TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
 

     Suốt quãng đời thơ ấu tôi phải chạy loạn nhiều đến đổi không còn nhớ đầy đủ những địa danh tôi và gia đình từng tạm trú. Ở bậc tiểu học số ngày tôi đến lớp bằng hay ít hơn những ngày vắng mặt của tôi vì đủ thứ chuyện như: chạy giặc, tản cư v . .  v . . Nghỉ nhiều nên học dở là điều ai cũng đoán được. Thậm chí khi tôi sắp sửa thi bằng tiểu học, ông thầy dạy tôi năm lớp nhì công khai cá độ với các đồng nghiệp:  Nếu thằng Sơn thi đậu tôi sẽ thua môt tháng lương. Tội nghiệp quí thầy lúc ấy chắc nghèo vã lại có ai tin tôi đâu mà dám cá, thành thử thầy Nhì không mất tiền vì năm ấy tôi thi đậu mà đậu cao nữa.
 

    Sau tháng 7-1954,tôi đã vào học trung học, bấy giờ ba tôi mới quyết định dọn nhà về Bà Lang để chúng tôi yên tâm đi học. Mười mấy năm chạy giặc, giờ nầy đáng lẽ mọi người đều qui cố hương. Nhưng trớ trêu thay, dường như ai cũng linh cảm sẽ có ngày lại tái diễn cảnh loạn ly nên bà con ai cũng thủ cảnh  “chân trong chân ngoài “.  Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, đã cất nhà ở chợ, nhưng ba tôi cũng che một chòi nhỏ ở cái Muồng để có chỗ nghỉ ngơi săn sóc vườn tược, ruộng nương.

    Về xóm nhà mới này tôi cảm thấy như mình lớn hẳn lên, một phần vì tôi đã vào trung học, mà học trung học thì luôn mặc đồng phục, áo lúc nào cũng bỏ vào quần, chân thì giày vớ, không còn xà lỏn, guốc vông hoặc chân đất như hồi còn ở bậc tiểu học nữa.  Đặc biệt xóm nầy, những thanh niên cỡ tuổi tôi rất hiếm, họ ở lứa tuổi đàn anh, hoăc  đang là học sinh tiểu học. Về phần nữ đa số cỡ tuổi em gái tôi. Chỉ hai cô suýt soát tuổi tôi:  đó là cô Tứ và cô Mãi. Hai cô nầy cũng là dân mới đến ngụ cư giống như tôi.

     Tứ người Cái Ngang, đến sau gia đình tôi độ năm sáu tháng.  Ba cô làm thợ rèn và bác mở một lò rèn ở dốc cầu Cây, cây cầu nối liền  chợ xã Phú Quới và xóm tôi.  Tứ có cô em gái học chung lớp với em tôi và một cậu em út sắp tới tuổi vào trường.

    Ba của Tứ và ba tôi dường như hợp nhau lắm.  Hễ rổi việc là hai ông tìm đến nhau uống trà đàm đạo bàn đủ mọi chuyện trên đời, từ chuyện giặc giã năm xưa, đến việc làm ăn  v. . v . .  Do vậy Tứ đên nhà tôi chơi mà không cảm thấy lạ lẵm, vẫn tíu tít với em gái tôi, đôi khi cả với tôi.

      Ngoài Tứ còn một cô nữa cũng là bạn mới với em tôi cô Mãi, người Bắc, về xóm tôi hồi nào tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết ba cô Mãi là ông già Bắc kỳ một trăm phần trăm. Trong xóm người ta gọi là ông Tư Bắc. Ông mua lại cái nhà nhỏ của người trong xóm sống với con gái là Mãi và con trai út.  Tối ngày ông quanh quẩn trong nhà ít khi giao thiệp với bà con trong xóm.  Ông đi đứng khó khăn, chân thấp, chân cao, di chuyển chậm chạp như người thương tật dù ông không chống gậy hay dùng nạng.  Hai con ông ăn mặc gần giống như dân làng, chỉ riêng ông vẫn giữ nét đặc thù của người bắc di cư:  áo quần màu “dà”, thỉnh thoảng mới thấy ông diện đồ kẻng, quần tây, áo sơ mi trắng đón xe đi tỉnh.  Dù mới vào Nam không bao lâu, Mãi hội nhập mau lẹ trong cách sử dụng ngôn ngữ.  Ban đầu cô còn dùng từ:  vâng ạ, thét rồi cô cũng bắt chước cách nói rặt khuôn miền Nam  như:  thưa bác con về  hay dìa mà bỏ đi tiếng ạ không cần thiết.  Mấy đứa em tôi thường  khen:

    - Chị Mãi bây giờ là dân Nam kỳ rặt rồi.

     Những lần được khen như thế Mãi cười rất tươi có vẻ sung sướng lắm.

    - Mãi cố gắng sợ các bạn chê là người Bắc rồi không ai chơi với Mãi. 

     Kể cũng tội nghiệp, cả làng  chỉ có nhóm nhỏ người miền Bắc di cư, họ tạm ngụ tại Bầu Gốc cách Phú quới hơn cây số, không biết lý do nào gia đình Mãi tách rời tập thể sống quây quần với người Nam.  Có lần trong câu chuyện vui, tôi chọc Mãi:

    -  Cô Bắc kỳ nhỏ nầy đi lạc rồi, bộ cô không sợ sao?

     Mãi cười tươi:

    -  Xóm nầy ai cũng tốt với em  thì em còn sợ gì nữa.

     Ba má tôi luôn vắng nhà.  Ba chăm lo vườn tược ruộng nương.  Má nếu không phụ ba trong việc đồng áng thì bà chạy ghe gắn máy  vào vùng xa xôi mua lúa chở ra tỉnh chà gạo bán.  Công việc tuy có cực khổ nhưng lợi nhuận cao, nên bà không bỏ được. Việc nhà, cơm nước giao cho em gái tôi lo liệu.  Ngoài giờ học,  khi rảnh rỗi cô thường rủ các cô bạn cùng xóm về nhà nấu ăn hoặc làm bánh trái cho vui.  Trong số các bạn của em tôi lúc nào cũng có mặt Mãi và Tứ.   Hai cô như con cái trong nhà, má tôi vừa cặp ghe vào bờ, hai cô cùng phụ bưng món nầy, xách món kia lên nhà.  Hai cô quen thuộc nhà tôi từng  li từng tí nên sắp xếp mọi vật dụng đâu vào đấy rất vừa ý má tôi vì vậy mỗi lần về  nhà bà đều có quà cho hai cô khi thì trái bưởi, lúc ít trái bắp nấu v . . v . .  Má tôi thường nói với các bà bạn:

    -  Phải chi tôi có hai con gái như Tư và Mãi thì đỡ biết mấy.

     Nghe lời khen của má tôi, thím Hai cạnh nhà để ý.  Một hôm tôi từ tỉnh về tới nhà, còn đang chào hỏi ba má thì thím Hai lên tiếng:

    -  Chị Tư định chọn vợ cho cháu, trong hai cô Mãi, Tư cháu chấm ai?
 
     Tôi mắc cỡ chỉ mỉm cười rồi lủi vô nhà.  Hai cô, tuy dáng quê mùa một tí nhưng ai cũng dễ mến, ngặt nỗi từ lâu tôi đã để ý đến hai cô khác, một cô răng khểnh, người bạn thưở chạy giặc, môt cô má lúm đồng tiền học cùng lớp, lòng nhủ lòng là chỉ chọn một trong hai cô ấy mà thôi.  Còn Tứ, Mãi tôi xem như em gái nên  bao giờ tôi cũng giữ gìn  ý tứ khi chuyện trò cùng các cô.
 
 
 

    Nhà tôi vào những ngày thứ bảy, chúa nhựt hoặc ngày lễ giống như một lớp học.  Các em sắp đi thi Tiểu Học hay thi vào Đệ Thất ở cùng xóm thường nhờ tôi giảng giúp bài vở.  Ban đầu, một hai đứa em trong vòng bà con, lần hồi con số lên đên bảy  đứa cả trai lẫn gái.  Ba má tôi coi việc kèm thêm các em trong xóm là việc nên làm.

    Ông khuyên tôi:  người ta có tin tưởng mới nhờ mình giúp, vã lại trong lúc chạy Tây cũng có người vì lòng tốt đã giúp con học hành mới có chút thành tựu như ngày nay.  Lời ba tôi dạy chí phải hơn nữa dạy các em cũng không mất nhiều thì giờ.  Đôi khi tôi nghĩ hay là mình có số làm thầy giáo, ở nhà trọ ngoài Vĩnh long cũng dạy kèm  cho cô bạn, cuối tuần lại kèm cho các em cùng xóm.

    Nhớ lại giai đoạn nầy  tôi cảm thấy có nhiều điều đáng ghi nhớ.  Trưa thứ bảy, từ tỉnh về nhà, nếu ba tôi có ở nhà, sau khi chào hỏi, tôi phải thuật lại mọi sinh hoạt của tôi trong suốt tuần như ăn ở học tập v. . v. . Chiều đến, cơm nước vừa xong đã thấy các em “ học sinh” lảng vảng trước nhà, lúc nầy tôi lại lo việc của một ông thầy. Vì cùng lứa tuổi nên học trò rất cởi mở, thẳng thắn trình bày những điều mà các em chưa thấu đáo, không rụt rè e sợ, nên học trò của tôi tiến bộ thấy rõ. Thấy việc học cũng vui vui nên hai cô Mãi và Tứ cũng yêu cầu tôi dạy giúp. Hai cô không ngại ngùng khi phải ngồi học với các em nhỏ tuổi hơn mình. Việc dạy kèm có kết quả nên một số phụ huynh đề nghị tôi thu nhận thêm học trò, nhưng tôi từ chối vì tôi còn phải đi học.

    Tết năm 1956 là cái Tết tôi nhớ mãi. Chiều hai mươi bảy tháng chạp trước khi  bắt đầu lớp tối như thường lệ một số chú bác trong đó có bác Năm Lò Rèn, Bác Tư Bắc (ba cô Mãi) đến chơi và cùng đàm đạo với ba tôi.  Qua vài phút chuyện trò tôi biết các vị đó mang quà đến tặng tôi nhân dịpTết . Tôi  từ chối không được đành miễn cưỡng nhận lấy. Đây là kỹ niệm khó quên trong đời tôi. 
 

    Lễ Phục Sinh năm đó, ba má tôi mời Tứ và Mãi về quê dự buổi tát đìa bắt cá chuẩn bị cho đám giỗ bà nội tôi.  Được về vườn chơi Mãi mừng lắm, vì từ khi vào Nam tới giờ cô chưa lần nào về vườn.  Chín giờ sáng hai cô đã sẵn sàng, ngồi ghe nửa giờ thì tới chỗ.  Ăn cơm buổi sáng, ngoài gia đình còn có thêm hai chú phụ tát mương.  Xong bữa cơm hai chú và ba tôi bắt đầu tát nước bằng gàu dai (gàu không cán, buộc bốn dây cho hai người tát).  Phần tôi mang dao  ra vườn chuối lựa buồng  già đốn xuống, cũng nhân tiện bẻ mấy bắp chuối khi đã ra hết trái cho buồng mau lớn, trái tốt.  Công việc của tôi chỉ có vậy, rồi phải vác các buồng chuối xuống ghe. Hai cô Mãi, Tứ phụ má tôi dọn dẹp đồng thời còn lo bữa cơm cho mọi người khi bắt cá xong.  Lợi dụng thời gian rảnh má tôi cùng hai cô ra vườn chuối rọc lá đem phơi cho héo để gói bánh ích và bánh tét.  Tứ như quen với không khí nhà vườn, trái lại Mãi có lẽ còn bỡ ngỡ nên chuyện nào cô cũng hỏi han cho biết.

    Chẳng bao lâu nước trong đìa còn độ một tấc những con tôm càng râu đỏ lội tới, lội lui tìm chỗ thoát thân, cùng lúc đàn cá sặc bướm, sặc rằng hối hả theo dòng nước.  Khi đìa cạn nước bấy giờ mới thấy những con cá lóc, cá trê, cá rô chạy đàng nầy, lủi đàng kia, lúc phóng lên cao hy vọng tìm đường ra sông lớn.  Gặp ba tay bắt cá thiện nghệ, hai chú và ba tôi, nên chúng tìm chỗ trốn cũng vô ích, đã vậy gặp thêm tôi và vài ba người bắt hôi nữa thì con đường đào tẩu của chúng khó lắm. Tứ, Mãi đứng trên bờ chỉ trỏ những con cá phơi mình trên bùn một cách thích thú.  Có lúc quá hăng say, hai cô toan nhảy xuống mương như mọi người.  Bắt cá xong má tôi lo làm cá nấu canh chua, kho, nướng.  Những con cá lớn rộng lại để ăn dần. Mọi người tắm rửa và bắt đầu ăn cơm.
 
 
 
 

    Chúng tôi về nhà trời đã chiều, ai cũng nhận một phần quà nho nhỏ.  Mãi, Tứ mỗi cô một phần cá và một buồng chuối.  Mãi ngạc nhiên tột độ vì cô không ngờ đi chơi mà lại có quà.  Cô tần ngần mà chưa chịu ra về, sau đó cô trình bày cảm nghĩ của riêng mình.  Má tôi giải thích đó là lòng hiếu khách của người miền Nam.  Dường như cô suy nghĩ nhiều, mấy lần định nói lại thôi.

    Gần mùa hè, Tứ vắng mặt ở lớp tối độ hai tuần, tôi tưởng Tứ bận việc nhà, sang tuần lễ thứ ba Tứ đến nhà báo cho tôi biết cô xin thôi học.  Tôi hỏi lý do Tứ chỉ cười mà không nói.  Mãi tiết lộ:  chị Tứ sắp đám hỏi.  Tôi ngạc nhiên trong giây lát, rồi nói như cái máy:

-    Chúc mừng em nhe Tứ.

Tứ chỉ mỉn cười. Tôi hỏi tiếp:

- Anh ấy quê quán ở đâu?  Chừng nào đám cưới.

    Tôi hỏi vì lịch sự chứ thực ra tôi không mấy quan tâm . Tứ chỉ là cô láng giềng, tình thân chưa là bao nhiêu bảo quan tâm thì có vẻ vô lý.

    Hai tháng sau ba tôi nhận được thiệp mời đám cưới từ gia đình bác Năm.  Tôi cũng được Tứ đến nhà mời dự lễ đưa dâu.

    Đám cưới của Tứ đơn sơ nhưng thân tình, gồm bà con nội ngoại của cô và một số khách là người trong xóm.  Hôm nay Tứ diện thật đẹp miệng luôn nở nụ cười tươi.  Trái lại chú rể hơi có vẻ cục mịch.  hìn vợ chồng Tứ làm lễ gia tiên tôi thấy có chút  bùi ngùi như luyến tiếc. Phải chăng tôi tiếc nuối một bóng hồng cạnh vườn nhà mình mà không biết thưởng thức?

Sau ngày cưới của Tứ, ớp học thưa dần vì sắp đến kỳ thi.  Học trò cần nghỉ ngơi dưỡng sức.  Mãi cũng xin nghỉ  để đi học may.  Mới ngày nào hai cô gái như đôi chim líu lo, nay hai con chim nhỏ đã vỗ cánh tung bay.  Tôi lại trở về thực tế, phải ôn bài vở vì cũng đến kỳ thi quyết định tương lai của đời tôi. Tạm gác lại mộng mơ, dù là mộng đẹp.

    Những năm sau đó, tôi  trở thành công chức rồi bị động viên như bao thanh niên thời chiến.  Cuộc sống rày đây mai đó, thời gian về thăm xóm cũ cũng thưa dần.  Ba má tôi mất sau trận pháo kích gần chỗ làm ruộng của ông bà.  Phải chăng là định số trong khi chỉ còn dăm ngày nữa thì công việc  đồng áng của ông bà hoàn tất.  Các em tôi gom về nhà mới ngoài tỉnh, nhà cũ ở Phú Quới giao cho chú họ trông coi.  Tôi ít về thăm xóm cũ, nơi đầy ắp những kỷ niệm dấu yêu trong đó có bóng hình hai cô em dễ thương, dễ mến thưở nào. Tứ giờ đã mấy con, cuộc sống thế nào?  Cô Bắc kỳ nhỏ, sau đám tang ba má tôi cũng biến mất, tới nay không ai biết cô cư ngụ nơi nào.

    Cơn lốc 30-4-75 cuốn hút toàn thể miền Nam nước Việt vào vòng xoáy, gia đình tôi cũng như toàn thể công dân nước Việt Nam Công Hòa chịu ảnh hưởng khốc liệt của nó.  Gia đình nào cũng có người đi học tập cải tạo không với tội danh Ngụy quân, Ngụy quyền thì cũng thuộc thành phần tư sản mại bản, tôn giáo v. .v. . Kinh tế mỗi ngày mỗi tồi tệ.  Ban đầu người ta bán đồ tế nhuyễn, lần hồi bàn ghế giường tủ, nói tóm lại cái gì bán được thì cứ bán để lo miếng ăn cho gia đình.  Sau những năm  vất vả trong tù, khi được thả ra tôi phải đối diện với sự cùng quẩn của gia đình.  Thôi thì tha phương cầu sinh kế hy vọng tìm gặp vận may. Tôi đến La  Ngà làm  rẩy.  Công việc cực khổ, nhưng thu vào không là bao, đã vậy mỗi lần đem nông phẩm đi bán, cũng chịu cảnh ngăn  lộ, chận cầu để thu mua với giá rẻ mạt.  Những tháng hai, ba âm lịch  nằm không đợi vụ mùa.  Một hôm buồn chán tôi đến chợ để xem qua cảnh sinh hoạt ở đây, đồng thời thưởng thức hương vị tách cà phê đắng của thưở nào.  Tôi toan đứng dậy ra về, ở trước cửa quán một người đàn bà dáng quen quen nhìn chòng chọc vào tôi, bất chợt bà lên tiếng :

-    Xin lỗi có phải anh Hai Sơn ở Phú Quới không?

Tôi quên cả dè dặt, phản ứng như cái máy:

    - Dạ phải, xin bà cho biết bà là ai?  Sao lại biết tôi?

    - Trời ơi!  Em là Mãi cô Bắc kỳ nhỏ năm xưa nè.  Vừa nói Mãi vừa chồm đến nắm cứng tay tôi.  Giọng nghẹn ngào đầy xúc động:

    - Em tưởng đâu kiếp này không còn gặp anh nữa.

Chuyện chúng tôi còn dài không thể dăm ba phút mà kể hết được.  Mãi khẩn khoản mời tôi đến nhà nàng. Tôi xin địa chỉ hẹn sẽ đến. Liền khi đó Mãi đổi ý:

-    Hay là anh cùng đi với em bây giờ?  Xe đò Phương Lâm sắp tới.  Đi cùng em nghe anh.

    Tôi gởi xe đạp ở nhà người quen rồi cùng Mãi đón xe về nhà nàng.  Nhà Mãi cách lộ xe chừng năm mươi thước.  Đó là nhà tranh, vách lá có vẻ kín đáo, gọn ghẻ.  Sát bên trái cũng có một ngôi nhà giống nhà của Mãi, bên phải là vườn chuối chừng ba sào, đang thu hoạch, phía sau là vườn đu đủ  độ vài trăm cây vừa có trái.

Khi chúng tôi vào nhà ba đứa trẻ trạc tám chin tuổi chào hỏi li nhi.  Mãi chỉ đứa trai lớn hơn cả giới thiệu:

-    Đây là con em và hai đứa kia con của Kịch.  Anh còn nhớ Kịch em của em chứ?

     Tôi gật đầu.  Mãi kể tiếp:  Sau khi ra trường Sĩ quan Thủ Đức, Kịch đổi về Biên Hòa giữ chức Đại đội phó một đơn vị Bảo an gần Trảng Bom.  Ba em đi thăm nó và thấy đất đai ở gần vùng Trảng Bom giá vừa phải nên ông mua hai công và cất nhà ở.  Sau đó em cùng  ba lên đất nhà lập nghiệp. Em xin may ở một tiệm gần nhà và quen với ông Trung sĩ ở đơn vị do Kịch chỉ huy. Tụi em nên duyên chồng vợ. Lần hồi em mở tiệm may.  Tiệm may ngày một phát đạt, tương lai tươi sáng và bé Quốc ra đời.  Tụi em tạo được ngôi nhà khá khang trang gần tỉnh, được hai năm ba em qua đời.  Kịch tới ngày 30-4 đã mang cấp bậc thiếu tá nên bị đưa ra Bắc cải tạo.  Kịch có hai cháu, hiện nay vợ Kịch cất nhà cạnh nhà em cùng săn sóc vườn sống qua ngày đợi Kịch về.  Chồng em, bị pháo kích chết cuối năm 1974.  Miếng vườn và đất nầy em mua và mướn người trồng trọt.  Hiện tại em vừa làm rẫy vừa may đồ cho bà con xung quanh.  Cuộc sống tạm đủ ăn, đủ mặc, nhưng nơi nầy quá buồn tẻ, tương lai các cháu mù mờ. Mãi đưa tôi đi một vòng xung quanh vườn nàng và của đứa em dâu (vợ của Kịch).  Tôi vào nhà tắm rửa nghỉ ngơi trong khi Mãi và cô em chuẩn bị cơm nước.  Đang lúc mọi người thiếu ăn, thiếu mặc, gia đình Mãi tạo được miếng rẫy có huê lợi đủ sống là một điều đáng mừng.
 
 

      Đã hơn mười năm không gặp, tình cờ hội ngộ hôm nay nên chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện cần nói.  Chúng tôi hàn huyên đến gần sáng.  Trong những câu chuyện đầu Ngô mình Sở, Mãi tiết lộ một bí mật:

    -Anh biết không năm xưa chị Tứ đã yêu anh.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

    -  Sao anh không biết?

Mãi trách móc:

-    Tụi em thấp kém nào có xứng đáng với anh đâu mà để ý với không.

Tôi bắt bẻ:

    -  Em vừa nói Tứ yêu anh sao bây giờ lại tụi em?

Mãi thú thật:

    - Anh cũng là người trong mơ của em năm xưa.  Em đợi, em chờ nhưng anh vẫn làm ngơ.
Tôi an ủi Mãi, cũng là cách xoa dịu lòng tôi khi tôi cũng đã theo hình bắt bóng:

    -  Tuổi trẻ có nhiều chuyện không như ý.

    Tôi và Mãi nhìn nhau mỉm cười thông cảm.  Sau đó chúng tôi còn tới lui  thăm nhau nhiều lần nữa cho đến lúc tôi vội vã ra đi không kịp nói lời từ tạ.
 

Viết xong May 14, 2012
Nguyễn Thành Sơn
 
 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.