TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

            Ngày LỄ MẸ cũng chính là ngày giỗ của Mẹ tôi, một sự trùng hợp rất cảm động đối với tôi. Không biết các nơi khác ra làm sao, ở Pháp, ngày LỄ MẸ là ngày 25 Tháng 5. Hôm nay mới 12 Mai 2003 mà tất cả mọi người đã bắt đầu xôn xao vui mừng chuẩn bị ngày lễ lớn, trong hạnh phúc chung của những người con còn Mẹ.

      Riêng tôi, lòng cảm thấy bùi ngùi nhớ về Mẹ. Tôi đã không còn cái hạnh phúc đó Mẹ mất đúng mười năm rồi. Mười năm tròn đứa con bất hiếu đã mất Mẹ. Hình ảnh Mẹ tôi cứ chập chờn trong trí nhớ với từng chui kỷ niệm dài về Mẹ từ thuở ấu thơ cho đến ngày khôn lớn, trưởng thành. Thời gian qua nhanh, nay đã trở thành ông Nội, ông Ngoại, thế mà trong lòng tôi, tôi vẫn là đứa con nhỏ dại của Mẹ. Những khi gặp hoạn nạn trong đời tôi thường gọi Mẹ để cầu cứu. Không giống những người khác thường gọi Trời, gọi Đất, gọi Chúa, gọi Phật hay kêu cứu một đấng thiêng liêng nào đó khi gặp điều không may, tôi luôn luôn gọi Mẹ ơi, kể cả lúc Mẹ tôi còn sống, để được tai qua nạn khỏi.

      Làng xưa của tôi nghèo lắm nhưng đã hằng sâu trong lòng tôi những thân thương bên cạnh Mẹ . Tôi nhớ rõ nhà tôi có khu vườn thơ mộng đầy cây ăn trái nằm bên một nhánh sông của dòng Hương xứ Huế với bờ Bạch Đằng sớm đục chiều trong . Thuở đó, tôi như con khỉ con thường đong đưa từ cành này qua cành nọ tìm trái chín trên cây. Thế rồi, mt buổi trưa, đang đong đưa trên một cành cây măng cụt, tôi đã đối đầu với một con rắn xanh, xanh như một cành cây nhỏ. Rắn le lưỡi dài cả tấc, nhìn tôi, miệng rít từng hơi như gió thổi, tôi run lên, ôm chặc cành cây. Không biết làm gì hơn, tôi gọi Mẹ ơi ... Mẹ ơi! con rắn nhìn tôi rồi quay đầu trườn đi chỗ khác. Tôi hoàn hồn, thả tay rơi xuống đất như trái mít rụng. Hình như hai tiếng MẸ ƠI đã cứu tôi thoát khỏi hiểm nguy.

      Tôi nghì rằng ai đã đi qua một thời làm học sinh Đà Nẵng thì không thể không mê bờ sông Hàn, nhất là học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Từ trường Phan Châu Trinh ra bờ sông Hàn không xa mấy, chỉ vài vòng xe đạp, vài bước chân chim là chúng tôi có thể lng thng dạo bờ sông trong những chiều trốn học.

ke-bach-dang111205.jpg

      Bờ sông có một chiều dài để vui đùa không dài mấy nhưng sao lang thang hoài vẫn không thấy chán. Gió biển, gió sông dịu dàng thổi mát rượi, rào rạc trên hàng phượng thẳng tắp. Hàng ghế đá, gánh quà rong mời gọi lũ học trò ít tiền trong túi nhưng lúc nào cũng ham ăn quà vặt. Tôi và bạn bè thích nhất là chiếc cầu gỗ nằm cạnh cầu tàu Toà Thị Chính, chiếc cầu cao và dài khoảng bốn thước, dưới cầu nước sâu và trong mát. Chúng tôi thường rủ nhau ra đây vào những trưa nắng gắt. Áo quần sách vở gói lại nhét dưới chân cầu, chỉ cần cái quần xà lỏn là chúng tôi thoả thích vui đùa bơi lặn trong hồ tắm thiên nhiên tuyệt vời. Một buổi trưa hôm đó, một buổi trưa của năm đệ lục Phan Châu Trinh nhớ đời, trong lúc đang đùa giỡn bơi lội bên bờ sông, một thằng bạn thách: - "Ê, Sĩ, đố mày leo lên cầu phóng xuống nước, tụi tao phục sát đất. Lúc đó thấy chiếc cầu không cao mấy, tôi hăng tiết vịt - "Dễ ẹt, tao nhảy cho tụi bay coi". Đứng trên cao, nhìn xuống nước thấy cũng hơi ớn, nhưng lỡ làm anh hùng rồi, không thể quay lui, tôi chúi đầu phóng xuống dòng sông, thân hình lao như một mũi tên. Tôi có cảm giác đang bay, rồi nghe ầm một tiếng như bể lồng ngực. Nước xoáy mạnh hút lấy thân hình tôi và tôi không còn biết gì nữa.

      Tôi tỉnh lại thấy xung quanh toàn màu trắng, cổ họng cứng như khúc củi, khắp thân thể đau nhừ. Qua ánh sáng mờ mờ, tôi thấy có ai ngồi cạnh, tay đặt lên chân tôi, mặt cúi xuống, tóc rối xoã dài, tôi chợt buộc miệng gọi lớn: Mẹ ơi! Đúng là Mẹ rồi. Người ngẩng đầu lên, nét mặt bơ phờ chợt rạng rỡ. Mẹ ôm lấy tôi, nói trong hơi thở dồn dập:" Con đã khỏi rồi!" Con đã khỏi rồi!". Mẹ xin y tá nước, thấm từng giọt vào đôi môi khô nứt nẻ của tôi. Tôi tỉnh dần dần rồi ôm chầm lấy M, tôi khóc nức nở. Người ta đưa tôi vào bệnh viện Đà Nẵng từ 5 giờ chiều hôm qua, mãi đến 4 giờ sáng hôm sau tôi mới tỉnh. Mẹ mừng rối rít, báo về nhà cho Ba và em tôi biết. Tôi hối hận vô cùng, cầm lấy tay M méo mó xin lỗi, M cười, nụ cười thương yêu muôn thuở của tôi, M nói như rót mật vào lòng: "con không có lỗi nhưng lần sau đừng chơi dại nữa, chẳng may có điều gì, M chết theo con". Tôi thương M quá , tự hứa với lòng :"Con sẽ không bao giờ chết , M sống đời với con".

      Giữa năm Đệ Nhị tôi bị ṃôt cơn bịnh thập tử nhất sinh. Đi học về, trời nắng chang chang bỗng đổ mưa. Tôi bị ướt dầm dề vì trận mưa bất thường đó, lên cơn sốt dữ dội, thân nhiệt có lúc cao gần đến 40 độ C. Hôm sau Ba M đưa tôi đi khám bệnh tại phòng mạch ông Đốc CÁT, nằm ở đường Cô Giang, lúc bấy giờ rất nổi tiếng ở Đà Nẵng, ai cũng biết. Sau bốn ngày chữa trị, bệnh không thuyên giảm mà còn có phần nặng thêm. Cuối cùng tôi được chuyển vào bệnh viện. Tóc tôi càng ngày càng rụng, tôi không ăn được, chỉ uống mỗi ngày một chút sữa. Mười ngày nằm bệnh viện tôi chỉ còn da bọc xương. Mẹ tôi còn thê thảm hơn, gầy nhiều vì đêm nào cũng ở lại bệnh viện chăm sóc cho tôi. Mẹ chăm sóc cho tôi, nhưng tôi thấy lúc nào Mẹ cũng choàng cái khăn trên đầu dù trời nóng nực, một hôm tôi vô tình kéo cái khăn xuống, tôi thấy MẸ tôi không còn tóc, hoảng hồn tôi hỏi Me tại sao? Me nói Mẹ đến chùa xuống tóc để cầu nguyện cho tôi lành bệnh. Tôi chết điếng cả người, thương tiếc mái tóc Me tôi, mái tóc đen tuyền như một di lụa mượt mà, mái tóc một thời, theo lời Ba kể, đã làm vương vấn bao chàng trai xứ Quãng, mái tóc mà thuở nhỏ, mỗi khi được ngủ với Mẹ, tôi thường nhõng nhẽo lấy tóc Mẹ che mặt để ngửi mùi thơm. Sau này khôn lớn không còn được ngủ chung với Me nữa, tôi thường hay len lén thương thương nhìn Me mỗi khi Me ngồi chải tóc . Hình ảnh Mẹ ngồi chải tóc theo làn gió đong đưa đã in sâu vào lòng tôi từ thuở nào tôi không nhớ rõ. Tôi đau đớn nói với chính tôi. Mẹ ơi, con phải chóng lành ḅênh để trả lại Mẹ, người Mẹ TUYỆT VỜI của con, mái tóc huyền muôn đời như lòng Me thương con.

      Không như thời bây giờ, ngày sinh nhật của mọi người trong gia đình được trân quý để chung vui với nhau, thời của tôi ít ai trong gia đình để ý đến ngày sinh nhật, nhiều khi quên hẳn. Vậy mà một hôm Ba bảo nhỏ chúng tôi ngày mai là sinh nhật Me mình đi mua quà tặng Me. Ba chọn mua cho Me xấp vải lụa màu vàng đậm, em tôi mua cho Mẹ con chó lông xù, riêng tôi tìm hoài tìm huỷ chẳng biết mua gì tặng Mẹ, cuối cùng tôi nghĩ ra được mua một cuốn album để hình tặng Mẹ và một bó hồng tươi. Ba còn mua thêm một cái bánh Sinh nhật, một chai rượu nhỏ, đèn cầy và một ký thịt heo quay. Chúng tôi hớn hở đi về, lòng vui như mở hội. Buổi cơm tối bình thường như mọi ngày được Me dọn tươm tất trên bàn. Chúng tôi đã bàn kế hoạch chọc phá Mẹ. Ba làm như vô tình đổ ly nước xuống bàn, nước chảy ướt cả áo Me, Ba vội vàng vào phòng lấy bộ áo quần đẹp nhất để Mẹ thay. Mẹ ngạc nhiên thắc mắc "Làm gì phải thay bộ đồ đẹp vậy anh ?". Bất ngờ Ba đem thịt quay và rượu ra rồi tuyên bố " MỪNG SINH NHẬT BÀ NỘI TƯỚNG ".

      Mẹ như từ cung trăng rơi xuống "cám ơn, cám ơn lòng tốt của quý vị, thì ra hôm nay là sinh nhật của kẻ hèn này mà kẻ hèn này quên mất", tiếp theo là tiếng vui đùa nổ như bắp rang, vui như ngày Tết. Ăn uống xong Ba lại dõng dạc tuyên bố: "Còn nữa, còn nữa ... Phần tặng quà bắt đầu". Tôi thắp sáng ngọn nến lung linh, thằng em tắt ngọn đèn điện, tiếng vỗ tay liên hồi. Quà của Ba được ưu tiên tặng trước. Me hồi họp mở quà. Xấp lụa màu vàng đậm dưới ngọn nến lung linh sao mà đẹp lạ lùng! Ba nói "Em may áo dài mặc thì trên thế gian này không ai đẹp bằng em". Mẹ cười nhìn Ba " Khéo nịnh! ". Ba cúi xuống hôn Mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy Ba hôn Mẹ âu yếm trước mặt anh em chúng tôi. Hạnh phúc đâu đây len vào hồn tôi và tôi đang mê say mái ấm gia đình. Thằng em phân bì: " Ba hun Mẹ mà không hun con". Nói xong nó cười, đem gói quà của nó đặt vào lòng Mẹ, rồi nó giành mở, lôi ra con chó lông xù có cái kèn sau đít bóp kêu te te. Ba Mẹ đều hôn nó để nó hết phân bì. Quà của tôi là quyển album có bảng danh dự của tháng học qua. Me xoa đầu tôi mỉm cười. Tôi thấy Me vui khi nhận bó hoa hồng. Ngày ấy tôi chưa đọc quyển sách Bông Hồng Cài Áo của Thượng toạ Nhất Hạnh nên tôi không biết tục lệ ở Nhật, trong ngày Lễ Mẹ, bông màu hồng tặng cho những người còn Mẹ, bông màu trắng tặng cho những người mất Mẹ .Tôi thấy hình như Mẹ biết tục lệ này và Mẹ nói: " Tháng Năm là tháng Sinh nhật của Mẹ và cũng là ngày Lễ Mẹ dành cho mọi người, quà của con làm Mẹ nhớ về Bà Ngoại đang sống ở quê. Rồi Mẹ run run cầm dao cắt bánh sinh nhật, khuôn mặt Mẹ ửng hồng trong ánh sáng toả ra từ mấy ngọn đèn cầy. Tôi thấy Mẹ là bà Tiên dịu hiền nào đó của câu chuyện cổ tích xa xưa hiện về trong căn nhà nhỏ bé nhưng đầy tình thân ái. Sau đó mọi người yêu cầu Mẹ hát để tặng lại mọi người. Mẹ cười, khẻ hát ru con: " Dí dầu cầu dán (ván) đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi... à ơi. Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ Mẹ kính Cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con À . ơi... " Mẹ hát ru con như tiếng lòng tôi gọi:

Sữa Mẹ ngọt ngào nuôi con lớn
Tiếng nói đầu đời gọi Mẹ ơi
Mẹ ơi! tiếng gọi từ thơ ấu
Ấm áp tim con suốt một đời

Từ thuở ngỡ ngàng đi chập chững
Mẹ là điểm tựa bước chân son
Vừa đi vừa ngã trong tình Mẹ
Lớn thật nhanh cây mọc xanh chồi

Buổi chiều nắng ngủ trên cành phượng
Tan học chờ con trước cổng trường
Bóng Mẹ chập chờn bên cửa lớp
Rộn ràng quen thuộc dáng thân thương

Con lớn khôn theo mùa chinh chiến
Non sông giục giã đó Mẹ ơi
Mẹ đâu còn biết ngày vui nữa
Lòng Mẹ buồn, suối lệ ngàn khơi

Tóc xanh bỗng chốc thành tơ trắng
Làm suối tình con chảy trở trăn
Mẹ ơi! tiếng gọi từ nhung nhớ
Là tiếng thiêng liêng tự muôn đời

Tôn Thất Phú Sĩ
Mẹ ơi (trích tập thơ Bến Đợi )


      Tuổi học trò quan trọng lo âu hồi hộp vào những ngày thi cử, nhất là thập niên 60. Con gái thì bình yên đi học nhưng với con trai, kết quả những kỳ thi trung học, đại học là yếu tố quyết định tương lai. Chiến tranh và quân trường đang mở rộng vòng tay chờ đón những thí sinh con trai không may thi rớt. Mỗi lần tôi đi thi là mỗi lần Mẹ lo lắng đến ốm nhom, trông rất thê thảm. Ngoài sự mong muốn cho tôi có một tương lai tốt đẹp đủ để sống với đời; Mẹ lo nhất là tôi phải vào lính. Mẹ sợ tôi bỏ thây nơi chiến trường hay trở thành thương phế binh giống như tất cả các Bà Mẹ khác thời bấy giờ. Mỗi lần tôi đi thi, tôi không nghĩ thi cho tôi mà thi cho Mẹ. Còn chừng một tháng đến ngày thi, Mẹ lo cho tôi từng bữa cơm sao cho đủ chất bổ dưỡng, rồi thuốc bổ óc, bổ máu, bổ thần kinh... Có nhiều lần tôi cằn nhằn không chịu uống. Mẹ phải dỗ dành, Mẹ uống một viên, tôi uống một viên. Biết rằng TỔ QUỐC lâm nguy thì toàn dân phải có trách nhiệm bảo vệ, thanh niên là rường cột nước nhà, giặc đến nhà đàn bà phải đánh nhưng làm sao hơn khi tình Mẹ thương con là bao la như vậy. Xin đừng trách người Mẹ khi ngày ngày Mẹ lặng lẽ nhìn những đám tang đi qua, quan tài phủ màu cờ... Sợ hãi nghĩ đến nỗi đau tận cùng nếu phải mất con. Lòng yêu nước và lòng Mẹ xin để cho con tim phán xét. Thời trung học không có một kỳ thi nào mà Mẹ không đi theo con. Trong phòng thi tôi thấy xa xa thấp thoáng Mẹ cười, nụ cười tươi mát như trao cho tôi niềm tin, giúp trí tôi minh mẫn hơn. Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, tha thiết như vừng trăng rằm mùa Thu, trong tôi tiếng nói và chữ viết không đủ để ca tụng LÒNG MẸ. Kỳ thi nào Mẹ cũng mong tôi thi đỗ, thế mà có một kỳ thi Me sợ tôi thi đỗ, đó là kỳ thi vào trường Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân. Khi nộp đơn thi tôi trấn an Mẹ:" bạn bè rủ, con nộp đơn thi cho vui thôi, con không có trở ngại việc học, con không đi lính đâu". Mẹ im lặng không nói gì nhưng tôi biết Mẹ lo lắng.

      Một buổi chiều Xuân năm đó, trời nắng trong và mát, hoa đào, hoa mai nở rộ bày bán tưng bừng dọc theo đường Trần Hưng Đạo HUẾ, tôi từ trường ra, không về nhà vội, thả bộ qua cầu Trường Tiền để mơ mộng. Tôi chợt thấy một toán thanh niên đồng lứa tuổi tôi trong bộ đồng phục Hải quân rất dễ thương và giang hồ làm sao! Vốn ưa thích du lịch qua biển nọ sông kia, lại bị ảnh hưởng con dế mèn phiêu lưu của Tô Hoài, hình ảnh những sinh viên sĩ quan áo trắng ám ảnh tôi từ hôm nay. Tôi mơ cùng con tàu vượt trùng dương về những bờ bến lạ. Thế là cuối năm học tôi theo bạn nộp đơn thi vào Hải Quân. Miền Trung thi tuyển 103 sinh viên, lấy 13 người. Địa điểm thi là Sơn Trà Hải khu Đà Nẵng. Tôi không ngờ tôi thi đậu. Tôi cương quyết bỏ trường, bỏ lớp, bỏ ngành y dài đăng đẳng để đi làm người thuỷ thủ cho thoả mộng giang hồ. Me khuyên tôi thế nào cũng không được. Ba Me tôi buồn lắm, kể cả thằng em sắp vào đại học cũng ngăn cản tôi. Trong thời gian chờ nhập ngũ, không còn tiếng cười trong gia đình tôi, mọi người trở nên yên lặng. Một hôm Mẹ đeo vào cổ tôi một dây chuyền có lá bùa hộ mạng. Me nói Me thỉnh lá bùa này của một vị sư trong chùa, lá bùa kỵ thuỷ giữ gìn mạng sống cho tôi trong đời làm thuỷ thủ. Tôi không tin nhưng vẫn đeo cho Mẹ yên lòng. Sau này tôi may thêm vào lá bùa hình Me tôi và suốt đời đeo nơi cổ cho đến bây giờ. Ngày tôi xuống tàu đi Nha Trang nhập ngũ, nước sông Hàn dâng cao, trời mưa,  gió lạnh. Hình ảnh Ba Me và em tôi đưa tiễn mờ dần khi chiếc tàu từ từ rời cầu tàu ra xa, xa dần ... Mẹ tôi, người Mẹ yêu quý của tôi đang khóc như chính lòng tôi đang khóc nghĩ đến người thân.

      Tháng Năm là tháng Sinh Nhật và cũng là tháng giỗ Mẹ tôi. Mẹ tôi mất khi người tròn 70 tuổi. Ngày tiễn đưa Mẹ ra nghĩa trang thành phố Courcouronnes, nơi gia đình tôi cư ngụ, hai hàng cây bên đường nở toàn hoa trắng. Dòng sông Seine uốn khúc chạy quanh, hoa trắng rơi như hoa bụi bay suốt con đường đưa Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thành phố đang chuẩn bị đón ngày Lễ Mẹ. Thân thể tôi lạnh băng như không còn dòng máu lưu thông, hồn tôi quấn quít bên quan tài Mẹ. Tôi không tin, nhất định tôi không tin, một ngàn lần, một vạn lần tôi không tin là Mẹ đã bỏ tôi ra đi vĩnh viễn. Tôi nghĩ Mẹ đi chơi một chút, chốc nữa Mẹ về với con. Và đến bây giờ tôi vẫn còn nghĩ vậy. Nhân ngày Lễ Mẹ, tôi tham lam muốn gom tất cả những ca tụng về Mẹ của mọi người để dành riêng ca tụng MẸ TÔI.

MẸ ƠI ! con gọi Mẹ ơi ... đến hơi thở cuối đời.


Paris Ngày Lễ Mẹ
12-05-2003
Tôn Thất Phú Sĩ  

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.