TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Giao Tế

     (Dự tiệc, thăm viếng)

Từ “văn hóa”, ngày nay hết sức thông dụng.  Có nhiều lọai văn hóa đến nỗi không kể xiết. Chẳng hạn văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa đi đường,  văn hóa thăm viếng, văn hóa tiếp khách, văn hóa du lịch…Mới đây trên báo chí còn xuất hiện từ ngữ “văn hóa cà phê”… Rõ ràng từ “văn hóa” có phần bị lạm dụng!

Thọat tiên, văn hóa có nghĩa là  “văn vật và giáo dục; dùng văn tự mà giáo hóa cho người” ( Đào Duy Anh).  Qua thời gian, từ “văn hóa” được hiểu rộng rãi hơn rất nhiều.  Ngày nay, người ta hiểu văn hóa theo năm nghĩa:

1-    Những giá trị vật chất tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử;

2-    Đời sống tinh thần của con người;

3-    Trí thức khoa học, trình độ học vấn;

4-    Lối sống, cách ứng xử có trình độ cao, biểu hiện văn minh;

5-    Nền văn hóa một thời kỳ lịch sử cổ xưa, xác định được nhờ tổng thể các di vật tìm được có những đặc điểm chung như Văn hóa Đông Sơn…( Đại từ điển Tiếng Việt ).

Như vậy, trong một chừng mực nhứt định, văn hóa có thể coi là phép xã giao hay phép lịch sự.  Từ đó, ta có thể nói văn hóa hay phép dự tiệc, thăm viếng, tiếp khách, du lịch… Gọi là gì không quan trọng, cái quan trọng bậc nhứt là lòng chân thật của con người trong dự tiệc, thăm viếng…

1. Dự tiệc: Điều quan trong trong việc dự tiệc là đi đúng giờ.  Con cần hết sức tranh đi trễ.  Để bao nhiêu người chờ đợi mình mà không có lý do chánh đáng là vô lễ, là mất lịch sự.  Nếu vì một lý do khách quan nào đó, không khắc phục được mà phải đi trễ, con cần thông báo càng sớm càng tốt cho chủ nhà biết để người ta rộng đường thu xếp.  Dầu có lý do chính đáng nhưng khi đến trễ, con phải thật thà xin lỗi, không phải chỉ riêng chủ nhà mà còn đối với các thực khách khác như con.  Có người phàn nàn là người Việt chúng ta có thói quen đi trễ.  Trước đây, điều đó đúng. Nhưng không chỉ riêng người Việt ta mà hầu hết các nước nông nghiệp chậm tiến đều như thế cả. Họ không cần và không thể dựa vào giờ giấc chính xác. Sinh họat thường ngày của họ gần như phụ thuộc hòan tòan vào thời tiết: nắng mưa, gió bão, lụt lội… Con cũng không cần đi quá sớm vì có thể gây phiền hà cho gia chủ. Con chỉ cần đến trước khỏang 15 phút là tốt nhứt.  Trước giờ không phải là giờ.  Sau giờ cũng không phải là giờ.

Về chỗ ngồi con cũng phải để ý. Nếu chủ nhà chỉ định chỗ ngồi cho con thì không có gì phải bàn.  Nhưng nếu con phải tự chọn thì con cần tránh hai đầu bàn hoặc giữa bàn nếu là bàn dài.  Trong các cuộc hội nghị có hai phe thì chính giữa bàn dài là chỗ quan trọng nhứt.  Ngồi gần các người thân để vừa ăn uống vừa trò chuyện thì còn gì bằng.  Đối với người con kính trọng vì tuổi tác hay tài đức, con không nên ngồi đối trực diện mà nên ngồii chếch đi một chút.  Khi ăn uống xong đứng dậy, con nên đẩy ghế vào chỗ cũ. ( Bây giờ trong 10 người, chưa có tới một người, đứng dậy biết đẩy ghế vào chỗ cũ). Ngồi coi hướng là như vậy đó, con ạ!

Về ăn cũng  có một ít chi tiết không thể xem thường.  Cố nhiên, ăn uống, một phần cũng do bản chất mỗi người, nhưng phần lớn là do giáo dục. Con không nên ăn như mèo nhưng cũng không hùng hục như cọp beo (nam thực như hổ).  Con cần ăn thong thả, tự nhiên; không vội vàng hấp tấp nhưng cũng không quá rề rà, chậm chạp.  Ăn không lựa món ngon, món vừa ý trừ trường hợp bịnh họan. Con nên ăn đều các món, mỗi món một ít, dù ngon hay dở, dù hợp khẩu vị hay không. Con cũng cần rời bàn ăn khi còn ngon miệng như lời một ngạn ngữ Pháp.  Con nên tâm niệm rằng ăn là để sống chứ không phải sống để ăn, cho nên con luôn phải “ coi nồi” để tiện nhường người trên, nhịn kẻ dưới. Mẹ có biết một người trước khi đi đám tiệc, bao giờ cũng lót dạ trước ở nhà. Theo ông, đi đám tiệc chủ yếu là lễ nghĩa, thù tạc.  Vì vậy, ăn trước ở nhà, chúng ta sẽ không bao giờ bị động.  Dự tiệc con không nên khen món nầy ngon, chê món kia dở hay gắp món nầy cho người nầy, món kia cho người khác hoặc phát biểu linh tinh luôn miệng.  Vì như vậy, vô tình, con trở thành bá chủ trên bàn ăn, làm trò cười cho người khác.

2.Thăm viếng:  Con cần phân biệt thăm và viếng. Thăm là thăm người còn sống; còn viếng là thăm người đã qua đời.  Thăm cũng như viếng, trước tiên, con cần chọn giờ cho phù hợp.  Nếu là viếng tang, con đi càng sớm càng tốt.  Chọn giờ cho phù hợp không có nghĩa là lựa chọn giờ tốt, giờ xấu, giờ kiêt, giờ hung.  Làm gì có ngày tốt, ngày xấu, giờ kiết, giờ hung.  Suy cho cùng, ngày nào cũng là của trời, của đất; do đó, cũng “vậy” tức là cũng như nhau mà thôi.  Lựa giờ phù hợp là lựa thời gian trong ngày sao cho thuận tiện cho mình và nhứt là cho chủ nhà.  Xưa, ông bà ta hay kiêng giờ thìn và giờ ngọ.  Nghĩ ra, cũng có lý do chánh đáng.  Giờ thìn là khỏang 7 giờ sáng; giờ ngọ là mặt trời đứng bóng tức khỏang 12 giờ trưa.  Sáng sớm phần lớn ai cũng lăng xăng vì một số công việc cho sinh họat cá nhân, còn 12 giờ trưa là giờ ai cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi.  Tránh xuất hành vào các giờ này là quá phải!

Kế tiếp là vấn đề chào kính. Theo phép, ta đến nhà ai thì chủ nhà đó phải chào ta trước. Thêm nữa, người nhỏ tuổi phải chào trước người lớn tuổi, người có địa vị thấp phải chào trước người có địa vị cao.  Nếp sống càng văn minh thì hình như người ta càng hạn chế đến nhà nhau.  Tại những thành phố lớn, có khi đôi bạn khá thân, làm việc chung hàng chục năm trời nhưng chưa hề đến nhà nhau. Theo me, đó cũng là nét đẹp của văn hóa, đáng quan tâm học hỏi.  Vì như vậy, đỡ mất thì giờ mà hình như thì giờ ngày càng thêm quí giá và eo hẹp.  Đó cũng là một cách hạn chế quà cáp, biếu xén, đút lót mờ ám…

Còn một việc nữa là bắt tay.  Tục bắt tay xuất phát từ Âu tây và du nhập vào nước ta cũng như các nước Đông Nam Á khác cùng với ách thống trị của các đế quốc Âu Mỹ.  Ở Nước ta, ngày nay, tục bắt tay phổ biến rất mạnh mẽ và lắm khi quá đáng. Con cũng cần biết một vài quy định không thành văn trong cách bắt tay để khỏi mang tiếng là người vô lễ hay mất lịch sự.

Trước hết, người lớn phải đưa tay ra trước ta mới dám bắt tay.  Từ lớn ở đây là lớn về địa vị hay tuổi tác hoặc cả hai.  Luôn luôn phải bắt bằng tay mặt và cùng trên một mặt phẳng. Nếu đối tượng trang lứa với con, con giữ người thẳng và đưa tay ra, nên giữ cánh tay song song với mặt đất.  Giữ sao cho cái bắt tay không quá nhanh cũng không quá lâu và làm sao thể hiện được lịch lãm và nhiệt tình.  Những bàn tay xụi lơ, lạnh ngắt, hay “chiếu lệ” cho-lấy-có là những bàn tay không thể giao dịch lâu dài, thân thiết được.  Với người trưởng thượng, con cũng chỉ bắt một tay, nhưng nhẹ nhàng và khẽ nghiêng mình để tỏ lòng kính trọng.  Với phụ nữ Việt Nam, việc bắt tay giữa hai người không cùng giới tính vẫn còn hạn chế. Vì vậy con cần khéo léo xử lý theo từng trường hợp.  Có lẽ,  con không nên đưa tay trước cho một người đẹp để buộc người ta bắt.  Vì như vậy có thể tạo ra sự hiểu lầm này nọ.

Không hiểu sao mẹ quá thích cách chào kính truyền thống của người Nhựt Bổn đặc biệt là người Thái Lan.  Người Thái Lan chào kính bằng cách cung kính chắp hai tay đưa lên trán và cúi đầu xá.  Người ta còn nói mức độ tôn kính tùy thuộc vào cách chắp tay cao hay thấp.  Điều đó,  không rõ là có đúng vậy không.  Có điều la lối chào đó ai cũng phải nhìn nhận là đẹp hết sức.  Nhận một cái xá vừa cung kính vừa uyển chuyển vừa đẹp như một động tác trong vũ khúc từ một mỹ nhân hỏi ai mà không cảm động!  Cái bắt tay “ dặt dặt” làm sao mà sánh được với cái xá “thuần phong, mỹ tục “ Á Đông nầy!

Bây giờ mà còn nói chuyện với con về văn hóa dự tiệc, thăm viếng thì thật là “hoang đường”. Hy vọng trong cõi hoang đường đó, con có thể tìm được cho mình một chút gì mà con tâm đắc. 

 Ngày 10.11.12

  Cô Ty

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.