TKH - banner 07

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 
           Chó mèo cùng sống chung một nhà, cùng một chủ theo lý chúng phải thân nhau lắm. Thực tế chó mèo chẳng khác đôi vợ chồng khắc khẩu hể xa thì cảm thấy nhớ, thương, còn khi gần nhau thì suốt ngày cự nự, tranh nhau từng lời ăn tiếng nói, xậm xì, xậm xịt chẳng lúc nào hòa thuận.
             Mèo chuột hai từ nầy đi chung nhau chỉ hành động lén lút, vụng trộm của một cặp tình nhân, thường thì không kết quả, không thể nên nghĩa vợ chồng. Tôi thắc mắc: mèo gặp chuột thì muốn ăn tươi nuốt sống sao có thể làm tình với nhau được? Có khi nào mèo lại tha cho chuột? hay chú mèo âu yếm cô chuột như tình nhân?  Đối với con người, dù “mèo chuột” nhưng chắc hẳn họ cũng có chút thực lòng, trái lại anh mèo, chị chuột (thật) gặp nhau thì chắc rằng chị chuột sẽ từ chết tới bị thương. Thế gian nầy đâu có thứ tình nào quái đản như vậy. Chuyện chó mèo cùng thuận thảo, cùng giúp chủ bắt chuột tôi đã chứng kiến…
Mùa hè 1959, tôi xuống quận Cái Nước dự lễ thành hôn của chú em họ. Anh em chúng tôi thường ít khi gặp nhau, phần vì đường sá xa xôi, phần khác vì sinh kế.. Đám cưới vừa xong, các đứa em khác bày nhiều trò vui để khoản đãi ông anh ở tỉnh xa mới đến.
           Dạo ấy mùa nước nổi, nên, mấy chú em rủ tôi cùng đi đâm chuột chúng tôi đi ba xuồng, mỗi chiếc hai người. Tôi đứng trước mũi một chiếc xuồng tay cầm chĩa, chú em chống xuồng cũng hừm sẵn cây chĩa nữa. Gặp bụi cây nào chỉ cần lũi xuồng vào, nhìn xem có chú tí nào trong tầm tay thì đâm. Thường thì khi xuồng tới chuột hoặc leo chỗ cao hơn, hay phóng xuống nước lặn trốn nơi khác. Nếu có chó săn, những con chuột lặn xuống nước không cách gì thoát khỏi miệng nó. Nếu chó không tóm được bây giờ bạn phải chống xuồng nhè nhẹ theo dấu những bong bong nhỏ do chuột lặn và thở tạo thành, rồi chờ nó vừa ngốc đầu lên ta đập hoặc dùng chĩa đâm. Buổi đi săn không lâu đã đủ mồi. Các chú em cùng tuổi tôi, có chú đã lập gia đình,chú nào cũng làm vài chục công ruộng. Đời sống vật chất đầy đủ, đứa nào cũng ”nhậu“ một cây “(nói theo từ ngữ ở Cà mau thời bấy giờ). Trên bàn tiệc hôm nay gồm các món chuột nướng, chuột xào lá cách thật ngon hết cỡ và qua một vòng gọi là chào sân, uống rượu trước khi gắp thức ăn , mặt ai nấy đều phừng phừng . Các chú em thuộc hàng tửu lượng cao nên màn chào sân không nhằm nhò gì với họ, riêng tôi được bấy nhiêu hay bấy nhiêu vì tôi không kham nổi loại nước mắt quê hương (Rượu đế). Ở quê nhà mỗi khi vào tiệc, mấy ông bạn tôi thường ngâm câu:
            - Thương người uống rượu, hận kẻ phá mồi để chỉ việc tôi uống rượu thì ít nhưng gắp mồi hơi nhiều...
           
 Tiệc tàn, tôi có phần chếnh choáng, mấy chú em còn đi tìm bắt cá để tối còn đãi anh Hai nhậu tiếp.
            Ngày hôm sau trời còn tờ mờ sáng tôi đã sửa soạn đâu đó xong xuôi, đợi mấy chú em chống xuồng đưa đi thăm cô dượng Mười Nơi cách Cái Nước hơn tiếng bơi xuồng. Tôi thấy các em ai nấy đều tay không (không mang thịt rượu) nên lên tiếng:
            - Hay là mình mua chút gì kẻo đến nhà cô dượng không có quà coi cũng kỳ.
Mấy chú em cho biết:
            - Cô Dượng Mười tuy không giàu, nhưng ở nhà cô có đủ đồ nhậu,ai mang quà đến, cô dượng thường phàn nàn:
            - Bộ mấy người khi tụi tôi không lo nổi bữa nhậu sao?
Nhà cô Dượng Mười  được bao quanh bởi hàng dừa lùn, nhìn qua thấy toàn trái  xanh tươi mơn mởn, kế đó là vườn chuối và các loại cây khác,xa xa là đám ruộng của gia đình .  Cô Mười cho biết vườn ruộng nhà cô tất cả được bốn mẫu, ba cái đìa. Dượng Mười vui vẻ tiếp lời cô:
            - Cô Dượng có bốn em gái,đợi khi chúng lập gia đình, điền sản nầy chia làm bốn phần đều nhau, cô Dượng lãnh ba cái đìa cũng đủ rồi.
 Ở vùng Cái nước, ai có ruộng đất, tùy theo nhiều ít, người ta đào một hay nhiều cái đìa để giữ cá trong mùa nước cạn. Mỗi cái đìa thu hoạch cũng được mấy chục giạ cá (vào khoảng hai trăm ký).  Đây cũng là nguồn lợi lớn. Thời Pháp thuộc mấy tay Tây thực dân cũng chiếm ruộng đất lên bờ bao để khai thác nguồn lợi cá.
Chuyện trò không bao lâu các em mang bánh chuối cho chúng tôi dằn bụng. Vừa điểm tâm xong Lý (chú em  cùng đi với tôi) vào đề
            - Anh Hai qua đây trước thăm cô Dượng sau thử tài bắt chuột của chó, mèo nhà mình
Cô Mười lên tiếng:
Chuyện gì cô không biết  chứ bắt chuột chó mèo nhà nầy nổi tiếng. Lát nữa có chuột cô sẽ đãi cháu nhậu say thôi.
Cô Mười dứt lời thì từ ngoài sân hai con chó chạy vào nhà.Đi đầu là chú Vện, kế đó cô Mực. Nhìn sơ hai con chó tôi tuy không phải nhà nghề về coi tướng chó nhưng vóc dáng  cũng đủ nói lên biệt tài của chúng.Cả hai con đều không lớn lắm,săn thú dữ hơi bất lợi vì thể chất không phù hợp. Lông con Vện cũng như của con Mực đều muợt và sát,chứng tỏ tụi nó tháo vát. Cả hai con đều vóc mình ngắn đúng theo sách:
            “Kê trường, cẩu đoản “
 
  
 
            Tôi quan sát và làm quen với hai con chó. Một lát sau con mèo Mun từ trong buồng ra chỗ hai cô cháu tôi,  dáng điệu uể oải, ẻo lả như tiểu thư đài các.  Về Mèo tôi không có chút hiểu biết nào. Cô Mười giới thiệu luôn con mèo cưng của gia đình như sau:
            - Dượng Mười cháu huấn luyện nó cả năm nên nay nó bắt chuột giỏi lắm
Dượng Mười xuống nhà dưới chuẩn bị roi và giỏ trên tay đồng thời hỏi tôi:
            - Cháu sẵn sàng chưa dượng cháu mình bắt đầu
Dượng trao cho tôi và Lý mỗi người một cây roi dài, Lý hỏi
            - Sao mình không mang chĩa hở dượng
            - Mương nhỏ không cần chĩa
Chúng tôi còn dần dà nói chuyện thì hai con chó đã chạy tuốt ra ngoài ruộng, con mèo Mun thì theo sát chân Dượng Mười.
            Ngay chỗ cây dừa thứ hai và thứ ba của liếp sát ruộng hai con chó như muốn leo lên miệng sủa vang. Dượng Mười nói với tôi và Lý:
            Vùa tới nơi lại có vốn rồi, ít nhất là hai con chuột trên hai cây dừa
Tôi hỏi:
            - Sao Dượng biết chắc như vậy
            - Do quen đi bắt chuột với hai con chó nầy, vã lại chuột ăn dừa thường sống có đôi..
Trong lúc chúng tôi còn chuyện trò thì cô Mười cũng mang cây thang tre đến.  Dượng thường dung thang tre để dọn dẹp ngọn dừa như đạp bẹ, gỡ bỏ nang khô, không cho chuột làm ổ. Tuy dừa không cao lắm, độ ba thước là tối đa, nhưng leo lên tuột xuống mãi cũng mỏi, nên Dượng có sang kiến đóng cây thang. Mỗi lần Dượng lên thang, con mèo Mun cũng lót tót theo sau, khi đến ngọn, dượng giúp con Mun cùng leo lên. Trên đọt cây mèo Mun tha hồ lùng sục, nó rượt chuột hết đường chạy đến độ phải phóng xuống nước. Từ trên cao phóng xuống nào đã yên thân, các chú chuột nầy còn bị hai con chó đuổi bắt tận tình. Nếu hai ba con chuột chạy cùng lúc hai con chó mới cắn chết và đuổi tiếp những con còn lại, bằng không có gì gấp thì chúng đè chuột dưới chân đợi chủ tới bắt sống, thành thử mỗi lần đi bắt chuột cả nhà vừa có chuột để ăn  mà còn có chuột sống cho những ngày sau nữa.
            Về phần con Mun, khi đã lên đọt dừa, ngoài việc rượt bắt lũ chuột lớn,nó lại lùng bắt các chuột con ,kể cả những con còn đỏ hỏn. Xong việc hoặc nó theo Dượng Mười cùng xuống đất, đôi khi nó nương theo tàu dừa sát nhau rồi chuyền sang cây khác. Dượng Mười cho biết ban đầu con Mun còn nhúc nhác, cứ mỗi cây dừa nó phải leo xuống cùng chủ, nếu không cho nó cùng xuống nó kêu,la như sợ bị bỏ lại trên đọt dừa, dần dần, nó chuyền hết cây nầy sang cây khác như con sóc. Chúng tôi săn hết các liếp dừa,bắt khá nhiều chuột một số bị chó căn chết và một số chuột sống. Toán săn nghỉ ngơi chuẩn bị cơm nước. Mấy cô em  và cô Mười đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi. Mùi thơm phức của chuột rô-ti khiến chúng tôi thêm nôn nao trong bụng. Mấy miếng bánh chuối ban sáng,dường như tiêu mất sau gần hai tiếng đồng hồ săn đuổi rượt bắt mấy chú tý. Vào bàn ăn, sẵn đói tôi nhai ngon lành con chuột rô ti dằn bụng. Chuột ở vườn dừa mập, nhiều mỡ, đem rô ti thơm ngon kỳ lạ. Chúng tôi vừa nhâm nhi thịt chuột với rượu nếp than nghe Dượng Mười kể chuyện hai con chó.
            Con chó Mực, Dượng xin từ người bà con tận ngoài hòn Khoai, một đảo gần Phú quốc. Dân Phú quốc có giống chó nhỏ con rất giỏi bắt chuột, lẫn bắt cá. Họ rất quí không bao giờ cho chúng cho bất kỳ ai, trừ người trong thân tộc. S dĩ Dượng ra tận ngoài hòn tìm giống chó đặc biệt vì lúc ấy cô Dượng mới lập vườn trồng mười mấy cây dừa trước cửa nhà, dừa vừa có trái chiến, bị chuột ăn thấy tối mắt, Dượng leo lên rượt đuổi thì chúng chuyền từ cây nầy sang cây khác, đối đế thì chúng phóng xuống mương chạy tuốt, khiến mình thêm tức. Từ ngày có con Mực dù còn nhỏ, nó cũng biết rượt đuổi chuột ở dưới đất, đến khi chuột leo lên cây, nó  như muốn leo theo, dáng điệu vô cùng tức tối. Con Mực đến  lúc có chửa, Dượng mong cho nó sanh càng nhiều càng tốt, nhưng nó chỉ sanh một con là con Vện. Người ta nói ”chó sanh một con là chó quí”, nhưng Dượng thì cho là quá ít. Khi con nó lớn hai mẹ con cùng bắt chuột, nên bớt đi cảnh chuột cắn phá dừa.
            Về phần con Vện, cũng giống mẹ, bắt chuột khỏi chê, lại nữa nó có biệt tài mang thơ. Tới đây Lý phụ họa
            Nếu cần thăm hỏi sức khỏe của ông  Nội  hay muốn nhắn tin cho ông, Dượng biên thơ sai con Vện mang qua Lung Ngang (chỗ ông chú tôi ở, ông là ông nội của em Lý), ông đọc thơ xong, biên thơ trả lời, con Vện ngâm thơ về cho Dượng Mười không làm ướt hay hư rách.
 

 

 
Con mèo Mun cô Mười xin ở xóm dưới, nó về nhà trước khi sanh con Vện chừng hai tháng. Dượng cứ sợ con chó Mực ăn hiếp nó, nhưng không, chó Mực rất thương nó. Khi con chó Vện lớn, nó và Vện thường chạy giỡn chung thậm chí tụi nó cùng ngủ chung chỗ. Chưa bao giờ tụi nó cắn lộn nhau. Ba đứa nó cùng bắt chuột nên cây trái vườn nhà đỡ  hao hớt vì chuột phá. Câu chuyện  do cô Dượng kể vô cùng sống động và lý thú. Tôi cũng dặn cô Dượng dành cho một con chó giống. Yêu cầu là một chuyện, nhưng tôi biết rất có thể tôi là người thứ mấy mươi nên phải chờ, phải đợi.
            Sau lần hội ngộ đó, chiến tranh xảy ra càng ngày càng khốc liệt ít có cơ hội lui tới thăm lom, có nhớ đến nhau chỉ biết cầu cho nhau được bình yên. Mãi đến năm 1977 trong một dịp xuống thăm bà con ở Cà Mau, gặp lại cô Dượng thật mừng mừng, tủi tủi tôi chỉ hỏi han về cuộc sống của cô dượng và các em mà cơ hồ quên hai con chó cưng và con mèo của năm nào đã cùng tôi săn bắt chuột.
 
 
Viết xong July 9th 2012
Nguyễn Thành Sơn
 
 
 
 
 
 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.