TKH - banner 08

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 Từ khi biết Dung lấy chồng, qua thư Hoành, Tân quyết định làm theo lời khuyên của thím Chín và của Thắm, chàng sẽ đến những cù lao bỏ hoang ở Tắc Cậu, lập nghiệp. Tại quê nhà, Tân cảm thấy khó sống, mới hôm nào đứa cháu họ không biết vâng lịnh của ai nó đến thăm chàng và điều tra thời gian từ khi chàng làm công chức đến khi vào quân đội. Nếu người khác, Tân dễ dàng tha thứ vì họ có bổn phận,  đằng nầy ba nó trước kia nhờ vào sự che chở của chàng mới yên thân làm ăn. Lúc sa cơ mới thấu hiểu tình đời. Chàng viết đơn xin di chuyển, Tám Tường giả bộ khuyên lơn ở lại có anh em bà con, nhưng thâm tâm của hắn thầm mong chàng đi ra khỏi xã. Sau khi đến Vàm Cống thăm Thắm, Tân về nhà từ giã mấy đứa em,  ngày hôm sau lên đường. Tân đem theo đồ đạc làm rẫy, ít trăm đồng do Hoành gởi cho. Hôm đến từ giã Thắm, cô  an ủi chàng trước khi chia tay:

 - Anh sắp xếp nơi ăn chốn ở, có ngày em dám bỏ sở ra ngoài đó với anh.

Tân cười

 - Em ra ngoài đó bộ tính làm chúa đảo sao?

 - Nếu được yên thân em sẽ đi, làm việc với bọn nầy em sắp” mát” rồi anh ơi!

 Thắm cho biết ông Trưởng ấp chỗ Tân đến là cháu của má cô, ông chủ tịch xã cũng trong vòng họ hàng. Má cô về đám giỗ dưới đó và ân cần giới thiệu anh với họ, em hy vọng họ sẽ tử tế với anh.

Tắc Cậu - Xẻo Rô

 Theo lời chỉ dẫn của thím Chín, Tân tìm đến cậu Bảy, em thím Chín, Cậu tiếp Tân nhiệt tình, cậu cho biết ở vùng nầy đa số dân có tiền đều đã vượt biên hoặc đang toan tính ra đi, sang lại chỗ ở sắm ghe để làm ăn cũng không đắt lắm, ở chơi vài Ba hôm cậu sẽ hướng dẫn trình diện ông chủ ấp cũng như dọ hỏi mua sắm dụng cụ hành nghề.

 Chiều xuống, xứ nầy cũng gần như U Minh, trại Cải tạo Tân đã chịu đựng ba năm ở đó, muỗi mòng, nhà nầy cách nhà kia khá xa. Gần như ai cũng sở hữu ít công vườn và đất cày cấy, dân ở đây làm vườn lẫn ruộng, trừ dân cố cựu, ít ai muốn đến đây sinh sống hoặc lập nghiệp, nhứt là thanh niên. Tân mang tâm trạng chán đời chàng không câu nệ chỗ ở chỉ cần được yên thân.

 Sáng cơm nước xong cậu Bảy chạy ghe máy chở Tân đến trụ sở ấp, cách nhà cậu hơn cây số. Tại trụ sở Tân đếm thử thấy bảy cái nhà, cái lợp tôn, cái lợp lá dừa nước. Tân đến trình diện,  ông trưởng ấp thiệt tình nên nói:
 - Tôi sợ anh ở lâu buồn rồi đi mất, chứ tôi luôn muốn ấp nầy ngày đông dân, dĩ vãng nên bỏ hết mình sống như anh em bà con.

Cậu Bảy gợi ý:

- Cháu Tân mới nhập cư, thằng Năm giới thiệu chỗ nào cho Tân lập nghiệp dễ dàng.

- Anh Tân sợ ma không? Tân chưa trả lời còn đang suy nghĩ xem ông Trưởng ấp hỏi với dụng ý gì. Không đợi Tân trả lời, ông nói tiếp.

- Nếu anh không sợ ma có thể đến nền bót cũ của giang đoàn đóng lúc trước, ở đó dọn dẹp đỡ hơn. Cô Hai giới thiệu anh, nên tôi cho anh khẩn chỗ đó rất tiện lợi.

Tân trả lời:

- Lúc đói thì tay phải cào, ma chắc cũng nể mặt dân đói.

Cậu Bảy cũng thêm vào:

- Thằng Năm có ý tốt cháu nên nhận đi

 Buổi gặp chính quyền đầu tiên cũng tạm được. Xứ nầy không biết làm ăn ra sao nhưng dân chúng lần lượt bỏ đi hết chắc vì buồn hiu, mấy cô, mấy cậu dù có rang cám nhử họ cũng không ở. Cậu Bảy đưa Tân đến chỗ nền bót xem thử. Chỗ khá tốt chỉ cần làm cỏ trồng chuối một năm là có huê lợi,  nơi nầy có giếng nước do mấy anh giang đoàn xây có bơm tay rất tiện. Bót cũ bị đập phá lấy gạch nhưng cũng còn cao khỏi đầu làm lại cái nóc, sống tạm cũng được. Cậu Bảy hỏi:

- Cháu thấy thế nào, nếu cháu quyết định ở đây cậu sẽ vận động tụi con cháu giúp cháu một ngày thì xong

 Trước khi về nhà, cậu Bảy chở Tân tới chỗ tiệm nho nhỏ của vùng nầy giới thiệu để khi cần có thể đến mua nước mắm, đường đậu v .v.  Chiều trong lúc ăn cơm,  Tân ngỏ ý là chàng muốn làm nghề giăng câu thả lưới, vì nghe bà con nói vùng nầy nhiều tôm, cá. Cậu Bảy cho biết ở đây có chỗ nước ngọt, tức chỗ ấp và chỗ đồn Tân sẽ cư ngụ , còn lại là nước lợ. Ông bạn ở xóm nầy chuyên giăng câu mai chiều cháu sẽ thọ giáo với ổng. Dân chúng họ thực thà, họ sẽ chỉ cháu làm ăn. Chị Hai nói cháu từ hồi nào tới giờ chỉ đi dạy học sao lại biết giăng câu chớ.

- Thưa cậu, thủa nhỏ nhà nghèo cháu làm đủ nghề trước khi đi dạy học.

 Ngày kế cậu Bảy huy động con cháu của cậu cũng năm sáu người, cậu tính toán cây lá những thứ cần thiết để che chòi tạm, gần xóm có vựa lá, những thứ như tầm vông làm đòn tay, rui để lợp lá. Nhờ cậu chỉ dẫn làm đến hai giờ chiều xong. Đêm đó Tân còn ở tạm nhà cậu để nhờ mợ mua những thứ cần thiết.  Ông bà Năm gần đó biết Tân mới tới nhập cư ông bà mang cho mớ nồi niêu xoong chảo, ông bà cho biết gần xóm có người vượt biên, những thứ vừa nói hai ông bà lấy từ nhà bỏ đi, nay tặng lại cho Tân. Tội nghiệp dân xóm nầy rất chí tình, người giúp món nầy, người món khác nếu đi mua thì tốn nhiều tiền. Mấy chú thanh niên người cho cuốc, dá,  dao, búa tuy cũ nhưng mài lại vẫn xài được. Tân đem đồ đạc đến nhà mới. Chỗ ăn ở tạm lo xong giờ Tân cần chiếc ghe nhỏ mới làm nghề được. Người hàng xóm hứa sẽ tìm ghe, câu, lưới cho Tân.

 Mợ Bảy cho biết xóm nầy họ vượt biên gần hết, ghe cộ họ chuyển cho bà con vì vậy có nhà có tới bốn chiếc ghe, thủng thỉnh mợ mua  giùm . Mấy người thanh niên giúp việc ngày nay Tân trả tiền công không ai lấy cả, họ nói khi nào rảnh Tân dạy họ học tiếng Anh thì quí hơn tiền bạc. Đám thanh niên đa số dân ruộng rẫy, bản chất hiền hòa dễ mến.

hình trên net

 Tân dọn đến chỗ mới, nó giống như cái ốc đảo, chỉ độ hai ngàn thước vuông thuộc phạm vi cái đồn cũ, xung quanh đều sông nước, muốn đi đâu phải có xuồng. Ông Bác cạnh nhà cậu Bảy cho mượn chiếc ghe cũ dư dùng chừng nào mua được ghe sẽ trả lại. Tân năn nỉ ông bán lại chiếc ghe đó. Ông nói:

 - Cháu mới tới lập nghiệp Bác sẽ tìm ghe tốt giá vừa phải cho cháu, chứ chiếc ghe nầy đi không bao lâu, miệt nầy chỗ nước ngọt chỗ nước lợ, ghe mau hư lắm

 Đây thực là kinh nghiệm quí báu mà chàng mới học bài học vỡ lòng. Năm năm rồi, người dân sống bon chen chụp giựt, chỉ chỗ nầy dân chúng còn thật thà không theo nếp sống của Việt Cộng.

 Đến chỗ mới, nhớ lời má lúc sanh tiền, Tân cũng nấu bữa cơm có canh, cúng kiến đất đai, vị thần cai quản vùng sở tại về chứng chiếu và phò hộ cho chàng trên bước đường xa xứ làm ăn được thuận lợi. Cả ngày mệt nhọc tối đến chàng đánh một giấc tới sáng, quên chuyện sợ ma mà mấy hôm trước ông trưởng ấp có nói qua.

 Sáng Tân thức sớm pha trà uống, lục cơm nguội ăn một bụng rồi làm cỏ lối đi, bụi chuối sát mé sông có bốn năm cây chuối con, chàng bứng trồng để che kín cái chòi khi chuối lớn có tàng. Chiều đến ông trưởng ấp đến thăm, xem cách tổ chức cuộc sống của chàng, đây cũng là một công hai việc: Vừa làm nhiệm vụ ông ấp trưởng, vừa thăm hỏi chàng để chứng tỏ ông ta cũng lo lắng cho người mà thím Chín đã gởi gấm. Cũng chiều đó, một  ông khách khác vóc dáng mạnh khỏe trạc sáu mươi, đến nhà Tân ông quảy hai bao cỡ bao nhím, một bao ông mở ra gồm cuốn Tự điển tiếng Anh, Cuốn tự điển Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn, ông gọi Tân là ông giáo, Tân ngạc nhiên hỏi sao ông biết nghề nghiệp chàng lúc trước, ông nói ông có đứa cháu trước kia là học trò của Tân. Tân hỏi nữa cho rõ,  ông  không cho biêt gì thêm chỉ nói:

- Thầy đến xứ nầy chỉ muốn lánh xa thế sự, nhưng chữ nghĩa cũng cần thiết, lúc rảnh thầy nên ôn lại.

 Bao kia gồm giàn câu thả, dài mấy trăm thước, ông bảo Tân xuống xuồng bơi cho ông xem xung quanh, ông chỉ cách thả câu, con nước, chỗ nào nên giăng lưới. Khi về nhà ông dạy Tân cách làm mồi giăng câu và ông bắt Tân phải hứa không được truyền lại cho bất cứ ai. Sau khi uống trà ông từ giã ra về không lưu tên và địa chỉ. Ông cho biết nội ngày mai có người mang ghe và gộng đựng cá cho Tân. Theo cách ông chỉ chắc chắn Tân sẽ có cuộc sống đỡ cơ cực, ông lặp lại nhiều lần:

- Bắt cá chỉ để sống tạm, bắt cá để làm giàu thì cái giàu ấy không bền

 Ông ra về Tân ngẩn ngơ. Ông là ai sao lại biết nghề nghiệp của mình, dạy mình cách bắt cá nhưng lại khuyên đừng bắt nhiều. Vái trời kiếm cá đủ nuôi thân cũng là quí rồi, thời buổi này chỉ cầu bình yên là được. Sáng hôm sau Tân hỏi đường đến chợ xã, Tân đảo một vòng chợ cho biết, đồng thời tìm tiệm thuốc bắc mua ít dược liệu mà ông già hôm qua dặn. Tân tìm mua thêm vài thứ cần nữa, Tân lại làm sang mua cà phê, trà, đường, ghé tiệm uống ly xây chừng cho đả thèm. Vừa trả tiền toan ra về, chợt một cô ăn mặc khá tươm tất nhìn chàng chòng chọc, đến khi Tân sắp xuống xuồng chợt cô chạy theo gọi lớn: 

- Thầy Tân.. Thầy Tân

Tân dừng lại đầy ngạc nhiên, ở xứ nầy ai lại biết mình nữa;

- Xin lỗi phải ông là giáo sư Tân ở VL không?

- Dạ phải sao cô lại biết tôi

Cô gái nói lắp bắp

- Em là Duyên năm xưa thiếu tiền đóng học phí nhờ thầy giúp giùm, thầy nhớ lại chưa

- Tôi nhớ có giúp đóng học phí cho một học sinh nhưng tôi không nhớ tên

- Chính em đây thưa thầy. Thầy đi đâu đến xứ khỉ ho cò gáy này?

Tân chẫm rãi đáp:

- Tôi xuống đây lập nghiệp.

Duyên sốt sắng:

- Xin mời thầy vào nhà em uống nước

 Tân theo Duyên vào nhà. Trong nhà có ông cán bộ, mặt ông hơi cau có khi Duyên dắt người lạ vào nhà. Duyên giới thiệu:

- Xin giới thiệu thầy đây anh hai của em.

Day qua Tân

- Đây là giáo sư Tân năm xưa đóng giùm học phí cho em khi anh Ba lo không nổi. Nhờ vậy em không bị đuổi học.

Bây giờ anh của Duyên mới vồn vã

- Mời thầy ngồi,  em Duyên thường kể công ơn của thầy, nay tình cờ gặp lại đây quí quá thay.. Thầy hiện ngụ ở đâu?

- Thưa tôi mới xin chuyển hộ khẩu về đây, hiện ở tại ấp…

- Cô Hai tôi có giới thiệu người tên Tân  không lẽ là thầy.

- Dạ phải tôi gọi là thím, bà con bên vợ, má của cô Thắm.

Anh của Duyên mừng rỡ

- Tôi mong, không ngờ anh đã tới nơi, chắc thằng Năm lo chỗ cho anh rồi chứ?

- Dạ ông trưởng ấp Năm chỉ chỗ cho tôi rồi

- Duyên em mời thầy Tân ở lại ăn cơm. Xin giới thiệu tôi là chủ tịch xã này

Tân lễ phép chào

- Hân hạnh chào ông chủ tịch và cũng xin ông chủ tịch thứ cho hôm nay tôi bận

Ông bắt tay Tân rồi đội kết đi làm. Tân lại hỏi Duyên

- Cô Duyên hiện giờ làm gì?

- Dạ em làm giáo viên dạy ở trường cấp hai tại quận nhà. Hôm nào thầy rảnh mời thầy đến ăn cơm với gia đình em.

Tân ra về lòng thấy vui vui, chuyện làm ơn năm xưa Tân đã quên mất, nếu không phải Duyên nhắc lại.

 Cơm nước vừa xong Tân đang ngồi phì phà thuốc, một cậu thanh niên ghé bến lên nhà tìm Tân. Anh cho biết Bác Ba nhờ mang chiếc ghe có sẵn máy đuôi tôm cũ và một giàn lưới cũng cũ nhưng còn xài được kèm theo ít dòng vắn tắt cho Tân.

  Ông Giáo Tân thân mến,

Hôm qua tôi hứa tìm cho ông chiếc ghe, may mắn chẳng những có ghe lại có máy và lưới , như vậy ông khỏi phải xuất tiền cho những thứ tôi vừa kể. Vào thời buổi nầy máy móc có nơi rất quí, nhưng vùng nầy máy và ghe nhỏ lại dư. Chắc ông biết tại sao. Chuyện tiền bạc ông khỏi phải quan tâm . Bao giờ ông làm ăn khá tôi sẽ đến lấy tiền.. Ông đừng bận tâm. Từ nay ông có thể gọi tôi là anh Ba. Lần gặp nhau kỳ tới tôi sẽ nói rõ lai lịch. Chào Ông,

Anh Ba

 Cậu thanh niên sau khi trao thơ và ghe cho Tân, cậu nhờ Tân cho quá giang qua sông rồi từ từ đi mất. Chiếc ghe khô ráo dường như mới trét và lấp vò, Tân nghĩ nếu làm mui, có thể ăn ở dưới ghe cũng tiện. Nội ngày hôm đó Tân đến trả chiếc xuồng cho ông Bác cạnh nhà Cậu Bảy và cám ơn lòng tốt của ông. Chàng ghé thăm cậu mợ Bảy và thuật chuyện chiếc ghe, máy, câu, lưới có người tăng cho. Mợ Bảy nói:

- Cháu dường như có số tốt, ở chỗ hẻo lánh cũng có người biết. Mợ mong cháu làm ăn phát đạt

 Tân về nhà dự định sáng mai sẽ xuống lưới, chiều nước sắp lớn sẽ thả câu. Hồi sáng đi chợ xã chàng có mua mớ cá vụn để làm mồi. Chỗ Tân ở tốt quá có thể đem ghe vô sát nhà.

 Sáng sớm Tân đem đồ nghề xuống ghe, nước “nhửng“ lớn, Tân cặm cây sào và bắt đầu móc mồi thả câu. Đường câu vài ước độ hơn hai trăm thước, mới chưa quen chàng phải làm gần tiếng đồng hồ mới xong. Tân đậu ghe sát bờ, lên nấu trà uống, chờ  hơn một giờ, chàng bắt đầu thăm câu. Tân hồi hợp nương theo đường câu, ô kìa một sức kéo mạnh, Tân muốn run tay, chàng từ từ giở nhẹ đường câu, một con cá khá lớn vùng vẫy. Tân đưa nhẹ cái vợt, lừa thế cho con cá nằm gọn, chàng  nâng vợt lên, con cá trắng phau nặng cả ký, Tân gỡ lưỡi câu móc mồi tiếp. Thăm hết đường câu thêm hai con nữa dính câu. Tân mừng quá, cắm câu chàng đã làm từ nhỏ, thả câu kiểu nầy Tân mới thực hành lần đầu. Tân bỏ cá vào gộng, đem ghe vô chỗ đậu, lên nhà nghỉ, chừng hai tiếng sau thăm tiếp và cuốn câu. Mới khai trương nghề câu thấy thú vị. Cứ mỗi ngày có chừng nầy cá, cuộc sống sẽ đỡ khổ, may ra có thể giúp cho các em và cháu phần nào.

 Tân quyết định thả lưới cùng ngày. Ăn cơm xong, Tân đem lưới thả chỗ ông anh Ba chỉ mấy ngày trước. Lưới dạo gần hai thước dùng giăng ngoài sông, phía dưới có chì. Xong mấy tay lưới, Tân đinh ninh sẽ bắt được một số cá. Nhìn cá dính lưới trì, kéo, vùng vẫy xa xa thấy cũng vui rồi. Cá mắc lưới giống như cá đối, mỗi con chừng bằng con cá lóc, Tân không biết tên cá. Tân cuốn lưới đem lên phơi. Nghĩ kỹ chàng thấy dường như ông Anh Ba đoán biết trước  mọi việc. Mồi để giăng câu đúng là bí truyền hèn chi anh căn dặn mình không được chỉ lại cho bất cứ ai.

 Được mớ cá này, Tân dự định đem biếu những người đã giúp chàng trong mấy ngày qua. Đầu tiên chàng mang cá đến nhà cậu Bảy, bác Ba và mấy em trai đã phụ làm nhà. Cậu mợ Bảy quá đổi ngạc nhiên, không ngờ chàng mới đến mấy hôm đã có ghe, lưới, câu  và đã tạo dựng cuộc sống vững vàng. Mợ Bảy hỏi Tân:

- Nghe chị Hai nói cháu đi học tập vợ cháu đi vượt biên và có chồng khác phải vậy không cháu?

- Dạ đúng thưa mợ. Hoàn cảnh tù tội của cháu không lo lắng cho vợ con, nên ba má vợ bắt cổ đi vượt biên với ông bà. Tân cười và tiếp lời, có lẽ đến Mỹ thấy buồn nên cô ấy lập gia đình.

Mợ tiếp lời :

- Con nhỏ đó tệ quá, bây giờ cháu có định làm lại cuộc đời không, nếu tính lập gia đình mợ làm mai cho

- Thưa để thủng thỉnh, hiện tại cháu tự nuôi thân còn không xong.

 Từ giã cậu mợ Bảy chàng xách cá đi cho những người khác, vợ chồng bác Ba khen chàng có tay sát cá, mấy chú thanh niên nhận cá và nói: Thầy cần gì chỉ cần hú một tiếng tụi em sẵn sàng. Tiếp xúc với bà con xóm nầy Tân thấy quyến luyến, tất cả còn giữ được tính thật thà giống như bà con xóm chàng cư ngụ hồi nhỏ.  Bây giờ chỗ nào dân cư đông, họ bắt đầu tranh hơn thua, lừa lọc lẫn nhau. Mấy em thanh niên hứa bứng cho Tân vài chục cây chuối con, như vậy nội trong tuần tới Tân sẽ trồng thêm mớ chuối cho nhà thêm kín đáo. Tân kiểm điểm thấy những người thi ơn, chàng đều đem cá tặng rồi dù không đáng giá bao nhiêu, kể cả ông Trưởng ấp Năm.

 Tân nhớ câu:  bà con xa không bằng xóm giềng gần, ở đây Tân cám cảnh tứ cố vô thân. Cầu trời được bình an, đau ốm đợi bà con tới giúp đỡ chắc lúc ấy họ chỉ còn nước bó chiếu đem chôn.

 Tân tự sắp đặt thời khóa biểu cho mình, tùy theo con nước ngày nào cũng thả câu, giăng lưới. Cá giăng lưới Tân đem bán cho bà con trong xóm. Ở ấp nầy ai cũng gọi Tân là ông giáo, tiếng ông giáo có lẽ do cậu Bảy và ông chủ ấp Năm mà có. Mỗi lần có cá, Tân đem đến những người dặn trước, cá bán trong chốc lát là hết. Cá giăng câu thường là cá lớn chàng có mối ở chợ xã, đem đến bao nhiêu người ta đều cân hết, Tân để ý thấy người ta trả cho chàng giá cả không đến nỗi tệ. Về nhà Tân hết làm việc nầy đến việc khác, vuông đất xung quanh nhà rộng, Tân trồng được mấy chục cây chuối, chàng dự định hôm nào nước rông không câu, không lưới Tân sẽ xuống ghe chạy vòng quanh khu vực mình ở tìm mua những thứ mình cần dùng. Thấy Tân làm không kể giờ giấc nhiều người nhìn chàng ái ngại, họ cứ tưởng Tân tham công tiếc việc, thật ra Tân nghĩ mấy năm qua họ bắt bọn tù như Tân làm việc nặng nhọc cơm ăn không no, nay làm việc cho mình thì phải làm hết sức, lúc nào cần nghỉ thì cứ nghỉ đâu ai la rầy. Có hôm Tân chạy ghe máy qua xã khác thấy người ta vô rừng đốn củi, Tân cũng ráp vào tìm đốn một số đước, suông về bỏ xung quanh nhà, chàng định làm vách cho kín đáo, làm giàn trồng bầu bí, tỉa bắp, cà, chỗ nào làm cỏ xong chàng  trồng cho cỏ không lên,  chỉ trong vòng vài tháng miếng đất nhìn khá đẹp, chắc chắn những tháng kế tiếp chàng có rau quả để ăn mà còn có thể  bán nữa. Mấy bà trong xóm ai gặp chàng cũng nói đùa:

- Ông giáo có một mình, chừng nào kiếm bà giáo mà làm dữ vậy

Tân cũng trả lời đẩy đưa

- Làm vậy may ra mới kiếm được tiền cưới vợ chớ

Mấy bà miệng lưỡi dẻo đeo:

- Xóm nầy có mấy bà góa có nhà cửa tiền bạc ông coi bà nào hợp rinh về đi, tụi tôi sẽ được ăn cưới.

Nói đùa với mấy bà cho vui, nhắc chuyện vợ con, Tân nhớ đến Dung, người vợ chàng tin yêu lại phản bội, làm việc mệt rồi ngủ, nghỉ ngơi lại nhớ đến nàng càng thêm tức. Chính vì muốn hình ảnh Dung ra khỏi trí óc mình nên Tân làm việc không kể giờ giấc. Bà con lối xóm thường nói:

- Ông giáo làm việc bộ không mệt sao mà tối ngày luôn thả lưới hết chống ghe lại tới cầm cuốc, dá.

Tân cười hiền trả lời:

- Cũng mệt chứ nhưng nếu tỉa bắp tôi nghĩ tới ngày có bắp ăn, trồng chuối nghĩ tới ngày chuối có buồng sai trái tự nhiên cơn mệt biến mất.

 Một chuyện mới xảy ra cách vài ngày khiến Tân luôn xót xa, hôm ấy Tân chạy ghe tìm mua chuối con về trồng, một nhà  ở ấp kế bán cho Tân mười lăm cây chuối, nhà kế bên bán mười con chuối già, bứng chuối toan trả tiền xuống ghe đi về, bà chủ nhà kêu Tân đi vòng nhà xem có thứ gì cần mua bà bán, nhìn một lượt trong nhà chàng thấy trên bàn thờ một tấm ảnh hơi quen quen, trong nhứt thời không nhớ ra được Tân từ giã vừa xuống ghe, Tân chợt nhớ đến Đầy, đại úy Hải quân chung tổ với Tân một năm trước bị trúng gió chết, Tân vội vã lên nhà hỏi cho biết, thì ra đây là nhà vợ của anh Đầy. Chị Đầy ngày 30 -4-75 mới sanh con đầu lòng tròn tháng, anh bị đi cải tạo kế mất nhà ở Cần Thơ chị về quê sống với mẹ chồng. Chị làm ruộng sống đắp đổi luôn túng thiếu không tiền thuốc thang cho mẹ chồng, bởi vậy khi mới bước vô nhà chị hỏi cần mua thứ gì chị cũng bán, Tân gom tiền bán cá hai đêm đưa hết cho chị Đầy gọi là giúp đỡ cùng lo thuốc thang cho bác. Chị nhận tiền giúp mà khóc mùi mẫn, hỏi thăm chỗ Tân ở, chị cho biết trước kia có lúc anh Đầy đóng ở đó, chị nói thêm:

- Bộ anh không bà con dưới nầy sao chọn chỗ đó? Chỗ ấy nổi tiếng có ma, chỉ mấy ông nhà binh mới dám ở. Hồi anh Đầy đóng chỗ đó lính luôn thấy ma?

- Ông trưởng ấp Năm có hỏi tôi sợ ma không và tôi nói khi đói tay phải quơ quào chắc ma cũng nể nên ông chỉ cho tôi chỗ đó.

- Anh tử tế quá, mong anh làm ăn khá

 Chiều cùng ngày Tân về đào lỗ trồng mười mấy cây chuối mới mua. Số chuối già Tân trồng sát nhà, kinh nghiệm cho biết chuối già trồng gần nhà buồng mới sai, Tân đào lỗ thứ hai vừa xắn dá xuống nghe tiếng rạo như miểng chén bể, hết hồn tôi vội nhào xuống nằm sát đất theo phản xạ, tưởng là M79 hay lựu đạn, không nghe nổ Tân ngồi dậy, thì ra cái hủ nhỏ như cái hủ đựng dầu trong để lấp vò ghe xuồng, bể ra làm đôi bên trong có vật vàng như đồng, cầm lên xem, thấy hai thỏi như vàng, đem vô kỳ cọ kỹ quả thật là vàng, hôm sau đi chợ tỉnh mua một số vật dụng cần thiết, đồng thời đem miếng vàng có vết do dá xắn, thử và bán. Ông bà chủ tiệm vàng cho biết đây là vàng tốt nên mua giá cao. Chợ tỉnh quá xa chỗ Tân ngụ, Tân đi chợ mua đủ thứ những thứ cần thiết, như các loại hột chuẩn bị cho việc làm rẫy, sẵn tiền Tân mua thêm một đường câu mới, một bộ lưới mới về mướn người trong xóm kết phao, kết chì để sẵn khi cần có dùng ngay. Một lần đi chợ một lần khó, Tân mua đồ đủ xài ba bốn tháng.

 Hôm sau khi đi chợ bán cá xong, Tân vừa cơm nước lại có chị Đầy bơi xuồng đến nhà, chị cho biết bà má chồng trở bịnh sợ không qua khỏi, chị nhờ Tân mua giúp cái nhà dưới, chị đã không còn cách gì xoay sở nên đành phải bán khi nào có tiền sẽ cất lại. Tân nghĩ chàng may mắn có mấy lượng vàng đều nhờ mua mấy cây chuối già của chị Đầy, hay là hồn anh Đầy linh ứng xui mình giúp đỡ cho mẹ của anh chăng. Chàng lấy mười ngàn trao cho chị Đầy và nói:

- Chị cầm số tiền nầy chạy thuốc cho bác, tôi giúp chị bao giờ có tiền trả lại tôi. Tôi không nở lợi dụng lúc chị thắt ngặt mà mua.

 Chị Đầy cứ nài nỉ chàng mua, chứ chị không biết chừng nào mới có tiền trả lại. Tân dứt khoát, nếu chị không thể trả lại được, số tiền nầy coi như tôi cho cháu ăn học, chị Đầy bật khóc, năm sáu năm nay chưa có ai tử tế như anh. Chị ra về Tân cảm thấy lòng thơ thới dường như chàng đã làm được việc tốt.

 Tân  bây giờ thích chạy ghe đi cùng xã mua những thứ cần dùng, chàng nhớ lại mấy tay chệt khi qua Việt Nam nghèo xơ nghèo xác đi mua ve chai lông vịt vậy mà chừng mười năm sau họ khá lên, bây giờ Tân có chiếc ghe sao không chạy ghe lòng vòng tìm mua những thứ cần thiết, giá rẻ về sửa sang lại cho nhà kín đáo, Thắm cho biết cô sẽ đến một ngày rất gần. Ở chỗ vắng vẻ nầy nếu Thắm chịu được buồn tẻ sống với mình thì hay biết mấy

 Một hôm chạy ghe qua làng kế bên, chàng vào uống cà phê, có mấy người dân ở xa đến xã làm đơn xin khẩn đất rừng lập nghiệp, Tân cũng mua giấy viết đơn và nạp cho xã, họ đưa tấm bản đồ hỏi Tân  muốn chỗ nào, Tân chọn chỗ gần nhà chàng, miếng rừng đước lưa thưa sát bờ sông, chỗ ấy đất cao có cái đìa lớn chắc hồi xưa do B52 dội,  chỗ đó hơn một lần Tân đã đốn củi nên biết rành, thủ tục nhận đất dễ dàng họ hứa nếu khai thác xong họ sẽ cấp giấy tờ. Tân không ham lãnh nhiều đất, bằng chứng đất nhà cũng bị lấy gọi là qui hoạch, nhưng Tân muốn nhận đất mới mục đích trồng chuối ăn, ba bốn mùa nếu họ qui hoạch nữa thì mình cũng không lỗ lã gì, đó là chưa kể khi có huê lợi mình cũng biết sang lại cho người khác mà. Được cấp đất Tân chạy ghe tới chỗ sẽ là đất của mình xem lại một lần nữa cho chắc, rừng lấn ra sát sông, cặp với sông lớn lại có con kinh, chung quanh toàn đước, lại có chỗ nền cao ráo khỏi phải lên liếp, Tân hoạch định kế hoạch ngay, việc trước tiên là gieo hạt bí, và trồng chuối trong lúc chờ chuối có huê lợi thì có bí, cái mương do bom tạo nên Tân thấy có cá đen ăn móng. Tân tiếc phải chi có đứa em theo mình thì đỡ quá, xứ nầy không biết nhân công thế nào, hà tiện làm từ từ biết bao giờ mới xong, sức của Tân chỉ lo chừng ba bốn công đất thôi, chàng dự định khẩn một mẫu, họ ép nhận một mẫu sáu theo như đo đạc trên bản đồ

 Không người giúp, Tân một mặt trồng chuối, giữa hai hàng chuối tỉa bí, rồi đào lỗ trồng đậu, do vậy ngày nào Tân cũng tìm mua chuối con trồng cho giáp để cỏ không mọc nữa. Từ nhỏ Tân biết làm ruộng, làm rẫy Tân học biết nhờ làm việc không công khi đi tù cải tạo. Lúc mới gieo trồng còn mưa lai rai nên đỡ phải tưới, nửa tháng sau bí, đậu bắt đầu ra ba bốn lá, cứ vài ngày Tân lại tưới một làn, phân bón Tân xài toàn phân tro, sau khi ngâm nước một vài đêm, vậy mà đậu bí xanh mướt. Khoảng tám công đất có thể làm ruộng được, năm công ít cây toàn những cây nhỏ, Tân phá trong mười lăm hôm, để tháng sau đốt, móc gốc. Một mình vừa đốn cây, săn sóc rau đậu, ba tháng sau có đậu khô, bí bắt đầu có trái, Tân nhắn đứa em lên phụ dọn dẹp và sạ lúa ngắn ngày.

 Tân sạ hơn ba công lúa thần nông, vùng rừng mới khai phá khỏi phải bón phân,lúa trúng hơn Tân mong đợi. Tới ngày cắt Tân thu hoach hơn một trăm giạ. Tính ra mỗi công lúa hơn ba chục giạ, cả ấp đồn rùm lên. Ai nấy đều ngợi khen Tân làm gì cũng giỏi, chẳng những ruộng rẫy mà ngay rau cải thứ nào cũng có: cà tô mát, bạc hà, rau thơm, ớt v v. Có người ngồi tính nghe buồn cười: Ông giáo toàn tự túc, ít năm nữa ông sẽ giàu to. Tân chỉ biết cười trừ. Quả thật dường như câu:

- Đất cũ đãi người mới

 Tân thấy đúng, chàng làm ruộng, trồng tỉa nào bằng ai vậy mà nhờ trời lại khá. Gần Tết không về quê được vì công việc còn lăng đăng, Tân quyết định mướn máy cùng vài chú thanh niên trong xóm tát mương. Gần cạn Tân còn đùa

- Lỡ không cá thì lỗ nặng mấy anh em mình chắc ăn Tết không tiền

Cũng may chàng bắt gần năm chục ký cá,  chia chác cho mấy em phụ việc chàng còn đem đến chợ bán cũng bộn bạc.

 Sắp sửa cắt vụ mùa thứ hai, chú thím Chín tới nhà cậu Bảy đám giỗ, Tân nghĩ chàng sẽ có tin vui từ Thắm. Chú thím đến thăm do con cậu Bảy chở đến. Ông bà mừng rỡ khi quan sát cơ ngơi chàng làm ăn: chuối tại chỗ nền bót cũ cũng mấy trăm bụi, ổi mận, mít thứ nào cũng tốt, chuồng gà cũng mấy chục con gà giò, vịt xiêm vài chục con đều ăn thịt được. Thím Chín suýt xoa:

- Thím không ngờ cháu giỏi quá.

 Chú Chín yêu cầu Tân chở ra thửa ruộng Tân khẩn hoang. Hai ông bà miệng khen ngợi, nhưng nhìn sắc mặt dường như ông bà có chuyện gì buồn, đi giáp miếng đất sắp sửa gặt trong ít hôm nữa, chú thím ngập ngừng đoạn chú mở lời:

- Chú thím có chuyện nầy cần thằng  Hai thông cảm, con Thắm được thơ cháu nó cũng dự tính lên đây, bất ngờ thằng Tài bồ của nó mất tích hồi năm 1975, từ Mỹ về và xin phép chú thím cho nó làm đám cưới với Thắm. Chú thím lên đây mong cháu thứ lỗi cho con Thắm

 Đúng là quá bất ngờ, tại chàng chủ quan, Thắm chỉ nói sẽ lên đây chứ chưa nói yêu chàng hay hứa kết hôn với chàng, như vậy thì Thắm nào có lỗi gì. Cũng may, không có anh chàng Tài xuất hiện, tương lai mình dám bị vợ bỏ lần thứ hai. Chàng trầm tĩnh và thưa chuyện với chú thím Chín

- Cháu chuẩn bị nhà cửa hy vọng sẽ cưới Thắm. Nay sự thật như thế cháu phải cám ơn Thắm, không duyên chồng vợ thì còn tình anh em, lững lờ giấu giếm không tốt cho tương lai của cả hai. Chú thím đừng ngại chi cả. Bao giờ cháu vẫn kính trọng chú thím. Ngoài chuyện tình cảm cháu còn mang ơn chú thím nhiều, lên đây dường như cháu gặp may mắn làm ăn luôn thuận lợi, chính quyền cũng không ai khó dễ gì.

 Tiễn chú thím Chín về Lấp Vò, Tân cảm thấy như mất mát một hình bóng thân yêu Tân từng ấp ủ nâng niu một thời gian. Giờ đây hình ảnh đó không thuộc về chàng nữa. Tân buồn buồn nhưng không đến nỗi bỏ bê công việc, ngày mai còn lo cơm nước cho công cắt, người chở lúa, ngày mốt bắt đầu suốt lúa, ngày nào cũng công việc. Cả năm nay mình sống với ảo vọng, bắt đầu ngày mai mình phải sống thực, Nhung bấy lâu nay mình gọi là chị Đầy dường như thầm yêu mình, mình sẽ hỏi lại, nếu quả thật Nhung cũng yêu mình thì hai bên kết hợp để làm lại cuộc đời thì cuộc đời của Nhung và mình thêm vui vẻ hạnh phúc.

Viết xong Feb 2-2014

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.