TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 
 
Quỳnh quay lại cằn nhằn bố: "Bố có biết năm nay con phải thi Tú Tài IBM không mà bố cứ bắt con đi học ở Hội Việt Mỹ hoài. Con có bằng Proficiency rồi thì học thêm nữa đâu có cần đâu." Quỳnh chu môi lại nhìn bố rồi dùng dằng bỏ đi vào phòng nằm khóc rấm rức. Năm này là năm đầu tiên Bộ Giáo Dục tổ chức thi Tú tài trắc nghiệm a b c khoanh cho nên ai cũng lo sợ và hồi hộp. Quỳnh run lắm, mặc dù Quỳnh đã được bố cho học Hội Việt Mỹ từ ngày mới vào Đệ Thất trường Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn, có nghĩa là Quỳnh đã rất quen thuộc với cách thi a b c khoanh mà sao Quỳnh vẫn cứ lo. Mặc cho Quỳnh làm eo, bố cũng bắt Quỳnh không được nghỉ học Hội Việt Mỹ. Trong lòng Quỳnh rất muốn nghỉ học để dồn hết tâm trí cho cuộc thi Tú Tài để rồi còn đi du học nữa.
 
 
 
Chiều hôm nay, trời Sài Gòn đã vào thu, một vài chiếc lá vàng đã bắt đầu rơi rụng, bay bay trên đường phố. Ở sân sau Hội Việt Mỹ có 2 cây si rất to và rất già, dây leo mọc um tùm. Chung quanh những cây này có bày những chiếc ghế đá. Quỳnh hay đi học sớm, và ngồi ở những chiếc ghế đá này để chờ đến giờ vào lớp.
 
Quỳnh ngồi vào một chiếc ghế trống, mở sách ra coi lại, bỗng vô ý làm rơi cây bút xuống đất. Quỳnh định đưa tay ra nhặt cây bút lên thì bỗng có một bàn tay của một người con trai đưa cây bút cho Quỳnh và nói:
- Bút của Quỳnh nè.
Quỳnh ngạc nhiên:
- Ủa, sao anh lại biết tên Quỳnh?
- Tên của Quỳnh được thêu trên Huy Hiệu của trường Quỳnh kìa.
Quỳnh mắc cỡ đỏ mặt:
- Anh không học chung lớp với Quỳnh ở đây sao?
- Anh tên Giang, dân Chu văn An. Quỳnh gọi anh là Giang đi. Giang học hết lớp ở Hội Việt Mỹ rồi. Năm nay Quỳnh thi Tú Tài hả?
- Ủa, sao Giang biết?
- Thì Quỳnh đang cầm cuốn sách Hóa học lớp 12  của Chu Phạm Ngọc Sơn kìa.
Quỳnh bẽn lẽn: "Giang hay thật đấy, cái gì cũng biết hết."
- Năm nay Giang cũng thi Tú Tài, Giang học ban B, Giang đóan là Quỳnh học ban A phải không? Giang vừa nói vừa cười, thôi đến giờ vào lớp rồi, Quỳnh vào lớp đi. Chào Quỳnh nhé.
 
Và thế là Giang bỏ đi. Quỳnh chưa xao xuyến với một ai nhưng hôm nay Quỳnh nghe xôn xao một cách kỳ lạ. Giọng nói Bắc Kỳ của Giang làm cho Quỳnh vương vấn, bỏ mặc câu nói răn đe của bố: "Bắc Kỳ nó đểu lắm con ơi!".
Tan lớp học, Quỳnh ra về, bước chân ra khỏi lớp, Quỳnh nhìn quanh quẩn, vẫn không thấy bóng Giang đâu. Quỳnh bỗng buột miệng: "Thấy ghét!" Quỳnh đi học bằng xe Honda P.C, lúc đi mua xe, mẹ đưa tiền cho anh Quan mua xe Honda dame cho Quỳnh, nhưng anh Quan mua xe PC rẻ hơn. Số tiền thừa, anh dím lại đi chơi Vũng Tàu với bồ. Mẹ cũng chẳng la anh Quan một lời. Chỉ có Quỳnh thiệt thòi phải đành đi xe PC. Quỳnh gửi xe ở sân sau Hội Việt Mỹ, trên con đường Phùng Khắc Khoan. Sân trước nằm trên đường Mạc đĩnh Chi, nhưng Quỳnh ít đi đường này vì đây là đường một chiều. Mọi lần ra về là Quỳnh vội vã ra chỗ lấy xe về nhà ngay, hôm nay Quỳnh cố tình nán lại, rồi cũng không thấy bóng dáng ai đâu.
Quỳnh leo lên xe lái về nhà, nghe lòng buồn vô cớ, chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Quang Dũng:
Chiều ấy em về thương nhớ ai ?
(Bài thơ Trắc Ẩn của Quang Dũng)
Phải rồi, Quỳnh thương nhớ ai đây nhỉ ???
Sài Gòn có 3 trường Nữ Trung Học công lập nổi tiếng là Trường Nữ Trung Học Gia Long, Trường Nữ Trung Học Trưng Vương và Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt. Trường Trưng Vương di cư vào Sài Gòn từ năm 1954 và sau vài năm dưới sự đùm bọc của Trường Gia Long thì định cư ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Sở Thú Sài Gòn. Ngõ sau của trường là Hải Quân Công Xưởng. Không biết từ lúc nào, các anh nam sinh trường Petrus Ký lại có cảm tình với các cô nữ sinh Gia Long, dân Chu Văn An thì lại quấn quýt bên dân Trưng Vương, các anh chàng Võ Trường Toản mặc dù là hàng xóm láng giềng với các cô Trưng Vương, chỉ cách nhau qua sân Nha Khảo Thí,  nhưng các anh này lại mơ tưởng tới các cô Lê Văn Duyệt.
 
Cứ mỗi buổi trưa tan học, trước cổng trường Trưng Vương, ngoài các cô nữ sinh Trưng vương và các hàng quà bò bía, đậu đỏ bánh lọt, …lại còn có đầy đủ các đấng tu mi nam tử từ khắp bốn phương kéo về để đón người đẹp Trưng Vương. Từ các anh lính chiến đủ mọi binh chủng, cho đến các anh sinh viên Đại học, rồi đến các anh nam sinh ở các trường Trung Học. Lúc đó các anh trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ cũng có mặt. Có câu nói lưu truyền: "Áo xanh Cao Thắng, Áo Trắng Trưng Vương", nhưng hình như nữ sinh Trưng Vương vẫn dành tình cảm ưu ái của mình riêng cho các anh Chu Văn An.
Quỳnh đi học ở Hội Việt Mỹ vào 3 buổi chiều hai, tư, sáu. Sau ngày gặp Giang, Quỳnh cứ hay ra ngẩn vào ngơ "Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai". Nhiều khi Quỳnh cũng nghĩ mình thật vô duyên. Tại sao lại phải: "Gặp một lần thôi nhớ chẳng quên". Vậy mà từ ngày ấy đến nay đã gần cả tháng trời, Quỳnh chẳng thấy anh chàng Giang đâu cả. Không biết có phải anh ta tên Giang thật không nhỉ? Có phải anh ta học Chu văn An hay anh ta nói dóc? Hôm nọ giờ  Pháp văn thầy Phúc, thầy bỗng hỏi:
-Các cô có bạn trai chưa nhỉ?
Tụi Quỳnh nhao nhao lên:
- Thôi thầy ơi, con trai hay xạo lắm.
Thầy phản đối:
 
- Ai nói các cô biết là con trai hay xạo?
 
- Chứ còn gì nữa thầy, con trai lúc nào cũng xạo hết thầy ơi.
 
Thầy Phúc nhấn mạnh:
 
- Con trai là xạo, chứ không phải hay xạo đâu đấy nhé. Mai mốt có anh chàng nào làm quen, các cô phải nhớ câu này đấy.
Tụi Quỳnh giả bộ:
- Tụi con không thèm quen anh chàng nào đâu thầy ơi. Tụi con ở vậy đến già để khỏi phải đau khổ vì yêu.
Thầy Phúc cười xòa:
- Các cô biết yêu là gì không mà nói.
- "Yêu là chết trong lòng một ít" chứ gì thầy. (Câu thơ của Xuân Diệu)
- Không phải thế đâu các cô ạ, Yêu là chết cả đời đấy.
Cả lớp ồn ào:
- Tụi con không muốn chết nên khỏi yêu luôn.
Tim Quỳnh nhói một cái. Thật kỳ lạ, nghe thầy Phúc nói: "yêu là chết cả đời", Quỳnh cảm thấy bất an. Chỗ Quỳnh ngồi trong lớp học ở tầng lầu thứ hai của trường có thể nhìn ra cửa sổ qua sân Nha Khảo Thí và bên cửa sổ khác thì nhìn qua Sở Thú. Từ cửa sổ này, Quỳnh có thể nhìn thấy những hàng cây sao cao vút. Mỗi khi có một cơn gió thổi là những hoa sao rơi xuống xoay vòng thật đẹp mắt. Dưới những hàng cây sao này, trên đường qua Hải Quân Công Xưởng, lá vàng rơi ngập đầy, được các cô Trưng Vương đặt tên là Công Viên Lá Vàng.
Buổi sáng thứ bảy, Quỳnh được 20/20 điểm bài thi Hoá học. Quỳnh cũng không ngờ là mặc dù Quỳnh có ngơ ngẩn mà vẫn còn học giỏi dữ. Giờ thầy Hành Vật Lý, cả lớp đòi thầy hát. Thế là thầy chỉ sang Quỳnh:
- Chị Quỳnh hát trước là thầy hát ngay.
Nhỏ Kim Trang và nhỏ Trinh ngồi cạnh Quỳnh hét lên:
- Quỳnh hát đi Quỳnh.
Cả lớp cũng ào theo:
- Hát đi Quỳnh để bắt thầy hát.

Thế là Quỳnh lên trước lớp hát bài: “Nỗi Lòng” của Nguyễn văn Khánh. Trong đó có câu “yêu ai yêu cả một đời” mà Quỳnh rất tâm đắc. Đang hát dở chừng thì có giấy của bà Tổng Giám thị gọi Quỳnh xuống văn phòng có khách đến tìm. Quỳnh vội chạy xuống cầu thang. Vừa đi vừa chạy Quỳnh tự hỏi không biết là ai đến gặp. Chẳng phải bố đâu, bởi nếu cần thì bố đã gọi điện thoại đến trường chứ ít khi nào bố đến. Khi đứng trước cửa văn phòng, nhìn cái dáng sau lưng, tim Quỳnh đã đập mạnh. Không lẽ … Và rồi… Giang quay lại:
- Chào Quỳnh, Quỳnh khỏe không?
- Cám ơn Giang, Quỳnh vẫn khỏe ạ! Còn Giang khỏe không?
- Vẫn.
- Giang đến gặp Quỳnh à? Có chuyện gì không ạ? Làm Quỳnh lo quá.
- Chẳng là Giang vừa vẽ xong bức tranh “Áo Lam Trưng Vương”, định đem đến tặng Quỳnh. Giang không biết tìm Quỳnh ở đâu nên đành mạo muội đem đến trường Quỳnh vậy. Có gì phiền xin Quỳnh thứ lỗi cho Giang.
Quỳnh bỗng ấp úng vì quá bất ngờ:
- Không … không…
Giang giật mình:
- Quỳnh không thích bức tranh này của Giang à. Quỳnh chưa coi Giang vẽ ra sao mà. Này, Quỳnh coi thử xem!
Bức tranh thật đẹp, người thiếu nữ gầy gầy mặc chiếc áo dài màu lam, tay xách cặp da, mái tóc dài buông xõa bay bay trong gió với ánh mắt nhìn xa xăm. Những ngón tay cô gái thuôn dài. Người trong tranh không giống Quỳnh chút nào hết mà Quỳnh vẫn nghe lòng rung động. Một cảm giác thật nhẹ nhàng, thật ấm áp.
- Quỳnh cám ơn Giang. Cám ơn rất nhiều về bức tranh và vì Giang đã ghé qua đây. À Giang nè, Giang thi đậu bằng Michigan rồi phải không? Giang giỏi thật đấy.
- Quỳnh chưa thi à? Quỳnh nhớ lấy bằng Michigan thì đi du học mới dễ.
- Quỳnh chưa thi mà Quỳnh cũng không biết học cái gì để thi nữa.
- Giang có một số sách dạy luyện thi, Giang cho Quỳnh mượn, Quỳnh chịu không? Khi nào tiện để Giang sẽ đem sách đến cho Quỳnh?
- Chiều thứ hai Giang đến Hội Việt Mỹ được không? Quỳnh tan lớp khoảng 7 giờ tối.
- Quỳnh chờ Giang nhé, 7 giờ tối thứ hai Giang sẽ đến Hội Việt Mỹ tìm Quỳnh đấy.
- Vâng, Quỳnh sẽ đợi Giang. Cám ơn Giang.

Rồi Giang bước ra về. Quỳnh chỉ đứng trước cửa văn phòng ngó theo, không dám bước cùng với Giang ra đến cổng trường. Quỳnh sợ bà Tổng giám thị la, và sợ bạn bè bắt gặp. Giang đi khuất rồi mà Quỳnh vẫn còn đứng đó nhìn mãi ra ngoài cổng. Bao nhiêu ngày tháng trông ngóng để gặp Giang, chưa bao giờ Quỳnh lại tưởng tượng ra nổi là Giang dám đến trường để gặp Quỳnh, lại còn tặng Quỳnh bức tranh nữa. Quỳnh nhìn lại quần áo và tóc tai của mình. Không biết trang phục của Quỳnh có xuề xòa lắm không? Sáng hôm nay trời vẫn còn hơi lạnh cho nên Quỳnh khoác một chiếc áo len ngắn tay màu cỏ úa ngoài chiếc áo dài trắng. May mắn là sáng nào trước khi đi học Quỳnh cũng có bôi một chút nước hoa. Nhưng Quỳnh lại ít khi trang điểm, chắc là gương mặt Quỳnh nhợt nhạt lắm. Thôi chết rồi, không biết Giang có chê Quỳnh xấu không nhỉ? Tối nay chắc là sẽ thêm một tối Quỳnh lại mất ngủ… Cầu Trời cho mau đến thứ hai.
Từ hôm gặp Giang ở trường với bức tranh "Áo Lam Trưng Vương", Quỳnh bỗng dưng mất ngủ. Có lẽ vì thế nên bây giờ Quỳnh cảm thấy mệt mỏi. Gần đến giờ đi học ở Hội Việt Mỹ, bố bảo Quỳnh:
- Con nghỉ học Hội Việt Mỹ hôm nay đi con. Bố thấy con không được khỏe.
Dĩ nhiên là Quỳnh không dám nghỉ học rồi. Hôm nay có hẹn với Giang thì làm sao Quỳnh dám nghỉ học.:
- Thôi bố ạ, tiền trường rất đắt mà hở tí thì nghỉ học, phí tiền lắm bố ạ.
 
- Nếu con không khỏe thì con cứ nghỉ một hôm vậy, không sao đâu con.
 
- Bố à, con gắng được. Thưa bố con đi học ạ!
 
Quỳnh đi học hơi muộn hơn thường ngày. Quỳnh cứ loay hoay với tủ quần áo, không biết chọn quần áo nào. Cầm chiếc jube với áo đăng ten màu hồng thắt nơ to tướng ở phía sau lên rồi Quỳnh lại bỏ xuống. Quay qua chiếc áo dài màu xanh dương đậm mà khi Quỳnh mặc ai cũng khen đẹp hết thì thấy giống mấy cô nữ sinh trường Saint Paul. Cuối cùng rồi Quỳnh cũng mặc chiếc áo dài trắng có may huy hiệu của trường Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn. Chiếc áo may theo kiểu raglan mini áo dài, chỉ dài hơn đầu gối một chút, cổ áo chỉ cao độ hai phân. Chiếc áo trắng giản dị nhưng có lẽ không sợ bị Giang chê.
 
Quỳnh đang lui cui khóa xe ở chỗ giữ xe thì bỗng nghe tiếng gọi:
- Quỳnh!
Giật mình, Quỳnh nhìn lên thì ra là Giang:
- Giang nói là 7 giờ mà!
- Ừ, nhưng Giang đi nhà băng rút tiền cho Bố nên ghé đây đợi Quỳnh luôn. Chờ lâu không thấy Quỳnh, Giang ngỡ hôm nay Quỳnh nghỉ học chứ.
- Xin lỗi Giang vì hôm nay Quỳnh đi học hơi muộn.
- Không phải lỗi Quỳnh đâu, tại Giang đến trước giờ thôi.
Vừa nói Giang vừa giúp Quỳnh khóa xe lại và hai người cùng sánh bước đi vào cổng sau của Hội Việt Mỹ. Giang nói:
- Giang có mang sách học thi Michigan cho Quỳnh nè. Quỳnh ngồi xuống ghế đá này Giang chỉ cho.
Thế là Quỳnh khép nép nhẹ ngồi xuống chiếc ghế đá dưới tàng cây si trước phòng học.. Giang nói tiếp:
- Quỳnh này, Quỳnh làm hết các bài tập trong này nhé. Quỳnh nhớ là phải học vocabulary nữa đấy. Giang có làm sẵn một số index cards nè. Mặt trước là vocabulary, mặt sau là định nghĩa. Quỳnh học cách này sẽ chóng nhớ lắm. Index cards Giang bỏ trong cái hộp này cho Quỳnh dễ cất.
 
Sự chăm sóc của Giang làm Quỳnh cảm động:
- Cám ơn Giang, khi nào thì Giang muốn quỳnh trả sách lại cho Giang. Quỳnh biết sách này phải mua từ bên Mỹ, ở VN không có.
- Không sao đâu Quỳnh, Quỳnh cứ giữ lấy mà học, nếu Quỳnh có thắc mắc gì thì hỏi Giang nhé.
- Cám ơn Giang, Quỳnh cám ơn Giang rất nhiều. Hy vọng là Quỳnh sẽ có bằng Michigan như là Giang vậy.
- Quỳnh rất thông minh và rất đẹp nữa. Giang tin rằng Quỳnh sẽ thi đậu mà. Đến giờ học rồi kìa Quỳnh, thầy vào rồi, Giang đi về đây. Giang chào Quỳnh nhé.
Thế là Giang quay lưng lại bước ra đi. Quỳnh nhìn trên tay mình có 2 cuốn sách to tướng "How to Prepare for Michigan Exam" và "How to Get in College Entrance". Không biết Quỳnh có học nổi không? Chiếc hộp thiếc đựng Index cards có cảnh mùa thu lá vàng rơi ở ngoại quốc rất đẹp. Khi Quỳnh mở cuốn sách ra thì cuốn nào cũng có dòng chữ Giang viết: "Chúc Quỳnh thi đậu. Good luck!" và chữ ký của Giang ở dưới. Quỳnh nghe lòng mình bâng khuâng, cả buổi học Quỳnh chẳng nghe thầy dạy gì cả. Đầu óc Quỳnh mơ hồ, và Quỳnh bỗng khám phá ra cặp mắt Giang rất nhỏ, không đẹp tí nào.
 
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em
(bài thơ "Tương Tư" của Nguyên Sa)
 
Có phải thế không Giang? Có phải thế mà Giang thấy Quỳnh hiện diện? Nhưng làm sao Quỳnh biết được là trong mắt Giang, cả 4 chân trời chỉ có Quỳnh thôi?
Sau những ngày thi Đệ nhất lục cá nguyệt, trường Trưng Vương bây giờ đang bắt đầu chuẩn bị đón xuân. Ban Báo Chí đang chuẩn bị ra đặc san Xuân Mê Linh theo truyền thống của trường mỗi năm nhân dịp Tết. Năm nào cũng vậy, từ năm Đệ Thất đến nay Quỳnh luôn có thơ và truyện ngắn được đăng vào Báo Xuân của Trường. Năm này Quỳnh còn viết bài cho chủ đề của báo: "Trong Mắt Em Nhìn". Quỳnh cũng đưa cho Đào Bạch Tuyết là Trưởng Khối Báo Chí bức tranh "Áo Lam Trưng Vương" mà Giang tặng Quỳnh, để in vào báo.
 
Sáng nay, các lớp đã được thầy cô cho phép ca hát vui vẻ thay vì phải học. Giờ đầu Quỳnh học Toán do thầy Bá dạy, nhà thầy ở Tân qui Đông, Nhà Bè và thầy thứ năm nên tụi Quỳnh đặt cho thầy biệt hiệu là chú Năm Tân qui. Hôm nọ nhà trường chúc mừng thầy mới có cô con gái đầu lòng. Khi thầy vào lớp các bạn nhao nhao hỏi thầy là con gái thầy tên gì, Quỳnh đã trả lời ngay:
- Tên Hà.
Thầy trợn mắt nhìn Quỳnh:
- Sao biết?
- Tại thầy tên Bá.
Cả lớp cười ồ, bởi vì Quỳnh chọc thầy là hà bá. Từ đó Quỳnh bị thầy chiếu tướng, cứ đến giờ thầy là Quỳnh bị gọi lên bảng. Hôm nay cũng không ngoại lệ, vừa vào lớp, không cần mở sổ thầy đã gọi Quỳnh lên bảng viết nhị thức Newton. Cũng may là lúc nào Quỳnh cũng gắng học thuộc bài, chứ không thì quê chết được.
Suốt tuần lễ này, nhà trường cho học sinh các trường bạn vào từng lớp để bán báo Xuân trường họ. Quỳnh phụ trách tiếp tân, phân chia các nữ sinh của trường hướng dẫn các học sinh trường bạn vào từng lớp để bán báo. Quỳnh bỗng nghe buồn vô cùng, cầm tờ báo Xuân trên tay, trong đó có bức tranh "Áo Lam Trưng Vương", mà Giang thì đã xa xôi lắm. Lâu rồi, Quỳnh không gặp Giang. Sao nghe lòng tê tái quá! Ơi người, cho ta thêm một lần cuối gặp nhau để mình nói tiếng giã từ nhau. Rồi sẽ cách biệt! Làm sao ta biết được người vẫn giữ cảm tình đối với ta như những ngày đầu? Ta muốn sống lại những ngày có người hiện diện mà nào có được. Tất cả chỉ còn trong quá khứ. Biết ta và người có lần nào gặp gỡ nữa hay không? Và gặp nhau có còn cảm tình với nhau không? Nghe chua xót quá!
 
Ôi, tất cả chỉ là một thoáng hương bay. Như thế đã đủ cho mình lạ với nhau chưa? Như ta và người chưa một lần đối diện. Trước khi gặp ta, người đã có một ý thích riêng. Trước khi gặp người, ta cũng đã có những niềm vui khác, thì bây giờ ta hãy xem như mình chưa hề quen biết. Mình sẽ còn nhớ gì nhau không? Ta vẫn cứ nhớ hoài nụ cười, ánh mắt, dáng đi .... tất cả. Ôi! Tại sao? Ta ngơ ngẩn, ta thẫn thờ, ta lo lắng, ta bận tâm, ta buồn không đâu. Tất cả chỉ là một thoáng hương rồi sẽ bay theo gió, rồi sẽ mù mờ như mây, mỏng manh như sương khói ... Lần thứ nhất Giang đến gặp Quỳnh vì thắc mắc, có phải? Lần thứ nhì vì chữ tín, vì lịch sự??? Sao Quỳnh quá lãng mạn và mơ mộng, đam mê trong ảo tưởng: "Khi ước mơ khôngcòn là mơ ước, khi muốn nói không ai nghe và muốn nghe không ai hỏi". Có nên khóc như mưa như gió không, Quỳnh tự hỏi mình.
Quỳnh đang bận xếp đặt thiên hạ bán báo thì nghe có tiếng kêu:
- Quỳnh! Quỳnh ở đây à!
Quỳnh giật mình quay lại, thì ra là Giang. Quỳnh bỗng nghe một niềm nôn nao khó tả. Trời ạ, Giang cũng sang Trưng Vương bán báo nữa sao? Nghe là lạ.
- Giang đấy à, không ngờ gặp Giang hôm nay.
Giang trao tặng Quỳnh quyển báo Xuân Chu Văn An và hai tấm thiệp Xuân của trường Chu văn An tự in màu hồng có hình rất đẹp.
- Cám ơn Giang rất nhiều, Quỳnh có in bức tranh "Áo Lam Trưng Vương" vào báo Xuân Trưng Vương nè Giang. Quỳnh có dành riêng gửi Giang 3 quyển, nhưng Quỳnh để quên ở nhà rồi, bây giờ làm sao đưa cho Giang đây?
- Quỳnh biết quán kem Phương Lan ở đường Lê Lợi không Quỳnh? Chiều nay lúc 4 giờ nếu Quỳnh không bận, Giang mời Quỳnh một chầu kem ở đó nghe!
Quỳnh không biết trả lời Giang ra sao? Nếu say "no" thì sợ không có dịp nào để gặp Giang, nếu nhận lời ngay thì sợ Giang coi thường mình. Con gái gì mà không biết làm cao chút nào, người ta mới hẹn là đã nhận lời ngay tức thì. Thầy Hoàng và thầy Đoàn dặn dò tụi Quỳnh hoài:
- Các cô là nữ sinh Trưng Vương, phải biết giá trị của mình. Nữ sinh Trưng Vương không có phải dễ bắt đâu đấy nhé.
Mặc lời thầy dặn dò, Quỳnh gật đầu:
- Giang ạ, chiều nay 4 giờ Quỳnh sẽ có mặt ở tiệm kem Phương Lan.
Khi Giang đi theo cô bạn của Quỳnh để vào các lớp bán báo, Quỳnh dở cuốn báo Xuân Chu văn An, trong đó có bài "Dấu Tích", mà Giang là tác giả lấy bút hiệu là Vương Tưởng Bình. Chỉ đọc vài dòng đầu, Quỳnh đã biết là Giang viết về mình với hai nhân vật chính trong đó là tên thật của Giang và Quỳnh. Làm Quỳnh vô cùng xúc động.
Tấm thiệp xuân thứ nhất, Giang đã viết:
“Tháng giêng cỏ non, Chu văn An xin gửi đến Trưng Vương những lời chúc đẹp nhất cho mùa Xuân này.”
 
Trên tấm thiệp thứ hai:
 
“Thân gửi đến Quỳnh những gì dấu ái nhất trong mùa Xuân 74.”
 
Trời ạ! Những gì dấu ái nhất là những gì nhỉ? Quỳnh nghĩ miên man đến cuộc hẹn chiều nay với Giang. Thế ra Giang cũng thích tiệm kem Phương Lan. Đa số mọi người thích tiệm kem Mai Hương hơn. Hai tiệm kem này đều nằm trên đường Lê Lợi nhưng ở hai bên đường đối diện nhau. Quỳnh thích ăn kem trái cây ở Phương Lan. Tiệm này còn có bánh khoai môn chiên rất ngon. Bố thì thích kem cà phê, cô em của Quỳnh thích kem dừa được bỏ vào trái dừa tươi. Quỳnh chợt nhớ khi nãy Giang có bảo:
- Giang đến nhà thăm Quỳnh trước Tết này được không?
- Bố Quỳnh khó tính lắm. Chắc là Giang sẽ sợ đấy.
- Không sao đâu Giang. Bố Quỳnh mà gặp Giang là ông sẽ không khó đâu. Quỳnh không cần cho Giang địa chỉ, Giang biết nhà Quỳnh rồi.
- Sao Giang biết hay vậy? Mà có đúng nhà Quỳnh không đấy?
- Trước nhà Quỳnh có hai cây hoa giấy, màu đỏ và màu tím, đúng không?
- Đúng rồi, Giang hay thật!
- Giang sẽ đến thăm Quỳnh trước Tết đấy nhé.
- Dạ, Quỳnh sẽ đợi Giang.
Ngày cuối cùng của năm Quý Sửu, Quỳnh thức dậy từ sớm, khi ánh nắng ban mai chưa kịp chiếu qua cửa sổ phòng Quỳnh. Trong nhà tràn ngập màu sắc của tết. Cây mai vàng do bố mua và chăm sóc được chưng ở giữa phòng khách kết đầy nụ tròn đang chuẩn bị nở hoa. Năm nào bố cũng chăm làm sao cho hoa nở vào dịp giao thừa và hoa mai nào cũng 8, 9 cánh. Anh Châu đem về 4 chậu hoa vạn thọ và hoa cúc vàng. Anh Quan thì lại đem về hai chậu quất và hoa lay ơn đỏ. Rồi nào là bánh mứt bố mua ở tiệm Thọ Tháp đường Gia Long. Bố không thích bánh mứt của tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng bằng tiệm Thọ Tháp. Quỳnh thích mứt mãng cầu và mứt gừng dẽo cùng với mứt đậu xanh. Mọi năm không phải thi Tú Tài Quỳnh đã làm mứt này rồi.Sau cái Tết Mậu Thân, chính phủ đã cấm đốt pháo cho nên Tết đến mà không có tiếng pháo nổ đì đùng.
 

Dù trời xuân vẫn kiêu sa, vẫn rực rỡ,  Quỳnh thấy những ngày cuối năm thật buồn, thật ảm đạm. Buồn thấm thía. Tương lai, ngày mai thật huyễn hoặc. Quỳnh nhớ đến câu nói của Schopenhauer: "Sống là lo âu, là luyến tiếc dĩ vãng, bất mãn với hiện tại và cố gắng hy vọng đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng khi tương lai ấy đã đến, nó cũng chỉ là hiện tại đầy thiếu xót như trăm ngàn hiện tại đã trôi qua." Trời ạ! Không lẽ Quỳnh cũng thế sao? Buồn. Không khóc nổi. Dạo này Quỳnh chẳng thể khóc được. Lời hứa trước tết đến nhà thăm Quỳnh của Giang đã chìm vào hư không. Từ buổi chiều gặp Giang ở quán kem Phương Lan đến nay đã hơn hai tuần lễ rồi Quỳnh không nghe tin gì của Giang. Mãi cho đến bây giờ, sáng 30 Tết mà Quỳnh cũng vẫn không thấy Giang đâu. Thương yêu ơi, sao nỡ hững hờ với ta? Sao nỡ bỏ ta cô đơn, ta hiu quạnh, ta âm thầm một bóng, ta buồn sầu, ta nhăn nhó? Ta chỉ là ta với tháng ngày. Thế sao, mà buồn, mà nhớ.
Quỳnh nhớ lời thầy Phúc nói hôm nào, "con trai là xạo". Giang xạo quá đi Giang ạ! Bởi Quỳnh muôn đời là cô bé ngu ngơ, nhiều mơ mộng cho nên dễ tin vào lời hứa của Giang. Khối óc bảo Quỳnh, lòng tự dặn lòng là đừng nghĩ đến Giang nữa mà con tim lại chẳng chịu nghe lời, làm Quỳnh nghe nhói buốt. Mấy ngày nay ta sống lạc lỏng bơ vơ. Ôi, ta buồn. Ta xếp sách vở. Ta quẳng bút nghiên. Ta dại khờ. Ta ngu ngơ. Ta ngốc nghếch. Ta mãi là ta trong ảo tưởng. Sao mà nghe buồn quá đỗi. Những lo âu nặng óc, những buồn lo héo rũ, những muộn phiền không vơi, tình cảm không thể giải bày cùng ai. Biết làm thế nào đây hở Trời?

Từ bây giờ Quỳnh quyết định không bao giờ để ý đến chuyện tình cảm nữa. Suốt hai tuần lễ vừa qua, Quỳnh không dám đi đâu khỏi nhà sợ rằng Giang đến sẽ không gặp được Quỳnh. Nhưng hôm nay Quỳnh không thèm ở nhà. Quỳnh rủ cô em gái qua nhà anh Dương, chị Thi chơi bởi Giang sẽ không đến nữa đâu. Giang đâu có nhớ đến Quỳnh làm gì. Chị Thi là chị cả của Quỳnh. Chị có 3 cô con gái, cô bé lớn Như Thúy chỉ mới 9 tuổi. Khi Quỳnh đến nhà, cả 3 đứa chạy ra mừng. Như Thúy khoe với Quỳnh:
 
- Dì Quỳnh ơi, Bích Thu biết đọc chữ nguyên rồi đó dì!
 
- Thật không?
 
- Thật chứ dì, con dạy nó đó. Không tin, dì lấy tờ báo dì thử Bích Thu đi. Dì chỉ chữ nào Bích Thu cũng biết đọc hết.
 
Vừa nói Như Thúy vừa cầm tờ báo Chính Luận đưa cho Quỳnh. Nhưng Quỳnh không lấy tờ báo này. Sẵn tạp chí Newsweek cầm trong tay, Quỳnh chỉ cho Bích Thu đọc chữ Newsweek:
 
- Chữ này nè, Bích Thu đọc đi.
Bích Thu lắc đầu mếu mặt lại muốn khóc:
- Con không biết chữ này là chữ gì.
Quỳnh phá ra cười:
- Như Thúy nói dóc nhé, Bích Thu đâu có biết đọc đâu.
Như Thúy tức quá cãi lại:
- Bích Thu biết đọc, con dạy nó mà. Hồi đó con cũng dạy Khánh Vân đọc, dì Quỳnh không nhớ sao?
- Nhưng dì chỉ chữ này, Bích Thu nói là nó không biết đọc kìa.
Nghe ồn ào, anh Dương, chồng chị Thi, hỏi Quỳnh:
- Chuyện gì thế dì Quỳnh?
Sau khi biết chuyện, anh Dương cũng cười và nói:
- Dì Quỳnh trêu các con đấy, tiếng Anh thì làm sao Bích Thu đọc được.
Chị Thi nóng ruột:
- Dì Quỳnh này kỳ cục, mỗi lần gặp cháu là hay trêu.
 
Quỳnh về nhà đã hơn 3 giờ chiều, những giây phút trêu chọc các cháu bên nhà anh chị Thi đã làm Quỳnh vơi đi nỗi buồn. Bây giờ về đến nhà, nỗi buồn lại tràn ngập. Quỳnh bỏ vào phòng nằm, nghe cô đơn vô vàn. Nhà Quỳnh hiện giờ rất đông người bên họ nội. Các cô chú và các anh chị họ đều đến. Bố Quỳnh là Trưởng tộc cho nên năm nào họ hàng cũng đều tụ họp tại nhà Quỳnh vào chiều cuối năm và sáng mồng một để ăn tiệc cuối năm và chúc mừng năm mới.
Quỳnh thấy buồn vô cùng, đúng là "Vắng bóng một người vũ trụ như hư không". Đang suy nghĩ miên man,anh Quan gọi Quỳnh:
 
- Quỳnh, có ai tìm kìa!
 
Quỳnh vội choàng dậy, chạy ào ra phòng khách, đồng hồ cũng vừa gõ 4 tiếng chuông thánh thót. Giang đang đứng trước cửa, hôm nay Giang mặc quần jeans xăng gai màu xanh nước biển, áo sơ mi cùng màu ngắn tay và mang giày chứ không mang sandals như lúc đi học. Nhìn Giang đứng trước mặt có dáng thư sinh của anh chàng Vân Hạc trong cuốn "Lều Chõng" của Ngô Tất Tố, Quỳnh tưởng như là trong mơ. Giang đem đến một hộp ô mai tặng Quỳnh và tặng bố Quỳnh hai chai rượu Whisky. Bố tiếp đón Giang rất niềm nỡ:
 
- Cháu học trường nào?
 
- Thưa, cháu học trường Chu văn An ạ!
 
- Bố mẹ cháu vẫn khỏe chứ?
 
- Cám ơn Bác ạ! Bố mẹ cháu vẫn khỏe ạ!
 
Từ chiếc Akai, những điệu nhạc mùa xuân đang reo vui, tình cờ làm sao, bản nhạc "Anh đến thăm em đêm 30" lại trổi lên. Trong không khí thiêng liêng của buổi chiều cuối năm, bên cạnh vẻ tươi vui của những chậu hoa cúc trước nhà, Quỳnh nghe lòng mình rộn rã. Mùa xuân năm nay ở đây, không có pháo nổ, không có hoa đào khoe sắc, nhưng Quỳnh cảm nghe một mùa xuân đang về với những yêu thương ngọt ngào đầm thắm và nồng nàn. Giang khen Quỳnh có nụ cười rất hiền và rất dịu dàng. Quỳnh hỏi Giang:
 
- Sao Giang đến thăm Quỳnh hôm nay vậy?
 
- Quỳnh biết bài thơ "Hà Nội 36 Phố Phường" của Nguyễn Bính không?
Nhà ấy hình như có mặt trời,
 
Có rừng có suối có hoa tươi;
 
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm ?
 
Không! Có gì đâu, có một người .
 
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
 
--Có nên qua đấy nữa hay không ?
 
Không nên qua đấy, nên qua đấy ,
 
Không: Nhớ làm sao! Qua mất công .
Và rồi Giang cười:
 
- Tối hôm qua Giang vừa nằm mơ Quỳnh ạ!
 
- Thế hở Giang? Có vui không, chắc là giấc mơ đẹp?
 
- Anh thấy anh đi vào một khu rừng thật đẹp, đầy hoa, mùi thơm toả ngát và từ đàng xa Giang bỗng thấy ánh sáng thật đẹp, thật trong. Ở giữa vùng áng sáng ấy là một nàng tiên đẹp tuyệt trần tươi cười đến bên anh. Lúc đó anh không còn biết anh là anh nữa. Anh chỉ thấy cảnh đẹp, trời đẹp và lòng mình đẹp. Nhưng bỗng nhiên nàng tiên biến đâu mất và trên tay anh là một đóa hoa quỳnh. Anh đã cất tiếng gọi nhỏ: "Quỳnh ơi!"
 
- Giang chỉ giỏi xạo!
 
Giấc mơ thì chỉ có thế nhưng cũng đủ làm Quỳnh xôn xao. Giang hỏi Quỳnh:
 
- Quỳnh có biết tại sao dạo này Chu văn An xuống dốc không?
 
- Chắc tại mấy anh Chu văn An ham chơi hơn ham học phải không? Cho nên Chu văn An xuống dốc là đúng rồi!
 
Giang bật cười:
 
- Không phải đâu, mấy anh Chu văn An vẫn rất ham học, nhưng vì mấy cô Trưng Vương đứng ở cuối dốc nên Chu văn An phải chạy xuống dốc đấy Quỳnh ạ!
 
Giang bảo Quỳnh:
 
- Quỳnh xòe tay ra đi.
 
- Giang biết coi bói à? Mấy ông con trai hay bày đặt cái trò coi bói lắm đó nghe! Giang coi hộ năm nay Quỳnh thi đỗ không?
 
- Quỳnh thi đỗ là cái chắc rồi, còn đỗ rất cao nữa. Khi nào đại đăng khoa xong là Quỳnh sẽ tiểu đăng khoa liền hà. Tại vì Quỳnh học giỏi và Quỳnh đẹp lắm.
 
- Giang xạo quá đi.
 
- Giang không có xạo đâu. Thời gian sẽ cho Quỳnh thấy là Giang rất thật lòng.
 
Giang chợt hỏi Quỳnh:
 
- Giang định sau này học Chính trị Kinh Tế Thương mại, Quỳnh thấy có hợp với Giang không? Con trai mà học ngành này có vẻ yếu Quỳnh nhỉ?
-Bộ Giang định thay ghế của Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc sao?
Giang cười rồi nói tiếp:
- Quỳnh biết không, từ lần đầu tiên gặp Quỳnh, Giang học bài không vô. Tháng đầu tiên Giang hạng mười mấy, tháng rồi Giang hạng 5. Kỳ thi Đệ nhị lục cá nguyệt Giang sẽ cố. Mà Quỳnh cũng vậy nữa nghe. Quỳnh ban A nên Quỳnh học hai cuốn Vật Lý và Vạn vật trước đi.
Trước khi ra về, Giang lại bảo Quỳnh lần nữa:
- Quỳnh xòe tay ra đi Quỳnh!
Quỳnh vâng lời, xòe tay ra, Giang nhẹ nhàng đặt vào bàn tay Quỳnh một chiếc lá vàng. Rồi Giang nói:
- Dù sau này cuộc đời có thế nào đi nữa, Giang vẫn không bao giờ quên Quỳnh đâu Quỳnh ạ!
Không lẽ Giang tỏ tình với Quỳnh như lời của bản nhạc: "Anh đến thăm em đêm 30", ... anh nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.... Quỳnh nghe một chút bâng khuâng, một chút buồn, một chút vui. Chẳng hiểu vì sao. Vì sao thế? Chẳng biết.
 
Quỳnh ra đứng trước cửa tiễn Giang đi, Giang leo lên xe Honda dame chạy rồi còn đưa tay lên cao vẫy vẫy vài cái với Quỳnh.
Người ra về có ta mong nhớ,
Người ra về, người nhớ ta không?
Sau khi Giang về, bố bắt đầu la Quỳnh. Lúc nãy vì lịch sự nên bố cho phép Quỳnh tiếp Giang, nhưng bây giờ thì bố không im được. Thật ra bố bị shock vì cô con gái rượu của bố ngày nào học rất giỏi và còn nhỏ bé trong mắt bố bỗng nhiên có bạn trai đến nhà làm sao bố không bất ngờ lo sợ cho được. Khi bố la, các anh chị cô chú đều la Quỳnh luôn. Không một ai lên tiếng bênh vực Quỳnh cả.
Bố nói:
- Con muốn học tiếp thì không được bồ bịch, còn muốn lấy chồng thì nói gia đình cậu Giang gì đó đem trầu cau tới hỏi, bố sẽ gả. Không có được bồ này bồ nọ. Thi Tú tài phải đỗ cao, còn đi du học nữa. Sau này con có gia đình, không sợ gia đình chồng coi thường con. Vả lại, con còn phải dạy dỗ con cái của con nữa. Bố tuyệt đối cấm không có bạn trai nào cả.
 
Quỳnh cãi lại:
 
- Tụi con chỉ là bạn thôi mà, không có ai thèm cưới con đâu.
 
Anh Châu nói:
 
- Con gái mà mê con trai là nó biết liền.
 
Anh Quan đổ dầu vô lửa:
 
- Em muốn làm sao? Em muốn bố chấp nhận cho bạn trai của em đến nhà thăm em à?
 
- Chứ không lẽ em là con gái lại đến nhà con trai sao?
 
Bố nói tiếp:
 
- Không có bạn bè gì hết, mà cũng không có chuyện thăm hỏi gì sất. Đi học hoặc lấy chồng, vậy thôi!
 
Mỗi người một câu. Người nào cũng ngăn cấm Quỳnh quen Giang.Tuy Quỳnh bị cả nhà la, nhưng Quỳnh thấy mùa xuân sao đẹp quá. Quỳnh hỏi thầm: " Có phải là Quỳnh đã yêu rồi chăng?". Quỳnh nghĩ ra một điều là Quỳnh sẽ không xin bố nghỉ học ở Hội Việt Mỹ nữa. Bố không cho phép Giang đến nhà thì Quỳnh sẽ gặp Giang ở Hội Việt Mỹ. Tìm ra được giải pháp, Quỳnh thấy nhẹ nhỏm. Mùa xuân Giáp Dần đang đến. Môt mùa xuân đầy những kỷ niệm yêu thương, ngọt ngào và Quỳnh thấy mùa xuân đáng yêu vô cùng.
 
Quỳnh nhớ lại ánh mắt của Giang nhìn Quỳnh thật nồng ấm và nụ cười của Giang thật rạng rỡ. Ôi, Quỳnh mang mãi nụ cười thân yêu đó. Tưởng chừng như không bao giờ có thể quên. Tưởng chừng như không bao giờ đánh mất. Mùa xuân đang trở về, mùa này là mùa hạnh ngộ, mùa này là mùa thương yêu. Quỳnh nghe một niềm vui như nắng mai buổi sáng. Ước gì Quỳnh giữ mãi tình cảm của Giang dành cho Quỳnh ngày hôm nay, suốt đời ....
 
***
 
 
 
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa lắm, nhớ ta không?
 
(bài thơ "Nhớ Bạn Phương Trời" của Trần Tế Xương)
Giang thân yêu, đã gần 40 năm qua rồi mà Quỳnh vẫn nhớ như in buổi chiều 30 Tết năm xưa có Giang đến thăm. Cả cuộc đời của Quỳnh không có buổi chiều 30 Tết nào đáng yêu và đáng nhớ đến như vậy.
 
Giang yêu dấu, thế nhưng đôi khi bước chân của Quỳnh cũng hụt hẫng. Sau cái Tết năm đó, buổi chiều 30 tết của những năm sau, cứ đến 4 giờ chiều là Quỳnh hay ra ngồi trước cửa để nhớ về kỷ niệm xưa, tìm về một mùa Xuân êm đềm cũ có Giang trong đời. Chuyện bố la, không bao giờ Quỳnh kể lại cho Giang nghe. Lúc đó Quỳnh sợ là Giang biết được bố cấm Quỳnh gặp Giang thì Giang sẽ ngại mà không gặp Quỳnh nữa. Cho đến sau này, cũng không bao giờ Giang biết được là đêm giao thừa năm đó Quỳnh bị la tơi bời vì sự xuất hiện của Giang. Cho dù Quỳnh ở Việt Nam hay là ở Mỹ và Quỳnh đã thay đổi chỗ ở biết bao lần với những ngôi nhà khác nhau, không giống tí nào ngôi nhà ngày xưa ở Việt Nam mà Giang đến thăm, nhưng đến 4 giờ chiều 30 Tết là Quỳnh không làm gì cả, chỉ ra ngồi trước cửa và nhớ về Giang của Quỳnh năm xưa.
 
Giang yêu dấu, những kỷ niệm với Giang cho đến bây giờ Quỳnh vẫn cất kỹ. Bức tranh "Áo Lam trưng Vương", cuốn báo Xuân Chu Văn An, hai tấm thiệp xuân, tờ giấy bạc hai trăm đồng mà Giang đã lì xì cho Quỳnh ngày mồng ba Tết năm đó, những index cards mà Giang đã làm cho Quỳnh, tấm hình 4x6 học sinh của một thuở học trò quần xanh áo trắng của Giang và cả tấm hình Giang chụp khi được giải thưởng Hùng biện Anh Ngữ do Hội Việt Mỹ tổ chức cũng trong năm đó với nụ cười thật tươi ... Tất cả đã được Quỳnh giữ gìn thật trân trọng. Kỷ niệm của một thời con gái. Kỷ niệm của một mối tình đầu. Suốt đời không bao giờ Quỳnh quên được Giang ơi!

Thanh Huyền

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.