TKH - banner 03

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

   Từ ngày anh tôi đậu đại học, khoác danh hiệu sinh viên, tôi trổ mã thành thiếu nữ 16 tuổi, căn nhà vốn êm ả trầm lặng của gia đình tôi bỗng tấp nập khách khứa. Tất cả “khách” đều là bạn chung lớp với anh hai. Những anh mới bước vào ngưỡng cửa đại học, mang bao ước mơ hoài bão to tát, đang tập tành làm…người lớn. Các anh thích đến nhà tôi chơi vì đến nhà tôi cũng giống như đi  “dã ngoại”, nhà tôi cách thành phố Sài Gòn 20km, không có vườn tược ao hồ cây trái gì cả, nhưng ai cũng thích đến. Cả lớp kháo nhau  “ thằng Thái có nhỏ em đẹp lắm!”.

Tôi chỉ là cô bé lọ lem con nhà nghèo,  còn nguyên nét quê mùa ngơ ngáo. Gia đình tôi sống trong một xóm đạo toàn người Bắc di cư, nên tôi nói rặt giọng  “ Bắc kỳ dốn”  kéo dài thượt.

 Có lần, má đi buôn về, mua cho một quả mít, dặn tôi xẻ ra mang biếu bà cụ trước nhà một miếng. Quả mít thì quá nhỏ, anh em tôi lâu lắm mới được má  “hào phóng” mua cho một chút trái cây.  Tiếc rẻ, tôi đem biếu bà một miếng nhỏ sát cuống. Lúc sau, bà cầm cái vỏ mít sang tìm tôi  “mắng vốn”:

- Sao mày cho  “chị”  miếng mít …nguyên …thơ là …thơ  ế. ( miếng mít toàn xơ là xơ thế)

Từ đó, chúng tôi hay dùng câu : “nguyên thơ là …thơ để nói đến món gì quá …hẻo”. Giọng Bắc của tôi cũng vậy, lúc nào cũng có chữ “ế”  kéo dài đằng sau, nghe đúng  “giai điệu”  Bắc…kỳ.

Tuy  “mang tiếng”  là  “đẹp lắm” nhưng quần áo tôi cũ mèm, xốc xếch, tóc cột bằng sợi thun nhỏng nhảnh  đuôi gà, thay  cho chiếc kẹp nhiều màu lóng lánh mà tôi hằng mơ ước. Trên người tôi không có món  “trang sức”  nào quí giá, tai đeo đôi bông bằng hột…nhựa, chờ mãi một đôi bông vàng 18k bà nội hứa cho từ hồi còn nhỏ xíu chưa xỏ lỗ tai,  đến giờ chưa thấy. Tính tôi cũng còn con nít ham chơi, rảnh một chút là chạy biến ra sân nhà thờ nhẩy dây,  đánh chuyền, chẳng quan tâm đến  “thời sự”   sôi động  trong nhà.

Trong số bạn anh Thái đến chơi, có ba anh rất thân với anh tôi là anh Quế Anh, Trường Giang và Thiên Phú. Bốn anh được bạn trong lớp phong cho danh hiệu … tứ đại công tử.  “Đại công tử” là ba anh kia thôi, chứ anh Thái tôi con nhà nghèo làm sao là  “công tử” được, nhưng anh tôi lại cao ráo, đẹp trai, trắng trẻo nên có vẻ cũng xứng với danh hiệu.

Các anh siêng năng tặng quà cho em gái …út, dù chẳng có dịp gì, còn nếu là sinh nhật thì các món quà càng đặc biệt “nặng ký” hơn. Anh tôi hay hỏi đùa em út:

- Sao sinh nhật út mà toàn là bạn anh tặng quà vậy? ( bạn út nhỏ xíu làm sao có quà)

Cuối cùng chỉ còn anh Quế Anh giữ lại  “truyền thống  tốt đẹp” này. Sau mới biết, thì ra hai anh kia đứng lại  “nhường đường”  cho Quế Anh….

Một hôm, ngồi chơi chán, Quế Anh rủ anh Thái đi uống cafê, thằng em kế ở đâu chạy về, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, nó cuống quýt lắp bắp:

- Anh Que…Ành chò èm đì vơi.

Quế Anh ngạc nhiên sửng sốt hỏi anh Thái:

- Nó nói cái gì vậy? Sao nó bảo tao …què???

Chúng tôi lăn ra cười sặc sụa, thằng em mắc cở chạy mất, anh Thái cố nín cười giải thích:

- Nó nói mày cho nó đi với, nó nói Quế Anh chứ không phải …què.

Quế Anh vẫn thắc mắc:

- Sao nhà mày kỳ vậy? Mày người Nam, em gái mày người Bắc, em trai mày người…Trung.

Má tôi người Bắc, ba người Nam. Sau ngày  “giải phóng” ba đi “học tập”, má quá khó khăn chật vật nuôi anh em tôi, nên gởi anh hai về bên nội ở nhờ một thời gian, vì thế anh nói tiếng Nam. Còn lại, tôi và em gái ở với má và bà ngoaị trong xóm rặt người Bắc nên nói tiếng Bắc là đương nhiên, nhưng không hiểu sao thằng em kế tôi lại  “đột phá”  thanh âm, biến thành giọng …Trung. Nhà tôi qui tụ cả ba miền đất nước.

Ba được  “nhà nuớc khoan hồng”  cho về  “đoàn tụ”  với gia đình từ năm tôi 12 tuổi, nhưng vì ba má không hợp nhau, nên ba về sống với bên nội. Bà ngoại mất đã lâu. Má con tôi dọn ra Thủ Đức ở cho gần trường anh hai đi học, vì má rất lo lắng hồi hộp mỗi ngày anh đạp xe mười mấy cây số đi về, trên con đường tỉnh lộ xe ben chở đất đá chạy bạt mạng, cán người như ngóe.

Dù còn rất nghèo, không biết bằng cách nào má xoay sở mua được căn nhà xuống cấp trong cư xá Kiến Thiết và sang lại một quán cafê nhỏ trong sân nhà người ta cho tôi bán, anh hai và thằng em sáng tối ra dọn hàng phụ. Ngày ấy, có trào lưu cafê sân vuờn và nghe nhạc nước ngoài, người ta không còn thích ngồi uống cafê trong nhà với bốn bức tường  bí bức, quạt quay vù vù, nghe nhạc  “sến” rên rỉ.

Quán  tôi gọi là  “sân vuờn”  cho …sang, chứ thật ra chỉ là mảnh sân nhỏ, để vài chậu dừa kiểng, vài chậu thiết mộc lan rải rác. “ Dàn âm thanh”  là cái mini cat sét, giấu trong quầy, phát ra loa nghe rồ rồ rẹt rẹt, vì thế tôi không cho ai đứng gần quầy, sợ họ phát giác ra  “dàn máy hiện đại”  của tôi thì xấu hổ chết người.

Người ta bỏ tiền ra đi uống cafê sân vuờn là để hưởng không khí trong lành, gió mát thiên nhiên, thưởng thức âm nhạc với dàn hifi tuyệt hảo, nhạc của những boyband, girlband nổi tiếng thế giới. Quán tôi chỉ có vài ba cuốn băng, (vì anh em tôi không ai rành nhạc nước ngoài), cộng với âm thanh máy phát ra… rẹt rẹt, khách đổi tên quán Thiên Lý của tôi thành quán BGs, vì chỉ có băng BGs là hay nhất và tôi mở cả ngày đến nhão nhoẹt.

Khi mùa mưa tới, những tấm bạt che ở trên mái tạm lủng lỗ, dột, nước mưa rơi lõm bõm xuống ly cafê, mưa gió hắt tứ tung, khách phải …mặc áo mưa ngồi uống .Tôi  “thủ” mấy cái áo để trong quầy, khách nào quên mang, tôi phát cho một cái, mặc vào … ngồi  “nước lụt”  trên ghế, uống cafê,  nghe nhạc rột rẹt cùng với tiếng giọt mưa lộp độp trên tấm bạt, lạnh run. Khách vẫn vui vẻ, dù đôi khi có phàn nàn ca cẩm chút đỉnh.

Có một người khách đặc biệt, anh ngồi lặng lẽ ở một góc khuất, uống ly cafê đen đặc quánh, mỗi ngày…

Anh đẹp trai như diễn viên điện ảnh, khuôn mặt hiền lành trầm lặng, nụ cười sẵn sàng nở trên môi khi nói chuyện, nhưng anh rất it nói, không phàn nàn khi nghe nhạc dở, không mặc áo mưa khi trời mưa, khiến lòng tôi phải áy náy. Tôi động tâm thỉnh thoảng kín đáo nhìn trộm anh, thì bắt gặp đôi mắt sâu cũng đang nhìn tôi, lần nào cũng vậy…

Tôi thấy lòng mình rộn lên một cảm giác là lạ, không biết gọi tên, nhưng vô tư không nghĩ đến nhiều. Vả lại, tôi còn đang “ bận rộn” sàng lọc, phân tích, đối phó với bao nhiêu lờì bóng gió xa xôi của nhiều người, vừa là bạn anh hai, vừa là khách quen trong quán.

Thì ra người  “khách đặc biệt”  kia cũng là bạn chung lớp với anh hai, từ lâu anh có nghe lời đồn  “ em thằng Thái đẹp lắm”, nhưng vì tính hiền lành nhút nhát, anh không muốn “bon chen”, cho đến một lần anh Thái rủ anh ra quán uống cafê. Từ đó anh trở thành “khách đặc biệt” , mỗi ngày đến quán “ngồi đồng”.

Anh tiến đến gần quầy, chỗ tôi ngồi, nói nhỏ:

- Anh muốn nói chuyện với Châu một chút.

Phản ứng tự nhiên như mọi khi, tôi  “xua đuổi”.

- Anh đừng đứng đây, má Châu la.

Anh nài nỉ.

- Vậy thì chỗ khác, Châu cho anh một cái hẹn đi, lúc nào Châu rảnh?

- Châu chỉ rảnh buổi trưa, khi vắng khách, có thể nhờ anh Thái coi quán giùm.

Anh vui mừng hấp tấp nói:

- Vậy thì trưa mai, lúc 1 giờ, anh chờ Châu ở….

Tôi ừ đại cho anh khỏi đứng lại nói thêm, sợ má ra bất chợt trông thấy lại bị rầy.

Trưa hôm sau, tôi …quên béng mất  “ cuộc hẹn tình đầu”, vô tư ngồi  “nhiều chuyện” với nhỏ bạn. Khoảng 3 giờ, anh Tánh hớt hơ hớt hải chạy đến báo tin:

- Châu, sao em hẹn với thằng Chương mà không đến? Nó đứng chờ em say nắng …xỉu rồi, mới tỉnh lại, nó muốn gặp em.

Tôi áy náy quá, vội vàng theo anh Tánh đến gặp anh. Mặt mày anh xanh mét như vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Anh hẹn tôi ở một quán cafê khác, nhưng đứng ngoài đường chờ vì sợ trong quán toàn thanh niên, tôi sẽ ngại. Nắng giữa trưa tháng hạ thiêu đốt cơ thể, nhưng anh kiên nhẫn đứng chờ cho đến khi đổ gục. Sau chuyện này, chúng tôi thân nhau hơn.

 

Sắp đến 2/9 là ngày lễ   “độc lập” của nước  “cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN”, anh muốn rủ tôi đi chơi nên đến nhà xin phép má. Nhà tôi không có sofa cho khách ngồi, chỉ có mấy chiếc ghế đẩu, anh không dám ngồi ngang hàng với má nên xếp bằng ngồi dưới đất. Má tôi cao giọng nói mát mẻ, kiểu chua chát cuả người Bắc.

- Nhà tôi nghèo, con tôi còn phải buôn bán phụ với gia đình, đâu có sung sướng nhàn rỗi như các anh các chị nhà giàu, đi chơi lễ chơi lạt, thôi anh để cho nó yên, đừng rủ rê nó chơi bời  nữa ( người bắc nói “chơi bời” là đi chơi).

Má nói nhiều lắm, toàn giọng mỉa mai chua chát. Anh ngồi im bất động, thỉnh thoảng dạ nhỏ. Má thôi nói đã lâu, anh mới dám đứng dậy, nhưng lại ngã khụy xuống, vì ngồi xếp bằng quá lâu nên đôi chân bị tê cứng.

Tôi bất nhẫn cho anh và thầm trách má quá khắt khe với tôi. Là con nhà nghèo, từ nhỏ đến giờ tôi chẳng được đi đâu chơi. Nơi xa nhất và vui thú nhất là nhà nội, không phải vì bên nội thương yêu quí hóa chúng tôi mà vì nhà nội là nơi duy nhất để đến và có nhiều bánh trái mà ở nhà không có, nhưng bây giờ chúng tôi không thích về nội nữa, vì nhận biết được sự ghẻ lạnh nơi đó.

Tôi đã làm lụng miệt mài, phụ giúp má kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ, chưa bao giờ được thụ hưởng niềm vui từ bên ngoài. Chưa bao giờ được rong ruổi nơi những khung trời lạ, ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, hồn nhiên vui đùa một ngày, không cần lo lắng chuyện bán buôn đắt ế…

Má thật bất công!!!  Cái đầu nông nổi khờ dại của tôi đã nghĩ như thế và đưa đến quyết định: Má khó quá, thôi về ở với ba. Nghĩ là làm, tôi giấu vài bộ quần áo, trốn má đón xe về thẳng nhà nội ở Bà Rịa, tôi sẽ về ở với ba: Ba dễ hơn má.

Đó là sự an bài của thượng đế, khi để xảy ra xung đột giữa hai má con tôi, nhờ vậy chúng tôi mới được gặp ba lần cuối, vì từ khi dọn ra chỗ ở mới, bên nội không biết địa chỉ nhà tôi.  Khi về đến, mới hay ba đã nhập viện và vừa ở phòng mổ ra. Ba có vẻ tỉnh táo, thấy tôi, ba mừng rỡ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay tôi dặn dò, nghe như lời trăn trối!

- Cả đời ba có lỗi với má con, các con hãy hiếu thảo với má, bù đắp thay cho ba.

Tôi cuống quýt nhắn tin về. Khi má đến nơi thì ba đang hấp hối, không nói được gì nữa, chỉ khẽ nhúc nhích mấy ngón tay. Ba biết có má hiện diện bên cạnh, nhưng thân xác đã đóng băng, khô lạnh, từ từ chìm sâu vào giấc hôn mê cuối cùng. Hỡi ôi!!! Tay nghề cuả các  bác sĩ  “giải phóng”  quá tệ, vết mổ bị nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Ba tôi mất đúng vào ngày rằm tháng 8, tết trung thu.

Ngày đưa ba đến nơi an nghỉ, mưa sụt sùi buồn thảm. Tôi thuơng ba quặn lòng. Tuy ba không gần gũi, không hy sinh lao nhọc để nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng tôi, không thắm thiết tình phụ tử, nhưng dòng máu đang chảy trong huyết quản chúng tôi là của ba, anh em tôi có mặt trên chốn nhân gian này cũng là nhờ ba. Xảy ra việc tôi giận má về đây mới kịp nghe được một lời trăn trối và má con tôi có thể làm tang lễ tiễn ba chặng cuối cùng, nếu không thì chắc ba cô đơn lạnh lẽo lắm. Dù ba đã có người vợ sau và đứa em cùng cha, nhưng họ đâu có thể khỏa lấp được khoảng trống của chúng tôi.

Trong lúc tôi đớn đau suy xụp, bước thấp bước cao trên đường ruộng dẫn ra huyệt mộ, khóc ngất từng cơn, Chương vẫn ở sát một bên, nắm chặt tay tôi chia xẻ, dìu đỡ mỗi khi tôi sắp ngã, lo âu cuống quýt  khi tôi ngất xỉu, tha thiết vỗ về an ủi cho tôi nguôi. Tình anh trao cho tôi sâu vời vợi, mênh mang êm ả như mặt hồ lộng bóng trăng thu. Anh trầm lặng ít nói, không biết dùng từ ngữ để biểu đạt tâm tư, nếu không xảy ra biến cố trọng đại này, làm sao tôi hiểu được tình anh.

Khi biết chúng tôi yêu nhau, Quế Anh buồn thiu, tâm sự với anh Thái.

- Tao …thương Châu từ dạo mới chơi với mày mà không dám nói, bây giờ muộn màng rồi, hai thằng kia ( Giang và Phú) chửi  quá trời, tụi nó thấy tao nhát nên nhường đường cho tao, nếu không đâu tới phiên thằng Chương, rốt cuộc tao …hỏng bét.

Anh Thái an ủi:

- Tại duyên số thôi, mà cũng tại …mày, không dám nói với nó sao không nhờ tao nói giùm, thằng Chương lù đù mà vác cái lu chạy, tao cũng không dè.

Quế Anh ngập ngừng:

- Không phải tao … cầu cho họ … tan vỡ, nhưng ngày nào Châu chưa đám cưới, tao …vẫn chờ.

Bạn anh Thái ai cũng dễ mến. Người thì dí dỏm hài hước, người thì lanh lợi hoạt bát, riêng Quế Anh rất hiền, gần gũi thân thiết với chúng tôi nhất, tôi mến anh, coi anh như anh Thái, nên rất hồn nhiên vô tư. Nếu anh bày tỏ tình cảm, tôi không biết cảm giác của mình ra sao nữa.

Mấy mùa thu trôi qua. Nói cho lãng mạn, chứ ở miền nam chỉ có hai mùa mưa nắng, mùa thu là mùa mưa, không có lá vàng rơi, hay con nai vàng nào ngơ ngác đạp trên lá khô xào xạc cả, mùa chỉ có mưa sụt sùi lê thê… chèm bẹp. Chương trở nên thân thiết trong gia đình tôi. Má thấy Chương hiền lành lễ phép nên cũng chấp nhận. Thích thú nhất là thằng em người …Trung, mỗì lần anh đến nó rất mừng, vì được mượn chiếc mô-tô phân khối lớn chạy rong trong xóm, nó mê xe như người ta mê …thuốc lào.. Chương cũng muốn nó đi càng lâu càng …tốt, cả hai đều có lợi.

 Gần tết năm đó, Chương đưa tôi về giới thiệu với gia đình. Nhà Chương giàu vì ba Chương là dược sĩ, có nhiều tiệm thuốc tây. Má Chương dù ở trong nhà vẫn trang điểm cầu kỳ, đôi mắt xếch tô đậm, nhìn rất dữ. Ban đầu bà vồn vã tiếp đón tôi niềm nở. Sau khi hỏi về gia cảnh, tôi thật tình kể.  Biết tôi là con nhà nghèo,  chỉ mới học hết cấp ba, bà liền thay đổi hẳn thái độ, lạnh nhạt như muốn tiễn tôi về ngay.

Ra về với nỗi buồn tủi ngập lòng. Sao mẹ Chương lại coi trọng sự giàu nghèo đến thế. Có bao nhiêu chàng trai giàu có đang theo đuổi tôi, nhưng tôi yêu Chương vì mối chân tình tha thiết của anh, ở bên anh, tôi cảm nhận được sự êm ả bình yên. Tình yêu là cảm xúc bất chợt, nhưng dằng dặc nỗi chắt chiu mơ ước.

Tuy tôi chỉ học đến cấp ba, nhưng đó là sự cố gắng phi thường của má, sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân và có những điều tôi học được ở trường đời, không hề có trong giáo trình rường học, vậy không tốt sao? Tôi ngậm ngùi nói lời chia tay với Chương, anh buồn rũ như tàu lá héo, nắm chặt tay tôi rưng rưng.

- Em ráng chờ thêm một thời gian, để anh thuyết phục mẹ.

Tôi không biết anh thuyết phục mẹ bằng cách nào, riêng tôi, tôi không đủ tự tin để làm dâu một bà  “mẹ chồng”  kỳ thị giai cấp như thế.

 

Anh vẫn ngồi lặng lẽ ở góc quán. Giọt mưa rơi lộp bộp xuống bàn, vào ly cafê, tan loãng, tung toé như những hướng đời phân chia muôn ngả.

 Anh tiến về phía tôi, đưa một tờ giấy gấp tư, nói nhỏ.

- Anh về.

Tôi ái ngại.

- Còn mưa mà, anh có đem áo mưa không?

- Anh quên rồi, không sao đâu.

Nhìn bóng anh khuất sau làn mưa trắng, tôi nghe lòng dâng lên nỗi xót xa bùi ngùi, có làn khói nào vương vào khóe mắt, cay. Mở tờ giấy anh đưa ra coi, chỉ ngắn ngủi mấy câu …thơ: …Đếm bước trở về theo lối chân quen / Giọt mưa ngâu điệu buồn rơi lặng lẽ / Ánh đèn vàng bên đường soi bóng lẻ / Đêm ngủ rồi anh vẫn thức vì em / Em hỡi em, xin đừng nói gì thêm / Lời ly biệt cho tình đầu tan vỡ.

Tôi ngẩn ngơ mất vài giây: - Trời!...cái  “ông” này, bình thường  “nói không ra răng” mà trở thành thi sĩ từ bao giờ? “ổng” đi mô-tô mà làm như đi bộ vậy. Dù đi xe, hình như chiếc bóng anh lầm lũi... Tôi xúc động đến nao lòng, vì dù có …tưởng tượng trong thơ một chút, thì vẫn là lời phát ra từ trái tim anh.

 

 alt

 

 Anh đến nhà, dựng vội chiếc xe rồi lao vào tôi như cơn lốc, vui mừng rối rít.

- Em, má chiụ rồi, chủ nhật này anh đưa em qua nhà cho má nói chuyện.

Chủ nhật, tôi hồi hộp đi theo anh, không hình dung được thái độ của mẹ anh ra sao. Bằng cách nào anh đã thuyết phục được mẹ??? Một người rất quan trọng chuyện môn đăng hộ đối và không thích tôi ra mặt. Sau khi đợi tôi khép nép ngồi xuống ghế, bà vô đề ngay:

- Tôi nói thế này, cháu suy nghĩ rồi về bàn với mẹ xong trả lời tôi. Cháu nói nhà cháu đơn chiếc, không có bà con thân thuộc, vậy thì kiếm vài người hàng xóm nào đó cho đủ chục người, bên này hai mẹ con tôi qua. Tôi sẽ đưa cháu mấy trăm ngàn để làm mâm cơm cho xong lễ hỏi, vậy nhé.

Chương tái mặt nhìn mẹ. Tôi lặng người chết điếng, sao bà có thể thốt ra được những lời khinh mạn quá đáng như vậy. Đây là một cách sỉ nhục cho tôi nản, không phải bà thật lòng muốn tổ chức một đám hỏi theo nghi thức bình thường. Sau mấy giây trấn tĩnh, tôi ngồi thẳng người, nhìn bà, dõng dạc nói:

- Thưa bác, con trả lời ngay, không để bác chờ lâu. Nói về đám hỏi, nhà con là đàng gái, cho dù một bàn hay mười bàn, cho dù nghèo, má con cũng xoay xở lo được, không phải dùng tiền của bác. Con thấy gia đình bác rất đông, chưa kể họ hàng gần xa, sao lại chỉ có bác và anh Chương qua nhà con, không giống đám hỏi….

Tôi chưa nói hết câu, bà cướp lời:

- Nhà tôi đông, nhưng mọi người bận buôn bán làm ăn, không đi được.

- Nếu việc làm ăn nhà bác quan trọng hơn nghi thức cưới hỏi, thì con cũng không cần đám cưới đám hỏi với anh Chương nữa. Con không phải gái hư, con chỉ nghèo, nhưng nghèo không là cái tội, con hãnh diện khi sống trong mái gia đình nghèo của con, bác không cần sỉ nhục gia đình con bằng cách đó.

Để mặc bà há hốc miệng tức giận, tôi quay sang Chương:

- Anh đưa em về.

Ra đến sân, tôi còn nghe tiếng bà tru tréo lồng lộn trong nhà:

- Mày thấy chưa Chương, chưa làm dâu mà nó đã trả treo như thế, mai mốt về đây làm sao tao chịu được.

Trên đường về, anh khẽ trách tôi:

- Sao em không nhịn má một chút, để từ từ anh tính.

Tôi chua chát:

- Anh tính được gì, má anh chịu cưới hỏi em đàng hoàng sao? Hay cũng dùng cách kẻ cả khinh mạn đó đối xử với gia đình em. Em có thể vì anh nhịn nhục, nhưng má em không đáng phải chịu nhục như vậy. Má em phải ngẩng cao đầu hãnh diện với mọi người, cho bõ công lao nhọc, cực khổ nuôi dạy tụi em. Mình không có duyên vợ chồng, em không thể làm dâu má anh đựợc đâu..

Anh im lặng, tôi chỉ nghe tiếng thở dài đắng lòng.

 

Đã bao năm trôi qua. Giòng đời đưa tôi trôi dạt đến phương này. Ở đây, mùa thu lá vàng rực rỡ rơi đầy trên thảm cỏ, xào xạc dưới chân. Tôi vẫn nhớ mùa thu chốn cũ, nơi có những cơn mưa dai dẳng sụt sùi. Giọt mưa rơi vào ly cafê đắng, tan loãng, phôi pha…

Về sau, vợ Chương cũng có tên Châu giống tôi, nhưng có thay thế được tôi trong lòng anh? Và hình bóng anh tôi còn cất giữ trong một góc trái tim, tình đầu đâu dễ phai phôi…

Quế Anh mới lấy vợ sau ngày tôi rời VN. Bạn bè thân thiết cũ của anh Thái tản mác mỗi người một phương, xa xôi. Những ngày tháng cũ vui vẻ hồn nhiên lùi sâu vào dĩ vãng, làm sao tìm lại được…

 

HT. THANH NGA

Aug 20 / 2011

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.