TKH - banner 05

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Miếng ăn là miếng tồi tàn (Ca dao)

Nói gì thì nói, chuyện ăn uống vẫn là điều quan trọng nhứt của vạn vật, kể cả lòai người trong vũ trụ.  Trong “Từ Điển Việt Nam” của Thanh Nghị, do nhà xuất bản Thời Thế (Sài Gòn) ấn loát năm 1958, tiếng ăn có thể ghép với từ khác để tạo thành 145 từ kép mang ý nghĩa khác nhau. Theo Đại từ điển Tiếng Việt của trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Nguyễn Như Ý chủ biên thì tiếng ăn có thể ghép với từ khác để tạo ra 400 thành ngữ hay tục ngữ mang ý nghĩa khác nhau.

Mẹ xin kể ra đây một số từ ngữ thường mang ý nghĩa răn đời hay diễn tả nhân tình thế thái: Ăn bẩn, ăn càn nói bậy, ăn cần ở kiệm, ăn cây nào rào cây nấy, ăn cháo đá bát, ăn chưa no lo chưa tới, ăn cơm chúa múa tối ngày, ăn cơm mới nói chuyện cũ, ăn thiệt làm dối, ăn đút ăn lót, ăn gian nói dối, ăn kỹ làm dối, ăn lường ăn lận, ăn miếng trả miếng, ăn ngay nói thẳng, ăn ngập mặt, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn quẩn cối xay, ăn quen bén mùi, ăn se sẻ đẻ ông voi, ăn sóng nói gió, ăn sống nuốt tươi, ăn thật làm giả, ăn to nói lớn, ăn coi nồi ngồi coi hướng, ăn tục nói phét, ăn vùa thua giựt, ăn vụng quen tay, ăn xong quẹt mỏ, ăn xôi chùa ngậm miệng, ăn xổi ở thì, ăn xới ăn bớt,…

Mẹ không rõ ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới thế nào, chớ trong ngôn ngữ Việt Nam thì có lẽ không một sự việc nào có lượng từ ngữ diễn tả nhiều đến như vậy! Điều nầy còn cho ta thấy “cái ăn“ vừa thân thiết vừa quan trọng đối với con người biết là dường nào!

Mẹ con ta tham do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn hết là do “cái ăn, cái uống”. Con người càng văn minh thì cái ăn,  cái uống càng trở nên phức tạp nhiêu khê. Chỉ riêng một loại nước giải khát thôi, con thử thống kê có bao nhiêu loại đang lưu hành trên thị trường quốc nội, đừng nói chi cả thế giới! Con có biết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu loại bia, rượu mạnh không? Có đến hàng vạn cũng không biết chừng!

Thật ra, có những món ăn cần thiết và những món ăn không cần thiết. Cũng như muôn loài, con người ăn là cốt để sống; ăn no là để sống khỏe. Nhưng phức tạp hơn muôn loài, con người không chịu dừng lại ở chỗ ăn no mà còn muốn tiến đến chỗ ăn ngon, ngày càng ngon. Thế nên, miếng ăn càng ngày càng rời xa mục đích ban đầu là ăn no để ngày càng phức tạp, cầu kỳ một cách khó hiểu, và nhiều trường hợp trở thành dã man. Móc óc khỉ tươi của Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh (Trung Quốc) chiêu đãi liệt cường phương Tây nếu ta không dùng từ dã man để lên án thì không biết phải dùng từ gì cho xứng hợp.

Ăn uống còn là nhu cầu chính đáng của muôn loài nhưng đồng thời còn bộc lộ phần nào tham vọng riêng của con người. Hầu hết loài vật chỉ giành giựt mồi của nhau khi ăn chưa no. Chúng ta giành giựt mồi của nhau ít khi vì đói mà vì muốn tích lũy hay muốn ăn cầu kỳ hơn hoặc ngon hơn, nhiều hơn.

Ta thử phân tích nhân vật trong truyện “ Thằng Bờm có cái quạt mo” mà ai cũng biết

 

Do một tình cờ nào đó, Bờm có được cái quạt mo. Thực tại, Bờm đang đói. Bờm cần giải quyết càng sớm càng tốt cái đói đang hành hạ Bờm. Trước mắt, tất cả những thứ Phú ông đề nghị đánh đổi như: “ba bò chin trâu” hay “một xâu cá mè”, “một bè gỗ lim”… đối với Bờm đều không có ý nghĩa thiết thực vì không đáp ứng được nhu cầu hiện tại là cái đói. Bò trâu, cá mè, gỗ lim… giá trị không bằng xôi là vậy. Đối với người đang đói, vàng bạc không hơn nồi cơm gạo. Ông bà ta từng gọi cơm gạo là ngọc, kể ra cũng có lý do.

Trái lại, Phú ông thì khác, cơm gạo đối với ông không thành vấn đề. Nhu cầu hưởng thụ của ông ngày càng mở rộng theo đà quậy quạng của con trâu tham vọng sút dây dàm. Phú ông dư ăn, dư mặc. Trong nhà nào là chuồng trâu bò, ao cá mè, bè gỗ lim… đủ cả. Nhưng lại thiếu cái quạt, cái có thể giúp ông thoải mái trong những ngày hè oi bức, giúp ông đầy đủ hơn, thoải mái hơn trong cuộc sống vốn đã sung túc.

Bài nầy là một ngụ ngôn đáng để mẹ con ta suy ngẫm. Cố gắng chiến thắng dục vọng thấp hèn luôn lôi kéo ta vào vòng sa đọa như miếng ăn,  thức uống là điều cần thiết. Miếng ăn, thức uống là chuyện thường ngày, thiết thân với cuộc sống và phản ảnh trung thực con người trong cuộc sống. Lên bàn tiệc, con đừng chê khen cơm nóng, canh nguội, món nầy ngon, món kia dở, tiệc nầy sang, tiệc kia hèn, rồi hoạnh họe, “đày đọa” người phục vụ hay phê phán lung tung. Uống, con cũng uống có chừng có mực. Tục ngữ phương Tây có câu dặn không nên uống đến cạn chai. Đến bây giờ, mẹ mới hiểu được trọn vẹn câu nói. Nếu con uống lúc nào cũng chừa lại trong chai một chút thì con ít khi phải say. Bởi con có uống sang chai thứ hai, thứ ba đâu mà say.

Có bao giờ con nhìn cách ăn của gia súc chưa? Hình như chúng chỉ ăn khi chưa no và gần như ăn đơn giản ”sao cũng được” cho đến lúc vừa no là ngừng. Có khi đói chúng vẫn từ chối ăn món ngon vật lạ nếu không hợp hay chúng nghĩ là không tốt cho sức khỏe. Con đừng tưởng cá nào cũng ăn tạp. Có những lọai cá nhứt định không ăn mồi lạ dù mồi rất ngon lành. Về mặt này, có lẽ chúng không thua chúng ta hay đúng hơn là hơn hẳn chúng ta.

 

Như đã nói, miếng ăn, thức uống biểu hiện ít nhiều tham vọng con người. Mà tham vọng là đầu mối của tranh chấp, bạo lực, chiến tranh đưa tới điệp trùng đau khổ. Khi ăn, nếu con biết nghĩ là ăn để sống, chứ không phải sống để ăn thì con sẽ thấy miếng ăn, thức uống không hơn gì thuốc trị bịnh đói của con người. Chính vì vậy, con nên mạnh dạn rời bàn ăn khi còn một chút ngon và sẵn sàng nhường lại cho người cần thiết hơn con. Thanh nhã hay thô tục bắt đầu từ đó.

Con ơi! nghĩ cho kỹ thì hình như mọi hoạt động trong đời đều có liên quan xa gần đến miếng ăn,  thức uống. Nhục- vinh, đau khổ-hạnh phúc cũng bắt nguồn từ đây.

Biết như vậy để con liệu mà ăn, uống sao cho bảo đảm được yên vui trong suốt cuộc đời…

 

Cô Ty

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.