TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 Tôi đọc đi đọc lại tiểu sử của giáo sư Vinh. Ở bất cứ một lãnh vực nào ông cũng chiếm những chỗ đứng hàng đầu. Ông là một quân nhân được giao trách nhiệm Tư lệnh trong quân  chủng Không quân, là binh chủng ưu tú của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông là giáo sư khoa học đã giảng dạy nhiều năm tại những trường đại học danh tiếng của Pháp, của Mỹ về ngành chuyên môn của ông là cơ học vũ trụ, lo cho những con tàu ở ngoài bầu khí quyển.

  Ông là tác giả của ba cuốn sách giáo khoa viết về “lý thuyết bay trong bầu không khí của trái đất và những hành tinh, thu hồi phi thuyền không gian vào bầu khí quyển để hạ cánh an toàn và về cách bay của những phi cơ siêu thanh. Các tác phẩm này của ông đều có ở trong những thư viện khoa học và kỹ thuật ở khắp mọi nơi trên thế giới, ở trên kệ sách của nhiều chuyên gia kỹ thuật hàng không và không gian. Ở Mỹ cũng như ở Pháp, ở Nhật, ở Nga, ở Hoa Lục hay Do Thái và nhiều nước khác nữa… Ông đã đóng góp cho kho tàng kiến thức chuyên môn của nhân loại hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian và quỹ đạo tối ưu. Không có gì ngạc nhiên khi ông được bầu làm hội viên ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) vào năm 1984 và hội viên chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) vào năm 1986. Ở trường Kỹ Thuật tại Đại Học Michigan ông được tặng cả hai giải thưởng xuất sắc về giáo dục và xuất sắc về khảo cứu. Ông được tặng huy chương Danh Dự của Viện Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (American Institute of Aeronautics and Astronautics) năm 1994 về môn Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành. Thành tích của ông đã được trình bày tại phòng du khách thăm viếng ở Trung Tâm Không Gian Phi Hành NASA ở Houston vào tháng 9 năm 1989 và từ năm 1982 Nguyễn Xuân Vinh là một trong số 14 nhân vật Hoa Kỳ gốc Á châu được in hình và tiểu sử vào tập tranh dùng làm tài liệu giáo dục ở các trường Tiểu và Trung học trên toàn quốc.” 

 Ngoài lãnh vực chuyên môn, Giáo sư Vinh còn là nhà văn mà với tác phẩm đầu tay “Đời Phi Công” ông được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. Ông cũng là nhà thơ, tiếng thơ ông đã đi vào rung cảm của tuổi trẻ thời chiến:

Có những chàng trai mộng viễn phương,
Say tình sông núi ngát hoa hương,
Cánh chim tung gió reo hồ hải,
Muôn vạn vì sao đẹp ngả đường’’.

 Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là một nhân tài của nước Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt trên trường quốc tế. Tuy ông hiện nay vẫn đang sống cùng cộng đồng người Việt ở hải ngoại nhưng Giáo sư Vinh từ lâu đã thuộc vào thế giới thần tượng của cả một khối người Việt còn lặn ngụp trong đau nhục vì áp bức và lạc hậu. Chắc chắn không thiếu những người đã hướng về thần tượng này để gởi gắm ước mơ. Như kẻ đứng dưới chân núi ngước mắt nhìn lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn… 

 Vậy còn gì để nói về Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, khi ông đã là hiện thân của thành công trong đời ông, sống đạt nhưng sống đẹp. Chê không được, khen bằng thừa. Thật không có gì ngăn cản được bước tiến của người tài Nguyễn Xuân Vinh đi lên đến tột đỉnh. Sự nghiệp Nguyễn Xuân Vinh là câu chuyện của những phi thường của một đời người.

 Bất giác tôi liên tưởng đến những chuyện tầm thường trong cuộc đời. Vì cuộc đời vốn hiếm chuyện phi thường, chỉ đầy rẫy chuyện tầm thường,


LS Trần Thanh Hiệp

Lúc còn nhỏ tôi hay nghe người lớn dạy bảo: “Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo. Khi nên trời giúp công cho”. Thế là cứ hăm hở bước vào đời, thản nhiên mang món nợ từ xưa để lại như sinh ra đã mắc, món nợ của tuổi trẻ có tên gọi văn vẻ nợ tang bồng. Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái. Ngữ nghĩa của mấy chữ Hán tang hồ bồng thỉ - cung bằng dâu, tên bằng cỏ bồng - không làm cho tâm lý xúc động bằng ý nghĩa hình ảnh bắn đi bốn phương, mở chân trời cho tuổi trẻ. Sự sống của con người là vẫy vùng ngoài cương tỏa, trong tự do. Con người bước vào cuộc sống sẽ trang trắng vỗ tay reo khi trả hết nợ tang bồng. Sức mạnh của ngôn ngữ đã biến thành luồng gió lãng mạn đưa con người vào phiêu lưu giữa trời đất. Nhưng khi trời đất nổi cơn gió bụi, kẻ nam nhi dòng máu hào kiệt chảy trong huyết quản xếp bút nghiên theo việc đao cung. Mộng vẫn đẹp mà thực thì lại là cuộc dấn thân vào chiến chinh, xương phơi máu đổ. Trời cao thăm thẳm cũng chẳng giúp gì con người. Trời để mặc nó, đối diện với số phận của nó. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…Tôi đã được nuôi dưỡng bằng những món ăn tính thần này để lớn lên và thành người trong thế giới ảnh tượng.

 Miền Nam Việt Nam đầu thập niên 1950. Khung cảnh xã hội không phản chiếu hình ảnh một nước nông nghiệp thanh bình, gần gũi thiên nhiên với núi, sông, hoa, gió, trăng, trời biển. Một bầu không khí chiến tranh đã bao trùm mảnh đất này, nhưng người miền Nam không rũ bỏ được tâm trạng của những năm tháng cũ. Lệnh động viên bỗng được ban ra, âm thầm lặng lẽ, vắng thiếu những tiếng trống tràng thành, như thủa nào, làm rung động mặt trăng. Tôi đã có mặt trong đám thanh niên ra trình diện tòng quân theo học Khóa 1 Nam Định. Đang ở trong một thế giới nhân tạo của môi trường kỹ nghệ, trong tôi vẫn còn vang vọng tiếng gọi tang bồng. Phải đi tới chân trời mới dù không biết rồi sẽ về đâu. Trên đường tới nhà thương Đồn Thủy khám sức khỏe, tôi gặp một người bạn mới, cùng một vóc dáng nhỏ con như tôi. Tôi nặng hơn anh một ký nhưng cả hai chúng tôi đều không ai nặng tới 40 cân, anh vào gặp bác sĩ trước tôi. Trở ra, anh nhún vai nói: “dính rồi”. Tự nhiên tôi bước ra về cùng với anh, định bụng thu xếp việc nhà ngày mai trở lại sẵn sàng nhập trại luôn. Nhưng, ngày mai, một bất ngờ đã xảy ra: Số người cần gửi tới quân trường đã đủ, tôi vì thiếu điều kiện sức khỏe nên được hoãn dịch một năm. Và cứ như thế hai năm liền, sau cùng tôi được xếp vào loại miễn dịch vĩnh viễn. Thế là hết mộng viễn phương, mộng làm tráng sĩ giữa cuộc đời! Trở lại với thực tế, tôi xuôi theo dòng suy nghĩ miên man.

 Trời không sắp đặt sẵn cho tuổi trẻ thỏa chí bốn phương. Tuổi trẻ thì bất lực, không tự tạo cho mình cái thế hiên ngang đi vào cuộc đời. Chiến tranh là chia lìa, là tàn phá, là chết chóc. Nhưng chiến tranh cũng kết hợp, xây dựng và đẩy xa biên cương cho sự sống. Si vis pacem para bellum, muốn sống hoà bình hãy sửa soạn chiến tranh. Nói cách khác, và đây chính là điều nghịch lý của cuộc đời, người ta vừa cần có chiến tranh, lại vừa mong chấm dứt được chiến tranh cho thật mau. Để kiến tạo hoà bình! Chiến tranh đã gắn liền với đời sống, dù loài người muốn hay không muốn. Ít ra hai ba thế hệ ở miền Nam đã sống với điều nghịch lý chiến tranh, là lý tưởng làm chỗ dựa cho cuộc sống. Nhưng chiến tranh cũng lạnh lùng đãi lọc, tuyển chọn. Mạnh được yếu thua. Chiến tranh đưa lên đỉnh cao nhưng đồng thời cũng chôn vùi dưới vực thẳm. Trong cơn lốc ấy của lịch sử, Trời không cầm cân nẩy  mực, không ưu đãi, không bạc đãi. Con người mới là kẻ quyết định số phận cho chính mình.

 Miền Nam đã gánh chịu chiến tranh và đã tìm được cách cởi bỏ chiến tranh. Cho đến khi tiếng súng ngưng nổ, miền Nam đã thể nghiệm chiến tranh trong hai mươi năm và suy nghĩ về chiến tranh trong hơn ba mươi năm. Chẳng bao giờ có được nền hoà bình thật lâu dài để xóa bỏ mọi dấu vết chiến tranh trong đầu óc con người. Chiến tranh là sản phẩm của mọi văn hoá, mọi văn minh. Chiến tranh đánh dấu cho những trang sử lớn của các dân tộc, của loài người. Thế kỷ XX đã mang lại hai cuộc thế chiến và kéo theo chúng những cuộc xung đột ở Đông Dương, Việt Nam, Algérie, Trung Đông v.v…Riêng ở Việt Nam, nếu chỉ kể từ 1954 đến 1975, gần 2 triệu người đã chết và trên 3 triệu người đã bị thương trên chiến trường. Số dân thường bị thương và chết lên tới xấp xỉ 5 triệu người. Cùng lúc đó, nền  Cộng Hoà dân chủ ở miền Nam đã sụp đổ và nền Cộng Hoà chuyên chính xuất phát từ miền Bắc đã ra đời trên cả nước. Tất cả, những hình thái của chiến tranh đã diễn ra ở miền Nam, đã tạo ra được những gì cho xã hội? Sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng sâu càng rộng, áp bức, bất công, gian trá nay đang là “đạo lý” mà kẻ cầm quyền ra sức áp đặt cho cả xã hội. Chừng ấy biến cố, tất đã thúc đẩy phải tìm ra lẽ thắng bại, biết đâu, trong tương lai chiến tranh có thể trở lại?

 Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, ông đã từng dự những kỳ thi vấn đáp trong đó ban giám khảo đã dành cho ông số điểm tối đa 20/20. Thí sinh xuất chúng Nguyễn Xuân Vinh đã cho thấy ông có đủ mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi.  Vì thế, trong những cuộc sát hạch, ông đã được giám khảo coi là ngang hàng. Một điều ngộ nghĩnh là ở ngoài đời, lại có một câu hỏi do ông đặt cho chính mình, ông không tìm được câu trả lời tối ưu. Đó là : “Liệu Nguyễn Xuân Vinh có thành được thi sĩ không?”. Trước mắt bà Nguyễn Xuân Vinh thì, theo ông, “trọn đời ông cũng không trở thành được một thi sĩ”. Có thể ông đã mường tượng thấy câu giải đáp hoặc ông cũng không nhất định muốn trả lời. Ông có khiếu làm thơ từ thuở nhỏ, sửa thơ của người lớn. Ông lại dịch thơ Đường và quan hệ  tốt với các nhà nho ông quen biết. “Tôi thích nhìn trăng sáng, ngắm sao đêm, thấy lòng bâng khuâng rung cảm khi được nghe tiếng sáo vi vu trong đêm vắng nhưng tôi ít khi làm thơ”, giáo sư Vinh đã tâm sự như vậy. Một chiều đông, ông chợt nghĩ rằng « suốt ngày làm công việc toán học ít khi có dịp dùng quyển Đường Thi Trích Dịch mà hai dịch giả là hai cụ Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản đã gửi tặng ông nên ông đóng lại lề sách cho gọn gàng, tự hẹn gác thi bút, rồi gửi cuốn sách tặng người anh bạn rể ». Làm như vậy, ông dứt khoát chia tay với thi ca. Nhưng rồi tình cờ lại bắt ông trở lại với nghiệp làm thơ. Tác giả bộ Đường Thi Tuyển Dịch yêu cầu ông viết một bài thơ cảm đề để đăng ở phần đầu tập sách cùng với nhiều tiểu phẩm của một số nhà Hán học khác…

Scandinavian Rosella Boat

 Năm 1985, một đêm trăng trên trên tàu biển Rosella từ Phần Lan trở về Thụy Điển, Giáo sư Vinh ngồi đọc thơ Lý Bạch trong tuyển tập thơ dịch ấy để soạn cho xong lời giới thiệu. Trời đã gần sáng, tàu Rosella quay mũi trong vịnh Stockholm, sửa soạn cặp bến. Ông đã viết xong và đưa trang cuối của bài giới thiệu của ông cho độc giả đầu tiên, người bạn đời của ông đọc. Ông vẫn nhớ lời độc giả đặc biệt này phê bình ông, trọn đời ông cũng không thể nào thành được một thi sĩ. Nhưng một lần nữa, ông muốn biết xem người vợ hiền của mình có thay đổi nhận định hay không:

Cảm thơ, cầm bút ngại ngùng,
Hàng hàng hoa gấm nở tung trước đèn
Vẳng nghe lời Lý Trích
Đọc thơ Thôi Hiệu dưới đền Hạc xưa.
Vu sơn trăng sáng mây mưa,
Quảng Lăng rời bước, đề thơ Lạc Thành.
Trường An say điệu Thanh Bình,
Việt trung ghé lại, nhớ tình cung Ngô.
Tỉnh say trăng gió hải hồ,
Ngàn năm cô quạnh nấm mồ bên sông.
Thiếu Khanh đề bạt thơ ông,
Dịch thơ thanh thoát ghi công họ Hoàng.

 Hơn hai mươi năm đã trôi qua, không biết chuyện thi ca, thi sĩ bây giờ còn làm Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh bận tâm nữa không. Nhưng Giáo sư Vinh trước sau vẫn là người yêu thơ, đã rung cảm với thơ, đã làm thơ. Có lẽ ông định cất giữ nguyên vẹn những kỷ niệm đẹp của ông về thơ nên một lúc ông đã lấy quyết định chia tay với thơ. Trong ông, con người thi ca lùi lại để nhường bước cho con người khoa học. Tuy thế, cũng khó mà phân định được ranh giới giữa hai ngành này, nên nhà toán học Nguyễn Xuân Vinh đã không rũ bỏ được nợ văn chương. Sự thật, ở cấp độ thấp của vần, điệu, niêm, luật thì thơ khác biệt với toán học. Nhưng khi lên tới tầng nhận thức, ranh giới giữa thi ca và toán học đã bị xóa nhòa. Thi ca và toán học vai kề vai cùng đi tìm sự thật. Toán học mang hoài bão thâu tóm hiện thể, thi ca nuôi tham vọng làm hiển lộ tính thể, sự thật bất tận về vạn hữu, về sự sống của con người, thể hiện qua nhận-thức-rung-cảm của chính nó. Dưới góc cạnh riêng của nó, thi ca và toán học đều là tiếng nói của sự thật trong tâm thức con người. Điều này giải thích vì sao hai con người thi ca và toán học đã sống chung trong Nguyễn Xuân Vinh. Nhưng muốn có thi ca, phải có thi sĩ. Tằm có nhả tơ thì mới có tơ. Giáo sư Vinh là người có kiến thức chuyên môn về thơ và còn sáng tác thơ nữa. Nhưng ông không hay làm thơ, thậm chí còn muốn đoạn tuyệt với địa hạt này. Tình trạng “dan díu” giữa thi ca và toán học ở trong ông đã không trở thành một mối tình say đắm nhưng mọi dây ràng buộc đã không thể cắt đứt. Cho nên tiếng thơ Nguyễn Xuân Vinh đã chỉ như những ngọn gió thoảng qua….

 Với tuổi đời xấp xỉ ngang nhau. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và tôi thuộc vào thế hệ những người đã tiếp nhận bốn nền văn hoá: Việt-Pháp cổ truyền, Việt đổi mới (ở miền Nam). Việt Cộng sản và Việt quốc tế. Chúng tôi đã nếm trải đủ thứ vinh nhục của cuộc sống kéo dài hơn ba phần tư thế kỷ. Nhưng không ai bảo ai, chúng tôi đã cùng chia sẻ niềm hy vọng một ngày nào đó, được sống trong một nền văn hoá Việt duy nhất. Đầu những năm 2000, tình cờ đã cho tôi lần thứ nhất được gặp Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh tại San Jose. Tôi còn được trực tiếp làm việc với ông trong khuôn khổ một cuộc vận động dân chủ hóa nước Việt Nam nữa. Tuy mới quen biết nhau nhưng chúng tôi cùng khám phá ra tâm đắc với nhau nhiều điều. Chúng tôi cảm thấy có thể tin cậy nhau. Tôi ở bên kia bờ Đại Tây Dương nên đặt hết tin tưởng vào sự hoạt động cho dân chủ của Giáo sư Vinh và mấy luật gia khác trong vùng. Nhưng trong lòng tôi rất lo ngại trước vô vàn khó khăn về người và việc. Thiết lập dân chủ cho Việt Nam, nếu chỉ cần một tấm lòng chân thật và một vài diễn đàn để mời gọi, thì chế độ dân chủ đã ra đời từ lâu ở Việt Nam rồi … Nhưng rồi tình cờ, Giáo sư Vinh và tôi lại xa nhau như chúng tôi đã tình cờ gặp nhau. Chúng tôi không hay chưa gặp lại nhau nữa. Tuy vậy, tôi biết chắc được một điều: dù bất cứ ở phương trời nào, lòng chúng tôi cũng hướng về quê hương, cùng ước hẹn một ngày về với ngọn cờ dân chủ, với lời tự vấn chúng ta phải làm gì và đã làm được gì?

Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non

 Chắc cũng với tâm trạng này, Giáo sư Vinh khi trong đêm ông đọc thơ Lý Bạch. Ông trích dẫn thơ Lý Bạch để mọi người đọc nhưng có lẽ chính để chia sẻ buồn “vạn cổ sầu” với nhà thơ họ Lý.

Vô nhân tri sở vãng
Sầu ỷ lưỡng tam tùng

Dịch:

Ông đi, ai biết nơi nào nhỉ.
Buồn tựa tùng phong mấy khóm cây!

(Thơ Lý Bạch, đi tìm và thăm Thiên Sơn đạo sĩ mà không gặp)

Hay

Tư quân nhược vấn thủy
Hạo đãng ký nam chinh.

Dịch:      

Nhớ anh song Vấn chơi vơi,
Mênh mông dòng nước chảy dài về Nam.

(Thơ Lý Bạch, ở Sa Khâu nhớ Đỗ Phủ)

Đêm nay ngồi trên du thuyền, từ Phần Lan trở về Thụy Điển, rời một nước để đi sang nước khác, tôi thấy đâu cũng là đất nước người. Đêm không trăng, bể Baltic lặng lờ, qua khung cửa tôi chờ một ánh hải đăng mà không thấy. Chỉ thấy ở lời thơ, trăng nhớ quê hương như…”, người ta hiểu tại sao Giáo sư Vinh đã tỏ ra ưu ái tiếng thốt ra của nỗi buồn nhớ quê dưới đây của Lý Bạch:                                    

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch:

Trước giường yên lặng nhìn trăng sáng,
Lại tưởng chừng như đất phủ sương.
Bất giác ngẩng đầu nhìn ánh nguyệt,
Bâng khuâng khẽ cúi nhớ quê hương

 Trong một chuyến đi thăm nước Mỹ mới đây, tôi có dừng lại thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon. Bạn bè đưa tôi đi coi Viện Bảo tàng Cá Hồi ở Đập Bonneville. Rất tiếc là tôi đến không đúng mùa cá về nên tôi chỉ được nhìn cá trong những bể nuôi và các biểu đồ trên tường. Nhưng cuộc viếng thăm này như đã truyền cho tôi một sức sống mới và nhất là đã cho tôi một bài học vỡ lòng về tranh đấu trong tổ chức với tài năn

 Ai cũng biết loài vật có nhiều đặc tính và khả năng mà con người không sánh kịp, tuy rằng con người vẫn tự coi mình là “vạn vật chi linh”. Ngay đến những loài vật không xương sống hay côn trùng, chim muông, tôm cá v.v…cũng chứng tỏ có một bản lĩnh sống đáng kinh nể. Châu chấu bay hàng đàn hàng tỉ con, họp thành đám mây bay rợp trời, trải rộng trên một diện tích hàng ngàn cây số vuông. Cuộc hành trình di trú của loại châu chấu này dài không dưới 20.000 cây số. Một loại cua bể thường hàng năm bơi 200 cây số để vào gần bờ tìm chỗ đẻ… Cá hồi là loại cá sông, sinh ra trong nước ngọt nhưng lại lớn lên trong nước mặn của biển, rồi cuối đời lại bơi ngược dòng hàng ngàn cây số trở về nơi sinh cũ để đẻ và chết. Với cá hồi thì đi là lần di trú độc nhất trong đời để kết liễu cuộc đời. Môn học về tập quán của sinh vật (ethology) cho biết đại để như vậy, nhưng về ý nghĩa của hiện tượng sống đặc thù này thì chỉ có những giả thuyết chưa ổn định. Tiếc rằng cá hồi không có tư tưởng như loài người để trình bày về ý nghĩa cuộc sống của chính nó. Một cuộc sống với một bản lĩnh sống triển khai trong tổ chức tranh đấu không thua gì loài người, kể cả về mặt gọi là khoa học. Nếu không có đủ kỹ thuật để di chuyển, bơi ngược dòng, không biết hợp quần thành bầy đàn, không đủ kiên trì, không đủ sự hiểu biết về môi trường thì đã không thể vượt qua mọi trở ngại từ biển về sông mà đẻ rồi chết. Cuộc “vạn lý trường chinh” này là một thứ thách đố cá hồi đã chiến thắng để tồn tại. Nhưng cho đến bao giờ? Chẳng có gì bắt buộc cá hồi phải trở về sinh quán để sinh sản và chết.


Đàn cá hồi tìm về cội nguồn

 Đây là loại nghi vấn chắc những người thuộc thế hệ tôi, trong thân phận di tản, di trú như cá hồi, muốn tìm giải đáp. Dân tộc Việt Nam đã tồn tại trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử. Dân tộc Việt Nam sẽ còn tồn tại. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gợi lại trong tôi, hình ảnh những con cá hồi vọt nhảy lên cao để không bị dòng thác cuốn đi trên đường về. Nhưng còn biết bao nhiêu cá hồi khác đã chết trong cuộc hành trình di trú để nối tiếp chủng loại cá hồi. Loài người không là đàn cá hồi. Dân tộc Việt Nam có văn hoá để khác số phận với cá hồi và sẽ không tránh được những cuộc thách đố sinh tử mà cá hồi đã gặp. Nhưng con người Việt Nam sẽ có số phận nào? Bỗng nhiên tôi lại trở về với nỗi ám ảnh mình đã làm được gì để trả nợ tang bồng mà thời đại đã đổi thành nợ xã hội?

Paris mùa Xuân 2008

Trần Thanh Hiệp

 

 

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.