TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Truyện Đời Phi Công-Chương 10:
 
Tiếng Gọi Lên Đường
 
 
Ra đi vì nhiệm-vụ, bao giờ thanh-bình
con xin trở lại mái tranh xưa...
Alger, ngày   tháng   năm
 
Em Phượng,
 
    Qua một mùa đông ở Avord, đã bao lần anh cầm bút định viết gửi em và cũng đã từng ấy lần anh dừng bút. Trời ở đây ảm-đạm lạ. Hết sương mù lại mưa tuyết. Bầu trời lúc nào cũng vẩn mây. Các anh vẫn thường nói rằng miền này là một miền lý-tưởng cho các phi-công tập bay trời mù.
    Đời sống trôi một cách đều-đặn, ngày lại ngày. Sáng sáng dậy, đi trong sương mù lành-lạnh để đến câu-lạc-bộ điểm-tâm, ăn chiếc bánh mì và uống ly cà-phê vừa được hâm nóng lại. Ăn xong có thể đi bộ hoặc đợi xe ca để đến phi-đội. Nếu có tên trong sổ bay sẽ lóp-ngóp xách dù ra sân để quần suốt một buổi sáng trong một bầu trời xám đục. Nếu không, họp nhau lại quanh lò than hồng để bàn chuyện vu-vơ.
Nhưng cho dù ngồi dưới đất hay bay trên trời con người cũng đều thấy lạnh. Qua làn găng da người phi-công cũng còn cảm thấy cái lạnh buốt da ở bên ngoài. Lạnh có lẽ vì lái những máy bay nhiều động-cơ, người phi-công it phải làm việc. Khi tay lái đã được cân-chỉnh thì chỉ còn biết ngồi lầm-lỳ nhìn trời. Và khi trời mù thì có lẽ cũng không còn gì mà nhìn, ngoài những đám mây cuồn-cuộn tiến nhanh sầm-sập như ấp lấy mình.
Hơi nước đọng dần-dần trên tấm kính trước mặt bị gió thổi lùa qua khe cửa rơi từng giọt trên đùi người đang cầm tay lái, thấm qua lần vải dày của phi-bào. Người phi-công thấy rùng mình như có bàn tay ai vừa chạm nhẹ lên làn da. Một nét cô-đơn thoảng qua rất nhẹ nhàng, nhưng rồi con người cũng trấn-tỉnh ngay được tâm-hồn, khi nhìn sang bên cạnh bắt gặp nụ cười ấm-áp của người bạn đồng-hành. Hai người phi-công, chính và phụ nhìn nhau thông-cảm.
 
    “Anh nghĩ đến ai và tôi nghĩ đến ai có lẽ chỉ riêng trong tâm-tư từng người được biết. Có thể tôi đang nghĩ đến người mẹ sớm bạc đầu đang chờ đứa con đã từ lâu xa vắng và anh mường-tưỏng lại những lời thắm-đặm trong bức thư nhận từ hôm qua, nét chữ mềm-mại đã diễn-đạt lên những lời mong đợi, nhưng chắc chúng ta cùng chung một ý nghĩ rằng quê-hương xa cách trọn nữa trái-cầu đang mong-mỏi những đứa con lạc-lõng phương trời.”
    Em Phượng! Chưa bao giờ các anh thấy thấm-thía ý-nghĩa của mấy chữ “đồng” như bây giờ. Đồng-hương, đồng-đội, đồng-hành. Các anh có thể mỗi người riêng một tính nết nhưng các anh cùng mang chung một nghĩa nặng trong đầu. Cùng bước lên máy bay, mỗi người một nhiệm-vụ riêng nhưng không ai tách ai ra khỏi được với ai.
    “Hôm nay anh ngồi đây, trong ghế lái chính, có tôi ngồi bên cạnh để trông chừng dùm anh mấy chiếc đồng-hồ, nhắc hộ anh rằng đèn xanh chưa bật, bánh xe chưa ra, vặn cho anh một đài vô-tuyến-đăng để chúng ta cùng định hướng. Ngày mai anh sẽ nhường lại ghế chánh cho tôi luyện-tập. Còn ngồi chung một phi-cơ, còn mang trên người một sắc-phục chúng ta còn phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.”
    Rồi có những buổi chiều về, ngồi trong phòng ngẩn-ngơ nhìn từng bông tuyết rơi bên cửa sổ các anh thấy tràn-ngập những nhớ-nhung kỳ-lạ. Đấy không phải là những yếu-đuối của lòng trai thế hệ, vì nào các anh có nhớ-nhung hẳn đến một hình-ảnh nào. Em thử nghĩ hộ anh gần ba năm trời xa quê-hương xứ-sở, bao nhiêu lần chuyển-dịch, bao nhiêu chuyến đi trong một sớm mai hồng hay dưới một bầu trời vẩn-đục đã làm cho con người thêm dạn-dầy, quen với những chia-ly. Con người quen dần những đám mây trắng trôi, tan hợp, hẳn cũng bớt được một phần nào những lưu-luyến thường-tình. Nhưng sau ba năm trời xa quê-hương, thấy mình gần tới đích, nghĩ tới ngày về hội-ngộ, ai mà không phải bâng-khuâng. Con người chiến-binh, có cứng rắn cũng chỉ là để đối-diện quân thù vẫn vững tay súng nhưng đời sống riêng biệt thì hẳn cũng như tất cả thế-nhân.
    Có những người con trai một ngày đông gác súng viết thư cho người mẹ hiền băn-khoăn vì nhiệm-vụ đã lỡ không tròn bổn-phận làm con:
    “Hôm nay gửi mẹ mấy dòng tâm-tư, con biết là lỗi đạo. Bên nương dâu có một mái tranh nho-nhỏ, có một nàng thôn nữ lỡ-duyên, và có một người mẹ hiền mái đầu sớm bạc vì thương nhớ. Mẹ có hỏi bao giờ con về và người thôn-nữ có trách ai quá tham mộng phong-hầu thì con cũng chỉ còn biết thưa lại rằng có một ngày đông, đứa con trai gác súng viết mấy giòng tâm-tư gửi mẹ nhận là lỗi đạo làm con. Nhưng nước non còn nhiều ngang-ngửa, chắc mẹ cũng vui lòng cho con ra đi vì nước. Bao giờ thanh-bình con xin trở lại mái tranh xưa bên nương dâu của mẹ.” 
    Trách làm chi một người phi-công nhớ nhà sau khi trôi giạt bốn phương trời vì có nhớ có thương thì cũng chỉ thế mà thôi. Em Phượng! Đã nhiều buổi chiều đông gác súng, anh ngồi trong phòng nhìn tuyết rơi phủ kín hiên ngoài. Và cũng đã nhiều buổi chiều anh cầm bút để rồi buông xuống mà thở dài. Ba năm về trước anh đã gửi cho em lá thư đầu và đến nay không hiểu là lá thư thứ mấy. Chỉ biết trên đường đời anh đã mạnh dạn bước thêm một bước trên đường anh đã chọn và em cũng vẫn vui-vẻ đi, lòng không vương một chút bận. Anh đã gần em thêm hay càng ngày càng xa em, nào anh có biết. Đã có một lần anh quyết hẹn, anh sẽ trở thành phi-công, người con của đất nước, thì nay ngày ấy đã tới. Qua những ngày đông lạnh-lẽo, tại một làng nho-nhỏ quanh năm trời vẩn mây, anh đã cố-gắng bước nốt  chặng đường cuối-cùng và cùng nhiều bạn khác anh đã giật xong mảnh bằng phi-công quân-sự. Đôi cánh anh đeo trên ngực, kèm theo một ngôi sao nho-nhỏ có lẽ là tất cả mơ ước của những thanh-niên mới vào nghề. Ba năm trời gian-lao anh mới đạt được ý-định và nay chỉ còn chờ ngày hồi-hương.
    Đi Alger lần này có lẽ là chuyến bay cuối-cùng của anh trên đất Pháp, một chuyến bay qua bể chỉ đặc-biệt dành cho những người đầu khóa. Anh cũng chẳng thấy đó là một vinh-hạnh và chỉ nghĩ rằng lại thêm một lần chuyển-dịch, thêm một chuyến đi để biết thêm một xứ người xa lạ.
    Anh đã từ Avord bay xuống miền Nam ngày hôm qua và sáng sớm hôm nay cùng một đoàn phi-hành anh đã rời Istres, một phi-trường lớn gần Marseille để đi Alger.
Đây là một chuyến bay vượt Địa-Trung-Hải, tuy chặng đường cũng không dài gì nhưng đối với anh đó là lần đầu-tiên anh lái máy bay qua bể.
    Anh cất cánh ở Istres một sáng đẹp trời vì miền Nam luôn luôn có nắng đẹp. Gió Mistral hôm nay thổi mạnh làm từng hàng dương-liễu xanh cong mình. Hồ Berre rung-rinh ánh nắng và rải-rác xung-quanh hồ những hầm đựng dầu của các nhà máy sáng chói lọi. Về phía bên trái anh là thành-phố Marseille với những bến tàu cũ-kỹ. Từ cửa bể tiến vào những chiếc tàu buôn lớn, khói bay nhè-nhẹ. Và ngoài xa là lâu-đài If nổi tiếng trong chuyện Le Comte de Monte Cristo của Alexandre Dumas.
    Trời trong xanh thật đẹp. Đã mấy tháng nay anh không được bay một buổi đẹp trời như thế này. Hai chiếc động-cơ reo đều-đặn, ánh-sáng lóe trên những đầu cánh quạt như những vòng hào-quang. Anh thấy sung-sướng với đôi cánh mới đeo trên ngực áo, đôi bàn tay nắm vững cần lái như điều-khiển cả những cuộc đời.
    Phi-cơ càng lên cao không-khí càng thấy trong lành. Thỉnh-thoảng một vết mây trắng mỏng-manh lướt dưới cánh. Màu nước biển trong, qua những làn sương thấp cũng trở nên xanh nhạt. Về phía tay phải bờ biển Tây-ban-nha hiện ra lờ-mờ.
    Anh nghĩ lại những ngày nghỉ hè vừa qua đã đi thăm những miền xa-lạ ấy. Tây-ban-nha là xứ màu sắc, của nhạc-điệu, của vũ-khúc. Anh vẫn còn nhớ những màu áo trắng thêu hoa, những chiếc váy màu sặc-sỡ soè ra theo vũ-khúc, những làn tóc đen dài, đôi môi mọng đỏ, những cặp mắt như nhung nhìn say đắm, những cánh tay màu nâu đỏ đưa lên lắc những vòng nhạc làm cho người xem cũng muốn hòa mình theo những khúc nghê-thường. Một sáng hè đã đưa anh tới Madrid, thủ-đô Tây-ban-nha. Anh đã để chiếc xe nhỏ bé vào ga-ra chữa vì lăn qua nhiều đèo núi, chiếc xe đã đượm vẻ phong-trần. Trời hè ở Madrid thật là khó chịu. Trong bộ áo màu vàng sữa, thắt chiếc nơ xanh nghệ-sĩ, anh thấy mình bớt đi nhiều vẻ du-khách. Ở ngoài phố vắng-ngắt, tất cả mọi người hình như đi kiếm một bóng mát để nằm ngủ. Họa-hoằn người ta mới thấy một hàng kem mở cửa cạnh một vài rạp xi-nê. Những chiếc xe taxi đậu tại những phố ngang nhỏ hẹp cũng không buồn đi kiếm khách. Madrid uể-oải ngủ cho đến quá chiều. Thành-phố trở nên nhộn-nhịp trở lại. Từng dãy người đi chật hai hè phố. Những xe ca hai từng, những chiếc tàu điện màu xanh sẫm chật ních những người. Nếu có những gì đặc-biệt là những thiếu-nữ thành Madrid. Trong những phố hẻm, đang đi lang-thang để tìm những nét cổ-kính của kiến-trúc Tây-ban-nha, du-khách có thể bị cả một bình nước giội lên đầu. Ngẩng mặt nhìn lên thì sau chiếc rèm che, có bóng giai-nhân đang lùi vào cười khúc-khích.
Bất kỳ một dịp nào cũng đều là một cớ cho các thiếu-nữ ra khỏi nhà để khoe màu sắc quần áo. Những ngày chúa- nhật họ đến chật vũ-trường để xem đấu bò rừng. Từng vòng người ngồi trên những thềm gạch lót đệm bông ồn-ào cổ-võ. Màu sắc hỗn-loạn. Rồi thốt nhiên cả vũ-trường nín lặng. Một điệu kèn mạnh-mẽ nổi lên, thúc-giục. Hai cánh cửa cuối sân mở toang và một đoàn người rực-rỡ tiến ra trong những chiếc bào sáng chói. Những dũng-sĩ hiên-ngang tiến bước, tay giữ chiếc khăn quàng trên vai giữa muôn ngàn tiếng hoan-hô cổ-võ.
    “Paseo” là tiếng Tây-ban-nha để chỉ sự trình-diễn ban đầu. Sau đoàn matador đến những picador là những kỵ-sĩ cưỡi ngựa bọc giáp có nhiệm-vụ quần-thảo những con bò quá bướng-bỉnh. Dân chúng đứng lên reo hò, sùng bái những dũng-sĩ như những vị anh-hùng dân-tộc. 
    Anh lại thấy mình một lần nữa lạc-loài giữa những làn sóng người xa-lạ, giữa những người say-mê xem đấu bò rừng mà ở đây người ta mệnh-danh là aficionados. Sung-sướng thay con người còn có một cái gì hữu-hình để sùng-bái, để say-mê. Các anh, những con người mà số-mệnh đã buộc vào đôi cánh chim giang-hồ, có lẽ có gì để các anh say-mê một cách nhiệt-thành chắc cũng chỉ là tận-tuỵ với nghề-nghiệp. Anh không hiểu rằng, rồi đây nếu có phải nghỉ bay anh sẽ làm gì. Trở lại nghề dạy học, viết văn chăng? Chắc anh không sao chịu nổi. Từ cái ngày anh còn nằm trên một gác trọ nhỏ hẹp giữa đô-thị Sàigòn, anh đã chả từng viết cho em rằng nơi ấy anh chỉ tạm dừng chân bưóc. Ngay từ lúc phải xa gia-đình vì ly-loạn anh đã thấy rằng cuộc đời rồi đây sẽ là gió sương kết-hợp và đến nay anh thấy rằng chắc-chắn mình sẽ chỉ là một kiếp chim chao cánh trên khắp kinh-kỳ.
    Ngày hôm nay đây, khi mà gần một triệu dân đã di-cư vào Nam, đáng lẽ anh phải ở nhà để gần Bác, gần em, gần bao nhiêu đồng-bào khác thì anh vẫn còn phải lênh-đênh nơi này. Giá anh tốt-nghiệp sớm hơn chừng  hai tháng, có lẽ anh đã có dịp chở những đồng-bào cuối cùng rời Hải-Phòng. Nhưng tiếc thay anh về hơi muộn và giờ chỉ còn biết vui mừng khi được tin thân-quyến đã được yên-hàn tới Sàigòn.
 
    Chuyến bay đi Alger cũng như bao chuyến khác, không có gì mới lạ. Qua những đảo Baléares, tàu đổi hướng để nhắm thẳng Alger. Anh nhìn thấy bờ bên kia Địa-Trung-Hải khi trời gần đúng ngọ. Dựa trên sườn núi những gian nhà trắng xóa của thành-phố Alger cho những nét đặc-biệt dưới một ánh nắng vàng rực-rỡ.
 
    Hôm nay, từ đô thị này, bên bờ phía Nam của Địa Trung Hải,  anh ngồi viết cho em một buổi chiều nắng vàng chưa tắt. Ba năm về trước anh đã hứa những gì với em, chắc em còn nhớ! Chỉ độ hai tuần nữa anh sẽ gặp lại em. Nét cười có phác hồn tang-hải, mái tóc có phai màu sương-gió nhưng anh vẫn còn là anh của em như độ nào. Anh rời em một ngày đông lạnh-lẽo ở Hà-Thành và sẽ gặp lại em vào cuối một mùa xuân ở đô-thị Sàigòn. Non-nước kinh-kỳ đã rời chỗ, còn em của anh có khác xưa không? 
 
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
(Xin xem tiếp chương 11)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC