Dòng Sông Dĩ Vãng - Chương 5
Tóm lược truyện dài DÒNG DÔNG DĨ VÃNG – TG : Lưu Phương Lan
Chuyện tình thơ mộng của Khánh, anh chàng sinh viên y khoa con nhà giàu với Phượng, cô nữ sinh con nhà nghèo nhưng rất đẹp. Họ gặp nhau tình cờ và yêu nhau tha thiết. Nhưng cuộc hôn nhân đó không được gia đình Khánh chấp thuận, bởi vì Phượng có một cậu em bị tật nguyền bẩm sinh.
Qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn lấy được nhau, và sống rất hạnh phúc cho tới một ngày khám phá ra Phượng bị mắc bệnh ung thư. Sau khi qua khỏi, Phượng tiếp tục việc học và trở thành một cô giáo rất tận tâm, yêu nghề. Nhưng chỉ được vài năm, ung thư lại tái phát.
Mặc dù là bác sĩ và hết sức thương yêu chăm sóc và chạy chữa cho vợ, nhưng Khánh cũng không thể cứu nàng thoát khỏi tay tử thần. Phượng qua đời sau đó.
Phần thứ hai là cuộc đời của Khánh sau cái chết của người vợ yêu dấu
CHƯƠNG 5
Mùa hè ở Đà Nẵng, cái nóng không gay gắt như ở Sài Gòn, có lẽ nhờ gió biển từ ngoài khơi thổi vào, đem theo cái mát mẻ của hơi nước. Sau đám cưới, Thư và Đình đi trăng mật tận bên trời Tây, căn nhà vắng hoe. Mẹ kế hay tìm cách lánh mặt đứa con riêng của chồng, còn ông Hoành luôn luôn bù đầu với công việc và ít khi có mặt tại nhà, trừ những bữa ăn. Hai cha con chỉ hay trò chuyện vào buổi tối, ông hỏi han Khánh về việc học hành và những hoạt động thể thao. Mỗi tuần một ngày, Khánh theo cha đến bệnh viện, giúp ông làm giấy tờ, sổ sách, và nghe ông chỉ dẫn sơ qua về cách tổ chức và điều hành một bệnh viện. Ông nói:
- “Sau này con sẽ là người kế nghiệp bố, thay bố điều hành mọi việc. Để làm tốt chức vụ giám đốc bệnh viện, con cần phải học hỏi nhiều thứ.”
Khánh vâng dạ cho cha vui lòng, dù trong thâm tâm chẳng mảy may thích thú. Khánh thường từ chối, không nhập bọn với đám thanh niên nam nữ trẻ tuổi, con cái những bạn bè của cha mẹ chàng, rủ đi leo núi, cắm trại, picnic ngoài trời… Trong bọn, có nhiều cô khá đẹp cứ theo bám sát, nhất là Nga, cô ta không bỏ qua một cơ hội nào để gần gũi và tỏ ra thân thiện với chàng. Khánh dửng dưng với tất cả, vì tâm tư chàng đã đầy ắp hình ảnh của Phượng. Khánh chỉ giải trí bằng cách đọc sách, nghe nhạc, và thỉnh thoảng đi câu cá. Khánh có cái thú chiều chiều đi dạo ngoài bãi biển, ngắm mặt trời đỏ ối từ từ chìm xuống đáy nước, và từng đàn hải âu bay liệng ríu rít trên trời, cảnh thanh bình đẹp lạ lùng. Những lúc như vậy, Khánh để tâm tư lắng xuống, nghĩ về Phượng, xét lại lòng mình xem đã yêu chưa?
Thật khó mà định nghĩa được chữ yêu, phải chăng yêu là tưởng nhớ hình bóng? là sung sướng khi gặp? là nhớ nhung khi xa cách? Chàng đã trải qua đủ những trạng thái ấy rồi, nghĩa là chàng đã yêu? Nếu không, sao cả tháng qua, ta vẫn không quên được nàng? Nhưng còn Phượng, nàng có yêu ta không? còn điều đó nữa chứ, điều đó mới quan trọng, nhất định ta phải tìm hiểu. Khánh sốt ruột, chỉ muốn được gặp ngay người con gái chàng đã thầm yêu, trộm nhớ. Khác với mọi năm, lần đầu tiên Khánh cảm thấy kỳ nghỉ hè lần này sao mà dài quá.
Sau cùng, hai tháng trời thử xét lại lòng mình rồi cũng trôi qua. Ngay khi trở lại Sài Gòn, Khánh quyết định sẽ đi thăm Phượng. Chàng tính sẽ đến nàng vào sáng chủ nhật, lúc 9 giờ, đó là ngày nghỉ, chắc Phượng sẽ có nhà. Khánh chọn giờ này, vì không quá sớm để phá giấc nếu nàng còn đang ngủ, cũng không quá trễ để nàng có thể đã ra khỏi nhà để đi chợ, đi mua sắm chẳng hạn. Khánh tìm ra nhà Phượng không mấy khó khăn. Căn nhà nhỏ có giàn bông giấy màu đỏ, nằm ở cuối một con hẻm cụt đường Nguyễn Khắc Nhu, một con đường vắng, ít xe cộ qua lại nên rất yên tĩnh. Cổng không khóa, chỉ cần đẩy nhẹ là đã mở toang, Khánh bước qua mảnh sân nhỏ phía trước là tới ngay cửa chính, chàng hồi hộp bấm chuông. Ra mở cửa cho chàng, chính là Phượng, nàng ăn mặc chỉnh tề như sắp sửa đi đâu. Khánh thở phào sung sướng thấy rằng nếu chàng chỉ đến chậm một chút xíu thôi, thì nàng đã ra khỏi nhà, và như vậy chàng sẽ phải thắc thỏm kéo dài sự nhớ nhung thêm một ngày nữa…
Còn Phượng, nàng không dè người khách này lại là Khánh. Sự xuất hiện của chàng có hơi bất ngờ, làm nàng lúng túng trong giây lát, rồi vui mừng quýnh quáng, reo lên:
- “Ô kìa, anh Khánh!”
Khánh nhìn bạn, chàng đến bất thình lình, nàng không trang điểm nhưng vẫn lộ vẻ tươi mát, làn tóc dài buông xoã xuống vai, ôm lấy khuôn mặt thanh tú trông mới dễ thương làm sao. Khánh thích nhất hai gò má cao và đôi mắt sâu như phụ nữ Tây phương của nàng. Nhiều người có thể không thích phụ nữ có đôi lưỡng quyền cao, nhưng với Khánh, nàng đẹp hơn cả sự mơ tưởng của chàng. Không nén được xúc động, chàng buột miệng kêu lên:
- “Em!”
(Hình Minh Họa)
Vừa dứt lời, Khánh bỗng hoảng hồn, trong lúc bồng bột chàng đã thốt ra cái tiếng “em” thân mật mà đúng lý ra chàng chưa được phép dùng tới. Khánh e dè ngó bạn, nhưng Phượng không có phản ứng chống đối, sự mừng rỡ lấn áp tất cả, nàng cũng xưng em một cách rất tự nhiên:
- “Em cứ tưởng anh sẽ không tới.”
- “Cái gì đã làm Phượng nghĩ thế?”
- “Chẳng phải đã hơn hai tháng rồi sao? kể từ cái ngày hôm ấy…”
Phượng nói với một vẻ trách móc thân mật, khiến chàng thấy vui vui trong dạ. Điều đó chứng tỏ nàng vẫn trông đợi sự viếng thăm của chàng, vậy mà chàng cứ lần lữa mãi...
Tự nhiên Khánh có mặc cảm phạm tội, và chàng nói như xin lỗi bạn:
- “Tại anh cả, anh phải về thăm gia đình và anh cũng cần thời gian để thử lại lòng mình.”
- “Kết quả là…?” Phượng nheo mắt cười hóm hỉnh.
- “Em thắng rồi đó, vì vậy anh mới tới đây hôm nay, mục đích là để thú thật với em.”
Phượng ửng hồng hai má, thấy lòng rộn lên một niềm vui kỳ lạ, nàng mời bạn vô nhà. Khánh theo sau, cách một quãng ngắn, thích thú ngắm thân hình tuyệt mỹ và dáng đi yểu điệu của nàng, mỉm cười:
- “Dạo này hình như Phượng hơi gầy đi thì phải?"
- “Em không cân, nhưng có lẽ anh nói đúng, vì em phải thức khuya để học bài.”
- “Ừ nhỉ, Phượng sắp thi vào Đại Học Sư Phạm phải không?”
- “Đúng vậy, nhưng không phải sắp, mà em đã thi rồi. Mới thi xong hôm thứ sáu, đang chờ kết quả.”
- “Em làm bài được không?”
- “Cũng có hy vọng.”
Phượng nói xong xin phép vào nhà trong bưng nước. Bây giờ Khánh mới có dịp quan sát, căn phòng khách tuy nhỏ nhưng gọn gàng xinh xắn, hai cái cửa sổ được che bằng những màn cửa hai màu xanh trắng lẫn lộn, trên tường treo vài bức tranh thủy mạc và một bức tranh sơn dầu, nét vẽ rất mỹ thuật. Ngoài bộ sa lông nơi chàng đang ngồi, góc phòng còn kê một bộ bàn tròn với bốn cái ghế bằng mây, có lẽ vừa dùng làm bàn ăn vừa dùng làm bàn học, vì có mấy cuốn sách ở trên đó. Tới đây thì Phượng trở ra, hai tay bê khay nước giải khát, Khánh hỏi:
- “Hai bác có nhà không? để anh xin được chào.”
Phượng đặt hai ly nước cam vắt xuống bàn rồi mới chậm rãi nói:
- “Má em mất rồi, còn ba em ở dưới quê tại Lái Thiêu. Ông có một vườn cây ăn trái, mùa này là mùa trái chín nên bận lắm, vì phải thuê người hái trái và tiếp xúc với bạn hàng… Thi xong rồi, hôm nay em tính về quê thăm cha em.”
- “À hèn chi thấy Phượng sửa soạn như sắp sửa đi đâu.”
- “Đúng vậy, em sắp ra khỏi nhà thì anh tới. Nhưng không sao cả, em có thể hoãn đến trưa, trễ trễ một chút không sao, em đi chuyến chót còn kịp. Bây giờ thì em ở nhà tiếp anh, em thích như vậy hơn, chẳng mấy khi anh đến...”
- “Từ nay anh sẽ đến hoài nếu Phượng cho phép.”
- “Phượng cũng mong anh, nên đã cho phép rồi đó.” Phượng cười khoe hàm răng trắng bóng “mời anh dùng nước!”
Khánh cười sung sướng, bưng ly nước mát lên uống một hơi, chàng nhìn khắp lượt căn nhà vắng vẻ rồi hỏi:
- “Phượng ở đây có một mình?”
- “Không! Phượng ở chung với đứa em trai. Đây là nhà của một người bà con, nên không phải trả tiền mướn. Cô của em có cơ sở làm ăn ở Rạch Giá, nên ở đó luôn, thỉnh thoảng mới về Sài Gòn. Trong thời gian vắng nhà, cô cho hai chị em Phượng ở tạm và coi nhà luôn thể.”
- “Cô của em tính vậy phải lắm, nhất cử lưỡng tiện. Ở đây yên tĩnh, rất tốt cho việc học. À này, cậu em của Phượng đâu rồi?”
- “Nó không có nhà. Duy về quê từ tháng trước, còn Phượng phải học thi nên mới ở lại.”
- “Tiếc quá! Thôi để lần tới, thế nào Phượng cũng sắp xếp cho anh được gặp, anh muốn làm quen…”
- “Để làm gì? em nghĩ không nên đâu.” Phượng nói giọng bối rối.
- “Tại sao thế?" Khánh ngạc nhiên hỏi.
- “Tại vì, Duy nó… Mà thôi, chuyện riêng của gia đình em, anh không nên biết làm gì.”
- “Chẳng lẽ mãi mãi Phượng vẫn xem anh như một người xa lạ? hoặc anh không xứng đáng để Phượng gởi gấm tâm sự?”
- “Không phải thế, nhưng em chỉ ngại khi nói ra, anh sẽ mất vui.”
- “Phượng cứ nói đi, cho dù bất cứ thế nào, Phượng vẫn là người mà anh quí mến nhất.”
- “Thôi được, em cũng không muốn dấu giếm mãi...” Phượng nói nhỏ sau tiếng thở dài “em trai của em không may vừa bị câm, vừa bị điếc. Bây giờ thì anh hiểu tại sao hôm ở Vũng Tàu, em ngần ngại không muốn cho anh địa chỉ. Em sợ anh biết được sự thật, rồi trước sau gì anh cũng rút lui. Thôi chẳng thà cho anh biết sớm để anh dứt khoát cho sớm, đỡ phải mất thì giờ…”
Thoạt đầu Khánh ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó cảm thấy xót thương cho bạn, thì ra nàng mang mặc cảm vì có một đứa em tật nguyền. Thảo nào trong cái dung nhan kiều mỵ kia, thỉnh thoảng lại phảng phất nét buồn. Thật là tội nghiệp biết bao, nhưng nàng đã nghĩ sai về chàng, yêu một người con gái là vì sự rung động của con tim, và sự cảm thông của hai tâm hồn. Ngoài ra tất cả những thứ khác chỉ là phụ thuộc, và hoàn cảnh gia đình không ảnh hưởng đến sự chọn bạn của chàng.
Tim Khánh bỗng đập rộn lên vì mới khám phá ra một điều, bây giờ thì chàng chắc chắn là đã được yêu, bởi vì nếu không yêu, sao nàng lại lo sợ một sự đổ vỡ do sự rút lui của chàng? Khánh cảm động, chàng muốn nói vài câu an ủi bạn, nhưng vì quá bất ngờ và chưa tìm ra câu nào, nên cứ lúng túng ngồi im.
Phượng cũng ngồi im suy nghĩ, sau khi nói ra sự thật, nàng nghe nhẹ trong lòng, bây giờ chỉ còn chờ xem thái độ của chàng, người thanh niên đã làm cho nàng xao xuyến tâm hồn từ những ánh mắt đầu tiên. Cũng như Khánh, nàng đã thương, đã nhớ, đã mong gặp lại, kể từ ngày đôi bạn đi chơi trên bãi biển. Ánh mắt say đắm của hắn khiến nàng bồi hồi sung sướng, chợt có cảm giác hắn đã yêu nàng, chợt thấy lòng mình rung động...
Phượng không tin có tình bạn xuông giữa trai và gái, hắn đã tìm đến nàng tất phải có ẩn ý, và nàng nôn nao trông đợi bạn. Sự biệt dạng của hắn khiến Phượng thất vọng lắm, nàng tự hỏi hay là mình chỉ giàu tưởng tượng? Hắn đối với mình không có tình ý gì hết, đó chỉ là một cuộc gặp gỡ qua đường, và hắn đã quên mình rồi, nếu không tại sao hắn không tìm đến? Phượng không thể hiểu được tâm trạng khổ sở của Khánh trong sáu tuần lễ vừa qua, khổ sở cho cả hai, chứ không riêng gì hắn hoặc nàng.
Sau lần gặp gỡ đáng nhớ đó, Phượng bắt đầu thay đổi tính tình, không hay giỡn hớt với bạn bè như trước, nàng trở nên trầm lặng và “người lớn” hẳn ra theo như nhận xét của vài đứa bạn thân. Phượng vẫn mong đợi bạn và sắp sửa tuyệt vọng, thì hắn xuất hiện bất thình lình khiến nàng mừng rỡ hết sức. Thế rồi câu chuyện đưa đẩy khiến nàng phải nói ra sự thật mà nàng cũng không muốn dấu diếm, mặc dù nàng hoài nghi tình yêu chưa đậm của hắn có thể vì hoàn cảnh dị biệt của nàng làm cho nguội đi. Thấy bạn làm thinh, nàng tưởng rằng mình đoán đúng nên buồn lắm, và cảm thấy một cái gì đang đổ vỡ trong lòng. Đốm lửa tình yêu vừa ngún lên đã bị dập tắt ngấm, Phượng thở dài, cúi mặt ngồi im. Khánh thương bạn hết sức, nhưng lại không biết nói gì, mãi một lúc sau Khánh mới ra khỏi tình trạng ngậm câm của mình, chàng hỏi:
- “Cậu ấy bị như vậy từ bao giờ? từ lúc nhỏ hay sau một tai nạn?”
- “Từ lúc mới lọt lòng. Duy ra đời trong một đêm có pháo kích, một đầu đạn trái phá nổ ngay trên miệng hầm. Không biết có phải do bẩm sinh di truyền, hay là do tiếng nổ quá lớn đó đã làm cho nó bị điếc ngay từ khi mới chào đời. Vì không thể học nói, nên đương nhiên nó thành câm luôn.”
Phượng thở dài, buồn bã nói tiếp:
- “Dù nguyên nhân nào đi nữa, thì bệnh của nó cũng không thể chữa được.”
- “Thật chẳng may!”
- “Vâng, thật không may tí nào. Cha mẹ em đã làm tất cả những gì có thể làm để bù lại những nỗi bất hạnh mà nó phải chịu. Cả quãng đời thơ ấu của nó rất đầy đủ, sung sướng cho tới khi má em qua đời…”
- “Má cô mất đã lâu chưa?”
- “Cách đây hơn mười năm, bà mất trong một tai nạn xe đò bị lật. Cha em không tục huyền, ông ở vậy làm gà trống nuôi con, đem hết tình thương san sẻ cho hai đứa con mồ côi. Tuy ba em đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không sao lấp được chỗ trống của người đã khuất. Nhất là Duy, nó bị khủng hoảng tinh thần, và em đã phải thay thế người mẹ đã khuất săn sóc, an ủi nó. Hai chị em em thương nhau lắm, em thấy em có bổn phận bảo bọc, che chở cho nó, vì bây giờ nó chẳng còn ai ngoài em, và người cha đã già…”
Phượng nói xong thì nhìn bạn với cặp mắt rất buồn:
- “Bây giờ thì anh đã hiểu tất cả rồi đó. Anh hiểu vì sao em ngần ngại, là vì em nghĩ anh chẳng dại gì theo đuổi một người con gái vừa nghèo vừa có một đứa em tật nguyền như em…”
Khánh nhìn bạn, thấy thương hết sức người con gái có hoàn cảnh rất đặc biệt này. Rồi đây trong tương lai, nàng sẽ phải gánh vác một trách nhiệm nặng nề, vì người cha già và đứa em tàn tật. Mà cái trách nhiệm ấy nàng sẽ phải gánh vác suốt đời, liệu nàng có làm nổi không? Người con gái yếu đuối, tuổi đời còn quá trẻ để đương đầu với những cạm bẫy của cuộc đời. Nàng hoàn toàn cô đơn, biết nương dựa vào ai? Tự nhiên Khánh cảm thấy muốn che chở, bảo vệ cho nàng, người thiếu nữ chàng mới gặp nhưng đã yêu với tất cả tâm hồn. Khánh muốn cho nàng hiểu rằng nàng có thể nương dựa vào chàng, rằng chàng muốn chia xẻ cuộc đời với nàng. Nhưng trước hết cần phải xóa tan những hiểu lầm của nàng, hơn lúc nào hết, đây là cơ hội thuận tiện nhất để bày tỏ lòng mình. Nghĩ vậy chàng bạo dạn nắm lấy tay bạn, ân cần:
- “Em đừng lo, hoàn cảnh gia đình của em không ảnh hưởng tí nào đến tình cảm của anh đối với em. Nếu Phượng đồng ý, anh xin được cùng em chia xẻ, gánh vác trách nhiệm.”
Nói xong câu tỏ tình kín đáo, Khánh hồi hộp lắm, chàng khẽ liếc bạn, rình xem phản ứng của nàng. Chàng thấy mặt nàng xanh đi, rồi hồng lên, và bàn tay nàng trong tay chàng hơi run, nhưng nàng vẫn để yên không rút ra. Khánh bóp nhẹ tay nàng, dịu dàng:
- “Anh có vẻ hơi đường đột, Phượng có giận anh không?”
- “Giận anh à?” Nàng thì thầm “làm sao có thể giận anh được? khi mà hình bóng anh đã chiếm trọn tim em, và em vẫn chờ đợi cái giây phút này từ lâu rồi.”
Giọng của Phượng run run, chứng tỏ nàng đang xúc động lắm. Trong giây phút, Khánh bỗng thấy người nóng bừng, máu như nở ra trong huyết quản, và chàng lâng lâng trong một cảm giác vừa sung sướng vừa cảm động. Khánh nhìn bạn đắm đuối, làm nàng cúi mặt thẹn thùng, nghe lòng xao xuyến lạ kỳ. Đôi bạn sau đó không biết nói gì thêm nữa, nên cùng lặng thinh, nhưng những ánh mắt trao tình còn nói lên vạn lần hơn những lời âu yếm. Sau cùng, chuông đồng hồ trên tường gõ 12 tiếng, Khánh giật mình, chợt nhớ là nàng sắp phải đi, nên chàng đứng dậy ngỏ ý ra về, mặc dù trong lòng rất muốn ở lại lâu hơn nữa, nhưng chàng biết phép lịch sự không nên để bạn lỡ việc.
- “Anh phải về để em sửa soạn đi kẻo trễ.” Khánh nói.
Phượng nhìn đồng hồ, thấy hai cái kim dường như đi sai, thời gian sao trôi nhanh quá. Nàng hỏi giọng tiếc rẻ:
- “Chừng nào anh tới nữa?”
- “À, bao giờ thì em trở lên?”
- “Hai tuần sau mới có kết quả thi, và em sẽ phải đi coi.”
- “Những hai tuần cơ à? sao lâu thế?”
- “Việc đó là quyết định của nhà trường, chứ đâu phải do nơi em.”
- “Nhưng em có thể lên sớm hơn được chứ?”
- “Một, hai ngày trước thì được, nhiều hơn thì không có lý do.”
- “Ba khó lắm sao?”
- “Không khó, nhưng em và Duy phải phụ việc giúp ông. Mùa này bận lắm, một mình cha em làm không xuể.”
- “Thôi đành vậy, chúng ta sẽ gặp nhau sáng chủ nhật ngày rằm. Nếu em thi đậu thì anh sẽ đưa em đi ăn khao.”
- “Cả Duy nữa chớ?”
- “Cố nhiên! anh đang mong được làm quen với cậu ấy mà.”
- “Nếu vậy anh về chuẩn bị túi tiền đi, em có nhiều hy vọng đậu lắm đó, còn Duy thì nó ăn rất khoẻ” Phượng vui vẻ đùa.
- “Cám ơn em đã báo trước, hôm đó anh sẽ mặc một bộ quần áo chống nhiệt, để đề phòng bị cháy túi.”
Cả hai cùng cười, Phượng tiễn bạn ra tận đầu ngõ, Khánh muốn hôn lên tóc nàng trước khi quay bước, nhưng chưa dám. Phượng bịn rịn đứng trông theo cho tới khi bóng chàng khuất nơi cuối phố rồi mới quay vào. Nghĩ lại những việc vừa qua, Phượng sung suớng mỉm cười một mình, nàng soát lại quần áo và những thứ lặt vặt trong cái túi xách, vừa hát nho nhỏ. Hôm ấy, cô Phượng trông khác hẳn mọi ngày, một cô Phượng vui tươi, hớn hở, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn một màu hồng, đời sao mà đẹp quá, nắng giữa trưa mà nàng không cảm thấy gay gắt, khó chịu, trái lại nàng có cảm tưỏng dường như cảnh vật càng lúc càng rực rỡ thêm lên, chỉ vì lòng nàng đang rạo rực yêu đương.
Lưu Phương Lan
(Xin xem tiếp Chương 6)