TKH - banner 02

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 


 
       Tôi với nhạc sĩ Anh Bằng có lẽ phải có duyên với nhau từ tiền kiếp vì hai người phải chờ đến tuổi ngoài bẩy mươi mới gặp nhau lần đầu tiên, và chi sau vài lần trao dổi thư từ hay đi ăn với nhau, cùng nhau tâm sự, chia sé it chuyện thời cuộc, mà đã có thể nhận nhau trong tình anh em. Anh Bằng hơn tôi vài tuổi nên được là Huynh, nhưng anh thêm chữ Hiền và xưng mình là Hiền Huynh. Còn tôi, tuy là Đệ, nhưng vì tôn trọng nghiệp dĩ làm thầy giáo trong nhiều năm, dậy ở các Đại học ở khắp năm châu bốn biển, nên anh thêm cho tôi chữ Sư, để luôn luôn gọi tôi là Sư Đệ.
 
       Vào khoảng cuối năm 2008, nhân dịp nhà văn Việt Hải, cùng với giáo sư Doãn Quốc Sĩ, và nhà văn Tạ Xuân Thạc lên San José để giới thiệu về Văn Đàn Đồng Tâm với văn thi hữu trên miền Bắc Cali. tôi được biết là Văn Đàn đang chuẩn bị đưa ra một Tuyển Tập gồm những bài viết về Anh Bằng, để vinh danh người nhạc sĩ lỗi lạc và nhân hậu đã được nhiều người rất mực mến yêu. Trong buổi gặp mặt, tôi đã nói là  thường nghe nhạc Anh Bằng. Thế là Việt Hải ghi ngay tên tôi vào danh sách những người có thể viết bài đóng góp vào tuyển tập anh đã dự trù hoàn thành trước ngày cuối năm. Chắc Việt Hải nghĩ là tôi giống như anh, có thể viết về bất cứ đề tài gì, kể cả về âm nhạc là bộ môn tôi chỉ biết nghe mà không biết phê bình. Với tôi, nhạc và hoạ là những nghệ thuật người muốn đạt được phải nhờ vào tài năng thiên phú. Những tài năng đó, chắc phải đợi kiếp sau tôi mới có được. Giờ đây nếu may mắn viết được vài trang giấy để đóng góp vào Tuyển Tập thì tôi chỉ có thể tìm tòi trong ký ức để viết ra là tôi bắt đầu nghe được nhạc của Anh Bằng tự bao giờ và trong số hàng trăm bài nhạc sĩ đã sáng tác, những bài nào tôi ưa thích nhất, và qua những giọng hát truyền cảm và điêu luyện của những nhạc sĩ nào.
 
       Khi tìm tài liệu về Anh Bằng, tôi thấy một đoạn viết về tiểu sử của nhạc sĩ trên Tự Điển Bách Khoa điện tử Wikipedia là ông tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại thị trấn Điền Hộ, thuộc tỉnh Ninh Bình, gần ranh giới tỉnh Thanh Hoá, cách Hà Nội khoảng hơn 100 cây số về phía Nam. Ông theo học Trung học ở Hà Nội trước khi theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở Sài Gòn cho đến năm 1975. Anh Bằng đã giỏi về âm nhạc từ thuở nhỏ, và sống lên trong thời kháng chiến ở ngoài Bắc, nhà nghệ sĩ chơi được đủ mọi thứ đàn, có lẽ phần lớn là những đàn dây, như mandoline, hay dùng cả những đàn cò, ngoài Bắc ta gọi là đàn nhị để nẩy ra những cung thương, tay kéo nhị, đầu gật gù nghĩ ra lời sao hợp với tiếng đàn. Đó là hình ảnh tôi nghĩ về Anh Bằng hơn nửa thế kỷ về trước ở miền  quê Ninh Bình, khi ông chưa ra Hà Nội.
 
       Để giúp thêm ý cho tôi viết bài, Việt Hải chuyển cho tôi đọc bài của Phiến Đan, từ Úc châu, viết về Anh Bằng, trong đó có câu làm tôi suy nghĩ:
 
       Trong khoảng thập niên sáu mươi, gần như mọi người sống ở miền Nam đều quen thuộc với những nỗi đau trong dòng nhạc của Anh Bằng, với những ca khúc được khắc lên bằng những vết thương rỉ máu,  trong tiếng ầm ì của đại pháo câu vào thành phố Sàigòn. Hình ảnh một chú bé đánh giầy lây lất trên vĩa hè trong cái lạnh lẽo của trời Đông, nỗi đói lạnh tội nghiệp vang lên não nề trong ca khúc “Nó”, nỗi ám ảnh của chiến tranh Việt Nam đã như là định mệnh trong ca khúc của Anh Bằng, và có những người, dù không một lần gặp ông nhưng chắc chắn khi nghe ca khúc của Anh Bằng phải ghi nhận ông quả thực đang nói hộ tâm sự và nỗi cô đơn của đại đa số người dân Miền Nam  trong  thời kỳ mà đất nước từng ngày bị cuộc chiến làm thương tổn. Cũng vì ảnh hưởng qua đôi mắt của một nhân chứng nên dường như ca khúc nào của Anh Bằng trong thập niên 60 cũng mang  một Melody buồn như tiếng tỉ tê của Chopin. Vâng! Đó là duyên cớ vì sao tôi cảm thấy gần gũi với lòng lương thiện và nỗi khao khát bình yên của một người như Anh Bằng, đã dùng cung bậc để vẽ cho đời những giọt sầu rơi.
 
 
       Trước đây, Phiến Đan cũng thường gửi cho tôi những nhận định về tình hình chính trị, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đọc một bài phê bình âm nhạc của Phiến Đan, và cũng phải qua Việt Hải chuyển bài để nhắc nhở tôi viết. Điều đặc biệt là Phiến Đan đã có một rung cảm sót thương khi nghe bài “Nó” của Anh Bẳng, một trong hai bài đã làm cho nhạc sĩ phải rơi lệ khi sáng tác. Bài thứ hai là bài “Khóc Mẹ Đêm Mưa” mới được sáng tác cách đây vài năm, và kỳ diệu thay  bài này lại chính là bài  đầu tiên của Anh Bằng tôi nghe được, và đã làm tôi cảm thấy nghẹn ngào và sau đó để tâm sưu tầm thêm những nhạc khúc khác của Anh Bằng. Nhưng tôi thật không có tâm hồn nhậy cảm như Phiến Đan mà dù chưa gặp Anh Bằng cũng chia sẻ được nỗi sót thương của tác giả khi nhìn thấy những đứa trẻ khổ đau, bơ vơ trong thời chinh chiến. Tôi vẫn nghĩ là mình phải có một sự liên hệ nào, dù cho là thần giao chăng nữa với Anh Bằng, để mới có thể nhận thấy sự tuyệt vời của những nhạc khúc đã cho tôi có nỗi nhớ Mẹ khôn tả khi nghe Đặng Thế Luân hát bài “Khóc Mẹ Đêm Mưa”:
 
Có những lần con khóc giữa đêm mưa,
Khi hình mẹ hiện về năm khói lửa.
Giặc đêm đêm về quê ta vây khốn,
Bắt cha đi mẹ khóc suốt đêm buồn.

Ôi thương mẹ vất vả sống nuôi con,
Đi vội về sợ con thơ ngóng chờ.
Nhưng mẹ đi không bao giờ về nữa,
Ngã trên đường tức tưởi chết trong mưa.

Mẹ ơi mẹ ơi tan chiêm bao nước mắt thành dòng.
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng.
Mẹ ơi mẹ ơi có nghe chăng lời con vang vọng,
Tới mộ phần trên vuông đất quê hương.

Con lang thang giữa đời quạnh hiu quá,
Đâu cũng sống nhưng không đâu là nhà.
Còn quê mẹ xa nửa vòng thế giới,
Con không về từ ngày mẹ ra đi.

 
       Tôi thật không hiểu vì sao lần đầu nghe nhạc Anh Bằng lại gặp đúng bài đã làm anh rơi nước mắt khi sáng tác, và lời thơ lại như diễn tả đúng cuộc đời của tôi khi xa Mẹ. Tôi nghĩ có thể mình đã có lần gặp Anh Bằng dù cho vào những thập niên 60 và 70 khi nhạc của ông được hâm mộ thì tôi đã có cuộc sống ly hương. Sau đó khi coi đĩa nhạc  “Huyền Thoại Lê Minh Bằng”, nhìn thấy Việt Dzũng giới thiệu chương trình tôi bỗng nhiên linh cảm nhớ lại được những gì đã xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ khi tôi mưòi bẩy nghĩa là chưa tới “tuổi mười tám khi vừa biết yêu” như Anh Bằng. Dạo đó tôi còn là học sinh lớp đệ Nhị theo Trường Nguyễn Khuyến di tản từ thành phố Nam Định về huyện Yên Mô, Ninh Bình, tôi học ban Toán cùng bạn học theo ban Vạn Vật có anh Nguyễn Ngọc Bẩy đến từ Nghệ An sau này trở thành bác sĩ Y Khoa và là thân phụ của Việt Dzũng. Như thế có nghĩa là chàng MC trẻ tuổi đẹp trai này, mà tôi vừa gặp lại tuần trước ở Detroit, Michigan khi tôi tới chủ toạ một buổi Đại Nhạc Hội gây qũy giúp TPB VNCH của Cộng Đồng người Việt Detroit, anh không phải là gốc Bắc Kỳ chính cống, cũng như Anh Bằng sinh quán ở Điền Hộ, thuộc huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá, nghĩa là cũng gốc người miền Trung,  không như Tự Điển Bách Khoa Wikipedia đã ghi lầm là Ninh Bình. Nhưng sự thực thì những địa danh này chỉ cách nhau chừng hơn mười cây số mà thôi. Tôi trọ học ở làng Phượng Trì, và bà chủ nhà có chàng con rể cũng ở Điền Hộ đã có lần hai vợ chồng rủ tôi về nhà chơi và chỉ cho tôi lối đi bộ vào khoảng hai giờ đồng hồ rồi trèo qua một cái đèo khá cao giữa từng núi đá, sang tới bên kia là địa phận Thanh Hoá. Tôi đã có dịp nhìn thấy nhà thờ Điền Hộ là nơi lúc đó Anh Bằng vào tuổi ngoài hai mươi thường lui tới. Cũng có những đêm bọn học sinh chúng tôi rủ nhau tới vùng Phát Diệm của Đức cha Lê Hữu Từ, thuộc tỉnh Ninh Bình, cũng ở gần đấy, nơi mà Anh Bằng đã gia nhập nhóm Nhân Dân Tự Vệ của ngài. Lý do chúng tôi tới đó là để nghe những vụ Việt cộng xử án những người mà chúng cho là theo Pháp để được thấy luật sư Nguyễn Mạnh Tường hùng hồn bênh vực những người vô tội bị cộng sản cáo buộc. Tôi ghi lại những dòng này trong bài viết cho Tuyển Tập để Anh Bằng khi đọc, có thể nhìn lại được những hình ảnh và cuộc đời của vùng mình đã sinh sống khi ở tuổi thanh niên, và cũng thấy được tôi là người gần quê quán với nhạc sĩ tài danh, và trong bước đường lưu lạc, sống cùng nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, ở một vùng đồng bằng có vài ngọn núi bao bọc, có thể tôi đã đi qua nơi anh ở như người khách qua đường đôi khi đuợc nghe vẳng tiếng nhị kéo du dương không biết từ đâu tới. Phải có một chút liên hệ như thế mới làm cho tôi, tuy là một con người khoa học thuần túy, mà chỉ một lần được nghe nhạc của Anh Bằng đã có đầy cảm xúc để viết thành bài. Thực sự thì lúc đó về âm nhạc tôi chỉ được biết nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt đã có vài đêm tới làng Phượng Trì biểu diễn vĩ cầm với bọn chúng tôi ngơ ngáo, không hiểu gì, chỉ biết vỗ tay hoan nghênh mỗi khi thấy ông buông đàn xuống.
 
       Người ta nghĩ Anh Bằng sinh trưởng ở miền Bắc, có lẽ là vì ông đã bộc lộ được tình cảm lưu luyến Hà thành trong bài “Nỗi Lòng Người Đi”. Bài này nếu được Vũ Khanh hát thì mới mạnh mẽ và tha thiết để thấm lòng người nghe. Nếu chỉ đọc lời nhạc mà thôi thì tôi thấy dùng 6 câu đầu là đủ
 
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu 
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều 
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ?

Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa. 
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say, 
Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy.
 
       Trong bộ ba Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng của huyền thoại Lê Minh Bằng, ông là người nhiều tuổi nhất nhưng cũng là người có tâm hồn lãng mạn nhất. Toàn bài “Nỗi Lòng Người Đi”, tôi chọn sáu câu và thấy là đủ vì bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi và mọi nghề nghiệp và tài năng, khi đọc lên cũng thấy vấn vương và nhớ đến người của mình, không cần biết là kỷ niệm với người mình yêu tả ở những đoản khúc sau, là những buổi mang đàn đến dạo cho ngưòi đẹp nghe hay mang hoa đến tặng để lấy lòng nàng. Với sự rung cảm tâm hồn lên tới tột độ để viết lời thơ thành tiếng nhạc chỉ mấy câu dạo đầu đã mở ra cả một trời thơ mộng
 
       Tôi không có duyên may, như người em quân đội Nhất Tuấn hay người bạn cựu học sinh Chu Văn An là Du Tử Lê, hay vị tiền bối là bác sĩ Thái Can, có thơ được Anh Bẳng phổ nhạc. Dù thơ có hay đến đâu chăng nữa cũng có thể bị rơi vào lãng quên nếu thế hệ sau bị ảnh hưởng văn hoá toàn cầu làm quên đi tiếng Việt mến yêu. Nhưng một khi đã được một nhạc sĩ tài danh như Anh Bằng phổ nhạc thì tiếng thơ được thăng hoa để bay cao, vĩnh viễn thành tiếng hoàng oanh hót, thành tiếng quyên ca, tiếng thơ có biến đổi theo một thổ ngữ nào cũng sẽ tồn tại vĩnh viễn với thời gian. Trong giai doạn này, dù Anh Bằng đã ở tuổi ngoài tám mươi nhưng phải nói là ông có một tâm hồn rất trẻ, và một kiến thức đa năng vì ông có thể phổ nhạc một cách dễ dàng, không khúc mắc, dù cho là những vần thơ chân phương của Thái Can trong bài “Anh Biết Em Đi”  hay  tha thiết và tràn đầy tình tứ của Du Tử Lê trong “Khúc Thụy Du”. Để viết bài này, tôi đã thu trên cùng một đĩa nhạc tiếng hát Vũ Khanh vang vọng lên lời thơ của Thái Can
 
Anh biết em đi chẳng trở về 
Dặm ngàn liễu khuất với sương che 
Em đừng quay lại nhìn anh nữa 
Anh biết em đi chẳng trở về. 

Không phải vì anh, chẳng tại em 
Hoa thu tàn tạ, rụng bên thềm 
Ân tình sớm nở, chiều phai úa 
Không phải vì anh, chẳng tại em.
……
và hai giọng hát trẻ, một nam và một nữ, của Tuấn Ngọc và tiếp theo của Ngọc Lan cùng hát Khúc Thụy Du của  Du Tử Lê
 
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngồi trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi !
Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi, và tình ơi !
…..
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu ?
 
       Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần và cố tìm hiểu mà không thật hiểu. Giống như Du Tử Lê, tôi tự hỏi: “Vì sao và vì sao?...” . Từ nhà thơ Thái Can, sinh năm 1910, cho đến Du Tử Lê, sinh năm 1942, cách nhau gần một phần ba thế kỷ, lời thơ thật khác nhau, vậy mà Anh Bằng, là một nhạc sĩ sinh vào khoảng giữa, vào năm 1926, đã có thể cảm thông và dung hoà để phổ nhạc một cách dễ dàng giúp cho những ca sĩ thời nay trình bầy một cách tự nhiên những ca khúc người nghe thấy diệu vời. Trong bài viết cho Tuyển Tập, tôi đã kết luận là Anh Bằng thật là một thiên tài âm nhạc.
 
       Cuối năm 2008, sau khi Tuyển Tập Anh Bằng được phát hành, vì dọn nhà vế Nam Cali. tôi đã có may mắn được thường xuyên gặp Anh Bằng, cùng nhau gọi  huynh xưng đệ. Nhà tôi cũng được anh gọi là Hiền Muội. Trước ngày chuyển cư về Nam Cali, chúng tôi tỏ chức một bữa tiệc kỷ niệm ngày cưới để nhân dịp này chào tạm biệt những thân hữu ở miền Thung Lũng Hoa Vàng. Vào dịp này, Hiền Huynh đã báo cho chúng tôi một niềm vui bất ngờ là anh sẽ thân hành đi từ Garden Grove lên San José, đường xa, lái xe gần một ngày trời, anh sẽ nghỉ lại vài ngày, để có thể dự đêm chung vui với chúng tôi. Như mọi việc xưa nay anh làm cho bè bạn, Hiền Huynh đã chuẩn bị đi từng chi tiết dù nhỏ nhặt đến đâu nhạc sĩ cũng làm cho chu đáo. Trước hết Anh Bằng đã phổ nhạc bài thơ “Mùa Trăng” của tôi đã được in trong cuốn truyện “Tìm Nhau Từ Thuở”, Hiền Huynh có một bản in trên giấy đẹp và khi đọc anh đã thấy tâm đác. Anh Bằng cũng đã thảo luận với nhà văn và cũng là thư hoạ sĩ Châu Thụy làm sao trình bầy thành một bức hoạ khổ lớn, để tặng chúng tôi, có hình trăng tròn nền vàng, và hình  chữ S viết bằng ba vạch đỏ chạy song song. Đó là ý nghĩ của anh, muốn có một họa phẩm có ý nghĩa, tặng người Sư Đệ, tuy đã lâu ở xa quê hương nhưng lòng lúc nào cũng hướng về tương lai tươi đẹp của đất nước. Thư pháp của Châu Thụy viết cũng làm nổi bật những câu thơ chính của bản nhạc.
 
       Bài thơ Mùa Trăng, của tôi, viết theo thể ngũ ngôn, đã tóm tắt câu chuyện tình, thật lãng mạn nhưng trong sáng, trong cuốn sách tôi đưa tặng Anh Bằng. Chàng trai của gió sông hồ kết hợp, một đêm trăng sáng về thăm quê ngoại và đã gặp một cô bé, còn bé tý hon
 
Năm xưa em còn bé,
Anh về quê thăm nhà.
Em nấp sau lưng mẹ,
Nhìn người khách phương xa.
 
       Người khách đến thăm, vừa nhìn thấy đôi mắt đen của cô bé, rồi lại vụt biến mất, và trên trời, đêm vắng sao, chi còn lại hình trăng lưỡi liềm
 
Đêm ấy trăng thượng huyền,
Em nghe người mới quen,
Chỉ vừng trăng vừa ló,
Ô kìa! Sao giống em!
 
       Chỉ gặp nhau trong giây phút, nhưng ấn tượng sâu đậm ghi lại trong mỗi ngửoi một khác, và với người khách phương xa thì sau này rời xa quê hương đi du học
 
Gặp nhau rồi xa cách,
Vết chân đời anh đi.
Nơi đây là đất khách,
Nỗi buồn phút biệt ly!
 
        Phải hơn mười năm sau chàng trai mới trở lại quê hương,để gặp lại cô bé năm xưa
 
Năm em tuổi mười lăm,
Anh lại trở về thăm.
Gặp em, giờ đã lớn,
Trông tươi nét trăng rầm.
 
       Thư họa sĩ Châu Thụy, đã theo lời chỉ dẫn của nhạc sĩ Anh Bằng, trình bầy thật đẹp trên bức tranh, hai câu thơ kết luận cho Hiền Huynh ký tên ở dưới, trước khi đưa đóng khung làm thành một thi họa phẩm tuyệt đẹp để đưa lên tặng chúng tôi.         
 
Mong trăng tròn mãi mãi,
Như mộng ước đôi mình.
 
 
 Hiền Huynh Anh Bằng cùng Sư Đệ và Hiền Muội
 
       Sự xuất hiện của nhạc sĩ Anh Bằng đến từ Nam Cali đã làm cho không khí của buổi tiệc vui hẳn lên, và tuy rằng Ban Tiếp Tân đã mời Hiền Huynh ngôi củng bàn các vị Niên Trưởng nhưng nhiều thân hữu khác đã đến tận nơi chào hõi và mời Hiền Huynh ra đứng riêng để cùng chụp hình kỷ niệm.
 
 
 
- Với Đô đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân
- Với Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, cựu Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia
 
       Vào những dịp như lần này, tôi nhận thấy Anh Bằng là một nghệ sĩ thật là khả ái. Những ca sĩ mới được chú ý như Đình Bảo nhân dịp này tới xin chụp hình chung và dưa tặng CD xin được giới thiệu với Asia Entertainment Inc. Hiền huynh cũng vui vẻ tiếp  chuyện và thêm lời khuyến khích.
 
 
 
- Với Phiến Đan và ca sĩ Đình Bảo  Hình trên)
- Hiền Huynh Anh Bằng lại được mời lên sân khấu
         
       Những nghệ sĩ khác đã thành danh, như nhạc sĩ Lê Quốc Tấn, cũng tìm tới  bàn người khách danh dự để có dịp hỏi chuyện. Hiền Huynh lúc nào cũng có một nụ cười tươi, thật nhân hậu, với tất cả mọi người, và luôn luôn thực khách có những câu hỏi được chuyển tới chúng tôi để rồi phải mời anh lên sân khấu để trả lời.
 
       Từ ngày ở gần nhau, tuy Hiền Huynh Anh Bẳng rất bận rộn trong công việc, nhưng nếu có thì giờ riêng tư anh lại cho chúng tôi biết, thường thì hẹn nhau đi ăn để có thì giớ nói chuyện. Anh bị bệnh lãng tai rất nặng nên lúc nào chúng tôi cũng có sẵn bút và một tập giấy để nếu cần thì chúng tôi viết câu hỏi, nhưng thường thì chúng tôi muốn được nghe anh kể chuyện sáng tác hay chương trình hoạt động của Asia. Thấy anh phải đi những chuyến Úc châu, xa xôi và mệt nhọc, chúng tôi cũng tỏ vẻ lo ngại cho súc khoẻ của anh nhưng hiền huynh cho biết là được bác sĩ theo dõi căn bệnh nay đang trong thời kỳ ổn dịnh. Tuy vậy mỗi lần vắng tin hay gửi email hỏi thăm mà Anh Bằng không trả lời ngay là nhà tôi lại  tỏ ý lo ngại buổi tối luôn luôn chắp tay cầu nguyện cho sức khoẻ của hiền huynh. Điều lo ngại ấy đã đến thật với mọi người thân của nhạc sĩ khi chúng ta nhận được tin sau khi trở bệnh vào bệnh viện cấp cứu, Anh Bằng đã được đưa về nhà trong tình trạng hôn mê, bệnh cấp tính khó lòng qua khõi. Nhà tôi đã cấp tốc liên lạc với một số thân hữu để cùng chúng tôi tới thăm anh tại tư gia ở thành phố Orange Hill đúng ngày Veterans Day là ngày 11 tháng 11, năm 2015. Nhìn anh trên giường bệnh, tuy mắt hơi hé mở nhưng không còn tinh thần, tôi hết sức thương cảm và chỉ còn biết luồn vào trong chăn, nắm lấy tay anh, vẫn còn hơi ấm, và mong có thể truyền ý nghĩ cho nhau, rằng Anh Bằng là người anh kết nghĩa thân thiết của tôi và chúng tôi mãi mãi sẽ nhớ anh trong tâm tưởng với những kỷ niệm đẹp.
 
Hiền huynh trên giường bệnh
 
     Ngày hôm sau, nhà tôi vì đã thuộc đường, nên lái xe trở lại Orange Hill vì cô muốn được thêm một lần nữa, ngồi bên giuờng cầu nguyện cho Hiền huynh. Lần này cô đã cùng với Thy Vân là  trưởng nữ của Anh Bằng  cùng cầu nguyện. Hôm ấy là thứ Năm, ngày 12 tháng 11, buổi chiều về trông mắt Phiến Đan đỏ hoe, tôi không hỏi thêm gì. Buổi tối, chúng tôi nhận điện thoại từ gia đình cho biết anh đã bình thản ra đi vào lúc 8 giờ 55 phút, hưởng thọ 90 tuổi, để lại Asia Entertainment, Inc. là một cơ sở kinh doanh rộng lớn anh tạo dựng nên và cùng một lúc đề cho thế hệ sau một gia tài âm nhạc đồ sộ và sự luyến tiếc và kính trọng của những người có dịp được biết anh.
 
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
 

Comments  

#1 Re: Viết Về Anh BằngGiang Võ 2015-11-21 15:28
Tác giả đã ân cân bên đàn anh thân thương trước giây phút lâm chung, thể hiện thắm thía tình bằng hữu, nghĩa bạn bè .Anh Bằng là một nhạc sĩ nhân hậu và tài hoa, dùng âm thanh làm phương tiện truyền đạt lòng yêu quê cha đất tổ cùng nói lên thay cho toàn dân về thảm cảnh của chiến tranh.
Bài viết gây được xúc động.Kính cám ơn Giáo Sư.
Giang Võ
Quote

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.