Rời nhà Long tôi lững thững trên lộ đá đỏ dọc cầu Kinh Cụt ngắm cảnh chiều tà, thình lình tôi nghe tiếng “tránh... tránh” rồi từ phía sau một sức mạnh ủi tới khiến tôi té sấp. Cô gái chạy xe đạp đụng phải làm tôi bị trầy xước cùi chỏ, đầu gối và rách cái quần Serkin mới còn láng bóng một lỗ khá to. Cô gái chạy xe mặt mày tái mét hoảng hồn lí nhí hỏi tôi:
- Anh có sao không?
Bộ dạng sợ sệt của cô, khiến tôi không còn lòng dạ nào mà giận dỗi. Bấy giờ bà con ngụ hai bên đường chạy ra xem tôi bị nạn thế nào. Ba má cô gái cũng có mặt ân cần mời tôi vào nhà để băng bó vết thương và đưa tôi đi bệnh viện. Tôi cho ông bà biết vết thương không có gì nguy hiểm chỉ vài ngày là hết. Hai bác ấy hối cô gái mau mau lấy thuốc đỏ xức vết thương và băng bó cho tôi.
Nhìn tận mặt cô gái trong khi cô săn sóc vết thương, tôi như bị hớp hồn: Cô có đôi má lúm đồng tiền, đôi mắt bồ câu xinh như mộng, thêm vào đó cái mũi dọc dừa điểm trang cho gương mặt trái xoan dễ mến. Tôi gợi chuyện và biết cô tên Đầy, người quận Tam Bình, hiện đang học trường tư thục Nguyễn Trường Tộ. Qua tai nạn rốt cuộc hai bên đều vui vẻ. Gia đình Đầy thấy tôi là người tốt, không nhân tai nạn bắt chẹt khổ chủ như thiên hạ vẫn làm. Thiệt hại vật chất do tai nạn Đầy gây ra cho tôi khá nhiều, bù lại tôi được quen với cô gái xinh đẹp dễ mến. Suốt đêm tôi không ngủ ngon giấc vì các vết thương hành nhức nhưng dường như tôi có giấc mơ đẹp.
Đêm đó trước khi đi ngủ, tôi giặt cái quần bị nạn phơi để chiều mai đem đến tiệm may ở gần nhà nhờ mạng lại. Việc nầy phải chạy đua theo thời gian vì tôi chỉ có hai cái quần mặc đi học.Tiệm may của chị Sáng nhận mạng giúp. Trong lúc chờ đợi chị Sáng cho biết từ ngày khai trương chỉ có tôi nhờ mạng quần
- Em là người phái nam đầu tiên vào tiệm chị. Chị chỉ may áo dài và đồ bộ cho phụ nữ.
Ngồi đợi, chị hỏi đủ thứ chuyện từ học hành, trường lớp và quê quán. Chị có cô con gái học lớp Nhì, em học kém quá, làm luận văn chưa bài nào được trung bình, toán em cũng không khá. Chị muốn tìm người kèm giúp cho cháu nhưng không biết ai hay là em kèm cho cháu giúp chị. Tôi hẹn hôm sau sẽ trả lời. Tôi về nhà gần sau giờ chiều, ở nhà dường như có khách. Đầy và má cô đến xem tôi đã bớt chưa? Tôi nói đùa để cho bác gái và Đầy yên tâm:
- Thưa bác hôm nay cháu có thể chạy đua được rồi
Đầy cũng góp lời:
- Tối qua thấy vết thương anh chảy máu em run quá!
Bác gái xoay câu chuyện sang hướng khác
- Bác có việc này: Bác trai thấy cháu vì Đầy gây tai nạn làm rách cái quần mới nên sáng nay ông đi chợ mua cho cháu cái quần tây khác để đi học. Bác hy vọng cháu nhận để hai bác vui và em Đầy khỏi ái ngại.
Chuyện xảy ra khá bất ngờ, tôi còn ậm ờ chưa biết trả lời sao, Đầy tiếp lời hơi bạo miệng
- Anh không nhận tức không xem em là bạn và vẫn còn hờn trách và chưa tha thứ cho em
Bác gái và Đầy ra về dặn tôi nếu rảnh đến chơi.
Tôi bắt đầu đến nhà chị Sáng làm gia sư. Con gái chị tên Ngọc Hân rất lễ phép, ham học nhưng em mất căn bản về toán lẫn Việt văn. Nếu em viết văn giống như em nói chuyện, tôi nghĩ em sẽ khá. Môn toán khảo sơ, tôi biết em mất căn bản từ phân số, bài tập toán nào em cũng sai ở đó.
Chị Sáng hỏi tôi:
- Em thấy có hy vọng giúp Hân khá hơn không?
Tôi trả lời không do dự: Về toán trong vài tháng Hân có thể theo kịp bạn bè, còn luận văn chắc phải lâu hơn vì muốn viết luận văn hay cần đọc sách nhiều. Sắp ra về chị Sáng hỏi tôi về học phí. Tôi bảo tùy chị, tôi chưa từng dạy kèm nên không dám có ý kiến. Vài tuần sau đó chị Sáng thường khoe với tôi
- Không biết em dạy thế nào mà bây giờ con Hân nó nghe lời em hơn nghe chị. Hở chuyện gì nó cũng bảo anh Danh nói thế nầy hoặc thế kia, Hân nó nhờ chị nói với em cho bạn nó cùng học. Lúc nầy Hân ham học lắm không cần đợi chị phải nhắc nhở
- Tùy chị: một hay hai em cũng không có gì trở ngại
Tôi ra về lòng thấy vui vui vì biết rằng mình dạy kèm cũng có kết quả.
Nhớ lại đã ba tuần từ ngày gặp nạn mình chưa một lần đến thăm Đầy, không biết cô ấy còn nhớ mình không hay lại hết xôi rồi việc. Trên đường về tôi ghé thăm nàng, hai chị em cô ấy mừng tíu tít. Thấy nhà vắng tôi hỏi
- Hai Bác về Tam Bình rồi hả Đầy?
- Dạ ba má em về mấy tuần rồi. Em tưởng anh còn giận nên không đến chơi. Em muốn ghé thăm anh nhưng hơi ngại
- Em ngại chuyện gì
Đầy chỉ cười mà không trả lời. Đầy thấy tôi mặc chiếc quần cũ hôm gặp tai nạn nên thắc mắc sao tôi không mặc quần mới. Tôi nói đùa để thử lòng nàng.
- Anh chưa may vì đợi xin tiền má
Đầy tưởng tôi nói thật, cô tỏ vẻ ái ngại
- Tại em báo hại anh, em mới biết chạy xe, định dợt cho quen, thằng Hải bất thần thót lên xe làm em lính quýnh không kềm lái được nên đụng anh.
- Anh đùa với em chứ anh may xong, hôm nay đi dạy kèm sẵn dịp ghé thăm em.
Đầy nói chuyện vui vẻ và có duyên, tôi chưa muốn về, chợt nhớ tới giờ cơm nên đành từ giã chị em nàng. Đầy trông theo nói cho tôi nghe.
- Lần sau anh đên chơi và ở lại ăn cơm nghèo với tụi em
Tôi đưa tay chào, lật đật rảo bước sợ chủ nhà phiền hà vì phải đợi cơm.
Mới đó lại tới ngày lãnh lương. Tôi vui mừng vì lần đầu tiên tôi kiếm tiền bằng công sức của mình. Có tiền rung rỉnh, tôi học làm sang, chiều thứ sáu tôi đến rủ chị em Đầy đi ăn kem. Hải từ chối nó bảo đến nhà bạn, chỉ Đầy và tôi đến tiệm kem Thanh Bình gần trường Long Hồ. Đây là lần đầu tiên tôi mời cô bạn đi ăn. Lúc trước ở làng làm gì có tiệm kem, nếu có thì tôi đâu có tiền để mời mọc. Đi chơi, chuyện trò mới thấy tình cảnh gia đình của Đầy tuy khá hơn gia đình tôi nhưng Đầy ở nhà cũng vất vả làm lụng chứ không phải sống như kiểu tiểu thơ. Đầy cho biết hồi học lớp nhứt trong những ngày nghỉ học Đầy phải tưới vườn quít hai tiếng mỗi bữa. Hôm nào trời mưa coi như Đầy trúng số an ủi. Ba Đầy trồng hơn mười công quít đường, tiền bạc cũng đỡ, má nuôi thêm gà,vịt heo. Hai năm gần đây quít có trái nên cũng có thâu hoạch, nhờ thế em mới có tiền đóng học phí
Đầy và tôi gặp nhau thường hơn, vài ba hôm thế nào tôi cũng đến nhà Đầy. Tháng mười có ngày lễ giữa tuần tôi không về quê mà đến nhà Đầy ăn cơm với hai chị em nàng. Chiều xuống tôi cùng Đầy đèo nhau vô miệt Phước Hậu, chạy mãi đến khi trời sắp tối lại về. Trong chuyến đi dạo chúng tôi nói hết chuyện này đến chuyện khác toàn những câu chuyện đầu Ngô mình Sở vậy mà tụi tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Nhiều đêm nằm suy nghĩ tôi cảm thấy tai nạn xe đạp do Đầy gây ra dường như có sợi dây vô hình nào đó buộc chặt chúng tôi với nhau.
Hè đến chúng tôi được nghỉ ba tháng, ngày bãi trường sau khi vui chơi với bạn bè cùng lớp tôi còn dự tiệc tạm chia tay với hai cô học trò nhỏ của tôi.
Sáng tôi thức dậy sửa soạn, từ giã chủ nhà, tôi đến nhà Đầy xem hai chị em xong chưa. Tôi cùng chị em Đầy từ từ đến bến xe. Chia tay tôi thấy Đầy buồn hiu. Đầy luôn nhắc nhở tôi nếu rảnh thì ngày thi Đệ thất ra chơi.
Tới nhà nói chuyện với gia đình một chốc tôi lại ra đồng làm nhiệm vụ. Bầy vịt đương cầm chỗ cách nhà gần năm cây số. Tôi soạn mớ sách đem theo để học dần. Ngày đầu ở chòi vịt, đêm xuống nghe tiếng ếch, nhái, ảnh ương, tôi thấy nhớ Vĩnh Long lạ lùng, trong niềm nhung nhớ hình ảnh Đầy đậm nét nhứt. Ban đêm trong chòi vắng để quên mọi việc ở tỉnh, tôi mở sách Pháp văn đọc lớn. Tôi quyết định học thuộc lòng hết cuốn sách. Tối học ban ngày trong lúc lội theo bầy vịt tôi tự trả bài, đoạn nào quên thì học lại. Nếu ở nhà chắc tôi nôn nóng đi Vĩnh Long vào ngày thi. Chuồng vịt xa nhà quá, muốn về không là chuyện dễ. Thôi đành chờ tới ngày khai trường, trước hay sau gì rồi sẽ gặp nhau.
Ba tôi quyết định dời nhà về Phú Quơi cho các em tôi đi học được thuận tiện. Gần tới ngày tựu trường ba tôi kêu người bán bầy vịt. Tôi quyến luyến nhưng cũng đành ngậm ngùi giao chúng cho chủ mới. Tôi nôn nóng lên tỉnh hai ngày trước khi tựu trường. Tôi đem đồ đạc về nhà trọ và hấp tấp đến nhà Đầy. Đầy mừng vui khi tôi đến. Hải rớt Đệ thất và học lớp Tiếp Liên, Đầy tiếp tục học trường cũ .
Năm nầy tôi đi học thoải mái, không còn bận rộn với bầy vịt như những năm trước. Ông chủ nhà trọ không còn hoan nghinh tôi nữa. May quá, ba người bạn cùng làng rủ tôi cùng mướn nhà ở đi học, bốn đứa tụi tôi chỉ lo bữa cơm chiều, trưa ăn cơm căn tin. Chúng tôi sống chung rất vui. Vào đầu mỗi tháng ở nhà ai có gì đem ra cùng ăn chung, tiền bạc có người lãnh phần thủ quỹ. Cứ gần cuối tháng anh thủ quỹ cho biết số tiền hiện có, nếu dư nhiều thì hoặc nấu chè hay cà phê, nếu thiếu thâm tiền ăn thì chúng tôi mua một chai nước tương cỡ lớn dăm ba trái chanh cũng xong. Không ai phiền hà gì cả.
Thời gian nầy tôi và Đầy ngày thêm thân, vắng nhau một ngày cũng thấy nhớ nhau ra rít. Tuy vậy chúng tôi cố giữ có chừng mực, chưa bao giờ vượt qua những cấm kỵ mà cả hai đêu tự hạn chế. Những lần ba má Đầy lên tỉnh ông bà thường mời tôi đến ăn cơm gia đình. Đầy cho biết ba má cô khen tôi lễ phép, hiền lành. Khi hỏi về gia đình tôi, Đầy nói tôi nhà nghèo, ba má làm ruộng, bãi trường tôi phải ở nhà chăn vịt. Biết gia cảnh của tôi, ông bà luôn xuýt xoa khen ngợi tôi có chí. Tôi hơi yên lòng, tôi sợ nhứt người ta khi dể gia đình mình. Dạo nầy tôi học thấy tiến bộ, má tôi thường nhắc tôi phải lo học hành, đi dạy thêm là chuyện phụ. Tôi ít về nhà khiến má tôi lo, bà hỏi
- Bộ mầy có bồ rồi hả, cô ấy ra sao dắt về cho má coi mắt
Tôi thấy chưa đúng thời điểm nên chối dài:
- Ai thèm con mà bồ với bịch
Dù tôi chối nhưng cử chỉ của tôi khó qua mặt má tôi. Việc tôi có người yêu không phải là chuyện quan trọng. Ba Má tôi nhắc chừng chứ thâm tâm của má cũng muốn tôi chọn được người bà ưng ý. Tôi cũng từng cho ba má tô biết ước nguyện của tôi là sẽ làm giáo sư. Ba má tôi nghĩ mộng của tôi quá cao e rằng tôi không thực hiện được. Tôi trấn an ba má:
- Má khỏi lo, đi đường thẳng không được con đi đường vòng miễn sao đạt được mục đích thì thôi.
- Đường vòng là sao con thử cắt nghĩa cho má nghe coi
Tôi trả lời:
- Nếu gia đình không thể lo nổi, sau khi đậu trung học con sẽ đi làm để dành tiền và theo đuổi con đường con đã vạch sẵn.
Nghe tôi trình bày dự định cho tương lai ba má tôi chắc đã an lòng. Ba má chỉ nhắc nhở sợ tôi xao lãng việc học, còn chọn nghề nghiệp hoàn toàn do tôi quyết định.
Các bạn chung nhà ai cũng lo học. Chúng tôi hầu hết đều nghèo, ra tỉnh học là sự hy sinh lớn của cha mẹ nên tụi tôi không dám đua đòi cùng bạn bè, đứa nào cũng an phận. Anh Khai học trên ba đứa tôi, chỗ bàn học anh viết câu: “Thư trung hữu mỹ nữ“ câu thơ lấy trong Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi làm kinh nhựt tụng để tự răn đe mình chớ lụy vì nữ sắc, phải lo học trước. Anh Khai học hành chăm chỉ lại không đậu kỳ thi Trung học. Gia đình sa sút anh xin làm Giáo Viên Phụ Khuyết lương tháng khiêm nhường, một mình anh sống thì dư dả, nhưng tương lai phải lo cho vợ con chắc đời sống chật vật. Khai vừa ra khỏi nhà mấy đứa tôi cũng rã gánh luôn vì chủ lấy nhà để ở không cho mướn nữa. Tôi về Cầu Lộ sống với hai người bạn cùng lớp. Chỗ mới tôi không còn gặp Đầy như trước. Mỗi tuần tôi đến nhà Đầy hai lần vào những ngày tôi dạy kèm cho Hân. Năm nầy Đầy và tôi đều phải chuẩn bị cho kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Gương của Khai khiến tôi lo học nhiều hơn nữa. Đối với mọi người tôi tỏ ra khiêm nhường nhưng tôi tự hứa bằng mọi giá tôi phải thi đậu. Muốn đạt mục đích ngoài cố gắng học tôi còn để dành tiền mua sách Hồng, trong sách đó có đầy đủ bài thi của những năm trước. Tôi tự làm như thi thử. Toán Lý Hóa anh bạn và tôi làm trúng gần hết
Vào tháng Chạp có lễ Giáng Sinh và Tết Tây, Hải về nhà xin thêm tiền. Đầy một mình ở nhà trọ, tôi mời Đầy đi xem hát bóng phim Trà Hoa Nữ. Vãn hát tôi đưa Đầy về nhà, tôi ôm hôn Đầy, em run rẩy trong tay tôi. Tôi nói
- Anh yêu em Đầy
Đầy vừa ôm tôi cũng nói
- Em yêu anh.
Đêm nay chúng tôi thực sự nói tiêng Yêu. Thực ra tôi đã yêu Đầy từ dạo chúng tôi đèo nhau vô Phước Hậu mười mấy tháng trước. Hôm sau tôi đến nhà và đưa Đầy về nhà tôi chơi đồng thời thử ý của má tôi.
Chúng tôi về nhà bất thần, ba má tôi vui vẻ tiếp khách, ông bà hỏi thăm Đầy nhiều về gia cảnh. Đầy dịu dàng, nói năng lễ phép rất vừa ý ba má tôi. Một chốc Đầy và má tôi sửa soạn bữa ăn cho gia đình. Đầy không giỏi nấu nướng nhưng không đến nổi tệ. Trong bữa ăn má tôi chăm sóc cho Đầy nhiệt tình. Đặc điểm của má tôi yêu ghét đều để lộ trên mặt. Qua chuyện trò tôi biết má tôi đã chấm Đầy điểm ưu rồi. Chiều về tôi chọc Đầy:
- Chỉ mới làm dâu một buổi em được chấm đậu rồi
Đầy vui vẻ hỏi tôi
- Thiệt hả anh, em đâu thấy hai bác nói gì
Tôi giải thích, nếu không thích ai, má anh chỉ trò chuyện một lúc rồi bà lo việc của bà chứ không chuyện trò đủ thứ như với cô dâu tương lai. Đầy nói hồi hôm tới lúc vô nhà anh, em luôn hồi hợp, lo sợ ba má tôi phản đối, nếu vậy em chưa biết phải tính sao vì em quá yêu tôi. Đầy siết tay tôi nói:
- Em sung sướng lắm
Tôi ôm Đầy như cam kết sẽ cùng nàng yêu nhau mãi mãi. Hai đứa tôi quyến luyến chẳng muốn buông ra.
Ba má Đầy muốn tôi sắp xếp xuống Tam Bình quê nàng một chuyến cho biết nhà cửa, Đầy thêm vào:
- Biết đâu ba má lại giới thiệu với bà con ông rể quí.
Tôi đến Tam Bình với Đầy được ba má nàng tiếp đãi thân tình. Bác trai dẫn tôi xem vườn quít và giảng giải về cách trồng, chăm sóc. Qua đó tôi biết ông bà đã đổ biết bao công sức mới có vườn trái cây nầy. Vừa đi thăm vườn bác hỏi tôi về tình yêu của tôi với Đầy và dự định tương lai của hai đứa. Tôi trả lời là tôi rất yêu Đầy nhưng chúng tôi cùng quyết định đến khi nào có công ăn việc làm mới tiến đến hôn nhân.
Câu trả lời dường như làm vừa lòng bác trai. Ông nói
- Biết dự định của cháu và Đầy bác rất yên tâm, từ đây cháu có bổn phận che chở cho Đầy.
Thời gian như thoi đưa, chúng tôi đã tới ngày thi. Hai đứa cùng bạn bè qua Cần Thơ ứng thí. Đầy ở nhà bà con, tôi và hai người bạn ở nhà trọ. Qua ngày đầu của cuộc thi tôi đến nhà Đầy xem thế nào Đầy vui vẻ và hy vọng. Sang ngày thừ hai Đầy kém vui. Thi xong tôi rủ Đầy ghé qua nhà tôi chơi. Ba má tôi mừng rỡ vì tôi tự tin. Đầy có vẻ buồn, má tôi an ủi và khuyên nhủ Đầy. Cơm nước xong chúng tôi về nhà trọ ở Vĩnh Long. Tuần lễ sau chúng tôi đi xem kết quả. Tôi đậu và vào hạch miệng. Đầy rớt nàng buồn hiu muốn khóc, tôi phải dỗ dành. Tôi hứa với Đầy sau khi thi xong tôi sẽ ôn bài giùm Đầy chờ khóa tới.
Kết quả tôi đậu cao, Đầy cố gắng gạo bài và kỳ nhì nàng thi đậu. Hay tin ba má Đầy lên tỉnh đãi tôi và Đầy một buổi tiệc mừng. Ông bà hỏi xem ý định của tôi. Tôi cho biết tôi phải kiếm nghề để đi làm vì ba má tôi gặp khó khăn về tài chánh cần tôi giúp. Trước mắt tôi có hai nghề là thi vào Sư Phạm để làm giáo viên hoặc thi vào y tá như sự chỉ bảo của ông chủ nhà. Đầy góp ý
- Em thi vào Sư Phạm với anh còn y tá chắc em không thi vì em sợ máu lắm.
Ba má Đầy vui vẻ:
- Tùy con chọn ba má không ép buộc.
Chúng tôi kẻ trước người sau đều ra trường làm giáo viên. Với lương giáo chức tốt nghiêp Sư Phạm như chúng tôi nếu có phụ cha mẹ thì chúng tôi cũng dư sống, nhưng tôi bàn với Đầy nên hoãn kết hôn lo học thêm chút ít cho khỏi thẹn với bạn bè... Ngoài giờ dạy chúng tôi chuyên tâm học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I. Trời không phụ lòng, sau hai năm vừa đi dạy vừa học chúng tôi đều đậu Tú Tài I. Năm kế tiếp chỉ tôi đậu phần II, còn Đầy thi hoài hai ba năm vẫn chua đậu, em bắt đầu chán nản. Phần tôi, tôi quyết chí phải học xong Đại học.
Gia đình Đầy ngầm thúc giục, tôi xin gia đình hai bên cho tôi học thêm một năm nữa rồi sẽ làm đám hỏi sau đó đám cưới. Tôi vừa đậu thêm hai chứng chỉ lại có lịnh động viên. Tuy vậy gia đình tôi vẫn xin ba má Đầy làm lễ đính hôn, sui gia hai họ ai cũng hoan hỉ, chuyện đám cưới đợi sau khi mãn khóa học quân sự.
Năm 1966 sau khi ra trường, Danh không nhắc đên chuyện đám cưới như đã hứa. Đầy cảm thấy có chuyện gì khiến Danh lơ là với nàng. Đầy gặn hỏi, Danh giãi bày: Cưới xin lại gây khổ cho em, lúc nầy quân địch quá mạnh, sau tháng kể từ khi ra trường anh đã hành quân nhiều trận. Không ai chắc trong đời binh nghiệp mình luôn được an bình, chẳng may nếu anh tử trận thì em thành góa bụa, nếu có con càng khổ cho con. Đầy cảm thấy những lời Danh nói chẳng khác lời trối, tuy buồn và lo lắng nhưng Đầy gượng vui để khỏi buồn lòng nhau trong những ngày phép ngắn ngủi của Danh.
Danh hết phép trở về đơn vị được một tuần, tự nhiên Đầy máy mắt, tâm trạng bồn chồn không yên. Trong lớp Đầy không nhiệt tâm giảng bài, nàng linh cảm có chuyện không may đến với nàng.
Một người khách do ông Hiệu trưởng dẫn đến lớp nàng. Vị khách không úp mở vào thẳng câu chuyện:
- Thưa cô tôi trung sĩ Quan xin báo tin: Chuẩn úy Danh trong trận hành quân ở Ba Dừa hôm qua đã mất tích. Theo lời một binh sĩ trong tiểu đoàn thuật lại, chuẩn úy bị thương nặng trong trận đánh lúc ba giờ sáng, địch tràn ngập vị trí. Khi quân tiếp viện phản công gom xác quân nhân tử trận không có chuẩn úy Danh và ba sĩ quan nữa. Theo bộ chỉ huy tiểu đoàn có thể Chuẩn úy Danh bị V.C bắt. Nghe người hạ sĩ quan thuật sơ lược Đầy thấy đầu óc quay cuồng, nàng ngất xỉu may mà trung sĩ Quan nhanh tay đỡ kịp. Đám học sinh thấy cô ngã bất tỉnh, chúng đồng thanh ồ lên, có em ôm mặt khóc. Những giáo viên các lớp kế đến dìu Đầy lên phòng Hiệu trưởng cùng nhau cứu tỉnh nàng. Tỉnh dậy Đầy ngơ ngác lẩm bẩm “ anh Danh… anh Danh” rồi khóc ngất. Ôi chiến tranh gieo rắc ly tan và chết chóc.
o--------0--------o
Ba mươi năm sau….
Gia đình ông Danh tổ chức tiệc mừng cho hai cô con gái cùng tốt nghiệp Đại Học, tan tiệc, con ông cùng chúng bạn đi chơi, ông Danh cảm thấy không khỏe nên ngã lưng nghỉ ngơi. Thình lình có tiếng gõ cửa. Vị khách là một bà dáng sang trọng trạc tuổi sáu mươi, ông Danh mở cửa và nhướng mắt nhìn bà khách, bà khách cũng nhìn chòng chọc vào ông và cất tiếng hỏi:
- Xin lỗi phải nhà ông Danh không? Thưa ông
Ông Danh luống cuống, lấp bấp trả lời
- Phải… phải dường như bà là Đầy
- Dạ phải, em là Đầy!
Không cần rào dón, họ cùng ôm chầm lấy nhau. Họ cứ ôm chặt nhau tưởng chừng như sống lại mấy mươi năm về trước khi hai người còn là cặp tình nhân. Đầy thổn thức mặc cho nước mắt tuôn rơi. Qua phút giây tột cùng xúc động bây giờ ông Danh dường như nhớ tình cảnh hiện tại vội buông Đầy ra hỏi
- Hiện tại em ở đâu… gia đình thế nào?
- Chồng em mất bảy năm rồi, em có hai trai một gái đều yên gia thất. Hải cho biết chị nhà đã mất mười năm rồi phải không anh?
Danh ngạc nhiên:
- Thế Hải cũng ở Mỹ hả em?
- Phải chính nó cho địa chỉ và kể rõ gia cảnh của anh nên hôm nay em mới đến thăm. Hai cháu đâu không thấy
- Tụi nhỏ vừa đi chơi với bạn. Hải ở Mỹ mà không đến thăm anh tệ thì thôi!
- Nó đưa em đến đây và đi có chút chuyện, chắc Hải nó muốn dành cho chúng ta tự nhiên buổi trùng phùng
- Thôi vào nhà đi em, anh quên mất
Đầy nhìn ảnh gia đình Danh đoạn hỏi:
- Dường như chị nhà là cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ phải không anh?
- Phải, đó là Linh, lúc bọn chúng thả anh, về nhà còn bị phe ta nghi ngờ đòi lên đòi xuống. Em theo chồng về Sài gòn, anh được bổ về dạy cùng trường với Linh, em ấy cũng lận đận duyên tình. Anh và Linh kết hôn và có hai con gái. Linh bị ung thư gan, dạo đó ở Việt Nam chỉ có thuốc Xuyên Tâm Liên và mấy bác sĩ trong bưng ra nên nào biết gì. Gia đình anh đi Mỹ được năm năm thì Linh phát bịnh . Họ chữa trị tận tình cũng không khỏi.
- Anh bị tù đày thế nào thuật cho em nghe với.
- May mà ông Tiểu đòan phó còn sống trong đợt trao trả tù binh, minh oan, anh mới được về Bộ Giáo Dục dạy lại. Đến 30-4-1975 anh lại “mất dạy“ tiếp
- Sao anh phải nhờ ông phó minh oan. Họ nghi ngờ anh theo V.C à?
- Để anh kể…
Ngoài cửa còn hai người đứng chờ, nghe hai người thở than, thương nhớ mà không nở quấy rầy. Giờ xem ra đúng lúc họ gõ cửa vào
Danh mừng rỡ kêu lên
- Chào ông phó không ngờ gặp ông ở đây, ai như Hải
- Thì em chớ ai
Đại úy Hiệp chào Đầy:
- Tôi đề nghị anh Danh bỏ tiếng ông phó đi. Thất trận bị cầm tù, lưu lạc qua xứ nầy ta coi nhau như anh em.
Danh nói nhờ anh Hiệp mà anh xóa được “oan án hàng giặc”
Đầy hỏi:
- Ai nói anh hàng giặc?
Hiệp tiếp lời:
- Khi trao trả tù binh, tôi về trình diện bị An Ninh Quân Đội điều tra tới lui mãi. Một hôm bên ty An Ninh Quân Đội hỏi tôi về trường hợp của anh. Họ nói Trung sĩ Tâm bị bắt với tụi mình được V.C thả sớm, hắn khai anh đầu hàng và cộng tác với giặc. Nghe họ nói tôi nổi nóng yêu cầu cho tôi gặp thằng Tâm. Tôi kể rõ anh suýt bị tử hình vì trốn trại và không được trao trả theo diện tù binh vì anh thuộc loại phản động ngoan cố. Kế đó An Ninh bảo tôi báo cáo mọi việc khi anh bị cầm tù. Nghe câu chuyện, Đầy nóng lòng hỏi Hiệp tại sao anh Danh suýt bị tử hình?
Khi tiểu đoàn bị tràn ngập, Danh bị thương nặng, chúng bắt binh sĩ của mình cáng. Danh đi theo, dọc đường chúng nhiều lần đòi bắn Danh vì Danh gọi pháo binh khiến Tiểu đoàn trưởng của chúng tử trận. Một thằng như là Tiểu đoàn phó nói với tụi lính
- Về căn cứ xử bắn chưa muộn. Ta cần khai thác tui ngụy nầy
Danh phụ họa vào câu chuyện:
- Tôi lúc mê lúc tỉnh biết là tụi nó sẽ bắn mình nên mặc kệ. Tới căn cứ bọn họ chưa bắn mà còn săn sóc vết thương cho tôi. Khi bình phục chúng giao cho tôi sắp tài liệu về sử dụng súng đại bác 105 ly bằng tiếng Pháp và tiếng Mỹ bảo tôi dịch. Tôi nhởn nha, cố kéo dài thời gian hy vọng có kỳ tích. Dịch xong chúng bắt tôi dạy cho một số cán bộ học. Dạy học đúng nghề của tôi, bọn cán bộ dốt trước đòi bắn tôi, sau học tập một thời gian lại có cảm tình với tôi. Lợi dụng lúc họ lơ là tôi đào tẩu. Tôi chạy khá xa chẳng may gặp một thằng như là du kích, thấy dáng tôi khác dân bản xứ nên gọi đồng đội, bắt trói tôi giao về trại. Tụi nó đánh tôi gần chết, kế đó bỏ đói và chúng lập tòa án xử tôi.
Hiệp thêm:
- Họ lập tòa án, đám tù binh chúng tôi bắt buộc dự khán, ai cũng đinh ninh chúng xử tử anh.
Nhiều tiếng đòi tử hình tên ngụy ngoan cố, ngay lúc đó hai nữ cán bộ là học viên của anh Danh xin tha tội chết cho anh bù lại giữ không trao trả theo diện tù binh, giam giữ đến khi nào Danh biết ăn năn hối lỗi.
Hải lên tiếng:
- Em đố chị Hai (Đầy) tại sao anh Danh được hai cô học trò cứu tử
Đầy đáp:
- Chắc anh Danh dạy tận tâm chứ gì
Hải lý sự:
- Chị nói chỉ đúng một nửa, nửa kia vì anh Danh đẹp trai. Hàng ngày hai cô ngắm anh cũng đỡ hơn là phải nhìn mặt mấy đồng chí quê mùa, dốt nát và xấu xí
- Thằng quỉ nầy có vợ con rồi vẫn còn tật khỉ
Hải đề nghị:
- Chị Hai tôi anh Danh gặp lại quả là “Châu về Hiệp phố” đề nghị anh Hiền cùng chúng tôi nâng ly mừng anh chị sum hợp.
Không lâu Đầy Danh nối lại đường tình bị dang dở mấy mươi năm. Đêm hiệp hôn, Danh cầm tay Đầy se sẽ nói: bây giờ chắc là đoạn cuối cuộc tình của chúng mình phải không em? Có trắc trở nhưng chúng mình mãi mãi vẫn còn yêu.