TKH - banner 09

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

      Con vịt xiêm mái má tôi đang nuôi chắc là của một trong những người dân trong xóm, cũng có thể,  nó là của bà con với tôi. Trước khi về với gia đình tôi,  nó trải qua những giờ phút khiếp đảm do chủ nó gây ra. Chủ cũ bắt nó trói giò cùng bầy con  đem đi chợ bán cho người ta ăn thịt. Trên đường đến chợ, hai quan kinh tế: Sáu Quỡn và Hai Xù nhân danh Ủy Ban Hành Chánh xã, cướp bọn nó từ trong tay người chủ. Nghĩ được quới nhơn giải thoát nào dè họ đem nó về Ủy ban Hành Chánh, cùng nhiều đồng loại. Những đứa béo tốt được phân phát cho các ông chức quyền. Đến lượt nó vì ốm đói nên người ta đùn nó cho người nầy rồi người kia, ai cũng chê và sau cùng đem bán cho người khác.  Câu chuyện tôi kể đây xảy ra vào năm 1952 thời Pháp thuộc. Lúc nầy Việt Minh đã mạnh, ngoài lực lượng dân quân vũ trang, họ còn thành lập những đơn vị hành chánh từ cấp thấp là xã  lên tới cấp huyện, tỉnh. Trước mỗi tên đơn vi thêm chữ “ủy ban Hành Chánh“ để phân biệt với những làng xóm do Tây cai trị. Ví dụ: Ủy Ban Hành Chánh xã X,  Ủy Ban Hành Chánh tỉnh Y. v.v..

      Mỗi xã có vị chủ tịch và các ban như:  ban an ninh, kinh tế, tài chánh, quân sự.  Ban kinh tế, lo tiền bạc, lương thực cho mấy ông  ở các ủy ban.  Ở xã họ còn đề ra những mục tiêu ngăn sông cấm chợ nhằm bao vây kinh tế bọn Tây. Dân chúng không được đem thực phẩm như:  gà, vịt, tôm cá, lúa gạo ra chợ bán,  ai vi phạm thì hàng hóa đem bán bị tịch thâu, nếu hàng hóa nhiều ngoài việc tịch thu còn bị tù.

Bấy giờ quanh xóm tôi thường xuất hiện các ông:  Năm Hương lo an ninh,  ông Sáu Quỡn, ông Hai Xù, chuyên chận các ngõ ngách tới chợ, tịch thu những hàng hóa bà con đem bán.  Ngày nào hai ông Quỡn, Xù siêng, tức là các ông ấy dậy sớm, vào khoảng hai, ba giờ sáng thì con số hàng hóa bị hai ông ấy tịch thu nhiều vô số. Những tay buôn lậu, hay nhảy dù chở nhiều hàng hóa mỗi khi qua trạm, nếu thoát được thì tiền bạc rủng rỉnh bằng dù bị đứt dây thì vốn liếng đi đời nhà ma, thậm chí có người còn bị giam vài ba tháng  hay lâu hơn nữa tùy theo tội.  Hàng tịch thâu gom về trụ sở xã hay Ủy Ban Hành Chánh ( trong vùng do V.M kiểm soát). Các ông ấy chia cho mọi chức việc, số còn thừa bán cho dân.  Dân thì ít người mua vì những thứ tịch thâu như gà vịt tôm cá nhà nào lại không có, cái họ cần là tiền để mua vải vóc, thuốc men, dầu lửa để thắp đèn.  Mấy ông chức việc cũng suy tính nếu chia nhau đem về nhà e dân chúng xầm xì, công kích. Mấy ông tìm những nhà kha khá, bán mắc, bán rẻ miễn sao tống hết chiến lợi phẩm đó cho xong. Tiền bạc gọn nhẹ, nếu chia cũng không ai biết, cứ báo cáo, đã nộp cho Huyện, Tỉnh rồi.  Dân chúng có ai dám đòi xem biên nhận đâu mà lo.

Má tôi mua một số gà vịt họ bán rẻ, một phần để nuôi, ăn thịt, một số khác thì cũng tìm cách nhảy dù tinh vi hơn, như mỗi bữa đi học tôi chở theo một con gà hay một con vịt, không ai bắt bẻ vào đâu, nếu họ có hỏi thì nói là đem gà biếu cho Bà Hai, Cô Năm làm sao họ tìm ra được, vả lại mấy ông ấy thỉnh thoảng cũng nhờ tôi mua thuốc hút kia mà.  Gà vịt mua để nuôi, lớp ăn thịt tôi không để ý, chỉ có một con vịt mái xiêm họ làm sút dây, nó chạy tuốt dưới rạch của gia đình tôi họ toan đuổi bắt, má tôi hỏi mua, họ bán nửa giá.  Má tôi trả tiền mà chưa chắc bắt được vịt.  Bà nói với họ: nếu tôi bắt không được mấy chú đền tôi con khác. Họ đồng ý, đợi họ đi khỏi nhà, má tôi đem lúa để gần con rạch kế nhà miệng kêu ”cốc cốc” chẳng ngờ nó lên ăn lúa. Má tôi thấy nó ăn bà cũng không quấy rầy,  chiều đến vịt ở nhà vô chuồng, nó cũng lót tót vô theo không e sợ gì cả. Thấy con vịt dễ thương cả nhà quyết định để lại nuôi không bán hay làm thịt. Mười mấy ngày sau, nó đẻ trứng, ấp nở một bầy mười hai vịt con.  Ở miệt vườn nuôi gà vịt như tiền bỏ ống  lúc còn nhỏ chỉ cần cho chúng ăn no đủ đến hai ba tháng bấy giờ người nuôi mới để ý kỹ hơn vì sắp có bạc.

 Một buỗi trưa vừa cơm nước xong sắp sửa rửa chén bát, chợt thấy con diều sà thấp xuống ngoài sàn nước đồng thời nghe tiếng vịt mẹ la lớn giọng thất thanh,  nó bay lên quyết ăn thua đủ với con diều. Các bạn ai có nuôi vịt đều biết vịt không thể bay lâu được vậy mà vì bảo vệ đàn con, mắt nó liếc nhìn con diều, diều dợm xắn xuống nó bay lên sẵn sàng ứng chiến. Ba tôi từ trong nhà nghe tiếng vịt mẹ kêu chạy ra và chứng kiến từ đầu gương can đảm, xả thân bảo vệ đàn con của nó,   Diều thấy có người tiếp cứu nên bay vụt lên cao, chắc hẳn còn tiếc rẻ miếng mồi ngon vừa đánh mất.  Vịt mẹ gom đàn con, dùng mỏ rỉa nhẹ lên mình từng con một ra chiều âu yếm và thương yêu .

      Sau lần diều xớt hụt và sự chống trả mãnh liệt của vịt mẹ, cả nhà ai cũng tấm tắc khen ngợi nó. Từ chỗ thường xuyên chú  ý,  chúng tôi  phát hiện thêm nhiều hành động hay ho hơn nữa của nó, chẳng hạn như khi đem thức ăn cho vịt con và cho nó, tôi chắc nó cũng đói lã nên mới dẫn đàn con về, nó không ăn liền mà nhìn đàn con  coi đủ chưa rồi nó mới ăn riêng phần của nó (lúc vịt còn nhỏ, đàn con cho ăn tấm, vịt mẹ ăn lúa để riêng biệt). Một lần trong khi bầy vịt đang ăn có con dế bò gần đó, một hai con vịt con tinh mắt rượt đuổi theo con mồi, vịt mẹ chạy theo canh chừng đến  khi con nó thanh toán xong con mồi bây giờ nó cùng con trở lại ăn tiếp. Càng nhìn kỹ, càng thương vịt mẹ, không bao giờ nó cắm đầu cắm cổ ăn mà vừa ăn vừa liếc nhìn đàn con, một con chim lớn như cò diệc bay ngang nó cũng ngừng ăn mắt nhìn theo, đến khi qua khỏi mới tiếp tục.  Lần đầu tiên tôi mới chứng kiến tình mẫu tử của loài vịt.

      Câu chuyện sau đây của con mái xiêm chẳng những cả nhà tôi biết mà những người gần nhà tôi cùng chứng kiến. Con mái xiêm chăm sóc đàn con chu đáo, cho nên tới hai tháng bầy con sởn sơ và đầy đủ không hao hụt con nào.  Hôm nhà có vài ba người khách, nói chuyện ồn ào, bầy vịt đi đâu mất kế đó vịt mẹ về, nó nhìn một hồi rồi lội đi mất mà không đòi ăn, chừng một giờ sau nó cũng lội về một mình, má tôi nói với nó như nói chuyện với người nào vậy, tôi nghe như sau:

          - Mầy bỏ đám con ở đâu mà về đây một mình?

Vịt mẹ nhìn quanh quẩn môt chốc lại lội đi.  Má tôi lấy làm lạ sợ ai bắt mất bầy vịt, bảo tụi tôi lội ra ruộng kiếm, tụi tôi còn bàn ra chưa muốn đi,  kế nó dắt bầy con về.  Những hôm sau đó không còn tình trạng bỏ con một nơi nó một nẻo.  Một hôm khác Tây đi ruồng vùng tôi, tiếng mõ báo động, chừng nửa giờ sau Tây đến và dừng quân tại nhà tôi, ba tôi chạy khỏi khi có tiếng mõ, nhưng má tôi và cả tôi đều lo nếu bất thần bầy vịt dắt nhau về chắc chắn Tây và lính Bạc ti giăng không tha cho chúng.  Quá xế, Tây rút về, cả nhà tôi thở phào nhẹ nhõm, như vậy thì bầy vịt an toàn. Một lát sau vịt mẹ lội về một mình, nó đi nhẹ nhàng nhìn trước ngó sau, má tôi thấy vậy nói lớn:

          - Êm rồi  dắt con mầy về đi.

Tôi suýt cười lớn vì vịt có hiểu tiếng người được đâu mà má tôi nói thế, nhưng vẫn để ý xem con vịt mái làm sao. Vịt mẹ không đòi ăn mà te te xuống rạch lội một hơi chừng mười phút sau nó về với bầy con và đòi ăn.

      Má tôi thấy con vịt mái tinh khôn thường kể cho bà con lối xóm nghe, bác Sáu nhà bên kia con rạch cho biết, bầy con của nó thường ở sau cây rơm ngoài sân lúa mỗi khi nhà tôi có khách, hôm Tây ruồng kỳ rồi bác lội ra kiếm con heo và gặp cả bầy vịt xiêm ngoài đó.

Từ ngày mua con mái xiêm về nhà nó sản xuất ba bốn đợt con,  lứa nào cũng đầy đủ tới lớn. Trong gia đình tôi cho rằng con vịt mái Xiêm là vịt cầm bầy do đó ai cũng nhứt định nuôi nó  chứ không bao giờ bán, hay làm thịt. Tới bây giờ tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao con vịt mẹ có những cử chỉ và hành động giống như con người, thương yêu, xả thân vì đàn con mà không chút đắn đo.  Cao quý thay tình thương con bao la của vịt mái xiêm.

Viết xong October  01, 2013

Nguyễn Thành Sơn

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.