TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Có Một Đàn Chim
Có những sáng rực mây hồng,
giai-nhân còn nằm trong chăn ấm,
có một đàn chim đã bắt đầu cất cánh...
 
Em Phượng,
 
     Thế là anh đã tựu-trường và cuộc đời lông-bông của anh tự-nhiên lại khép vào khuôn-khổ. Từ nay anh mới chính-thức học để trở thành sĩ-quan phi-công. Thì ra phiền-toái quá em nhỉ. Bay-bổng như thế cũng chưa đủ. Người ta còn bắt anh học thêm phần lý-thuyết, học làm sao để sử-dụng động-cơ cho quay tròn, nhạc gió hòa theo nhịp máy, học nhắm những vì sao trong vũ-kính, học đi học đứng, học phép lịch-sự để biết cười với thế-nhân... Sao em lại mỉm cười khi những lời anh kể là đúng với sự thật?
 
    Trong cái xã-hội phồn-hoa này, mang tấm thân đùa với nguy-hiểm, bình-thản cho cuộc đời trôi trong ghế lái rồi nói với thiên-hạ tôi là một phi-công không tên tuổi, tháng ngày trôi theo mây trời và... thế thôi, thì có bao giờ được ưa chuộng đâu. Cuộc đời phồn-hoa là để dành cho những người biết nói, biết cười, chân biết đi theo điệu nhạc, người biết nghiêng một cách khả-ái trước nụ cười cao-kỳ của một giai-nhân. Trong cái con người mài trong phong-sương của các anh còn thiếu một con người hào-hoa của thế-hệ biết đọc những vần thơ bóng-bẩy, biết phê-bình một vở kịch thời-đại, biết nói những câu hoa-mỹ. Âm-thanh của không-trung khô-khan lắm em ạ. Em thử nghe:
-Alpha November. Gọi lại vòng chót. Gió trong trục tám gút.
 
    Nghe mới cộc-cằn làm sao tuy rằng đối với các anh đó là những lời vàng ngọc. Có bao giờ người phi-công chiến-thắng trong cuộc đời tình-cảm đâu. Tâm-trí họ đã nằm trong nghề-nghiệp. Có những buổi tiệc trà huy-hoàng, xiêm-nghê lộng-lẫy người ta vô-tình mời con người mây gió đến dự. Có người đẹp đứng bên thềm chờ tân-khách, yêu-kiều trong nhung lụa.
 
   Có những chàng trai lịch-sự trong những bộ y-phục dạ-hội. Và người ta giới-thiệu nhau:
-Thưa, đây là Bác-sỹ ...
Rồi có người, da đen sạm vì gió sương, ngượng-ngập bước lên thềm:
-Thưa tôi là ...
    Biết nói chi khi không danh-từ quý-phái. Đôi mắt nhìn nhau là đủ. Ánh tinh-cầu của những chuyến bay đêm không trong được bằng ly rượu pha-lê. Và chàng trai nhớ mãi ánh mắt giai-nhân, không hiểu là mến-thương hay ái-ngại. A ha! Ai có dám tự-hào vỗ ngực nói tôi là gió sông-hồ kết-hợp vì trong những đêm liên-hoan này có còn ai nghĩ đến những người bay bốn hướng.
 
     Có những người khi gây sự-nghiệp, chọn lấy hướng đời đã trót quên thân mình. Họ đi theo chí làm trai theo tiếng gọi thiêng-liêng của đất nước. Những ngày đại-hội, nhạc khải-hoàn vang dậy đế-đô, giai-nhân ngẩng mặt   lên trời nhìn đàn chim sắt ào-ạt bay qua. Nàng nghĩ thầm trên đó có chàng nhưng rồi lại quên ngay để ghé đầu nghe câu nói bay-bướm của con người hào-hoa bên cạnh. Trong khi ấy con người bay chăm-chú nhìn bạn đồng-hành để sắp hàng. Đàn chim vẫn lướt mây trời. Phi-trường hiện dưới cánh. Phi-tuần-trưởng ra lệnh:
 
-Một, hai, ... ba! Break!
 
    Một cánh chim chao mình. Cánh chim thứ hai nối theo rồi cánh chim thứ ba... Đàn chim nối nhau vẽ thành một vòng cung tuyệt-mỹ trên nền trời xanh. Có những con người hào-hoa nhìn theo và cảm thấy hãnh-diện vì Tổ-Quốc dù cho chính họ không ở trong cuộc. Đôi mắt phượng lại ngước lên và cặp môi xinh xinh thốt ra.
-Ồ! Họ làm hay quá anh nhỉ!
    Họ đây, có cả chàng, người đã từng ngượng-nghịu không biết xưng nghề-nghiệp ra sao khi lần đầu cùng nàng gặp-gỡ.
 
    Bánh xe đã chạm sân xi-măng và chàng quên cả ánh tinh-cầu một đêm không trăng, quên cả ánh pha-lê một đêm dạ-hội. Đôi mắt sâu thẳm nửa mến thương, nửa ái-ngại cũng buông tha chàng trai sương gió. Động-cơ tắt, họ nhảy xuống sân, chạy lại bên nhau để bình-luận sôi-nổi về kết-quả bay hợp-đoàn.
 
    Ôi, đời phi-công tươi đẹp. Mây đường trường trôi mải-miết. Ánh tinh-cầu ẩn-hiện những đêm trăng mờ. Thỏa chí làm trai và thỏa tình đất nước. Có thiếu chăng là những câu nói hào-hoa, một nụ cười khả-ái, làn da trắng xanh thay vì đen sạm bởi gió sương mây trời. Biết bao giờ các anh mới có thể mỉm cười bình-thản giới-thiệu mình:
-Thưa tôi là ... phi-công của đất nước.
 
    Ngày ấy hẳn là những đôi mắt đẹp đã phai mờ vì khói loạn. Và lúc đó người ta mới chăm-chú nhìn lên theo đàn chim lao đi về phía chiến-trường.Các anh sẽ cười vang trong khói súng và quay tròn trong mây biếc. Ánh lửa lòe bên cánh phải rực-rỡ hơn màu hoa phượng và đồn địch nổ tung trời phải huy-hoàng hơn vạn ánh nến liên-hoan.

 
    Em Phượng! Bây giờ mưa gió thanh-bình các anh còn một chút hào-hoa cần phải học. Các anh cần tỏ ra rằng thiên-nhiên đã huấn-luyện cho những cánh chim biết thắng mọi trở-ngại nhưng mây trắng đường xa cũng không quên tô-điểm cho những con người bay mấy nét hào-hoa.
 
    Anh đã tựu-trường, tạm rời đàn chim ít lâu. Ở đây chỉ nặng về lý-thuyết. Buồng anh thoáng gió, quay ra một ngọn đồi. Có một ánh đèn con trên bàn viết, có một chiếc giường nhỏ nệm trắng tinh và có một án-thư đầy sách. Chỉ còn thiếu một cây đàn treo vách và một ảnh giai-nhân trước mặt là anh đã trở nên một thư-sinh trong truyện Liêu-trai và đêm đêm đã có thể chong đèn ngồi đợi những bóng hồ-ly.
 
     Em có biết giờ đây anh đang làm gì không? Anh đang ngồi lau một thanh gươm ngắn. Em đừng cười vội vì anh không đi vào chuyện tráng-sĩ mài gươm dưới trăng đâu mà em sợ. Các anh kiêng uống rượu bồ-đào, kiêng nâng ly ngọc dạ-quang nhưng các anh phải học làm hiệp-sĩ. Trong suốt một năm trời anh sẽ phải đeo thanh gươm mỗi khi đi ra ngoài phố để luôn luôn nhắc-nhở cho mình bổn-phận của người tráng-sĩ không-trung. Em có thể ngây-thơ hỏi:
-Sao thanh gươm các anh lại ngắn? Em thích nó dài, anh đeo lê-thê bên cạnh coi hùng hơn.
 
    Anh biết trả lời sao được vì có bao giờ anh hỏi vì sao em đẹp. Sao ánh mắt em trong như ánh pha-lê để anh thấy nhớ-nhung ở khắp bốn phương trời. Và sao tên em lại là Phượng?
    Thanh gươm của phi-công như thế đấy em ạ, ngắn thôi, một cái ngắn vừa đủ, nhũn-nhặn như tình của họ. Ánh gươm xanh, bao gươm vàng và lục không biết đấy có phải là những màu thanh-lịch? Không hiểu ai là người đầu-tiên đã gọi những phi-công là những hiệp-sĩ không-trung. Có ở trong nghề mới hiểu được cuộc sống của họ. Có những đàn chim sáng sáng ra đi để bảo-vệ màu cờ đất nước. Sứ-mạng chính của những con người bay là bảo-vệ, là can-thiệp, như những chàng hiệp-sĩ họ sẵn-sàng lăn xả vào hiểm-nguy, tay cầm ngang lưỡi gươm tráng-sĩ.
 
    Có những sáng rực mây hồng, có những giai-nhân nằm trong chăn ấm, làn tóc mây xõa trên gối mịn và làn mi cong còn ôm-ấp mộng lành đêm qua, có một đàn chim đã bắt đầu cất cánh. Sương đêm còn đọng trên bãi cỏ. Tiếng động-cơ đã xé tan bầu không-khí trong lành buổi mai. Từng phi-tuần nhẹ lướt trên mây trời. Chim đàn từng đôi một soãi cánh. Thân tàu màu xanh lục như bao gươm hiệp-sĩ. Trong chiếc mũ nghe màu trắng những gương mặt tuấn-tú hiện ra, tươi cười dưới ánh nắng ban  mai vàng chói lọi. Cần lái nằm gọn trong tay. Qua lần găng da người phi-công cảm thấy cò súng đang nằm im-lìm ngoan-ngoãn. Bốn nòng đại-bác hai mươi ly nằm gọn trong cánh đang chờ nhả đạn lên địch-quân. Giờ này đeo bên mình không còn là thanh gươm ngắn nữa mà là một khẩu súng tự-vệ. Không hẳn là loại súng trận Colt 45 mà là loại súng riêng của Không-Quân. Đối với một phi-công một khẩu súng P. 38 là quá đủ. Sáu viên đạn nhỏ síu nằm trong một ổ súng tròn. Báng súng hơi cong lộ ra bên cạnh sườn được lau chùi nâng-niu luôn nên bóng-loáng. Tuy vậy trong cuộc đời chinh-chiến ít khi người phi-công có dịp dùng thực-sự khẩu súng con tự-vệ này đến hơn một lần. Rơi vào tay địch khó lòng mà thoát khỏi.
 
     Giờ này có lẽ giai-nhân vừa thức giấc. Nàng lơ-đãng nghe máy thu-thanh báo tin khí-tượng. Trời đẹp, đồng quê bao-la nắng đẹp hiền-hòa. Phải, nhưng có bay trên mây trời mới nhìn thấy tất cả vẻ đẹp của núi sông. Ruộng xanh chạy dài dưới cánh. Sông nước Cửu-Long từ nguồn xa thẳm đang đổ chan-hòa ra đại-dương. Có một con thuyền nhỏ bé đang ngược giòng. Và xa hơn nữa là núi đồi heo-hút. Biên-giới mập-mờ hiện. Không có gì là rõ-rệt cả. Chỉ biết sườn núi kia là nước người. Bên này có một túp nhà tranh nằm cô-quạnh lưng đèo. Hẳn là nhà của quê-hương cũng như bao-nhiêu nhà khác. Có những người sống trong lòng đô-thị để làm tăng vẻ huy-hoàng cho đất nước, tất nhiên cũng phải có những người sống nghèo nàn ở những miền sơn-cước, âm-thầm làm việc. Những người thôn-dã này biết rằng có những trang phong-lưu hào-hoa ở đế-đô. Nhưng ngược lại trong những đêm hoa-lệ có ai mà cần nghĩ rằng ở lưng đèo, gần biên-giới có một mái nhà tranh và một ngọn nến cháy leo-lét. Có những người sống ở đây quanh năm và tự-hào rằng đang sống trên một phần đất quê-hương. Nếu ai cũng chỉ bám lấy những mảnh đất mầu-mỡ, những đô-thị tráng-lệ thì nơi xa-xôi này cũng chỉ là những rặng núi hoang vô-nghĩa. Và ranh giới đất nước cũng chỉ còn được vẽ thực-sự trên bản-đồ mà thôi.
    Có tiếng trong mũ nghe vang gọi:
-Phụng-hoàng Lam! Phụng-hoàng Lam! Đây Lam-Sơn. Cho biết vị-trí.
 
    Thì ra dù bay trên những nơi gió ngàn heo-hút những phi-công vẫn còn giữ liên-lạc với cuộc đời phồn-hoa. Tấm bản-đồ được giở ra, đặt trên đùi. Phi-tuần-trưởng khẽ nghiêng cánh nhìn. Kia là một đỉnh núi. Đây là một cái đèo và một giòng sông nhỏ chạy trong thung-lũng. Ngón tay được lần trên bản-đồ. Bàn tay được đặt trên những mảnh đất quê-hương. Những cánh chim sẵn-sàng lao đi để bảo-vệ từng tấc đất của non sông. Những lúc này những phi-công cảm thấy gần những người thôn-dã hơn. Tiếng trả lời như bị nghẹn trong ống nói:
-Lam-Sơn! Lam-Sơn! Đây Phụng-hoàng Lam. Chúng tôi ở vị trí ...
 
    Trong khi ấy vẫn có những ra-đa quay tròn vẽ những vệt sáng ẩn-hiện trên những màn thủy-tinh màu xanh đục. Những cánh chim heo-hút lao đi từng đàn. Còn gì sung-sướng và hãnh-diện hơn được là những con người thường-trực tuần-phòng để bảo-vệ không-phận đất nước khỏi bị xâm-phạm. Có lẽ ở trên cao này người ta mới cảm thấy rõ-ràng lòng yêu nước vì mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của giang-sơn. Chỉ ở sườn núi bên này người ta mới có quyền tự-do cắm một tấc đất, dựng một túp lều tranh ở lưng đèo. Đêm đêm có một ngọn nến được tự-do cháy leo-lét và biết đâu mái nhà không chứa đựng cả một gia-đình. Người chồng ngày ngày kiếm ít nấm hay măng tre để dành bán. Cô vợ trẻ nấu ấm nước để cho những người buôn-bán liên-lạc Thượng Kinh qua đó nghỉ chân. Và rất có thể có một đứa bé đang tập nói líu-lo, lớn lên giữa núi rừng thiên-nhiên. Quá sang bên kia một chút là đất nước người. Từ tiếng nói, y-phục cho đến tập-quán đều thay đổi. Và chỉ lấn sâu quá vào cánh rừng có một quãng đường người ta đã trở thành những người tha-hương, ngày ngày ngóng về đất nước mà nhớ-nhung.
 
     Không biết đã bao lần những phi-công tuần-phòng biên-giới. Những mái nhà lẻ-loi, xa chốn phồn-hoa đối với họ trở nên quen thuộc, thân-tình. Mỗi lần bay ngang đèo họ vui mừng khi nhìn thấy làn khói lam bốc lên nhè-nhẹ. Như thế có nghĩa là mái nhà còn ấm cúng, gia-đình còn yên vui. Cầu trời cho những mái tranh này và bao nhiêu mái tranh khác trên giải đất quê-hương không bao giờ phải khói lạnh tro tàn.
 
 
     Em Phượng! Đấy là tình những người hiệp-sĩ không-trung, có lẽ nó vẩn-vơ như những làn khói lam, bát-ngát như những chân trời heo-hút. Chắc không đằm-thắm duyên-dáng bằng những mối tình trong những đêm liên-hoan ánh nến ngà lung-linh, men nồng trong như hổ-phách và những đôi mắt lưu-ly diễm-ảo hơn ánh pha-lê.
 
      Một ngày kia rất có thể anh đến bên em, tìm gặp lại nhau giữa một buổi tiệc huy-hoàng. Em rực-rỡ đứng trên thềm chờ tân-khách đôi mắt ngây-thơ vẫn đẹp như độ nào. Nếu anh còn cảm thấy là anh của em dù cho dĩ-vãng đã tàn-phai đi như xa muôn kiếp, anh sẽ nhìn em say đắm như thầm hẹn:
 
 - Anh là gió sông hồ kết-hợp và em vẫn là người em gái của ngày xưa. Anh đã xa em bởi lẽ tình trai còn nặng nhiều vì sông núi nhưng chắc em cũng hiểu cho anh rằng đấy là bổn-phận. Giờ đây non nước thanh-bình, dù cho thân phi-công đã nhiều phen qua những thử-thách của nắng mưa và khói đạn, anh mong rằng những nét thư-sinh hào-hoa vẫn còn lại để anh còn có thể đứng bên em nghe những điệu nhạc ân-tình giữa đêm hoa-đăng nầy.
 
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
(Xin xem tiếp chương 7 )

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC