TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

  

    Sau năm 1975, khi làn gió 30-4 lan dần khắp nơi, từ thành thị chí thôn quê, trong hang cùng đến ngoài ngõ hẻm, gia đình tôi thi hành triệt để chính sách thắt lưng buộc bụng, các con tôi cương quyết cử ăn thịt (có đâu mà ăn) vì đó là món của "đế quốc". Mỗi ngày chúng chỉ ăn lưng lửng cơm độn khoai, hoặc độn chuối để giữ eo cho thon, gọn. Thức ăn thì rau muống làm chuẩn: hết rau muống nấu canh lơ lớ tới rau muống luộc chấm nước mắm. Đôi  khi để đổi bữa, chúng bẻ dừa, lấy cái kho mặn  dùng nước làm canh, chan chan, húp húp cho qua ngày. Có lúc  tụi con phải ăn cháo trắng với kho quẹt. May mắn những thứ như chuối, dừa, rau muống thuộc về loại cây nhà lá vườn, nên khỏi phải mua. Do vậy vợ tôi buôn bán chỉ lo gạo thóc, hôm nào khấm khá mới nghĩ đến mua cá mắm. Dường như các con tôi thừa hiểu hoàn cảnh gia đình  nên chưa đứa nào than van về nỗi cơ cực đói ăn, thiếu mặc.
 



 

          Phần tôi, vừa ra khỏi nhà tù nhỏ lại sống trong nhà tù lớn, hơn nữa gặp năm lũ lụt ai ai cũng đầu tắt mặt tối vẫn đói lên đói xuống lẽ dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ.. Tôi về quê bám lấy mấy công ruộng hy vọng sẽ kiếm đủ gạo lúa cho gia đình. Nhưng có lẽ như một số người tin tưởng: “Đất có tuần, người có vận” nên mấy công lúa đang xanh tươi mơn mởn chỉ qua một cơn lụt đã mất trắng. Lúa chết, tôi cố vay mượn bà con, làm lại từ đầu bằng cách tìm những liếp trong vườn gieo mạ, hy vọng khi nước rút xuống cấy lại vài công và tới mùa có chút đỉnh lúa. Liên tiếp chín mười đêm tôi phải thức canh chừng, tát nước, be bờ, mong từng ngày cho cây mạ vượt lên cao, nếu trong lúc mạ còn non lỡ nước tràn vào thì uổng công. Ròng rã hơn tuần nhựt, đêm nào tôi cũng phải lội ra vườn với lồng đèn leo lét và cái thùng thiếc canh chừng tát nước. Thú thực tôi không sợ ma, nhưng trong đêm hôm tăm tối, bình thường ai bảo ra ngoài vườn, cách chòi ruộng khá xa, chắc chắn tôi tìm đủ lý do để chối từ, đằng này vì bụng đói nên phải cố gắng. Bà con hay kể chuyện ma có lẽ muốn thử xem tôi thuộc loại nào: dạn dĩ hay nhát ma như thỏ đế.. Tôi cũng “tếu” với họ: lúc tát nước mệt lỡ gặp ma tôi dám nhờ ma tiếp tay cũng nên. Đùa cho vui, chứ nếu gặp ma  thiệt, chắc tôi vừa chạy vừa la không biết chừng. Mấy ngày vất vả được đền bù, những cây lúa non vươn lên xanh tốt, mực nước cũng bình lại báo hiệu cơn lụt đã hạ dần. Sáng sớm tôi chống xuồng rảo quanh ruộng bắt ít con ốc về cho các con.
    Tới nhà cũng trưa, đứa con lớn dọn cơm ăn. Bà xã đi bán chưa về, các đứa con kế đi học. Mâm cơm rất giản dị, một chén cơm và một dĩa thịt kho. Tôi hỏi:
- Thịt gì vậy con? 
- Dạ thịt vịt
- Tiền đâu con mua vịt.
      Con gái tôi ú ớ không trả lời. Tôi hỏi tới buộc lòng nó khai thiệt là tụi nó và các trẻ trong xóm cùng bắt vịt và chia nhau. Nghe bao nhiêu đó tự nhiên tôi uất nghẹn. Tôi mím môi, cố không nói tiếng nào, tiện tay tôi hất dĩa thịt vịt xuống đất. Tôi đứng dậy chụp vội cái nón, bước ra cửa, không nói một lời nào với con gái tôi và đón xe về ruộng lòng đau đớn không nguôi. Tôi lẩm bẩm:
- Mới đói khổ mà các con  tệ đến thế sao? Lúc trước tôi từng dạy học trò sống lương thiện, ngay thẳng không gian tham, trộm cắp, nay các con tôi đã tạo nên vết nhơ khó gội rửa. Tôi còn mặt mũi nào nhìn ai nữa!
 
     
      Suốt buổi chiều, tôi ngồi ủ rũ ngoài chòi ruộng, cố nặn óc tìm phương cách cứu nguy gia đình để các con đủ cơm ăn áo mặc không làm chuyện sai quấy nữa.
      Sau khi ăn vội cơm chiều, tôi đào trùn làm mồi giăng câu, sáng hôm sau ngoài cắm câu, tôi còn giăng thêm lưới. Vì mùa nước nổi tôi bắt khá nhiều cá, lớp thì rộng, lớp thì muối dành tới cuối tuần mang về nhà cho các con có chút thức ăn. Trong khi chống xuồng lang thang trên cánh đồng mênh mông nước, gió mát làm tôi cảm thấy đôi chút thoải mái, những hờn giận các con tan mất, chỉ còn lại nỗi ân hận và tự trách bản thân mình. Trách mình đã không lo lắng cho các con cái ăn cái mặc. Bụng đói tai ù, trong trại tù một số người vì cái đói hoành hành đã làm nhiều việc sai quấy như làm ”ăng ten” cho cán bộ trại chỉ vì lời hứa mơ hồ của kẻ có quyền thế, đành tâm bán rẻ bạn bè đã một thời cùng chiến đấu sanh tử với mình, một số khác vì không chịu nổi đói khát, đánh liều chơm chĩa thức ăn của các bạn đồng cảnh với mình.  Các con có thể quá thèm thịt nên a tòng với các trẻ khác làm càn, làm bậy. Về tình, về lý thì các con đáng được tha thứ một lần dù có khắt khe đến đâu đi nữa. Sỡ dĩ quá phiền muộn vì tôi đã đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng vào các con tôi. Tôi vẫn đinh ninh, dù đói khổ thế nào, chắc chúng cũng nhớ câu” giấy rách phải giữ lấy lề” mà tôi luôn nhắc nhở mỗi khi cha con có dịp hàn huyên.


      Sáng chúa nhựt hôm nay, tôi thấy như tâm hồn nhẹ nhàng hơn những bữa trước, có lẽ vì tôi trúng câu, được lưới  hai đêm liền chăng? Tôi nôn nóng về thăm nhà gặp lại các con dù tâm trạng rối beng giữa thương yêu và hờn giận. Tôi cho cá tươi vào một bao nhím buột miệng đàng hoàng, một bao ny long đựng cá muối. Với hai mớ cá tươi lẫn cá muối các con tôi có thể ăn được hai tuần. Như thế cũng giải quyết tạm ổn. Tôi lội bộ xuống chợ Phú Quới đón xe về tỉnh
      Lên xe vội vã, chừng mười phút sau tôi mới để ý lơ xe là một cô gái thay vì một anh chàng đực rựa như lệ thường tôi vẫn gặp. Cô lơ xe nhìn tôi chầm chập và tôi cũng chợt nhớ ra dáng quen quen của cô. Lúc nầy, nếu không phải là bạn bè thân thiết, chắc khó có người nhận ra tôi vì dáng dấp quá ư nông dân, nói trắng ra là quá quê mùa xen lẫn với gương mặt trầm buồn luôn ngó xuống đất như an phận, gương mặt, người ta thường gọi là mặt lượm bạc cắc, thêm vào đó đầu đội chiếc nón đệm có  quai, cái áo nhà binh sờn cổ, chiếc quần kaki vá vài chỗ phía sau. Tôi cố tình phục sức như thế cho rập khuôn nông dân thứ thiệt để tránh những cái nhìn soi mói của một số người dư công ri việc, tọc mạch muốn đào bới quá khứ của mình.
 
      Cố moi óc, bây giờ thì tôi nhớ ra người lơ xe, cô tên Ngọc nhà ở trong cư xá cảnh sát gần tòa Hành Chánh mới. Năm đó tôi đã đi dạy, trong một dịp ghé thăm người bạn và gặp Ngọc tại nhà ông bạn tôi. Ngọc mới vào Đệ Thất Nguyễn Trường Tộ, dễ thương hay cười, nhưng ốm nhom. Tôi thường đùa và đặt cho cô biệt danh  Ngọc Ròm. Quen biết nhau chừng một năm, tôi đổi về quận Chợ Lách kế đó vào quân ngũ đến khi tôi biệt phái về trường Trung học Nguyễn Thông thì Ngọc dẫn em gái xin vào học ở đấy. Vắng nhau khá lâu giờ gặp lại Ngọc tôi phớt lờ như không biết để xem thái độ Ngọc có đổi thay theo năm tháng không.
Ngọc nhìn tôi cất tiếng hỏi:
- Xin lỗi có phải anh là S.  không?
- Thưa phải và cô là…
- Ngọc  Ròm của năm nào đây. Ngọc nói tiếp
- Nghe anh đã về, nhưng không biết anh ở đâu mà tìm, anh sống ra sao?
Tôi mỉm cười, đùa:
- Nhìn anh ăn mặc như vầy chắc em cũng đoán được.
Kế tiếp Ngọc bận rộn với nhiệm vụ của người phụ xế, thâu tiền xe hành khách vì đã tới bến rồi. Ngọc day về phía tôi căn dặn
- Anh đợi em một chút, sau khi giao hành lý cho khách em còn hỏi thăm anh một số chuyện.
Xong, Ngọc mời tôi vào quán cà phê gần đó, tự động cô gọi đồ ăn, thức uống. Tôi muốn từ chối cũng không được vì Ngọc quá tế nhị
- Em đói quá anh ăn với em.  Em cần biết về cuộc sống của anh và gia đình.
 
      Đây là xe của ba má cô.  Không tìm được việc nên Ngọc làm lơ xe luôn cho đỡ tốn. Trong câu chuyện Ngọc cho biết đã đính hôn với người bạn cùng lớp, đến 30-4  anh đi đâu không biết và em cũng không có tin tức gì cả. Trong lúc khuấy ly cà phê sửa đá Ngọc cười buồn
- Điệu nầy chắc em ở góa quá!
Gặp lại nhau, hàn huyên một lúc, đến khi chia tay tôi thấy bùi ngùi. Tôi nắm tay Ngọc siết nhẹ
- Chúc em may mắn
      Trên đường về tôi cảm thấy vui vui, phải chăng vì gặp lại cô em dễ mến dạo nào. Miên man suy nghĩ tôi đã tới nhà mà không thấy mệt. Nhà tôi hôm nay dường như có khách, từ ngoài cổng tôi nghe tiếng cười nói khác lạ. Vừa bước vào cửa đã nghe tiếng bà khách vui vẻ chào hỏi trước khi bà vợ tôi và các con lên tiếng.
- Kính chào ông giáo, ông ở trên ruộng mới về.?
Tôi cũng đẩy đưa cho đúng phép xã giao
 - Dạ chào bà Hai, cả mấy tuần rồi vì bận ruộng rẫy, tôi không có dịp qua thăm ông bà.
Bây giờ bà xã tôi mới lên tiếng góp lời
- Bà Hai về quê ở An Phú Thuận, hôm nay bà đến để từ giã gia đình mình
Tôi tiếp lời:
- An Phú Thuận là quê ngoại tôi, ở đó nếu có chừng năm công ruộng thì không lo thiếu ăn.
Bà cho biết bên chồng nhường lại cho ông bà ít công ruộng, vài công vườn, có điều hồi nào tới giờ hai ông bà không biết cày cấy nên cũng không dám chắc việc làm ăn ra sao.
      Câu chuyện đến đây, bà Hai lái sang chiều hướng khác. Bà nói
- Hôm nay sang từ giã hai ông bà, nhân tiện xin lỗi về việc tôi nhờ các cháu bắt giùm mấy con vịt khiến thầy hiểu lầm la rầy chúng, tôi ái náy không yên bụng. Bà kể là bà nuôi được một bầy vịt xiêm bảy con, túng tiền bà bán dần hết năm, còn hai con vịt mái nhỏ, có lẽ biết nguy hiểm sẽ bị ăn thịt, nên chúng ít khi về nhà, thấy dáng chúng tôi thì chùng bay vù vù như le le, túng thế tôi nhờ mấy đứa xóm trong bắt chia hai. Mấy đứa ấy cũng chịu thua, sau cùng nhờ mấy cháu con thầy phụ giúp bắt được tất cả. Thịt vịt mà tuần trước thầy đổ đi là công của các cháu chớ không phải trộm cắp.


 
 
      Bà Hai từ tạ ra về. Câu chuyện đến đây có kết cục ngoài mong đợi của tôi. Tôi gọi đứa con gái lớn và hỏi:
- Sao hôm đó con không giải thích rõ ràng?
- Tại ba nóng quá con sợ, lại nữa ba vội vã ra đi làm sao con kịp phân trần
Tội nghiệp, con tôi thật thà kém lời ăn tiếng nói. Nghĩ mình nông nỗi, tôi nói với các con:
- Ba xin lỗi, ba cứ ngỡ các con quá đói nên làm liều. Nay biết sự thực ba thấy vui lắm. Các con xứng đáng là con yêu của ba
      Buổi cơm hôm đó, tôi cảm thấy ngon và có ý nghĩa nhứt, tôi tự hứa khi nào kha khá sẽ mua một con vịt đãi cả vợ con bù lại những ngày ăn uống kham khổ và bị rầy oan.
 
Viết xong  September 30, 2012
Nguyễn Thành Sơn
 
 
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.