TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Tôi về thăm nhà trước sự ngạc nhiên của ba má tôi. ông bà như ngầm hỏi lý do tôi hủy bỏ chuyến du ngoạn mà tôi đã thông báo cho gia đình từ hai tuần trước

   - Con không đi chơi sao lại về nhà? Ba tôi hỏi
   - Dạ con đi ngày hôm qua. Hôm nay chú Khỏe rủ con về vì má của chú bịnh.
Ba tôi lo lắng hỏi thêm:
   - Bà Hương sư bịnh thế nào, ở cùng xóm mà Ba không hay biết gì cả?!
   - Con cũng chưa đến thăm bà, xế chiều trước khi về nhà trọ con sẽ qua thăm nhân tiện  cùng về Vĩnh Long với chú.
Nhà trọ ngoài chú Khỏe và tôi còn thêm hai người nữa: Vinh bạn tôi và Nhơn, cháu chú Khỏe. Tôi gọi Khỏe bằng chú theo thói quen của dân chúng trong làng, ngoại trừ bà con cật ruột, hể ai lớn tuổi thì được gọi là anh, là chị, lớn nữa trên bậc đàn anh thì gọi là chú bác. Mấy vị trưởng thượng thường dạy đám hậu sinh chúng tôi nằm lòng câu: Nhứt tuế vi huynh, tam tuế vi thúc (lớn hơn một tuổi là anh, lớn ba tuổi phải gọi là chú) Chính vì vậy Khỏe được gọi tôn bằng chú, hơn nữa Khỏe học trên tôi tới hai lớp. Tuy thế nhưng em ruột của chú tên Khoắn thì tôi vẫn sử dụng ngôn ngữ mày, tao khi chuyện trò.
 
Hôm qua chúng tôi năm người từ Chợ Lách về tới nhà trọ lối sáu giờ chiều Khỏe nhận được tin má chú bịnh. Chú rủ tôi cùng về quê cho có bạn..Tôi cho biết bánh sau của xe  tôi nổi u nổi nần, sợ bị hư dọc đường. Chú lại khích lệ:
   - Lo gì, hai đứa mình chạy một xe, tao chở mầy.
   - Vậy sáng mai mình cùng đi
Tuy thuộc lớp đàn em nhưng có lẽ chú rất thích tôi, vì tôi sẵn sàng ngồi nghe chú tỉ tê tâm sự, đặc biệt là chuyện tình của chú với chị Lệ, người trọ sát vách nhà chúng tôi mà hôm qua cả đám xuống thăm gia đình chị. Sáng sớm, sau khi nhâm nhi “xây chừng” xong, chúng tôi khởi hành. Dù học trò nghèo kiết xác, nhưng thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn xài sang, cà phê, cà pháo như ai chớ bộ. Nếu trong tuần hoặc trong tháng có người nhà của bốn đứa đến thăm, tiếp tế đồ ăn, tụi tôi khỏi tốn tiền chợ, thế là chúng tôi  dư tiền để xài vặt trong những dịp như hôm nay..
 
Xế, khoảng bốn giờ, tôi từ giã gia đình, sang nhà  Khỏe vào thăm bà cụ cho phải phép, kế đó hối thúc chú về nhà trọ sớm lo học bài vở cho tuần lễ mới. Học hành  thì lo ít thôi, nhưng ngại trên  đường về nếu gặp mưa, sẽ không chạy được, tháng nầy mưa gió bất thường. Con đường mang tên quốc lộ, trời nắng thì mịt mù bụi cát, mưa thì chèm nhẹp vì sở Công Chánh, hay còn gọi là Trường Tiền dùng cao su nhân tạo (đổ đất lên và tưới nước) cho xe bớt dằn, mới nhìn mặt đường phẳng phiu đẹp đẽ. Mưa xuống ai di chuyển bằng xe đạp mới thấy vô cùng khổ sở, chạy một đoạn ngắn phải ngừng lại cạy bùn đóng cứng vè xe. Năm trước tôi đi lại mỗi ngày.  Buổi chiều tan học nếu trời đổ mưa, về tới nhà sớm nhứt cũng sáu giờ, người ngợm đầy bùn đất. Ba má trông đứng, trông ngồi, thế rồi bằng mọi giá ông bà bắt tôi phải ở nhà trọ cho ông bà an tâm. Riêng tôi, ngoài cực khổ, còn một chuyện nữa cũng làm tôi sợ sệt vô cùng nhứt là chiều tối phải qua Cầu Đôi và Chòm Da hai địa danh nhiều người khẳng định là gặp ma hiện hình chọc ghẹo. Tin dữ truyền mau, cả đám học trò đi học bằng xe đạp ai ai cũng hơn một lần nghe kể chuyện ma ở đoạn đường nầy.
 
Từ Bà Lang về Vĩnh Long, cách Cầu Đôi vài trăm thước có cây bả đậu, gốc hai người ôm không giáp, vào chiều tối, hoặc sáng sớm thỉnh thoảng xuất hiện một bà lão, miệng luôn rên rỉ, thoát hiện, thoáng mất.. Ai gặp bà thì bị bịnh hoạn, phải van vái cúng kiếng mới khỏi. Người ta kể, một buổi tối cách đây khá lâu, không  ai biết là năm tháng nào, xe nhà binh chở đầy lính Tây, hướng Cần Thơ về Vĩnh Long, đám lính thấy lơ lửng phía trên  ngọn cây bả đậu một cụ bà trang phục toàn đen tay cầm gậy chận xe lại. Dừng xe xong toán lính Tây  không tìm thấy ai, họ lục soát một hồi rồi xả súng bắn tứ tung vào đọt cây. Tuần kế tiếp cây bả đậu bị đốn sát gốc. Dân chúng sống gần đó cho biết nhiều đêm liền họ nghe tiếng oán than, rên rỉ của một bà lão. Cây hiện tại là cây mới mọc sau nầy.
 
 
Đám học sinh chúng tôi ước độ tám chín anh chị học các trường công, tư  ở Vĩnh Long đi về thành đoàn chuyện trò râm ran, vui lắm, nhứt là vào mùa nắng. Toán” ngựa phi đường xa” có cả nam lẫn nữ: nam có anh Hưởng, anh Lộc, Thiện,…bên nữ gồm các chị: Thu, Hoa, Xuân, Mười Ba.. Chị Thu nhà gần Cầu Đôi, cao lêu nghêu, chạy xe đòn dông (đàn bà con gái ít ai chạy xe nầy), chị thuộc dân trường kỳ kháng chiến, dù mưa gió thế nào vẫn phon phon trên chiếc xe đạp. Rồi  một hôm nghe tin chị chết, bạn bè đồn đoán đủ chuyện, nào là chị người Công Giáo, không tin ma quỉ, lại tỏ vẻ xem thường tà ma. Từ đó  nhóm tụi tôi thưa dần, kế đến tôi cũng đào ngũ  và ở trọ, chuyện ma ở Cầu Đôi ngày càng lan rộng trong giới học sinh ngày ngày còng lưng đạp xe đi về trên con lộ này. Khỏe và tôi ghé quán nước bên kia cầu uống đá chanh vì hai đứa vừa được gia đình tiếp tế nên trong túi rủng rỉnh một ít tiền, vả lại chỉ còn có tám cây số nữa thôi, trời còn sớm không có gì phải lo.
 
Trong lúc giải khát, đột nhiên trời nổi mây đen, vài cơn gió mạnh thổi tới. Thím Hai chủ quán nói:
   - Chắc hai đứa mắc mưa, ở đây đụt đợi tạnh hãy về
Chú Khỏe cho biết tạnh mưa bùn dính bánh xe không chạy nổi. Hai đứa quyết định dầm mưa đi về. Bây giờ gió mạnh hơn, hàng sao dọc hai bên lộ, đọt ngả nghiêng, nhánh cây đổ vương vãi đầy đường. Mưa trút nước trắng xóa, không thấy đường chạy. Con lộ vắng tanh không một chiếc xe. (Xe đò ngưng lưu hành từ bốn giờ). Cố gắng chạy một lúc mới thấy chùa Bà Hợi hiện ra. Tôi nói lớn như hét cho Khỏe nghe vì tiếng gào thét của gió, mưa.
   - Sắp đến Cầu Cống rồi, tới đó tôi chạy thay chú.
Trời mưa lạnh nhưng không dám nghỉ. Hai đứa đều có kinh nghiệm về việc đường sá trơn trợt, bùn  đất lầy lội sau cơn mưa. Khỏe vẫn tiếp tục đạp xe, ban đầu nghe tiếng két két ở vè, rồi xe chao đảo không theo lịnh điều khiển nữa. Hai đứa ngừng xuống, tháo cánh chuồn ở hai bánh xe, tìm cây cạy sạch lớp bùn đóng dẻo nhẹo, đem xe quay dưới rạch cho sạch bùn đất. Cứ  chạy độ ba trăm thước phải cạy bùn. Chúng tôi tới cầu Đường Chừa trời tối mịt vì giông mưa, không biết mấy giờ, Chúng tôi rửa xe lần chót vì từ đây tới Ngã Ba Cần Thơ đường tráng nhựa. Sát cầu có  đồn lính, thấy chúng tôi hì hục rửa ráy, một anh lính tỏ vẻ thương hại :
   - Hai em mau lên cho qua khỏi Chòm Da phía trước. Trời chạng vạng, có mưa gió thế nầy, người ta hay bị ma nhát. Anh ở đây lâu ngày anh biết.
Tụi tôi cám ơn anh lính lên xe chạy nốt. Cái điều cấm kỵ của hai đưa là tránh nhắc đến ma khi còn trên đường này.  Cách chỗ anh lính chừng năm trăm thước trên một thửa đất chừng vài mẫu cặp sông Cầu Vồng có khu đất hoang toàn cây da mọc um tùm, nhiều cây có dây tua tủa rũ xuống  tạo thành hình dáng dị kỳ dễ sợ. Dân chúng quen gọi là Chòm Da, xung quanh không cư dân. Hồi còn nhỏ, một lần đi chợ Vãng bằng xuồng với má tôi, tới Đường Chừa bị lính Tây chặn lại đến bốn giờ sáng chúng mới cho ghe xuồng vào tỉnh. Khi có lịnh, mạnh ai nấy bơi, chèo. Qua hãng nước mắm ông giáo Khuê ít trăm thước, tôi nghe tiếng hát, lúc to, lúc nhỏ, giọng hát của người đàn bà ru con trong đêm trăng mờ như sau:
Ầu ơ…ầu ơ …  mẹ ru con ngủ.. (tiếng tức tưởi)  cha con rày bạc ngỡi thì thôi. (lại giọng thổn thức)
Tôi quay hỏi má tôi:
   - Ở đây bộ có nhà sao lại có người hát?
   - Chắc tiếng hát từ xa do gió thổi mang đến
Câu chuyện tới đó, tôi không hỏi nữa, tôi linh cảm có cái gì không ổn. Tự nhiên tôi nghĩ đến ma. Phải, chỉ có ma mới hát vào lúc canh khuya đêm vắng. Cố bơi thật lẹ cho qua chỗ ma quái nầy. Lúc về nhà, tôi lại hỏi má tôi một lần nữa, bà trả lời :
   - Có thể là ma, cũng có thể có ai đó muốn nhát mình. Sự kiện hôm đó cứ đeo đẳng mãi trong đầu óc của tôi. Tôi cư ngụ vùng quê xa thành phố, quanh năm suốt tháng mỗi khi có dịp gặp nhau những người lớn thường bàn về mùa màng, giặc giã, rồi sau cùng kể chuyện ma. Theo lời kể thì ai trong bọn họ, cũng ít nhứt một lần bị ma nhát. Cũng dễ hiểu, vì xung quanh làng vào thời đó còn cây cối rậm rạp, ao hồ, mương vũng khắp nơi..  Trẻ con bịnh thì cho là bị tà, rồi rước thầy pháp, thầy bùa về trị bịnh, chính vì vậy đầu óc mọi người luôn bị ám ảnh bởi ma quỉ
Giờ này, ngang Chòm Da tôi chợt nhớ lại tiếng hát năm nào tôi đã nghe qua. Miên man suy nghĩ, chiếc xe đạp của tụi tôi lủi vào bờ lề, sau vài cú dằn mạnh đụng tới niềng xe. Chú Khỏe nói lớn:
   - Xe xẹp bánh rồi!!
Tôi than nho nhỏ:
   - Đúng là nghèo lại gặp cái eo.
Khỏe và tôi đành dắt xe lội bộ, trời nhá nhen tối, mưa vẫn còn lất phất. Hai đứa vừa mệt, vừa đói, khát vì đẩy xe từ chiều tới giờ.  Chòm Da lù lù trước mặt, dắt xe không đi mau được, bánh sau ẹo qua lại như say rượu. Hai đứa đã sợ mà mắt cứ đăm dăm nhìn vào mấy cây da. Một vài tia chớp ngoằn ngoèo lóe lên, một tia chớp nữa vừa chợt tắt, bất ngờ cả hai đứa cùng:
   - Á  Á …  rồi cùng làm thinh và cố đẩy xe đi thật lẹ.
Đi được ba trăm thước nữa, tức là chỗ giáp hàng mít (sau nầy là ranh của Trường Trung Học Thủ Khoa Huân. Mấy chục năm sau mới có trường nầy)
Bây giờ đã bớt sợ, tôi hỏi chú Khỏe
   - Hồi nảy chú thấy gì mà la vậy?
Khỏe quay về phía sau để biết chắc không có ai nghe, đoạn trả lời
   - Tao thấy từ bên kia đường một người đàn bà che dù đi xăm xăm vào chòm da rồi mất dạng. Chú hỏi tôi:
Còn mầy sao cũng la lên?
   - Tôi cũng thấy y như chú
Chúng tôi tăng tốc, không lâu đến cầu Tân Hữu. Hai đứa dừng lại trên cầu lấy sức. Khỏe lấy thuốc phì phà, tôi cũng hít vài hơi cho đỡ lạnh. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tập tành tành hút thuốc
Khỏe hít thuốc, phun khói rất điệu nghệ, tự tán thưởng:
   - Cũng may hai đứa mình không ai la, nếu la chắc ma hốt hồn. Hú vía!
Nửa tiếng sau tôi về tới nhà anh bạn, hai đứa vào xin nước uống, nhân tiện gởi xe hư lại và cuốc bộ về nhà. Lạnh, đói run, tôi thấy nhức đầu nên ghé tiệm thuốc tàu đầu đường mua vài bịch ngoại cảm phòng thân. Đến nhà đã tám giờ, hai đứa như mèo ướt các bạn ai cũng hết hồn hỏi thăm rối rít.  Nghỉ mệt và tắm rửa xong, Khỏe kể sơ lược sự việc, số người ngồi chăm chỉ theo dõi có thêm ba người nữ, lúc trước hai bên còn e dè vì vẫn tị hiềm giữa trai gái, bây giờ Khỏe  là gạch nối của hai nhà, thêm nữa Vinh cũng đang tán tỉnh chị Lộc và có vẻ ”tình trong như đã”, do vậy mỗi lần có chuyện vui hai nhà thường tập trung ở phòng khách ăn uống chuyện trò.
 
Chị Khanh và chị Lệ một mực yêu cầu Khỏe kể sự tích con ma ở Chòm Da vì theo hai chị thì đám học sinh đi xe đạp từ Bà Lang đến trường dường như ai cũng biết không nhiều thì ít về sự tích của con ma: dễ thương cũng có, tính ác thì chưa đáng gọi là tàn bạo. Cô ma chỉ trêu ghẹo, hoặc cảnh cáo mấy anh chàng nào ham mê bóng sắc, những chàng nào thiếu thủy chung mà thôi. Trước lời yêu cầu của ba cô gái trong đó có người yêu, Khỏe đùn việc kể chuyện cho tôi:
   - Biết thì tôi cũng biết, nhưng rành mạch thì Sanh ăn đứt tôi vì nó đã nghe những người lớn ở gần đó thuật chuyện khá chi ly..
Mấy chị nhao nhao:
   - Kể đi Sanh.. kể đi
Sanh chẫm rãi:
   - Kể… tôi sẵn sàng, nhưng ngặt nỗi bây giờ đói bụng quá, vã lại muốn nóng lạnh đợi tôi nấu cháo thương hàn ăn cho ra mồ hôi mới nói chuyện được.
Chị Khanh lên tiếng: Ông Sanh nầy muốn bọn mình nấu cháo cho ổng chớ gì. Tội nghiệp vì muốn nghe chuyện mà Khanh và chị Lộc người thì nhóm lửa người thì vo gạo nấu cháo
 


 
Câu chuyện như sau:….

Năm ấy cách nay khá lâu, vùng Cầu Vòng có ông phú hộ, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Giàu có nhưng tính tình lại rông rãi, nhân hậu khác xa các nhà giàu trong vùng. Ông phú hộ hiếm hoi chỉ có cô con gái tên Dung, ông xem như  vàng, như ngọc. Dung càng ngày càng đẹp đẽ nết na, Phú ông  muốn kén rể đông sàng, nhưng Dung vẫn dửng  dưng trước những mối mai của hạng cao sang quyền quý. Thực ra Dung có người trong mộng, người Dung tha thiết yêu là Phong, một thanh niên đẹp trai, có vóc dáng một võ sĩ. Anh xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, được thầy dạy cho văn lẫn võ. Cảnh nhà khốn khó là trở ngại khá lớn cho cuộc tình của hai người. Phú ông thoạt đầu cự tuyệt vì không phải là hộ đối, môn đăng, nhưng trước tình yêu tha thiết của họ, ông miễn cưỡng gọi Phong đến và ra điều kiện:

Muốn cưới Dung thì phải cố gắng tạo chút công danh. Điều kiện phú ông đưa ra không có gì khó. Tình cảm cô Dung, cậu Phong ngày thêm khắng khít. Họ tự ý ăn ở với nhau, gia đình không hay biết. Một hôm Phong từ giã Dung đến nơi đô hội để lập công danh. Dung tiễn người yêu ra đi với chứa chan hy vọng. Quả là số đỏ, Phong với tài kiêm văn võ, chàng xin được chức thư lại, kiêm thầy dạy võ cho một công tử con vị quan ở tỉnh lân cận. Môt thời gian ngắn, Phong tán tỉnh được cô tiểu thư đài các của vị Đại quan, cuộc đời chàng như diều gặp gió. Chàng quên đi người yêu ngày mong đêm đợi ở quê nhà và  một đứa con sắp sửa chào đời..
 
Phần Dung, bụng càng ngày càng to không còn giấu giếm ai được. Những gia đình, mối mai hỏi nàng trước kia bị từ chối, nay thấy nàng mang thai vô thừa nhận họ kết tội nàng đã làm nhục nhã cho làng nước, tội danh theo lệ làng có thể bị xử cạo đầu, bôi vôi và đuổi đi, có nơi  phạt đóng bè thả trôi sông, tức là hình thức tử hình.. Phú ông hết vào ra trông ngóng, lại cho người tìm Phong và biết lòng dạ phản phúc của chàng. Dung thất vọng tràn trề, để tránh cho cha khỏi bị làng nước khó dễ, trong một đêm nàng âm thầm mang ít đồ tế nhuyễn đến Chòm Da cất chòi nương náu, hy vọng Phong hồi tâm. Con nàng ra đời không lâu rồi lâm bịnh chết. Nàng đau đớn ê chề về tình yêu đến đổi phải lang thang vất vưng. Chán nản, nàng treo cổ tự tử ở Chòm Da. Những đêm khuya thanh vắng vang lên tiêng hát ru con như nghẹn ngào, như oán than có lẽ đó là tiếng lòng của nàng. Về sau khúc đường vừa kể, những buổi chạng vạng thường xuất hiện một cô gái dáng buồn nhưng hay chọc ghẹo khách bộ hành. Khi thì cô giả làm người lỡ đường quá giang xe ngựa hoặc xe đạp, ngồi trên xe một đoạn ngắn rồi biến mất.  Đó là những chủ xe đứng đắn, gặp nữ giới giữa đường không chọc ghẹo nham nhở. Đối với những người gặp gái cô thế gi trò bốc hốt, người đẹp phút chốc mặt mày trở nên đanh ác, khiến kẻ tán tỉnh hết hồn nhiều khi chết xỉu.
 
Đại khái chuyện ma, chúng tôi nghe kể chỉ ngần ấy. Đoạn đường đó khi xưa có ngôi chùa, bá tánh qua lại bị ma chọc phá khiến ai cũng ghê sợ, người ta đặt tên đường đi ấy là Đường Chừa, thay vì Đường Chùa, chừa có nghĩa là loại ra, tránh xa, đừng đi trên đó nữa
 
 
 Viết xong October 18, 2012
 Nguyễn Thành Sơn
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.