TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

      Nói đến chim trích, các bạn trẻ ai cũng yêu, cũng mến. Nó màu xanh biển, dáng điệu khoan thai, dễ thương.. Tự bản thân nó toát ra vẻ thướt tha yểu điệu như các tiểu thư đài các, vì vậy các cô ở lứa tuổi học trò vào bếp nghe má sắp làm thịt trích để ăn, các cô phản đối ngay với những biện giải rất hữu lý. Nào là con trích đẹp, dễ thương vân vân.., Trích cồ hay con trống, đầu đỏ, tướng oai vệ, cái đuôi lắc qua, lắc lại đầy vẻ tự tin xen lẫn phách lối , trái lại con mái nhìn thật ngây thơ, hiền hòa (nhưng vô số tội) . Các bạn có thể không đồng ý với tôi, nhưng nếu các bạn đã tiếp xúc với các bác nông dân thì mới rõ hơn về sự phá hoại của loài trích nầy.

      Đi đuổi trích, đòi hỏi người tham dự phải lội ruộng giỏi, có thể lội năm bảy cây số trong ruộng chỉ có một mình ênh, không ai trò chuyện, chỉ dẫn và điều quan trọng nhứt là phải biết định đúng hướng lưới mình  giăng nơi nào để chiều còn biết chỗ tìm về. Chính vì điểm khó khăn nầy mà tôi chưa được chọn làm người phụ việc, mặc dù chủ giàn lưới trích là dượng của tôi.

      Hôm nay là lần đầu tôi được theo dượng Bảy học nghề. Nói đúng hơn không có chó thì cậy mèo vậy thôi. Hôm qua hai mươi ba tháng chạp, tôi nghỉ Tết.. Anh giúp dượng tôi đi đuổi trích bịnh, dượng rão giáp xóm tìm người không ra. Kẹt quá ông nhờ tôi đi giúp. Chắc ông miễn cưỡng gọi tôi thôi vì tôi thuộc dạng học trò, biết có lội ruộng rẫy nổi không.?  Ông hỏi :

- Nhắm kham nổi không cháu ?

Tôi đáp bừa, không  cần suy nghĩ.

- Tới đâu hay tới đó.

        Sáng sớm dùng cơm tại nhà, cô tôi còn gói hai phần cơm nữa cho hai người để ăn trưa. Đồ  đạc hành nghề có sẵn dưới xuồng, chúng tôi bơi gần hai tiếng đồng hồ thì tới địa điểm đánh trích.  Xuồng chúng tôi vừa vào tới ruông , một chú nông dân cho biết là hai hôm nay trích về phá lúa dữ tợn lắm.  Bầy trích mấy trăm con cứ xà quầng ăn hết đám lúa nầy sang đám lúa khác, người dân đánh thùng thiếc đuổi, nó chỉ bay một đổi, đến khi người vô nhà chúng lại ùa xuống phá tiếp. Mấy bà ngoài quơ đuổi còn van vái ông bà xui khiến cho đám trích bay đi đừng phá lúa nữa. Quí bà ở quê luôn tin có đấng khuất mày, khuất mặt  xui khiến các con vật phá mùa màng, huê lợi vì có khi vô tình, dân chúng vùng nầy làm mếch lòng các Ngài.

      Tội nghiệp chú nông dân còn sốt sắng bơi xuồng trở lại chỉ cho chúng tôi chỗ trích thường xưống cắn phá lúa. Chúng tôi ghé xuồng mang hết đồ nghề như hai tay lưới, một số cọc, giây chằng  để buộc khi kéo lưới. Đại khái cần hai tay lưới mỗi tay dài 2m50, ngang 1m.80, giăng hai bên và khi giựt  (hay kéo) hai tay lưới phải ụp vào khít khao khiến trích bị mắc lưới không thể thoát ra được. Một hệ thống cọc tre và dây chì loại lớn giúp cho giàn kéo hoạt động tốt khi giựt lưới.. Ngoài ra còn che một cái thum bằng đũng đỉnh cho ông chủ lưới, một số trích mồi (trích được nuôi lâu ngày) đem ra để dụ đám trích khác.  Xong xuôi dượng tôi thử giựt lưới một lần xem nó có hoạt động đúng như ý mình muốn không?. Chiếc xuồng, lồng trích phải đem chỗ khác và ngụy trang cho khéo để đám trích yên trí đây là cảnh cũ chúng đến ăn lúa mỗi ngày. Còn một vật nữa mà dượng tôi lúc nào cũng đeo trên cổ của ông, đó là cái còi đuổi trích làm bằng hộp dầu cù là bằng thiếc, (sau khi xài hết dầu) ông khoét lỗ tròn ở giữa, hàn cái móc phía trên hộp để đeo vào cổ cho khỏi rớt mất.

       Đánh trích, le le mà quên vật tổ (cái còi) ở nhà thì coi như thất bại hoàn toàn, lỗ vốn là cái chắc.  Không biết ai có sáng kiến dùng hộp dầu cù là trong việc đuổi trích? Con trích sợ nhất là tiếng kêu của loài ó. Đang bay nghe tiếng ó ré lên, lập tức trích đáp xuống ngay.  Người chủ lưới đeo trên cổ và tập thổi mỗi ngày.  Đi ngoài đồng, ngoài ruộng gặp đoàn trích bay qua thì thổi thử, nếu bầy trích xà xuống một cách bối rối thì biết là mình đã thành công rồi. Đôi khi ở nhà, họ có thể thử với những con trích làm mồi.

        Nếu muốn đánh le le thì phải tập thổi giống như tiếng le le gọi bầy.

          Bấy giờ đến công việc chính của tôi hôm nay. Giăng lưới xong, ở xa xa chừng vài trăm mét có đám trích đang đáp xuống ăn lúa, dượng Bảy chỉ tôi đến đó tìm đuổi nó bay lên.

        Làm đúng theo bài bản, tôi bọc vòng  phía sau bầy trích, khi gần đám trích tôi hươi gậy múa một vòng giống như Tề Thiên múa võ (tôi đã học lóm của anh bạn Nguyễn Chư Tôn, hồi năm Đệ thất mỗi lần ra sân vận động thế nào anh cũng múa một vài đường cho giãn gân cốt). Đám trích hốt hoảng bay bổng lên, chúng đưa mắt nhìn xa xa thấy có một số khác điềm nhiên ăn lúa, chúng bay tới nhập bọn. Tôi từ từ lội theo sau xem thế nào. Thình lình tôi nghe những tiếng hoét dài như ó kêu.  Đám trích đang bay vội vã sà xuống nước nghe bịch bịch. Bầy trích chưa đáp xuống hoàn toàn có con còn chập chững ý chừng tìm chỗ tốt hơn để đậu, bất chợt tôi thấy hai tay lưới dựng lên rồi ụp xuống, đồng thời dượng Bảy tôi từ thum chạy ùa ra dằn mấy chỗ lưới bị trích len lỏi chun ra. Dượng hú một tiếng lớn để gọi tôi về phụ bắt trích cho vô lồng. Tôi chạy tới nơi liền sau đó.

       Cảnh trước mắt khiến tôi la lên khoái trá, trích toàn màu xanh thẩm ló đầu lên hy vọng sẽ thoát ra. Tôi không có kinh nghiệm bắt trích nên việc làm có phần chậm lụt.  Ngược lại dượng Bảy rất quen với nghề nầy, ông chụp đầu con trích gỡ nó ra khỏi lưới tréo cánh lại (trích cũng như gà vịt bị tréo cánh không còn bay chạy gì được) thả lểnh nghểnh xung quanh lưới đợi khi gỡ xong cho vào lồng một lượt.. Lưới đầu tiên  khi ra nghề của tôi hơn năm mươi con trích đầy ấp hai lồng. Chúng tôi mất hơn một giờ đồng hồ vừa gỡ lưới bắt chim trích vừa è ạch đem hai lồng chim xuống xuồng. Bây giờ đã trưa lắm, bụng nghe cồn cào, cần phải lo lót cho bao tử một chút gì, nếu không nó cứ kêu nài mãi.

        Ăn xong, lần nầy tôi phải lội xa hơn trước nhiều. Xung quanh không còn bóng dáng trích chập chờn như ban sáng nữa. Với cây roi cau trên tay tôi cứ thong thả lội tới, không cảm thấy lo lắng  vì hôm nay chúng tôi có chút vốn dằn túi rồi. Trời nắng như đổ lửa, khát nước, tôi tìm một cọng rau muống bẻ làm hai đưa chỗ vừa bẻ còn tươm mủ vào vũng nước, các bạn sẽ thấy phèn đóng trên mặt nước vẹt ra xa, bây giờ chỉ kê miệng xuống chỗ vũng  ực một hơi cho đã là hết khát, khỏi sợ đau bụng, đi cầu. Vừa uống nước xong, ô kìa bên trái, một giàn dây leo xanh có thể là khổ qua, bầu, bí. Lần mò đến xem, tôi thấy chính giữa là một giồng toàn cỏ lác mục trên bờ kinh dài chừng trăm thước. Ở đó  người ta trồng  khổ qua và dưa leo chắc để  bán Tết. Giàn là những cây sậy cặm khít hai bên giồng, trái sai  oằng. Bốn bề vắng vẻ, dưa leo có sức hấp dẫn khá lớn, thôi thì cũng liều. bẻ trộm vài trái ăn thử. Ban đầu một trái rồi hai trái. Đến trái thứ ba thì không còn muốn ăn nữa. Ra khỏi rẫy dưa lòng còn lưu luyến mong có dịp học cách trồng dưa từ một nông dân vô danh nào đó và tiện thể xin lỗi vì tội bẻ trộm dưa.

        Trên đường lần mò về chỗ giăng lưới, người mệt vì trời nắng chang chang, mấy trái dưa làm bụng ong ách, tôi lội với vẻ uể oải không còn hăng hái như ban sáng. Bất chợt tôi nghe những tiếng leng keng và một đàn trích vụt bay lên hướng về phía tôi. Sẵn dịp tôi cũng hươi roi, la hét tiếp theo những hò reo xua đuổi của số nông dân phía bên kia.

          Buổi đuổi trích hôm nay tôi càng thêm thấm thía nỗi nhọc nhằn gian khổ của nhà nông. Họ quanh năm cày sâu, cuốc bẫm chăm sóc cho cây lúa từ khi còn là cọng mạ đến sắp sửa thành gạo, nên cơm lại còn bị phá hoại bởi chim muông thú dữ nữa.

         Tôi còn miên man với những suy tư vụng dại của mình bỗng tôi nghe tiếng hú gọi của dương Bảy khi ông đang trúng một mẻ lưới lớn của ngày hôm nay nữa. Tôi vội vã đến để phụ với ông. Số trích sa lưới lần nầy nhiều hơn ban sáng. Tôi có chút kinh nghiệm nên gỡ trích mau hơn và công việc “thu dọn chiến trường” cũng nhậm lẹ hơn. Tính nhẫm tổng số thu hoạch ngày hôm nay là một trăm ba mươi mấy con trích. Theo dượng Bảy  cho biết đây là ngày trúng lớn từ bắt đầu mùa trích năm này. Trên đường về chúng tôi ghé biếu ông chú lúc sáng đã có công hướng dẫn chúng tôi tới cánh đồng bị  tàn phá, năm con trích cồ ăn lấy thảo. Bà  thím,  vợ chú nông dân, kể lể: Vợ chồng tôi chỉ có mười mấy công ruộng, năm nay lúa trúng chưa kịp mừng, kế đến bị đám trích ôn hoàng nầy cắn phá tiêu hết cả công rồi, may các chú đến bắt giùm một mớ, nếu không lũ trích quĩ nầy sẽ phá tan hoang hết. Ông bà khẳng khái nhận  trích và trao lại chúng tôi một bầu rượu độ chừng ba lít để lai rai. Lúc ấy tôi còn quá trẻ nên phần rượu tôi chưa dám rớ tớiVề nhà trời sẫm tối, ba tôi đốt đèn “manchon”  lên cho sáng để cả nhà làm thịt nấu cháo trích ăn một bữa cho đã. Dân chúng ở vườn, ở đồng ruộng, mỗi nhà ai cũng nuôi gà, nuôi vịt, nhưng bản chất hà tiện, mấy khi dám làm vài ba con gà nấu cháo cho cả nhà ăn đâu! Có khách khứa họ mới bắt gà làm thịt để đãi đằng, ngoài ra nếu không có đồ ăn, cực chẳng đã, họ mới làm vịt hay gà, trong đó họ dành nửa con để kho làm món mặn, nửa con nấu cháo. Thịt gà xé nhỏ trộn với rau ghém để cả nhà cùng ăn. Bửa nay nhờ đuổi trích chúng tôi thưởng thức thịt trích no nê. Thịt trích cũng ngon như thịt gà, nhưng thịt độc hơn, ăn nhiều có thể bị ngứa, nỗi mề đay. Mặc dù  thấm mệt, nhưng tôi vẫn cố thuật lại cho mấy đứa em nghe về thành tích của mình một cách hăng say. Một vài đứa em nói nịnh :

- Anh Hai số một.

        Tôi mỉm cười vì biết các em tôi muốn gì khi nói câu “ nịnh “ như trên. Tuy nhiên tôi vẫn vui vẻ

                  - Đứa nào cũng có phần cả. Đừng lo.

 

Viết xong April  4 ,  2012

Nguyễn Thành Sơn

 

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.