TKH - banner 04

Search

Content on this page requires a newer version of Adobe Flash Player.

Get Adobe Flash player

Visitor Counter

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

      Tôi thích nhất là được về quê thăm lại quê Ngoại của tôi trong dịp Tết. Thường thì trước đây, khi tôi còn bé, ba và mẹ tôi dẫn tôi về quê ăn Tết, nhưng năm nầy lại khác, có lẽ vì tôi đã lớn lên một chút, mặc dù tôi chưa học xong phần tiểu học, nhưng tự nhiên tôi lại nảy sinh ra một ý kiến. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình tại sao Tết năm nầy mình không xin ba mẹ mình về thăm lại quê ngoại một mình, thay vì phải đi cùng với ba mẹ. Phải nói rằng tôi rất mê về thăm quê ngoại của mình, tôi mong đợi từng ngày, từng giờ, mong sao cho đến ngày bãi trường trong dịp Tết để được về quê ngoại, nơi đó tôi tìm được bao nhiêu tình thương thật sự của ông Bà Ngoại, của mấy câu, mấy dì, cùng với các anh chị em họ của tôi và nơi đó tôi thấy được như thế nào là một cuộc sống thật sự bình yên, và con người nơi ấy phải nói là thật thà chất phác, họ đã sống hết tình nghĩa với nhau trong cuộc sống này đây không một chút đua chen ganh tỵ. Nơi đó tôi nhận được đầy đủ tình thương và biết được như thế nào là giá trị của hạnh phúc. Tôi yêu quý và cảm ơn những gì mà quê ngoại đã mang đến cho tôi trong suốt thời thơ ấu và niên thiếu...
 

Tôi lo ngại không biết phải bắt đầu từ đâu để xin bà mẹ cho mình về quê Ngoại ăn tết trước một mình vì tôi biết rằng khó mà ba mẹ tôi cho tôi làm việc đó? Ba mẹ tôi lúc nào cũng để ý đến mọi sinh hoạt của tôi từ việc ăn uống, đến việc học hành, đi đứng, mọi việc điều được giám sát rất là kỹ lưỡng, nhất là chuyện đi xa một mình thì chưa bao giờ xảy ra được, và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra. Nghĩ đến như thế, tôi lại chùn bước một ít, thối chí, có lẽ rằng dự định của mình sẽ không bao giờ thực hiện được. Nhưng rồi quê ngoại của tôi lại hiện về trong trí óc, hình ảnh thân thương của Ông Ba Ngoại, dì dượng, cậu mợ, và các anh chị em họ của tôi lại hiện về trong tâm não của tôi, làm tôi mạnh dạn hơn một chút. Tôi quyết định rằng, tôi sẽ hỏi với ba mẹ tôi sau buổi cơm chiều tối nầy, bởi vì ngày mai sẽ là ngày bắt đầu bãi trường trong dịp Tết, tôi muốn được gặp lại quê ngoại của tôi nhanh như mà tôi có thể.

Buổi cơm chiều hôm đó, đối với tôi sao mà dài thế. Không như mọi hôm, tôi sẽ kể cho ba mẹ tôi nghe chuyện sinh hoạt trong lớp của tôi. Hôm nay tôi lại ăn ít, trầm ngâm và tỏ vẻ suy nghĩ nhiều, đôi khi lại ngừng ăn và nhìn ba và mẹ của tôi mà không nói gì cả.

Ba tôi bắt gặp sự khác thường đó, bèn ôn tồn hỏi tôi:

- Hôm nay con ra sao rồi, Nghiệp? Con có muốn nói cho Ba biết chăng?

- Dạ, con không có sao, ba.

- Ba thấy con ăn ít, lại suy nghĩ nhiều trong lúc ăn. Hình như con không được khỏe?

Và mẹ tôi cũng xen vào:

- Mẹ cũng thấy là như vậy. Hay là con sắp bịnh?

Tôi thấy thương ba mẹ tôi nhiều hơn, khi tỏ vẻ lo lắng cho tôi nhiều như thế, nhưng đôi khi việc lo lắng của cha mẹ tôi như vậy lại làm cho tôi cảm thấy ngộp thở hơn nhiều, tôi cũng có một cái cảm giác như mình lúc nào cũng bị trói buộc trong một cái khuôn khổ nào đó trong bốn bức tường vô hình, không ai thấy được, chỉ có một mình biết nó mà thôi. Tôi không muốn ba mẹ vì tôi mà lo lắng nhiều hơn, nên tôi mới nói với ba mẹ tôi rằng:

- Thưa ba mẹ, con không có bịnh gì cả. Thật tình con có một chuyện muốn hỏi bà mẹ, mà không biết ba mẹ có bằng lòng không? thành ra con lo lắng nhiều, sợ rằng ba mẹ sẽ không cho..

Mẹ tôi nghe như vậy mới nhẹ nhõm thêm một phần rồi mẹ cười và dịu dàng mới bảo với tôi rằng:

- Tưởng cái gì, chứ cái đó, con cứ nói thử ra, xem ba mẹ có thể đồng ý với con chăng? Con không nói ra thì làm sao ba mẹ biết được con muốn gì được?

- Dạ, ngày mai trường bắt đầu cho tụi con được nghỉ ăn Tết rồi đó ba mẹ. Hồi đó đến giờ, Tết năm nào ba mẹ cũng dẫn con về ăn Tết ở bên ngoại. Năm nay con thấy ba mẹ bận rộn nhiều, khách hàng ngày một đông hơn, với phần năm nầy con cũng đã lớn rồi. Con ao ước lần này được về thăm quê ngoại trước Tết một mình, có được chăng ba mẹ?

- Cái đó để ba còn phải suy nghĩ lại xem sao? Nhưng mà tại sao con không thể đợi ba mẹ dẫn còn về thăm Ông Bà Ngoại trong vài ngày nữa đây? Ba tôi trả lời với lời với vẻ không đồng ý lắm cho  tôi nghĩ rằng khó mà có thể thực hiện được ước mơ của mình.

- Con thích được về thăm Ông Bà Ngoại sớm hơn đó ba mẹ, con nhớ Ông Bà Ngoại nhiều, Ông Bà Ngoại năm nầy lớn tuổi rồi, Ông thích con nhổ tóc ngứa cho Ông mỗi buổi chiều khi ông ngồi ở hàng hiên ngắm nhìn mấy cây kiểng mà Ông trồng ở trước nhà. Còn Bà Ngoại, mỗi buổi tối, Bà Ngoại thường ngồi ăn trầu ở bộ ngựa đặt ở gian nhà giữa. Bà kể cho con nghe nhiều mẩu chuyện hay của Phật và con thì giúp bà Ngoại ngoáy trầu. Còn nữa, anh Tùng con của cậu Năm, hứa với con rằng, khi còn về đó sẽ dẫn con ra ngoài đồng, cho con cỡi con trâu, cho con bắt dế, thả diều và còn được ăn nhiều thứ trái cây như là: vú sữa, chôm chôm, xoài, mận.., và đặc biệt cứ mỗi năm trước Tết là anh Tùng dẫn còn đi bắt đăng ở đập ấu nhà cậu Hai nhà mình... Tôi đang hứng thú kể một loạt tràng giang đại hải hết những thứ tại sao tôi thích về thăm Ông Bà Ngoại, thì Mẹ tôi chen vào:

- Ông à, thằng Nghiệp nó nói đúng đó ông ạ. Thấy nó, thương Ông Bà Ngoại, thích về đó chơi với con của anh chị Năm. Tôi cũng tội nghiệp nó, thôi thì ông cho nó về đó chơi một mình nhe ông.

Ba tôi thì lưỡng lự, tỏ vẻ không đồng ý với mẹ của tôi, và bảo với tôi rằng:

- Ba không muốn còn đi một mình, con còn bé lắm, lỡ có chuyện gì xảy ra đến con, không có ba mẹ bên cạnh để chăm sóc và bênh vực cho con.

- Ba đừng lo, con trai của ba tuy ốm yếu, nhưng không dễ ai ăn hiếp được con đâu. Có ông Phật lúc nào cũng che chở cho con, với phần con còn có khối óc, và con tim nho nhỏ đây nè, tôi khe khẽ đưa tay sờ vào tim mình. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn con sẽ vượt qua ngay, ngay cả không may, nếu gặp người hung dữ, mình làm lành với họ, chắc không ai nỡ lòng nào hãm hại mình đâu. Thành ra ba mẹ không có gì phải lo lắng cả.. Hàng ngày tôi thì ít nói, nhưng hôm nầy có lẽ vì sự ham muốn về quê ngoại lên đến tột độ thành ra tôi phải nói cho thật nhiều chỉ mong sao có thể chuyển được lòng của ba tôi. Cuối cùng rồi tôi cũng thuyết phục được ba tôi, với sự hỗ trợ đắc lực và đồng tình của mẹ tôi. Tôi rất hài lòng với mọi thứ đến với tôi trong ngày hôm nay.

Tối hôm đó, mẹ tôi chuẩn bị mọi thứ nào quần áo, giày dép, nón... cho tôi. Căn dặn tôi đủ điều, khi về đến quê Ngoại rồi, phải ngoan ngoãn nghe lời Ông Ba, các cậu, các dì, và anh chị và không được đi đâu một mình ở chỗ vắng vẻ và nguy hiểm. Đêm hôm đó, Mẹ tôi bảo tôi đi ngủ sớm, nhưng tôi không thể nào chợp mắt được, cứ miên man suy nghĩ đến ngày mai, gặp lại Ông Bà Ngoại và các người thân bên đó làm tôi trằn trọc lăn qua lật lại mãi đến khuya tôi thiếp đi trong một giấc mơ lúc nào mà tôi cũng không hay biết.

Tôi còn đang ngủ say và giật mình khi nghe tiếng mẹ tôi đánh thức tôi dậy:

- Sáng rồi con à, dậy đi con. Mẹ đã chuẩn bị đồ ăn sáng chờ còn xong. Ăn sáng xong, còn ra đón chuyến xe đò sớm để về Ngoại ngay, không thôi các chuyến xe trễ hơn con đi sẽ cực lắm, người đông và trời sẽ càng nóng hơn..

- Dạ, con thức dậy đây Mẹ. Tôi nghe lời mẹ, đi vào nhà tắm đánh răng và xuống bếp để chuẩn bị ăn sáng. Ba tôi thì đã mở cửa tiệm, và đã có một vài người khách hàng đã đến để mua hàng.. Thường thì những ngày khác tôi cũng thức dậy sớm để phụ giúp việc chờ ba mẹ tôi. Hôm nay thì khác, thay vì phụ giúp ba mẹ tôi, tôi được về thăm quê ngoại tôi lần đầu tiên đi một mình.

Mẹ tôi tiễn tôi lên một chuyến xe ở đầu ngõ của một thị trấn mà gia đình tôi đang sống. Chuyến xe này sẽ đưa tôi về quê ngoại, mặc dù khoảng đường đi không bao xa, nhưng vì đường lộ xấu, và xe phải dừng lại nhiều lần để đón khách nên tôi dự đoán là có thể đến giữa trưa mới về đến nhà của Ngoại. Mẹ tôi vẫn còn đứng ở chỗ bến xe vẫy tay tạm biệt và nhìn tôi cho đến khi xe thật sự khuất dần sau một khúc quanh.

Mặc dù đi xe đò sớm như vậy, mà trên xe đã bắt đầu chật ních. Chiếc xe giờ đây gần như không con phân biệt được giữa chiều cao và chiều dài của nó. Trên mui xe đã chất đầy mọi hàng hóa nào là cần xé, bao bị thức ăn, thúng trái cây, bội gà vịt, xe đạp, ngay cả có vài người thanh niên đã tình nguyện ngồi trên mui xe ,.. Chiếc xe lênh khênh, èo uột, luồng lách một cách mệt mỏi qua những ổ gà, có khi bác tài xế phải lạng sát lề trái, để qua mặt được chiếc xe trước, hoặc phải ép sát vào lề phải để nhường cho chiếc xe ở đằng kia chạy lại. Tôi thì lo lắng nhiều, lỡ khi có chuyện gì xảy ra, thì không biết phải làm sao? Nhưng đa số mọi người trên xe đều bình thản xem không có gì đáng lo ngại cả. Anh lơ xe hoạt động rất là ăn khớp với bác tài xế. Mỗi khi có khách hàng đứng đón bên lề đường, anh ta la to lên: Gò Nhum, Cầu Cống Phó Mùi, Long Hiệp, Ngã Tư Long Hồ, Ông Me..., Vĩnh Long đây...bà con ơi.. ai đi về đâu...? Và nếu có ai vẫy tay trở lại thì bác tài xế cho xe từ từ chậm lại để rước khách, anh lơ xe nhanh nhẹn, rà một chân xuống đường, lấy trớn chạy theo xe, và nắm lấy túi đồ của hành khách và tìm ngay một chỗ ngồi hay đứng tạm thời để nhét ngay túi đồ và người hành khách lên xe trước đã, rồi mọi việc xe sắp xếp lại sẽ tính sau. Sau khi hành khách đã lên xe, anh lơ xe la to: "Tới luôn bác tài!"  Bác tài xế tiếp tục vô số xe và chạy tiếp... Chiếc xe hình như không bao giờ ngừng hẳn.. Anh lơ xe lại có một trí nhớ đặc biệt, anh nhớ rõ, người khách nào lên ở đâu, và sẽ xuống ở đâu, và tôi để ý biết rằng, anh ta sẽ không nhầm lẫn khi lấy tiền của khách hàng, không bao giờ quên và cũng như không bao giờ hỏi lại lần thứ hai. Anh ta làm việc như một hệ thống thật là hoàn chỉnh, không bao giờ có một sai số.. Xe đã đến gần nơi tôi phải xuống xe. Tôi nhìn anh lơ xe và nói với anh rằng:

- Anh ơi, anh làm ơn cho em xuống ở Bờ Ông Kiểm. Tôi vừa nói, vừa mỉm cười thân thiện với anh tỏ vẻ thán phục và chiêm ngưỡng anh. Chiếc xe dừng lại, tôi xuống xe, và từ đây tôi sẽ bắt đầu một cuộc hành trình một mình đầy ngoạn mục!

Mặt trời đã vừa qua khỏi hàng cây cau ở tận trong chân vườn, nhưng những hạt sương khuya vẫn còn đọng lại trên cây cỏ. Trước khi đến nhà ngoại tôi, tôi phải lội bộ trên Bờ Ông Kiểm này, và phải băng qua cánh đồng để đi đến tận trong chân vườn bên kia. Sau khi đến tận chân vườn rồi, tôi còn phải đi cặp theo một con sông nhỏ, uốn khúc quanh có nhiều lần, qua bao nhiêu cầu khỉ, rồi phải nhờ xuồng rước qua con sông này, mới vào đến nhà của ngoại tôi được. Trong đầu tôi đã có một bức họa đồ sẵn rồi, bây giờ chỉ cần đi theo nó, mọi việc sẽ ổn thỏa thôi. Tôi hớn hở và thích thú ngắm nhìn cảnh vật của buổi sớm mai chung quanh với tiếng chim hót vui líu lo trong một buổi sáng đẹp trời sắp Tết, hòa lẫn với tiếng dế kêu nỉ non ven bờ ruộng. Hương thơm của lúa từ đồng nội thổi tới với một làn không khí trong mát làm tôi tỉnh táo hơn sau một thời gian khá lâu ngồi trên chiếc xe kia hầu như bị nghẹt thở. Tôi hít mạnh một làn khí trong lành vào, xem như một món quà đầu tiên của vùng đồng quê ngoại, giúp tôi được thêm một ít nhiều năng lực mới chuẩn bị cho một cuộc đi bộ thiệt là xa này. Bờ Ông Kiểm là một trong những con đường chính, để dẫn người trong làng đi ra đồng, cũng để người trong làng ra tỉnh. Bề ngang của nói thật là chật hẹp, độ trên dưới một thước, đường gồ ghề, có chỗ thấp chỗ cao, có chỗ dường như bị đứt đoạn được bắt qua bởi những câu khỉ nhỏ rất khó đi, tôi phải xắn quần lên, và đôi khi phải lội nước xăm xắp ở những chỗ bờ lộ đất thấp bị ngập. Đặc biệt trên bờ đi nầy, người ta trồng nhiều cây chưng bầu, không biết họ trồng từ bao giờ, và trồng để làm gì, có lẽ để tạo bóng mát cho những buổi trưa hè nắng gắt cho khách bộ hành. Từ trên bờ Ông Kiểm, tôi có thể thấy được các bác nông phu, các anh chị, đang cần cù làm việc dưới đồng nội. Thấp thoáng đằng kia một vài bạn mục đồng hát nghêu ngao bài ca vọng cổ của Út Trà Ôn/ Tình Anh Bán Chiếu trong khi những con trâu của chúng đang thích thú gặm cỏ non bên gò đất cao. Một đàn cò trắng vụt bay ngang qua dưới bầu trời xanh biếc. Xa xa nghe vọng lại tiếng chim cu từ một hàng dừa cao đang lung lay theo làn gió, gieo hình dưới bóng nước từ đập ấu của Cậu Hai nhà tôi. Trong giây phút yên tĩnh nầy đây, mọi sự việc dường như lắng đọng lại trong tôi như một khung cảnh thật là yên bình. Ôi! tôi yêu sao cánh đồng quê của quê ngoại.

Tôi tiếp tục thích thú đi men theo bờ đất này, đã đi được nửa đoạn đường của bờ đất, chân vườn càng lúc càng hiện lại gần với tôi hơn. Đang miên man nghĩ đến những người thân mà tôi sắp sửa gặp, bất chợt tôi nghe thấy có người gọi tôi từ dưới cánh đồng ruộng:

- Cậu về chơi Tết và thăm Ông Bà Hai đó hả cậu?

Tôi mới chợt nhận ra người vừa gọi tôi, là cậu Tám thòi  lòi, cậu là một trong người tá điền trước đây của ông ngoại tôi, con người mộc mạc và có thân hình vạm vỡ rắn chắc. Cậu Tám có nước da nâu sậm, chân mày rậm một cách khác thường so với người khác va cái lỗ mũi to thò ra ngoài nhiều hơn một chút, không biết có phải vì thế mà người ta gán đặt cho cậu là Ông Tám Thòi Lòi hay không?!

- Dạ, cháu về thăm Ông Bà Ngoại của cháu.

- Cô Dượng Sáu ngoài chợ cũng khỏe hả cậu?

- Dạ, Ba Mẹ cháu cũng khỏe, cháu cảm ơn cậu. Cậu và mợ Tám và anh Chồn cũng khỏe hả cậu?

- Ờ, mọi người đều khỏe hết. Thằng Chồn nhà nầy, nó cứ nhắc cậu hoài, nó nói rằng, hè rồi cậu có về đây chơi, nó và tụi thằng Chín Sót con chú Bảy Ty có được dịp chơi thả diều với cậu ở Đình Lớn rất là vui, nó mong đợi có dịp gặp lại được cậu... Thôi cậu đi riết về thăm Ông Bà Hai đi, kẻo trời đứng bóng rồi, nắng lắm, và Ông Bà Hai sẽ trông đợi cậu nhiều.

- Dạ, cháu đi đây. Cho cháu gởi lời thăm anh Chồn nhe Cậu.

Tôi tiếp tục đi về hướng chân vườn. Mặt trời đã bắt đầu lên cao mang theo những làn gió mát của đồng quê. Cuối cùng tôi đã đến được chân vườn. Cứ mỗi lần tôi đến đây, là phải ven theo một con đường mòn khác chạy dọc theo hàng giậu của nhà ông Hai Vui ở đầu chân vườn, nơi mà tiếp nối với Bờ Ông Kiểm để đi ra đến đầu mé sông. Trước cửa nhà ông Hai Vui, có trồng một cây mai, cây mai vàng đã nở rộ, một vài còn chim én đang nhảy chuyền từ cành mai này sang cành mai khác. Kế bên nhà ông Hai Vui là một chuồng trâu, hai con trâu đang ngồi nhai rơm một cách miễn cưỡng không màng đến thế sự chung quanh. Mùi khói ung trâu quen thuộc nầy tỏa bay xa làm mắt tôi cay cay. Cứ mỗi lần đi qua đây, nghe mùi khói ung nầy là cho tôi biết ngay rằng tôi đã thật sự về với vùng quê ngoại tôi. Tiếng kêu của chim bìm bịp thỉnh thoảng lại cất lên ở đầu sông. Một vài trái sung rụng xuống bên lề đường còn dấu tích của chim ăn. Cây rơm vẫn cao vòi vọi bên cạnh chuồng trâu với mái lá rêu xanh xiêu vẹo. Khói bếp nhà ai lặng lẽ bay lên, bảng lảng rồi tan biến trên bầu trời xanh biếc. Lòng tôi bồi hồi, xúc động, nao núng không biết phải diễn tả tâm trạng của mình lúc đó như thế nào khi biết mình không bao lâu nữa sẽ gặp lại người thân của mình. Khi ra đến bờ sông, hàng cây cau cao vời vợi trước cửa nhà ông Năm Hù vẫn còn đó. Đi qua nhiều khúc quanh co dọc theo con sông, và phải cực nhọc lắm vừa đi vừa bò qua bao nhiêu cay cầu khỉ, cuối cùng rồi bóng dáng ngôi nhà thân thương của Ngoại tôi hiện ra trước mặt, phía bên kia của con sông. Tôi đứng lại bên đây sông, và gọi to lên:

- Ngoại ơi, rước con qua sông!

Như mọi năm, mỗi khi tôi gọi Ngoại tôi, rước tôi qua sông, Ngoại tôi với giọng trìu mến thân thương từ bên kia sông, vọng lại:

- Còn về đó hả Nghiệp? Cháu thân yêu của Ngoại!

Nhưng lần nầy, tự nhiên tôi thấy lạ. Tôi gọi mãi vẫn chưa nghe tiếng của Ngoại tôi vọng lại. Bỗng chợt một bàn tay nhỏ nhắn lay nhẹ vào bờ vai tôi và khẽ nói:

- Mình ơi, hình như mình đang nằm mơ thì phải? Em nghe mình đang gọi Ngoại ơi,.. Ngoại ơi thì phải?

Tôi giật mình tỉnh giấc và bàng hoàng quay qua bảo với vợ tôi rằng:

- Vâng em. Anh vừa nằm mơ. Một giấc mơ tuyệt đẹp!

Đức Hiệp

Mùng 7, Tết Giáp Ngọ
02/2014

 

 

Add comment

Security code
Refresh

Tìm bài theo vần ABC

No articles to show.