TKH - banner 06

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Đà Lạt, thành phố hữu tình
Người xinh cảnh đẹp lung linh hoa ngàn
Thông reo, suối chảy dịu dàng
Ngẩn ngơ, có phải thiên đàng là đây?


 Từ trên trời cao, Vũ đã nhìn thấy rừng thông xanh mượt, những hàng Mimosa hoa vàng tươi thắm trong ánh nắng ban mai của bầu trời Đà Lạt. Chiếc phi cơ vận tải C 130 bay quanh vòng cuối rồi hạ cánh xuống phi trường Cam Ly, Mọi người lục tục rời phi cơ đi đến nhà vãng lai. Chiếc xe Dodge quân sự đã chờ sẵn từ sân bay, đưa Vũ và các bạn từ phi trường về trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, nơi Vũ và các bạn chàng: Tuấn, Sơn, Tâm, những Sĩ Quan Hải Quân sẽ thụ huấn khóa 9 Trung Cấp CTCT. Sau gần ba năm liên tiếp phục vụ trên hai chiến hạm thuộc hạm đội với những tháng ngày chỉ thấy trời, mây, nước; giờ đây Vũ thấy lòng hân hoan khi trở lại đất liền. Đã từ lâu chàng vẫn thường ao ước sẽ có dịp thăm viếng Đà Lạt, thành phố du lịch nổi tiếng.

 Xe chạy qua những đoạn đường quanh co khúc khuỷu, với thác nước dọc hai bên đèo. Những con dốc quá cao, giữa hai hàng cây thẳng tắp. Xe đi qua thác Liên Khương, thác Prenn. Đôi khi đi qua những vùng đất phẳng mà hai bên đường là những luống cải xanh, những rẫy hoa hồng, hay hoa lay ơn đỏ thắm. Khỏi đèo, xe đổ dốc vào thị xã Đà Lạt. Hồ Xuân Hương hiện ra với những hàng thông cao vút mọc ven hồ. Giữa hồ là nhà Thủy Tạ. Con đường vào thị xã hai bên đường có những ngôi nhà sàn bằng gỗ, nhiều biệt thự có vườn hoa trước sân. Đó đây, hoa phong lan, hoa ty gôn, những cánh hoa tim màu hồng nhạt như tô điểm cho thành phố thêm xinh đẹp. Có lẽ chuyến bay xa từ Sài Gòn làm mọi người mệt mỏi, nên không ai buồn trò chuyện. Chiếc xe chạy chậm lại khi qua chợ Hòa Bình, qua đường Võ Tánh; chẳng mấy chốc mà đã đến Bộ Chỉ Huy trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị. Vũ và các bạn xuống xe, vào trình diện làm thủ tục giấy tờ nhập trại.

 Sáng ngày hôm sau, Vũ thức dậy sớm, ra chợ Hòa Bình để ăn điểm tâm. Trên đường chàng gặp lại Tuấn, người bạn học cùng làng, Tuấn cho biết hiện là trung úy, đại đội phó một đơn vị bộ binh, được gửi về Đại Học CTCT thụ huấn khóa trung cấp. Vũ mời Tuấn cùng đi ăn sáng. Tuấn gợi ý:
- Vũ, hay là mình đến nhà Dì Mai, em ruột của mẹ tao. Dì Mai không có con trai nên rất thương tao. Lâu ngày không gặp, bọn mình tới chắc dì mừng lắm.
  Vũ đồng ý và hai người cùng rảo bước. Ngang qua chợ Hòa Bình, Tuấn mua dâu tươi và mứt mận Đà Lạt làm quà cho dì Mai.

 Nhà dì Mai là một biệt thự lớn bên đường Trần Hưng Đạo. phía sau nhà là rừng thông xanh thẫm, ẩn hiện mơ hồ trong làn sương khói.
  Tuấn đưa tay bấm chuông, vài phút sau, cánh cửa hé mở, hiện ra cô gái xinh đẹp, dáng người mảnh khảnh, tóc dài, đôi mắt to tròn lộ vẻ thông minh, tinh nghịch, Vũ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp vừa ngây thơ, vừa quyến rũ của người con gái trước mặt. Thấy Tuấn, và Vũ, cô gái mở rộng cánh cửa nàng mừng rỡ reo lên:
- A ! anh Tuấn đến, mời hai anh vào nhà, mẹ nhận được điện tín của anh từ chiều qua. Sáng nay, mẹ mới nhắc em sửa soạn phòng cho anh đó.
-Trời đất, mới không gặp có hai năm mà sao em mau lớn vậy? Chắc ăn nhiều bánh bông lan của dì làm?
Quay sang Vũ, Tuấn nói: Vũ, đây là Loan, em họ của tao, cô bé trông mặt hiền lành, nhưng có tài phá ngầm.
Quay sang Loan, Tuấn nói tiếp: Còn đây, Vũ, bạn thân của anh, nó hiền như cục bột, em yên tâm đó.
Vũ gật đầu chào Loan, rồi theo Tuấn và Loan, đi vào phòng khách.

 Phòng khách rộng thênh thang. Tường màu xanh da trời, có treo giỏ phong lan hoa màu vàng. Dì Mai ngồi trên chiếc ghế đai, sát bộ trường kỷ giữa nhà. Trên bàn thờ có di ảnh của một vị sĩ quan bộ binh mang lon Trung Tá. Vũ phỏng đoán chắc là chồng của dì Mai.
  Dì Mai đứng dậy, nhìn Tuấn, rồi bà chậm rãi nói:   Chỉ mới mấy năm xa cách mà cháu đã lớn hẳn, càng lớn cháu càng trông giống cha, chị Tuyết rất thương cháu.
Nói đến đây, dì nghẹn ngào:
- Tội nghiệp cho cháu sớm mất mẹ!
Tuấn ôm vai người dì, giọng chàng chùng xuống:
- Thời gian qua đi thật mau, xa dì, con nhớ dì, nhớ mẹ.
Chợt nhớ đến Vũ, Tuấn giới thiệu:
- Thưa dì, đây là Vũ, cùng về đây học khóa CTCT với con, anh ấy không có thân nhân ở đây, mong dì cho phép anh ấy đi với con tới thăm dì mỗi cuối tuần.
- Trên lầu còn dư ba phòng ngủ, con và bạn con có thể chọn hai phòng .
Dì, em Loan và Chi ở dưới nầy cũng được. Cuối tuần về đây để dì lo cơm nước cho.
Quay sang Loan, dì Mai bảo:
- Con vào bếp phụ làm cơm với chị Hai, rồi đánh thức bé Chi. Cả nhà cùng dùng cơm trưa.

 Những ngày ở Đà Lạt thật vui đối với Vũ. Chàng chỉ mong cho chiều thứ Sáu chóng đến để cùng Tuấn về nhà dì Mai, Vũ và Tuấn dạy kèm Loan và bé Chi học thêm, chỉ một thời gian ngắn mà cả hai Loan và Chi tiến bộ thấy rõ, nhất là hai môn toán và việt văn. Sau hai tuần học kèm, bé Chi mang về khoe dì Mai bảng danh dự hạng nhất. Dì Mai rất hài lòng nên cho phép Loan làm hướng dẫn viên đưa Tuấn và Vũ đi du ngoạn nhiều thắng cảnh: Hồ Than Thở, Thác Prenn, Suối Vàng. Cuối tuần, nhiều du khách bên hàng hoa anh đào tươi thắm cạnh hồ Xuân Hương , nhà Thủy Tạ. Trên con dốc Hoàng Diệu, Loan và Vũ như cặp tình nhân bên nhau, dịu dàng thả bước. Rồi đến hồ Than Thở, thác Cam Ly, chợ Hòa Bình. Loan cũng đưa Tuấn và Vũ đi thăm phía tây thành phố, khu trồng trọt. Họ đã có cơ hội nhìn thấy những luống su hào, bông cải, dâu tây, hoa hồng và hoa lay ơn. Dưới chân núi Lâm Viên là đất Lạc Dương, quê hương của đồng bào sắc tộc. Đôi khi bộ ba lên khách sạn Palace, nhìn xuống mặt hồ, ngắm hoa đào đỏ thắm trên mặt nước xanh. Xa xa, viện đại học Đà Lạt, mơ hồ ẩn hiện trong làn sương khói.
  Có những chiều thứ bảy, Tuấn viện cớ bận, không đi chơi chung. Vũ đưa Loan đi Ciné Ngọc Lan, hay đi ăn mì Ngọc Hiệp, nghe Lê Uyên và Phương hát ở Cà Phê Tùng.

 Trong những ngày ở Đà Lạt. Vũ cảm thấy yêu đời, và Đà Lạt đối vơi chàng là thành phố Thiên Đàng.
Chẳng mấy chốc mà ngày mãn khóa đã gần kề. Thứ Sáu tuần cuối cùng trước khi lìa trường, Vũ xin phép dì Mai được mời Loan đi chơi cuối tuần. Dì Mai nhắc nhở chàng nên đưa Loan về nhà sớm để dì còn mời cơm, khoản đãi chàng và các ban trước khi mãn khóa.

 Chiếc xe Jeep ngừng lại trước chợ Hòa Bình, Trung úy Hạ ngừng lại cho Vũ và Loan bước xuống xe. Hôm nay Loan mặc áo trắng và chiếc váy màu blue- noire có kết nơ, Vũ hào hoa trong bộ quân phục hải quân màu xám trùng dương. Như đôi tình nhân sánh bước, trông hai người thật đẹp đôi. Vũ cám ơn Hạ rồi cùng Loan chung bước sang đường Yersin. Xa xa là dòng thác Cam Ly thơ mộng. Ven con đường khu Chi Lăng, Thái Phiên, là hồ Than Thơ, trên cao là đồi thông hai mộ, cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.
Loan thỏ thẻ kể: anh có biết chăng, nơi đây, xưa kia có cặp tình nhân vì tình duyên ngang trái, nên nhảy xuống hồ tự tử và trên đỉnh đồi kia là mộ phần của hai người.
- Buồn quá Loan nhỉ !
Bỗng Vũ đổi giọng:
- Loan, em thực sự không hiểu lòng anh?
- Hiểu gì hở anh? Loan thơ ngây.
- Anh yêu em, anh không muốn xa em, anh không muốn xa Đà Lạt. Anh muốn xin dì cho anh được cưới em.
Loan sung sướng ứa nước mắt:
-Vâng, em cũng yêu anh và chờ đợi những lời nầy từ lâu.
Loan cảm động tiếp: Em cũng rất sợ phải xa anh. .
Vũ dỗ dành:
- Chỉ một năm thôi mà, anh sẽ trở lại thu xếp đám cưới.
- Gặp nhau không được bao lâu thì phải chia cách, em sẽ rất buồn vì nhớ anh, em sợ mất anh và sợ phải xa anh.  
- Anh cũng buồn vô cùng khi nghĩ đến ngày anh phải xa em.

 Hai tháng sau, như đã hứa, Vũ thu xếp trở lại Đà Lạt và thành hôn cùng Loan. Vì Vũ tùng sự ở Sài Gòn, lại phải ở tạm nhà người bạn, nên Loan ở lại thành phố Đà Lạt với mẹ nàng. Vũ trở lại đơn vị Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Thấm thoát mà đã một năm trôi qua. Loan vui mừng cho chồng biết là nàng đã thọ thai. Vũ vui mừng rất nhiều, hầu như mỗi lần có dịp nghỉ là chàng xin phép đáp phi cơ quân sự về Đà Lạt để thăm người vợ trẻ đang mang thai. Đầu Xuân 75, tình hình chiến sự ngày thêm tồi tệ. Trường Võ Bị, Đại học CTCT, quân lính, đồng bào lần lượt di tản chiến thuật về Sài Gòn. Vũ mất liên lạc với Loan. Nhớ và lo sợ cho Loan, nhiều lúc Vũ muốn trở lại Đà Lạt đón vợ. Nhưng rồi bận bịu với công vụ, nghĩ đến trách nhiệm, Vũ đành phải đặt nợ nước trước tình nhà.
  Tháng tư năm 1975 tình hình chiến sự sôi động và hỗn loạn và trầm trọng. Mỗi buổi sáng Vũ vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân nhận lệnh công tác, rồi đến Căn Cứ Hải Quân Cát Lái để tiếp nhận đồng bào, binh sĩ, và chiến hạm từ miền Trung di tản về Sài Gòn. Chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975, Vũ vào BTL và hướng dẫn toán ứng chiến tuần hành quanh BTL/ HQ. Đêm 28, cộng quân bắn hỏa tiễn rớt xuống sông Sài Gòn, trước cổng BTL/HQ, khách sạn Majestic. Không khí thành phố Sài Gòn thật là ngột ngạt và hỗn loạn. Cộng quân đã pháo kích vào thành phố, đây đó, những cụm khói bốc lên đen nghịt từ những cao ốc. Nhiều kẻ bất lương thừa cơ hội lộn xộn, hôi của, đập phá dinh thự, đánh cắp bàn ghế, tủ lạnh, giường nệm khênh đi nghênh ngang ngoài đường phố. Từ sáng đến trưa ngày 28, nhiều đồng bào đi vào cổng trại Bạch Đằng và bước xuống tàu. Chiều 29 tháng 4, các chiến hạm từ cầu A, BTL/ HQ cho đến cầu L Thị Nghè đầy ấp những người. Đêm 29 khoảng 12 giờ đêm, Soái Hạm HQ1 và nhiều chiến hạm thuộc hạm đội rời bến, vĩnh viễn ra đi mang theo hàng vạn đồng bào.

 Sáng ngày 30 tháng tư năm 1975, chỉ còn lại vài chiến hạm còn ở lại, cặp bến cầu tàu hay thả neo trên dòng sông Sài Gòn. Đa số trong tình trạng bất khiển dụng.
  Chiến xa T54 của cộng quân đã tiến vào thành phố, theo chân là những bộ đội mặc đồ đen, dép râu, đầu quấn khăn rằn hay đội nón tai bèo. Họ võ trang súng AK hay súng trường bá đỏ. Đa số khoảng 15, 16, 17 tuổi, mặt còn non choẹt, nước da vàng mét như bị bệnh sốt rét vì ở rừng lâu ngày. Cộng quân tiến vào thành phố, và chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Sài Gòn bắt đầu thời đại mới. Dọc theo bến Bạch Đằng, đường Cường Để, la liệt những xe Hon đa, xe hơi, xe Jeep, va li, xách tay, đồ đạc mà người ta đã bỏ lại trong những phút kinh hoàng vội vã đi xuống tàu.

 Vũ tháo bỏ quận phục, ném bỏ giấy tờ tùy thân, những chứng tích cuối đời quân ngũ xuống dòng sông Sài Gòn. Chàng về tạm trú tại nhà người bạn thân bên kia dạ nam cầu chữ Y. Đường sá đã bắt đầu lộ diện những người cộng sản 30, những anh phu hốt rát, những chị bán hàng rong với miếng vải đỏ mang trên cánh tay, ngồi chễm chệ trên chiếc xe Jeep chiếm được, chạy ngông nghênh trên đường phố vừa bóp còi inh ỏi, vừa bắn thị uy.
Cán bộ cộng sản phát loa loan báo quân nhân thuộc chế độ cũ trình diện sẽ được khoan hồng. Mọi người chuẩn bị đi học 10 ngày sẽ được trả về với gia đình. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, Vũ bán tín bán nghi, dù sao thì cũng ở vào tình trạng “cá chậu chim lồng'', Vũ đến trường Pétrus Ký trình diện mà nghe trong lòng như có gì không ổn.
Nhưng sau 10 ngày trình diện, và bị giữ lại, Vũ không được về nhà như cán bộ Cộng Sản đã hứa. Chàng bị đưa vào giam giữ ở trại Suối Máu Biên Hòa, tiếp tục những ngày tháng tủi nhục, đọa đày trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc, qua các trại: Xuân Lộc, Long Khánh, Vĩnh Phú Tam Đảo.

 Những năm tháng dài đăng đẳng sống trong địa ngục trần gian. Nhiều sĩ quan trẻ tù- binh gầy gò thiếu ăn đi làm lụng khổ dịch ngoài ruộng, bìa rừng, bên núi. Họ phải sống nhục nhằn, đói khát, bịnh hoạn, hay chết vì quá khổ trong kiếp đọa đày trong lao tù miền Bắc. Nhiều người lúc đầu còn được thân nhân tiếp tế thăm nuôi. Tuy nhiên, sau ngày ”Giải Phóng’’ cũng có nhiều gia đình không đủ khả năng kiếm sống thì làm sao tiếp tế được cho người đi cải tạo. Có nhiều người được vợ đến thăm nuôi một đôi lần rồi không bao giờ thấy nữa, có thể vì quá nghèo hay người vợ đã có chồng khác vì cuộc sống quá khắc nghiệt.
Trời Vĩnh Quang Tam Đảo nơi Vũ bị giam giữ buồn ảm đạm.

Chiều rừng mây xám u hoài
Rào gai vây kín đắng cay phận tù
Một vùng tối ám, thâm u
Cuộc đời khép kín mịt mù tương lai.

 Nhìn những ngọn đồi nhô lên, chập chờn qua làn sương khói, Vũ chạnh lòng nhớ về Đà Lạt, thành phố cao nguyên, nơi mà chàng ấp ủ mối tình đầu đẹp như màu hoa đào. Nhớ về người vợ trẻ đang thai nghén còn ở lại. Bất giác, Vũ rơi nước mắt. Rừng núi buồn mênh mông!

 Riêng Loan, mấy ngày sau ngày ‘’Giải Phóng’’, nàng đã cố gắng vào Sài Gòn để tìm Vũ, Nhưng vì không quen đường lối, có người cho biết có thể là Vũ đã xuống tàu đi ngoại quốc. Quá tuyệt vọng, Loan chỉ còn tin ở mệnh số, nàng đi coi bói; thầy bói cho biết là Vũ đã lọt xuống sông Sài Gòn và đã bị chết đuối. Khoảng tuần sau nàng gặp Sơn, người bạn cùng học khóa Trung Cấp CTCT với Vũ. Sơn cho biết là Vũ đã đi trình diện, nhưng không biết hiện ở đâu. Loan buồn bã trở về Đà Lạt.

 Nàng thôi học, buôn bán trái cây, và sống thật tiện tặn để dành tiền sanh đẻ và hy vọng sẽ có ngày thăm nuôi Vũ; mấy tháng nặng nề trôi qua, Loan sinh con và đặt tên là Phong. Khi bé Phong được 4 tháng thì nàng được tin Vũ bị giam ở Tam Đảo. Lá thư do người bạn tù trao lại cho Loan và nàng quyết định phải đi thăm nuôi. Bà Mai phải bán chiếc kiềng vàng, món hồi môn ngày cưới của bà để mua quà và lấy tiền lệ phí cho Loan. Chị Hai theo Loan, mang theo hai giỏ hành lý dặm trường ra Bắc thăm Vũ. Sau gần một tuần băng rừng vượt suối vì phương tiện di chuyển không có, hai người đến cổng trại Vĩnh Quang B thì đã 3 giờ chiều. Người cán bộ trả lời là Vũ không có ở đây. Nhìn quanh thấy không có ai, Loan dúi chiếc đồng hồ Seiko của Vũ vào túi áo người cán bộ; nàng áo não nói: ''Ông vui lòng giúp chúng tôi tìm anh Vũ, nếu không gặp được anh ấy, chắc tôi nhảy xuống vực sâu tự tử chứ không ra về mà không được gặp mặt chồng tôi''

Người cán bộ vô trại tìm một lần nữa.
Khoảng nửa giờ sau, Vũ hiện ra trong bộ đồ bà ba đen, gương mặt gầy gò vì thiếu dinh dưỡng. Thấy Loan và chị Hai, chàng mừng rỡ. Vũ nói:
- Anh thực không ngờ còn may mắn gặp được em.
Loan cho Vũ biết là nàng đã sinh con trai, giống cha như khuôn đúc.
Nhìn quanh, thấy người cán bộ không để ý, Vũ nói nhỏ: Em hãy đưa con tìm đường vượt biên. Coi như anh đã chết.
  Chợt có tiếng người cán bộ: ‘’Anh hãy nhận quà rồi vào trại.’’
Vũ đứng dậy, cám ơn chị Hai, siết chặt tay Loan và hôn phớt nhẹ trên trán nàng. Vũ xách hai gói quà và lặng lẽ quay lưng. Loan rụng rời vì quá thương chồng. Người vào ngục tối, kẻ ra về, biết bao giờ gặp lại.

o0o

 Phần Tuấn, chàng trở về đơn vị cũ ở Ban Mê Thuột. Khi thành phố nầy thất thủ, chàng bị bắt làm tù binh và bị giam giữ ở trại tù Long Khánh. Sau gần ba năm bị giam cầm, đày đọa chàng và hai người bạn tù đã vượt ngục thành công. Tuấn băng rừng vượt suối về Đà Lạt, tìm về tá túc ở gia đình dì Mai, tìm cách đưa gia đình dì Mai về lánh nạn ở Vũng Tàu tìm đường vượt biên.
 

 Cuộc vượt biên đầy nguy hiểm, một ngày sau khi rời đất liền, con tầu gặp bão; sóng gió nổi lên, tầu trồi lên, ngụp xuống nhiều lần tưởng đã chìm trong lòng biển sâu. Rạng ngày hôm sao, biển yên sóng lặn. Mọi người đều phờ phạc, rã rời. Khi trời vừa dứt bão thì bọn cướp biển lại đến. Bọn hải tặc gồm những tên cướp biển hung tợn, da ngâm đen, đầu chít khăn rằng, trang bị súng và mã tấu, tràn lên chiếc tàu tị nạn, hung hãn tìm kiếm vơ vét tiền bạc, nữ trang. Người chủ tàu chống cự, liền bị chúng bắn vỡ óc rồi đá xác văng xuống biển. Một tên cướp còn non choẹt, khoảng mười lăm tuổi đến gần xé toạc áo bé Chi. Khi nhìn thấy khuôn mặt đầy lọ nghẹ và màu máu bê bết mà bé Chi trét đầy người, nó khinh bỉ nhổ nước bọt và đá bé Chi lăn xuống khoang tàu. Tuấn ngồi sau lái tàu, thủ sẵn dao trong áo. Sau khi cướp bóc xong, bọn cướp chia nhau tìm đàn bà để làm chuyện bỉ ổi. Khi tên cướp đến gần Tuấn đứng chắn ngang, che chở dì Mai, và Loan đang run rẩy ôm bé Phong. Chàng bất thần rút dao, đâm mạnh, tên cướp bị tấn công bất ngờ, không tránh kịp, lưỡi dao đâm ngọt vào bụng hắn, Một tên khác rút mã tấu chém Tuấn, chàng đưa tay ra đỡ nên bị đứt một mảng thịt bàn tay phải. Tên cướp hung tợn chụp khẩu súng bắn Tuấn, viên đạn xuyên qua đùi, chàng bất tỉnh ngã quị xuống sàn tầu. Một tên khác định bắn phát đạn ân huệ vào đầu Tuấn, kết liễu cuộc đời chàng. Đột nhiên cả bọn nhốn nháo hoảng sợ chạy trở về tàu của chúng. Thì ra trong lúc hỗn loạn, chiến hạm Mỹ đến gần kề mà chúng không hay. Bọn cướp xả máy hết tốc lực đâm mũi vào chiếc tàu tị nạn làm bể một mãng lớn phía trước mũi phía tả. Sau đó, đoàn người được chiến hạm Mỹ cứu vớt và đưa về căn cứ hải quân Hoa Kỳ Subic Bay. Tuấn được đưa vào bệnh xá để diều trị.
Sau hai tháng ở Phi, gia đình dì Mai và Tuấn được đưa đến định cư ở West Cornwall, Connecticut.

 Cuối cùng rồi thì Vũ cũng được tha, và được các bạn lính định cư ở Hoa Kỳ tận tình giúp đỡ tiền bạc, lo thủ tục giấy tờ để có thể sang định cư tại Hoa Kỳ. Trước khi từ giã quê hương, chàng đã trở về thăm lại Đà Lạt. Nhưng còn đâu thuở huy hoàng những ngày vui. Thành phố hoang tàn như khoác lên mình màu xám ảm đạm tiêu điều. Những con đường rộng và đẹp ngày xưa nay loang lổ, bùn đất, rác rưới bẩn thỉu. Chỉ thấy công an, bộ đội áo quần vàng úa, nón cối quê mùa. Những đôi dép râu, nón tay bèo, nhưng ngôn từ ngốc nghếch: "Chất lượng, xưởng đẻ, giặc lái, cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ không người lái..." làm mất đi nét thanh lịch của Đà Lạt một thời vang bóng. Đà Lạt thơ mộng, thanh tao bây giờ đã chìm sâu vào quá khứ. Những người trí thức bây giờ đang bán vé số, đạp xe thồ, hay đang lao động, làm rẫy trong vùng kinh tế mới, cam phận với cuộc đổi đời. Những cô gái thông minh, xinh đẹp ở khuôn viên Đại Học Chính Trị Kinh Doanh, hay trường Bùi Thị Xuân ngày nay đang vất vả bán hàng rong hay tay lấm chân bùn lao động để mưu sinh, nuôi con, nuôi chồng trong trại tù cải tạo. Có người vấp ngã trước những âm mưu, dụ dỗ của những người Cộng Sản trong tay đầy quyền thế. Còn đâu nữa những hình ảnh đẹp: Những chàng Sinh Viên Sĩ Quan CTCT trẻ tuổi phong lưu trong bộ Vest mầu rêu thẩm, cầu vai alpha lóng lánh vàng, hay những chàng Võ Bị hào hoa trong bộ Vest bốn túi, kết pi, alfa đỏ sánh bước cùng giai nhân cuối tuần dạo phố, làm đẹp phố phường. Vũ thì thầm như nói với chính mình: ‘’Loan ơi, Đà Lạt bây giờ đã xa.’’

 Chiếc Boeing 757 nhẹ nhàng hạ cánh xuống phi trường International Bradley. Từ ô cửa phi cơ, Vũ đã trông thấy thành phố Hartford, nắng vàng phản chiếu lấp lánh từ những tòa nhà chọc trời cao ngất ở phía nam phi trường. Mọi người rời phi cơ và đến phòng nhận hành ly. Loan, Phong, Tuấn, Chi, bà Mai, chị Hai và các bạn chàng đã đợi chàng từ bao giờ. Thấy Vũ, Loan kêu to: ‘’Mẹ ơi, anh Vũ đến rồi. Phong chào ba đi con. ‘’

 Vũ dang rộng tay ôm con và vợ vào lòng, Chàng cảm động đến rơi nước mắt. Loan cũng sụt sùi, lệ ướt rèm mi. Vũ chào mẹ vợ và tất cả mọi người. Đến đón chàng hôm nay có các bạn hải quân thuộc các khóa Lưu Đày, OCS, và khóa 21 Nha Trang. Những người bạn lính cùng nhập trại Bạch Đằng 2 cùng lúc với chàng năm 1969. Quay sang các bạn Vũ nói: ‘’Xin thành thật cám ơn các bạn, những người bạn đã từng chiến đấu, sống chết có nhau. Vũ thật biết ơn sự giúp đỡ chân tình của các bạn dành cho Vũ và gia đình trong những ngày hoạn nạn. Thực không có tình thân nào thắm thiết hơn là tình huynh đệ chi binh.’’
Loan nói: ''Các bạn của anh đã đặt sẵn bữa ăn trưa tại nhà hàng Á Đông để mừng ngày đoàn tụ. Chúng ta hãy đến đó, sẽ trò chuyện nhiều hơn.’’
Vũ và các bạn chuyển hành lý ra xe. Chiếc xe bus đưa mọi người rời phi trường Bradley, vào hướng xa lộ 95 South về Hartford. Đoạn đường ngoại ô, trời tháng Sáu ở đây thật đẹp. Những cụm hoa Tulip đủ màu rực rỡ, hoa Magnolia tím nhạt, hoa Forsynthia vàng thắm, và hàng thông xanh thẳng tắp hai bên đường làm Vũ liên tưởng đến những hàng Mimosa, vườn Bích Câu, và rừng thông Đà Lạt năm nào. Chàng bỗng thấy yêu đời hơn bao giờ và cảm nhận dường như những lời thơ trong bài Bên Người Yêu Dấu  hay hơn bao giờ!

Đời tưởng không còn mùa xuân,
Ngờ đâu phương trời viễn xứ
Bên nhau bao lời tâm sự
Ấm nồng câu tình tự  vui mừng.


Lê Ngọc Trùng Dương

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.