TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Vinh

alt

11- Nguyễn Mạnh Trinh: Hình như trong gia đình thân thuộc của giáo sư có nhiều người sống ở Bắc không di cư vào Nam năm 1954?

        GS Vinh:

Vào năm 1954 thì tôi đang theo học ở bên Pháp. Sang năm 1955 tôi mới về thẳng Sài Gòn và phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia. Vì thế chỉ có một người em gái của tôi làm nữ y tá trong quân đội là di cư vào Nam. Còn Mẹ tôi và những em khác còn sống ở miền Bắc.

12- Nguyễn Mạnh Trinh:  Theo  tác giả Bùi Ngọc Tấn thì  giáo sư có một người em gái là nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh sống ở Hải Phòng?

         GS Vinh:

Đúng vậy, Hoài Thanh là em gái tôi, và được biết đến qua những bài viết của Bùi Ngọc Tấn, nhà  văn trong nước đã viết cuốn sách thật xuất sắc là Chuyện kể năm 2000.  Cũng như Hoài Thanh, Bùi Ngọc Tấn là người ở Hải Phòng, và năm 2012 một truyện ông viết về Biển đề là Biển và chim bói cá, dịch ra tiếng Pháp là  Mer et le martin-pêcheur đã được giải thưởng văn học Henri Queffélec của Pháp.

13- Nhã Lan: Nhà thơ  Nguyễn Thị Hoài Thanh là một mẫu người rất  đặc biệt của xã hội miền Bắc theo lời kể của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Giáo  sư có thể cho thêm chi tiết về người em gái của mình không?

GS Vinh:

Em tôi rất thông minh, hồi nhỏ học ở trường Nguyễn Khuyến ở Nam Định, nhưng vì tình cảnh ở miền Bắc thời đó nên không được theo học đến bậc đại học và chỉ làm công nhân nhà máy điện. Nhưng Hoài Thanh làm thơ rất nhiều, và sau bài viết của Bùi Ngọc Tấn, đã được các người quen biết ở hải ngọai sưu tầm một số bài thơ và viết nhửng bài giới thiệu để nhà xuất bản Tiếng Quê Hương in thành môt tập thơ, đề là Hoa Phượng. Những người đã viết bài giới thiệu cuốn thơ, ngoài chủ bút Tiếng Quê Hương là Uyên Thao, tôi nhớ có nhà thơ Nhất Tuấn, rồi có cựu dân biểu và sứ thần VNCH là nhà văn Mặc Giao, cùng mấy người khác nữa. Hoài Thanh làm thơ rất tự nhiên, và trong lời thơ gửi gấm tâm hồn mình. Tôi đọc cho nhà văn và biên khảo Mặc Giao, hiện nay định cư ở Canada, mấy câu thơ sau đây và anh đã tìm đọc thêm những bài thơ khác và viết một bài dài nhận định về tứ thơ của Hoài Thanh

“Kiếp sau nếu được làm chim,
Tình thương mòn mỏi bay tìm nơi nơi.
Dương cung, đừng nhé người ơi,
Vết thương thuở trước, luân hồi còn đau”.

Tuy cuộc đời thường toàn những nét buồn, nhưng đôi khi Hoài Thanh cũng viết những câu thơ đượm mầu mỉa mai, trào phúng. Như có một lần tôi nhận được một bưu thiếp có ép môt nhánh hoa do em tôi làm lấy, kèm theo bốn câu thơ như sau

“Giữa trưa, ăn mày vào chùa,
Sư ra, cho một lá bùa rồi đi.
Ăn mày chả biết làm gì,
Lá bùa bỏ túi, lại đi ăn mày”.

Nếu suy nghĩ ra thì mấy câu thơ cũng ẩn tàng triết lý sắc không.

14- Nhã Lan : Giáo sư có hoài bão nào về dân tộc  đất nước và đã dấn thân như thế nào khi thực hiện hoài bão ấy?

GS Vinh:

Đã là người Việt quốc gia, dù nay phải sống ở xa quê hương, ai là người không mong mỏi cho đất nước sau này thoát được nạn cộng sản rồi trở nên thanh bình và phồn thịnh, quyền làm người dân được tôn trọng. Nói đến chuyện dấn thân để thực hiện được hoài bão của mình là mong thấy ngày quang phục lại quê hương thì thực là một điều quá lớn đối với tôi. Nhưng tôi luôn luôn đứng trong hàng ngũ cựu chiến sĩ và Tập Thể Chiến Sĩ VNCH/HN đã ba lần bầu tôi vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện và trong cương vị này tôi đã đi thăm các Trung Tâm Điều Hợp ở các nơi như Âu châu, Úc châu và Gia Nã Đại và nhiều nơi khác trên lục địa Hoa Kỳ. Mục đích là gây sự liên kết giữa các hội đoàn quân đội, cùng đứng dưới lá cờ Vàng biểu tượng cho Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại. Mặt khác, lúc nào tôi cũng chủ trương rằng muốn gây được một sức mạnh, phải có sự liên kết của toàn dân. Vì thế các hội đoàn quân đội trong hàng ngũ của Tập Thể bao giờ cũng tích cực tham gia những hoạt động chung của cộng đồng người Việt ở khắp năm châu. Mới tháng trước đây, vào ngày 24 tháng 11, 2012, theo lời mời của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn ở Cộng Hoà Liên Bang Đức, tôi cũng sang thành phố Monchenglachbac để nói về “Thế Liên Kết Chông Nghị Quyết 36 của Việt Cộng”. Buổi Hội Thảo đã có chừng 300 người tham dự và người đồng hương đã đến từ nhiều nước ở Âu châu, nhiều người đã phải lái xe hàng trăm dặm đến cốt để góp ý với chúng tôi là làm sao có một cuộc liên kết chặt chẽ quân và dân để chống lại sự xâm nhập của Việt cộng vào hàng ngũ quốc gia.

15- Nguyễn Mạnh Trinh: là một người chiến sĩ của QLVNCH, giáo sư có những suy nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh vừa qua?

GS Vinh:

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, tất cả những nước ở Á châu chịu sự bảo hộ của các cường quốc ở Âu châu đều lần lượt khôi phục lại nền độc lập và được Liên Hiệp Quốc công nhận mà không phải hy sinh xương máu, chì trừ có nước Việt Nam xấu số của mình. Rồi đây lịch sử sẽ phán xét và quy tội cho Đảng Cộng Sản Việt Nam.

16- Nguyễn Mạnh Trinh: Khi dồn hết khả năng vào lãnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, giáo sư có nghĩ đó cũng là một phương cách để phục vụ cho đất nước Việt Nam?

GS Vinh:

Tôi thật ra không bao giờ quên bổn phận của mình là người dân gốc Việt. Vì vậy, như trước đây tôi đã nói, dù bận công việc là một giáo sư tại một đại học Hoa Kỳ, đòi hỏi mình phải dành toàn lực vào công việc để đứng ngang hàng với các bạn đồng nghiệp ngoại quốc, tôi cũng dành nhiều thì giờ đề tham gia vào những hoạt động chung của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Điều này cũng đã được ghi nhận trong những bàn tuyên dương của Đại học Michigan, của Thống Đốc tiểu bang Michigan, của Thượng và Hạ Viện tiểu bang Oklahoma là những nơi tôi đã hoạt động. Đặc biệt tôi có thể trích ra câu này trong bảng vinh danh của Đại Học Michigan:

            ‘‘Besides his outstanding career as a researcher and educator, Professor Vinh is widely recognized for his leadership and mentor-ship to the Vietnamese community. A widely-read novelist and poet, he was awarded the prestigious Vietnam National Literature Prize in 1961. He has been much in demand as a speaker for Vietnamese organizations on such topics as education, culture, society, and the future of Vietnam and the Vietnamese people. He is widely recognized as a role model within the Vietnamese community in North America and elsewhere’’.

           Câu này được ghi trong bảng tuyên dương công nghiệp khi tôi về hưu chứng tỏ rằng Đại học tôn trọng nhưng vịêc làm ngoại vi của tôi, giúp cho sự phát triển của giới trẻ Việt Nam trên miền đất mới, và cho rằng đó là những việc đúng với thiên chức của một nhà giáo và nhà lãnh đạo cộng đồng. Năm 2009, tôi được Đại học Colorado mời về vinh danh như là một cựu sinh viên đã có những thành quả làm vẻ vang cho nhà trường, bảng tuyên dương tôi nhận được cũng có một câu tương tự:

            “CU-Boulder's first PhD. graduate in aerospace engineering sciences, Nguyen Xuan Vinh, went on to lead a distinguished career as a professor at the University of Michigan. He also has been a leader in the worldwide Vietnamese community, recognized both for being a champion of the community and for his literary contributions as a published poet and novelist.”

                                                Tôi không biết trả lời như thế này có đúng vào câu hỏi của anh Nguyễn Mạnh Trinh hay không, nhưng tôi thấy không thể tách biệt chức năng nghiên cứu của một nhà khoa học và nhiệm vụ truyền bá kiến thức và bổn phận công dân của một nhà giáo được. Mặt khác, như tôi đã nói nhiều lần trong cuộc đời, tôi xuất thân là một quân nhân, từ Quân Đội Việt Nam, sau này đổi là Quân Lực VNCH, và điều này, tất cả những bạn đồng nghiệp và học trò ngoại quốc của tôi đều biết. Cách đây nhiều năm, Hội Khuyến Học mà tôi bảo trợ ở St Louis, tiểu bang Missouri, có làm một CD giới thiệu tiểu sử tôi, và các anh chị đã nêu ra là tôi mang ba cái Nghiệp vào thân, là Nghiệp Bay, Nghiệp Văn và Nghiệp Giáo. Cả ba nghiệp này đã gắn tôi liền với nguồn gốc Việt. Tôi được sự kính trọng của những đại học Hoa Kỳ vì họ thấy tôi được các sinh viên và đặc biệt sinh viên ngừoi Việt qúy mến. Dĩ nhiên là tôi cũng đã đạt được những thành tích khả quan trong ngành chuyên môn nghiên cứu và giảng dậy để có một chỗ đứng xứng đáng trong ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học không gian ở Hoa Kỳ.

17- Nhã Lan: Với tác phẩm  Tìm Nhau Từ Thuở, mà giáo sư viết mới đây, có gì khác so với những tác phẩm trước?

GS Vinh:

Trong những năm sống ở nước ngoài, và được đi nhiều nơi, tôi đã viết một loạt bài, thường là những ký sự hay tùy bút bộc lộ tâm sự của mình, hướng về đất nước và mong ước cho giới trẻ đạt được những thành tích làm vẻ vang cho quê hương. Những bài này được lựa chọn và in thành một tuyển tập đề là Theo Ánh Tinh Cầu do nhà xuất bản Đại Nam in ra năm 1990. Sách in ra được bán hết ngay trong năm nhưng không in lại vì tôi dự định viết tiếp một số bài nữa. Sau đó, tôi viết một vài truyện ngắn tả mối tình thật lý tưởng giữa một chàng trai thời loạn và cô em gái một người bạn. Những chuyện này được đăng liên tiếp mấy năm trên những số báo Xuân Thời Luận và được độc giả ưa chuộng. Ông chủ bút Thời Luận là nhà văn Đỗ Tiến Đức vẫn thường nhắc nhở tôi viết những chuyện văn chương và tình cảm tuy rằng ông vẫn nhận đăng những bài nói về hoạt động giáo dục và khoa học của tôi. Vì thế tôi đã viết tiếp để tạo dựng thành một cuốn truyện đi cho tới đoạn kết.

18- Nhã Lan : Tìm nhau Từ Thuở là một chuyện tình của đôi  nam nữ trải qua những sóng gió của một thời đại loạn ly của Việt Nam. Có phải giáo sư muốn vẽ lại một con đường  lịch sử bằng văn chương?

 

GS Vinh:

Cũng như khi viết cuốn Đời Phi Công, tôi muốn giới hạn thời gian của câu chuyện để giữ niềm trẻ trung cho những nhân vật trong câu chuyện. Cũng vì vậy mà tôi đặt khoảng thời gian vào những năm kế cận trước vào sau năm 1975. Câu chuyện cũng được diễn tả một cách trung thực hơn vì tôi biết rõ sự biến chuyển trên đất nước trong khoảng thời gian này. Nhiều người đã đọc cuốn sách, cả hai phái nam và nữ, là những chuyên gia có trình độ, cũng có nhận xét như Nhã Lan là tôi đã diễn tả lại một khung cảnh của đất nước trong giai đoạn này.  

19- Nguyễn mạnh Trinh: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong bài tựa phát biểu đại ý trong tác phẩm Tìm Nhau Từ Thuở nêu ra một chủ đề là tuổi trẻ hiện nay phải chọn lựa giữa căn bản văn hóa đông phương và văn hóa nhiễm mùi hiện sinh của tây phương, Giáo sư có chia sẻ với nhận xét trên không?

GS Vinh:

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là bậc đàn anh khả kính mà tôi được biết khi cùng dậy ở trường trung học Chu Văn An ở Sàigòn. Nhưng theo tôi nghĩ thì sự chọn lựa của giới trẻ Việt Nam hiện nay không hẳn chỉ giữa hai nền văn hoá đông và tây, thật cách biệt nhau. Trong giữa hai đối nghịch cũng có những khoảng dung hoà có thể chấp nhận được. Lý tưởng ra thì tôi hằng mong ước các bạn trẻ sống ở hải ngoại phải cố gắng tranh đua sao cho bằng người mà vẫn giữ được bàn sắc đạo đức của giống nòi Hồng Lạc.

20- Nguyễn mạnh Trinh: Nhân vật Phong có nét gì giống với tác giả? Tìm nhau Từ Thuở có phải là một tự truyện không?

GS Vinh:

Phong là nhân vật nam ở trong Tìm Nhau Từ Thuở. Còn Phương Vân là cô bé trong cuốn truyện, em của một người bạn học. Tình cảnh này thường xẩy ra giữa các liên hệ bạn bè. Tuy tôi tả Phương Vân như một nữ sinh hiền thục ở tuổi trăng tròn, nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động cho Phong, tôi đã đặt anh vào vị trí của một chuyên gia tốt nghiệp từ một trường cao đẳng có uy tín ở Pháp, và đã theo tiếng gọi của nghĩa vụ mà về nước phục vụ một khoảng thời gian. Cũng vì vậy mà nhiều người đọc sách đã nghĩ rằng tôi kể chuyện đời mình.  

21-       Nhã Lan :  tại sao giáo sư lại lấy bút hiệu là Xuân Vinh? Đây là cách viết tắt hay có chủ ý nào khác?

GS Vinh:

Năm 1950, khi là một sinh viên ở Hà Nội, tôi được mời vào nhóm Thế Kỷ với các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong, Triều Đẩu, Tạ Tỵ, Trúc Sĩ, …. Lúc đó vì viết chuyện khoa học phổ thông nên tôi ký tên thật viết cho gọn là Xuân Vinh. Có một lần tôi tới thăm nữ sĩ Tương Phố ở Nha Trang, bà bảo tôi viết vài chữ vào cuốn lưu bút kỷ niệm, và tôi đã viết hai câu thơ lục-bát

Người là danh sĩ đế đô
Còn tôi nặng kiếp sông hồ phải mang.

Bà đã cười mà bảo rằng: “Xuân Vinh phải là một thi sĩ mới đúng”. Giờ đây, tôi dùng lại bút danh này cũng như một cách trở về nguồn.

22- Nhã Lan: Giáo sư hay dùng những bức thư để chuyên chở nội dung câu chuyện, như ở Đời Phi Công là những lá thư gửi Phượng và bây giờ ờ Tìm Nhau Từ Thuở cũng có những bức thư nói liền những không gian xa cách. Đó có phải là dụng tâm của tác giả?

GS Vinh:

Cuốn Đời Phi Công là một tập sách gồm toàn những lá thư viết cho một cô bạn gái ở xa, để kể chuyện đời của những người nặng nghiệp bay. Còn Tìm Nhau Từ Thuở là một tập truyện tả một một mối tình cao thượng, nẩy nở theo ngày tháng giữa một chàng trai thời đại và một nữ sinh, em một người bạn. Sau này vì hai người ở xa nhau, nên đôi khi có những cánh thư trao đổi nhưng số trang viết qua thư từ chỉ là một phần nhỏ trong cuốn sách. Vì vậy thể văn không phải hoàn toàn là thể viết thư.

23- Nguyễn Mạnh Trinh: Trong Tìm Nhau Từ Thuở có rất nhiều bài thơ lãng mạn nhiều mơ mông cũng như văn phong đẫm chất thi ca. Nếu có người nhận xét  giáo sư viết văn bằng tâm cảm và hồn thơ của mình thì điều ấy có chính xác không?

GS Vinh:

Nói chung thì thân hữu phê bình sách thường cho là tôi có văn phong nhẹ nhàng. Trong cuốn truyện này đôi khi tôi đưa vào một bài thơ đã làm trước đây và tạo dựng nên một câu chuyện quanh bài thơ này. Tôi lấy một thí dụ là tôi để cho cô bé Vân trong truyện viết một bài thơ tình đầu đời đọc là

 

(Thương) anh từ thuở xanh mơ,
Giận anh cho đến bây giờ chưa nguôi.
Sao anh chưa nói nên lời,
Sao anh chưa nói trọn đời (thương) em.
Bây giờ gặp buổi chiều êm,
 Anh về mới nói (thương) em trọn đời.

Muốn cho bài thơ này trong cuốn truyện, tôi phải tạo dựng nên một hoàn cảnh để cô bé nghĩ giận anh vì lâu nay bận học nên vắng tin tức, nên cô mới thú thật lòng mình trên giấy, nhưng đến lúc viết ra để đưa cho Phong, cô lại dùng nước bột trắng xoá chử (thương) đi, và thay bằng mấy chấm hoa thị (***), để cho anh tự mình phải đoán ra cô đã viết chữ gì. Những ý tưởng thơ ngây này đã tô đậm rõ nét hình ảnh của một cô bé vào tuổi trăng tròn lần đầu tiên thấy lòng mình rung động. Với cô bé, chữ thương hay chỉ là mấy chấm hoa thị *** cũng có nghĩa như nhau.

Nếu anh Nguyễn Mạnh Trinh nhận xét là tôi viết văn bằng tâm cảm và hồn thơ của mình thì có lẽ đúng. Thứ nhất tôi không phải là một nhà viết báo, hay là một nhà văn chuyên nghiệp nên không phải lúc nào cũng đặt bút là viết ngay được. Mặt khác là tôi chỉ có thể viết văn hay làm thơ khi thật có hứng khởi. Như cuốn Tìm Nhau Từ Thuở tôi phãi mất ba năm mới viết xong. Cuốn sách gồm có 14 chương. Tuy diễn tiến của cuộc tình theo với thời gian đã được dàn trải trước nhưng có khi vài tuần lễ tôi mới viết được một đoạn như là một câu chuyện ngắn nói liên hệ giữa hai người. Chẳng hạn trong một chương sách có tiêu đề là “Thiên Nga” tôi chỉ kể câu chuyện nhân dịp lễ Valentine anh chàng Phong tìm mua được một con thiên nga bằng pha lê để gửi kịp ngày 14 tháng Hai cho cô bé mang ra trường khoe với lũ bạn luôn luôn tọc mạch, nhưng bài viết cũng khá dài gồm nhiều chi tiết làm người đọc thấy thích thú. Mỗi chương sách tôi thường viết một mạch, không cần sửa chữa hay thêm bớt. Trong khoảng thời gian đó tôi tưởng tượng mình như có liên hệ với những người trong truyện nên có độc giả đã nghĩ rằng tôi kể câu chuyện đời mình.

24- Nguyễn Mạnh Trinh: Ở tuổi bây giờ, giáo sư có ý nghĩ gì về tình yêu khi viết lại chuyện tình của hai người tuổi trẻ Phong và  Phương Vân?

GS Vinh:

Có nhiều thi sĩ làm thơ tình khi đã lớn tuổi, lời thơ viết thật mượt mà say đắm. Tôi có thể lấy đại thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm thí dụ. Tôi không thể làm như thế được, nhưng có thể viết văn để tả những mối tình cao đẹp hay thánh thiện. Theo tôi nghĩ, những nhà văn đã thành danh thường thì có giầu óc tưởng tượng và qua ngòi bút nếu mình có thể phơi bầy ra một cách sống động câu chuyện mình tạo dựng thì đó là bí quyết để thành công.

25- Nhã Lan: Với tác phẩm mới nhất  “Vui Đời Toán Học”, giáo sư có mục đích nào khi viết tác phẩm này?

GS Vinh:

Ngay ở lời mở đầu cuốn sách, tôi đã viết là từ khi vào trung học tôi đã thấy yêu thích môn toán học và ao ước được đọc những cuốn sách viết về cuộc đời học toán của những người đi trước. Dĩ nhiên là khoảng thời gian khi tôi mới lớn lên, sách vở thiếu thốn nên không được đọc những tài liệu đó. Giờ đây tôi viết cuốn sách này kể lại những cố gắng của mình trong cuộc đời tầm học và mong rằng những chuyên gia khác ở mọi ngành cũng làm tương tự để lảm giầu thêm cho tủ sách kiến thức chuyên môn viết bằng tiếng Việt.

26- Nhã Lan :Độc giả đọc tác phẩm này có cần kiến thức về toán học không?

GS Vinh:

Tuyệt đối là không. Thật ra khi chọn tên cho cuốn sách tôi cũng sợ có chuyện ngộ nhận đây là sách nói về Toán học. Thật ra lúc mới đầu chỉ là một tập sách gồm có nhiều câu chuyện vui về toán viết một cách nhẹ nhàng giản dị cho mọi người có thể đọc được. Những chuyện này khi viết ra đã được đăng trên nhiều nguyệt san và được người đọc ưa thích. Những nguyệt san đã đăng bài thường chỉ lưu hành ở địa phương nên nhiều người đã muốn tôi gom những bài này lại để in thành sách để phổ biến cho nhiều người đọc. Có nhiều bài chỉ gổm toàn là những bài thơ  tình. Chẳng hạn tôi lấy bài “Mười hai bến nước” thì bài này là gồm một số bài thơ tình cảm dùng những danh từ toán học.  Tôi chọn một bài làm thí dụ

Tâm Điểm

Tình là vậy, từ chân không chợt đến,
Một vòng tròn quay hai nửa tim hồng.
Để mỗi ngày đôi chân bước song song
Mong đi tới tận cùng là giao điểm
Em yêu anh, nên anh là tâm điểm
Giữa vòng tròn hạnh phúc của đời em.
Dẫu thời gian, không gian hoài biến chuyển,
Quỹ tích này vẫn mãi chỉ chờ anh.

Nếu không loáng thoáng có những danh từ toán học chen vào thì người đọc có thể nghĩ đó là một bài thơ tình. Trong câu chuyện này củng có những câu thơ thật tha thiết như

Anh hiểu chưa, cõi lòng em như thế,
Em muôn đời không đổi trục, anh ơi.
Nhớ thương anh, tuy chẳng nói nên lời,
Em mơ ước theo cung đường tối lợi.
Tìm giao điểm cho lòng ai mở hội,
Xác định rồi vẽ đồ thị triển khai,
Rồi chứng minh tỷ lệ suốt đêm dài,
Lên đáp số đóng khung đời hình học.
Bài toán tình luôn làm người mê hoặc,
Bởi muôn đời nó vô định, người ơi!!

Một bài khác tôi viết có tựa đề là “Thảo bài thơ liên hoàn” nói về một buổi trại hè các trại sinh chia nhau thành năm nhóm ngồi ở bốn phương Đông Tây Nam và Bắc và một nhóm ngồi ở phương vị Trung ương, mỗi nhóm chọn một hình vuông, tròn, lục lăng, ngũ giác và tam giác để trình bầy về vẻ đẹp của hình nhóm mình đã chọn. Khi đến hồi kết luận thì một em trại sinh đóng vai một thi nhân đi thăm các nhóm ở mỗi nơi đều thảo một bài thơ tứ tuyệt để ghi làm kỷ niệm. Ý kiến của tôi khi đưa ra một bài thơ liên hoàn là để gây tình liên kết, khuyên người đọc mà tôi hy vọng là ở trong giới trẻ hiếu học là biết nối vòng tay lớn để cùng nhau xây dựng quê hương. Trong bài viết này tuy có phác qua những vẻ đẹp của các hình kỷ hà học, nhưng sự thực là một sáng tác thơ văn. Hai bài viết mà tôi đưa ra làm thí dụ về khía cạnh thơ văn của cuốn sách tôi đã đăng trên nguyệt san Tân Thế Kỷ ở Dallas trước đây và sau này được truyền đi nhiều lần trên mạng vi tính nên có nhiều người đã đọc. Có một lần tôi tìm được trên mạng bài thơ tình toán học của tôi có người phổ nhạc và hát nữa nghĩ thật là vui. Khi tôi cho vào trong cuốn sách và viết thêm những kỷ niệm học toán và giảng dậy ở các đại học cùng làm nghiên cứu khoa học thì mới lấy tên mới này là  “Vui Đời Toán Học”  và vì số lượng trang sách tổng cộng lên quá lớn gần tới 900 trang nên tôi phải bỏ bớt đi và giữ lại còn gần 500 trang mà thôi. Những bài tôi vừa lấy làm thí dụ vì đã được chuyển đi nhiều lần trên mạng nên trong cuốn sách này tôi phãi bỏ đi. Ngược lại tôi viết thêm nhiều bài nói về cuộc đời làm toán qũy đạo không gian và dậy học của tôi. Thật ra có nhiều chuyện  người đồng hương không biết nếu không đọc cuốn sách. Chẳng hạn tôi có nhiều học trò đã thành danh, và một ngừơi nay là đại giáo sư ở một đại học lớn và tên của ông ta được đặt cho một tiểu hành tình mới tìm thấy cách đã hơn mười năm.

27- Nguyễn Mạnh Trinh: Có người nói  “ Vui Đời Toán Học” là một cuộc hôn phối tuyệt diệu giữa toán học và thơ văn. Một cách chủ quan, giáo sư có nhận định nào về phát biểu ấy?

GS Vinh:

Như tôi vừa trình bầy ở trên tôi có lối hành văn giản dị, không cầu kỳ lại nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng tôi chen vào vài kỷ niệm riêng, thường là những kỷ niệm vui, hay gặp những duyên kỳ ngộ, được thầy hay, bạn tốt. Trong cuốn sách này tuy như tôi đã nói trước đây là có nhiều bài chỉ gồm toàn những bài thơ tình, nhưng nay tôi thu xếp lại để viết thêm về cuộc đời học toán, dậy học và làm khoa học của mình nên đả dùng thể văn tự truyện nhưng có chen vào những tình cảm riêng tư của mình đối với đất nước và thế hệ trẻ Việt Nam.

28-  Nguyễn Mạnh Trinh: Sáng tạo toán học và sáng tạo thơ văn có điều gì khác nhau và những điều gì giống nhau mà giáo sư đã diễn tả trong tác phẩm này?

GS Vinh:

Nói chung, sáng tạo thơ văn thì không có gì giới hạn, nói theo tiền nhân khi xưa thì

 Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,
Trong thú yên hà cuộc tỉnh say

Muốn viết sao cũng được miễn là bộc lộ được ý tưởng của mình muốn truyền cho người đọc. Nhưng sáng tạo toán học phải dùng hoàn toàn luận lý thật chặt chẽ, tuy đôi khi phãi pha một chút tưởng tượng không bình thường. Tôi lấy một thí dụ, tuy không thực tế cho lắm, là một phi thuyền đang bay trên một qũy đạo vòng tròn quanh trái đất, mà giờ ta muốn quay ngược chiều nghĩa là đổi hướng bay 180 độ. Như  thế, theo ý nghĩ thông thường thì phải hãm vận tốc lại thành số không rồi lại tăng tốc độ thành như cũ nhưng đổi ngược chiều, thật vừa tốn kém nhiên liệu lại vừa gây ra một độ gia tốc quá đáng có ảnh hưởng tai hại đến phi thuyền và phi hành đoàn nếu có. Lời giải đáp thật đúng là làm sao vận hành cho đỡ tốn nhiên liệu là phãi tăng tốc độ cùng chiều, nghĩa là thay vì quay ngược ngay lập tức, lại phải tiến tới. Vận động này, chỉ tốn một ít nhiên liệu nhưng sẽ làm cho phi thuyền vượt khỏi trọng trường của trái đất và bay đi thật xa.  Ở khoảng cách xa, lấy thí dụ là khoảng cách chừng mười lần bán kính qũy đạo, vận tốc của phi thuyền sẽ rất nhỏ, giống như khi ta tung một quả bóng lên cao, lên tận cùng rồi muốn rơi trở lại. Lúc đó chỉ càn tạo ra một lực nhỏ để cho phi thuyền bay trở lại nhưng lần này ngược với hướng bay trước. Khi tới vị trí cũ thì tốc độ trở lại bằng lúc mới bắt đầu khởi hành nhưng lần này phi thuyền đi ngược chiều và chỉ cần hãm tốc độ lại vừa đủ đi vào qũy đạo tròn là thực hiện được phép đổi hướng 180 độ. Chi phí về nhiên liệu, một lần tăng lên và một lần giảm đi, cả hai lần đều bằng nhau theo tính chất đối xứng của qũy đạo và tương đối nhỏ. Đấy là ý kiến đưa ra nhưng sau đó phải dùng phép tính thật chính xác để xem tất cả những điều lợi, như tiết kiệm nhiên liệu, bớt độ gia tốc, và những điều hại như kéo dài thời gian vận chuyển vân vân…

29- Nhã Lan : Khi giải những bài toán, giáo sư có tưởng tượng ra những điều mới lạ tìm được trong cuộc sống một cách lãng mạn chứ không phải đơn thuần của vấn đề thực nghiệm và lý luận?

GS Vinh:

Sự thực mà nói, lúc chăm chú vào một bài toán mới thường thường phải mất nhiều tháng trời mới tìm được ra lời giải, đôi khi phải làm cùng với những sinh viên nên khi làm xong, tự mình chỉ thấy nỗi vui đã làm xong một đề án chứ không nghĩ đến chuyện điều mình tìm ra sẽ được ghi vào sử sách cho sinh viên đời sau học hỏi. Giửa những nhà nghiên cứu khoa học thường có câu là điều mình tìm ra phải qua được sự thử thách của thời gian, như ta thường nói là “pass the test of time”. Qua nhiều năm làm việc, ngoài những lần được bầu vào những Hàn Lâm Viện chuyên khoa, tôi đã có hai lần được được trao giải thưởng hàng năm của hai hiệp hội khoa học hàng không và không gian chính thức của Hoa Kỳ là “American Institute of Aeronautics and Astronautics” (AIAA)  và “American Astronautical Society” (AAS). Những kỷ niệm này tôi có ghi ở trong cuốn sách. Tấm huy chương của AIAA ở một bên có khắc hình chiếc phi cơ của hai anh em Orville và Wilbur Wright, lần đầu tiên rời mặt đất ngày 17 tháng Chạp năm 1903, và vết chân của phi hành gia Neil Armstrong, lần đầu tiên đặt trên mặt trăng ngày 20 tháng 7, năm 1969 tóm tắt sự phát triển của ngành Hàng không và Không gian Hoa Kỳ trong thế kỷ 20. Mặt bên kia của huy chương có khắc tên tôi và câu tuyên dương: “For outstanding contributions  to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere and in space”. Đó là câu mà ủy ban tuyển chọn đã tóm tắt sau khi coi những thành tích đóng góp của tôi vào môn cơ học phi hành không gian.

 alt

Còn thành tích ghi nhận của AAS  thì coi như tóm tắt công trình trong cuộc đời của tôi và do một giáo sư khoa học không gian có uy tín phác thảo. Tôi có in lại ở phần cuối của cuốn sách,

30- Nhã Lan: Có phải  Vui Đời Toán Học là  những bài toán, những mẫu chuyện về toán học, những con người làm nên toán học và cả chính cuộc đời của tác giả trong phạm vi văn chương và toán học?

GS Vinh:

Đúng như vậy. Nhã Lan đã đọc qua cuốn sách nên đã có nhận xét rất trung thực về những điều đã hướng dẫn tôi khi viết và chọn bài. Cuốn sách này hướng về độc giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ ham học. Thật ra có những thân hữu của tôi, cả những người chỉ thích văn chương và dị ứng với khoa học khi có dịp đọc những bài tôi viết đã gọi điện thoại và nói là bây giờ mới hiểu những cố gắng kiên trì của tôi khi tìm mọi phương tiện để trau dồi kiến thức của mình và cũng khuyến khích tôi truyền bá những điều hiểu biết của mình cho thế hệ mai sau.

31-Nguyễn Mạnh Trinh: trong tác phẩm này giáo sư muốn bày tỏ tâm tư của mình khi suốt đời đeo đẳng sáng tác cả toán học và văn chương?

GS Vinh:

Đó là điều tôi vừa nói với Nhã Lan. Nhưng tôi phải thú thật rằng về phương diện toán học, tuy có nhiều điều tôi chưa tường tận nhưng trong phạm vi chuyên môn về cơ học và điều khiển phi hành không gian tôi đã đạt được nhiều kết quả giờ được đưa vào sách giáo khoa của các cường quốc có thành tích về thám hiểm không gian như Mỹ, Nga, Pháp, Anh … vân vân … và cả những nước như Ba Tây, Đại Hàn cũng dùng sách của tôi. Tôi cũng có cựu sinh viên ở những nước này.

Riêng về sáng tác văn chương thì như Nguyễn Mạnh Trinh và Nhã Lan đã biết tôi đã không viết được nhiều tác phẩm có giá trị. Hiện giờ thì chỉ viết những bài ngắn cho các đặc san các Hôi ái hữu và Đồng hương khi được yêu cầu. Ngoài ra tôi có người bạn tâm giao là giáo sư Vũ Hối anh có nét thư bút tài hoa và thường bảo tôi là thu thập chừng vài chục bài thơ mình ưa thích và anh sẽ thư hoạ cho thành một Tập sách kỷ niệm. Tôi nghĩ đó là một ý kiến hay và khi thực hiện được tôi sẽ gửi tặng những thân hửu, những người mà qua nhiều năm “Gió Mây Lưu Lạc” tôi còn chịu nhiều ân tình.

32- NguyễnManh Trinh: Giáo sư viết về “Vui Đời Toán Học” nhưng có đề cập đến “Nỗi Buồn Toán Học” không?

GS Vinh:

Hiện giờ thì tôi chưa đến nỗi bị vấp váp nhiều mà phải ghi lên giấy. Nhưng nếu dự định giới thiệu cuốn sách này tới giới trẻ mà không được như mình mong ước thì chắc tôi cũng phải viết những câu tương tự như cụ Nguyễn Du là không có người hiểu mình.

33- Nhã Lan : Toán học có phải kết tinh từ những triết lý và quan niệm sống của giáo sư trong suốt cuộc đời mình?

GS Vinh:

Toán học là một môn của Triết học. Tôi cũng như nhiều người có suy tư và quan niệm về cuộc sống, thường quanh những đạo đức cổ truyền mà tôi được thấm nhuần từ hồi trẻ, thường là bất di dịch, như là chịu ơn ai thì nghĩ đến báo đền. Lấy một thí dụ là trong cuốn sách tôi cò một bài viết là “Thầy còn nhớ tôi không?” nói đến tình thầy trò. Nhưng khi làm khoa học, đi vào luận lý thì những suy nghĩ này phải gạt sang một bên. Nói một cách khác khi thấy ông thầy của mình tính không đúng thì cũng phải nhắc khéo là ông đã hơi sai.

34- Nhã Lan :Viết cuốn sách này, giáo sư có nhắm đến độc giả của mình sẽ là giới trẻ và họ sẽ  rút được những kinh nghiệm của giáo sư trong việc học tập, suy nghĩ cũng như sắp xếp hợp lý cuộc đời của họ?

GS Vinh:

Cám ơn Nhã Lan và cũng cám ơn Nguyễn Mạnh Trinh. Tôi sẻ dùng câu kết luận này của Nhã Lan để giới thiệu cho cuốn sách. Tôi cũng đã nhận được sự khuyến khích của LS Lê Duy San, Hội Trưởng Hội Ái Hữu CHS Bưởi-Chu Văn An, của ông Bùi Đức Uyên, Hội Trưởng Hội Ái Hữu CHS Bưởi Chu Văn An Nam Cali, của GSTS Trần Thạnh Hội Trưởng Hội CHS Petrus Ky Úc châu về ảnh tưởng tôt đối với giới trẻ VN ở Hải Ngoại khi sách được phổ biến rộng rãi.

 Hết

 Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.