Cái Nón Sắt (Đ.Văn)
Ara Phát
Nhớ lại một thời, lúc trình diện nhập ngũ tại trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ nơi quân vụ thị trấn, là do hắn tình nguyện nhập ngũ vì còn đang được hoãn dịch đến gần 1 năm nữa với lý do công vụ, bố hắn bực mình bảo hắn « ngông » . Thủ tục xong xuôi, bắt đầu đến lúc khám sức khỏe, nhộn nhất là khi trở thành Adam không mảnh vải che thân, bác sĩ bảo giơ hai tay lên, nhảy lên nhảy xuống vài lần, sau đó ông ta cầm một que như là thước bản nâng 2 « quả cà pháo » lên xuống xong phán một câu « đủ sức khỏe », thằng nào thiếu cà hay quả to quả nhỏ phải ở lại cho bác sĩ chuyên môn khám để kết luận xem có được cầm súng hay không, chỉ cần có ba chữ này là an tâm kiếm vợ . Sau đó hồ sơ đóng 3 chữ Đ. S. K mà hắn lại đọc là » Đồ Sở Khanh ».
Xe GMC chở những người trình diện vào Quang Trung để thụ huấn giai đoạn 1 ngay sau đó. Vào đây được ban quân nhu phát những trang bị của một quân nhân, quần áo ba lô, vật dụng cá nhân, thứ gồ ghề nặng nề nhất là cái nón sắt.
Nón sắt này lúc đầu được viết nơi mặt trước bằng sơn trắng số 45 E, là tên đại đội của hắn, bên hông viết tắt tên tiểu đoàn ĐTH đúng là Đinh tiên Hoàng, nhưng lính tráng suy diễn kiểu khác gọi là Đêm tân Hôn phía bên kia ghi danh số của quân nhân…khi qua đến Thủ Đức được sơn lại số 31, hắn vào tiểu đoàn 3 đại đội 31, lại còn số 311 là số trung đội và danh số .Chín tháng quân trường làm bạn với nón sắt, ra khỏi doanh trại là có » em » trên đầu, mọi nơi, mọi chỗ…đi tắm cũng mang theo để múc nước, ăn cơm ngoài bãi có những lúc tập nơi xe khó vào cũng dùng nón sắt đựng cơm, canh cho cả toán, kể cả lúc ngủ cũng có em bên cạnh, lúc nghỉ ngơi ngoài bãi, nón sắt lại trở thành ghế ngồi, tóm lại chiếc nón sắt và người lính như bóng với hình.
Lớp bên ngoài là một vỏ kim loại còn gọi là ”nồi thép“, phần ngoài của vỏ được sơn theo sắc phục của các đơn vị xử dụng
Nón có hai lớp. Lớp bên ngoài là một vỏ kim loại bằng thép, phần ngoài của vỏ được sơn theo sắc phục của các đơn vị xử dụng. Bên trong, lớp thứ nhì là một nón bằng nhựa được chế tác đặc biệt để tăng thêm độ cứng, từ đó gia tăng thêm mức độ an toàn cho người lính.
Lớp lót bên trong nón M1
Hôm mãn khóa, hắn chọn đơn vị là biệt động quân, Đang mùa hè đỏ lửa nên không có phép mãn khóa 10 ngày và tất cả các tân sĩ quan đều ra đơn vị trình diện, nên cũng cố gắng nhét theo em vào túi xách (sac marin) để ra đơn vị . Tiểu đoàn hắn đến, được anh em cho một bao vải phủ ngoài và một lưới dùng để cắm cành cây ngụy trang…hắn chỉ hiểu một cách đơn giản là mạng sống của hắn từ đây sẽ được « em » che chở khi lâm chiến, hắn cũng dặn dò với anh em trong trung đội là nón sắt không được rời khỏi đầu, an toàn trên hết. Đội nón sắt giúp người lính ngoài mặt trận giảm được mức độ thương vong bởi các mảnh văng do bom, đạn, lựu đạn, mìn… cũng dùng để chống lại mức độ sát thương bởi các loại đạn bắn thẳng như AK-47 khi ở khoảng cách xa hay tùy góc độ viên đạn, nhiều binh sĩ chiếc nón sắt còn để lại vết lõm trên nón .
Nói với các binh sĩ để họ hiểu tầm quan trọng của chiếc nón sắt họ đội, đó là sản phẩm có tên gọi là chiếc nón sắt M1 ra đời 1969. Nhìn mọi ngừơi lính VNCH đều được che chở với chiếc nón sắt mới thấy được sự chăm sóc của chính quyền, quân đội VNCH với những người mang thân ra bảo vệ đất nước, khác hẳn sự chăm lo của phía bên kia, họ hành quân với chiếc nón tai bèo hay chiếc nón cối mỏng manh, nhà nước chẳng quan tâm mà chỉ tuyên truyền bằng những ca khúc ngợi khen « chiếc nón tai bèo » mong manh trong chiến trận, họ tự lừa dối binh sĩ là nón tai bèo cơ động trong khi lâm trận .
Khi được trả về bộ giáo dục, lúc đó hắn đang đóng quân ở Trảng Sụp, Tây Ninh và tiểu đoàn đang chuẩn bị đi giải tỏa chi khu Hoài Đức, giấy tờ về chậm một chút là hắn biết thêm địa danh này, hắn để lại ở đơn vị cho ai cần thì xử dụng, trên mảnh vải phủ cũng linh tinh những câu thơ, những địa danh nơi hắn bước vào .
Hắn cũng ngậm ngùi khi đọc được một câu của người bạn đồng minh gục ngã ở chiến trường VN viết trên mảnh vải hoa bọc chiếc nón sắt… « Anh từ miền bắc VN tràn xuống, tôi ở bên kia đại dương qua, chúng ta không thù hận mà lại tìm nhau giữa rừng già để giết nhau »…Tấm vải bọc chiếc nón sắt của hắn cũng được ai đó ghi hàng chữ « Một đi không trở lại ». Cái nón sắt đôi lúc cũng ngậm ngùi khi được dùng treo trên khẩu súng cắm xuống đất như tiếc thương một người bạn đường vừa bỏ lại cuộc chơi.
Khi dạy học ở Phước Long có lúc hắn có mặt nơi đồn điền cao su ở Đồng Xoài, nơi đây hắn bắt gặp bóng dáng chiếc nón sắt của ai đó trong tiểu đoàn nhảy dù, bỏ sót lại,… »tôi có người yêu, ở chiến khu Đ, chết trận Đồng xoài »… không phải bên bờ lau sậy mà ở dưới gốc cây cao su trơ cành làm hắn nhớ lại bản nhạc được ca sĩ Lệ thu hát về chiếc nón sắt trong phim « Người tình không chân dung ».
Lúc hắn đóng quân tại trại biên phòng Trảng Sụp, tiểu đoàn trưởng cũng ra lệnh tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ ra khỏi doanh trại là phải đội nón sắt .
Có lúc về hậu cứ dưỡng quân, cùng anh em quây quần bên bàn rượu…những người cả cuộc đời xem cái chết nhẹ nhàng, khi uống rượu cũng có nét uống riêng. Chiếc nón sắt được đổ đầy rượu mà hình như rất nhiều thứ pha trộn, lại còn kèm theo nước dừa. Thơm, ngon, ngọt mà cũng chắc là đánh gục bao nhiêu người, cứ uống luân phiên cho đến hết, mà hết nón này lại lấp đầy nón khác, hắn gục trước nhiều người nên không biết họ uống đến nón sắt thứ mấy.có người vừa uống vừa gõ nhịp bài Lương châu Từ. Hai câu cuối của bài tứ tuyệt này lưu danh muôn thuở « …..Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi « , cũng có người dịch là » ….Say khướt sa trường anh chớ mỉa/ Xưa nay chinh chiến mấy ai về?
Người hát câu này là anh truyền tin đại đội, hắn gặp lại anh ta ở Phước Long năm 1973, nơi hắn trở về dạy học và tiểu đoàn tăng phái lên đây. Ngồi uống café với đồng đội cũ, hai hôm sau nghe tin anh được đưa vào bịnh viện tiểu khu Phước Long, chưa kịp vào thăm thì đã qua đời; không chết bởi hòn tên mũi đạn nơi sa trường mà lại gục ngã vì căn bịnh cấp tính sốt rét rừng, đã bảo là Phước Long lúc đó còn đầy sương lam chướng khí. Chào tiễn đưa anh lên trực thăng về nghĩa trang quân đội.
Viết lại cảm nghĩ của hắn khi đọc được bài thơ của nhà thơ Nguyễn thị Thanh Dương, khi bà viết về » Cái nón sắt và người lính » nhân ngày quân lực 19/6 . Cám ơn nhà thơ Nguyễn thị Thanh Dương .
Khi tôi chết, hãy chôn tôi lộn ngược để mọi người có thể hôn mông tôi
Một gói thuốc Ruby Queen quân tiếp vụ màu xanh gắn trên nón sắt, chỗ kẹp này thường dành cho túi cứu thương , còn hắn dùng loại Bastos quân tiếp vụ màu trắng.
Một cọp biên phòng đang chăm chú vào mục tiêu dưới vành nón sắt
Cọp khác vác cây súng nặng trên vai, nón sắt cũng vẽ đầu cọp nhe đủ 13 chiếc răng và 6 râu
***
CÁI NÓN SẮT VÀ NGƯỜI LÍNH
Cho ngày 19/6
Cái nón sắt cùng anh vào đời lính,
Như hai người bạn luôn ở bên nhau,
Người lính đóng quân hay đi nơi đâu,
Cái nón sắt chở che anh mưa nắng
Giữa bom đạn khi anh vào cuộc chiến,
Bảo vệ anh từng giây phút tử sinh,
Tầm đạn xa hay có lúc thật gần,
Mong anh được mọi bình yên may mắn.
Ðường dài hành quân nếu anh thấm mệt,
Cái nón sắt sẽ là chiếc ghế ngồi,
Chia sẻ cùng anh lúc được nghỉ ngơi,
Có tình nào mà thân thương đến thế?
Bên anh đời thường, đời lính gian khổ,
Cái nón sắt múc nước để anh dùng,
Qua suối qua sông rửa sạch bụi đường,
Cái nón sắt nấu cơm canh dã chiến.
Chung vui với anh niềm vui trận mạc,
Mừng chiến thắng đoàn quân đã trở về,
Người lính trên đầu nón sắt cài hoa,
Cánh hoa rừng vươn lên từ khói lửa.
Góp công với anh, như người chiến sĩ
Cái nón sắt là đồng đội âm thầm,
Ðỡ đạn cho anh khó bị sát thương,
Nón sắt hứng chịu tên bay đạn réo.
Lìa xa nhau không một lời trăn trối,
Người lính hy sinh tay súng buông xuôi,
Cây súng đau khi thất lạc tay người,
Cái nón sắt ngậm ngùi thương tri kỷ.
Nón treo đầu súng tiễn hồn tử sĩ,
Vật dụng của người lính chiến còn đây,
Xông pha với anh ngày lại từng ngày,
Cái nón sắt giờ đây không có chủ.
Nguyễn thị Thanh Dương
Cái nón sắt giờ đây không có chủ.
Tháng Tư Đen: Nén Hương Lòng Thắp Muộn Tưởng Nhớ Các Chiến Sĩ Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân
~oOo~
Xem phim " Người tình không chân dung "
KIỀU CHINH -NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG -the MOVIE 1971
Đồi Delta Bruxelles
Ara Phát
(Xin TG để được đăng ở Category Video Nhạc - BBT TKH VL)