TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
 
Sơ Lược về  Tác Giả Tường Lam.                                                                                    
- Tên thật :Hồ Văn Ẩn .- Bút hiệu: Tường Lam
- Sinh năm 1943 tại Bến Tre.                                      
- Tốt Nghiệp: Khóa 22/SQ/TB Thủ Đức.
- Hội Viên: Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.                      
- Trang nhà TKH xin giới thiệu nhà văn kiêm nhà thơ Tường Lam cùng 5 tập truyện độc đáo của anh với Quý độc giả:                     
1- TÁM HỔ: (Tái bản lần 1 năm 2006).                                                                                                                                                                                             
2- ĐÊM LẠC ĐẠO (2007)                                                                                                                                                                                 
3- MỘT ĐÁM CHÁY RỪNG( 2008).                                                                                                                                                                                                   
4- ĐÁI TÁ VÀ TÔI: (2009)                                                                                                                                                                                        
5- MÃ THỊ ĐỖ QUYÊN: (2010)                                                                                                                          
- Thư Từ Liên Lạc:  
TƯỜNG LAM                                                                                                                                                        
328 S. Belmont Blvd.                                                                                                                                                      
Kansas City, MO 64123.                                                                                                                                                                     
USA                                                                                                                                                                                                                   
Đ.T: (816) 517 6133.                                                                                                                                                                       
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.                                                                                                                                                                 
Kính

     ------------------------------------------------------------------

                          Xuân Về Trên Chiếc Xe Lăn

   Sáng cuối năm, trời se lạnh. Đăng ngồi bất động trên chiếc giường tre ọp ẹp một mình. Tiếng que diêm đánh “tách” và xòe lên đóm lửa nhấp nháy trên đầu điếu đã gắn cục thuốc lào. Đăng áp miệng vào đầu nỏ, rít một hơi dài đôi mắt nhắm nghiền, mấy làn khói xám phất phơ, tỏa ra từ mũi miệng! Ngây ngất lâng lâng. Thuốc lào là người bạn tri kỷ, thắm thiết nhất của Đăng trong cuộc đời tàn phế còn lại này. Không biết bao lần, qua làn khói thuốc Đăng nhìn xuống đôi chân mình! Teo và gầy tốp như hai khúc tầm vông. Một miểng nhỏ của hỏa tiễn 122 ly còn nằm trong cột sống lúc Đăng là Đại đội trưởng Tiểu Đoàn 37 biệt động quân, phòng thủ căn cứ Khe sanh. Một địa ngục trần gian. Lúc bị thương Đăng nghe đau nhói ở sống lưng, đôi chân tê rần, lạnh buốt như ướp nước đá. Bốn tháng sau khi xuất viện, Đăng còn chống tó và gượng đi được. Sau năm 1975, Đăng cùng người vợ trẻ – cô giáo Thu – đi vùng kinh tế mới – kinh Tám Ngàn thuộc huyện Hà Tiên, tỉnh Rạch Giá. Sống vùng nước mặn đồng chua, vật chất thuốc men thiếu thốn đủ bề, sau một trận bệnh tiêu chảy thừa sống thiếu chết, đôi chân của Đăng kể như liệt hẳn. Di chuyển bằng đôi tay kẹp hai chiếc guốc, Đăng lết đi, tới lui trong nhà một cách khó khăn, tội nghiệp. Hai đứa con lại theo nhau chào đời, Thu Trâm bây giờ đã mười sáu và Đăng Quang mười bốn học hành dở dang, phải đi làm mướn cấy thuê cho dân trong xóm. Thu thì nay ốm mai đau chỉ còn đôi mắt vẫn đẹp như ngày nào.

                Tháng rồi cơn bão đi qua đã làm đời sống gia đình Đăng lụi tàn, khi hai công ruộng vừa ngậm sữa, trổ đồng nằm rạp dưới lớp bùn non.

                Mỗi ngày đều đặn, Đăng bò ra sàn nước sau nhà bao quanh, tùm lum những bụi lá dứa, ngồi câu. Những con cá chốt, cá rô vàng cháy, cá lòng tong, cá he đuôi đỏ. Đăng câu được, đã bảo đảm hai món canh, kho cho bốn miệng ăn trong gia đình. Tháng rồi Thu phải sang mấy nhà hàng xóm mượn gần hai giạ gạo, còn tương lai Đăng chỉ biết ngồi nhìn con nước xuôi dòng.

                Cách nay không lâu Đăng có gởi hồ sơ cá nhân cùng hình ảnh gia đình sang Pháp, nhờ Hội bạn của Thương phế binh VNCH giúp đỡ. Đăng hy vọng và chờ qua làn khói thuốc lào.

                Có tiếng gõ cửa, Đăng ngẩng đầu lên và hỏi:

-              Xin lỗi ông tìm ai?

Người khách vội vã hỏi:

-              Xin lỗi phải đây là nhà ông Phạm Sĩ Đăng, thương phế binh “chế độ cũ” không ạ?

-              Vâng tôi đây.

Người khách quay lưng và nói vọng ra ngoài:

-              Tìm được nhà ông Đăng rồi cô ơi!

Người đàn bà độ ngoài bốn mươi, ăn mặc đẹp, gọn gàng, bước vào với giọng từ tốn:

-              Thưa có phải anh là anh Đăng không ạ!

-              Vâng tôi đây thưa chị.

-              Thưa anh! Tôi là Lan vợ của Trung úy Huân! Nhà tôi nói lại ngày xưa cùng chung đơn vị với anh.

-              Vâng! Tôi và Huân rất thân, vào sanh ra tử lúc nào cũng có nhau.

Lấy trong xắc tay một phong thư trao cho Đăng, Lan lễ phép nói:

-              Nhà tôi có viết thư nhờ tôi trao lại cho anh.

Đăng cảm động:

-              Cám ơn chị! Xin phép tôi đọc thư.

 

“Paris, ngày 01 tháng 01 năm 2004

Anh Đăng quí mến!

Qua tờ báo Nạng Gỗ, tôi thấy hình ảnh và địa chỉ của gia đình anh, tôi xúc động và mừng rỡ vô cùng. Tình chiến hữu của anh em mình sống lại trong tôi: đẹp, hào hùng và lắm thương đau.

Nhân dịp Lan-vợ tôi- về thăm nhà, xin gởi anh một món tiền nhỏ để anh chị xài trong ba ngày Tết, coi đây là tấm lòng của đàn em đối với huynh trưởng.

Có dịp về VN, tôi sẽ đến thăm và nhậu với anh một bữa rượu đế cho đã thèm.

Xin phép anh dừng bút, tôi và gia đình kính chúc anh chị và hai cháu nhiều yên vui, sang năm mới được nhiều may mắn và thân tâm an lạc.

                Tình thân,

                Nguyễn Thiện Huân”

Kèm trong thư có ba trăm “đô la”.

Xếp thư lại, Đăng nói trong xúc động:

-              Thành thật cám ơn anh chị! Bè bạn vẫn còn nhớ và đối xử với tôi phải đạo quá. Biết bao giờ tôi trả được ân nghĩa này đây?

Lan tiếp lời:

-              Anh đừng ngại! Em đã nghe nhà em nói về anh rất nhiều! Nhà em quý anh lắm. Còn đây là phần quà của em gởi cho anh chị và hai cháu.

-              Ngoài cửa, hai người đàn ông mang hai thùng đồ và chiếc xe lăn bằng Inox sáng trưng.

-              Còn chiếc xe lăn này là của một ân nhân qua Hội Bạn của Thương Phế Binh VNCH ở Pháp gởi tặng cho anh.

Đăng nghẹn ngào không nói được lời nào. Lan xin phép chụp chung với Đăng ngồi xe lăn một tấm hình, vội vàng từ giã cùng hai người xe ôm trở ra đường để kịp chuyến xe chiều trở về Sài Gòn. Không làm sao tả hết nỗi mừng vui của vợ chồng và hai con Đăng khi ngồi ăn cơm tối và nghe Đăng kể rõ mọi điều.

Mấy chiếc quần jean và áo thun đủ màu đã làm cho hai cháu Thu Trâm và Đăng Quang sạch sẽ và đẹp thấy rõ. Thu vẫn giữ phong cách ngày nào với chiếc “sơ mi” màu cánh gián và chiếc quần tây màu xám tro.

Đăng sung sướng ngồi nhìn vợ con vui vẻ, đẹp, đàng hoàng khi mặc được đồ mới-một hạnh phúc có được bằng ân tình bè bạn xa gần nửa vòng trái đất.

Sáng hôm sau, theo đề nghị của Đăng, cả gia đình đi chợ Tròn, cách nhà anh một cây số sắm Tết. Anh thử sức và tập lăn xe cho quen. Từ nhà đến chợ, vợ và hai con theo sau. Anh lăn mất nửa giờ.

Thu và hai con vào chợ mua thức ăn, bánh mứt, để ngày mai làm mâm cơm rước ông bà cho tươm tất! Bao lâu rồi gia đình có biết lễ lộc gì đâu.

Đăng lăn xe vào quán, mọi người vẫy tay thân thiện chao, anh kêu một ly cà phê đen và điếu thuốc thơm! Món hàng xa xỉ mà lâu thật lâu Đăng dường như quên lãng! Một nhu cầu của người đàn ông VN khi bắt đầu một ngày.

Đăng liên lạc được một chỗ đặt bàn bán vé số, trước nhà một người thuộc diện quân đội “chế độ cũ”. Trên đường về, Trâm và Quang mang trên vai hai túi đệm to đầy quà Tết, riêng Thu mang một xoong nhôm thật to.

Vừa xóc túi đệm lên vai, Quang méc:

-              Ba biết hôn, con chỉ xin mẹ có hai ngàn mua cái kết nhung đen cho mấy thằng bạn con lé luôn. Còn chị Thu xin mẹ mười ngàn mua hai cái quần lót và hai cái áo nịt có hai cái bánh ú đó ba.

Nghe em nói, Trâm cúi gầm mặt, mắc cỡ và sợ. Đăng nắm tay con gái và nói:

-              Ba xin lỗi con.

Đăng quay đi để giấu ánh mắt rưng rưng, thương con gái đã mười sáu tuổi đầu, đôi vú đã nhô lên dưới làn áo mà Tết này mới có đồ lót.

Thu ra lệnh cho hai con để hai túi đệm dưới chân xe, bắt Đăng hai tay ôm cái xoong! Ba mẹ con mỗi người một tay đẩy, xe lăn đi thật nhanh.

Bất chợt Quang hỏi Đăng:

-              Hôm nay Ba ngồi xe lăn có oai bằng hồi xưa Ba ngồi xe jeep không Ba?

Cả nhà cười vang vì câu nói ngây thơ của Quang. Gió mát hây hây, Thu nghe lòng rộn rã niềm vui sướng, nhìn bánh xe vẫn quay nhanh, lăn đều đang chở mùa Xuân đến nhà mình.

Hôm sau vợ chồng Đăng mời bạn bè hàng xóm ân nghĩa, sang nhà dùng cơm. Cánh đàn ông “cưa” đứt hai lít để hưởng ứng những tình cảm của vợ chồng Đăng dành cho họ! Thứ tình cảm tối lửa tắt đèn có nhau.

Nửa đêm Thu gối đầu trên tay chồng, Đăng bàn với vợ:

-              Ngày mùng bốn Tết anh xuống chợ khai trương bán vé số, bỏ hai chỉ vàng cho con Trâm ra chợ học may, thằng Quang đi học lại đã trễ mất hai năm rồi. Em thấy thế nào?

-              Anh tính như vậy hợp với ý em lắm. Đố anh em mua cái xoong lớn để làm gì?

-              Anh không biết! Anh nghĩ nhà mình ít có dịp dùng cái xoong lớn như thế. Có phí không em?

-              Em nấu chè thưng nước cốt dừa, sẵn có rừng lá dứa sau nhà bỏ vào, nấu chè thơm cho mà biết. Chè nấu đúng phẩm lượng như má em truyền cho, muỗng chén, ly, sạch sẽ, chè thưng em bán sẽ đắt hàng. Sau khi nấu chè, cơm nước xong em mang cơm trưa xuống chợ cho anh và con Trâm. Nếu không gì trở ngại, sáu tháng nữa con Trâm mãn khóa học may, phụ giúp thêm gia đình sẽ sung túc. Nghĩ mà cảm ơn vợ chồng anh Huân và đồng bào hải ngoại, còn xót thương vợ chồng mình! Suốt đời gia đình mình phải nhớ ơn họ. À! mà này hồi chiều anh nhậu quá trời, gần hai xị đó.

Đăng choàng tay qua ôm vợ:

-              Lâu lắm cho anh đã một bữa mà em.

Một hồi lâu sau người ta nghe tiếng Thu cằn nhằn:

-              Giò cẳng si cà que! cà chòi! cà chòi làm đau đùi người ta thấy mồ. Từ từ ông mãnh! Coi chừng con còn thức đó nghe.

Không biết Đăng thì thầm điều gì mà nghe Thu cười khúc khích.

Tiếng pháo giao thừa đầu xóm nở rộ! Một mùa Xuân mới lại về.

 

Kansas City, Phố Belmont
Tường Lam

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.