các trường mới thành lập đều trong tình trạng khó khăn đến mức các cơ sở đều thuê mướn, cho nên thư viện rất chật hẹp, số đầu sách không đủ cung jứng nhu cầu cho giảng viên và sinh viên. Điển hình là Đại Học Công Nghiệp Quảng Ninh, Đại Học Kinh Tế Công Nghệ Long An, ..v..v.. chỉ có khoảng 100 đầu sách. Thậm chí trường Cao Đẳng Viễn Đông chỉ có 7 đầu sách trong thư viện rộng 90m2. Lại có những trường đại học chỉ có 6 cử nhân dạy 850 sinh viên”.

  1. Ngày 31/7/2008, Ban Bí Thư Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tuyệt đối đã ban hành Chỉ Thị số 25 về xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí. Tóm tắt như sau: “Làm cho các cấp ủy đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí, nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của báo chí là tiếng nói của đảng, nhà nước, của tổ chức chính trị xã hội đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của đảng. Phải có kế hoạch giáo dục rèn luyện phóng viên, biên tập viên,để họ sớm đứng trong hàng ngũ của đảng... Phải tuyển chọn bố trí cấp ủy, bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí bảo đảm (họ gọi là đảm bảo. PBH) được tiêu chuẩn và thực hiện đúng quy định số 57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính Trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ đảng. Bên cạnh việc quản lý đảng viên trong chi bộ, cần kết hợp với ý kiến nhận xét đánh giá về đảng viên của quần chúng trong cơ quan báo chí, của cấp ủy nơi gia đình cư trú, nơi đến cư trú, hoặc ở cơ sở đào tạo”. (Trích bài “Diện Mạo Báo Chí VN” của ông Võ Long Triều, tháng 9/2008)
  2. Sau buổi họp ngày 11/9/2008 tại Hà Nội, CSVN yêu cầu Hoa Kỳ trợ giúp đàp tạo 10.000 tiến sĩ tính đến năm 2020, theo bài viết của Mặc Lâm phóng viên đài RFA, thì giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Giám Đốc Điều Hành Quỹ Học Bổng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam, cho biết: “Với tư cách là một nhà giáo, với tư cách là một người có nhiều năm đào tạo các tiến sĩ, con số đưa ra (10.000 tiến sĩ) lớn lao như vậy, sẽ có những khó khăn trước mắt. Theo kinh nghiệm của tôi, ở Việt Nam rất khó tìm được những đối tượng đủ khả năng để theo học bằng tiến sĩ. Bằng chứng là chúng tôi có một dự án đào tạo 50 tiến sĩ giữa đại học Liège của Bỉ với đại học Xây Dựng Hà Nội, nhưng đã 5 năm qua rồi mà chúng tôi chỉ tìm được chưa tới 10 người thì làm sao tìm đâu ra con số 10.000 người trong 12 năm tới. Vấn đề là là bậc tiến sĩ không phải chỉ có tài chánh là đủ, mà vấn đề là phải có những học sinh có đủ tư duy, có đủ trình độ để theo học, có một đam mê nào đó mới có thể thi bậc tiến sĩ, nhất là bằng tiến sĩ nghiêm túc như ở Hoa Kỳ, hay ở các đại học Châu Âu. Nói chung là tìm đối tượng tại Việt Nam theo học tiến sĩ là rất rất khó”.

       Tóm tắt giai đoạn 2002-2008. Văn kiện nói trên là một bằng chứng chính xác nhất về ngành báo chí nói chung là truyền thông, hoàn toàn trong quyền lực của Bộ Chính Trị thông qua giáo dục học đường và giáo dục xã hội, trong khi đó Thủ Tướng đảng CSVN Nguyễn tấn Dũng tuyên bố tại Luân Đôn (Anh Quốc) rằng: “Luật báo chí Việt Nam cởi mở mà các nước khác không có”. Ông ta nói đúng, vì không có quốc gia văn minh nào cởi mở theo cách quái đản của CSVN cả.

       Trong 8 năm gần đây kể từ năm 2001, là thời gian kinh tế Việt Nam có phát triển trên dưới 7% mỗi năm, nhưng giáo dục và các lãnh vực liên quan rất tồi tệ. Lãnh đạo giáo dục chú trọng đến làm ra khẩu hiệu hơn là làm ra chính sách. Xuyên qua nhận định của những viên chức hàng lãnh đạo giáo dục Việt Nam, cũng như nét nhìn từ viên chức giáo dục Hoa Kỳ, sự thật đau đớn cho dân tộc là hệ thống giáo dục suy đồi đến mức lãnh đạo CSVN phải nhìn nhận sự thật mà bản chất của đảng cộng sản vốn dĩ là dối trá che giấu. Hệ quả này dẫn đến tình trạng sau khi chế độ cộng sản độc tài sụp đổ, ít nhất phải hai thế hệ sau đó mới khôi phục lại được tinh hoa văn hoá Việt Nam. Đây là trách nhiệm dài lâu của nhóm lãnh đạo lâm thời trong thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ độc sang chế độ dân chủ tự do, và sau đó, khi chế độ cộng sản Việt Nam bị triệt tiêu.

Kết Luận.

       Lãnh đạo CSVN từ năm 1954, áp dụng chính sách giáo dục học đường và chính sách cai trị xã hội trên căn bản bịt mắt bịt tai bịt miệng kể cả ngànhgiáo dục và truyền thông, vì vậy mà người dân chỉ được nghe những gì nhà nước cho nghe, chỉ được thấy những gì nhà nước bắt phải thấy, chỉ được nói những gì nhà nước cho phép nói, chẳng khác con người chỉ có nửa cái đầu, nửa cái miệng, và một lỗ tai. Bởi, bản chất của cộng sản không phục vụ nguyện vọng người dân, nên phải sử dụng mỹ từ lẫn thủ đoạn gian trá làm cho người dân lầm tưởng xã hội chủ nghĩa là ưu việt, và họ sẽ được sống trong thiên đường cộng sản. Nhưng đến nay đã 54 năm mà người dân vẫn chưa nhìn thấy một xã hội như lãnh đạo của họ đã cho thấy cho nghe, trái lại chỉ thấy một xã hội suy đồi mà trong đó mọi người đối xử với nhau bằng gian dối, bằng vật chất, bằng những thủ đoạn lật lọng, trong khi tính cách trong sáng và tình cảm giữa con người với nhau trở thành một thứ gì xa lạ trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Tất cả bắt nguồn từ chính sách giáo dục của CSVN. Ngay cả viên chức giáo dục của Hoa Kỳ cũng nhận ra tình trạng suy đồi và nguồn gốc dẫn đến sự suy đồi đó.

      Mặt khác, gần 20 năm qua kể từ đầu thập niên 90, lãnh đạo đảng với lãnh đạo nhà nước CSVN không còn chỗ dựa vào điều mà họ gọi là lý tưởng cộng sản khi “thành trì vững chắc của chủ nghĩa xã hội” là Liên Xô, và khối các quốc gia cộng sản Đông Âu sụp đổ, nên họ dựa vào hệ thống tham nhũng chằng chịt dọc ngang trên dưới phủ trùm toàn xã hội để tồn tại, tuy họ vẫn tuyên bố là quyết tâm diệt tham nhũng, nhưng qua hành động trong thực tế đã chứng tỏ họ không thật sự quyết tâm tận diệt, bởi cấu trúc của chế độ độc tài cho phép họ có quyền lực vô hạn và tuyệt đối, kể cả quyền tham nhũng. Và chính họ là thành phần tham nhũng hơn bất cứ thành phần nào khác, chỉ cần những đảng viên trung ương đảng kê khai tài sản lúc vào chiếm Việt Nam Cộng Hòa có thứ gì, bao nhiêu, và bây giờ có những thứ gì, mỗi thứ bao nhiêu là nhận ra dễ dàng cho dù có khai gian cách mấy cũng vậy.

Với dự án từ nay đến năm 2020, Hoa Kỳ giúp CSVN đào tạo 2.500 tiến sĩ tại các trường đại học Hoa Kỳ, mà theo ông Đại Sứ Michalak tại Việt Nam phát biểu: “Khi có 75% Thứ Trưởng Bộ Trưởng gốc là du học sinh các trường đại học Hoa Kỳ thì Việt Nam sẽ dân chủ hóa chế độ” (?).

Phải chăng đây cũng là một loại “diễn biến hòa bình”? Nhưng diễn biến này mãi đến năm 2020 có thể mới nhìn thấy (12 năm nữa), liệu có chậm quá không! Bởi vì ngay trước mắt, người dân trong nước từ nông dân đến người thành thị, từ người lương đến người giáo, càng ngày càng bị cường hào ác bá địa phương mà họ gọi là lãnh đạo áp bức bóc lột, điển hình là sự kiện hằng trăm ngàn dân kêu oan khiếu nại, sự kiện các tôn giáo -nhất là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với Giáo Hội Thiên Chúa- chỉ vì đòi hỏi được tự do hành đạo như đã ghi trong Hiến Pháp, đòi lại chủ quyền các cơ sở tôn giáo để có nơi thờ phượng và tín đồ có nơi học đạo. Khi người lương cũng như người giáo bị ức hiếp bóc lột tìm đến các cơ quan thẩm quyền từ tỉnh thành đến trung ương khiếu nại thì bị các hung thần Công An đàn áp bắt giữ. Khi tình trạng áp bức bóc lột và đàn áp người dân đến mức độ nào đó, chính người dân sẽ cùng nhau đứng dậy trong hỗn loạn, đó là lúc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản trên quê hương Việt Nam!

Trừ khi lãnh đạo CSVN thật lòng muốn đất nước phát triển trong một xã hội dân chủ pháp trị để nhanh chóng hội nhập vào thế giới văn minh, lộ trình duy nhất để đạt đến đó là phải chuyển đổi chế độ cộng sản độc tài sang chế độ dân chủ tự do, mà là chuyển đổi thật sự chớ không như cái kiểu “gắn theo cái đuôi định hướng nào cả. Nhưng với kinh nghiệm từ năm 1954 đến nay không có người cộng sản Việt Nam tử tế, nên sẽ không có sự kiện tự họ lột xác để chuyển đổi sang chế độ dân chủ tự do. Nhớ lại, sau khi đảng cộng sản đưa ông Nguyễn Minh Triết vào chức Chủ Tịch nước và ông Nguyến Tấn Dũng Thủ Tướng đảng cộng sản (không do dân bầu), có dư luận cho rằng hai ông này thuộc nhóm cấp tiến có thể chuyển đổi chế độ. Dưới nét nhìn của tôi, các nhóm lãnh đạo CSVN từ sau khi xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa 30/4/1975 đến nay, chỉ có một thành phần cộng sản cực đoan chớ không có cấp tiến gì cả, chẳng qua là quan điểm cực đoan của họ có khác nhau về bảo vệ chế độ độc tài và phân chia quyền lực trong mục đích cuối cùng là quyền lợi riêng tư mà thôi. Bằng chứng trong những năm gần đây:

Một. Ngày 5/9/2006, Thủ Tướng đảng CSVN tuyên bố hủy bỏ Nghị Định 31 về quản chế hành chánh (bắt giam tùy tiện) làm cho nhiều người trong Cộng Đồng tị nạn tại hải ngoại lẫn đồng bào trong nước tưởng như họ có bước tiến về dân chủ pháp trị, nhưng theo luật sư Lê Thị Công Nhân, hành động đó chẳng qua CSVN đem chôn một cái xác (NĐ 31) đã chết từ lâu. Vì từ ngày 1/10/2002 CSVN đã ban hành Pháp Lệnh “xử lý vi phạm hành chánh” chặt chẻ hơn Nghị Định 31 mà họ hủy bỏ. Trên nguyên tắc, Pháp Lệnh chỉ dưới Hiến Pháp và Luật, tức cao hơn Nghị Định, mà trong Pháp Lệnh này có đầy đủ những qui định trong NĐ 31. Chưa hết, tiếp theo Pháp Lệnh năm 2002 xử lý vi phạm hành chánh là Nghị Định 38/CP ngày 18/3/2005 về cấm tập họp đông người, và Nghị Định 56/CP ngày 6/6/2006 về kiểm soát văn hóa & thông tin, vừa chặt chẻ vừa tinh vi trong chính sách bịt mắt bịt tai bịt miệng toàn dân toàn đảng của họ”. (trích bài viết của luật sư Lê Thị Công Nhân ngày 11/11/2006 tại Hà Nội)”.

Hai. Ngày 27/8/2007 tại Tổng Cục Chính Trị CSVN Hà Nội, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố rằng: “... Tôi khằng định trước sau như một là chúng ta vẫn tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải xây dựng đảng của chúng ta. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 Hiến Pháp thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố tự sát, cho nên phải củng cố công tác tư tưởng, củng cố vai trò của đảng”. (trích bản tổng hợp 220 sự kiện về nhân quyền và chính trị tại Việt Nam năm 2007).

       Chỉ riêng lời phát biểu ngắn ngủi trên đây của ông Triết, tôi nhận ra 4 điều: (1) Ông thừa nhận chế độ độc tài của ông không được người dân ủng hộ, nên ông ra lệnh củng cố quyền lực của đảng để tiếp tục đàn áp dân trong khi vẫn khẳng định điều gọi là tiến lên chủ nghĩa xã hội. (2) Bỏ điều 4 trong Hiến Pháp là chế độ độc tài tan rã đến mức đảng viên trong Bộ Chính Trị phải tự sát, vì nếu không thì các ông cũng không thể yên thân bởi khối dân oan hằng triệu hằng triệu người mà chế độ các ông đã đẩy họ vào thảm cảnh đó. (3) Chứng tỏ các đảng viên trung ương đảng CSVN gồm cả Bộ Chính Trị sợ mất quyền lực quyền lợi chớ không hề nói đến trách nhiệm của cấp lãnh đạo với dân với nước. (4) Ông ta hoàn toàn là một đảng viên cộng sản cực đoan ở hàng lãnh đạo chuyên chính độc tài, chớ không hề cấp tiến như một số người “đón gió trở cờ” lầm tưởng.

Ba. Theo Công Đoàn Lao Động quốc doanh, trong năm 2007 có đến 541 cuộc đình công với sự tham dự của khoảng 350.000 công nhân mà hầu hết không có giấy phép của nhà nước nên bị xếp vào loại đình công bất hợp pháp. Ngày 21/1/2008, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Nông Đức Mạnh tuyên bố tại Quốc Hội CSVN rằng: “Từ khi đảng ra đời đến nay, đảng luôn luôn là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và của dân tộc, là đội tiên phong của giai cấp công nhân …” Ngày 30/1/2008, Thủ Tướng đảng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị Định số 11 và 12, cấm đình công bất hợp pháp, đồng thời giao tòa án xét xử buộc công nhân phải bồi thường thiệt hại cho chủ trong các cuộc đình công đó. Ngày 16 & 17/6/2008, hội nghị “Đoàn Chủ Tịch Liên Đoàn Lao Động CSVN” họp tại Hà Nội, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ Tịch tổ chức này cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay (tháng 6/2008) đã có 330 cuộc đình công, và các cuộc đình công này đề bất hợp pháp”.

       Lãnh đạo CSVN thường tuyên bố đảng cộng sản của họ là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và nông dân lao động, nhưng việc làm trong thực tế chẳng những họ thẳng tay đàn áp công nhân mà còn đưa công nhân ra tòa bắt bồi thường thiệt hại cho giai cấp chủ nhân. Với văn kiện pháp lý trên đây, ai cũng hiểu rằng chính sách của lãnh đạo CSVN nhắm bảo vệ quyền lợi giới chủ nhân, cũng là bảo vệ quyền lợi riêng tư của họ bằng cách đàn áp giới công nhân. Độc tài với gian dối” là hai vế trong bản chất của cộng sản. Đã độc tài phải vừa gian vừa dối để che giấu dưới những ngôn từ trống rỗng theo từng hoàn cảnh, từng sự kiện, từng con người, từ năm 1945. Nhìn lại hơn nửa thế kỷ cai trị, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gây ra vô vàn tộc ác với quê hương dân tộc, mà chính sách giáo dục thần dân là tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử. Bởi chính sách này đã tạo nên những thế hệ chỉ biết tuân phục đảng với nhà nước, cùng lúc sử dụng lực lượng Công An chẳng khác những hung thần làm cho mọi người phải sống trong sợ hãi để tuân phục. Óc sáng tạo của những thế hệ Việt Nam bị nền giáo dục một chiều của CSVN bóp nghẹt đến mức xơ cứng gần như mất hết tác dụng. Những ai vượt lên trên nền giáo dục độc ác đó để mở đường cho xã hội vào cuộc sống với tất cả ý nghĩa của con người, lập tức bị lãnh đạo CSVN kềm kẹp đọa đày bằng vũ khí trong tay hung thần Công An và ác quỷ trong những phiên tòa. Rồi đây, khi chế độ cộng sản Việt Nam bị triệt tiêu, ít nhất phải 20 - 30 năm sau, xã hội mới khôi phục lại được nếp sống tinh hoa văn hoá dân tộc kết hợp hài hòa với nền khoa học kỹ thuật tân tiên của thế giới trên hành trình phát triển.

Vì vậy:

Với nạn nhân cộng sản Việt Nam nói riêng, cho dẫu chúng ta có muốn quên cũng không thể nào quên: (1) Cuộc đấu tố tàn bạo trong cải cách ruộng đất trên đất Bắc từ năm 1954 đến 1956 đã giết từ 120.000 đến 200.000 người vô tội.

(2) Cuộc tổng công kích đầu năm 1968 nhân Tết Mậu Thân với cảnh CSVN thảm sát hơn 5.000 người dân xứ Huế!

(3) Cuộc chiến Mùa Hè 1972 với hằng ngàn đồng bào chạy nạn cộng sản đã chết thảm thương trên đường Quảng Trị-Huế do súng đạn của cộng sản!

(4) Ngày 30/4/1975 và sau đó, đã quẳng hằng chục ngàn thương phế binh ra khỏi các quân y viện, đã đẩy ít nhất là 222.809 quân nhân viên chức cán bộ Việt Nam Cộng Hòa vào giam giữ trong hơn 200 trại tập trung bằng lệnh hành chánh, đã đánh quỵ toàn bộ xã hội miền Nam xuống ngang bằng xã hội nghèo nàn trên đất Bắc, rồi đẩy hằng trăm ngàn gia đình quân nhân viến chức cán bộ cùng gia đình các công thương kỹ nghệ đến những nơi hoang vắng mà họ gọi là các khu kinh tế mới để chiếm đoạt tài sản!

(5) Thảm cảnh nửa triệu người mất xác trong rừng sâu trên biển cả trên đường chạy trốn cộng sản tìm đến các quốc gia tự do!

(6) Ngang qua nghị quyết 36, bàn tay cộng sản độc tài vói ra hải ngoại “vừa moi tài chánh moi kỹ thuật vừa đánh phá” Cộng Đồng 3.000.000 người tị nạn cộng sản!

(7) Trong vô vàn tội ác, sử dụng chính sách giáo dục học đường với giáo dục xã hội phục vụ chế độ độc tài là tội ác kinh hoàng nhất của lãnh đạo CSVN, vì đã và đang làm băng hoại xã hội Việt Nam!

       Với nạn nhân cộng sản thế giới nói chung, Tượng Đài Nạn Nhân Cộng Sản Thế Giới khánh thành ngày 12/6/2007 tại Washington DC do Tổng Thống Hoa Kỳ chủ tọa, là biểu tượng thảm họa kinh hoàng trong thế kỷ 20 của nhân loại nói chung, và 25 quốc gia bị cộng sản cai trị nói riêng. Từ nay, oan hồn của hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản -có cả nạn nhân của cộng sản độc tài Việt Nam- được những thế hệ hôm qua, hôm nay, và những thế hệ mai sau tưởng nhớ. Tưởng nhớ để tận diệt chế độ này đến tận cùng gốc rễ, vì “chế độ cộng sản độc tài là tàn bạo và phi nhân”. Dòng chữ ngắn ngủi này là lời lên án mạnh mẽ trong bài phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush.

       Từ đó, tôi tin chắc rằng, chế độ cộng sản độc tài Việt Nam nhất thiết sẽ phải sụp đổ, và sụp đổ do bạo loạn mà nòng cốt là đồng bào bị áp bức và những cá nhân cùng những tổ chức đấu tranh dân chủ trong nước, với hỗ trợ mạnh mẽ của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại, và một số quốc gia luôn cổ võ dân chủ hóa các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa cộng sản. Chỉ khi nào chế độ cộng sản bị triệt tiêu, con người và các ngành sinh hoạt quốc gia mới có môi trường phát triển toàn diện trong một xã hội dân chủ pháp trị, mọi người được sống và làm việc theo nguyện vọng của mình.

       Tôi tin tưởng mãnh liệt vào một nước Việt Nam ngày mai sẽ đạt đến nền giáo dục phục vụ nguyện vọng người dân, dẫn đến một dân tộc văn minh, một quốc gia phát triển theo hình tượng chiếc phản lực cơ thương mại cất cánh từ đường băng vươn mình lến bầu trời xanh rộng mở./.

Houston, ngày 28 tháng 9 năm 2008

Phạm Bá Hoa

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC