TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

     Bà Xuân vói tay kéo chốt cửa lầu, bước ra sân thượng. Hôm nay bà thấy trong người không khoẻ. Nhưng vẫn lên lầu để chăm chút mấy cây kiểng ông Dương giao. Mùa nắng tưới mỗi ngày hai lần. Mùa mưa thì ít hơn. Đôi ba ngày một lần. Có khi cả tuần lễ không tưới cũng không sao. 

Bà nhìn cây lựu đã cao chừng bốn gang tay, trổ hoa thơm ngát. Tách một cánh hoa lựu vò nhẹ trong tay, mùi thơm quyến rũ. Tuy nhiên, bà chưa hề thấy ở đâu sản xuất nước hoa từ hoa lựu bao giờ. Chậu tần bì quá nhiều nhánh chìa ra giống như những chiếc đũa tre màu xanh nối kết theo hình bức tranh lập thể. Đồng thời cũng giống như hàng dễ vỡ. Đụng đến là gãy làm chảy những giọt nhựa như nhựa cây xương rồng trắng đục, đặc quánh. Những chậu xương rồng xanh tua tủa gai trắng. Mấy khóm bông giấy cũng có nhiều hoa, rụng đầy. 

Bà thích nhất là chậu hồng màu đỏ thẫm. 

Hồi trước, ngày đầu tiên Howard đến với bà trên tay là một bó hoa hồng thẫm có điểm mấy nhánh cúc baby. Đó là ngày hạnh phúc nhất của bà. Giở tập ảnh cũ bà không khỏi ứa nước mắt. Không hiểu sao cuộc đời bà là những chuỗi ngày vui buồn xen kẽ nhau. Không khác gì cảnh những ngọn đồi chập chùng, hết lên cao lại xuống thấp. Hết xuống thấp lại lên cao. 

Năm 1971, bà sinh Christine, tên Việt Nam là Bảo Trân. Bà yêu con bé có mái tóc vàng và đôi mắt nâu nâu trong veo với hàng mi cong vút. Mỗi ngày từ chỗ làm về, Howard cứ ở suốt bên chiếc nôi của con. Hết sửa chăn lại thay tã. Hết đong đưa chiếc nôi lại hát khe khẽ một bản nhạc ru êm. 

Bé Trân mới 8 tháng tuổi mà tủ lạnh đầy ắp thức ăn. 

Howard bảo: 

- Christtine không ăn được thì em ăn đi. Có sức khoẻ mà lo cho con. 

Trong ngày về Mỹ lần thứ ba Howard chỉ kịp ghi cho bà mấy dòng: 

- Anh sẽ trở lại đón em và con. Đừng quên anh. Đừng bỏ con. 

Cái gì vậy? Chuyện gì vậy? Bà Xuân tự hỏi và không tìm được câu trẻ lời. Bà mất liên lạc với Howard từ đó. 

*** 

Tháng 9 năm 1975. 

Bà Xuân âm thầm làm một cuộc chia ly với con gái Christine khi cô Lan bạn bà chuẩn bị vượt biên. Vì không có đủ tiền nên bà để con đi một mình. Hành trang của con bé là giấy khai sinh, một bức ảnh Bảo Trân đứng trước sân nhà, một bức ảnh chụp chung với mẹ cha cùng địa chỉ của Howard. Vậy thôi! 

Mãi đến 29 năm sau, những người biết chuyện còn thắc mắc: Sao bà gan vậy? Bà không sợ cảnh mất chồng lại mất cả con sao? Bà cười mà nước mắt nhạt nhoà. Đã 29 năm qua bà hoàn toàn không liên lạc được với chồng con. Bà chỉ biết một điều: Christine đã được Cô Lan giao tận tay cha. 

Tính đến hôm nay, bà Xuân đã vào ở trong nhà ông bà Dương 25 năm rồi. Ôi! Nghĩa tình nói sao cho hết. Lúc cho Bảo Trân đi vượt biên xong bà như người mất hồn. Nhưng vẫn phải đi làm kiếm sống. Sáng sớm bà đến chợ chồm hỗm ở Ngã ba Bà Quẹo Tân Bình mua rau cải tươi từ Hốc Môn chở đến. Đem về ngồi bán ở ven đường ngã tư Bảy Hiền. Ông Bà Dương tốt bụng, thương tình cho bà ngồi trước cửa. Tối đến về ngủ trong một căn gác trọ gần Nhà Thờ Ba Chuông. Vợ của một sĩ quan Mỹ sống như vậy trong hai năm. Một lần bị công an rượt , bà ù té chạy. Hàng bán bị hốt hết. Bà ngồi bệt xuống trước thềm nhà ông bà Dương khóc hoài. Thành thật mà nói, ông bà Dương rất có tình người. Biết bao ngày ông bà đã từng mua hộ những hàng ế của bà cho bà nhẹ gánh đi về. 

Lúc nầy, bà Dương mang thai đứa con thứ ba. Cần một người chăm sóc em bé. Ông bà Dương vừa yên ủi bà Xuân vừa hỏi: 

- Chị Xuân, bây giờ không còn người thân nào bên cạnh, chị có vui lòng về ở chung với chúng tôi không? Vợ tôi sắp sinh rồi. Được có chị một bên thì tôi cảm ơn Thượng Đế lắm. 

Qua hai hàng nước mắt, bà Xuân gật đầu. Phải! Bà đâu còn người thân nào ở Sài Gòn. Cô em gái của bà đã qua Mỹ vào những ngày đầu của tháng 5 năm 1975 rồi. Vẫn chưa tin tức. Mà liên lạc làm sao khi bà đã thay chỗ ở mấy lần. Trong đời thường, hễ ở đâu có tình thương thì ở đó có sự êm ấm. Bà Xuân tá túc tại nhà ông bà Dương từ đấy cho đến khi ông bà có đứa con gái thứ năm. 

Khi cô con út ấy đã là thiếu nữ tuổi đôi mươi. Nỗi nhớ thương Christine cũng chất ngất ở trong lòng bà. Bà Xuân cứ khóc thầm. Buồn lặng lẽ. 

*** 

Đang thả hồn về quá khứ chợt bà nghe tiếng ông Dương gọi: 

- Chị Xuân ơi. Chị đâu rồi? 

- Tôi đây. Có gì vậy chú Dương? 

- Xuống đây rồi biết. 

Giọng ông như reo lên: 

- Tin vui. Tin vui. 

Bà Xuân bước xuống bậc thang cuối cùng, thấy lòng hồi hộp. Ông Dương ngồi ở ghế dài chìa tờ báo ra, nói: 

- Chị lại đây mà xem nầy. Tên chị phải không? Tên con chị phải không? 

Bà Xuân đỡ lấy tờ báo trên tay ông Dương. Đọc đến đâu nước mắt lăn dài theo đến đó. 

Tìm Mẹ. 

Tôi là Christine - Tên tiếng Việt là Bảo Trân. 

Tìm Mẹ tên Nguyễn Thị Thanh Xuân. Trước năm 1975 nhà ở gần Nhà Thờ Ba Chuông. Gửi tôi đi Mỹ với Cô Lan. Ai biết Mẹ tôi hiện ở đâu làm ơn nhắn giùm. Xin hậu tạ. 

Hai bức ảnh kèm theo khiến bà Xuân khuỵu xuống sàn nhà, khóc ngất. Đúng là con gái của bà. Bức ảnh thứ nhất Howard một tay bế con một tay quàng vai bà âu yếm. Bức ảnh thứ hai Bảo Trân mặc áo đầm xanh màu bích ngọc, tóc cột cao thắt nơ. Bà vẫn còn lưu giữ trong album một ảnh giống y như vậy. Tạ ơn trời đất. Thượng Đế còn thương. Bà lẩm nhẩm. 

Một tháng sau nhờ toà soạn của tờ báo, Christine đã liên lạc được với bà. Việc đầu tiên, vợ chồng và hai con gái của Christine sẽ đi Việt Nam thăm mẹ. 

Ngày gặp nhau, Bà Xuân không thể nào tưởng tượng nổi: con gái Bảo Trân bé bỏng ngày nào giờ đã là thiếu phụ hai con. Với vóc dáng như vận động viên bơi bội: Da rám nắng, người thon thả, nhanh nhẹn. Đi bên cạnh người chồng nói nói, cười cười thật đẹp đôi và hạnh phúc. Còn người mẹ mà Christine hết lòng tìm kiếm giờ tuổi đã ngoài 60. Hơn thế nữa, những biến cố dập dồn trong cuộc đời khiến bà già đi trước tuổi: Ốm yếu, hom hem. Trong vòng tay sum họp hai mẹ con cứ ôm nhau khóc hoài. Chàng rể Mỹ thì đứng nghệch ra. Hình như xót xa cho vợ. 

Christine về Việt Nam 3 lần, mọi thủ tục bảo lãnh đã hoàn tất. Năm sau, bà Xuân sang Mỹ. 

Một ngày của tháng 4 năm 2005. Lại cũng tháng 4 định mệnh. Bà gặp Howard tháng 4. Tạm chia tay vào tháng 4 năm 1972. Tháng 4 năm 2003 bà gặp lại con. Rồi tháng 4 năm 2005 bà được định cư nơi quê hương của chồng. 

Cuộc đời bà Xuân thêm một lần đi vào bước ngoặt. 

* * * 

Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, bước vào nhà đứa con gái yêu, bà thấy cái gì cũng lạ lẫm. James và Christine hoàn toàn không biết nói tiếng Việt. Cho nên khá vất vả cho bà Xuân. Mấy chục năm ở trong nhà ông bà Dương, nơi đó cũng nhà cao, cửa rộng. Nhưng căn nhà của Christine phải nói là quá đẹp. Nhà có sân trước nhiều cỏ mượt, cắt rất kỹ. Nhìn xa như một tấm thảm xanh mịn. Bên hiên trồng nhiều hoa: Hồng cam, hồng thẫm, cẩm tú cầu, cúc tím. Ở lối vào có hai cây hoàng điệp cao cũng quá đầu. Trước hai cửa sổ là hai cây táo sai trái. Căn nhà làm bà đứng tần ngần rất lâu. Bốn phòng ngủ. Phòng nào cũng có phòng tắm riêng. Phòng khách bày trí nhẹ nhàng và sang trọng. Dùng toàn màu trắng và màu cà phê sữa nhạt. Phòng ăn thì sang quá. Bà hỏi Christine: 

- Nhà sắp có tiệc lớn phải không? 

Con bà đáp: 

- Chỉ là bữa ăn gia đình bình thường thôi mẹ. 

Bà Xuân lúng túng trong khung cảnh sang giàu của con theo suy nghĩ của bà. Đêm đầu tiên trên đất Mỹ bà thức trắng. Đêm thứ hai, thứ ba và đến ngày thứ sáu thì Christine trách: 

- Mẹ cứ ngủ ngày hoài. Sao mẹ không chịu đi ra đi vào gì cả. 

Bà Xuân thấy buồn. Vừa mệt, vừa đói. Sao con bà không nấu cho bà cơm. Bắt bà phải ăn thức ăn của Mỹ. Trái cây trên bàn bà chỉ thích chuối thôi. Bà thấy nhớ cơm vô cùng. 

Một tuần lễ trôi qua, thấy bà quá buồn Christine mua cho bà một nồi cơm điện theo yêu cầu của mẹ. Sợ mùi thức ăn ám vào nhà bà phải nấu bằng bếp ga nhỏ xíu ở sân sau. Một tô canh nấu bằng mì gói. Thôi cũng đủ cho cái bao tử của bà. Giấc ngủ bà tạm quen với giờ ở Mỹ rồi. Nhưng giặt giũ thì trở ngại vô cùng. Bà không biết dùng máy giặt máy sấy gì cả. 

Thế rồi, đợi cho Christine đi làm bà giặt tay, đem phơi ở hàng rào bên hông nhà. Hàng giờ bà ngồi đợi cho khô, mong cho khô trước giờ con gái trở về nhà. Không ngờ hôm đó Christine về sớm. Cô gom hết mấy bộ quần áo vào nhà: 

- Mẹ đừng có phơi như vậy mất đẹp cho cái nhà. Hàng xóm nhìn vào xấu lắm. 

Bà Xuân cảm thấy buồn, thấy khó chịu. Bà bắt đầu thấy hối tiếc khi rời bỏ quê hương. Ôi! Con của bà. Đứa con gái mà bà banh da xẻ thịt đẻ ra đã xử tệ với bà như thế. Người đâu mà vô tình. Bà bảo bà thèm nước mắm, Christine nói:

- Chồng con của con và cả con cũng không chịu nổi mùi ấy đâu. 

Bà bảo thèm thức ăn Việt Nam, cô trả lời: 

- Mẹ hãy tập ăn thức ăn Mỹ. Cuộc đời còn lại của Mẹ ở Mỹ mà. 

Hồi sống với ông bà Dương, bà có một phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Tự do ăn uống. Tự do ngủ nghỉ. Còn bây giờ. Đúng 9 giờ bà phải vào phòng. Lý do hai đứa bé ngày mai đi học sớm. Chúng chỉ được phép nói chuyện với bà 10 phút mỗi ngày. Không khí trong nhà ngột ngạt từ cái hôm bà ăn một lúc hai trái bắp luộc mà bà tưởng tất cả cho bà. Christine đã nói với chồng vẻ giận dữ: 

- Mẹ kỳ thật. Nhà có 5 người. Mẹ đã ăn mất phần của một người rồi. 

Bà nghe và nói được tiếng Anh mà. Tủi thân. Bà khóc. Con cái ở Mỹ, sống theo kiểu Mỹ có khác. Bà nhớ câu chuyện đọc ở đâu đó lâu rồi. Ở một xứ xa, những cha mẹ đã già thường được các con đưa vào rừng. Không phải để ngắm cảnh hay săn bắn. Mà là bắt các cụ trèo lên cây. Các con đứng dưới đất mà rung. Người nào yếu sức té xuống chết thì khiêng đi chôn. Người nào còn khoẻ bám chặt vào cây rung mãi không rớt thì đem về nuôi tiếp. Phong tục gì mà kỳ cục! Bà nghĩ thân phận mình. Bà mới 68 tuổi. Tại khổ cực nên già. Sang đây ăn uống thất thường càng gầy đi thấy rõ. Sao con bà không thấy cho. Bỗng bà chợt nhớ ra, hồi đi đứa cháu họ ở Michigan có cho bà số phone. Phải rồi. Ngày mai bà sẽ gọi. Mặc dù Christine căn dặn nhiều lần:

- Mẹ đừng có bắt phone, cũng đừng gọi cho ai. Tốn tiền lắm. 

*** 

Cầm cái thư trong tay, bà Xuân mở ra, run rẩy: Vé máy bay! Bà nói chuyện với Khoa mới hai tuần, cháu đã gửi vé cho bà sau khi nhiều lần hỏi: 

- Bác đã nghĩ kỹ chưa? Mà không sao. Cứ sang ở với cháu. Khi nào muốn về với chị ấy cháu sẽ lo. Bác vui lên đi nhé. 

Bà chìa tấm vé máy bay ra sau giờ ăn tối, Christine và James nhìn sững. Thật lâu, Christine cầm lấy. Đọc vội ngày giờ bay. Cô hỏi: 

- Sao mẹ không cho con biết trước? 

Bà cố ngăn cơn khóc như sóng ở trong lòng bà, trồi lên, dồn dập. 

- Mẹ muốn đi khỏi đây một ít lâu. 

Ai về phòng nấy... 

Hôm James chuẩn bị đưa bà Xuân ra phi trường, Christine đến bên bà, nhẹ giọng: 

- Mẹ đi chơi vài tuần rồi về. Các cháu sẽ nhớ mẹ. 

Không cầm tay, cũng không ôm hôn. Bà Xuân nuốt ngược nước mắt vào lòng: 

- Mẹ chưa biết sẽ quay về lúc nào. Cảm ơn con. 

Khi bà đã vào xe, Christine nói với: 

- Mẹ! Con xin lỗi mẹ. 

Rồi đóng cửa xe lại. Đi thắng vào nhà. 

Xong phần kiểm tra hành lý, James ôm nhẹ vai bà Xuân: 

- Mẹ đi bình an. 

Và không hề nói con mong mẹ quay về. 

Thắm thoát bà Xuân đã về ở với vợ chồng Khoa 9 tháng hơn. Nhiều lần Christine gọi. Khóc có. Xin lỗi có. Mời bà quay về có. Nhưng bà Xuân đã nguôi đi bao đắng cay. Đã quen với nơi ở mới trên vùng đất Tự Do. 

Ngôn ngữ không đến nỗi quá bất đồng nhưng bà không thể nào sống yên cùng con cho được. Khi mà bà xa Christine gần 30 năm. Đứa con ấy là con của Mỹ. Sống và lớn lên trên đất Mỹ, ăn thức ăn Mỹ. Cảm tình và cách đối nhân xử thế cũng theo Mỹ nốt. Người Mẹ nào mà chẳng thương con. Bà khóc nhiều ngày mỗi lần nhớ câu hỏi của Christine qua phone mấy ngày nay: 

- Xuân nầy mẹ ở đâu? 

Nhưng bà làm thế có gì quá đáng không? Bà đã gặp con. Đã tận mắt thấy cảnh đời giàu sang nệm ấm, chăn êm của con. Với tình thương yêu của người mẹ thật lòng bà mong gia đình con bà mãi mãi là một mái gia đình hạnh phúc. Còn bà giống như vệt màu rơi không thể nào tạo được màu sắc hài hoà trên một bức tranh mà hoạ sĩ thấy rằng đã đủ đẹp. 

 

Hoàng Yến

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.