TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Dòng Sông Dĩ Vãng - Chương 4
Tóm lược truyện dài DÒNG DÔNG DĨ VÃNG – TG : Lưu Phương Lan

4951 1 DSDV Chuong4LuuPhuongLan

      Chuyện tình thơ mộng của Khánh, anh chàng sinh viên y khoa con nhà giàu với Phượng, cô nữ sinh con nhà nghèo nhưng rất đẹp.  Họ gặp nhau tình cờ và yêu nhau tha thiết.  Nhưng cuộc hôn nhân đó không được gia đình Khánh chấp thuận, bởi vì Phượng có một cậu em bị tật nguyền bẩm sinh.
      Qua bao nhiêu khó khăn, họ vẫn lấy được nhau, và sống rất hạnh phúc cho tới một ngày khám phá ra Phượng bị mắc bệnh ung thư.  Sau khi qua khỏi, Phượng tiếp tục việc học và trở thành một cô giáo rất tận tâm, yêu nghề.  Nhưng chỉ được vài năm, ung thư lại tái phát.
      Mặc dù là bác sĩ hết sức thương yêu chăm sóc và chạy chữa cho vợ, nhưng Khánh cũng không thể cứu nàng thoát khỏi tay tử thần.  Phượng qua đời sau đó.
      Phần thứ hai là cuộc đời của Khánh sau cái chết của người vợ yêu dấu
CHƯƠNG  4

       Lần về thăm nhà kỳ đó, Khánh vui hơn bao giờ cả, chàng về để dự đám cưới em gái và cũng để nghỉ ngơi cho lại sức, sau một năm trời học hành vất vả.  Khánh vừa qua một kỳ thi lên lớp với kết quả tốt đẹp, ý nghĩ sắp được gặp lại những người thân yêu, và được nghỉ xả hơi vài tuần làm chàng thấy nhẹ cả người.  Từ khi chia tay với Phượng, chàng đã thương, đã nhớ, đã muốn đến với nàng ngay tức khắc, nhưng cố dằn lòng, chàng cần một nơi yên tĩnh để mọi đều việc lắng xuống.  Khánh cần biết rõ lòng mình xem có yêu Phượng hay không? câu hỏi này cứ ám ảnh chàng đêm ngày, ngay cả những lúc ngồi nghe giảng trong lớp học.  Ngay lúc mới gặp Phượng, chàng biết mình đã bị tiếng sét ái tình, nhưng Khánh nghĩ biết đâu đó chỉ là tình cảm bồng bột nhất thời?  Khi yêu thì lại khác, có yêu thì mới tìm hiểu, không yêu thì đừng tiến tới, chỉ mất thì giờ. 

       Khánh rất ghét những mối tình qua đuờng, chàng quan niệm một cách đứng đắn là hễ yêu thì phải đi tới hôn nhân, đời người chỉ có một lần thôi, nên chàng rất dè dặt trong tình yêu.  Vì quan niệm như vậy, nên Khánh vẫn chưa có bạn gái.  Khi gặp Phượng lần đầu, chàng đã bị quyến rũ ngay bởi cái nhan sắc hơi có vẻ tây phương, rất hợp với mỹ quan của chàng.  Thế rồi sau lần tiếp xúc, chàng lại nhận thấy ở người con gái xinh đẹp, ngây thơ này có một thứ duyên ngầm, một sức thu hút lạ lùng khiến chàng tương tư.  Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh của nàng lại hiện ra, nhất là trong những giấc mơ, và mỗi lần như vậy đều mang lại cho chàng những cảm giác êm đềm, sung sướng.  Nếu bảo như thế là yêu thì mình đã yêu nàng rồi chăng?  Khánh cũng không dám chắc, nhưng những ngày vừa qua Khánh đã khổ sở ghê lắm vì cứ phải kềm chế tình cảm của mình.  Khánh bị giằng co giữa lòng thương nhớ và sự dè dặt, khiến chàng vô cùng bối rối, không biết phải xử sự như thế nào.  Chàng đã cố gắng thử quên nàng xem sao, nhưng không thể được.  Sau cùng Khánh nghĩ chỉ có cách đi xa, chàng cần thời gian để thử thách, khi trở về chàng sẽ có quyết định.

       Ra đón chàng tại phi trường là bác tài xế của gia đình, chứ không phải cha chàng như mọi lần.  Về đến nơi, Khánh mới biết là cha chàng đang có khách.  Hôm nay ngôi biệt thự nguy nga của bác sĩ Lê Khắc Hoành tấp nập người ra vô, người ta đang giăng đèn kết hoa, sửa soạn cho tiệc cưới vào thứ bẩy tới.  Chỉ còn vài ngày nữa thôi, cô dâu chắc là hồi hộp lắm, Khánh nở một nụ cười thương mến khi nghĩ về đứa em gái mà chàng rất thương yêu.

4951 2 DSDV Chuong4LPLan

       Ông bà Hoành lấy nhau đã gần ba mươi năm, mà chỉ sinh được hai người con: một trai là Khánh, và một gái là Anh Thư, kém Khánh hai tuổi.  Thuở nhỏ, hai anh em thân nhau lắm, chuyện gì cũng chia xẻ, cũng tâm sự với nhau, cho tới khi Khánh phải rời nhà để đi học xa.  Bà Hoành mất cách đây sáu năm, vì biến chứng của bệnh tiểu đường làm suy thận, khi mất, bà mới ngoài năm mươi tuổi.  Trước cái chết đau đớn của vợ, ông Hoành buồn rầu, thối chí, chẳng thiết làm ăn gì nữa, may nhờ có hai đứa con an ủi, ông mới nguôi ngoai dần. 

       Năm năm sau tang vợ, ông Hoành tái giá với em gái của một người bạn.  Bà Thuần mà anh em Khánh thường gọi một cách lễ phép là dì Hai, chính là em ruột của bà Phong, mẹ của Đình.  Bà Thuần tính tình hiền lành dễ chịu, ngoài tật mê đánh bài, bà cư xử biết điều với mọi người.  Đối với hai đứa con riêng của chồng, bà không thương, không ghét, cũng chẳng hay eo sèo, kiếm chuyện.  Khánh và Thư  mừng cho mình không gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng, và mừng cho cha có người bạn đời chia sẻ vui buồn trong cuộc sống lúc tuổi đã xế chiều, và chăm lo cho ông những khi trái nắng, trở trời.  Hai anh em đối xử với mẹ kế một mực lễ phép, nên nhà cửa lúc nào cũng trong ấm ngoài êm, mọi người vẫn thường cám ơn trời.

       Mải nghĩ ngợi, xe đã quẹo vô cổng nhà, bác tài dừng xe cho Khánh xuống trước, rồi mới cho xe vào garage.  Khánh bước qua cái sân rộng thơm ngát mùi hoa ngọc lan, lên nhà trên.  Đi ngang phòng khách, chàng thấy cha đang ngồi nói chuyện, và khách không ai khác hơn là ông Phong, cha của Đình và Nga.  Khánh bước vô, cúi chào lễ phép:

  • “Thưa bố con mới về, kính chào bác ạ!”

Ông Hoành để tách nước trà đang uống xuống bàn, cười vui vẻ:

  • “Sao con về trễ thế? cả nhà mong mãi.”
  • “Con mới có kết quả thi tuần trước, hôm nay mới có chuyến bay.” Khánh đáp lời cha và quay sang ông Phong “bác tới lâu chưa ạ?”
  • “Mới độ nửa giờ thôi, bác tới để bàn chuyện với ba cháu những chi tiết về việc tổ chức đám cưới của Đình và em cháu. Thế nào, cháu đi đường có mệt không?”

Hỏi xong, không đợi Khánh trả lời, ông vỗ vai chàng cười ha hả:

  • “Dạo này trông cháu chững chạc lắm rồi, sắp ra bác sĩ có khác.”
  • “Thưa bác cũng còn lâu..” Khánh cười ngượng nghịu “cháu mới học xong năm thứ hai.”
  • “Vậy là còn tới bốn năm nữa. Nhưng cũng không lâu đâu, thời gian rồi sẽ qua nhanh lắm.  Học hành có vất vả không cháu?”
  • “Dạ cũng thường thôi.” Khánh lễ phép “bác gái có tới không ạ?”
  • “Có chứ, bà ấy đang ở trong phòng tiệc, giúp dì cháu trang hoàng. Cả Nga và Đình cũng ở đó nữa.”
  • “Con có thể tới đó phụ một tay với mọi người, nếu con muốn.”

Ông Hoành nói xong, quay sang bạn:

          - "Nào, chúng ta bàn tiếp..."

       Khánh chào và xin rút lui.  Đi ngang qua phòng tiếp tân, chàng dừng lại để quan sát.  Như đa số các nhà giầu ở trong tỉnh, căn phòng tiếp tân này rất lớn, nhưng ít khi được dùng tới, chỉ trừ những khi có đại tiệc cả trăm người.  Thường ngày, căn phòng này bỏ trống, nhưng hôm nay được trang hoàng thật đẹp.  Cửa chính vô phòng được treo một tấm bảng bằng gỗ màu đỏ chạm rồng phượng và hai chữ khắc nổi “Vu quy”.  Trên trần nhà, những dây kim tuyến và hoa giấy đủ màu rủ xuống, bay phất phơ trông thật đẹp.  Cuối phòng là một cái bàn hình chữ nhật trải khăn trắng toát, mặt bàn đã bày sẵn những chai thức uống đủ loại, có cả nước ngọt lẫn nhiều thứ rượu ngoại quốc.  Phía đối diện, ở đầu phòng bên kia sẽ được dùng làm nơi để cử hành hôn lễ.

4951 3 DSDV Chg4LPLan

       Nơi đó, không biết từ lúc nào đã dựng lên một bàn thờ gia tiên thật lớn với những đỉnh trầm, lư hương, bình bông, chân nến, đồ thờ… tất cả đều bằng đồng sáng loáng.  Một tượng Phật được đặt ở trên cái bệ cao ở chính giữa, dưới bệ là những khung hình của tổ tiên và những người đã khuất mặt trong gia đình.  Dọc theo hai  hai bên tường là một dãy những bàn dài, phủ khăn trắng tinh, ghế cũng được bọc satin trắng và một cái nơ lớn màu xanh nhạt ở phía sau lưng, trên mỗi bàn đều có một bình hoa. 

       Bà Thuần và bà Phong đang chỉ huy gia nhân sắp xếp lại bàn ghế.  Thư và Nga cũng đang tíu tít đo, cắt những cuộn giây kim tuyến.  Đình đứng xớ rớ quanh đó, sửa lại cho ngay những khăn bàn trải lệch.  Thấy chàng bước vào, mọi người đều ngừng tay, ngẩng lên nhìn.   Khánh nhanh nhẹn cúi chào và lên tiếng trước:

  • “A! dì và mọi người đều ở đây cả. Ba con nói có dì và bác Phong ở dưới này nên con tới chào.”  Rồi chàng nhìn quanh và tấm tắc khen “chà! coi bộ linh đình quá.”
  • “Đám cưới con gái rượu của bác sĩ giám đốc, lấy con trai cưng của một đại thương gia thì phải làm cho ra trò chứ.” Bà Phong cười và nói một cách kiêu kỳ.

Bà Thuần cũng vui vẻ:

  • “Anh Cả về ăn cưới em gái kỳ này, mai mốt sẽ tới lượt anh.”
  • “Thưa dì chắc còn lâu ạ, con còn đang đi học.”
  • “Ậy thì tôi nói trước, anh học kinh nghiệm đi là vừa.”

Mọi người cùng cười vui vẻ, Khánh cũng cười ngượng nghịu, rồi xin phép ra nhập bọn với tụi trẻ.  Vừa thấy anh bước tới, Thư đưa tay vẫy rối rít:

  • “Dữ không? giờ này mới tới làm người ta mong muốn chết.”
  • “Người ta là ai?”
  • “Còn ai nữa?” Thư nói và trỏ tay về phía Nga “cô nàng nhắc luôn miệng từ sáng đến giờ, sốt cả ruột…”

Nga đưa tay đấm vai bạn cái thụp:

  • “Vừa thôi, đừng có phá em à nghe ? mai mốt chị về làm dâu nhà em, coi chừng!"
  • “Cô làm gì tôi?”
  • “Làm một cô em chồng nanh nọc được không?”
  • “Cứ việc! nhưng khỏi với tôi đi, cô hãy đi tìm một người khác làm nạn nhân cho cô.”

Đình can thiệp, hắn cú vào đầu em gái một cái nhẹ:

  • “Đừng nói bậy nghe Nga? coi chừng đến lượt em đấy!”

Nga xoa đầu, nguýt anh một cái thật dài:

  • “Hừm! chưa gì đã bênh chằm chặp…”
  • “Chứ sao? mai mốt cô mà dở trò nanh nọc với chị dâu, sẽ biết tay anh!”
  • “Không dám đâu! biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”

       Cả bọn đều phá lên cười, thế rồi mỗi người một câu đùa rỡn ầm ỹ.  Để đáp lại những lời trêu chọc, Khánh chỉ ừ ào cho có lệ, chàng không muốn tham gia vào câu chuyện có thể gây ra ngộ nhận cho mọi người, mặc dù chỉ là câu chuyện đùa vui.  Chàng lừ mắt ra hiệu cho em gái, nhưng Thư không để ý gì cả.  Khánh còn chưa biết làm thế nào chuyển câu chuyện qua đề tài khác thì bỗng có tiêng bấm chuông, chàng tranh ra mở cửa, rồi chuồn đi chỗ khác.  Sau bữa cơm chiều, ông bà Phong ra về, còn bọn trẻ rủ nhau đi coi chiếu bóng.  Khánh thoái thác nói mệt nên không đi, chàng về phòng riêng, thay quần áo xong, nhào lên giường, ngủ một mạch tới sáng.

        Khi mặt trời đã lên cao, chiếu ánh nắng chói chan qua cửa sổ, Khánh mới thức dậy.  Cảm thấy hơi uể oải, chàng đi tắm cho khoẻ rồi mới ra nhà ngoài.  Căn nhà vắng vẻ lạ thường, chỉ còn Thư đang ngồi xem TV nơi phòng khách, và bà Thuần quần áo chỉnh tề đang đứng trước gương, sửa lại chuỗi hạt đeo cổ.

  • “Thưa dì, mọi người đâu cả rồi?” Khánh hỏi.
  • “Cha con mới đến bệnh viện, còn những người bồi dọn dẹp xong cũng về cả rồi.” Bà Thuần nói “đêm qua anh Cả ngủ được không?”
  • “Dạ được, nhưng không ngon giấc lắm, nên hãy còn hơi mệt.”
  • “Nếu vậy ăn sáng xong, anh đi nghỉ nữa đi. Dì có để phần cháo gà cho anh, ăn cháo cho nhẹ bụng.”
  • “Cám ơn, dì chu đáo quá. À dì sắp đi đâu vậy?”
  • “Dì đến nhà bác Tạo hỏi xem việc mở nhà xuất bản của cha con tới đâu rồi.”
  • “Để con gọi bác Tài đánh xe ra cho dì.” Thư nói.
  • “Bác ấy đã biết rồi.”

Bà Thuần đi khỏi, hai anh em lại tiếp tục câu chuyện, Thư nói:

  • “Đến bác Tạo chỉ là một cái cớ, em biết mà, xong việc là bà ấy đi đậu chến.”
  • “Thôi kệ, để cho bà ấy giải trí. Nghĩ cũng tội, dì Thuần không có con, không biết chia sẻ vui buồn với ai, ba thì đi vắng suốt ngày.”
  • “Vì không con, nên bà ấy chẳng cần vun quén cho ai, nên anh em mình được yên thân. Nói cho ngay, bà ấy cư xử cũng biết điều.”
  • “Ừ, quả có vậy. Thôi bây giờ nói chuyện gia đình mình.  Anh vừa chợt có ý nghĩ so sánh, ba chỉ đầu tư vào những nghiệp vụ có tính cách văn hoá: bệnh viện, trường học và bây giờ là nhà xuất bản.  Còn bác Phong thì chỉ chuyên về những nghiệp vụ thương mại: đồn điền, hãng rượu, hãng nhập cảng xe hơi, xe gắn máy, tủ lạnh, TV  .v… Tất cả cũng chỉ vì mục đích làm giầu mà thôi.  Em sắp về làm dâu nhà ấy, em thấy thế nào?”
  • “Anh hỏi vậy là có ý gì?”
  • “Gia đình nhà đó giàu có lớn lắm và rất thích khoe của. Anh thấy bác Phong gái có vẻ khinh người.”

Thư có vẻ suy nghĩ một lúc rồi nói:

  • “Cha mẹ Đình thì em không biết tính nết, nhưng Đình là một người tốt, và anh ấy yêu em thật lòng.”
  • “Còn em cũng yêu Đình chứ? Ý anh muốn nói không phải vì gia đình hai bên gán ghép?”
  • “Ồ không! những toan tính của nguời lớn không ảnh hưởng tí nào đến quyết định của em cả. Thật sự thì Đình và em yêu nhau lâu rồi, và tụi em đã hứa hẹn từ hồi mới học xong trung học.”  Thư cười dí dỏm “các cụ cứ nghĩ Đình và em đều ngoan ngoãn dễ bảo, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.”

Khánh cũng cười:

  • “Ờ, anh quên không hỏi công việc làm ăn của Đình ra sao? Chú ấy tốt nghiệp ở Mỹ về đã hơn nửa năm rồi, đã quyết định làm việc ở đâu chưa?”
  • “Bác Phong mới mở một công ty điện toán ở Singapore, và sẽ giao cho Đình phụ trách.”

4951 4a DSDV Chg4LPLan4951 4b DSDV Chg4LPLan

  • “Như vậy thì Thư sẽ theo chồng, sống ở ngoại quốc?”
  • “Đúng vậy, sau đám cưới ít tháng, bọn em sẽ đi.”
  • “Anh mừng cho Thư khỏi phải làm dâu, bác Phong gái coi bộ không hiền đâu.”
  • “Em cũng nghĩ vậy, nhưng em không sợ, vì Đình sẽ che chở cho em.”

Khánh vỗ vai em, mỉm cười:

  • “Được vậy tốt, thấy Thư sung sướng là anh mừng. Hôm nay em không đi chơi đâu à?”
  • “Có chứ, em hẹn với Nga lát nữa sẽ đi dạo phố, Nga cần mua sắm ít quần áo và đồ dùng để mai mốt đi Sài Gòn. À nói đến Nga em mới nhớ, tối hôm qua sao anh không chịu đi xem xi nê với bọn em?”

Đang vui, Khánh chợt sa sầm ngay nét mặt:

  • “Đi làm gì? anh không thấy hứng thú có sự hiện diện của Nga. Đừng ép buộc anh phải đi chung với cô ấy.”

Thư chưng hửng:

  • “Anh nói vậy nghĩa là gì? sao gọi là ép?”
  • “Nghĩa là anh không muốn tiến tới với Nga. Từ nay không được gán ghép anh với cô ta nữa, anh không muốn có sự hiểu lầm.”
  • “Hiểu lầm?” Thư tròn mắt "không phải xưa nay anh vẫn thích Nga hay sao?”
  • “Anh chưa bao giờ nói là anh thích cô ta cả. Anh chỉ coi Nga cũng như Thư,  nghĩa là như một người em gái.”
  • “Nhưng Nga thì em biết chắc, nó có nhiều cảm tình với anh lắm đấy!”
  • “Đó là việc riêng của cô ta, không liên quan gì đến anh hết.”

Thư ngập ngừng một lúc rồi mới nói:

  • “Em nghĩ là có liên quan. Hai gia đình vẫn đi lại thân mật, còn nữa, dì và bác gái…”

Khánh ngắt lời:

  • “Đủ rồi, hai gia đình thân nhau là điều đáng mừng. Em sắp về làm dâu nhà người ta, nhưng không nhất thiết là anh phải vô làm rể.”
  • “Em thấy Nga và anh xứng đôi lắm, nó cũng đẹp đấy chứ, anh chê nó ở điểm nào?”
  • “Anh ghét cái tính kênh kiệu của cô ta, vả lại con gái gì mà dạn dĩ quá.”
  • “Sao không cho rằng đó là tính hồn nhiên? Nga dạn dĩ, là vì nó với anh đâu phải xa lạ? hai người vẫn chơi chung từ thuở bé.”
  • “Chơi chung đâu có nghĩa là lớn lên sẽ thành vợ chồng? Thôi em đừng mất công nói vô cho cô ta nữa.”  Khánh nói giọng bực mình “em có nói đến sang năm vẫn vô ích, anh nói không là không!”
  • “Tính anh giống hệt ba, không ai lay chuyển nổi. Em tự hỏi nếu ba và anh bất đồng ý kiến, thì hậu quả sẽ ra sao? không ai chịu nhượng bộ ai cả.  Em mong anh đừng bao giờ cãi ba, ông nóng tính lắm.”
  • “Thế ba cũng muốn anh lấy Nga à?” Khánh lo lắng hỏi.
  • “Không! đó chỉ là ý riêng của dì và bác Phong.”

Khánh thở phào nhẹ nhõm, thấy cha chàng không chủ trương việc này.  Hai anh em cùng im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng, sau cùng Khánh mới chậm rãi nói:

  • “Người vợ của anh phải do anh chọn lựa, chứ không phải do cha mẹ chỉ định.”

Nga nhìn anh với ánh mắt tò mò:

  • “Chắc là anh đã có bóng hồng nào rồi?”
  • “Chưa! nếu có anh sẽ cho Thư biết.”
  • “Anh dấu em!” Thư tủm tỉm cười “thế còn cô nữ sinh Gia Long nào đó?”

Khánh giật mình:

  • “Sao chưa gì Thư đã biết, ai nói?”
  • “Nga chứ ai, nó kể rằng gặp anh đi chơi với đào ở Vũng Tàu. Chắc vì vậy anh mới chần chờ không về thăm nhà ngay?”
  • “Cô ấy chỉ nói ẩu và không đúng sự thực.” Khánh bực mình “anh về trễ vì còn đợi kết quả thi, còn Phượng thì anh mới gặp lần đầu, trong đêm văn nghệ trại hè ở Vũng Tàu.  Sau đó về Sài Gòn, anh vẫn chưa liên lạc để tìm hiểu.”
  • “Chị ấy tên Phượng à? chắc phải đẹp lắm mới làm rung động con tim sắt đá của anh?”
  • “Ừ, đẹp lắm, đẹp và quyến rũ ghê hồn, khiến anh mới gặp lần đã bị tiếng sét ái tình. Anh còn chưa biết làm thế nào để chinh phục cảm tình của cô ta…”
  • “Coi bộ anh si đậm rồi đa!” Thư cười “ai có khả năng hớp hồn anh của em? một cô công chúa chắc? hay là một đại tiểu thư con nhà danh gia thế phiệt?”
  • “Không, cô ta chỉ là một cô gái hiền lành, con nhà nghèo.”

Thư cười hóm hỉnh:

  • “Chuyện tình của anh giống như trong truyện cổ tích đời xưa, hoàng tử yêu cô bé Lọ Lem.”

Khánh cũng cười:

  • “Nhưng anh đâu phải là hoàng tử? em chỉ đề cao anh một cách quá đáng. À Thư này! em đã biết yêu chưa?  Trả lời anh thành thật nhé, giả sử Đình không phải là một ông giám đốc tương lai, con của một nhà triệu phú, hoặc nói cách khác, nếu vì một lẽ gì đó cha của Đình bị phá sản, không còn giàu có nữa thì em có yêu Đình không? em vẫn muốn đi đến hôn nhân với Đình hay là quyết định chấm dứt?”
  • “Không bao giờ!” Thư đáp không do dự “dù hoàn cảnh nào, em vẫn yêu Đình và vẫn muốn là vợ của anh ấy.”
  • “Tốt, yêu là không tính toán.” Khánh mỉm cười “anh tin là Thư đã hiểu thế nào là tình yêu rồi đó.”

Lưu Phương Lan

(Xin xem tiếp Chương 5)

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC