TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 


           Ngay khi còn sống với cha mẹ, hay lúc đã là trụ cột của gia đình, tính tôi rất giản dị, không muốn những rườm rà, phiền phức, quấy rầy mình, nhưng những gì tôi chấp nhận và theo đuổi chắc chắn không bao giờ tôi bỏ cuộc như: đánh bóng lư đồng, lảy và chăm sóc mai và vài việc khác nữa v.v Vào trung tuần tháng Chạp, khi gió bấc nhè nhẹ thổi về, ba tôi luôn nhắc tôi o bế bộ lư chuẩn bị đón Tết. Ai từng làm nhiệm vụ này mới thấy rằng đây không phải là việc dễ. Công việc khởi sự từ ăn cơm sáng đến chiều tối mới xong, đôi khi còn kéo dài sang ngày hôm sau nữa.         

alt

          Những năm còn ở vùng quê, muốn đánh bóng bộ lư phải trải qua nhiều giai đoạn nhiêu khê: ngâm lư vào lu đựng hèm một đêm (hèm: bã sau khi cất rượu xong) cho chất ten, chất xanh do đồng thau sanh ra hay (oxyt) tróc bớt rồi dùng khế, chanh xát vào lư, về sau có dầu bóng  bày bán ở các tiệm sắt, công việc có phần giản dị hơn đôi chút. Tuy nhiên  việc chính vẫn là dùng giấy báo chà cho sạch chất ten, xong đem phơi nắng một tí. Sau cùng dùng tay bọc giấy kỳ cọ tới lui đến lúc nhìn vào thấy mặt mình hiện lên thì mới tạm coi là được. Các bạn tưởng tượng xem bộ lư gồm hai chưn đèn, những trái đào, con lân v.. v phải ít nhất một ngày làm việc liên tục, trầy cả bàn tay họa may mới xong. Đôi khi nhìn thấy bóng láng tưởng đã yên, nào dè ba tôi chưa đồng ý, lại phải làm tiếp.

          Nhũng năm sau nầy, tôi để dành chút ít tiền chở bộ lư mướn chùi nhằm tiết kiệm thì giờ. Tôi yên trí là khỏi phải mất công đánh bóng như trước nữa, nhưng khi mang về, ba tôi vẫn chê vì họ chỉ mài cho sáng vừa bào mòn lư lại không bóng như chùi bằng tay. Thế là năm tiếp theo lại bổn  cũ soạn lại. Sở dĩ ba tôi không chịu dùng máy đánh bóng vì lư nhà thuộc loại lư xưa, chất đồng rất quí hiếm.

          Ba má tôi mất, hàng năm tôi chế bớt việc đánh bóng lư đồng, chỉ mang đến tiệm cho họ làm đẹp, nếu vì việc đánh bóng mòn bộ lư chút ít thì cũng đành chịu chứ tôi không có thì giờ chăm sóc nó kỹ như khi ba má tôi còn sinh tiền.
         Xong bộ lư như trút được gánh nặng, tuy nhiên việc kế tiếp chờ tôi cũng không nhẹ nhàng gì: đó là đi tảo mộ. Theo truyền thuyết hễ người dương gian chào xuân, người cõi âm cũng rộn ràng  đón Tết. Tùy từng miền như ngoài Bắc thì việc tảo mộ cử hành vào Tân niên, trong Nam thì trong khoảng thời gian từ rắm tháng chạp đến chiều ba mươi phải sửa soạn lại mộ phần của bà con thân tộc gần xa. Nếu là mả đất thì làm cỏ và quét tước dọn dẹp cho sạch sẽ, mả đá nếu tróc vôi, phai màu thì phải quét vôi lại cho có vẻ khang trang.

          Vì:
          Người sống lo cái nhà,thác nhờ cái mồ

alt

          Bây giờ đến lượt cây mai, có dịp đi nhiều nơi tôi đăm ra mê những bông mai vàng rực rỡ trong những ngày Tết thay vì những bông lan, bông huệ trắng với hương thơm dìu dịu thủa nào. Tôi nghe mãi những câu hát ru  em ở vùng quê, câu nào cũng ngụ ý chê những bông hoa tôi yêu thích ẩn chứa tình buồn:|

          Lan, huệ sầu ai lan huệ héo
          Lan huệ sầu chồng trong héo ngoài tươi

          Chính vì không muốn”sầu” vào dịp đầu năm mà chỉ muốn gặt hái nhiều may mắn nên tôi đến với hoa mai và yêu thích nó. Tôi sinh ra và lớn lên trong xóm xa hẳn thành thị, chợ búa, quanh năm suốt tháng quen với cảnh bùn lầy nước đọng, đặc trưng của vùng tôi ở toàn bông bằng lăng, bông muồng, tết nhứt bà con cố lội ruộng tìm các lung lớn nhổ bông sen về đón xuân.. Nhổ sen là một việc tương đối mệt nhọc vì xa xôi, làm sao giữ nó lâu tàn để chưng vào dịp Tết lại là vấn đề khác. Tôi học lóm  và cũng biết chút ít bí quyết giữ bông sen được lâu, xin mách để bà con ai thích hoa sen có thể áp dụng thử. Ta chọn bông sen còn búp, cố nhổ lên chứ đừng bẻ ngang. Khi nhổ xong, cằm bông sen phóng mạnh xuống bùn theo chiều đứng như lúc nhổ lên, làm thế nào cho bùn  bên trong cọng sen tới phân nửa, đem mớ sen về để vào bình chưng sẽ giữ được bốn năm hôm. Chính vì có sẵn bông sen  trời cho nên cả xóm gần như chỉ biết sen mà quên đi các loài hoa khác.

           Năm 1960, nhân chuyến du ngoạn tôi có đến xóm trồng toàn mai (có thể gọi đây là mai gia thôn cũng đúng), tôi xin một cây. Chủ nhà ra vườn bứng cây mai ngả nghiêng bên bờ mương cho tôi. Phải nói là cây mai như cây gậy, suôn đuột cao hơn một thước, phía trên đọt chỉ có hai nhánh, tôi tìm yếm dừa bó rễ lại và trân quí mang về nhà trồng. Năm sau nó bắt đầu có thêm vài nhánh mới và trổ bông vào ngày Tết. Lần đầu tiên bà con xóm tôi trầm trồ ngợi khen vẻ đẹp của cây mai. Hai năm sau tôi dời nhà về chợ Vĩnh Long, cây mai vẫn được ưu tiên bứng về chỗ mới. Tôi chăm sóc kỹ, cây mai càng ngày càng sum xuê cành lá. Tới rằm tháng chạp cả nhà cùng nhau lảy lá mai. Đến chiều ba mươi tháng Chạp âm lịch, nụ mai to dần, sáng mùng một, sau khi cúng kiếng, tôi ra trước hàng ba nhìn cây mai với những nụ mai hàm tiếu, độ tiếng sau khi nắng lên, những nụ mai vàng ban đầu còn e ấp, từ từ phơi cánh và nhụy vàng ối như hân hoan chào đón chúa Xuân. Suốt buổi sáng mùng một, dù bận rộn thế nào tôi cũng dành chút ít thì giờ nhìn mai nở. Phải nói là tôi đã mê màu vàng đài các của mai từ dạo ấy.

           Liên tiếp trong ba ngày mai đã nở rộ, từ ngày thứ tư về sau chỉ còn một ít bông mai lẻ loi sau cùng vội vàng theo lớp mai đàn chị, đàn anh đi trước. Sang ngày thứ năm, cánh mai rụng tả tơi xuống dưới gốc tạo một vùng màu vàng tuyệt đẹp.
          Trong mười mấy năm  chăm sóc mai đón Tết, chưa năm nào tôi thất vọng vì mai nở sớm hoặc trễ dù, tôi không phải tay chơi mai thiện nghệ. Tôi chỉ mới tập tành, tôi gặt hái kết quả tốt là vì gần nhà tôi có một ngôi chùa, ngày thường tôi đến các vị sư trụ trì, học hỏi về cách trồng mai và lảy lá mai sau cho kịp Tết. Mấy vị sư phụ chỉ tôi vài bí quyết. Chẳng hạn thời tiết ấm trong tháng Chạp, thì lảy lá mai vào ngày rằm, bắt đầu từ trên đọt, nếu không kịp thì hôm sau lảy phần còn lại. Quan sát xem mấy cây mai lối xóm có giống như cây mai của mình không, đặc biệt nụ mai. Nếu mai hàng xóm nụ lớn hơn nụ mai nhà, thì mình phải tưới nước để thúc nó. Trường hợp tháng Chạp quá lạnh thì lảy lá sớm hai ngày tức vào 13 âm lịch. Còn chừng bảy, tám ngày tới tết mà cây mai của mình nụ còn quá nhỏ so với các cây mai khác, cách hay nhất là dùng nước ấm tưới xa gốc độ một thước trong hai ngày liên tiếp.

alt

           Tuy các vị sư chỉ rạch ròi, nhưng để chắc ăn, khi thấy các vị lảy lá mai ở chùa tôi động viên vợ con em út cùng lảy lá. Chính vì chú tâm săn sóc nên mấy cây mai nhà tôi bao giờ cũng nở đúng.  Tết năm nào tôi cũng chưng một bình mai trên bàn thờ, một bình mai ở bàn khách

           Ngoài chuẩn bị mai đón xuân, dịp Tết tôi còn một sở thích nữa là coi giò gà ra mắt để đoán gia đạo, vận mạng gia đình. Cúng ra mắt mùng ba như là một tập tục ở gia đình tôi từ lâu đời. Tôi không tìm hiểu tại sao mình phải cúng mùng ba, và cúng ai, lúc còn nhỏ có hỏi, má tôi bảo đó là cúng Hành Binh Hành Khiển những vị thần cai quản trong năm ở vùng mình ở. Cúng kiếng vào lúc trời còn tờ mờ sáng. Vật cúng là con gà trông giò luộc, một ít muối và rượu trắng. Cách chọn gà làm vật cúng cũng công phu, phải chọn gà vàng hoặc đỏ, gà trống, chưn cẳng, móng vuốt phải đầy đủ. Gà luộc vừa chín vớt ra để trên mâm đặt trước cửa nhà, thành tâm cầu cho trong nhà được bình yên. Gia chủ đứng cúng với đèn nhang. Khi cúng xong cắt cặp giò và đầu gà đem nhờ người biết coi giò đoán gia đạo giúp. Hồi tôi còn nhỏ thường theo ba tôi mang giò gà mùng ba nhờ Bác Mười xóm dưới coi giùm. Bác xem một chập rồi phán tốt xấu. thông thường ai bác cũng khen tốt, có người ngoài khen bác còn thêm: tuy nhiên năm nay,,,v.v.. Thắc mắc về lời bác nói, đến trưa mùng bốn tôi xuống nhà bác hỏi cho ra lẽ. Bây giờ bác mới tỏ bày:

          - Ngày tư ngày tết mình nói thật người ta buồn tội nghiệp. Do vậy giò gà của ai không tốt tao thêm chữ tuy nhiên nhẹ nhẹ thôi. Bây giờ mầy hiểu chưa?

          Kể từ đó tôi lân la học cách coi giò gà với bác. Khi lớn lên tôi lại tìm tòi đọc sách và học hỏi thêm, nên về sau tôi coi giò gà cũng có lý lắm. Nhân tiện tôi xin tiết lộ chút ít về coi giò gà mùng ba cho độc giả hiểu.

         Xem giò gà cũng giống như xem tướng của người ta gồm hai phần: tổng quát và đi sâu vào chi tiết. Về tổng quát, trước tiên quan sát phần đầu gà. Nhìn vào mồng, mỏ, mắt: mồng phải thẳng đứng, mắt hi hí miệng hơi hé nhỏ nhỏ như chúm chím cười, ta biết gia đình người nhờ xem chắc bình an, có tin vui, mắt gà nhắm khít, nhìn kỹ như có v ưu sầu, gia đình đó gặp điều buồn bã như bịnh hoạn mất mát; mắt mở lớn, miệng hả rộng chắc gặp chuyện chẳng lành. Về phần cặp giò, nếu trơn láng như thoa mở, gia đìmh đó tiền bạc dồi dào, xem chỉ máu ở hai giò ,nếu chỉ máu rõ, màu sắc tươi nhuận, gia đạo bình yên không ốm đau bịnh tật. Da gà nứt nẻ, chỉ máu đứt đoạn, chắc gia đình sẽ có người đau nặng.

         Các ngón chân gà cũng góp phần quan trong trong việc dự đoán. Mỗi chân gà có bốn ngón. Ngón giữa dài hơn cả, nó tượng trưng mạng của gia chủ, nam coi giò trái, nữ coi giò phải. Hai ngón kèm hai bên ngón giữa, ngón bên trái là quí nhơn, tức người giúp đỡ cho mình, tiếng nghề nghiệp gọi là tả phù, ngón kia là hữu bật tức kẻ hại mình, nếu tả phù, hữu bật cùng khom mình đỡ ngón giữa thì gọi là” đỡ cái” mạng gia chủ vững như bàn thạch, bên phá ở vị thế thấp hơn bên giúp thì dù có rắc rối rồi cũng lướt qua êm đẹp. Trường hợp móng ngón út bấm ngay ngón giữa gọi là” bấm cái”, gia chủ có thể bịnh nặng hoặc bị tai nạn tử vong. Nhìn lòng bàn chân gà có thể biết nhà đó trong năm thế nào: giàu, khá, nghèo. Nếu lòng bàn chưn vun chùn, tức hũ gạo đầy thì chắc chắn nhà đó không bao giờ đói được.

alt


          Trên đây là những chỉ dẫn tổng quát cho ai muốn học xem giò gà. Trước năm 1975 ở Việt Nam có nhiều sách xem giò gà, không biết bây giờ còn không?

          Hồi đó tôi thường nhìn mai nở, xem giò gà mồng ba để đoán xem gia đình thế nào, thường thì tôi đoán đúng đến bảy tám phần. Riêng năm 1975, thấy hiện tượng từ mấy cây mai và bình mai ở nhà cũng như giò gà mồng ba hiện rõ, thế mà tôi bàn sai.

          Năm ấy, sáng mùng một sau khi cúng kiếng, tôi đi về Phú Quới làm lễ ông bà, đến trưa về nhà, hai bình bông mai trên bàn thờ bỗng rụng hết, mới nhìn tôi tưởng hồi tối ba mươi tôi quên cho nước vào, coi kỹ lại nước vẫn còn đủ, tôi rất buồn cứ đinh ninh năm đó tôi gặp chuyện nguy hiểm có thể nguy đến tính mạng. Mang tâm trạng âu lo đến ngày mùng ba, sau khi cúng ra mắt, cặp giò gà khô ran, không trơn bóng như đã để ngoài cả mấy bữa, lại gặp ”bấm cái”. Mạng, bông mai rơi tơi tả chứng tỏ không tốt, da gà khô khan chứng tỏ không tiền bạc, tôi cứ  nghĩ đó là hiện tượng xảy ra cho riêng tôi nào dè đó là hiện tượng chung của toàn dân chúng miền Nam mà tôi luận chưa tới.

          Cho nên gặp hiện tượng trong bói toán, xem mai nở, xem giò gà mùng ba thấy xấu, đừng vội ưu tư  mà hãy tự an ủi mình với câu: Đức năng thắng số.


Viết xong January 19, 2013
Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.